Ca sĩ rex wee người đài loan là ai?

Nhiều người đã đọc tiểu thuyết “Người Tình” (L’Amant), tiểu thuyết nổi tiếng thế giới của nữ văn sĩ người Pháp Marguerite Duras và xem bộ phim cùng tên được chuyển thể từ chính cuốn tiểu thuyết “Người Tình” bởi đạo diễn nổi tiếng Jean-Jacques Annaud. Nhưng còn ít người biết rằng, đó không chỉ là chuyện tình Pháp – Hoa trên đất Việt, mà là chuyện tình Việt – Pháp – Hoa, và hiện tại câu chuyện tình này đang trở thành giá trị văn hoá lịch sử lớn, góp phần phát triển du lịch ở vùng đất miền Tây Nam bộ, trên cả huyền thoại Công tử Bạc Liêu.

Bà Duras thời còn trẻ

Thị xã Sa Đéc (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp) và thành phố Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Tiền Giang) nằm hai bên bờ sông Tiền, cách nhau khoảng 70 cây số. Gia đình chàng trai Huỳnh Thuỷ Lê “anh ở đầu sông” nơi thị xã Sa Đéc đã kết thông gia với gia đình cô Nguyễn Thị Mỹ “em ở cuối sông” bên bờ sông Tiền thành phố Mỹ Tho. Thế nhưng, trong khi gia đình hai bên chuẩn bị cho cuộc hôn nhân thì bất ngờ một cô gái người Pháp (là tác giả của tiểu thuyết “Người Tình”) xuất hiện. Sự xuất hiện của cô gái Pháp tuy có làm chao đảo, nhưng vẫn không làm tổn hại đến cuộc hôn nhân đã hẹn ước ở hai bên sông Tiền, mà sự xuất hiện đó đã là cơ duyên cho sự ra đời sau này một tác phẩm văn học lừng danh trong thế giới Pháp ngữ và trở thành giá trị lớn của vùng đất Tây Nam bộ cho đời sau.

Sự ra đời của một cuốn tiểu thuyết lừng danh

Một ngày cuối năm 1971 giữa thủ đô Paris tráng lệ của nước Pháp. Nữ văn sĩ đang được độc giả nước Pháp và cả thế giới Pháp ngữ yêu mến Marguerite Duras soạn lại các tác phẩm trong một đời viết văn của mình. Nữ văn sĩ 57 tuổi này có thói quen sống lại với các tác phẩm của mình mỗi lần năm cũ sắp kết thúc, năm mới sắp đến. Trước mặt bà là những cuốn tiểu thuyết mà bà đã rút ruột viết ra trong gần 30 cầm bút. Bà Duras dừng lại hồi lâu với cuốn tiểu thuyết L’Amant, bởi nó mang hơi thở của mối tình rất đẹp của bà với một chàng trai người Pháp cũng trong một chiều cuối năm. Bỗng chuông điện thoại nhà bà reo vang, chiếc điện thoại giả cổ theo kiểu Tướng Charles De Gaulle từng sử dụng phát lên những tiếng chuông như tha thiết, như giục giả. Bà Duras chợt thấy hồi hộp, tim đập mạnh, bà cũng không hiểu lý do tại sao, có lẽ tiếng chuông điện thoại trong một chiều cuối năm vang lên giữa tĩnh lặng đã làm rung động trái tim của người phụ nữ nổi danh là đa cảm này. Nhấc điện thoại, bà Duras vẫn còn hồi hộp chờ nghe thông điệp từ bên kia đầu dây. Giọng người đàn ông có vẽ đã lớn tuổi, phát âm không thuật chuẩn giọng Pháp, có thể là người nước ngoài, cụ thể là vùng Đông Á bởi đặc thù của cách phát âm theo lối ngôn ngữ đơn âm. Người đàn ông bên kia đầu dây cũng lịch sự hỏi thăm có phải bà là nữ văn sĩ Marguerite Duras, là câu hỏi mà bà rất thường nghe mỗi khi nhấc điện thoại. Sau khi biết chắc là bà Duras, giọng nói trong điện thoại bỗng trở nên thổn thức hỏi bà: “Bà có nhận ra ai đang nói chuyện điện thoại với bà không?”. Tất nhiên là bà Duras không thể nhận ra, vì đã hơn 40 năm có hơn bà không nghe lại giọng nói ấy, ngày trước là giọng sang sảng của một thanh niên trẻ trung, khoẻ mạnh, giờ là giọng khàn đặc của một cụ già, thỉnh thoảng chen vào tiếng ho sù sụ.

Bà Duras khi đã già

Bà Duras bỗng thấy chân tay run rẩy, đứng không còn vững, khi từ đầu dây bên kia nói rành mạch: “Anh là Huỳnh Thuỷ Lê ở Sa Đéc – Việt Nam 42 năm trước nè, em còn nhớ không?”. Là một nữ văn sĩ rất nhanh nhạy với từ ngữ, tế nhị trong ứng xử, nhưng trước tình huống quá bất ngờ và xúc động, bà Duras không biết phải nói gì, miệng chỉ ấp úng những lời thừa thải: “Ôi, anh Thuỷ Lê, làm sao anh biết số điện thoại của tôi…”. Ông Thuỷ Lê trả lời: “Em là nhà văn nổi tiếng, có khó gì chuyện tìm xin số điện thoại của em”. “Thế anh đang ở đâu, anh từ Trung Hoa gọi cho em phải không?”, bà Duras hỏi. Khi ông Huỳnh Thuỷ Lê trả lời rằng, ông đang gọi điện thoại ngay tại Paris, bà Duras chỉ còn biết thốt lên: “Ôi chúa ơi, cảm ơn chúa đã cho đời con còn có được ngày này, con còn có thể gặp được người đàn ông này”. Họ lặng lẽ đi bên nhau bên bờ sông Seine. Dòng sông thơ mộng chảy ngang qua Paris này thường dành làm nơi hẹn hò của những đôi tình nhân trẻ, còn người lớn tuổi ở Paris thường đi dạo trong những công viên dưới chân tháp Effel. Thế nhưng, bà Duras lại hẹn gặp ông Thuỷ Lê bên bờ sông Seine tình tứ, tất nhiên là có lý do của bà. Ngay khi vừa gặp nhau, ông Thuỷ Lê đã rưng rưng đôi mắt mờ đục của tuổi già và nói: “Anh vẫn yêu em, trọn cuộc đời anh vẫn yêu em”. Bà Duras cũng bất chợt thốt lên những câu nói tương tự. Họ đứng tựa vào nhau, hai mái đầu đã trắng màu sương tuyết nhưng hai trái tim thì vẫn nóng hổi, thổn thức. Dòng sông Seine mùa đông mặt nước lặng lờ trôi, không một gợn sóng, nhưng trong tâm tưởng của đôi tình nhân già đứng trên bờ sông lại ào ạt sóng nước sông Cửu Long, sóng nước đập vào mạn phà Mỹ Thuận chạy ngang dòng sông Tiền, trong một ngày cuối năm nước đổ như thác từ phía thượng nguồn… Cô nữ sinh Marguerite Duras tuổi 15 rời chiếc xe đò Sa Đéc – Sài Gòn, bước xuống phà, đứng tựa vào lan can phà nhìn nước sông Cửu Long chảy siết mang theo những đám lục bình trôi tản mạn. Chàng trai Huỳnh Thuỷ Lê cũng bước ra khỏi chiếc Limuosine màu đen sang trọng tiến đến mạn phà nơi cô gái Tây đang đứng… Để rồi một mối tình dữ dội và lãng mạn đã đến với chàng thương gia người Hoa và cô nữ sinh người Pháp… Chia tay với ông Thuỷ Lê trên bờ sông Seine, bà Duras trở về nhà cả đêm không thể ngủ, hình ảnh mối tình đầu của bà nơi xứ thuộc địa Đông Dương xa xôi cứ ào ạt tràn về như nước sông Cửu Long năm nào. Đối với những người cầm viết, nhất là những nhà văn nữ, những khoảnh khắt cảm xúc cao độ như thế thường cho ra những tác phẩm hay, và bà Duras cũng không bỏ qua cơ hội tuyệt vời này. Cuốn tiểu thuyết “Người Tình” (L’Amant, Nhà xuất bản Les Éditions de Minuit năm 1984) đã ra đời trong hoàn cảnh như thế và nhanh chóng chinh phục độc giả Pháp vốn rất tinh tế với văn chương, ngay sau khi xuất bản nó đả trở thành cuốn sách “best seller” (bán chạy nhất) với 2,4 triệu bản, đoạt giải Goncourt – một giải thưởng danh giá của văn học Pháp. Cuốn tiểu thuyết cũng nhanh chóng được phổ biến rộng rãi trong thế giới Pháp ngữ và trên toàn thế giới, nó đã được dịch ra 43 thứ tiếng, tất nhiên là có cả tiếng Việt, và được dựng thành phim cũng rất nổi tiếng.

Tiếng sét ái tình trên sông Tiền Phà Mỹ Thuận một ngày cuối năm năm 1929. Con đường thiên lý từ Sài Gòn đi về vùng sông nước miền Tây Nam bộ phải qua rất nhiều sông rạch, hầu hết đều đã được bắc cầu, duy chỉ có hai nhánh sông Tiền và sông Hậu của dòng sông Cửu Long rộng mênh mông là vẫn phải “luỵ phà”. Mãi cho đến năm 2000, chiếc phà Mỹ Thuận mới kết thúc vài trò lịch sử của nó khi chiếc cầu Mỹ Thuận – cầu dây văng hiện đại đầu tiên của Việt Nam – nối liền hai bờ sông Tiền. Sau đó 10 năm, phà Cần Thơ cũng kết thúc sứ mạng lịch sử kéo dài gần 100 năm của nó khi cây cầu Cần Thơ lớn nhất nước thông xe. Ngày ấy, vào cuối thập niên 1920, xe đò “lục tỉnh” phải đợi qua phà Mỹ Thuận trung bình 1 giờ/chuyến. Trên chuyến xe đò Sa Đéc – Sài Gòn ngày hôm ấy, giữa những “anh Hai”, “chị Ba” đậm chất nông dân miền Tây đi Sài Gòn, vì một chuyện gì đó, người ta thấy có một cô gái Tây ra dáng nữ sinh với chiếc cặp bên người, mái tóc buộc hai nhánh , đội chiếc nón rộng vành. Xe đò xuống phà Mỹ Thuận, phà rời bến, trên xe tiếng gà vịt lao xao, từng giỏ trái cây chất đầy trên nóc xe. Cô gái Tây rời khỏi xe, đến đứng tựa vào lan can phà, hít thở không khí trong lành, cặp mắt mơ màng nhìn dòng sông Cửu Long “sông dài cá lội biệt tăm”. Cô tên Marguerite Duras, con gái của một bà giáo là hiệu trưởng trường tiểu học ở Sa Đéc. Đó là bà Marie Donnadieu, Hiệu trưởng trường L’ecole Primaire De Jeunes Filles De Sadec, nay là Trường Tiểu học Trưng Vương thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Đây là ngôi trường cổ nhất Đồng Tháp.

Ngôi nhà của ông Huỳnh Thuỷ Lê ở Sa Đéc

Bến phà Mỹ Thuận ngày nay

Quê cô ở tận Paris nước Pháp, sau khi cha mẹ cô chia tay, mẹ cô đã dắt 3 đứa con nhỏ qua xứ thuộc địa Đông Dương để dạy học theo chủ trương truyền bá văn hoá Pháp sang các nước thuộc địa. Đến Sài Gòn, mẹ cô tình nguyện về một tỉnh miền Tây xa xôi để dạy học và bà đã dắt các con đến thị xã Sa Đéc, nơi đó có một ngôi trường tiểu học xập xệ, thiếu thốn mọi bề để dạy học. Thuở ấy ở Sa Đéc mới có trường tiểu học, muốn học cao hơn phải đến Mỹ Tho, Cần Thơ hoặc lên Sài Gòn. Học hết tiểu học, Duras được người mẹ là giáo viên nghèo gửi lên học trung học ở Sài Gòn, nơi bà có người bạn thân làm hiệu trưởng. Duras có 2 người anh, không ai chịu học hành gì nhiều, trong đó có một người bị nghiện hút, là nỗi khổ tâm của mẹ cô, vì vậy người mẹ khắc khổ đã quyết tâm cho đứa con gái út học hành đàng hoàng. Hậu thế phải mang ơn bà Marie Donnadieu rất nhiều, vì nhờ sự quyết tâm của bà cho cô con gái Duras học hành đàng hoàng mà sau này thế giới có một nữ văn sĩ tài năng, đóng góp vảo kho tàng văn học của nhân loại nhiều tác phẩm có giá trị. Trên chiếc phà Mỹ Thuận chạy ngang sông Tiền vào cái ngày cuối năm 1929 tiền định ấy, ngoài chiếc xe đò chạy bằng than đá cổ lỗ nói trên, còn có chiếc xe hơi sang trọng hiệu Limuosine. Thời ấy, vào cuối thập niên 1920, xe hơi nhãn hiệu Limuosine nổi tiếng của Mỹ mới nhập vào Đông Dương chưa tới 10 chiếc, ở miền Tây Nam bộ chỉ có vài chiếc, trong đó công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy cũng tậu một chiếc ngay từ đợt đầu tiên. Chiếc Limuosine màu đen trên chiếc phà Mỹ Thuận qua sông Tiền ngày hôm ấy không phải của công tử Bạc Liêu đang nổi tiếng về ăn chơi trên đất Nam kỳ, mà là của một “công tử” khác cũng trên đất “Nam kỳ lục tỉnh”, nhưng ít giàu có và không nổi tiếng bằng, đó là ông Huỳnh Thuỷ Lê, con trai út của ông chủ chành gạo Huỳnh Thuận giàu có nhất nhì tỉnh Sa Đéc. Là người gốc Hoa, ông Huỳnh Thuận không khởi nghiệp làm giàu bằng ruộng lúa như những đại điền chủ khác ở miển Tây Nam bộ, ông đã tận dụng lợi thế của người Hoa trong kinh doanh thương mại để kinh doanh lúa gạo, cả mua bán trong nước và xuất khẩu. Ông có chành gạo lớn nhất Sa Đéc, nơi tập trung lúa gạo để chuyển đi bán ở Bắc kỳ và Trung kỳ, cũng như đưa về cảng Nhà Rồng để xuất khẩu ra nước ngoài. Phất lên với nghề kinh doanh, xuất khẩu gạo, ông Huỳnh Thuận xây dựng nên những dãy phố sầm uất ở thị xã Sa Đéc để cho thuê, rồi ông về khu người Hoa ở Chợ Lớn xây dãy phố cũng với mục đích cho thuê. Chỉ riêng ở Sa Đéc, ông Huỳnh Thuận đã có hàng trăm căn phố, ông trở thành người giàu có nhất nhì tỉnh Sa Đéc thời đó. Cậu con trai út Huỳnh Thuỷ Lê được ông Huỳnh Thuận chọn nối nghiệp trao cho toàn bộ gia sản. Vì vậy mà ông Thuỷ Lê thường xuyên đi lại giữa Sa Đéc và Sài Gòn để quán xuyến chuyện làm ăn của gia đình bằng chiếc xe Limuosine màu đen sang trọng. Năm ấy ông Huỳnh Thuỷ Lê đã 27 tuổi, nhưng vẫn chưa lập gia đình, thời đó như thế là quá đứng tuổi, là hiện tượng lạ của một đàn ông thuộc gia đình giàu có. Ông Thuỷ Lê lập gia đình trễ là có nguyên nhân của nó, cách đó gần 10 năm gia đình ông đã hứa hôn cho ông với 1 cô gái trẻ, nổi tiếng xinh đẹp ở Mỹ Tho, tên là Nguyễn Thị Mỹ. Bà Mỹ nhỏ hơn ông gần 10 tuổi, vì vậy ông phải đợi cho vị hôn thê “đủ lớn” để làm đám cưới. Trong chuyến đi từ Sa Đéc đến Sài Gòn ngày hôm ấy, ông Thuỷ Lê cũng dự định ghé qua Mỹ Tho để thăm gia đình nhạc gia và nhìn mặt người vợ chưa cưới. Đang ngồi nghĩ ngợi về những thương vụ làm ăn đang chờ đợi ở Sài Gòn và nghĩ cách chào hỏi gia đình nhạc gia ở Mỹ Tho sau vài giờ nữa, bất ngờ ông Thuỷ Lê nhìn thấy một bóng sắc giai nhân nổi bật lên trong đám đông người bộ hành nghèo khó trên phà. Cô gái có nước da trắng, tóc nâu vàng, dáng người cao ráo, có thể cô không phải là người Việt hay người Hoa, mà là người Pháp . Cô gái mặc chiếc đầm màu sáng, đội chiếc nón rộng vành, mặt hướng theo dòng sông, không quan tâm gì đến cảnh xô bồ trên phà. Là người nổi tiếng đứng đắn, không thuộc loại “mèo mả gà đồng”, nhưng hình ảnh cô gái đứng tựa lan can phà nhìn dòng nước chảy xuôi chợt làm trái tim ông Thuỷ Lê rung động. Ông như bị tiếng sét ái tình, như bị thôi miên, đã lặng lẽ mở cửa xe đến đứng bên cô gái. Không nhiều lời, chỉ vài câu “tán tỉnh” của ông Thuỷ Lê, họ bỗng thấy như thân quen từ thuở nào, nhất là khi chợt nhận ra họ cùng ở thị xã Sa Đéc, sống gần nhau “hai nhà cuối phố”. Ông Thuỷ Lê đề nghị và cô gái Duras chấp nhận, cô trở về chiếc xe đò lấy chiếc va li nhỏ và chiếc cặp học trò mang qua chiếc Limuosine màu đen để đi cùng người đàn ông mới quen về Sài Gòn. Tất nhiên là trên quảng đường từ Mỹ Thuận về Sài Gòn, ông Thuỷ Lê cũng đã “quên” ghé lại Mỹ Tho thăm nhạc gia và người vợ chưa cưới như đã dự tính. Sau đó, tình yêu lãng mạn và dữ dội giữa cô nữ sinh trường dòng người Pháp mới 15 tuổi rưỡi và chàng thương gia giàu có người Hoa lớn hơn 12 tuổi đã kéo dài gần 2 năm trong bí mật. Dù yêu nhau đắm đuối, thường xuyên chìm đắm trong sự hoà điệu của đôi trái tim và trong những cơn mê thể xác, nhưng họ không thể công khai mối quan hệ của mình, mà luôn sống trong lo lắng, ngờ vực, sợ hãi… bởi những mâu thuẫn xã hội sâu sắc, giữa sự ngăn cách về chủng tộc và thứ tầng xã hội. Còn có một nguyên nhân quan trọng khác làm ông Thuỷ Lê không thể vượt qua những rào cản vô hình để sống trọn vẹn với tình yêu, đó là cuộc hôn đã hứa hẹn gần 10 năm với 1 cô gái Việt ở thành phố Mỹ Tho. Có thể đối với Marguerite Duras, mọi rào cản đều có thể bị san bằng, bởi cá tính mạnh mẽ và sự “nổi loạn” của tuổi trẻ, nhưng với Huỳnh Thuỷ Lê thì lại khác, nền giáo dục Nho học hàng ngàn đời đã không cho phép chàng vì tình yêu mà vượt qua tất cả những định chế của gia đình, dòng tộc, xã hội. Sau khoảng một năm rưỡi, cuộc tình của họ đã kết thúc trong nước mắt khi ông Thuỷ Lê phải đi đến cuộc hôn nhân đã được an bày từ gần 10 năm trước, còn Duras cùng gia đình lên tàu trở về cố hương bên trời Tây xa xôi. Trước ngày rời Sài Gòn, Duras đã đến ngôi nhà nơi cô từng sống những tháng ngày em đềm bên Người Tình, nhưng ông Thuỷ Lê đang bận lo đám cưới ở tận miền Tây. Sau này khi viết tiểu thuyết “Người Tình”, bà Duras đã kể lại khoảnh khắc này bằng những trang sách đẫm nước mắt: “Khóc mà không để cho mẹ nàng và người anh kế của nàng nhìn thấy nàng đang buồn, không để cho họ nhìn thấy gì hết, là thói quen giữa họ với nhau”. Ngày hôm sau, khi ra bến tàu, Duras cố nấn ná, kiếm tìm trong vô vọng hình bóng người đàn ông đã mang đến cho cô cả niềm hạnh phúc và nỗi khổ đau, cô ước mong được nhìn thấy ông 1 lần cuối cùng trong đời. Duras đâu ngờ rằng, ông Thuỷ Lê đã ra bến tàu tiễn cô, để nhìn thấy cô 1 lần cuối cùng trong đời, nhưng ông không để cô biết, mà đứng lặng lẽ trong con đường nhỏ cạnh bến tàu để làm 1 cuộc chia ly. Thật kỳ diệu, khi chiếc tàu nhổ neo rời bến, Duras cũng đứng tựa vào lan can tàu như đã đứng trên phà Mỹ Thuận ngày nào, mắt hướng vào bờ, nhờ vậy mà cô đã nhận ra ông Thuỷ Lê đứng nép bên chiếc Limuosine màu đen quen thuộc trong con đường khuất để dõi theo bóng tàu. Chỉ vài giây ngắn ngủi, họ thậm chí còn không kịp đưa tay chào nhau, chiếc tàu đã khuất bóng. Ông Thuỷ Lê phải vội vã quay về lo đám cưới, còn Duras lênh đênh trong cuộc hành trình dài 1 tháng rưỡi, với những cơn vật vã do say sóng và với nỗi buồn thiên cổ vì yêu! Bà Duras đã kể lại trong cuốn tiểu thuyết “Người Tình”: “Chiếc xe to lớn của chàng ở đó, dài và đen với người tài xế mặc chế phục trắng đàng trước. Chỗ đó chỉ cách chỗ đậu xe của hãng tàu thuỷ Messageries Martimes một con đường nhỏ, riêng biệt. Đó là điều mà nàng đã nhận ra. Đó chính là chàng ở phía sau, chỉ đủ trông thấy hình dáng, bất động, kiệt sức. Nàng tựa người vào lan can tàu, giống như lần đầu tiên, trên phà. Nàng biết chàng đang nhìn nàng, nàng cũng đang nhìn chàng, nàng không thể nhìn thấy chàng nữa nhưng nàng vẫn nhìn về phía cái hình dáng của chiếc xe đen. Rồi sau cùng thì nàng không thể nhìn thấy nó nữa. Bến cảng nhoà đi, rồi đến đất liền”.

Rơi vào quên lãng Ông Huỳnh Thuỷ Lê trở về Sa Đéc để chuẩn bị cho 1 đám cưới lớn nhất từ trước đến giờ trong cái thị xã nhỏ bên bờ sông Tiền này. Đám cưới giữa ông với cô gái vùng đất “miệt vườn” cây lành trái ngọt Mỹ Tho kéo dài suốt 3 ngày, trở thành ngày hội của người dân Sa Đéc, nhưng trong lòng của chú rể thì như “một nửa hồn tôi chết”. Ngày ông rước cô dâu trẻ đẹp Nguyễn Thị Mỹ từ Mỹ Tho về Sa Đéc ngang qua phà Mỹ Thuận, cô dâu luôn tươi vui trong bộ áo dài vải gấm và bó hoa cưới rực rở, còn chú rể cố giữ nét mặt không biểu hiện cảm xúc. Tình cờ, cô dâu bước xuống xe, cũng đến đứng tựa vào lan can phà để khuây khoả sau đoạn đường dài tù túng trong chiếc Limuosine, ở ngay tại nơi mà cô nữ sinh Marguerite Duras đã đứng ngày trước… Trong tiệc cưới của mình, ông Thuỷ Lê uống thật nhiều rượu, uống như chưa bao giờ ông được uống, mọi người cho rằng vì ông quá vui trong ngày vui của mình, nhưng có lẽ chỉ một mình ông biết là trong những chén rượu chảy tràn có chứa những hương vị gì: hạnh phúc hôn nhân, tình yêu, nỗi buồn, đau khổ… ? Không biết bên trời Tây người con gái có tên Duras có đau buồn kéo dài hay không, còn ở trời Nam, chú rể mới là thương gia Thuỷ Lê đã sớm nguôi ngoai chuyện tình buồn để trở về với công việc quán xuyến toàn bộ sản nghiệp và cơ ngơi làm ăn do cha là ông Huỳnh Thuận giao lại cho đứa con trai út sau khi nó đã thành gia thất. Rồi “chim quyên quen trái nhãn lồng”, ông Huỳnh Thuỷ Lê và bà Nguyễn Thị Mỹ đã trở thành đôi vợ chồng đầm ấm, hạnh phúc hơn người, là hình ảnh mơ ước của bao người dân Sa Đéc và khu người Hoa ở Chợ Lớn. Bà Mỹ đã sinh cho ông Thuỷ Lê tổng cộng 5 đứa con, 3 gái, 2 trai. Họ sinh ra trên nhung lụa, lại được nền giáo dục nề nếp của gia đình, nên tất cả đều thành đạt.

Cô con gái giữa Huỳnh Thuỷ Anh của họ từng là hoa khôi của một trường trung học ở Chợ Lớn, cô về làm dâu của ông Trần Văn Hương, nguyên thủ tướng, phó Tổng Thống, Tổng Thống VNCH sau khi TT. Nguyễn Văn Thiệu từ chức. Hiện tại, các con của ông Lê đều sống ở nước ngoài, trong đó Huỳnh Thuỷ Tiên là GS. TS – Giám đốc Bệnh viện Nhi ở tiểu bang Califonia (Mỹ), Huỳnh Thuỷ Hà là giảng viên trường ĐH Sorbonne (Pháp). Năm 1972, ông Huỳnh Thuỷ Lê qua đời ở tuổi 70, đám tang của ông có ông thông gia là Trần Văn Hương đáp máy bay từ Sài Gòn về đưa tang. Chuyện tình, chuyện cuộc đời của người đàn ông nổi tiếng trên đất Sa Đéc tên Huỳnh Thuỷ Lê tưởng như đã đi vào quên lãng, nếu như 1 năm trước ngày qua đời ông không có chuyến đi Pháp để gặp lại người con gái trên phà Mỹ Thuận năm nào. Cuộc gặp ở Paris, bên bờ sông Siene đã giúp cho tiểu thuyết, sau đó là bộ phim “Người Tình” ra đời. Để rồi từ đó, thị xã Sa Đéc, nơi ông Huỳnh Thuỷ Lê và bà Marguerite Duras từng sống và từng yêu nhau, như được phủi lớp bụi thời gian, trở nên lung linh sống động, trở thành điểm du lịch hấp dẫn của du khách trên khắp thể giới.

Theo Trần Bá Thoại’s Blog

Bài gốc: Bee Gees – Một huyền thoại âm nhạc

Tác giả: Huỳnh Chí Viễn

Đăng ngày 6/3/2003

LỜI MỞ ĐẦU

Đây là một chủ đề mà tớ trăn trở khá lâu trước khi viết vì không biết đặt nó ở đâu cho phải đạo, box âm nhạc thì thiên về nhạc VN, box nhạc rock thì sợ bị chửi là hâm, vả lại tớ cũng đang kẹt một bài viết khá dài hơi bên đó. Box nhạc Pop này thì đôi khi chán quá vì toàn là teen pop. Dạo này thấy có nhiều người có xu hướng quay về với thể loại classic pop-rock, nhất là bác marooned moi cái bài về Bee Gees từ hai năm về trước lên thì ý nghĩa phải viết một bài về nhóm nhạc huyền thoại này lại càng thôi thúc mãnh liệt hơn. Bài viết này xin được gửi tặng cho những người yêu giai điệu tuyệt vời của những năm thập niên 60-70, cho những người chưa nghe nhiều nhưng muốn tìm hiểu về nó và nhất là cho ban nhạc Bee Gees, ban nhạc mà tôi khâm phục về tài năng âm nhạc cũng như nhân cách của họ. Đây cũng là lời tri ân dành cho thành viên quá cố Maurice Gibb của nhóm Bee Gees vừa mất năm nay.

I/ Tôi đã đến với Bee Gees như thế nào?

Dường như giữa tớ và ban nhạc Bee Gees có một mối duyên nợ nào đó. Ngay từ lúc còn rất nhỏ, khi một chữ tiếng Anh bẻ đôi cũng không biết, tớ dã bị cuốn hút bởi giai điệu của một bài hát được một tiệm hớt tóc gần nhà thường mở. Đến mức, mỗi lần được dẫn đi cắt tóc, tớ phải nghe cho bằng được bài hát đó mới ngồi yên không cựa quậy để cho người thợ cắt tóc. Và trở thành thói quen, mỗi lần thấy tớ đến cắt tóc,cô chủ tiệm lại mở cái bài “tạch tèng teng” (đó là cách diễn đạt của tớ, nhái theo điệu nhạc). Chính cô ta cũng không biết tựa của bài nhạc đó là gì, cũng như ban nhạc nào chơi vì thời đó (những năm 86-87) nhạc pop-rock không thịnh hành như bây giờ. Chỉ biết bài đó nằm trong một cuộn băng nhạc Thái Lan hiếm hoi lúc đó. Đến khi cuốn băng đó bị nhão (vì nghe quá nhiều) thì tớ cũng nhất quyết không đến tiệm đó cắt tóc nữa. Nhưng trong lòng tớ thì vẫn không quên được cái bài hát bí ẩn đó. Sau này, trong một lần tình cờ, tớ lại được nghe lại ca khúc đầy ám ảnh này và biết được tên ca khúc là “House of Shame”, một ca khúc của Bee Gees.

Đến khi lên cấp hai, học trường Ngô Tất Tố quận Phú Nhuận, TP. HCM, mỗi ngày đi học trên con đường Lê Văn Sĩ, tớ đều để ý thấy đến một quán cà phê có cái tên là lạ “Bee Gees”. Quán khá cũ, nhưng bề thế, chứng tỏ rằng đã được mở lâu năm, cách bày trí cũng khá ấn tượng. Thế là mỗi lần có dịp đi ngang qua, tớ phải nhìn cái quán ấy và cái tên ấy một lần như một thói quen không thể bỏ, mặc dù chẳng hề biết Bee Gees là cái mô tê ất giấp gì cả.

Khoảng năm lớp 8, tớ bắt đầu làm quen nghe nhạc nước ngoài. Những ai cỡ tuổi tớ bây giờ, chắc không xa lạ gì với cuốn sách nhạc màu xanh dương đậm tổng hợp những bài hát tiếng Anh nổi tiếng do Pham Thi Thơ biên tập. Tớ còn nhớ những bài hát trong cuốn sách đó được thu trong 6 cuốn băng cassette HF bán ở các nhà sách lớn với giá 12.000 đồng/cuốn. Đối với những đứa nhóc lớp tám thì 12.000 đồng thời đó là cả một gia tài chứ không phải là chuyện đùa nên việc sở hữu một cuộn băng là một ước mơ. Tớ may mắn được bố tặng cho cuốn băng số hai nhân dịp sinh nhật, và bài đầu tiên trong cuộn băng ấy lại là một bài của Bee Gees, ca khúc “Reachin’ Out”. Tớ thật sự ấn tượng khi nghe giọng hát và phong cách chơi nhạc hoàn toàn khác những bài trước đó mình hay nghe và bắt đầu mê mẩn với “Reachin’ Out” mặc dù ở nhà vẫn hay gọi đùa đó là “con mèo hát chứ không phải người hát!”.

Rồi dần dần tớ có nhiều cơ hội nghe thêm những ca khúc tuyệt với khác của Bee Gees. Mỗi khi có chút tiền tiêu vặt đầu tuần, tớ lại lục trong đống băng cassette cũ ở nhà xem cuốn nào còn tốt tốt là xách ra tiệm Lê Hải trên đường Lý Chính Thắng nhờ thu giùm mấy cái đĩa của Bee Gees.

Bao nhiêu năm qua, biết bao thay đổi. Teen pop rồi hiphop lên ngôi, bản thân tớ thì chuyển sang ghiền nhạc rock, tớ vẫn không thể nào bỏ được Bee Gees, ban nhạc đầu tiên mà tớ đã từng ngưỡng mộ. Không như những nhóm nhạc khác, Bee Gees cũng như Beatles, càng nghe càng khám phá nhiều điều mới lạ đến thú vị. Mỗi một ca khúc, mỗi một album đều mang một nét độc đáo riêng biệt nhưng cũng rất nhất quán. Đó là thứ âm nhạc không thể nào lầm lẫn được, thứ âm nhạc đầy xúc cảm tuyệt vời mang cái tên Bee Gees.

II/ Tại sao tôi lại yêu Bee Gees?

Có nhiều người bảo tớ rằng thời buổi bây giờ mà còn nghe Bee Gees là không hợp thời, không theo kịp nhịp sống của thời đại. Một số anh bạn nghe rock của tớ thì bảo đã nghe rock mà còn nghe Bee Gees, sến quá! Lúc đầu còn giận, nhưng lúc sau chỉ cười trừ vì hơn ai hết, tớ tin và hiểu được giá trị của những gì mình thần tượng. Nếu những tác phẩm của Victor Hugo hay truyện Kiều của Nguyễn Du ra đời cách đây hàng thế kỉ trước vẫn được nhân loại tôn sùng thì âm nhạc của Bee Gees, một thứ âm nhạc đích thực (tớ không dám bảo là đỉnh cao của nghệ thuật) vẫn sống mãi trong lòng những nguời mộ điệu. Kiếm được một Britney Spears hay một Backstreet Boys thì dễ, chứ tìm được một Beatles hay một Bee Gees thứ hai, tớ e không phải là chuyện dễ dàng, đơn giản bởi vì những gì họ để lại đã trở thành bất tử và mẫu mực của âm nhạc đương đại. Gần đây thôi, trong chương trình tuyển chọn ca sĩ “American Idols” của Mỹ đã có một đêm gọi là Bee Gees Night. Các thí sinh tham dự phải trình bày một trong những ca khúc của Bee Gees và giám khảo chính là Robin Gibb, thành viên của nhóm Bee Gees. Đây là một đặc quyền khá hi hữu vì các ca khúc các thí sinh dự thi thường là những ca khú bất hủ do các tác giả người Mỹ sáng tác vì đây là chương trình của Mỹ trong khi Bee Gees là một nhóm nguời Anh. Và cũng chưa có nhạc sĩ nào được dành cả một đêm riêng cho mình cả. Điều này chứng tỏ sức mạnh của nhóm Bee Gees vẫn còn, tuy không mãnh liệt như thời hoàng kim nhưng vẫn đủ sức đứng vững với thời gian.

Tớ yêu Bee Gees vì một điều không thể chối cãi: tài năng của họ. Trong giới âm nhạc, có bao nhiêu ngôi sao sớm nở tối tàn, được tâng bốc vài năm rỗi chìm hẳn vào quên lãng, trụ được 10 năm đã là một kì công. Nhóm Bee Gees có thể tự hào rằng mình là một nhóm nhạc sống lâu nhất, trải qua nhiều thăng trầm và thay đổi của bô mặt âm nhạc thế giới nhất và cũng là ban nhạc thành công nhất, sau the Beatles. Họ có thể tự hào rằng trong suốt 5 thập niên liên tiếp từ thập niên 60 cho đến nay, không có thập niên nào mà nhóm không có ca khúc lọt vào top 5 bảng xếp hạng. Và vinh dự hơn cả khi nhóm được vinh danh trong hầu hết tất cả những giải thưởng quan trọng về âm nhạc, có tên trong Rock and Roll Hall of Fame, Songwriters Hall of Fame và gần đây nhất là giải Grammy huyền thoại âm nhạc mặc dù Maurice Gibb không còn để tận hưởng vinh dự này.

Tớ yêu Bee Gees vì sự đa dạng trong giai điệu và giá trị văn học trong ca từ của từng bài hát. Với hơn 3000 ca sĩ từng cover lại những tác phẩm của Bee Gees, từ vua nhạc rock Elvis Presley cho đến các boysband thời thượng như Backstreet Boys, hay N’Sync, nhóm đã chứng tỏ được bản lĩnh trong việc sáng tác những ca khúc mê hoặc lòng người. Thậm chí, năm 2001, một số trường đại học của Michigan đã đưa ca từ của những ca khúc “To Love Somebody” và “How Deep Is Your Love” vào trong giáo trình giảng dạy văn học bằng tiếng Anh đương đại. Trước Bee Gees chỉ có mình ca từ của Beatles được chọn để đưa vào sách giáo khoa mà thôi.

Cuối cùng, tớ yêu Bee Gees vì tình cảm gia đình, chất keo kết nối đã giúp họ vượt qua bao nhiêu sóng gió để đứng vững tới ngày hôm nay. Gia đình nhà Gibb là một khối đoàn kết không thể tách rời, tạo nên một sức mạnh vô cùng to lớn. Và bản thân các thành viên của nhóm Bee Gees, mặc dù là những nghệ sĩ nổi tiếng, họ luôn là những nguời chồng, nguời cha mẫu mực trong gia đình. Họ không tạo nên những scandal để thu hút báo giới, cũng như không nhờ vào những chuyện đó mà làm nên danh tiếng cho mình. Bee Gees giữ vững phong độ và sự nổi tiếng bằng tài năng đích thực.

A/ TIỂU SỬ

I/ Thời thơ ấu

Mọi câu chuyện cổ tích hoặc huyền thoại đề bắt đầu bằng cụm từ “Ngày xửa ngày xưa”. Tớ cũng xin được bắt đầu kể về một huyền thoại âm nhạc bằng “Once upon a time…”

1/ Thiên tài và thiên “tai”

Ngày xửa ngày xưa, tại thành phố Manchester của xứ sở sương mù có một tay trống kiêm nhạc trưởng của một ban nhạc tên là Hugh Gibb. Năm 1941, Hugh Gibb quen và yêu cô ca sĩ Barbra Pass. Mối tình của họ kéo dài ba năm, đến năm 1944, hai người cưới nhau và một năm sau, người con đầu tiên của gia đinh nhà Gibb, cô con gái Leslie Gibb ra đời. Sau khi Leslie ra đời, ông Hugh Gibb buộc vợ thôi nghề ca sĩ vì theo ông “Mỗi gia đình chỉ nên có một nghệ sĩ là đủ”. Chính ông cũng không biết rằng gia đình ông sau này lại có bốn cậu con trai mà tất cả đều là những nghệ sĩ nổi tiếng thế giới.

Cuộc sống ở Manchester sau thế chiến thứ hai đầy những khó khăn. Ban nhạc của Hugh Gibb giải thể. Ông phải đưa gia đình đến định cư tại hòn đảo Isle of Man nằm trên eo biển Anh. Mặc dù trên danh nghĩa, Isle of Man thuộc chủ quyền của Anh nhưng nguời dân trên đảo có thủ phủ riêng, chính quyền riêng và hệ thống tiền tệ riêng. Khi đưa gia đình đến Isle of Man, ông Hugh Gibb đã không từ chối bất cứ công việc gì để nuôi sống gia đình từ làm thợ bánh mì, thợ nhiếp ảnh đến việc giao sữa buổi sáng. Ngày 1-9-1946, gia đinh nhà Gibb chào đón thành viên đầu tiên của nhóm Bee Gees, cậu bé Barry Alan Crompton Gibb ra đời trong sự chào đón của cha mẹ và bé Leslie. Có thêm một miệng ăn, công việc của ông Hugh càng thêm vất vả, nhưng không vì thế mà gia đình Gibb bớt hạnh phúc.

Ngày 22-12-1949, bà Barbra lại cho ra đời hai cậu con trai sinh đôi Robin Hugh Gibb và Maurice Ernest Gibb. Robin ra đời trước nên làm anh, Maurice ra đời sau khoảng 30 phút nên làm em. Mặc dù là hai anh em sinh đôi nhưng Robin và Maurice Gibb không giống nhau như những cặp sinh đôi khác.

Gia đình nhà Gibb ở lại đảo Man vài năm rồi quay về Manchester vì ông Hugh nhận được việc làm ở đây. Là một nhạc sĩ, tuy đã bỏ nghề nhưng ông Hugh vẫn luôn yêu âm nhạc. Căn nhà nhỏ bé của ông bà Gibb luôn vang lên tiếng nhạc từ những đĩa nhạc của Mills Brothers và Everly Brothers, những nhóm nhạc mà ông Hugh rất yêu thích. Chính điều này vô tình đã mang lại cảm hứng âm nhạc cho ba cậu con trai nhà Gibb.

Năng khiếu âm nhạc của anh em nhà Gibb được bộc lộ khá sớm khi các chú nhóc hay hát nhái theo những đĩa nhạc của bố. Và điều kì lạ là khi cùng nhau cất giọng thì ba anh em nhà Gibb tự phân bè ba rất tự nhiên và chuẩn xác trong khi không ai trong số họ biết thế nào là hát bè. Maurice thường giữ bè cao, Barry bè chính và Robin bè trầm. Thường thì không ai để ý đến điều này vì các cậu Gibb còn quá nhỏ, cho đến một hôm ông Gibb bố đang tiếp khách ở phòng khách và ba chú Gibb con đang chơi trong phòng ngủ. Bực mình vì tiếng nhạc phát ra từ phòng ngủ, ông Hugh bảo vợ vào “tắt cái máy hát đĩa đi”. Khi bà Barbra bước vào phòng, thì bà hết sức ngạc nhiên khi thấy tiếng hát không phải phát ra từ cái máy hát đĩa mà là từ các con của bà. Từ đó ông bà Gibb bắt đầu để ý đến năng khiếu của các cậu con trai.

Năm lên chín, Barry được bố tặng cho cây guitar đầu tiên trong dịp sinh nhật. Cậu trở nên gắn bó với cây guitar và bắt đầu học những nốt nhạc đầu tiên từ một nguời hàng xóm vốn là lính thuỷ từng đóng quân ở Hawaii. Điều này giải thích tại sao sau này Barry chơi đàn không giống như những tay guitar khác vì cây guitar của anh được lên dây theo giai giai Re trưởng thay vì cách lên dây guitar thông thuờng.

Có cây guitar, Barry, Robin, Maurice Gibb cùng với hai chú nhóc hàng xóm lập nên nhóm nhạc đầu tiên trong đời: nhóm the Rattle Snakes với Barry Gibb chơi guitar hát chính, Maurice Gibb và Robin Gibb hát bè. Nhóm Rattle Snakes từng hay chơi ở các góc phố gần nhà và hay được nguời lớn thưởng tiền xu hoặc bánh mì. Được một thời gian ngắn, nhóm đổi tên thành John Wee Hays and the Blue Cats và Barry Gibb bắt đầu tập viết những ca khúc đầu tiên của mình.

Năm 1957, anh em nhà Gibb được nhà hát Odeon trả thù lao 4 bảng để xuất hiện và hát nhép theo một đĩa hát của Elvis Presley trước giờ mở màn chiếu phim. Trên đường đến rạp hát, do vừa chạy vừa giỡn, cậu út Maurice Gibb vô tình làm rơi cái đĩa hát trong tay xuống đất, cái đĩa vỡ tan tành. Ba anh nhà Gibb thuyết phục người phụ trách để cho mình hay thực sự thay vì hát nhép và được đồng ý. Thật là ngạc nhiên, phần biểu diễn của các chú nhóc lại được khán giả tán thưởng nhiệt liệt. Từ đó nhà hát Odeon bắt đầu mời nhóm đến biểu diễn trước mỗi buổi chiếu phim. Nhờ đó mà gia đình Gibb có thêm một khoảng thu nhập kha khá, phụ vào đồng lương của ông Hugh.

Tuy có tài về âm nhạc, những chú nhóc nhà Gibb lại khá bất trị ở trường. Ba anh em luôn luôn tìm cách trốn học đi dung dăng dung dẻ ngoài đường, thỉnh thoảng lại thó vặt vài món đồ. Đặc biệt Robin Gibb có một cái thú rất kì quặc là thích châm lửa đốt bất cứ những gì mà chú thấy. Có lần Robin đã suýt biến cái giường của mình ra tro khi chất giấy vụn duới gầm giường và châm lửa đốt. Mỗi lần trốn học Robin lại cùng Barry đi tìm những bảng hiệu quảng cáo bằng giấy để châm lửa đốt.  “Cháy nhà ra mặt chuột”, một lần trong khi âm mưu đốt một… chiếc xe hơi, hai ông con nhà Gibb bị cảnh sát tóm gọn. Viên cảnh sát đến gặp ông bà Hugh Gibb và bảo rằng nếu không muốn đưa hai con vào trường cải tạo thanh thiếu niên hư hỏng thì nên tìm một nơi khác cho chúng vì sớm muộn gì cũng đến ngày đó thôi. Bàn tính với nhau, ông bà Gibb quyết định đưa gia đình đến Úc để bắt đầu lại từ đầu. Trước khi ra đi ít lâu, cậu con trai út Andrew (Andy) Roy Gibb của gia đình nhà Gibb ra đời (5-3-1958).

2/ Nổi tiếng “kiểu Úc”

Thành phố đầu tiên mà gia đình Gibb dừng chân khi đến nước Úc là Brisbane, nơi mà ông Hugh Gibb nhận được một chân phóng viên ảnh cho một toà báo. Công việc này đòi hỏi ông phải xa nhà thường xuyên để săn tin và Barry Gibb, cậu con trai lớn nhất bắt đầu trở thành nguời đàn ông trong gia đình. Ngoài thời gian đi học,  Barry còn làm thêm ở một tiệm may để học việc. Trong suốt hơn một năm trời, anh em nhà Gibb không có cơ hội biểu diễn. Giấc mộng ca sĩ của họ tưởng như chấm dứt.

Đến cuối năm 1959, gia đình Gibb dọn đến ở gần trường đua xe Redcliff Speedway, Barry hỏi nguời chủ trường đua rằng liệu cậu và hai em có thể đến biểu diễn trong giờ giải lao giữa các trận đua hay không. Ông chủ trường đua bằng lòng với điều kiện nhóm chỉ biểu diễn mà không có thù lao vì chưa ai trong nhóm đủ tuổi thành niên để ký hợp đồng lao động chính thức cả. Bù lại, nhóm được nhận tiền thưởng từ phía khán giả. Công việc này đã mang lại một khoảng thu nhập kha khá cho gia đình nhà Gibb.

Vận may đầu tiên mỉm cười với anh em nhà Gibb khi tay đua Bill Goode, trong một lần nghỉ giải lao đã đến nghe họ hát. Thực sự ấn tượng, Bill Goode dẫn nhóm lên Sydney để giới thiệu với bạn mình là tay DJ Bill Gates (trùng tên với ông chủ hãng Microsoft nổi tiếng) để ông này nâng đỡ anh em nhà Gibb. Bill Gates đồng ý với điều kiện nhóm phải tìm một cái tên thích hợp để dễ quảng cáo. Sau một hồi chọn lựa cái tên Bee Gees, theo cách đọc hai mẫu tự B và G được chọn làm tên nhóm vì nó đại diện cho Barry Gibb, trưởng nhóm, Bill Goode, nguời có công giới thiệu nhóm, Bill Gates, ông bầu đầu tiên của nhóm, Barbra Gibb, mẹ của ba anh em và quan trọng hơn cả “Brothers Gibb”, anh em nhà Gibb. Bắt đầu từ đó, Bill Gates trở thành ông bầu chính thức của nhóm. Với khả năng của mình, Gates giúp nhóm Bee Gees tìm những hợp đồng lưu diễn ở Sydney và cho nhóm mượn studio của mình để thu âm những ca khúc đầu tiên.

Danh tiếng của nhóm Bee Gees dần dần vượt khỏi phạm vi Sydney đến các vùng khác của nước Úc. Nhận thấy mình không đủ sức nâng đỡ cho nhóm, Bill Gates đã đến bàn với ông bà Hugh Gibb về kế hoạch phát triển tài năng của ba anh em. Cuối cùng, ông Hugh Gibb quyết định nghỉ việc ở toà báo để làm ông bầu cho các con của mình. Bằng kinh nghiệm của một nguời từng hoạt động sân khấu và sự quen biết với giới báo đài, chẳng bao lâu, ông Hugh đã giúp nhóm Bee Gees có một chương trình truyền hình thường xuyên hàng tuần trên TV. Phạm vi lưu diễn của nhóm cũng được mở rộng. Tuy nhiên vấn đề có một hãng đĩa chịu phát hành album của nhóm vẫn chưa được giải quyết.

Công việc lưu diễn bận bịu đã khiến cho Barry Gibb phải rời trường năm 13 tuổi. Hai năm sau, hai cậu em cũng lần lượt nghỉ học để theo nghề ca hát. Đối với nhóm, việc nghỉ học không có gì nghiêm trọng lắm vì anh em nhà Gibb vốn đã không mấy thích trường lớp. Nghỉ học, họ còn có thêm thời gian để học chơi các nhạc cụ và tập trung sáng tác. Ông Hugh Gibb rất tập trung trong việc hướng dẫn các con trong việc biểu diễn. Ông đem hết tất cả kinh nghiệm của mình từ việc cúi chào đến các cử chỉ trên sân khấu để dạy cho nhóm Bee Gees. Nhờ được đào tạo khá bài bản nên mặc dù còn nhỏ tuổi nhưng nhóm đã khá có phong cách của một nhóm nhạc chuyên nghiệp.

Vận may lại đến với Bee Gees trong một lần đi lưu diễn ở Queensland. Nhóm tình cờ ở chung khách sạn với Col Joye, một ca sĩ nổi tiếng của Úc thời đó và ông bầu của anh này Kevin Jacobsen. Barry Gibb đã tìm hai nguời này và thuyết phục họ đến xem nhóm biểu diễn. Kết quả là Kevin đồng ý trở thành ông bầu chuyên nghiệp cho nhóm với một hợp đồng thu đĩa với hãng đĩa lớn nhất của Úc lúc bấy giờ là Festival Records. Cuối năm 1963, đĩa đơn đầu tiên của nhóm Bee Gees “The Battle of the Blue and the Grey/Three Kisses of Love” ra đời với nhãn đĩa Leedon, một hãng con của Festival Records.

Từ năm 1963 đến hết năm 1966, nhóm Bee Gees đã cho ra đời 14 đĩa đơn và 4 album cho hãng đĩa Festival này. Danh tiếng của nhóm ngày càng nổi như cồn vì tài năng sáng tác ca khúc của Barry Gibb và lối hát ba bè độc đáo. Đến đầu năm 1966, Bee Gees trở thành nhóm nhạc hàng đầu của Úc và Barry Gibb vinh dự được trở thành nhạc sĩ trẻ nhất nhận giải thưởng “Sáng tác ca khúc xuất sắc nhất của năm” năm 1966. Mặc dù vậy, bên ngoài Úc, Bee Gees vẫn là một con số không.

Thập niên 60, cả thế giới bị chinh phục bởi làn sóng “Xâm Lược Anh” với những nhóm nhạc như the Beatles, Rolling Stones, the Who… Riêng nhóm Beatles trở thành hình mẫu cho hầu hết các ban nhạc thời ấy noi theo. Bee Gees cũng không ngoại lệ. Nếu nghe các đĩa thời kỳ đầu của Bee Gees, ta có thể nhận thấy được sự giống nhau trong các ca khúc của nhóm với các ca khúc của Bealtes, điều này khiến cho những người hâm mộ tặng cho nhóm danh hiệu là “Beatles của Úc”, còn đối với những kẻ xấu tính, nhóm bị xem như một bản sao không hoàn hảo của Bealtes. Năm 1965, sau khi xem buổi diễn của Beatles ở Sydney, anh em nhà Gibb nung nấu ý định rời khỏi Úc để được nổi tiếng trên trường quốc tế. Đến cuối năm 1966, gia đình Gibb quyết định quay về Anh Quốc để tìm cơ hội cho nhóm Bee Gees.

Chuyến trở về được chuẩn bị khá kĩ càng, ông Hugh Gibb gửi các băng thu thử (demo) của nhóm cho các hãng đĩa danh tiếng của Anh trước ngày về nước, trong đó có cả hãng Apple của Bealtes. Và cũng trước khi trở về, Barry Gibb đã kết hôn với cô bạn gái 16 tuổi của mình Maureen Bates để có thể mang nguời yêu theo cùng.

Đầu năm 1967, cả gia đình nhà Gibb cũng lên con tàu Fairsky để trở về quê hương Anh Quốc, nơi mà những vinh quang và thử thách mơi đang chờ đón họ.

Nhóm Bee Gees xuất hiện lần cuối trên tạp chí Everybody của Úc tháng 10/1966 trước khi trở về Anh​.

Các album của nhóm Bee Gees phát hành ở Úc 1/ the Bee Gees Sing and Play 14 Barry Gibb’s Songs (1965) – Leedon 2/ Monday’s Rain (1966) – Spin 3/ Spicks and Specks (1966) – Spin

4/ Turn Around, Look at Us (1967) – Festival

II/ Con đường vinh quang

1/ Trở về nước Anh

Đầu năm 1967, gia đình nhà Gibb từ giã nước Úc để trở về quê hương Anh Quốc tìm tương lai sáng lạn hơn cho nhóm Bee Gees. Trong thời gian năm tuần lênh đênh trên biển, Bee Gees thỉnh thoảng lại biểu diễn tại phòng khiêu vũ của tàu cho hành khách xem. Vì đã thành danh ở Úc nên mọi người trên tàu hầu như đều biết đến tên tuổi của Bee Gees. Cũng trong thời gian nay,nhóm được tin đĩa đơn cuối cùng của nhóm phát hành trước khi về Anh “Spicks and Specks” đã đứng đầu bảng xếp hạng tại Úc, tin mừng này làm nhóm có thêm tự tin về con đường trước mặt.

Tuy nhiên khi tàu vừa cập bến, lòng kiên nhẫn của nhóm Bee Gees lập tức bị thử thách: nhóm gặp 5 chàng trai ăn mặc giống hệt nhóm Beatles trong bộ phim “Help!”. Khi biết Bee Gees là một nhóm nhạc, họ bảo họ cũng là một nhóm nhạc nhưng không gặp thời, họ bảo anh em nhà Gibb nên quay về Úc vì ở Anh, các nhóm nhạc đã hết thời rồi. Barry Gibb nhớ lại: “Chúng tôi đã dốc hết tiền bạc để trở về Anh. Cả gia đình không còn đủ tiền để quay lại Úc. Ba anh em chúng tôi, mỗi nguời chỉ có hai bảng Anh trong túi. Vì thế tôi quyết định ở lại Anh bằng bất cứ giá nào!”

Trong hai tuần đầu tiên, ông Hugh và nhóm Bee Gees chạy đôn chạy đáo để tìm những hợp đồng biểu diễn trước khi nghe sự trả lời từ các hãng đĩa. Nhưng ở đâu họ cũng nhận được lời từ chối và những lời tiên đoán không mấy sáng sủa về tương lai của nhóm. Có lẽ Bee Gees sẽ phải trở về Úc nếu không có một cú điện thoại làm thay đổi mọi chuyện.

Một hôm, sau một ngày đi tìm hợp đồng thất bại trở về, nhóm nghe bà Barbra báo tin rằng có một nguời tự xưng là Robert Stigwood, phụ tá của Brian Epstein, ông bầu nhóm Beatles muốn mời nhóm đến thử giọng. Ngày hôm sau, nhóm Bee Gees đến studio của Robert Stigwood để hát thử. Sau một hồi chờ đợi, Robert Stigwood cũng đến trong trạng thái mệt mỏi kiệt sức. Ông nằm dài trên ghế, gần như ngủ gục trong khi nhóm Bee Gees gân cổ hát để cố gắng thu hút sự chú ý của ông. Sau khoảng bốn năm bài, Stigwood gật đầu bảo: “Cám ơn, các cậu có thể về!”. Thất vọng não nề, anh em nhà Gibb về bảo với bà Barbra rằng, thế là hết hy vọng. Nhưng thật bất ngờ, tối hôm đó, đích thân Robert gọi lại và đồng ý ký một hợp đồng 5 năm với ban nhạc. Lịch sử nhóm Bee Gees bắt đầu lật sang một trang mới.

Vậy Robert Stigwood là ai? Đó là một nguời đàn ông gốc Úc, đang làm trợ lí cho ông bầu Epsteincủa nhóm Beatles, chủ một hãng đĩa con của hãng đĩa danh tiếng NEMS và hiện làm trợ lí cho nhóm nhạc rock nổi tiếng the Cream của Eric Clapton. Trong sự nghiệp của nhóm Bee Gees, Robert Stigwood đóng một vai trò vô cùng quan trọng góp phần làm nên vinh quang sau này của nhóm. Khi nhận được băng demo của Bee Gees gửi từ Úc, Stigwood với trực giác nhà nghề đã cảm nhận được tiềm năng của nhóm. Để chắc ăn, ông đem băng demo đến hỏi ý kiến của Paul McCartney, thành viên của Beatles. Sau khi nghe xong, Paul bảo: “Ký với họ đi, nhóm sẽ còn lớn mạnh nữa đấy!”. Nhóm Bee Gees sau này mới biết được rằng thái độ hờ hững của Robert hôm thử giọng chỉ là để thử lòng của các chàng trai. Thật ra ông không bỏ sót một động tác nào cả. Chính vì thế ông đã nhận làm ông bầu cho Bee Gees ngay buổi tối hôm ấy.

Yêu cầu của Robert Stigwood là tìm thêm hai thành viên nữa để tạo thành bộ ngũ. Trong tay ông đã có sẵn tay trống nguời Úc Colin Peterson vốn xuất thân từ một diễn viên nhí trước khi cầm dùi gõ trống. Nhóm Gibb lại giới thiệu thêm Vince Melouney, tay guitar mà nhóm gặp trên chuyến tàu về Anh. Vince cũng đến Anh để tìm tương lai cho mình. Như vậy nhóm Bee Gees dưới sự lãnh đạo của ông bầu Stigwood gồm 5 thành viên: Barry Gibb (guitar, ca sĩ), Robin Gibb (ca sĩ), Maurice Gibb (bass, guitar, piano, ca sĩ), Vince Melouney (guitar) và Colin Peterson (trống).

Album đầu tiên của nhóm phát hành cho hãng Polydor, “Bee Gees First” đạt được thành công ngay lập tức với đĩa đơn trích từ album “New York Mining Disaster 1941” có tên trong top 20 trên cả hai bảng xếp hạng Anh và Mỹ. Ca khúc nói về tâm trạng lo sợ của hai nguời thợ mỏ bị kẹt lại trong hầm khi tai nạn xảy ra. Họ hy vọng sẽ có người đến cứu rồi lại sợ rằng mình không còn được gặp vợ con lần cuối. Dân nghe nhạc bán tín bán nghi vì họ không tin rằng những chàng trai vừa mới qua khỏi tuổi thiếu niên lại có thể viết nên những lời ca đầy cảm xúc như thế. Thiên hạ đoán già đoán non rằng đây là nhóm Beatles giả danh vì khi quảng cáo nhóm Bee Gees, ông Stigwood đã chơi chiêu úp mở bảo rằng đây là đĩa đơn mới nhất của nhóm nhạc bắt đầu bằng chữ B và kết thúc bằng chữ S. Năm 1967, nhóm Beatles vừa đạt được thành công vang dội với album “Sgt Pepper’s Lonely Hearts Club Band” nên điều này càng làm cho dân chúng tin rằng “NYMD 1941” là của Beatles.

Đến khi đĩa đơn thứ hai “To Love Somebody” trích từ album tiếp tục leo lên bảng xếp hạng, người ta mới nhận ra rằng Beatles và Bee Gees là hai nhóm khác nhau. Ca khúc “To Love Somebody” vốn được Stigwood đặt hàng nhóm Bee Gees viết cho giọng ca nhạc blues huyền thoại Otis Redding, vốn là một thần tượng của Bee Gees. Rủi thay, Otis chưa kịp thu âm ca khúc mới này thì đã chết trong một tai nạn máy bay. Thế là nhóm quyết định đưa “To Love Somebody” vào album đầu tay của mình. Tính đến nay, ca khúc này là ca khúc thứ hai được cover lại nhiều lần nhất, chỉ sau “Yesterday” của Beatles với hơn 5000 bản cover khác nhau.

Vậy là trong vòng sáu tháng, từ một nhóm nhạc không ai biết tên, nhóm Bee Gees đã có hai đĩa đơn liên tiếp đứng trong top 20 của cả hai bên bờ Đại Tây Dương. Nhóm trở thành một điểm nóng của âm nhạc năm 67, lần lượt xuất hiện trong các chương trình truyền hình danh tiếng Ready! Steady! Go! (Anh), Beat Club (Đức) và Ed Sullivan Show (Mỹ). Công việc lưu diễn và thu âm liên tục làm ảnh hưởng đến gia đình riêng của Barry Gibb. Cuối năm 1967, Barry Gibb và Maureen Bates chính thức ly dị sau một thời gian sống ly thân do Maureen không chịu nổi cảnh chồng mình luôn đi sớm về tối và luôn có những fan nữ cuồng nhiệt bám theo. Trong khi đó, Robin Gibb lại kết hôn với Molly Hullis, thư ký của ông Stigwood và cuối năm 68, Maurice kết hôn với cô ca sĩ người Scotland, Lulu.

Năm 1968, nhóm tiếp tục cho ra đời hai album “Horizontal” và “Idea” với hàng loạt các đĩa đơn có tên trong bảng xếp hạng như “Words“, “I’ve Gotta Get a Message to You“, “I Started a Joke“, “World” và “Massachussetts“. Đặc biệt “Massachussetts” là ca khúc đầu tiên của nhóm giành vị trí đầu bảng ở Anh. Khi nghe được tin này, ông bầu Stigwood đã tập hợp ban nhạc lại mà bảo rằng “Các cậu nghe cho rõ đây, đừng vội cho rằng mình là tất cả với 1 bài hát đứng hạng nhất, khi nào các cậu có 5 bài đứng hạng nhất, tôi mới bảo rằng các cậu đã thành công”. Là người có kinh nghiệm ông biết rằng danh tiếng đối với những cậu trai tuổi đôi mươi là một điều rất nguy hiểm.

Nhân tiện, xin được nói về âm nhạc của giai đoạn 67-68 một chút. Đây là giai đoạn của âm nhạc ảo giác (psychedelic rock) và phong trào hippie phản chiến. Nhóm Bee Gees cũng không nằm ngoài số những ban nhạc chơi psychedelic. Nhưng nét đặc trưng của nhóm là kết hợp giữa psychedelic với dàn nhạc dây làm nên nét riêng của mình. Thế mạnh của nhóm còn là những bản ballad mượt mà mang âm hưởng nhạc folk được thể hiện qua giọng mũi đặc biệt của Robin và giọng ca trầm ấm của Barry (thời gian này, nhóm chưa phát huy khả năng hát bằng giọng mái). Nhóm cũng bắt đầu nhận viết nhạc cho các ca sĩ và nhóm nhạc khác như nhóm Marbles với ca khúc “Only One Woman” xếp hạng nhất…

Ông Stigwood đã nói rất đúng, danh tiếng đến quá sớm làm hư các chàng trai nhà Gibb. Maurice bắt đầu nghiện rượu, Robin và Barry làm quen với ma tuý. Xung quanh họ luôn có những tay nhà báo tìm cách khích bác chia rẽ anh em để có đề tài đăng trên báo. Robin Gibb bắt đầu đâm ra nghi ngờ rằng ông bầu Stigwood dành nhiều đặc quyền cho Barry hơn là mình còn Barry thì xem Robin như một đứa em hỗn hào, bất trị. Mâu thuẫn càng thêm căng thẳng khi nhóm thu album đôi “Odessa” của mình năm 1969. Khi phát hành đĩa đơn đầu tiên giới thiệu cho album, Robin chắc chắn rằng Stigwood sẽ chọn ca khúc “Odessa” do anh hát chính để đưa vào mặt A của đĩa. Robin dặt hết hi vọng vào ca khúc này vì đây là ca khúc được anh đầu tư khá kĩ lưỡng. Không ngờ, đến giờ chót, Stigwood lại chọn “First of May” do Barry Gibb hát chính để đưa vào mặt A đĩa single mới, còn ở mặt B, ông chọn một ca khúc kém hơn của Robin là “Lamplight“. Tức giận, Robin Gibb quyết định rời bỏ nhóm Bee Gees sau khi tuyên bố trên báo đài rằng Robert Stigwood và Barry Gibb là độc tài, phát xít. Không đầy một tháng sau, tay guitar Vince Melouney cũng theo bước Robin đi tìm sự nghiệp riêng. Như vậy trong vòng hai năm, danh tiếng đã suýt đưa sự nghiệp của nhóm Bee Gees đến bờ vực thẳm.

Các album phát hành trong giai đoạn 1967-1969: Bee Gees First (1967) – Polydor. Horizontal (1968) – Polydor. Idea (1968) – Polydor

Odessa (1969) – Polydor

2/ Chia tay và tái hợp

Năm 1969, với những mâu thuẫn nội bộ, cùng với những tác động khác của ma tuý, danh tiếng và những kẻ xấu, Robin Gibb và sau đó là Vince Melouney bỏ nhóm Bee Gees ra đi. Mặc dù mọi nguời đồn đại rằng nhóm Bee Gees sẽ tan rã vì mất đi một giọng ca chính, nhưng Barry, Maurice và Colin Peterson quyết định sẽ tiếp tục mà không cần đến Robin. Để lấp vào khoảng trống, giải pháp tạm thời là để cô chị lớn Leslie hát thay cho Robin, trong khi nhóm thử giọng tìm nguời có chất giọng tương tự với Robin để thay thế. Sau vài tháng chọn lựa, nhóm quyết định chọn Peter Mason vào vị trí vì anh này có chất giọng và ngoại hình khá giống Robin. Tuy nhiên Mason không có khả năng viết nhạc như Robin và quan trọng hơn nữa, giữa hai tay Gibb còn lại và Mason không có mối đồng cảm anh em ruột thịt. Chính tình anh em ruột thịt là chất keo kết nối để cho nhóm Bee Gees vuợt qua bao sóng gió để tồn tại đến ngày nay. Thế là cuối cùng, Peter Mason không được nhập hội.

Với ba thành viên còn lại nhóm Bee Gees cho ra đời album không mấy thành công “Cucumber Castle” và bộ phim truyền hình cùng tên. Tuy nhiên album vẫn cho ra một bài hit đứng hạng nhì bảng xếp hạng là “Don’t Forget To Remember”. Trong thời gian quay bộ phim “Cucumber Castle”, ông bầu Stigwood sa thải tay trống Colin vì thói lề mề hay trễ giờ của anh này. Tức giận, Colin kiện lên toà án đòi bồi thường hợp đồng và quyền sử dụng tên Bee Gees nhưng thất bại. Như vậy nhóm Bee Gees chính thức chỉ còn có hai thành viên: Barry và Maurice.

Sau khi cho ra đời album “Cucumber Castle”, Barry và Maurice đều có những dự án solo riêng. Barry thu âm một album solo mang tên “The Kid’s No Good” nhưng không hiểu vì lí do gì không phát hành. Maurice cũng thu âm album solo “The Loner” nhưng cũng không phát hành. Anh còn nhận lời làm nhà sản xuất phối âm cho album “Sentimental Journey” của bạn thân là tay trống Ringo Starr, nhóm Beatles và xuất hiện trên sân khấu nhạc kịch bên cạnh nữ diễn viên kịch nổi tiếng Barbra Windsor trong vở kịch “Sing a Rude Song”. Đến năm 1970, cái tên Bee Gees chỉ còn tồn tại trên giấy tờ.

Về phần Robin Gibb, sau khi rời nhóm Bee Gees, anh bắt dầu sự nghiệp solo khá hứa hẹn của mình bằng album “Robin’s Reign” được đánh giá cao và single “Saved By the Bell” đứng nhì bảng xếp hạng cùng thời điểm “Don’t Forget to Remember” được phát hành. Vô tình giữa anh em nhà Gibb có sự cạnh tranh gay gắt trên bảng xếp hạng ở cùng một vị trí.

Trong thời gian rời nhóm, Robin cắt đứt mọi liên lạc với gia đình. Điều này khiến ông Hugh Gibb rất tức giận và định đăng báo từ Robin. Đối với người hâm mộ nhóm Bee Gees thì Molly Hullis, vợ của Robin được xem như một Yoko Ono thứ hai vì góp phần làm tan rã nhóm. Tuy nhiên Robin hoàn toàn phủ nhận ảnh hưởng của vợ trong việc nhóm Bee Gees tan rã. Đầu năm 1970, Robin thu thêm một album solo nữa “Sing Slowly Sister” nhưng cũng không hiểu vì sao lại cũng không phát hành. Đến nay, ba album solo không phát hành của ba anh em Gibb trở thành báu vật đối với những Bee Gees fan. Có lần tìm kiếm trên trang web đấu giá Ebay, tớ thấy bản demo của album “The Loner” được chào hàng với giá $1500.

Sau 14 tháng xa cách, cả ba anh em nhà Gibb đều cảm thấy rằng Bee Gees sẽ không còn cách nào tồn tại nếu không có đủ ba anh em vì dường như đó là một số phận khiến họ phải gắn bó với nhau đến suốt đời trong nghiệp ca hát. Dẹp bỏ mọi hiềm khích riêng tư, ba anh em nhà Gibb lại cùng nhau bắt tay với nhau để xây dựng lại nhóm Bee Gees. Rút ra từ những kinh nghiệm bản thân trong những tháng ngày xa cách, anh em nhà Gibb sáng tác hai ca khúc đạt hạng nhất ở Mỹ là “How Can You Mend a Broken Heart?” và “Lonely Days”. Một lần nữa tên tuổi của nhóm Bee Gees lại nằm trên những trang đầu của báo chí. Đó là lần duy nhất anh em Bee Gees tan rã.

Một tin vui nữa đến với nhóm khi ngày 1/9/1970, nhân dịp sinh nhật lần thứ 25 của mình, Barry Gibb tổ chức đám cưới với Lynda Gray, cựu hoa hậu Endinburg với sự tham dự của Robin, Maurice và bạn bè trong giới. Không như cuộc hôn nhân lần trước, Barry và Lynda sống hạnh phúc với nhau đến ngày hôm nay và có với nhau 5 người con (4 trai, 1 gái).

Trong khoảng thời gian 2 năm 1970-71, nhóm Bee Gees tạm thời hưởng vinh quang bằng hai bài hát hạng nhất ở Mỹ và giải Grammy dành cho sáng tác của năm. Nhưng từ sau năm 71, cái tên Bee Gees lại bắt đầu rơi vào quên lãng. Các album “Trafalgar”, “To Whom It May Concern” và “Life in the Tin Can” đều không có tên trên bảng xếp hạng. Nhóm Gibb bắt đầu lưu diễn trong các quán rượu chủ yếu cho những fan hoài cổ, thỉnh thoảng lại xuất hiện trên một vài chương trình truyền hình. Lý do nào khiến cho anh em nhà Gibb bị thất sủng? Từ năm 1972, nhạc glam rock, thể loại chuộng sự màu mè với lối trang điểm sặc sỡ lập dị của ca sĩ được ưa chuộng. Nhóm Bee Gees với hình ảnh nghiêm túc theo kiểu Anh và những ca khúc lãng mạn nhẹ nhàng không còn được ưa chuộng. Thêm vào đó là nhóm vẫn giữ dàn nhạc hoà tấu cồng kềnh khi đi lưu diễn. Điều này vừa tốn nhiều chi phí lại vừa không phù hợp với cơ chế gọn nhẹ với các nhóm nhạc rock. Năm 1973, album “The Kick in the Head is Worth Eigth in the Pants” bị từ chối phát hành do không đạt chất lượng.

Để vực dậy sự nghiệp của nhóm Bee Gees, Robert Stigwood sắp xếp cho nhóm làm việc với nhà xản xuất nổi tiếng nguời Thổ Nhĩ Kì Arif Mardin, bậc thầy trong việc phối âm các album thể loại R’n’B cho những huyền thoại Otis Redding, Aretha Franklin. Việc gặp gỡ Arif Mardin đã làm thay đổi vận mệnh của nhóm Bee Gees. Album “Mr Natural” phát hành năm 1974 do Mardin sản xuất tuy không gây tiếng vang lớn nhưng bắt đầu thấy được sự ảnh hưởng của nhạc R’n’B trong chất nhạc. Cũng trong năm 1974, trong một lần nói chuyện với ngưòi bạn cũ là tay guitar lừng danh Eric Clapton, Eric khuyên nhóm sang Miami (bang Florida) để thay đổi vận may. Chính Eric cũng đang trên đường tìm lại vinh quang cho mình và đạt được thành công ở Mỹ. Thế là đầu năm 1975, gia đình Gibb rời bỏ nước Anh để đến miền đất hứa Florida.

Các album của Bee Gees từ năm 1969 đến 1974: Cucumber Castle (1969) – Polydor

Robin’s Reign (1969) – Polydor (Robin Gibb’s solo album)


The Kid’s No Good (1969) (unreleased Barry Gibb’s solo album)
The Loner (1969) (unreleased Maurice Gibb’s solo album) Sing Slowly Sister (1970) (unreleased Robin Gibb’s solo album) Two Years On (1970) – RSO/Polydor Trafalga (1971) – RSO/Polydor To Whom It May Concern (1972) – RSO/Polydor Life in a Tin Can (1973) – RSO/Polydor

A Kick in the Head Is Worth Eight in the Pants (1973) (unreleased)


Mr Natural (1974)-RSO/Polydor

3/ Tột đỉnh vinh quang

Giai đoạn từ năm 1972 đến 1974 là thời gian nhóm Bee Gees gặp nhiều khó khăn trong sự nghiệp. Điều này khiến cho Maurice Gibb càng lún sâu vào con đường nghiện rượu. Không chịu được cảnh chống say sưa tối ngày, đầu năm 74, Lulu đã nộp đơn xin li di với Maurice Gibb sau hơn 5 năm chung sống, chấm dứt một mối tình được xem là đẹp nhất trong giới nhạc pop lúc bấy giờ. Nhưng rất may cho Maurice Gibb, trong một lần biểu diễn với nhóm, anh để ý đến một cô gái tên Yvonne Spenceley, hiện đang làm tiếp tân tại câu lạc bộ đó. Sau vài tháng hẹn hò, Maurice và Yvonne quyết định làm đám cưới. Cũng như Barry, lần kết hôn của Maurice cũng bền vững cho đến ngày anh mất mặc dù cũng trải qua không ít sóng gió.

Năm 1975, toàn bộ đại gia đình nhà Gibb lại tiếp tục di cư sang đất Mỹ để gây dựng lại sự nghiệp. Với kinh nghiệm và tài năng của mình, Arif Mardin đã hướng nhóm Bee Gees theo một hướng mới, ông khuyên nhóm nên tạm thời gác lại những bản ballad ngọt ngào mang đậm chất Angle mà dấn thân vào thể loại rhythm’n’blues và funky soul vốn đang được ưa chuộng ở Mỹ. Album đầu tiên của nhóm thu âm tại Mỹ “Main Course” dưới sự hướng dẫn của Arif đã cho ra hai ca đĩa đơn đạt hạng nhất ở Mỹ là “Nights on Broadway”  và “Jive Talking”. Đặc biệt là trong khi thu ca khúc “Nights on Broadway”, giọng mái lừng danh của Barry Gibb lần đầu tiên được phát hiện khi Arif Mardin yêu cầu anh hát những câu ứng khẩu (ad libs) theo kiểu nhạc blues ở cuối bài hát cao hơn một quãng tám. Từ đó, giọng mái của Barry Gibb trở nên một đặc trưng không thể thiếu trong các ca khúc kinh điển của nhóm. Chưa đấy hai tháng sau khi phát hành, “Main Course” đoạt danh hiệu đĩa vàng với hàng triệu bản được bán ra trên khắp nước Mỹ. Nguời ta bắt đầu bản tán về sự hồi sinh của nhóm Bee Gees. Không ai có thể ngờ rằng nhóm Bee Gees với những bản ballad sầu muộn đã hoàn toàn lột xác với những giai điệu sôi động mà đôi chân không cưỡng lại được. Vì vắng bóng khá lâu trên thị trường âm nhạc Mỹ nên có người còn tưởng Bee Gees là một nhóm nhạc mới hoàn toàn.

Năm 1976, do hết hợp đồng với nhóm Bee Gees, ông Arif Mardin phải trở về Anh và không thể tiếp tục sản xuất album tiếp theo cho nhóm được. Nhận thấy nhóm đã đủ lớn mạnh để tự sản xuất album cho chính mình, ông Arif khuyên nhóm tự đứng ra sản xuất album “Children of the World” năm 76. So với “Main Course”, “Children of the World” lại là một thành công vượt bậc khác. Album đạt đĩa bạch kim và đĩa đơn “You Should Be Dancing” trở thành trở thành bài hit đứng đầu bảng xếp hạng suốt sáu tuần liền. Được nước làm tới, anh em nhà Gibb tiếp tục tung ra album live đầu tiên của mình mang tên “Here At Last” thu âm trong chuyến lưu diễn vòng quanh nước Mỹ của mình. Lại thêm hai triệu bản nữa được tiêu thụ trong vòng vài tháng. Tên tuổi của nhóm Bee Gees lần này còn toả sáng rực rỡ hơn trên bầu trời âm nhạc.

Không để thành công làm thoả mãn, anh em nhà Gibb tiếp tục lao vào sáng tác ca khúc cho album mới dự định phát hành năm 1977. Nhưng dự định phát hành album mới của nhóm bị hoãn lại khi ông bầu Stigwood gọi điện thoại đến và bảo ông cần khoảng 6 ca khúc để làm sountrack cho bộ phim mới chưa có tựa của ông nói về cuộc sống của các hộp đêm disco ở New York. Mặc dù chưa biết gì về bộ phim này, nhưng anh em Bee Gees cũng nhận lời. Với ba ca khúc “Night Fever”, “How Deep Is Your Love?” và “More Than A Woman” đã viết xong, nhóm viết thêm hai ca khúc nữa là “Stayin’ Alive”, “If I Can’t Have You” và phối lại hai ca khúc đã đạt hạng nhất của mình là “Jive Talkin” và “You Should Be Dancing” và giao cho ông Stigwood. Kỳ lạ thay, nội dung của các ca khúc phù hợp một cách bất ngờ với nội dung của phim. Ông Stigwood quyết định đặt tên cho bộ phim của mình là “Saturday Night Fever” dựa trên ca khúc “Night Fever” của nhóm. Đây là một bộ phim với ngân sách khá thấp, diễn viên không nổi tiếng (John Travolta trước khi tham gia bộ phim này hoàn toàn vô danh), ông Stigwood không hy vọng nó sẽ trở thành một bộ phim đoạt danh thu cao. Nhưng khi phát hành, bộ phim đã trở thành một hiện tượng văn hoá. Tất cả các rạp hát đều bán sạch vé. Khán giả bị chinh phục bởi những bước nhảy tuyệt vời của chàng trai trẻ John Travolta trên nền nhạc Bee Gees. Đặc biệt album sountrack của bộ phim trở thành bộ sountrack bán chạy nhất của mọi thời đại với hơn 40 triệu bản được bán ra. Hiện nay, theo thống kê, hàng năm album “Saturday Night Fever” vẫn tiếp tục bán được 2 triệu bản trên khắp thế giới. Trước thành công của album này, các album sountrack hầu như không được quan tâm. Nhờ album này mà soundtrack album mới được để ý đến như một phần không thể thiếu của các bộ phim.

Một lần nữa điều kỳ diệu xảy ra khi tất cả 5 ca khúc của Bee Gees sáng tác cho album đều lần lượt nối đuôi nhau lên hạng nhất từ tháng 10 năm 1977 đến tháng 1 năm 1978. Đây là lần đầu tiên một nhóm nhạc đạt được một thành tựu ngoài sức tưởng tượng như vậy từ khi nhóm Beatles làm mưa làm gió bảng xếp hạng. Tên tuổi Bee Gees tiếp tục xuất hiện trên trang nhất của báo chí. Các sàn nhảy trên khắp các thành phố lớn đua nhau mở nhạc của Bee Gees. Giải Grammy năm đó, Bee Gees ẵm trọn 5 giải một lượt và mùa hè năm 1978, nhóm vinh dự được nhận ngôi sao mang tên mình trên đại lộ Hollywood.

Nhận thấy thời cơ đã tới, Barry Gibb cùng ông bầu Stigwood quyết định lăng xê tài năng của thành viên nhỏ nhất của gia đình nhà Gibb, cậu út Andy Gibb. Đang ở Úc, Andy được gọi đến Mỹ và ký hợp đồng với ông bầu Stigwood với danh nghĩa một ca sĩ độc lập. Do nhỏ tuổi hơn nhiều so với các anh, nên mặc dù rất muốn trở thành thành viên thứ tư của Bee Gees, Andy Gibb được ông bầu Stigwood khuyên nên trở thành một ca sĩ solo. Album đầu tay “Flowing River” được tung ra năm 77, ngay sau khi nhóm Bee Gees thắng đậm với “SNF” đã đạt đĩa bạch kim và hai ca khúc “I Just Want to Be Your Everything” và “(Love Is) Thicker than Water” lên thẳng hạng nhất. Andy Gibb mau chóng trở thành một teen idol của năm và được giới trẻ vô cùng hâm mộ. Album tiếp theo năm 78 “Shadow Dancing” cũng thành công không kém với đĩa đơn cùng tên đứng hạng nhất. Đó là lần duy nhất trong lịch sử âm nhạc bảng xếp hạng liên tiếp bị “oanh tạc” bởi một gia đình trong suốt hơn một năm trời. Đến mức, Maurice Gibb đã huênh hoang khẳng định với báo giới rằng: “Chúng tôi không có tên trên bảng xếp hạng. CHÚNG TÔI CHÍNH LÀ BẢNG XẾP HẠNG!”

Năm 1978, anh em nhà Gibb lại có hai ca khúc đứng nhất bảng xếp hạng nữa là ca khúc “Emotions” do nữ ca sĩ Samantha Sang trình bày (được Destiny’s Child cover lại năm 2001) và ca khúc nhạc nền cho bộ phim “Grease” do cựu thủ lĩnh nhóm Four Seasons, Frankie Valli trình bày. Khó mà tưởng tượng trong vài năm ngắn ngủi mà thời vận lại ưu đãi nhóm Bee Gees đến như vậy.

Như chỉ giành vừa đủ thời gian để thoả mãn với những gì mình đạt được, nhóm Bee Gees từ giữa năm 78 bắt đầu đặt ra cho mình một mục tiêu mới: “Vượt qua chính bản thân mình”. Với tôn chỉ, chỉ cho ra một album hơn hẳn tất cả những album đã sản xuất, nhóm giam mình trong phòng thu suốt hơn một năm trời để thu âm album xuất sắc “Spirits (Having Flown)” với các ca khúc kinh điển “Tragedy”, “Love You Inside Out”, “Too Much Heaven” và “Reachin’ Out” đều có mặt trong top 5 bảng xếp hạng. Đây là album thành công nhất trong suốt sự nghiệp của Bee Gees với số lượng đĩa bán ra hơn 20 triệu bản trên toàn thế giới. Tour diễn “Spirits” năm 79 bán sạch vé tại tất cả các sân vận động lớn, vượt qua kỷ lục chuyến lưu diễn năm 1971 của siêu nhóm rock Led Zeppelin. Nói tóm lại từ năm 1975 đến năm 1979, Bee Gees là nhóm nhạc bất khả chiến bại trong làng nhạc pop rock với thành công to lớn làm lu mờ tất cả các thành công của các nhóm nhạc đương thời.

Năm 1979 kết thúc một cách đầy ý nghĩa khi nhóm Bee Gees tham gia vào chương trình từ thiện gây quỹ giúp UNICEF cùng với ABBA, Olivia Newton John, Blood, Sweat and Tears, Rod Stewart và Andy Gibb. Chương trình này được truyền hình trực tiếp tại hơn 50 quốc gia trên thế giới với tên Bee Gees được đưa lên làm tiêu đề chính. Nhân dịp này, nhóm Bee Gees còn tặng tất cả tiền bản quyền của ca khúc “Too Much Heaven” cho tổ chức UNICEF để giúp đỡ trẻ em của những nước chiến tranh. Hành động này càng làm cho tên tuổi của Bee Gees thêm sáng chói. Tuy nhiên, không ai biết rằng, nhóm Bee Gees sắp sửa phải đối diện với những ngày tháng khắc nghiệt nhất trong cuộc đời mình…

4/ Tận cùng thất bại

Mặc dù trong thời gian từ năm 75 đến năm 79, tên tuổi của Bee Gees đồng nghĩa với thành công trên bảng xếp hạng nhưng điều đó không có nghĩa là nhóm Bee Gees không gặp phải những thất bại. Và vì danh vọng quá lớn nên thất bại của Bee Gees vấp phải trong thời gian này còn nặng nề so với những lần trước. Thất bại đầu tiên đến với nhóm khi ông bầu Stigwood sản xuất bộ phim “Sgt Pepper’s Lonely Hearts Club Band” dựa trên album nổi tiếng cùng tên của Beatles với sự tham gia diễn xuất của Bee Gees, Peter Frampton, Earth, Wind and Fire, Alice Cooper và Aerosmith. Với thắng lợi không ngờ của “Saturday Night Fever”, ông nghĩ sản phẩm lần này của mình sẽ tiếp tục thành công vì việc tập trung những tay nổi tiếng để hát lại nhạc Beatles là một điều trước giờ chưa ai làm. Tuy nhiên khi bắt đầu bấm máy quay, ông mới nhận thấy ra sai lầm nghiêm trọng của mình. Không một ai có thể thuộc lời thoại và diễn xuất rất vụng về. Hơn nữa cốt truyện lại khá ngây thơ ấu trĩ. Ngay từ những ngày đầu phát hành, bộ phim đã nhận được sự tấn công tới tấp của giới phê bình. Thiên hạ đổ xô đến rạp chủ yếu để xem mặt thần tượng của mình xuất hiện trên phim chứ không phải vì chủ đề của bộ phim. Soundtrack của bộ phim chỉ bán được hơn 300.000 bản, thay vì trên 2 triệu bảng như dự đoán và dĩ nhiên những nhóm nhạc tham gia đóng phim trong đó có Bee Gees bị báo chí moi móc ra trò. Đến nổi sau này khi phỏng vấn ca sĩ Peter Frampton, nguời đóng vai chính trong bộ phim, anh đã trả lời rằng: “Lời khuyên của tôi dành cho những ai muốn xào nấu lại những gì của nhóm Beatles là “Đừng!”, vì những gì Beatles để lại là bất tử”.

Năm 79, nhạc disco bắt đầu đi vào giai đoạn thoái trào. Nguời ta nhận thấy đằng sau những giai điệu rộn rã lôi cuốn của nhạc disco là sự lập lại nhàm chán và không có sáng tạo. Các nhóm disco mọc lên nhiều nhưng không có bản sắc riêng. Tệ hại hơn nữa, nhạc disco làm bùng phát tệ nạn đồng tính luyến ái nam tại các câu lạc bộ disco. Thế là phong trào tẩy chay nhạc disco được phát động, đĩa nhạc disco được chất đống ở các sân vận động để đốt. Vì là người đầu tiên khơi mào cho phong trào disco nên nhóm Bee Gees lãnh đủ tất cả hậu quả. Nguời ta quên hết những đóng góp của Bee Gees cho âm nhạc trong suốt hai thập niên cũng như tài năng đích thực của họ mà chỉ chăm chăm vào cái danh hiệu “disco kings” mà các fan ban tặng cho họ (sau này nhóm Bee Gees rất ghét ai nhắc lại cái danh hiệu “đáng nguyền rủa” đó). Các đài phát thanh ngừng phát nhạc Bee Gees, số lượng đĩa bán ra giảm sút đáng kể. Các đài truyền hình cuối tuần có chương trình “Bee Gees Free Weekend” để bêu xấu nhóm bằng mọi hình thức. Đặc biệt còn có cả một ban nhạc giả hiệu HeBeeGee Bee được lập ra để hát nhái lại những ca khúc thành công của Bee Gees. Năm 1980, ca khúc “Meaningless Songs in Very High Voices” của nhóm này xuất hiện trong top 20 trong một thời gian ngắn. Mới ngày nào, mọi người còn nhảy theo tiếng nhạc của Bee Gees mà chỉ trong một thời gian ngắn, họ trở nên hờ hững đến không ngờ.

Đầu thập niên 80, sau khi album “Living Eyes” (1981) không lọt nổi vào bảng xếp hạng top 40 album và soundtrack “Stayin’ Alive” ăn theo của bộ phim “Saturday Night Fever” không vực dậy nổi tên tuổi của nhóm, Bee Gees quyết định về ở ẩn. Nhưng điều này không có nghĩa nhóm chịu thất bại…

Các album của Bee Gees phát hành trong giai đoạn 1975-1979: Main Course (1975) – RSO/ Atlantic Children of the World (1976) – RSO/ Atlantic And This World War II (soundtrack) (1976) – RSO/Atlantic Here At Last (Live) (1977) – RSO/Atlantic Saturday Night Fever (soundtrack) (1977) – RSO/ Polydor Sgt. Pepper’s Lonely Hearts Club Band (soundtrack) (1978) – RSO

Spirits Having Flown (1979) – RSO/Atlantic

5/ Những năm tháng solo

Thập niên 80 bắt đầu có vẻ không thuận lợi cho anh em nhà Gibb khi phong trào bài disco vẫn còn quá mạnh trên khắp đất Mỹ. Hai album “Living Eyes” năm 1981 và “Stayin’ Alive” năm 1983 đều không đạt được thành công như ý. Trước tình hình trên, nhóm Bee Gees quyết định xa rời thế giới âm nhạc một thời gian để làm nhiệm vụ của người đàn ông trong gia đình. Nhưng không vì thế mà nhóm đoạn tuyệt với âm nhạc. Nếu các đài phát thanh không phát nhạc của nhóm thì Bee Gees vẫn có cách để chứng tỏ rằng âm nhạc của mình luôn có chỗ đứng trong lòng người yêu nhạc.

Năm 1980, Barry Gibb nhận sáng tác và sản xuất album “Guilty” của diva kỳ cựu Barbra Streisand. Album này đạt đĩa bạch kim và là album thành công nhất của BS, với hai giải Grammy năm 81, một cho album của năm, một cho song ca của năm (Ca khúc “Guilty” song ca với Barry Gibb). Album còn có một bài hit bất hủ mà hầu như các fan nhạc pop ai cũng đều biết đến là bản tình ca tuyệt vời “Woman in Love”. Thành công với “Guilty”, Barry tiếp tục sáng tác và sản xuất album “Heartbreaker” cho Dionne Warwick (có bài hit hạng nhất cùng tên). Với album này, tên tuổi của Dionne vụt sáng trở lại trên các bảng xếp hạng sau một thời gian dài vắng bóng.

Năm 1984, Barry Gibb tiếp tục viết nhạc và sản xuất album “Eyes that See in the Dark” cho ông già râu bạc của nhạc đồng quê Kenny Roger. Album lại tiếp tục cho ra lò bài hit hạng nhất “Islands in the Stream” với hơn 25 triệu bảng bán ra trở thành đĩa đơn nhạc country bán chạy nhất cho đến thời điểm đó. Đây là một trường hợp khá đặc biệt vì Barry viết ca khúc này theo phong cách R’n’B để cho Diana Ross hát trong album solo của cô nhưng Diana không thích, anh bèn đưa cho Kenny Roger và Dolly Parton thu âm theo phong cách country. Và thế là một ca khúc R’n’B bị từ chối lại trở thành một bài hit hạng nhất ở thể loại nhạc country. Trong khi đó, album theo thể loại R’nB “Eaten Alive” sáng tác cho Diana Ross (hợp tác cùng Michael Jackson) cũng thành công không kém với hai bài hit quốc tế “Chain Reaction” (được Steps cover lại) và “Experience”. Điều này chứng tỏ rằng, dù được hát bằng giọng ca nào thì các ca khúc của anh em nhà Gibb vẫn có giá trị. Ở cuối thập niên 90, chân lý này lại được chứng minh lại một lần nữa khi các boysband, girlsband đua nhau cover lại các ca khúc bất hủ của Bee Gees và đều đạt thành công nhờ nó.

Tuy nhiên, album solo của Barry Gibb cùng cuốn video “Now Voyager” lại không được thành công như mong muốn mặc dù phần video được đầu tư công phu và tốn kém như một bộ phim thật sự. Có lẽ cái danh hiệu “disco kings” vẫn còn “ám” sự nghiệp của Bee Gees khá nặng.

Robin Gibb tung ra một lúc ba album solo “How Old Are You?”, “Secret Agent” và “Walls Have Eyes” khá thành công ở Châu Âu nhưng ở nước Mỹ, các album này hầu như không chen chân nổi vào bảng xếp hạng.

Maurice Gibb thì hầu như không làm được gì đáng kể ngoài album soundtrack cho bộ phim “A Breed Apart” và một vai diễn nhỏ trong bộ phim “the Supernaturals”. Chứng nghiện rượu của anh, cùng với mặc cảm không nổi tiếng bằng hai người anh đã làm cho tính khí của Maurice ngày càng kỳ quặc. Anh thường về nhà vào lúc gần sáng với tình trạng say khướt và gây gổ với vợ con. Cao điểm trong một lần say sưa không làm chủ được mình, Maurice đã rút súng đòi bắn vợ và hai con. Một lần khác, anh lại suýt chết khi đấu tay đôi với con chó berger của mình do quá say. Chuyện say sưa bê tha của Maurice Gibb trở thành đề tài khai thác của các tờ báo lá cải của Anh thời đó. Có người còn độc mồm dự đoán sự nghiệp của Bee Gees như thế là tiêu tùng.

Nhưng Bee Gees vẫn là Bee Gees mặc cho mọi lời đồn đãi không hay về tương lai của nhóm. Năm 1986, anh em nhà Gibb trở lại phòng thu để thu âm album “E.S.P”. Nhóm còn cộng tác với George Harrison, Elton John và Eric Clapton viết nhạc cho bộ phim hoạt hình “We’re the Bunburys” nữa.

Năm 1987, album “E.S.P” tung ra thị trường với bài hit hạng nhất quốc tế “You Win Again” đã đưa Bee Gees trở về với các bảng xếp hạng ở Châu Âu. Tuy nhiên, ở Mỹ, cả album lẫn single “You Win Again” chỉ đứng hạng 74 trong top 100. Một lần nữa, nước Mỹ tiếp tục lãng quên Bee Gees. Không nản lòng, anh em nhà Gibb trở lại phòng thu để thu âm cho album kế tiếp “One” với dự định đưa Andy Gibb vào thành một thành viên chính thức của nhóm Bee Gees. Nhưng Andy Gibb, như một số phận đã định sẵn không bao giờ trở thành một Bee Gees khi chỉ năm ngày sau sinh nhật lần thứ ba mươi của mình đã từ giã cõi đời sau một cơn đau tim tại nhà riêng của Robin Gibb, hậu quả của ma tuý và rượu chè. Điều này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến nhóm Bee Gees. Maurice Gibb vì quá thương cảm nên lại lấy rưọu để giải sầu. Nhóm đã không đến phòng thu trong suốt một thời gian dài vì không thể chịu đựng được cảnh không có Andy.

Cuối cùng thì album “One” cũng ra đời sau những nỗ lực phi thường của nhóm vượt qua nỗi đau của chính mình. Single cùng tên lên thẳng top five bảng xếp hạng của cả Anh lẫn Mỹ. Nguời ta dự đoán, ca khúc Bee Gees viết để tưởng niệm Andy Gibb “Wish You Were Here” sẽ là một bài hit tiếp theo nếu nó được phát hành thành đĩa đơn. Nhưng nhóm đã quyết định không phát hành đĩa đơn này vì đối với Bee Gees, tình cảm anh em còn quan trọng hơn cả bảng xếp hạng.

Giữa năm 1989, nhóm Bee Gees bắt đầu tour diễn vòng quanh thế giới đầu tiên của mình “One For All” sau hơn 10 năm, kể từ sau tour “Spirits” năm 79. Tour diễn thành công vang dội và cuốn video thu buổi diễn của nhóm tại Melbourne (Úc) trở thành best-seller của năm mở đường cho một thập niên mới đầy thành tựu…

6/ Rắc rối kiện tụng

Đầu thập niên 80 có lẽ là khoảng thời gian xui xẻo nhất của Bee Gees khi nhóm không ngừng vướng vào những vụ kiện tụng bất lợi.

Năm 1980, nhóm Bee Gees đâm đơn kiện ông bầu Robert Stigwood, người đã từng dẫn dắt nhóm trong suốt thời gian mới nổi danh về tội quản lý kém, thất thoát thu nhập và biển thủ tiền của nhóm làm của riêng. Nhóm buộc ông Stigwood phải bồi thường $125 triệu và công ty Polygram của ông bồi thường $75 triệu. Sự kiện này trở thành vụ kiện đòi bồi thường lớn nhất trong lịch sử ngành giải trí. Báo chí được dịp nhảy vào thêu dệt câu chuyện về mối bất đồng giữa Bee Gees và Stigwood. Đáp lại lời cáo buộc, ông Stigwood gọi đó là “trò giật gân rẻ tiền” và đâm đơn kiện ngược lại nhóm Bee Gees tội vu khống và làm ảnh hưởng đến uy tín của ông. Toà xử ông Stigwood được kiện. Tuy nhiên, ông đã xử sự một cách khá cao thượng. Trước những đòi hỏi quá đáng của nhóm, ông chỉ yêu cầu nhóm công khai xin lỗi ông trên các phương tiện truyền thông. Nhận thấy được sai trái của mình, nhóm Bee Gees đã chính thức lên tiếng xin lỗi ông Stigwood trên báo đài và mong được nối lại mối quan hệ thầy trò giữa hai bên. Đến năm 1997, trong buổi nhận giải thưởng “thành tựu trọn đời” của BRIT Awards, Barry Gibb đã thay mặt nhóm trao tặng lại phần thưởng cao quý này cho ông Stigwood với lời tri ân chân thành: “Mr Stigwood, nếu ông không nhận phần thưởng này thì chúng tôi cũng sẽ không nhận nó!”

Vụ bê bối giữa nhóm và ông bầu vừa giải quyết xong thì đến lượt Robin Gibb dính vào vụ ly dị với người vợ của mình là Molly Hullis. Năm 1982, Molly nộp đơn xin ly dị vì lý do Robin bận công việc thu âm và lưu diễn mà không quan tâm chăm sóc gia đình. Molly đòi quyền nuôi hai đứa con và đòi tiền trợ cấp mỗi năm nửa triệu bảng Anh nhưng toà án không chấp thuận vì trong thời gian trước khi nộp đơn li dị, Molly đã sống chung như vợ chồng với một luật sư tại Anh Quốc. Toà xử Robin Gibb được quyền nuôi con và không phải trợ cấp. Đến năm 1985, Robin Gibb lập gia đình lần thứ hai với nguời nữ trợ lý Dwina Murphy của mình sau hai năm chung sống. Như vậy cả ba thành viên nhóm Bee Gees đều trải qua đến cuộc hôn nhân thứ hai mới bền vững.

Cuối cùng năm 1983, nhóm Bee Gees bị kiện về một tội danh mà không ai có thể ngờ tới: đạo nhạc. Nhóm bị tay nhạc sĩ vô danh Ronald Selle ở Chicago kiện vì sao chép ca khúc “Let It End” của tay này thành một trong những bài hits nổi tiếng nhất của nhóm là “How Deep Is Your Love?”. Cả hai bên đều có những chứng cớ thuyết phục. Selle sáng tác ca khúc “Let It End” năm 1975, tức là hai năm trước khi Bee Gees sáng tác “HDIYL?” và đã đóng tiền bảo vệ bản quyền hẳn hoi. Ông này còn gửi bản thu âm ca khúc của mình cho 14 hãng thu âm khác nhau và hầu hết đều bị trả về. Tuy nhiên, không có hãng thu âm nào trong số các hãng nhận băng demo của Selle có liên quan đến nhóm Bee Gees nên việc bảo nhóm Bee Gees “chôm” nhạc của Selle là không có cơ sở. Hơn nữa, Bee Gees lại là những nhạc sĩ đã thành danh, có khá nhiều bài hit nổi tiếng nên càng không có chuyện lấy nhạc của một nhạc sĩ vô danh làm nhạc của mình. Điều kỳ lạ là giữa hai ca khúc này có một sự giống nhau khó giải thích được. Vụ kiện kéo dài lằng nhằng đến nửa năm thì kết thúc. Phần thắng nghiêng về Ronald Selle vì một sai lầm tai hại của Maurice Gibb. Khi toà án đề nghị hai bên nghe lại hai ca khúc để nhận xem ca khúc nào của mình thì Maurice cả ba lần đều nhận lầm Let It End” là “How Deep Is Your Love?”. Nhóm Bee Gees thua kiện và phải bồi thường $300.000 cho Selle. Vụ kiện này làm cho nhóm suy sụp về mặt tinh thần do uy tín bị ảnh hưởng. Tình ngay, lý gian, cũng như vụ George Harrison thua kiện nhóm Chiffon về ca khúc “My Sweet Lord” của mình.

Các album phát hành trong thập niên 80 (bao gồm luôn những album sáng tác cho các nghệ sĩ khác): Barbra Streisand: Guilty (1980) – Polydor/ RSO Living Eyes (1981) – Polydor/RSO Dionne Warwick: Heartbreaker (1982) – Polydor/Atlantic Stayin’ Alive (soundtrack) (1983) – Polydor/ RSO Kenny Rogers: Eyes That See in the Dark (1983) – Atlantic. Robin Gibb: How Old Are You? (1983) – Polydor Robin Gibb: Secret Agent (1984) – Polydor Barry Gibb: Now Voyager (1984) – Polydor Maurice Gibb: A Breed Apart (sountrack)(1984) – unreleased Robin Gibb: Walls Have Eyes (1985) – Polydor Diana Ross: Eaten Alive (1985) – Atlantic Barry Gibb: Hawks (soundtrack) (1986) – Polydor/RSO E.S.P (1987) – Warner Bros

One (1989) – Warner Bros

7/ Thập niên 90 và những sự tưởng thưởng xứng đáng

Như vậy là chúng ta đã cùng nhóm Bee Gees đi qua ba thập niên với nhiều thay đổi trong âm nhạc mà nhóm là nhân chứng của những sự thay đổi đó. Thập niên 90, ba anh em nhà Gibb không còn là những cậu trai trẻ lần đầu tiên tìm vinh quang mà đã trở thành những nguời đàn ông trung niên từng trải và lịch lãm, từng trải qua những giây phút vinh quang cũng như chịu đựng những bi kịch trong suốt những thăng trầm sự nghiệp. Tuy nhiên có một điều không bao giờ thay đổi ở nhóm Bee Gees, đó là sức sáng tạo không ngừng nghỉ và tình anh em bền vững không có gì ngăn cách được.

Sau khi kết thúc tour lưu diễn One For All, đầu năm 90, nhóm Bee Gees lại trở về phòng thu để thực hiện album “High Civilization” với chất nhạc điện tử sôi động hợp thời đại. Album thành công lớn ở Châu Âu với các bài top 20 hits “When He’s Gone”, “Happy Ever After” và “Secret Love”. Đặc biệt ca khúc “Secret Love” lọt vào top 5 ở Anh đã làm cho Bee Gees trở thành nhóm nhạc duy nhất có các bài hit lọt vào top 5 ở Anh trong suốt 4 thập niên liên tiếp. Tour lưu diễn Châu Âu để quảng bá cho album “High Civilization” năm 91 đã tiếp tục đưa âm nhạc của Bee Gees đến với người hâm mộ. Đặc biệt đây là lần đầu tiên nhóm đến diễn tại Berlin với lượng khán giả khổng lồ lên đến 150.000 từ hai miền Đông Đức và Tây Đức đến xem nhóm biểu diễn. Truyền hình Đức nhân dịp này đã thực hiện một chương trình khá công phu về chuyến lưu diễn của Bee Gees mang tên “Nguời Đức và Bee Gees”. Trên thực tế, Bee Gees có một lượng thính giả hâm mộ rất lớn ở Đức và hầu như album nào của nhóm phát hành đều có các hit single lọt vào top 10 của Đức. Đã có lần Robin Gibb nói đùa rằng “nếu bạn tin rằng mỗi nguời đều có một vị thần hộ mệnh thì thần hộ mệnh của nhóm Bee Gees là người Đức”.

Năm 92 trải qua một cách khá lặng lẽ vì Maurice Gibb quyết định đăng kí vào trung tâm cai nghiện rượu để đoạn tuyệt với ma men. Sau bốn tháng trời cai nghiện, cuối cùng Maurice cũng đã chiến thắng được bản thân mình. Việc đầu tiên anh đã làm khi ra trại là tổ chức lại đám cưới với người vợ Yvonne để bày tỏ tình yêu cũng như lòng hối lỗi của mình đối với những lúc thiếu trách nhiệm do say sưa. Đám cưới có sự chứng kiến của Barry, Maurice và hai con của Maurice và Yvonne là Adam và Samantha trong bầu không khí gia đình ấm cúng và hạnh phúc. Và cũng kể từ lúc đó, Maurice không hề đụng đến một giọt rượu nào cho đến cuối đời.

Tuy nhiên, chuyện vui chưa qua thì chuyện buồn lại đến khi ông Hugh Gibb, người cha đã dẫn dắt nhóm Bee Gees trong suốt sự nghiệp của nhóm đã qua đời tháng 3 năm 1992 nhằm đúng ngày sinh của cậu út xấu số Andy Gibb. Trên thực tế, từ sau cái chết của Andy năm 88, ông Hugh Gibb đã hoàn toàn suy sụp vì quá thương con. Cái chết chỉ giúp ông hoàn thành ước mơ được đoàn tụ với Andy Gibb trên thiên đàng.

Năm 93, Bee Gees lại tiếp tục cho ra đời album mới “Size Isn’t Everything” nhằm tưởng nhớ đến người cha quá cố. Album này đánh dấu sự trở lại của Bee Gees trên top 20 của Mỹ với hai ca khúc “Paying the Price of Love” và “For Whom the Bells Toll”. Năm 1994, nhóm được vinh danh trong Songwriters Hall of Fame cùng với những nhạc sĩ nổi tiếng như cặp sáng tác Lennon/McCartney và Burt Bacharac.

Trong suốt ba năm 94, 95, 96, nhóm Bee Gees hầu như không hoạt động gì nhiều ngoài việc tham gia vào một vài chương trình biểu diễn từ thiện và thu âm lại ca khúc “Will You Still Love Me Tomorrow” để tri ân Carole King. Lại một lần nữa có tin đồn rằng nhóm Bee Gees thực sự về hưu vì Barry Gibb trong thời gian này đã phải trải qua những cuộc phẫu thuật kéo dài để chữa trị chứng đau lưng do viêm khớp. Nhưng cũng trong khoảng thời gian này, âm nhạc Bee Gees lại được hồi sinh khi các boysband như Take That, Boyzone, 911 lần lượt cover lại các ca khúc nổi tiếng của Bee Gees và đều đạt được thành công từ những ca khúc đó.

Năm 97 là một năm cực kì quan trọng của nhóm Bee Gees với hàng loạt các thành công to lớn. Album “Still Waters” thật xuất sắc với ca khúc “Alone” lọt thẳng vào top 5 của hai bảng xếp hạng Anh-Mỹ. Nhóm lần lượt nhận các giải thưởng lớn của âm nhạc như giải “Thành công quốc tế” của American Music Awards, giải “Đóng góp xuất sắc cho âm nhạc” của World Music Awards, và giải “Thành tựu trọn đời” của Brit Awards. Nhưng vinh dự lớn nhất đến với nhóm khi chính Brian Wilson, cựu thành viên của Beach Boys, một thần tượng lớn của Bee Gees đã tự tay bỏ phiếu bầu Bee Gees vào vùng đất thánh của nhạc rock, bảo tàng “Rock and Roll Hall of Fame”. Phát biểu cảm xúc khi được vinh danh trong bảo tàng nhạc rock, Barry Gibb không giấu được sự vui mừng: “Được đề cử vào R’n’R Hall of Fame là mơ ước cả một đời của người làm nghệ thuật. Chúng tôi chẳng những được vinh dự chọn vào bảo tàng nhạc rock mà còn được chính thần tượng của mình tuyển chọn. Đối với tôi, không có vinh dự nào có thể so sánh được”. Các đài truyền hình đua nhau làm những chương trình truyền hình đặc biệt về Bee Gees. VH1 thì có “Legends” và “Storytelllers”, BBC có “South Bank Show”, còn CBS thì có chương trình “48 Hours”. Trong năm 97, nhóm Bee Gees lại tiếp tục trở thành khách mời danh dự cho hàng loạt talk shows nổi tiếng của Larry King, Jay Leno… Có cả một thế hệ trẻ đang chờ mong để tìm hiểu về âm nhạc và cuộc đời của Bee Gees. Bên cạnh những boysband, girlbands mới nổi như Backstreet Boys hay Spice Girls, tên tuổi của những cựu chiến binh nhạc pop vẫn toả sáng không hề thua kém.​

Sự trở lại rực rỡ của Bee Gees năm 97 sẽ là thiếu sót nếu không kể đến chương trình kỉ niệm 20 năm ngày bộ phim “Saturday Night Fever” ra mắt khán giả lần đầu tiên. Để đánh dấu sự kiện này, sân khấu Broadway đã dựng vớ nhạc kich “SNF” trên nền những ca khúc đã làm nên tên tuổi của Bee Gees đồng thời giới thiệu ca khúc mới nhất của nhóm “Immortality” (Ca khúc này cũng xuất hiện trong album “Let’s Talk About Love” năm 97 của Celine Dion). Cũng trong năm này, cuốn phim tài liệu “Keppel Road” kể vể cuộc đời và sự nghiệp của anh em nhà Gibb cũng được phát hành. Với vô số những thành công đến dồn dập, Sir Tim Rice, một nhạc sĩ nổi tiếng đồng thời cũng là bạn thân của nhóm Bee Gees đã nói đùa: “Nếu không cẩn thận thì Bee Gees có lẽ còn nổi tiếng hơn lúc trước”.

Tuy nhiên, thành công không bao giờ gọi là đủ với nhóm Bee Gees khi mùa hè năm 97, nhóm lại bắt tay vào thực hiện tour diễn lớn nhất từ trước đến nay của mình trong hơn 1 năm rưỡi trên khắp 4 châu lục. Do tình trạng sức khoẻ của Barry, nhóm quyết định, mỗi thành phố chỉ diễn một đêm thay vì nhiều đêm như trước. Những ai muốn xem nhóm diễn phải đến từ những nơi khác hoặc xem qua chương trình truyền hình cáp theo chế độ pay-per-view. Có lẽ đây là tour lưu diễn huy hoàng và nhiều kỉ niệm nhất của Bee Gees trong suốt sự nghiệp của mình. Tất cả các sân vận động đều bán sạch vé nhiều tuần trước lịch diễn. Tại Dublin, Ronan Keating, thủ lĩnh của boysband đang nổi Boyzone đã cùng trình bày ca khúc “Words” với nhóm. Tại Las Vegas, nhóm Bee Gees một lần nữa lại được Celine Dion cùng hát chung ca khúc “Immortality” mà nhóm đã viết cho cô. Ở Sydney, càng bất ngờ hơn nữa khi tay guitar cũ của nhóm Vince Melouney đã cùng lên sân khấu để chơi lại những ca khúc đã làm nên tên tuổi của Bee Gees trong thập niên 60 như “Massachussetts” và “I’ve Gotta Get a Message to You”. Và đặc biệt là trong tour lưu diễn lần này, nhóm Bee Gees đã nhờ kỹ thuật thu âm tiên tiến để có thể cùng hát với người em quá cố Andy Gibb ca khúc “Our Love (Don’t Throw it All Away)” đầy cảm xúc. Cuốn video thu hình buổi diễn của nhóm tại Las Vegas đã được bán trên 6 triệu bảng, trở thành cuốn video nhạc sống bán chạy nhất từ sau buổi diễn “Hell Freeze Over” của nhóm Eagles. Đĩa CD Live “One Night Only” cũng nhanh chóng trở thành đĩa bạch kim với hơn 5 triệu album bán ra trên toàn thế giới. Trong khi đó, các nhóm nhạc trẻ vẫn tiếp tục cover lại những ca khúc của Bee Gees như một cách nâng cao tên tuổi của mình.

Để đón thiên niên kỉ mới, cũng như những nhóm nhạc và ca sĩ khác, Bee Gees đã tổ chức buổi diễn B2K ở Miami với khoảng hơn 2000 fan trung thành. Dường như không có gì có thể ngăn cản được bước tiến của nhóm trong tương lai của thế kỷ mới.

8/ This is where the Bee Gees came in

Từ cuối thập niên 90, Bee Gees luôn là khách mời của những talk-show nổi tiếng​.

Sau khi kết thúc thiên niên kỷ thứ hai với buổi diễn B2K tại bãi biển Miami, anh em nhà Gibb lại tiếp tục trở về phòng thu để thu album studio thứ 28 của mình “This Is Where I Came In”. Khác với những lần trước, anh em nhà Gibb không làm việc chung với nhau trong một số ca khúc mà sáng tác và thu âm riêng lẽ. Về phần âm nhạc, album này cũng có một số đặc điểm khác so với các album khác. Album mang đậm nét của nhạc rock thời 60, những ngày đầu của sự nghiệp Bee Gees, các nhạc cụ điện tử được sử dụng rất ít và đặc biệt lần đầu tiên kể từ album Main Course năm 1975, anh em nhà Gibb đã không hát bằng giọng mái mà sử dụng chất giọng thật của mình. Có thể đây là một album mang tính về nguồn của Bee Gees trong đó nhóm có cơ hội nhìn lại sự nghiệp của mình qua bao nhiêu thăng trầm. Nguời nghe có thể nghe lại những âm thanh của cây guitar gỗ mà John Lennon đã tặng cho Maurice nhân ngày sinh nhật lần thứ 21 của anh trong các ca khúc “This Is Where I Came In” và “She Keeps Coming Back” đầy chất rock and roll cũng như phiêu lãng một chút với thể loại nhạc swing của những năm 40 với “Technicolor Dreams”, một ca khúc của Barry Gibb viết để tri ân thần tượng Bing Crosby của mình. Tình yêu của anh em nhà Gibb dành cho những người vợ của mình trong suốt bao nhiêu năm tháng cũng được thể hiện qua bản ballad “Wedding Day”. Nói chung, đây là một album mang tính tự sự hơn là thương mại. Tuy không đạt thứ hạng cao ở Mỹ nhưng album vẫn lọt được vào top 5 album ở một số nước Châu Âu.

Tháng ba năm 2001, Billboard ấn hành một ấn phẩm đặc biệt mang tên “Bee Gees: 35 Years of Music” để kỉ niệm sự nghiệp của nhóm. Một tháng sau album “TIWICI” phát hành ở Mỹ và nhân dịp này kênh truyền hình A&E cũng phát hành bộ phim tài liệu dài hai tiếng đồng hồ về tiểu sử của nhóm mang tên “This Is Where I Came In: the Bee Gees’ Official Biography”. Trong bộ phim này, người hâm mộ được xem những thước phim quay anh em nhà Gibb từ khi còn ở Úc, được nhóm bật mí những bí quyết trong cách sáng tác và thu âm cũng như được nghe những gương mặt nổi tiếng như Celine Dion, Toni Braxton, ông bầu Stigwood, nhà sản xuất huyền thoại George Martin của nhóm Beatles nói về nhóm. Cũng trong tháng 4/2001, kênh truyền hình A&E cũng tổ chức một buổi diễn trực tiếp của nhóm Bee Gees tại New York với tiêu đề Live By Request. Khán giả có thể yêu cầu qua điện thoại để nghe nhóm trình bày những ca khúc bất hủ của mình cũng như những ca khúc trong album mới. Đây là một chương trình đầy bất ngờ thú vị khi nhóm nhận được lời chúc mừng qua điện thoại của Bono thủ lĩnh nhóm U2, nhóm N’sync và nhóm Destiny’s Child nhân dịp phát hành album thứ 28. Billy Joel và Elton John mặc dù đang lưu diễn cũng gọi điện đến yêu cầu nhóm Bee Gees hát ca khúc “To Love Somebody”. Càng thú vị hơn khi Barry Gibb cuối cùng cũng đã chịu hát lại một phần của ca khúc “Woman In Love” viết cho Barbra Streisand trong tiếng cười trêu chọc của Maurice Gibb. Khán giả không ai ngờ rằng đó là lần cuối cùng họ nhìn thấy đầy đủ ba anh em nhà Gibb trình diễn cùng nhau.

Tháng 11/2001, nhóm Bee Gees tung ra bộ đĩa đôi The Records: Greatest Hits gồm 40 ca khúc đã lọt vào top ten từ năm 1967 đến năm 2001. Đặc biệt trong album này có bốn ca khúc mà Bee Gees viết cho các ca sĩ khác nay được hát lại bằng chính giọng của nhóm là: Emotions (viết cho Samantha Sang năm 1977), Heartbreaker (viết cho Dionne Warwick), Islands in the Stream (viết cho Kenny Rogers) và Immortality (viết cho Celine Dion). Album nhanh chóng đạt đĩa bạch kim sau khi phát hành vài tháng.

Tháng 12/2001, Robin và Maurice ăn mừng sinh nhật lần thứ 52 của mình bằng vinh dự không ngờ: nhóm Bee Gees được nữ hoàng Anh trao tặng huy chương CBEs (Commanders of British Empire) do những đóng góp cho nền âm nhạc Anh Quốc. Huy chương này cao hơn huy chương MBEs (Members of British Empire) của nhóm Beatles một bậc. Như vậy ở một mức độ nào đó, nhóm Bee Gees đã đạt được tất cả những danh vọng mà Beatles đạt được và đây là ban nhạc thứ hai được nữ hoàng Anh tặng huy chương. Nhóm cũng là những nhân vật nổi tiếng còn sống hiếm hoi được bưu điện phát hành bộ sưu tập tem in hình nhóm năm 1998 sau nữ ca sĩ Barbra Streisand.

Năm 2002 trôi qua khá lặng lẽ vì nhóm quyết định nghỉ ngơi một thời gian trước khi phát hành album mới. Maurice Gibb để thời gian theo đuổi môn thể thao paintball yêu thích của mình. Barry ký hợp đồng sản xuất và cho phép hãng Warner Bros/Chapell sử dụng bản quyền các ca khúc của mình trong khi Robin Gibb trở về phòng thu để thu âm album solo “Magnet” của mình. Lần này, Robin không trực tiếp sáng tác ca khúc cho mình mà sử dụng những nhạc sĩ vô danh sáng tác vì anh muốn tạo điều kiện cho những tài năng trẻ phát triển. Chất nhạc của album cũng không còn mang chất Bee Gees mà mang đậm chất hiphop và R&B thời thượng. Có lẽ trong ba anh em nhà Gibb, Robin là người “chịu khó” thay đổi phong cách nhiều nhất. Tháng 12/2002, Barry Gibb trở thành thành viên đầu tiên của Bee Gees lên chức ông nội khi bé Nina Lyn Levas Gibb, con đầu lòng của Stephen Gibb chào đời. Đại gia đình nhà Gibb lại có thêm một thành viên.

Năm 2003, dự định quay trở về studio để thực hiện một album mới đã vĩnh viễn không thể thực hiện được khi ngày 10/1/2001, Maurice Gibb được đưa vào bệnh viện Mount Sinai cấp cứu sau một cơn đột quỵ do viêm ruột cấp tính. Ngày 11/1, nguời phát ngôn của Maurice đã trấn an các fan hâm mộ bằng cách báo tin tình trạng sức khoẻ của Maurice đã tiến triển theo chiều hướng tốt nhưng chỉ một ngày sau, Maurice Gibb, thành viên nhỏ tuổi nhất của gia đình nhà Gibb đã vĩnh viễn ra đi trong một cơn đau tim khi đang phẫu thuật. Đây là một cú sốc lớn đối với gia đinh nhà Gibb vì sức khoê của Maurice trước giờ vẫn rất tốt, không hề có triệu chứng gì. Barry và Robin thậm chí còn đòi tìm ra sự thật vì tin rằng đây là một sai lầm của bệnh viện.

Tang lễ của Maurice Gibb được tổ chức đơn giản và kín đáo hơn nhiều so với tưởng tượng. Khách viếng tang, ngoài gia đình nhà Gibb chỉ có những người bạn lâu năm như ca sĩ Olivia Newton John, tay guitar huyền thoại Eric Clapton, Michael Jackson, ca sĩ Harry Casey của nhóm KC and the Sunshine Band và ông chủ trước đây của hãng Sony Tommy Mottola. Barry Gibb vì quá đau buồn nên đã không xuất hiện trong tang lễ cho đến khi gần kết thúc. Các đầi truyền hình cũng không thu được gì đáng kể khi mọi lời phỏng vấn đều bị từ chối. Mười ngày sau cái chết của Maurice Gibb, Barry và Robin Gibb tuyên bố cái tên Bee Gees cũng chết theo Maurice Gibb mặc dù trong tương lai, hai thành viên còn lại của nhóm vẫn có thể thu âm cùng nhau.

9/ Và tương lai…?

Sự ra đi đột ngột của Maurice Gibb đã làm tê liệt tinh thần của toàn bộ gia đình nhà Gibb. Mười ngày sau cái chết của Maurice, hai người anh Barry và Robin Gibb đã tuyên bố rằng cái tên Bee Gees cũng chết theo Maurice Gibb vì Bee Gees không thể tồn tại nếu thiếu Maurice. Tuy nhiên, hai tay Gibb còn lại vẫn khẳng định rằng mình sẽ tiếp tục sáng tác, thu âm và biểu diễn với một cái tên khác. Ngày 23 tháng 2 năm 2003, Barry và Robin Gibb đã cùng xuất hiện trên sân khấu tại buổi trao giải Grammy cùng với con trai của Maurice Gibb là Adam để nhận giải Grammy Legend Award. Adam Gibb đã thay mặt nguời cha quá cố của mình để nhận lại phần thưởng từ tay Barry Gibb với lời phát biểu: “Tôi nghĩ rằng cha tôi trên thiên đàng giờ này cũng sẽ hãnh diện vì vinh dự mà nhóm Bee Gees đã đạt được”. Đó là lần cuối cùng Barry và Robin xuất hiện cùng nhau trước công chúng. Cũng trong tháng hai năm 2003, hiệp hội phát thanh của Anh (UK Radio Academy) và giải thưởng Âm nhạc tiểu bang Florida đều có giải thưởng để tưởng thưởng sự đóng góp cho âm nhạc của Bee Gees nhưng cả Barry Gibb và Robin Gibb đều không xuất hiện tại buổi lễ trao giải. Có lẽ sự mất mát quá lớn đã làm cho các giải thưởng không còn có giá trị.

Tuy nhiên, tháng 3 năm 2003, Robin Gibb đã biến đau thương thành hành động khi quyết định tiếp tục chương trình quảng bá cho album mới Magnet của mình ở Châu Âu. Ngày 11 tháng 4, Robin tuyên bố sẽ góp 50 cents bán được từ mỗi bản của album mới để giúp đỡ trẻ em Iraq bị ta nạn do chiến tranh. Ngày 6/5, Robin lại xuất hiện trong chương trình truyền hình American Idols của hãng truyền hình Fox với tư cách giám khảo cho buổi thi đặc biệt mang tên “Bee Gees’ Night”. Barry Gibb cũng được mời làm giám khảo nhưng đã từ chối do vẫn chưa nguôi được nổi buồn mất Maurice.

Ngày 18/6/2003, trả lời phỏng vấn tại Madrid, Tây Ban Nha, Robin Gibb lại khẳng định rằng anh và Barry đã quyết định tiếp tục thu âm với cái tên Bee Gees như một cách để tưởng niệm Maurice và album mới của Bee Gees dự định sẽ ra mắt trong năm 2004. Anh nói: “Khi Maurice qua đời, vì quá đau đớn nên chúng tôi đã nói nhiều điều mà không suy nghĩ. Tuần tới tôi sẽ trở về Miami gặp Barry để bàn về kế hoạch thu âm album tiếp theo. Bee Gees đã từng là một cặp song ca và sẽ tiếp tục là một cặp song ca. Tôi nghĩ rằng trên thiên đàng, Maurice cũng sẽ hài lòng với quyết định của chúng tôi”.

Tin mới nhất: Ngày 27/6/2003 vừa qua, Barry và Robin Gibb đã làm việc với những nhà viết nhạc kịch nổi tiếng khu West End, Broadway với ý định dựng một vở nhạc kịch dựa trên các ca khúc bất hủ của Bee Gees. Như vậy sau “Mama Mia” dựa trên nền nhạc của ABBA, “We Will Rock You” của Queen, nguời yêu nhạc sẽ tiếp tục được thưởng thức những ca khúc đã làm nên tên tuổi Bee Gees dưới hình thức nhạc kịch cũng như chờ đợi album tiếp theo của nhóm năm 2004, album đầu tiên không có sự góp mặt của Maurice Gibb. Riêng cái tên Bee Gees vẫn luôn xứng đáng là một huyền thoại trong thế giới âm nhạc, cho dù trải qua bao sóng gió mất mát, nhóm Bee Gees vẫn đứng vững để cống hiến cho nguời mộ điệu những ca khúc bất hủ vượt thời gian.

Các album của Bee Gees phát hành từ năm 1990 đến nay: The Very Best of the Bee Gees (1990) – Polydor. Tales From the Brothers Gibb: A History in Songs – 1967-1990 (4 CDs Box Set) (1990) – Polydor. High Civilization (1991) – Warner Bros. Bunbury Tails (with Eric Clapton, George Harrison and Elton John) (1992) – Polydor. Size Isn’t Everything (1993) – Polydor. Still Waters (1997) – Polydor. One Night Only – Live Album (1998) – Polydor. This Is Where I Came In (2001) – Polydor. The Records (Double Album) (2001) – Polydor.

Magnet (Robin Gibb’s solo album) (2003) – Polydor

Một chút thành tích

Trong suốt sự nghiệp âm nhạc của mình, nhóm Bee Gees đã gặt hái được vô số giải thưởng cũng như danh hiệu và có thể nói nếu tính về mức độ thành công với tư cách một ban nhạc, Bee Gees chỉ đứng sau Beatles. Sau đây là một số thành tích đã được công nhận của Bee Gees:

* Bee Gees được xếp hạng 4 trong số 5 nhóm nhạc/ca sĩ thành công nhất trong lĩnh vực thu âm bao gồm: Beatles, Elvis Presley, Michael Jackson, Bee Gees và Paul McCartney. * Nhóm có trên 60 đĩa single lọt vào bản xếp hạng từ năm 1967. * Được 16 lần đề cử giải Grammy (8 lần trúng cử, tính đến 2003). * 10 giải thành tựu trọn đời của AMA, Brits Awards, WMA. * Hơn 150 album/singles (bao gồm cả những album sáng tác và sản xuất cho các nghệ sĩ khác) đứng nhất bảng xếp hạng. * Là những nghệ sĩ duy nhất có các #1 hits single tại Anh trong suốt 4 thập kỷ: 60,70,80 và 90. * Viết và sản xuất 6 bài hits lên thẳng hạng nhất bảng xếp hạng. * Là nhóm duy nhất trừ Beatles có 5 bài thay phiên nhau đứng trong top 10 bảng xếp hạng trong vòng hơn 1 năm. * Barry Gibb đã được đưa tên vào sách Guinness với danh hiệu nhà sản xuất thành công nhất với 14 bài #1 hits. *Có tên trong Songwriters Hall of Fame và Rock and Roll Hall of Fame. *Có ngôi sao trên đại lộ Walk of Fame của Hollywood. * Album Saturday Night Fever trở thành album soundtrack bán chạy nhất mọi thời đại với hơn 40 triệu bản được bán ra. * Các ca khúc của nhóm đã được trên 1000 ca sĩ/nhóm nhạc cover lại từ Elvis Presley, Janis Joplin đến Destiny’s Child, N’Sync.

* Là nhóm nhạc thứ đầu tiên, trừ Beatles được trường đại học sử dụng ca từ trong các ca khúc để giảng dạy trong giờ văn học Âu Mỹ hiện đại.

Các album đoạt danh hiệu đĩa vàng và bạch kim:

Tính đến nay, nhóm Bee Gees đã bán được khoảng hơn 200 triệu bản đĩa trên khắp thế giới (tất nhiên là không tính đĩa in lậu) và mỗi năm vẫn bán được đều đều 2 triệu album. Đây là một kì tích mà khó có nhóm nhạc có thể làm được. Dựa theo cách tính cứ 1 triệu bản đĩa bán ra của một album được chứng nhận là một album vàng, 2 triệu bảng trở lên được tính là album bạch kim và trên 4 triệu bảng được gọi là đa bạch kim (multiplatinum) thì những album sau đây của Bee Gees (tính cả những album sáng tác và sản xuất cho các ca sĩ khác) đạt danh hiệu:

Đĩa vàng: * Best of the Bee Gees (1969) * Main Course (1975) * Bee Gees Gold (1976) * Samantha Sang: Emotion (1978) * Andy Gibb: After Dark (1980) * Dionne Warwick: Heartbreaker (1982) * Size Isn’t Everything (1993)

* This Is Where I Came In (2001)

Đĩa bạch kim: * Children of the World (1976) * Here At Last (live) (1977) * Andy Gibb: Flowing Rivers (1977) * Andy Gibb: Shadow Dancing (1978) * Stayin’ Alive (1983) * ESP (1987)

* Still Waters (1997)

Đĩa đa bạch kim: * Saturday Night Fever (1977) * Sprits (Having Flown) (1979) * Barbra Streisand: Guitty (1980) * Kenny Rogers: Eyes that See in the Dark (1985) * The Very Best of the Bee Gees (1990) * One Night Only (live) (1998)

* The Records (2001)

Bảng xếp hạng:

Có thể nói Bee Gees là một cái tên rất quen thuộc trên bảng xếp hạng. Từ khi bắt đầu thâm nhập làng nhạc thế giới cho đến nay, hầu như không có năm nào mà trên bảng xếp hạng lại không có ca khúc của Bee Gees (tự trình bày hoặc được các nghệ sĩ khác trình bày). Thậm chí có nhiều tác phẩm đã làm nên tên tuổi của nhóm từ trước, nay được các nghệ sĩ trẻ trình bày lại vẫn tiếp tục xuất hiện trên bảng xếp hạng. Sau đây là toàn bộ các ca khúc của Bee Gees từ năm 1967 đến năm 2002 có tên trên bảng xếp hạng của Anh (trước) và Mỹ (sau).

New York Mining Disaster 1941/1967, 12-14 To Love Somebody/1967, 7-11 Holiday/1967, 20-14 I Can’t See Nobody/1967, 34-( ) Massachussets/1968, 1-11 World/1968, 8-( ) Words/1968, 8-15 The Singer Sang His Song/Jumbo/1968, 24-57 I’ve Gotta Get a Message to You/1968, 1-8

Only One Woman (the Marbles)/1968, 6-( )

I Started a Joke/1968, ( )-6

To Love Somebody (Nina Simone)/(1969), 2-( )

First of May/1969, 6-37 Tomorrow, Tomorrow/1969, ( )-54 Saved By the Bell (Robin Gibb)/1969, 2-( ) Don’t Forget to Remember/1969, 2-73

The Wall Fell Down (the Marbles)/1970, 28-( )

Lonely Days/1971, 33-3 How Can You Mend a Broken Heart?/1971, ( )-1 Run to Me/1972, 9-16 My World/1972, 16-16 Jive Talkin’/1975, 5-1 Nights on Broadway/1975, ( )-7 You Should Be Dancing/1975, 5-1 Love So Right/1976, 41-3

If I Can’t Have You (Yvonne Elliman)/1976, 6-14


I Just Want to be Your Everything (Andy Gibb)/1977, 26-1
Love Is Thicker than Water (Andy Gibb)/1977, ( ) -1
Nights on Broadway (Candi Staton)/1977, 6- ( ) How Deep Is Your Love?/1977, 3-1 Stayin’ Alive/1977, 3-1 Night Fever/1977, 1-1

If I Can’t Have You (Yvonne Elliman)/1977, 4-1

More than a Woman (Tavares)/1977, 32-7

Emotion (Samantha Sang)/1978, 11-3


Shadow Dancing (Andy Gibb)/1978, 42-1
An Everlasting Love (Andy Gibb)/1978, 10-5
Our Love (Don’t Throw It All Away) (Andy Gibb), 32-9
Grease (Frankie Valli)/1978, 3-1 Oh! Darling/1978, 3-14 Too much Heaven/1978, 3-1 Tragedy/1979, 1-1 Love You Inside Out/1979, 12-1

Desire (Andy Gibb)/1980, ( ) -4


Hold On to My Love (Jimmy Ruffin)/1980, 7-10
Woman In Love (Barbra Streisand)/1980, 1-1
Guilty (Barbra Streisand & Barry Gibb)/1980, 3-1
What Kind of Fool (B.S & Barry Gibb)/1980, ( ) -10 He’s A Liar/1981, ( ) -30

Heartbreaker (Dionne Warwick)/1982, 2-10


All the Love in the World(Dionne Warwick)/1982, 10-( ) The Woman in You/1983, ( )-24

Islands in the Stream (K. Rogers & D. Parton)/1984, 7-1

Chain Reaction (Diana Ross)/1985, 1- ( )

Boys (Do Fall In Love) (Robin Gibb)/1985, ( ) -37

You Win Again/1987, 1-74

Jive Talkin’ (Boogie Box High)/1987, 7- ( )

ESP/1987, 50- ( ) Ordinary Lives/1989, 54-( ) One/1989, 1-7

To Love Somebody (Jimmy Sommerville)/1990, 8-( )

Secret Love/1991, 5-( ) For Whom the Bells Toll/1993, 4-( )

Stayin’ Alive (N’Trance)/1995, 2-56


How Deep Is Youe Love (Take That)/1995, 1-( )
Words(Boyzone)/1996, 1-( ) Alone/1997, 5-28

Immortality (Celine Dion & Bee Gees)/1998, 5- ( )

More than a Woman (911)/1998, 3-( )

Ghet*****pastar (Pras)/1998, 6-15


Grease (Blue Angel) (Pras)/1998, 6-( )
Tragedy (Steps)/1999, 1-( )
You Should Be Dancing (Blockster)/1999, 3-( )
Love Me (Martin McCutcheon)/1999, 6- ( )
Emotion (Destiny’s Child)/2000, 3-10
Chain Reaction (Steps)/2001, 2- ( )
Sacred Truth (One True Voice)/2002, 2-( )

Cover:

Với hơn 40 năm sáng tác âm nhạc, Bee Gees đã để lại một gia tài khá đồ sộ hơn 1000 ca khúc với nhiều phong cách khác nhau. Những gì được thu âm chỉ là một phần nhỏ trong những sáng tác của Bee Gees được mọi nguời biết đến. Thỉnh thoảng các website bán đấu giá trên Internet lại xuất hiện những bản thu âm demo của các ca khúc chưa từng được phát hành của anh em nhà Gibb với giá trung bình từ vài trăm đến vài nghìn USD/băng tuỳ theo độ hiếm và chất lượng âm thanh. Không những sáng tác cho mình mà nhóm còn viết rất nhiều cho các ca sĩ và ban nhạc khác. Ngay cả các ca khúc nổi danh của nhóm cũng được các ca sĩ chọn để cover lại rất nhiều từ Elvis Presley đến các nhóm teenpop hiện nay. Tính đến nay đã có hơn 5000 ca sĩ cover những ca khúc của Bee Gees trên toàn thế giới. Ở VN lúc trước cũng có ca sĩ Trung Kiên và bạn nhạc the Friends chuyên chơi nhạc của Bee Gees, ở hải ngoại thì có ba anh em (hai nữ một nam) cũng cover lại nhạc của Bee Gees theo phong cách hiện đại. Sau đậy tớ xin giới thiệu những khuông mặt nổi tiếng trong làng nhạc thế giới đã từng cover lại các ca khúc của Bee Gees. Tên ca sĩ/ban nhạc được xếp theo thứ tự alphabet để dễ theo dõi:

911: More Than A Woman
2 Live Crew: You Should Be Dancing
All 4 One: I Just Want To Be Your Everything
The Animals: To Love Somebody.
Chet Atkins: Islands in The Stream
Backstreet Boys: How Deep Is Your Love?
Joan Baez: The love inside
Cilla Black: First of May/Words
Blur: I Started a Joke
Michael Bolton: To love sombody
Graham Bonnet: Castle in the Air/Warm Ride/Only One Woman
Boyzone: Words
Sarah Brightman: First of May
Brothers Four: I started a joke
Glenn Cambell: World/ Words.
Captain Jack: You Win Again
Kim Carnes: To love somebody
Carola: Run Away/ Angel of Mercy/Radiated/ Brand New Heart/Spread your wings(for you love)/ Nature of the beast/When the two worlds collide/ (we are ) Atomic/ Lost in the crowd/So far,so good/Everlasting love.
The Cascades: I started a joke
Chaka Khan: Jive Talkin’
Cher: How Can you mend a broken heart?
Chumbawamba: NY Mining Disaster 1941
Eric Clapton: Fight (No matter how long)
Pentula Clark: Give a hand, take a hand
Richard Clayderman: How Deep is your love?/All the Love in the world/Juliet/Woman in love
Cleopatra: I’ve just gotta get message to you
Pasty Cline: Rest your love on me
Twitty Conway: Rest your love on me
Rita Coolidge: Words
Dawn: woman in love
Destiny’s Child: Emotion
Celine Dion: Immortality
Eagle Eye Cherry: To love somebody.
Yvonne Elliman: If I can’t have you
En Vogue: How deep is your love?
Adam Faith: Cowman,milk your cow
Faith No More: I Started a joke
Five: Grease
Flying Burrito Brothers: To love somebody
Francis Goya :I Started a joke/Woman in love
Al Green: How can you mend a broken heart?
Happy Monday: Stayin’ Alive
Ritchie Havens: I started a joke
Hearsay: Stayin’ Alive
Jennifer Love Hewitt: I Just want to be your everything
Oscar de la Hoya: Run to me
Human Nature: Stayin’ Alive
Jordan Hill: Too much heavens
Engelbert Humperdink: IOIO/ Sweetheart/Words.
Elton John: Up the Revolution
Tom Jones: Let there be love/ To love somebody/ Guilty (with Glady Knights)/ Nights on Broadway (with Paul Anka)/ Baby as you turned away.
Janis Joplin: IOIO/ To love somebody/ Massachussets
Glady Knights: the Way it was
Coco Lee: Shadow dancing
Lulu: Don’t Forget to remember/ I started ajoke/Marley Purt Drive/ Melody Fair/ In the morning/ First of May/ Let me wake up in your arms/ To love somebody/Everybody claps/ Words.
M2M: Our song (với phần điệp khúc của Too much heavens)
Barry Marnilow: Run to me.
Marbles: Little boy/ I can’t see nobody/ To love somebody/ First of May/ By the light of the burning candle/ Only one woman/ the wallsfell down/ Love you.
Paul Mauriat: Too much heavens/ Lonely days/Melody fair.
Mel C: Stayin’ Alive
George Michael: Jive Talkin’
Olivia Newton John: Come on over/ Carried away/ Rest your love on me (with Andy Gibb)/ I can’t help it (with Andy Gibb)/ Face to Face (with Barry Gibb)
N’sync: Jive talkin’/How deep is your love/ too much heavens/ stayin’ alive.
N’Trance: Stayin’ alive.
Roy Orbisons: Words/Indian Summer
Ozzy Osbourne: Stayin’ Alive
Donny Osmond: Immortality
Marie Osmond: Run to Me
The Osmonds: Rest your love on me
O-town: How Deep is your love?
Portrait: How Deep is your love?
Elvis Presley: Words
Dian Ross: Eaten Allive/Experience/ Oh Teacher/ Chain Reaction/More and more/ I’m watching you/Love on the line/ (I love) being in love with you/ Crime of passions/ Don’t give up on each other.
Kenny Rogers: You and I/ Islands in the stream (with Dolly Parton/ This woman/ Eyes that see in the dark/ Living wiht you/Evening star/Hold me/ Midsummer nights/ I will alwyas love you/ Buried Treasure/Tell me why.
Jimmy Ruffin: Songbird/ Hold on to your love/ Where do I go/Forever forever/ Searchin/Jealousy/Night of love/ Changing me.
Demi Roussos: Down the road
Samantha Sang: Emotion/ Don’t let it happen again/ Charade/ the love of a woman.
Leo Sayer: Heart (stop beating in time).
The Searchers: Spicks and specks.
The Shadows: You win again/ Chain reaction
The Shirelles: How can you mend a broken heart?
Nina Simone: I can’t see nobody/ Morning of my life/ To love somebody/Please read me.
Frank Sinatra: To love somebody
Percy Sledge: Your love will save the world/ I’ve just gotta get a message to you.
Dusty Springfield: Save me save me/ To love somebody
Status Quo: Spicks and specks
Steps: Tragedy/ Chain reaction
Rod Stewart: To love somebody.
Barbra Streisand: Woman in love/Guilty/What kind of fool/ the love inside/ run wild/Life story/ Never give up/ Make it like a memory.
Take That: How Deep is your love?
Tavares: More than a woman
They might be giants: Stayin’ alive
Tremeloes: Lamplight
Tina Turner: I will be there
Bonnie Tyler: To love somebody
Frankie Valli: Save me save me/ Grease
Luther Vandross: How deep is your love
the Wallflowers: I started a joke
Dionne Warwick: Run to me/ Heartbreaker/It makes no differences/ Yours/Take the short way home/Misunderstood/ You’re my love/Just one more night/ All the love in the world/ I can’t see anything but you.
Barry White: Night Fever/ Grease
Kim Wilde: If I can’t have you
Andy Williams: How can you mend a broken heart?
Hank Williams: to love somebody
Robbie Williams: I started a joke/ If I can’t have you
Wyclef Jean: Stayin’ alive.

Những ngưòi trong nghề nói gì về Bee Gees?

Với hai trăm triệu bản đĩa bán ra trên khắp thế giới, Bee Gees đã khẳng định được vị trí siêu sao của mình trên trường quốc tế với khoảng bốn triệu fan hâm mộ ở Bắc Mỹ và Châu Âu. Đối với những fan hâm mộ, Bee Gees tất nhiên được ca ngợi như những thần tượng lớn nhất sau the Beatles. Còn đối với những nghệ sĩ trong nghề, hầu như ai cũng dành cho anh em nhà Gibb sự ưu ái và kính trọng đối với tài năng và sức làm việc không mệt mỏi của nhóm. Sau đây là một số lời nhận xét của những nhân vật nổi tiếng trong làng giải trí thế giới về nhóm Bee Gees.

John Lennon (thủ lĩnh nhóm Beatles): Bee Gees đã thực sự làm nên một kì công vào cuối thập niên 70. Họ đã chơi hay, trong suốt thời gian này, không có nhóm nào làm được như họ.

Paul McCartney (thành viên của Beatles): Robert Stigwood đã cho tôi nghe ca khúc “New York Mining Disaster 1941” của Bee Gees. Tôi nói với ông rằng: “Ký hợp đồng với họ đi, nhóm này trong tương lai còn lớn mạnh hơn thế nữa cơ.”

Peter Gabriel (ca sĩ nhóm progressive rock Genesis): Tôi đã cố gắng hát giống như Robin Gibb trong ca khúc “Silent Sun” của mình, nhưng tôi lại không có can đảm thú nhận điều này trong một thời gian dài.

Marc Bolan (thủ lĩnh nhóm glam rock T-Rex): Tôi nhớ rằng David Bowie đã chơi ca khúc Space Od***y của anh ta cho tôi nghe và bảo rằng muốn làm cho nó giống như những ca khúc của Bee Gees và tôi tán thành ý kiến đó.

Bono (thủ lĩnh nhóm rock Ireland U2): Với tư cách một ban nhạc, tôi đã phải ghen tị trước thành công trong suốt 5 thập niên của Bee Gees. Không cần phải dài dòng, nhóm Bee Gees xứng đáng được xếp ngang hàng với the Beatles.

Michael Jackson: The Bee Gees là những thiên tài!

John Travolta: Ma thuật ư? Đó là lúc Barry, Robin và Maurice đứng quanh chiếc micro.

Rod Stewart: Bee Gees là bất tử!

Robert Stigwood: Tôi chẳng có công lao gì trong thành công của Bee Gees cả. Chính họ đã làm nên tất cả.

Stephen Stills (ca sĩ, guitar của nhóm Crosby, Stills, Nash and Young): Barry Gibb là được sinh ra để làm công việc thu âm. Và anh ta đã viết những ca khúc tuyệt vời nhất trong lịch sử nhạc rock.

Mel Gibson: Nhóm Bee Gees là một trong những nhóm xuất sắc nhất trong làng âm nhạc.

Noel Gallagher (thủ lĩnh nhóm Oasis): Ước gì tôi viết được những ca khúc tầm cỡ như “To Love Somebody”.

Bjorn Ulvaeus (thành viên nhóm ABBA): Những tác phẩm của Bee Gees thuộc hàng kinh điển của nhạc pop. Lennon-McCartney và Bee Gees là những nhạc sĩ tài năng nhất mà tôi được biết. Tôi vừa kính phục vừa ganh tị.

Sir Elton John: Những buổi diễn live của họ thật xuất sắc. Sự ra đi của Maurice Gibb là một thiệt thòi lớn đối với âm nhạc.

George Martin (nhà sản xuất của nhóm Beatles): Chưa có ai phối bè chuẩn xác và tự nhiên như anh em nhà Gibb. Những ca khúc của họ trong giai đoạn “Fever” khiến cho một ông già như tôi cũng không sao cưỡng lại được đôi chân của mình.

Celine Dion: Tôi là một fan hâm mộ lớn của Bee Gees, không có party nào mà thiếu nhạc của họ.

Olivia Newton John: Âm nhạc của họ luôn làm tôi xúc động.

Toni Braxton: Tôi yêu nhóm Bee Gees. Tôi có đủ bộ sưu tập album của nhóm.

Destiny’s Child: The Bee Gees là những huyền thoại sống.

Sir Tim Rice: Tôi xếp anh em nhà Gibb vào những nhạc sĩ vĩ đại nhất của thế kỷ 20.

N’Sync: Chúc mừng nhóm Bee Gees đã đứng vững trong suốt 35 năm. Các ca khúc của họ luôn là nguồn cảm hứng của các ca sĩ và nhạc sĩ trong tương lai.

Brian Wilson (thành viên nhóm rock huyền thoại Beach Boys): Âm nhạc của Bee Gees là huyền thoại. Đó là lý do tôi tự tay bỏ phiếu bầu nhóm vào Rock and Roll Hall of Fame.

Alice Cooper: Những nhạc sĩ tuyệt vời. Tôi yêu âm nhạc của họ.

Steps: Chúng tôi nghĩ rằng có quá nhiều người cover lại hoặc nhờ Bee Gees viết nhạc cho họ bởi vì những ca khúc của Bee Gees thật tuyệt vời.

En Vogue: chúng tôi luôn là những fan hâm mộ của nhóm Bee Gees. Chúng tôi đã cố gắng thu âm lại ca khúc “How Deep Is Your Love” thật hay để Bee Gees có thể tự hào về nó.

Arif Mardin (nhà sản xuất nổi tiếng người Thổ Nhĩ Kỳ): Những đóng góp của Bee Gees cho âm nhạc là không thể nào kể hết được.

Shania Twain: Tất cả những ca sĩ thế hệ của tôi đều lớn lên bằng âm nhạc của Bee Gees.

Brian May (guitarist nhóm Queen): Tôi đã và vẫn là một fan lớn của Bee Gees. Tôi nhớ những năm thời thập niên 60, tôi và Freddie (Mercury) và bạn bè vẫn hay hát lại những ca khúc của Bee Gees. Đó thật là một khoảng thời gian tuyệt vời. Tôi nghĩ phong cách hát bè của nhóm đáng được đưa vào sách giáo khoa về âm nhạc đương đại. Còn về mặt phối khí, “You Win Again” là một kiệt tác.

Ronan Keating (Boyzone): Thật là vinh dự khi nhóm Boyzone được hát chung ca khúc “Words” với Bee Gees tại Dublin. Sắp tới tôi sẽ bay đến Miami để làm việc với Barry và Maurice cho album mới của mình. Đó là điều tôi luôn mơ ước.

[Comment ngoài lề]
Tui bất ngờ trước lời tán dương của Alice Cooper vì ông này rất ghét nhạc Disco, ông ta từng chửi Britney Spears vì cái tội dám hát thứ nhạc Rock n” Roll + Disco, hehe, viết tiếp đi, nhà tui thì ai cũng khoái The Bee Gees hết á, hehe, mà barrygibson lượm đâu ra nhiều CD vậy, tui sưu tầm được ít cái quá, hè hè

Ai đời đem Bee Gees đi so sánh với con bé Britney nhỉ? Nghe con bé này cover lại “Sastifaction” của nhóm Stones mà bực cả mình. Hỏng bài của người ta hết.
Bee Gees thì nhờ disco mà nổi và thế là bị chết danh disco luôn. Thật ra thì tớ thích thời psychedelic thập niên 60 hơn,nghe psychedelic của Bee Gees giống với psychedelic của Pink Floyd thời còn Syd Barrett. Tớ có đủ bộ CD của Bee Gees nên bài nào cũng nghe hết rồi.

Còn Alice Cooper đã từng hát chung bài “Because”của Beatles với Bee Gees đấy.Lão Ozzy thì cover lại “Stayin” alive” rất metal. Freddie Mercury thì từng mời Andy Gibb hát chung bài “Play the game” năm 80.Còn Graham Bonnet của nhóm Rainbow thì chuyên cover lại nhạc của Bee Gees khi ra hát solo. Nếu Bee Gees chỉ là nhóm nhạc disco thông thường thì đâu có được giới metal coi trọng (dân metal rất khinh disco).

B/ LÝ LỊCH TRÍCH NGANG CỦA CÁC THÀNH VIÊN NHÓM BEE GEES
1/ Barry Gibb

Tên đầy đủ: Barry Alan Crompton Gibb Ngày sinh: 1-9-1946. Nơi sinh: Douglas, Manchester, Anh Quốc. Vị trí trong Bee Gees: Ca sĩ chính, sáng tác chính, guitar, nhà sản xuất. Với vẻ đẹp trai đầy nam tính, Barry còn là “*** symbol” của Bee Gees trong suốt nhiều thập niên. Sở thích: Tennis, xem truyền hình. Thần tượng: Bing Crosby, the Mills Brothers, the Beatles. Tình trạng hôn nhân: Năm 1966, Barry Gibb kết hôn với người bạn gái người Úc là Maureen Bates trước khi trở về Anh. Cuộc hôn nhân kéo dài khoảng hơn 1 năm thì chấm dứt do Maureen không chịu nổi áp lực khi nhóm Bee Gees bắt đầu nổi tiếng. Ngày 1-9-1970, Barry Gibb tái hôn với Lynda Gray, nguyên cựu hoa hậu Endinburg (Scottland) và may mắn là cuộc hôn nhân đó tồn tại đến ngày nay.

Con cái: Barry và Lynda có 5 người con: 4 trai và 1 gái: Stephen Thadeus Gibb (1973), Ashley Robert Gibb (1976), Travis Ryan Gibb (1981), Michael David Gibb (1983) và Alexandra Leannia Gibb (1991). Trong đó, Stephen Gibb và Ashley Gibb đã kết hôn. Ngày 27-12-2002, bé Nina Gibb, con gái của Stephen ra đời khiến Barry Gibb trở thành thành viên đầu tiên của Bee Gees lên chức ông nội.

Trong các con của Barry, Stephen Gibb là người nối nghiệp âm nhạc. Anh đã từng là phụ tá về kỹ thuật chịu trách nhiệm về guitar trong chuyến lưu diễn One for All năm 89 cho Bee Gees trước khi được vào chơi chính thức với vai trò guitar chính trong tour lưu diễn One Night Only. Hiện nay Stephen đang chơi guitar cho nhóm heavy metal Black Label Society của Zakk Wylde.

Vài điều thú vị khác về Barry Gibb: – Năm lên 2 tuổi, Barry từng suýt chết khi bị cả một ấm trà nóng đổ vào ngươi và bị phỏng nặng. Cậu phải nằm viên suốt nửa năm trời và vì điều đó, đến năm 3 tuổi, Barry mới bắt đầu biết nói. – Năm 16 tuổi, Barry cũng suýt mất một con mắt do nghịch súng. Tai nạn khiến anh phải đeo một miếng băng đen trong suốt nhiều tuần liền. – Mặc dù là nguời thuận tay trái nhưng Barry Gibb chơi đàn bằng tay phải. – Barry Gibb là người tin vào sự tồn tại của UFOs. – Barry Gibb tự miêu tả mình là Mr Boring vì trong các anh em, anh là người ít tiệc tùng nhất. Thời gian rảnh, không thu âm hoặc lưu diễn, Barry đều đành hết cho gia đình. – Barry Gibb là bạn thân của vua nhạc Pop Michael Jackson, và Michael nhận là cha đỡ đầu cho con trai thứ ba của Barry là Michael Gibb. Tuy nhiên, Barry không bao giờ ủng hộ những trò lố bịch của Michael. – Barry Gibb được ghi vào kỉ lục Guinness với danh hiệu nhà sản xuất nhiều No1 hits nhất. – Mặc dù là tay Bee Gees đẹp trai và hấp dẫn nhất, Barry Gibb khẳng định rằng mình chưa bao giờ phản bội vợ trong suốt hơn 30 năm chung sống. – Barry Gibb nhận giải thưởng “Sáng tác xuất sắc của năm” do đài phát thanh 5KA của Úc năm 1965 khi mới 19 tuổi.

– Năm 1969, Barry được bầu là “Nam nghệ sĩ ăn mặc đẹp nhất” do khán giả Anh bầu chọn.

2/ Robin Gibb

Tên đầy đủ: Robin Hugh Gibb Ngày sinh: 22/12/1949 Nơi sinh: Douglas, Manchester, Anh Quốc. Vị trí trong ban nhạc: Ca sĩ, sáng tác, nhà sản xuất. Sở thích: Lịch sử, khoa học viễn tưởng. Thần tượng: Beatles, Roy Orbison, Everly Brothers

Gia đình: Năm 1969, Robin kết hôn với Molly Hullis, vốn là trợ lí cho ông bầu Brian Epstein của Beatles. Robin và Molly có hai nguời con Spencer David Gibb (1972) và Melissa Jane Gibb (1974). Đến năm 1985, hai người li dị. Robin sau đó tái hôn với Dwina Murphy sau khi đã sống chung với nhau hơn 1 năm và có với nhau một con trai tên Robin John (1983).

Trong các con của Robin, Spencer Gibb là nguời theo nghiệp của bố. Anh hiện là guitar và ca sĩ của nhóm alternative 54 seconds. Anh còn là một diễn viên điện ảnh ở Anh.

Mười điều thú vị về Robin Gibb: – Thuở nhỏ, Robin có một thủ vui kì quặc là đốt bất cứ cái gì trong tầm tay. Anh đã cùng với Barry đốt những bảng quảng cáo bằng bìa cứng trong thành phố và bị bắt khi định đốt một chiếc xe hơi. – Năm 1969, Robin Gibb suýt chết khi chuyến xe lửa chở anh từ Manchester về London lao ra khỏi đường ray. Tai nạn làm 66 người thiệt mạng, trong khi Robin Gibb may mắn chỉ bị xây xát nhẹ. – Robin biết chơi cello và piano nhưng không bao giờ sử dụng nhạc cụ khi biểu diễn. – Thú vui của Robin trong những lúc rảnh rỗi là ngâm mình trong bồn tắm suốt nhiều giờ liền. – Robin Gibb được mệnh danh là “triệu phú trùm sò” vì đến bây giờ anh vẫn lái chiếc xe mua từ cuối thập niên 70. – Robin là thành viên của Bee Gees có sự nghiệp solo thành công nhất. Tính đến nay, anh đã phát hành 5 album solo. – Trong số các anh em, Robin là người ăn chay trường.

– Ngôi nhà của Robin ở Anh Quốc là một trong những ngôi nhà cổ và nổi tiếng nhất ở nước Anh. Được đặt tên là Prebendary, ngôi nhà được xây dựng vào thế kỉ thứ 13 với mục đích là làm tu viện. Nơi đây cũng là nơi xử tử nữ thánh Jan D”arc của Pháp. Sau này, ngôi nhà được trùng tu làm cung điện mùa hè cho nữ hoàng Victoria và vua Henry VIII. Ngôi nhà này còn nổi tiếng vì có nhiều ma.

– Khi được hỏi nếu được lập một ban nhạc khác thì anh sẽ chọn ai, Robin Gibb đã trả lời rằng: “Eric Clapton chơi guitar, Elton John chơi Keyboard, Ginger Baker chơi trống và Paul McCartney chơi bass.”

– Robin là nguời mê tín, anh tin vào ma quỷ và phép thuật.

3/ Maurice Gibb

Tên đầy đủ: Maurice Ernest Gibb (được đặt theo tên của nhà văn nổi tiếng Ernest Hemmingway) Ngày sinh: 22-12-1949, Maurice sinh sau Robin nửa tiếng nên làm em. Nơi sinh: Douglas, Manchester, Anh Quốc. Ngày mất: 12-1-2003. Nơi mất: Miami, Florida, Mỹ. Vị trí trong ban nhạc: Bass, keyboard, guitar, sáng tác, phối âm, sản xuất và ca sĩ. Anh còn là hoạt náo viên của ban nhạc. Sở thích: Nhiếp ảnh, tin học, paintball, ảo thuật. Thần tượng: Beatles, Beach Boys.

Gia đình: Năm 1960, Maurice kết hôn với cô ca sĩ người Scotland Lulu, người nổi tiếng với ca khúc bất hủ “To Sir With Love”. Đến năm 1974, Lulu nộp đơn xin li dị vì cô không chịu nổi thói nát rượu của chồng. Năm 1975, Maurice kết hôn với Yvonne Spenceley. Họ có hai con: Adam Andrew Gibb (1976) và Samantha Amanda Gibb (1980).

Cuộc hôn nhân lần thứ hai của Maurice cũng khá trắc trở vì thói nghiện rượu của anh. Maurice đã từng rút súng định bắn vợ và hai con do quá say, khiến cho Yvonne phải dẫn hai con sang ở nhờ nhà Barry một thời gian. Để chứng tỏ quyết tâm sửa chữa lỗi lầm, Maurice đã tự mình đăng kí vào trại cai nghiện rượu và ở đó hơn nửa năm trời để cai nghiện. Năm 1992, Maurice trở về, hoàn toàn thoát khỏi sự cám dỗ của ma men. Anh đã tổ chức lại đám cưới để chứng minh tình yêu của mình dành cho vợ.

Mười điều thú vị về Maurice Gibb: – Năm lên hai, Maurice đã từng suýt bị chết đuối trên con sông phía sau nhà. – Maurice Gibb thường tự gọi mình là Mr Perfect khi kể lại chuyện thời còn nhỏ vì anh tỏ ra ngoan ngoãn hơn nhiều so với Barry và Robin. – Mặc dù không có ngoại hình hấp dẫn như Barry, cũng như không có giọng hát tuyệt vời của Robin, Maurice Gibb lại là thành phần quan trọng của Bee Gees vì anh chịu trách nhiệm phối bè, hoà âm, và chơi hầu hết các nhạc cụ khi thu âm. Cái chết của Maurice là một tổn thất không sao bù đắp nổi của Bee Gees. – Maurice Gibb còn được gọi là “Man in the Middle” vì anh luôn là người đứng giữa dàn xếp các mâu thuẫn giữa Barry và Robin. – Ai là người tập cho Maurice thói nghiện rượu? Đó là John Lennon của Beatles. Maurice vẫn thường tự hào kể rằng Lennon là người mời anh ly rượu đầu tiên trong đời của mình. Chính John Lennon cũng là người tặng Maurice cây đàn guitar nhân dịp sinh nhật lần thứ 21 mà hơn 30 năm sau, Maurice đã sử dụng để đệm cho album “This Is Where I Came In”. – Maurice Gibb từng là hàng xóm rất thân của tay trống Ringo Starr của Beatles. Cả hai thậm chí còn định đào một đường hầm ăn thông hai nhà với nhau để có thể chè chén suốt ngày đêm. – Maurice có sở thích sưu tập đồng phục cảnh sát ở khắp nơi trên thế giới. – Trong số tất cả các sáng tác của Bee Gees từ trước đến nay, Maurice Gibb chỉ được hát chính có 28 bài. – Năm 1998, Maurice đã nhận lời hát chung với người vợ cũ Lulu ca khúc “First of May” nổi tiếng của Bee Gees trong buổi diễn của Lulu tại thành phố Miami…

– Hội đồng thành phố Miami đang xét duyệt để chọn tên của Maurice Gibb để đặt lại cho công viên Island View Park của thành phố như một cách để tri ân anh. Trước đây, thành phố đã lấy tên của người em út quá cố Andy đặt cho một con đường ở đây.

4/ Andy Gibb – bi kịch của một ngôi sao trẻ

Nguời nghe nhạc VN có thể biết nhiều về Bee Gees, nhưng ít ai biết đến người em còn lại của gia đình nhà Gibb là Andy Gibb, một nghệ sĩ đã ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ. Mặc dù không nổi tiếng bằng Bee Gees nhưng Andy Gibb vẫn là một phần không thể thiếu được trong gia đình nhà Gibb.

Andy Gibb tên thật là Andrew Roy Gibb sinh ngày 5/3/1958 tại Manchester, Anh Quốc, là em út của nhóm Bee Gees. Khi Andy vừa sinh ra đời thì gia đình nhà Gibb quyết định di cư sang Úc vì thế đối với Andy, nước Anh hầu như không có nhiều kỉ niệm như đối với các anh. Đến năm 1967, Andy cùng gia đình nhà Gibb trở về Anh để nhóm Bee Gees bắt đầu xây dựng sự nghiệp. Cậu bé Andy lúc này rất thần tượng anh cả Barry và luôn mơ ước một ngày nào đó sẽ được gia nhập vào nhóm Bee Gees cùng với các anh trai của mình.

Nhân dịp sinh nhật lần thứ 12 của mình, Andy được Barry tặng cho cây guitar đầu tiên, anh bắt đầu học chơi guitar theo cách của Barry Gibb với cách lên dây theo hợp âm D mở. Năm 14 tuổi, gia đình nhà Gibb dọn đến đảo Ilbiza gần Tây Ban Nha, cậu út Andy bắt đầu xin được hát ở các quán bar trong khu vực. Vì chưa đủ tuổi và vì do còn mang quốc tịch Anh nên Andy được đồng ý cho biểu diễn không trả thù lao. Nhưng đối với Andy, điều đó không phải là vấn đề quan trong. Điều quan trọng là anh đang bắt đầu để trở thành một nghệ sĩ như các anh của mình. Một năm sau, Andy cùng với một số bạn học lập nên nhóm nhạc lấy tên Melody Fayre, theo tên ca khúc kinh điển “Melody Fair” của Bee Gees năm 69. Trong nhóm Andy đảm nhiệm vai trò guitar và ca sĩ chính. Nhóm chủ yếu trình diễn lại các ca khúc nổi tiếng của Bee Gees và nhóm the Osmones. Tuy nhiên nhóm nhạc Melody Fayre chỉ tồn tại trên dưới 1 năm vì đến năm 75, Andy theo cha mẹ trở về Úc để ở chung với gia đình người chị lớn Leslie.

Leslie Gibb là người chị cả của gia đình nhà Gibb. Cũng như các em trai, cô cũng bộc lộ năng khiếu âm nhạc của mình và đã từng tham gia vào Bee Gees trong một thời gian ngắn để lấp chỗ trống khi Robin Gibb bỏ nhóm ra đi. Tuy nhiên, Leslie không mặn mà gì lắm về việc trở thành một ngôi sao nên năm 1970, cô cùng chồng là Keith Evans trở về Úc nuôi chó cảnh kiếm sống. Năm 1975, khi nhóm Bee Gees di cư qua Mỹ để làm lại sự nghiệp, ông bà Gibb vì không thích sống ở Mỹ nên đã cùng với cậu út Andy trở về nước Úc ở chung với Leslie. Trong thời gian ở Úc, Andy bắt đầu tập viết ca khúc và tham gia vào những nhóm nhạc vô danh ở địa phương.

Khi nhóm Bee Gees đã lấy lại được danh tiếng sau nhiều năm vắng bóng bằng hai album bạch kim “Main Course” và “Children of the World”, ông bầu Robert Stigwood thấy được tiềm năng phát triển của nhóm và của Andy Gibb nên đã khuyên Barry bảo Andy sang Mỹ để bắt đầu sự nghiệp của mình. Tuy nhiên, theo ông Stigwood, vì khoảng cách về tuổi tác khá lớn nên Andy Gibb sẽ không trở thành chàng Bee Gees thứ tư mà sẽ trở thành một ngôi sao độc lập. Robert hứa sẽ biến Andy thành một thần tượng của giới trẻ.

Khi biết mình sắp sang Mỹ để bắt đầu sự nghiệp, Andy lập tức kết hôn với bạn gái của mình là Kim Reeder khi vùa tròn 18 tuổi bất chấp mọi lời ngăn cản của gia đình và các anh trai. Cả Barry và Maurice lúc đó đều đã trải qua hai cuộc hôn nhân vội vàng và đều thất bại nên ra sức khuyên Andy hoãn việc kết hôn, nhưng đều bị Andy bỏ ngoài tai. Sau tuần trăng mật, Andy bay sang Mỹ bỏ lại cô vợ mới cưới ở Úc.

Album đầu tiên “Flowing Rivers” của Andy Gibb được phát hành cùng thời điểm với album soundtrack “Saturday Night Fever” của Bee Gees đã tạo nên làn sóng hâm mộ kép. Album có hai ca khúc lên thẳng hạng nhất là “Love is Thicker than Water” và “I Just Want To Be Your Everything“. Andy nhanh chóng trở thành thần tượng của giới trẻ thời đó. Album tiếp theo phát hành năm 78, “Shadow Dancing” cũng có ba bài hits top ten là “Our Love (Don’t Throw It All Away”), “An Everlasting Love” và “Shadow Dancing“. Để xây dựng hình ảnh một “teen hero”, Andy buộc phải giấu việc anh đã kết hôn ở Úc. Trên thực tế cuộc sống của một ngôi sao nổi tiếng với các cô gái xung quanh đã làm cho Andy gần như quên hẳn cô vợ đang có mang ở Úc. Đã nhiều lần Kim đến Mỹ để tìm gặp Andy nhưng đều bị các vệ sĩ từ chối hoặc bố trí cho hai người gặp nhau một cách vội vàng và bí mật. Đau khổ, Kim trở về Úc, chỉ yêu cầu Andy trở về gặp mẹ con cô sau khi đứa con của hai người ra đời. Ngày 25/1/1978, đứa con gái duy nhất của Andy và Kim mang tên Peta ra đời nhưng Andy với lịch diễn và quảng bá cho album mới đặc kín đã không thể trở về bên cạnh Kim và bé Peta. Mãi hơn hai tháng sau khi con mình ra đời, Andy mới biết được tin vì ông bầu Stigwood muốn Andy chuyên tâm vào công việc nên đã giấu nhẹm mọi tin tức. Cuối năm 1978, Kim quyết đinh li dị vì không thể chịu nổi cảnh này. Đối với Andy, đó chỉ đơn thuần là một sự giải thoát. Sau này, Kim đã cố gắng sắp xếp cho bé Peta gặp bố một lần nhân dịp sinh nhật lần thứ năm. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng Andy được gặp mặt con gái mình.

Năm 1979, cơn sốt Bee Gees mania đã lên đến cực điểm khi hết nhóm Bee Gees và Andy Gibb lần luợt thống trị bảng xếp hạng. Đỉnh cao là tour lưu diễn quanh nước Mỹ mang tên Spirits khi Andy cùng xuất hiện với các anh trên sân khấu trong sự hò hét cuồng nhiệt của các fan hâm mộ. Mặc dù được nhóm Bee Gees, những người đi trước cảnh báo về sự nguy hiểm của hội chứng “Fisrt Fame”, Andy vẫn không giữ được mình. Anh bắt đầu trượt dài vào còn đường ma tuý và rượu chè. Để thoát khỏi sự kiểm soát của gia đình, Andy dọn đến Hollywood ở riêng, tha hồ tiệc tùng. Lối sống vô độ đã khiến cho Andy mất lòng tin vào chính bản thân mình, anh luôn bị ám ảnh rằng thành công của mình đều nhờ vào danh tiếng của Bee Gees chứ không phải do tài năng của mình nên tìm đủ mọi cách để tách khỏi sự ảnh hưởng của Bee Gees. Thậm chí Andy đã từng huỷ bỏ một buổi diễn vì trên băng rôn quảng cáo của chương trình đã ghi rằng “Buổi diễn của Andy Gibb, em út của nhóm Bee Gees”.

Thập niên 70 kết thúc với sự lụi tàn của nhạc disco, nhóm Bee Gees bị thất sủng, và dĩ nhiên sự nghiệp của Andy cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sau khi phát hành album “After Dark” không mấy thành công, Andy bắt đầu chuyển hướng sang sân khấu kịch nghệ Broadway. Hai vở diễn Pirates of Penzance và Joseph and the Amazing Technicolor Dreamcoat mà Andy đóng vai chính được đánh giá cao về tài năng diễn xuất của anh. Tuy nhiên, sự nghiện ngập đã làm cho Andy trở nên thất thường. Anh xuất hiện trễ trong buỗi diễn ra mắt, bỏ tập, không thuộc lời thoại thậm chí bỏ diễn vì lên cơn thèm thuốc giữa chừng. Sự vô kỷ luật của Andy buộc nhà hát phải ngưng hợp tác với anh. Hai năm tiếp theo, Andy sống buông thả và không có định hướng.

Năm 83, Andy được mời làm người dẫn chương trình cho chương trình truyền hình tạp kỹ “Solid Gold” ở Mỹ. Tại đây anh gặp và quen với ngôi sao phim truyền hình Victoria Principal lúc này rất nổi tiếng với bộ phim Dallas. Hai người nhanh chóng yêu nhau bất chấp sự phản đối của gia đình Gibb vì Victoria lớn hơn Andy đến 9 tuổi và đã từng trải qua nhiều cuộc tình đầy tai tiếng, trong đó có cả Frank Sinatra. Cả hai dọn đến ở chung với nhau. Năm đầu tiên khá hạnh phúc nhưng đến năm thứ hai thì Victoria bắt đầu không thể ngăn nổi sự nghiện ngập của Andy. Hơn nữa, sự phản đối của gia đình nhà Gibb và sự săn lùng của báo chí đã làm cô nản lòng. Cuối cùng, cô đã yêu cầu Andy phải chọn giữa cô và ma tuý và Andy đã chọn ma tuý vì không cách nào thoát khỏi sự cám dỗ của nàng tiên nâu. Victoria quyết định bỏ đi.

Việc chia tay với Victoria đã làm cho Andy suy sụp thật sự. Anh tiếp tục lao đầu vào các cuộc vui thâu đêm suốt sáng rồi bắt đầu bán dần tất cả những gì mình có để trả nợ kể cả những giải thưởng đã đạt được. Cuối năm 1985, Andy nộp đơn tuyên bố phá sản với số nợ ngân hàng lên đến hàng triệu dollar. Trước tình hình đó, gia đình nhà Gibb quyết định đứng ra trả nợ cho Andy và gửi anh về nông trang của Robin Gibb ở Anh để cách li khỏi cuộc sống thác loạn ở Mỹ. Nhờ sự giúp đỡ của gia đình, Andy dần dần lấy lại thăng bằng và bắt đầu một cuộc sống mới lành mạnh. Anh để nhiều thời gian để viết nhạc và trò chuyện với các anh. Anh còn nộp đơn xin gia nhập Hải Quân Hoàng Gia Anh với mơ ước trở thành một thuỷ thủ. Nhóm Bee Gees quyết định đưa Andy vào đội hình chính thức của nhóm trong album sắp được phát hành của mình.

Nhưng định mệnh đã khiến cho Andy không bao giờ trở thành một Bee Gees khi ngày 10/3/1988, chỉ năm ngày sau sinh nhật lần thứ 30 của mình, Andy bổng dưng đột quỵ tại nhà của Robin. Anh được đưa đến bệnh viên nhưng chết sau vài tiếng đồng hồ cấp cứu. Hồ sơ bệnh án nêu nguyên nhân cái chết là do viêm cơ tim, hậu quả của việc lạm dụng rượu và ma tuý trong suốt một thời gian dài. Trước khi chết, Andy cứ nhìn mẹ là bà Barbra và lập đi lập lại câu hỏi “Con còn quá trẻ để chết phải không mẹ?”

Cái chết của Andy làm cho nhóm Bee Gees suy sụp thật sự. Mọi kế hoạch thu âm và lưu diễn đều bị huỷ bỏ. Để tưởng nhớ đứa em trai xấu số, nhóm Bee Gees đã viết nên một bản ballad tuyệt vời mang tên “Wish You Were Here” mà theo lời của Barry Gibb, đây là bài hát khó thu âm nhất vì mỗi lần cất giọng hát là cả ba anh em đều bật khóc. Nhóm đã mất hơn 9 tháng trời để thu hoàn chỉnh ca khúc này và đưa nó vào album “One” của nhóm phát hành năm 1989. Cũng trong năm đó, quỹ Andy Gibb Memorial Foundation được thành lập với số tiền quyên góp hằng năm được chuyển đến các trường cai nghiện rượu và ma tuý tại bang Florida. Năm 1990, thị trưởng thành phố Miami thông qua quyết định lấy tên Andy Gibb đặt cho tên của một con đường trong thành phố.

Về phần cô vợ đã li dị của Andy Gibb, Kim Reeder, sau khi Andy mất, cô đã từ chối mọi giúp đỡ về mặt tài chính của gia đình nhà Gibb vì cô không muốn sống dựa vào danh nghĩa là vợ của Andy Gibb. Tuy nhiên cô vẫn tuyên bố là mình còn yêu Andy và không hối tiếc gì về điều đó.

Sau này, cả ba anh em nhà Gibb đều bảo rằng mình đã gặp lại hồn ma của Andy trong những trường hợp khác nhau như thấy gương mặt của Andy trong đám đông khán giả hoặc chiếc ghế dựa ưa thích của Andy trong phòng thu luôn đung đưa vào những đêm khuya. Năm 1998, trong tour diễn “One Night Only” anh em nhà Gibb đã nhờ kĩ thuật hiên đại để cùng song ca với Andy Gibb ca khúc “Our Love (Don”t Throw It All Away)” với hình ảnh của Andy Gibb được chiếu trên một màn hình rộng. Và mỗi khi Andy cất lên tiếng hát trên màn hình, mắt của anh cả Barry Gibb lại rưng rưng…

Các album của Andy Gibb: 1/ Flowing River (1977) – Polydor 2/ Shadow Dancing (1978) – Polydor 3/ After Dark(1980) – Polydor 4/ Andy Gibb’s Greatest Hits (1980) – Polydor

5/Andy Gibb, A Collection of Greatest Hits (1991) – Polydor

C/ MỘT ALBUM KHÔNG ĐÁNG CÓ

Đừng bao giờ nghi ngờ những tên tuổi lớn. Điều này đúng hoàn toàn, vì một khi đã trở thành huyền thoại, người nghệ sĩ phải có một bản lĩnh nghề nghiệp thật vững vàng để không bị đào thải trong môi trường đầy cạnh tranh khắc nghiệt của âm nhạc. Số nhóm nhạc và ca sĩ đạt được đến mức độ đó chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Nhạc của BG nói chung khá kén người nghe vì với đôi tai dễ dãi của các fan nhạc pop bây giờ, chuộng nhìn hơn là nghe thì giống như người quen ăn kẹo nay tập làm quen với cà phê không đường vậy. Tuy nhiên khi đã nghe được và cảm được thì trở nên ghiền và không bỏ được. Lúc đầu tôi nghe những ca khúc top hits của nhóm trước, cảm thấy thích hợp nên lùng tìm nghe các album nhưng sau khi nghe hai album “Idea” và “Horizontal” năm 68 thì nói thật lúc ấy tôi có cảm giác như chỉ muốn bỏ của chạy lấy người thôi vì quá khó nghe. Nhưng đó là chuyện của 7 năm về trước. Giờ thì mọi album của BG đều có trong bộ sưu tập của tôi và mỗi album đều có một nét ấn tượng riêng. Mặc dù nhiều ban nhạc teenpop cố gắng cover lại BG nhưng không band nào thực sự diễn đạt được cái thần trong từng bài hát. Từ những ngày mới nổi tiếng cho đến nay, BG có hơn cả ngàn nhóm nhạc và ca sĩ hát lại nhạc của mình nhưng có rất ít người tạo được một nét đẹp riêng cho bài hát. Trong số đó có thể kể đến Barbra Streisand với “Woman in Love”, Diana Ross với “Experience”, Al Green với “How Can You Mend a Broken Heart?” và Portrait với “How Deep is Your Love”. Version cover hay nhất tôi được nghe gần đây là “How Can You Mend A Broken Heart?” của Rubben Studdard, mặc dù vẫn còn mang hơi hướng của Al Green nhưng mượt mà và tinh tế hơn.

Có lẽ quá yêu BG nên tôi tỏ ra khá khó tính với những gì liên quan tới BG. Album cuối cùng của nhóm năm 2001 “This Is Where I Came In” không làm thoả được cơn khát sau bốn năm kể từ “Still Waters”. So với các album khác, đây chỉ là một album nghe… tạm được, mặc dù có một vài bài xuất sắc, nhưng còn lại không xừng với tầm vóc của một ban nhạc vĩ đại. Càng thất vọng hơn khi nghe album solo năm 2004 của Robin Gibb là “Magnet”, một album cực kỳ tệ hại. Thứ nhất, tất cả các ca khúc trong album đều không phải do Robin viết mà là do những nhạc sĩ trẻ, phần lớn là vô danh viết. Ca từ và giai điệu khá thời thượng, mờ nhạt và hời hợt thậm chí đôi khi còn thô thiển, khác xa một trời một vực với những ca khúc đầy sáng tạo về mặt giai điệu và sang trọng, trau chuốt trong ca từ. Ba ca khúc cover lại là “Love Hurts” của Roy Orbison, “Another Lonely Night in NY” từ album solo năm 84 là “How Old Are You?” và “Wish You Were Here” vốn là ca khúc được viết để tưởng niệm cái chết của Andy Gibb đều được thể hiện dưới mức trung bình. Khi nghe version mới của bài “Wish You Were Here”, anh cả Barry đã nổi trận lôi đình vì nếu so với bản gốc đầy xúc cảm năm 89, version mới là một sự tự sát. Cả album không có bài nào có thể khen được dù chỉ là một câu. Có thể đối với một nhóm nhạc mới, đây là một album không đến nỗi nào, nhưng đối với một tên tuổi lớn như BG, rõ ràng album mang đến cho người hâm mộ sự thất vọng to lớn. Chất giọng mũi đầy xúc cảm trong “I Started A Joke” hay “How Can You Mend a Broken Heart?” không còn mang lại một ấn tượng mạnh mẽ qua những ca khúc mới như “Please” hay “No Doubt” mà trái lại gây nên sự phản cảm. “Magnet” thật sự không có sức hút như tên gọi của nó đối với người yêu nhạc. BG không thể là BG nếu không có sự hoà quyện một cách hoàn hảo giữa tài viết nhạc và bè ba tuyệt vời của cả ba anh em. Phép màu chỉ có thể thực hiện được khi cả ba cùng đàn, hát và sáng tác mà thôi.

D/ NHỮNG HY VỌNG MỚI

So với thế giới âm nhạc khá sôi động hiện nay, hai thành viên còn lại Barry và Robin Gibb của Bee Gees, mặc dù khá im hơi lặng tiếng nhưng không có nghĩa là không hoạt động. Người bận rộn nhiều nhất vẫn là Robin Gibb. Sau tour quảng bá cho album “Magnet” ở Châu Âu, Robin không ngừng tham gia các chương trình lớn ở cả Anh lẫn Mỹ như “American Idols” hay “Fame Academy” với tư cách cố vấn lẫn giám khảo. Hiện nay Robin là một trong những nghệ sĩ xuất hiện nhiều nhất trong các talkshow tại Anh với vai trò khách mới. Chủ đề phỏng vấn thường xoay quanh cái chết của Maurice và tương lai của BG.

Barry Gibb có vẻ ít xuất hiện hơn trước công chúng từ sau cái chết của Maurice. Ông đang cùng Barbra Streisand hợp tác để cho ra đời một album song ca nữa giữa hai người với hi vọng sẽ vuợt qua thành công của “Guilty” năm 1981, album đã mang về cho họ giải Grammy song ca hay nhất của năm. Có lẽ trong tháng tới, Barry sẽ ra toà đối chất làm chứng cho Michael Jackson trong vụ kiện ông vua nhạc pop vì Barry và Michael khá thân thiết với nhau.

Maurice Gibb mặc dù không còn nhưng tên ông được đặt cho một công viên nhìn ra bãi biển ở Miami nơi gia đình nhà Gibb đã chuyển sang sinh sống từ thập niên 70 như một cách tri ân. Hiện nay hai con của ông là Samantha Gibb và Adam Gibb đang nối nghiệp cha với tư cách ca sĩ và sáng tác chính của ban nhạc alternative/indie rock MEG khá thành công ở Florida. Cả hai đều muốn được biết đến bằng tài năng của chính mình chứ không phải vì tên tuổi của cha và các bác.

Việc Robin và Barry có tái hợp để cho ra album chung hay không vẫn còn là một vấn đề chưa ngã ngũ. Nhưng gần đây nhất cả hai đã cùng với nhiều nghệ sĩ lớn khác như Gary Moore, Sir Cliff Richard, Bill Wyman (cựu bassist của Rolling Stones), Brian Wilson (cựu thành viên Beach Boys), Steve Windwood, Boy George… góp giọng trong ca khúc “Grief Never Grows Old”, một ca khúc được sáng tác với mục đích quyên góp giúp đỡ nạn nhân sóng thần tháng 12 vừa rồi. Tại Anh, ca khúc này đã lọt vào top 5 và đứng ở vị trí số 4.

(Bài đăng trên Góc nhìn Alan ngày 11/4/2015, tác giả Nguyễn Ngọc Ngạn)

Trong đợt lưu diễn văn nghệ đầu năm nay ở vài thành phố bên Mỹ, trùng hợp có một tờ tạp chí và một đài phát thanh hỏi tôi cùng một câu: Nhìn lại 4 thập niên vừa qua, 1975-2015, sự kiện gì đối với chú là quan trọng nhất?

Câu này dễ trả lời! Thế giới biến đổi từng ngày, biết bao nhiêu chuyện xảy ra. Nhưng riêng đối với tôi thì biến cố lớn nhất trong 40 năm qua là sự tan rã của Liên Xô và hệ thống cộng sản toàn cầu. Nó mở ra một kỷ nguyên hòa bình mới, kết thúc chiến tranh lạnh, giảm thiểu tối đa các vũ khí chiến lược, tiết kiệm bao nhiêu tiền của và xương máu mà nhân loại đã đổ ra từ ngày có phong trào cộng sản.

Cần hình dung lại hàng triệu người đã chết thảm ở Siberia thời Stalin, trong cải cách ruộng đất và cách mạng văn hóa thời Mao Trạch Đông, rồi cải cách ruộng đất và sửa sai thời Hồ Chí Minh trên đất Bắc, cũng như đánh tư sản và tù cải tạo tại miền Nam sau 1975. Chưa kể chiến tranh Triều Tiên, chiến tranh Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Kiểm điểm lại những đau thương ngút trời gần một thế kỷ vừa qua, người ta mới thấy hết được niềm hạnh phúc khi đế quốc cộng sản sụp đổ, mà sự sụp đổ ấy không do tác động trực tiếp của thế giới tự do, mà do chính nội bộ của đảng viên và của quần chúng các nước xã hội chủ nghĩa dấy lên. Theo tôi, đó là sự kiện vĩ đại nhất của nhân loại trong 4 thập niên vừa qua!

Từ ngày ra hải ngoại, tôi vẫn mang trong đầu một điều tiếc nuối: Việt Nam Cộng Hòa là quốc gia cuối cùng trên thế giới bị lọt vào tay Cộng Sản. Giả như đồng minh Hoa Kỳ không bỏ cuộc giữa đường, Miền Nam Việt Nam chỉ cần cầm cự thêm vài năm nữa, chắc chắn tình hình đã đổi khác.

Đến khi cộng sản toàn cầu sụp đổ, tôi lại cho rằng, sự sụp đổ ấy bắt nguồn sâu xa từ chiến tranh Việt Nam. Tôi tin như thế, nhưng dè dặt không dám viết ra vì sợ có người sẽ bảo là tôi chủ quan. Mãi đến khoảng năm 2005, tôi tình cờ đọc được cuốn sách của một tác giả người Mỹ, tôi mới cảm thấy an lòng và hết sức vui mừng vì có người đồng ý với suy nghĩ của tôi.

Tiếc là giờ này tôi không có cuốn sách ấy trong tay, vì hôm đó trong khi chờ chuyến bay ở phi trường, tôi tạt vào tiệm bách hóa Hudson News tính mua đại một tờ tạp chí nào đó để lên máy bay xem cho qua thì giờ, thì thấy có cuốn sách viết về Vietnam War nên vội lấy xuống. Tôi mới chỉ đọc được 2 trang của phần mở đầu thì chuyến bay thông báo boarding mà người xếp hạng ở quầy tính tiền sách đông quá, tôi đành bỏ lại cuốn sách trên kệ.

Ngồi trên phi cơ, tôi nhớ lại lập luận của tác giả cho rằng: Chiến tranh Việt Nam là cuộc chạy đua võ trang, hay đúng hơn là cuộc chạy đua tiêu tiền, giữa hai khối tư bản và cộng sản. Cuộc chạy đua ấy tuy kết thúc dở dang vì Hoa Kỳ bỏ cuộc, nhưng cũng đủ để làm khối cộng sản kiệt quệ về tài chánh, không vực dậy nổi, dẫn đến sự sụp đổ 15 năm sau!

Điều này tôi tin là đúng. Hồi mới sang Canada, năm 1979, tôi đọc một bài viết trong tờ Financial, nói rằng: Chiến tranh Việt Nam đã làm đồng dollar Mỹ mất giá và gây nên tình trạng lạm phát nặng nề. Lúc ấy tôi nghĩ: Mỹ giàu như thế mà còn điêu đứng vì chiến tranh Việt Nam, thì huống chi các nước cộng sản vốn quanh năm èo uột về kinh tế!

Quả thực đúng như vậy! Trong chiến tranh, người dân các nước Cộng Sản tạm quên cái đói khổ. Nhưng hết chiến tranh rồi, cái sai của chế độ và cái yếu của lãnh đạo tất nhiên phải lộ ra, không thể nào che đậy được. Lấy lý do gì để giải thích với nhân dân, sau bao nhiêu năm nhịn ăn cung ứng cho chiến trường, rồi bây giờ lại càng đói khổ hơn khi hòa bình trở lại!

Từ những “bức xúc” thực tế ấy, lãnh đạo Cộng Sản bất đắc dĩ phải đưa ra khẩu hiệu “đổi mới”, khởi đầu ngay tại Liên Xô từ năm 1985. Nói “bất đắc dĩ” là bởi vì trong thế giới Cộng Sản, bất cứ ai đề xuất một ý tưởng khác với những giáo điều cứng rắn của Đảng thì lập tức bị gán cho cái tội “xét lại” hoặc “phản Đảng” và thường đưa đến hậu quả thân tàn ma dại. Điều này chắc chắn ai cũng đã biết qua kinh nghiệm mấy chục năm cai trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Đọc Đêm Giữa Ban Ngày của Vũ Thư Hiên, Đèn Cù của Trần Đĩnh, Bên Thắng Cuộc của Huy Đức v.v… chúng ta đã thấy được phần nào những thanh trừng nội bộ rất cay đắng của Đảng Cộng Sản qua những vụ án mà họ gọi là “xét lại”, chẳng hạn như vụ Hoàng Minh Chính.

Hoàng Minh Chính là một đảng viên kỳ cựu, hoạt động cùng thời với anh em Lê Đức Thọ. Năm 1945 ở Hà Nội, nhạc sĩ Văn Cao tham gia Việt Minh, công tác trong đội ám sát. Chính Hoàng Minh Chính đã đưa súng cho Văn Cao đi giết những đảng viên Quốc Dân Đảng bị Việt Minh vu cho tội thân Nhật. Hơn 30 năm sau, Hoàng Minh Chính mới tỉnh ngộ, nhìn thấy nhu cầu phải cải tổ để cứu đất nước. Nhưng ý kiến của ông đụng vào những bức tường bảo thủ kiên cố nên ông bị truy bức, kéo theo bao nhiêu người khác mà phe bảo thủ muốn nhân dịp này tiêu diệt.

Kim Ngọc, Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú, thấy nông dân làm hợp tác xã không có hiệu quả vì cha chung không ai khóc, cơm nhà chúa múa tối ngày, cứ rềnh rang vác cuốc ra đồng đủ 8 tiếng rồi về, thu hoạch không năm nào đủ chỉ tiêu. Ông mới nghĩ ra sáng kiến là cho nông dân làm khoán. Làm nhiều ngày hay ít, chăm hay lười, không cần biết, miễn là nộp đủ số thóc quy định! Sáng kiến này tuy thực tế và có lợi cho Nhà Nước nhưng bị coi là đi lạc đường nên bí thư tỉnh ủy bị kỷ luật và cách chức! Bí thư tỉnh ủy tất nhiên phải là một ủy viên trung ương Đảng, thế mà còn bị trừng phạt vì một sáng kiến cá nhân, huống chi người dân thường, ai dám phát biểu ý kiến!

Vậy mà sau 10 năm kết thúc chiến tranh, giữa lúc phe bảo thủ còn đang thống trị toàn Đảng, thì Trường Chinh đã phải công khai hô hào đổi mới. Ai cũng biết Trường Chinh là lãnh tụ cộng sản kỳ cựu bên cạnh Hồ Chí Minh, một lý thuyết gia tiền phong của Đảng và là người chỉ đạo cuộc cải cách ruộng đất đẫm máu tại Miền Bắc, giết hại biết bao nhiêu nông dân cũng như đảng viên. Nói cách khác, Trường Chinh vẫn được coi là một thành trì kiên cố nhất của Đảng. Thế mà chính Trường Chinh phải thay đổi lập trường thì đủ biết hoàn cảnh Việt Nam sau chiến tranh thê lương như thế nào!

Trần Bạch Đằng viết trong bài “Dám Rẽ Ngoặt Trong Tư Duy” như sau:

“Mùa Thu năm 1985, thành quả của bao nhiêu năm chắt chiu của nước ta bỗng chốc sụp đổ qua sai lầm trong điều chỉnh giá cả và đổi tiền. Thế là toàn Đảng toàn dân “khởi đầu bằng sự khởi đầu”! Bác Trường Chinh tìm lối thoát trong cảnh cực kỳ rối ren… Bác kiên trì sự nghiệp đổi mới, đổi mới triệt để và toàn diện… Bác dũng cảm điều chỉnh lại tư tưởng của mình…”!

Nói “dũng cảm” bởi vì khi đề xuất ý kiến đổi mới tức là đụng chạm mạnh đến những vùng đất cấm kinh niên của Đảng, những nhân sự suốt đời cố chấp mà chỉ có người tầm cỡ như Trường Chinh, lúc ấy ngoài 70, mới dám lên tiếng!

Sau khi Trường Chinh mất, Trần Bạch Đằng viết:
“Thưa anh Năm Trường Chinh! Tiễn anh, chúng tôi ân hận vô cùng: Không đổi mới nhanh như anh ao ước!… Tôi tin, nếu quả còn cuộc sống ở thế giới khác sau khi người ta chết, thì những nạn nhân của cuộc cải cách ruộng đất, cũng sẽ mở rộng vòng tay đón Bác Năm Trường Chinh…”.

Ý nói: Cuối đời Trường Chinh đã thấy cái sai của mình, xin các oan hồn bị đấu tố trước đây, nếu gặp lại Trường Chinh ở thế giới bên kia, hãy tha cho Trường Chinh, đừng xúm lại hỏi tội!

(Ghi chú: Trần Bạch Đằng nguyên là Bí thư Khu Ủy Sài Gòn – Gia Định. Trong chiến dịch Mậu Thân 1968, Trần Bạch Đằng và Võ Văn Kiệt là tư lệnh tiền phương, chỉ huy lực lượng Việt cộng đánh vào nội thành Sài Gòn).

“Đổi mới” thật ra là một bản tuyên ngôn đầu hàng tư bản! Bởi vì: Cốt lõi của Cộng Sản là kinh tế chỉ huy, là mậu dịch quốc doanh, là kiểm tra hộ khẩu, là hợp tác xã, là mỗi tháng xếp hàng lĩnh 16 ký gạo! Một khi đã chuyển sang cơ chế thị trường tức là đã chào thua thế giới tự do rồi!
Kiệt quệ về kinh tế đã đành, người Cộng Sản còn mất hết niềm tin vào những lý tưởng mà họ được dạy dỗ trước đây.

Lùi lại hồi đầu thế kỷ thứ 20, phong trào Cộng Sản là một cái gì mới mẻ, hấp dẫn rất nhiều người trí thức ở thành thị. Nó hấp dẫn bởi về mặt lý thuyết, nó đề cao lý tưởng công bằng xã hội, xóa bỏ bất công bằng đấu tranh giai cấp. Lúc ấy, quả thực tư bản còn quá nhiều khuyết điểm, chủ nhân bóc lột công nhân, công đoàn chưa thành hình, chế độ lao động hà khắc, không được luật lao động bảo vệ. Ở nông thôn thì phong kiến áp bức đến tận cùng. Do thực tế ấy, người ta dễ dàng bị lôi cuốn theo Cộng Sản dù chưa hiểu CS là gì. Đã thế, cộng sản lại ra đời đúng lúc phong trào giải phóng các dân tộc bị trị lên cao trên toàn cầu, nhất là sau Đệ nhị Thế chiến. Cộng Sản khôn khéo đem chiêu bài chống ngoại xâm để lôi kéo quần chúng, điển hình là biết bao nhiêu người đã theo Hồ Chí Minh, đâu phải vì thích Cộng Sản mà vì muốn đứng vào hàng ngũ đánh Pháp. Đến khi Cộng Sản thắng rồi thì đã quá muộn, họ không rút chân được nữa!

Thế giới tư bản thì càng ngày tự điều chỉnh để trở nên hoàn thiện, trong khi cộng sản dừng chân tại chỗ, hết chiến tranh là lộ ra hết khuyết điểm. Khi Liên Xô và Trung Cộng công khai thù nghịch nhau, khi Việt Cộng xâm lăng Miên Cộng (Khờ-Me Đỏ), khi Trung Cộng dạy cho Việt Cộng một bài học vào đầu năm 1979 – nghĩa là gà cùng một mẹ mà chém giết nhau không nương tay – thì cái lý tưởng “thế giới đại đồng” và “chung sống hòa bình” giữa các nước xã hội chủ nghĩa anh em còn ý nghĩa gì nữa! Cứ nhìn Trung Cộng, người ta thấy ngay cái tình hữu nghị môi hở răng lạnh của hai nước Cộng Sản nó cay đắng như thế nào!

Lời dạy của Đảng trở thành trò hề, làm thất vọng tất cả những ai từng tin vào chủ nghĩa Mác-Lênin. Ý nghĩ giã từ chủ nghĩa xã hội vì vậy càng ngày càng lan rộng trong đầu nhiều đảng viên, chỉ chờ cơ hội là bùng phát!

Từ khi các nước Đông Âu và nhất là Liên Xô sụp đổ, thế giới không còn ai nhắc đến Cộng Sản nữa. (Chắc chỉ còn cộng đồng người Việt ở hải ngoại vẫn bám lấy ma Cộng Sản để hù dọa hoặc chụp mũ nhau mà thôi!). Hai chữ “Cộng Sản” chỉ còn là một tì vết của lịch sử, đã lùi hẳn vào trong dĩ vãng, không còn là mối bận tâm cho nhân loại. Nó đã trở thành chuyện cổ tích, người bỏ Đảng mỗi ngày một đông. Trước mắt thế giới, kẻ thù mới bây giờ là Terrorist, là ISIS, là những nhóm quá khích không nhân tính, chứ kẻ thù cũ là Cộng Sản giờ này là hết hẳn đất đứng.

Dĩ nhiên cũng còn vài nước vẫn bám lấy danh hiệu Cộng Sản nhưng thật ra họ không còn mang chất cộng sản như xưa. Họ bám chỉ vì quyền lợi của đảng phái, của phe nhóm mà họ phải bảo vệ mà thôi. Bắc Hàn và Cuba thì đói khát quanh năm, không đáng bàn đến. Trung Cộng thì tư bản hóa trước cả Việt Cộng. Cụ thể, ngày nay nếu phải đối phó với Trung Quốc thì hoàn toàn không phải là đối phó với một nước cộng sản mà là một đế quốc có chủ trương bá quyền.

Việt Nam cũng thế! Giờ này người ta chống Việt Nam không phải là chống một nước cộng sản mà là chống một chính quyền độc tài, độc đảng, chà đạp nhân quyền giống như nhiều nước độc tài khác trên thế giới.

Trong chế độ Cộng Sản đích thực, chỉ cần có vài mẫu ruộng đã ra pháp trường đấu tố, chỉ cần làm chủ một cửa tiệm hạng trung đã bị đánh tư sản, hoặc vào tù hoặc đi vùng kinh tế mới, chứ làm gì có những cán bộ đảng viên sở hữu những dinh thự nguy nga và ôm hàng tỉ hàng triệu dollars như hiện nay ở Việt Nam! Các cấp lãnh đạo Trung Quốc cũng thế! Có những quan chức phải dành riêng ra hẳn một căn nhà mới đủ chỗ chứa vàng và tiền mặt thì cộng sản ở điểm nào!

Nói tóm lại, trên thế giới ngày nay không còn nước nào áp dụng lý thuyết Cộng Sản đúng nghĩa. Tất cả đều đã đầu hàng tư bản, chạy theo tư bản, nhưng gắng gượng nên câu khẩu hiệu: “Áp dụng cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa!” Họ ngượng ngùng nói thế khi chính họ cũng biết rõ rằng chủ nghĩa xã hội không bao giờ có cơ chế thị trường! Tư bản thúc đẩy sản xuất và cải thiện sản phẩm bằng tự do cạnh tranh! Cộng Sản thúc đẩy sản xuất bằng tuyên truyền, bằng chỉ thị và bằng giấy biểu dương! Khác nhau như nước với lửa, không thể kết hợp được.

Cho nên, như tôi đã nói ở trên, người cộng sản một khi đã áp dụng cơ chế thị trường tức là đã bỏ cuộc, là giã từ hẳn chủ nghĩa của mình rồi! Chỉ cần để ý một chút, chúng ta thấy ngay ngày nay họ không còn tự hào khoe khoang về lý tưởng của họ như thuở trước. Những câu khẩu hiệu một thời họ hãnh diện nêu cao như “Đảng ta là Đảng của giai cấp công nhân”, hoặc “Chủ nghĩa xã hội là đỉnh cao trí tuệ loài người” giờ này chính họ đã lặng lẽ xóa đi. Hai chữ “vô sản” là đặc trưng của chế độ, ngày nay cũng đã biến mất! Đấu tranh giai cấp để tiến đến công bằng xã hội thì không thể áp dụng được nữa bởi giai cấp giàu nhất bây giờ gồm toàn đảng viên! Chả nhẽ họ tự đấu tố chính mình!

Chẳng những thế, trong nước đang có dư luận một ngày gần đây Đảng Cộng Sản sẽ đổi tên, bỏ hẳn hai chữ “Cộng Sản” đã lỗi thời vì quá nhiều khuyết điểm! Nhưng dù có đổi tên mà vẫn duy trì lề lối cũ, vẫn độc tài và thường xuyên vi phạm Hiến Chương Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc thì thế giới vẫn tiếp tục lên án và người dân vẫn tiếp tục đấu tranh.

Bởi mục tiêu tối hậu không phải chỉ là xóa đi hai chữ Cộng Sản, mà là kiến tạo một quốc gia tự do, dân chủ và phú cường, để Việt Nam có thể hãnh diện đứng ngang tầm với các nước văn minh trên thế giới.

Tổng kết lại, nhìn lại 4 thập niên vừa qua, nếu chỉ chú ý đến cái mốc kết thúc chiến tranh năm 1975 ở Việt Nam, thì người ta gọi Miền Bắc là “bên thắng cuộc”. Nhưng nếu mở tầm mắt rộng hơn, nhìn sự sụp đổ của hệ thống Cộng Sản toàn cầu do chiến tranh Việt Nam gián tiếp gây nên, thì thế giới tự do mới đích thực là “bên thắng cuộc”!

Nguyễn Ngọc Ngạn
Tháng 4/2015

(Sưu tầm)

Khi mẹ sinh con ra, là khi chiến tranh đã đi qua. Con lớn lên trong trọn vẹn hòa bình, được thong thả tới trường mà không còn phải đội mũ rơm, không phải nhảy xuống những hầm trú bom, tránh đạn, không còn phải nghe những tiếng còi, tiếng loa báo động réo rắt mỗi khi máy bay giặc điên cuồng gầm rú trên vòm trời; con cũng không còn phải gặp những xác người chất đống ngoài đường, không phải thấy cảnh ly tán, hoang tàn, chết chóc, đau thương…

Thế nhưng, trong trí óc ngây ngô, non nớt của con ngày ấy, đã có những băn khoăn mà con không thể tự trả lời: Tại sao trên đường nhiều những nấm mồ hoang? Tại sao phía sau vườn nhà lại có cái hố to và sâu đến thế? Sao ảnh của ông và cha lại đặt cạnh nhau trên ban thờ, để mỗi lần được điểm tốt muốn khoe, hoặc tủi thân muốn được an ủi, vỗ về, con lại phải bắc ghế, đứng lên mới có thể chuyện trò? Tại sao có những đêm mẹ không ngủ, chỉ ngồi một góc giường, ôm chiếc áo cũ sờn của cha sụt sùi?

Con đã mang tất cả những băn khoăn trên hỏi mẹ. Mẹ lặng người, mắt đỏ hoe, vuốt tóc con trìu mến: “Là chiến tranh, con trai ạ!”

Vậy ra, chiến tranh làm nên những nấm mồ, những hố bom sâu hoẳm? Chiến tranh mang ông đi khỏi bà, mang cha đi khỏi mẹ, rồi gửi trả về hai tấm ảnh vô hồn, đặt trên ban thờ im lặng. Vậy ra, chiến tranh là lý do vì sao con lớn lên không biết mặt cha, là lý do bao đêm mẹ vẫn khóc thầm. “Nếu vậy thì mẹ ơi, con ghét chiến tranh!”

Bây giờ, con đã lớn khôn, trong trọn vẹn hòa bình. Thời gian đã làm mờ dần những vết tích đạn bom. Làng mình, giờ chẳng còn những nấm mồ hoang, tất cả đã được chuyển về nghĩa trang rộng rãi, đàng hoàng; cái hố bom sâu thẳm sau vườn đã bị lấp từ lâu, để trồng bí trồng bầu, xum xuê hoa trái; những loa phóng thanh giờ là để tuyên truyền xây dựng nông thôn mới, phát lên những khúc hát yêu đời; những đứa trẻ sinh ra đã được chăm sóc, yêu thương đủ đầy bởi cả cha và mẹ…

Nhưng đêm qua thức giấc, con vẫn thấy mẹ ngồi đó, vẫn chiếc áo sờn của cha, và vẫn những dòng lệ nhạt nhòa. Và con hiểu rằng, cuộc đời này có những mất mát, có những đau thương mà thời gian chẳng thể nào xoa dịu. Con chầm chậm lại gần, ôm mẹ từ phía sau thật chặt, để mong sao một phần nỗi đau ấy chảy sang con, để lòng mẹ nguôi đi những nghẹn ngào. Còn mẹ thì lại vội vàng lau nhanh những giọt lệ ướt lem, như cố không cho con thấy được sự yếu mềm…

– Mẹ à! Nếu đất nước có chiến tranh, con muốn xung phong ra trận, mẹ có cản con không?

– Mẹ không!

-Tại sao? Con tưởng mẹ căm ghét chiến tranh? Mẹ không sợ rằng con sẽ lại hi sinh, và ảnh của con lại đặt trên ban thờ, cùng ông, cùng cha?

– Chiến tranh thì ai cũng sợ, cũng căm ghét con à! Và những người như bà, như mẹ lại càng thấm thía sự khủng khiếp của chiến tranh. Nhưng khi tổ quốc cần, khi đất nước lâm nguy, mẹ không thể và không có quyền giữ con bên mẹ, bởi con không chỉ là con của mẹ, mà còn là một đứa con của tổ quốc này! Nếu con đi, mẹ sẽ vẫn đợi ngày con trở về, giống như mẹ đã từng đợi cha. Và nếu con không trở về, bởi máu con đã hòa vào sông, xương con đã tan vào đất, mẹ sẽ lại tự hào vì con, giống như đã tự hào vì cha con vậy!

Mẹ ơi! Bây giờ thì con đã hiểu, rằng những đêm mẹ ôm áo cha khóc thầm, rằng những giọt nước mắt mẹ rơi chẳng phải là sự yếu mềm, mà đó là tình yêu, là sự hi sinh mẹ dành cho tổ quốc này! Con tin rằng, chẳng có kẻ thù nào, dù mạnh đến đâu, có thể làm chúng ta khuất phục, bởi tổ quốc này có triệu triệu những người phụ nữ anh hùng và kiên cường như mẹ…

Tác giả: Võ Tòng Đánh Mèo

Nguồn: Tony Buổi Sáng

Các bạn trẻ thường có 1 bệnh rất lớn, đó là bệnh “hào hứng một phút”. Đọc 1 bài về ngoại ngữ, cũng lên khí thế hừng hực, cũng mở Youtube ra, cũng lên trung tâm… nhưng chỉ học đúng 1 buổi. Bữa sau vẫn ôm ipad coi tiếp thằng A, con B hôm nay ăn gì làm gì tự sướng cái gì trên FB. Đọc 1 bài về khởi nghiệp, cũng hầm hầm khí thế, đứng lên đi thuê nhà tìm chỗ mở công ty, nhưng tìm 3 bữa thôi mệt, nắng nóng quá chạy tới chạy lui mệt. Đọc 1 bài về du học, cái cũng lên công ty du học tư vấn, đem 1 đống giấy tờ về nhà rồi quên để bụi bám lên mốc lên meo. Đọc 1 bài về thể dục thể thao, cái cũng đi mua cái máy chạy bộ, mua cái tạ về đẩy lên đẩy xuống đúng 2 lần. Rồi hết, mọi thứ “nguyễn y vân, vũ như cẩn”.

Các bạn họ hàng với 2 anh Vân Nguyễn và Cẩn Vũ này, tìm cách unfriend nó. Nguyên nhân là do cái Ý CHÍ không nằm sâu trong tâm khảm của bạn, nên bị giật dây thì có chút khí thế, nhưng sức ỳ lớn hơn. Nhà càng khá giả, học vấn càng tốt, tuổi càng cao thì sức ỳ này càng lớn. Nên vượt khó thì dễ hơn vượt sướng gấp nhiều lần. Sinh ra trong một gia đình khá giả thì đó là bất hạnh, vì nó sẽ dễ dàng triệt tiêu động cơ phấn đấu. Sinh ra trong một hoàn cảnh khó khăn, đứng trước một sự chọn lựa quá hẹp, thì mình phải vui mừng. Vì đó là cơ hội.

Giữa việc ra sân tập thể dục thể thao với ngồi coi ca sĩ diễn viên cởi áo trên mạng, người ta dễ chọn cái thứ 2. Nên nhiều người nghiện ma túy, bỏ thuốc lá…kêu từ bỏ, phần lớn không bỏ được. Cứ trả về với cộng đồng lại tái nghiện ngay. Vì bản chất của con người là “cái lười” và “thèm” bao giờ cũng hiện hữu trong tâm trí, nên phải có ý chí thật mãnh liệt, thì mới chiến thắng được.

Để rèn ý chí mãnh liệt này, người ta phải có chiêu. Trước một cám dỗ, bạn nên bặm môi, dùng răng cắn cho thật đau, đau đến mức bạn còn có thể chịu đựng được. Đứng thẳng, nắm chặt 2 bàn tay lại, nín thở, mắt lườm lườm giả bộ ở trước là đối tượng khủng bố cần tiêu diệt. Hồi đó Tony đi thi hùng biện trên sân khấu, cứ chuẩn bị lên là tay chân quíu, giọng nói lạc đi, đầu óc nghĩ cái gì chả nhớ. Nhưng lúc trước mặt mọi người, mình mím môi thật chặt, cắn thật đau (yên tâm không có chuyện chảy máu vì mình tự biết điều chỉnh đau quá thì thôi không cắn nữa, kiểu như nhịn thở ấy, không sợ nhịn rồi chết vì chịu không nổi nữa là tự động thở cái phì). Lúc mình nắm chặt tay và mím môi như vậy, hệ thần kinh sẽ được kích hoạt, máu dồn về não nhiều, giúp mình sáng suốt, và tràn đầy ý chí. Bạn cứ thử, có thể sẽ khinh công lên tận ngọn cây chứ không phải chơi. Đây là bí quyết của vận động viên người Triều Tiên mỗi khi thi đấu thể thao. Liều doping này tự nhiên giúp họ đạt thành tích rất cao.

Các bạn thử áp dụng khi mình cần quyết tâm 1 cái gì đó nhé. Tay nắm chặt sẽ giúp bạn tay mạnh mẽ hơn. Môi mím chặt sẽ giúp đôi môi hồng hơn, đỏ tự nhiên rất đẹp. Bạn gái sau khi mím môi, mình thè lưỡi liếm 1 cái cho nó bóng như son, khỏi tốn thời gian trang điểm.

Mình vô cái nhà, dù biệt thự đẹp đẽ cách mấy, thấy bếp núc lạnh lẽo, bạn có ớn không? Bạn dù có tài giỏi xinh đẹp cách mấy, mà không có lửa nhiệt tình, thì cũng như cái biệt thự hoang vắng kia. Bạn có thấy những ngôi nhà tranh, những ngôi nhà gỗ dù bé nhỏ nhưng vẫn ấm cúng vì có 1 bếp lửa hồng?

Mình có một cuộc đời thôi, đừng có tro tàn bếp lạnh. Dù ngoài kia lạnh lẽo, lòng người quyết tâm thì vẫn rực lửa. “Ngoài phố mùa đông, đôi môi em là đốm lửa hồng”.

Nguồn: Tony Buổi Sáng

Khi còn học ở HBS, có lần giáo sư đặt câu hỏi, theo bạn, doanh nhân là ai. Rất nhiều quan niệm khác nhau được đưa ra vì học viên đến từ nhiều nước khác nhau, nhiều nền văn hóa khác nhau. Sau đó thì thầy mới đưa ra quan niệm các giáo sư trong trường, thành một quan điểm hay còn gọi là trường phái Harvard về doanh nhân. Nôm na là doanh nhân là người lãnh đạo, có thể làm chủ hay không phải làm chủ, nhưng phải là lãnh đạo doanh nghiệp hay tổ chức có lợi nhuận. Mục tiêu làm ăn là phải có lợi nhuận, nhưng doanh nhân phải lèo lái làm sao đó để không xung đột với đạo đức xã hội. Doanh nhân phải giải quyết sao cho sự phát triển của doanh nghiệp của mình không gây phương hại đến môi trường thiên nhiên. Doanh nhân phải làm từ thiện xuất phát từ tâm của mình, từ tình đồng loại chứ không phải vì nhu cầu marketing. Và cuối cùng là doanh nhân phải biết chia sẻ với thế hệ sau, về cả tiền bạc lẫn vốn sống, kiến thức nhằm tạo ra một thế hệ doanh nhân mới khi mình chết đi. Các quan niệm khác tuy có khác trường phái Harvard chút ít, song vẫn tựu trung các ý trên. Thành một chuẩn thế giới về doanh nhân.

Nghe xong, lúc đó Tony hoảng hồn, thấy mắc cỡ. Vì mang tiếng là doanh nhân đã lâu, ngày 13/10 nào cũng tổ chức ăn uống hát hò tặng bằng khen treo đầy nhà, nhưng mình đã làm được gì. Chẳng làm được gì cho cộng đồng và chẳng chia sẻ với ai một cách tự nguyện. Bạn bè hỏi, ở Việt Nam, doanh nhân là thế nào. Tony thật sự lúng túng, và nói ở Việt Nam muốn làm doanh nhân không có tiêu chuẩn hay ai cấp phép, nên tụi tao mở công ty hay làm giám đốc thì được gọi là doanh nhân, hoặc đăng ký vào câu lạc bộ doanh nhân nào đó là xong. Đó là tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN). Suy nghĩ lại, vậy nước mình chắc không có ai, hay có mà mình chưa biết. Mười lăm năm đi làm, gặp n người gọi là doanh nhân, mình thấy không ai thỏa hết các điều kiện của chuẩn thế giới như thế cả. Có người thì làm giàu một cách nhanh chóng nhờ lấy tài nguyên thiên nhiên, chặn dòng chảy của các con sông làm thủy điện, xả nước thải ra sông mặc cá tôm chết sạch. Có người đoạt giải anh hùng từ thiện, quán quân từ thiện nhưng lu loa lên cho cả thiên hạ biết, ghi rõ tên mình hay doanh nghiệp mình lên phong bì, chỉ cho vài triệu đồng nhưng phải bắt những thân phận đáng thương kia phải khóc phải cười phải cám ơn xỉu lên ngất xuống, để quay lên ti vi, để chụp hình lên báo. Có người có con đường làm giàu bí hiểm, không ai biết làm sao họ giàu vì họ không muốn chia sẻ. Vì cái khôn của người Trung Quốc và các nước Á Đông chịu ảnh hưởng là “cho bạc cho vàng, không ai trỏ đàng đi buôn”, giấu nhẹm bí quyết làm ăn. Bao nhiêu tỷ phú thế giới lúc họ chia gia tài, chỉ để lại cho con vài đồng gọi là, còn tất cả đều đưa vào quỹ từ thiện, trong khi bên ta thì ngược lại. Nhà thường thường bậc trung có hai đứa con thì ông cha bà mẹ cũng cày gần chết để có hai cái nhà cho chúng nó làm của. Còn rất nhiều doanh nhân ở ta thì HẸP NGƯỜI NHƯNG RỘNG MÌNH, bản thân hay con cháu thì phung phí, mua siêu xe, đốt tiền nhưng với đối tác hay người làm thì o ép, kỳ kèo từng đồng, từng xu. Rộng rãi chuyện tiền bạc với con cái, thương hay không thương? Tụi Tây nói vậy là không thương. Vì làm cho nó hỏng. Con cháu Hòa Thân, công tử Bạc Liêu…giờ liêu xiêu đói rách, dù cha ông họ từng tuyên bố là tiền tôi ăn 5 đời chưa hết. Nhưng sao đời thứ 3 lại đã phải chạy xe ôm?

Lúc thảo luận, mình có ngồi chung nhóm có hai bạn Trung Quốc. Thấy các bạn nói là bên đó, vẫn có khái niệm “không ai giàu ba họ”, tức giàu cho lắm, ba thế hệ sau thì cũng hết giàu. Nhưng ở phương Tây, họ giàu đến cả chục thế hệ, cụ thể trong nhóm vẫn có một anh người Ý là thế hệ thứ năm của một tập đoàn sản xuất các sản phẩm cà chua. Vậy Âu, Á có gì khác biệt.

Tony với hai người bạn Trung Quốc bèn đi tìm hiểu tiếp, vô thư viện tìm tài liệu đọc, rồi phỏng vấn bao nhiêu là người. Cuối cùng cũng tạm rút ra được nguyên nhân trong một cổ thư Trung Quốc thế kỷ 15, họ cũng làm thống kê trong cả mấy ngàn năm lịch sử Trung Quốc và châu Á, nên nhóm tạm tin và dùng làm cơ sở nghiên cứu tiếp. Cuốn sách nói về sức mạnh của sự chia sẻ “ the power of giving”. Một người sinh ra, để thành đạt, có 1 PHẦN TÀI, 2 PHẦN ĐỨC VÀ 7 PHẦN PHÚC. Nôm na cái phúc này là cái may mắn, phúc phần của gia đình tổ tiên để lại. Sinh ra có phúc, nó đẹp đẽ khôi ngô lành lặn, nói một hiểu mười. Cái đó sẽ quyết định 70% sự thành đạt. Vấn đề là con người mình không biết cái phúc của mình bao nhiêu, nên con người muốn thành đạt phải tích đức, tức tăng tỷ lệ trong cái room* 20% đó. Phải luyện tài, để đạt tối đa trong cái room 10%.

Có ví dụ ông Trương ở Hàng Châu, một nhà buôn nổi tiếng thời Đường. Số phận của ông là thương gia, nên thang đo sự thành công là số tiền có được. Phúc của ông là được 100,000 lượng vàng, đó là tới điểm cực đại của đồ thị sự nghiệp của ông. Tức ông nếu chỉ có 50,000 lượng, thì công việc cứ vẫn phát đạt, vì đồ thị vẫn còn đi lên. Nhưng khi ông có 100,000 lượng rồi mà vẫn cứ tích lũy tiếp, thì sự nghiệp bắt đầu xuống dốc. Rủi ro xui xẻo, rồi đau ốm bệnh tật, đủ thứ chuyện cho nó mất dần mất dần, rồi xuống con số 0. Đó là thế hệ thứ ba của ông sẽ phải gánh chịu.

Người phương Tây họ nắm bắt cái này sớm, họ đưa ra giải pháp. Đó là bí mật của nhà giàu phương Tây. Họ chỉ nuôi con nuôi cháu đến 18 tuổi. Rồi tùy đứa trẻ quyết định. Muốn học nữa thì đi vay, của chính phủ hay của gia đình, có hợp đồng luật sư đàng hoàng. Xong ra trường, tụi này cũng cày quần quật như bao nhiêu người khác để trả nợ. Sau một thời gian dài mới vô công ty của gia đình làm, rồi leo dần lên như người ngoài vậy. Nên tụi nó quý trọng đồng tiền. Các tỷ phú phương Tây vì không biết cực đại của cuộc đời mình là bao nhiêu, nên họ chủ động bỏ bớt. Khi đến con số 99,000 lượng, họ cho đi 90,000 lượng vào quỹ từ thiện, chỉ còn 9,000. Số phận của họ lại được tiếp tục 91,000 lượng nữa, nên làm ăn cứ lại phát đạt. Cứ như thế, tới đời con đời cháu, cứ phát đạt hoài. Chưa kể khi cho đi, sức mạnh của sự chia sẻ, PHÚC LẠI TĂNG LÊN, cực đại của họ cao hơn, mức cực đại lần sau sẽ là 150,000 lượng chứ không phải 100,000 lượng nữa.

Đọc xong. Thở dài. Hiểu. Thôi thì “đời cua cua máy, đời cáy cáy đào”. Thôi giờ lo cho tụi nhỏ, cho thế hệ “Tony con” hưởng một chương trình giáo dục thật tốt đến năm 18 tuổi. Rồi thôi, không để lại một xu. Rồi nó muốn học gì thì học, làm gì thì làm. Nó muốn học tiếp thì vay tiền, ngành học gì thì tùy nó lựa chọn, theo đam mê (passion) và sứ mạng (mission) cuộc đời của nó. Hoặc giả dụ nó muốn đi làm luôn từ năm 18 tuổi cũng được. Siêu xe biệt thự gì thì tự nó làm lấy mới bền vững được.

Mình, mảnh đất bé xinh ở một góc đồi Đà Lạt, cất cái nhà nhỏ ẩn trong rừng thông, bình yên, sáng pha ấm trà Cầu Đất, xong đạp xe đi dạy, truyền cho thế hệ sau những cái mình đã biết. Chiều tưới cây tưới hoa trong vườn, viết thơ, viết văn, đọc sách, đối ẩm với bạn hiền. Chờ trăng lên và gió ngàn vi vút qua đồi thông trước mặt. Hổng biết có làm được không nữa. Thấy cũng khó nhưng ráng.

Có một mối liên hệ đặc biệt giữa sự trì hoãn và thói lười biếng. Mỗi chúng ta luôn phải đối mặt với cuộc chiến chống lại thói lười biếng hằng ngày nhưng hầu hết kết quả của cuộc chiến đó là những thất bại cay đắng. Mấu chốt của vấn đề chính là sự trì hoãn trong công việc.

Bạn dự định viết xong 2 bài essay trong buổi tối ngày hôm nay nhưng lại ngồi cafe và lướt web đến gần khuya mà vẫn chưa đoái hoài gì đến bài vở. Bạn lên kế hoạch hoàn thành bài tập lớn cho môn học trên lớp vì chỉ còn vài ngày nữa là đến deadline và trong đầu vẫn chưa có chữ nào… Nếu bạn đang hoặc đã từng gặp phải những tình huống như trên thì xin chúc mừng, bạn không phải là người duy nhất.

Tôi có thói quen đọc tin tức, bài viết từ các trang mạng và bookmark (lưu lại link) những bài hay ho, hữu ích để đọc lại khi có thời gian. Thường thì đó là các bài viết dài, với lượng thông tin lớn, cần có thời gian suy ngẫm. Trớ trêu thay, càng bookmark nhiều tôi càng lười đọc lại. Kết quả là số trang bookmark dần trở nên “đồ sộ” và chỉ riêng việc check lại danh sách các trang đó thôi cũng đủ để tôi cảm thấy chán nản chứ chưa nói đến việc đọc chúng một cách tỉ mỉ. Tôi vẫn phải dành thời gian đọc và tìm hiểu các bài viết mới trên mạng và lại bookmark các bài viết hay lại. Vòng luẩn quẩn cứ thế tiếp diễn, bạn phải dành khá nhiều thời gian cho việc check các bài viết cũ đã bookmark. Trong kỷ nguyên “bội thực về thông tin” như hiện nay, nếu không biết cách thoát khỏi vòng luẩn quẩn ấy, thời gian của bạn đang thực sự bị lãng phí trong khi những thông tin cần tiếp nhận bị “ứ đọng”. Đây chỉ là một trong nhiều ví dụ về sự trì hoãn trong công việc mà tôi và không ít bạn trẻ đang mắc phải.

Vậy làm thế nào để tránh tạo ra sự trì hoãn trong công việc? Câu trả lời hãy là trang bị cho bản thân tâm thế luôn cố gắng hoàn thành một cách triệt để công việc được giao. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến tính liên tục trong khi thực hiện công việc. Hãy học tập và làm việc liên tục, đừng để mất tập trung vì những thứ xung quanh trong khi công việc còn dang dở. Một cách khá hay và hiệu quả là làm “To do list” vào mỗi sáng. Đó là danh sách ghi lại các công việc mà bạn cần hoàn thành trong ngày. Nó giúp bạn dễ dàng kiểm soát và theo dõi mức độ hoàn thành công việc của bản thân, từ đó giúp công việc được hoàn thành theo đúng kế hoạch. Nếu bạn dùng smartphone, đừng quên cài đặt 2 ứng dụng hữu ích Evernote và Google Keep. Đây là 2 ứng dụng tuyệt vời trong việc ghi chú, Google Keep đặc biệt hữu dụng trong việc lập danh sách công việc tạm thời.

Việc hôm nay chớ để ngày mai, hãy tận dụng tối đa quỹ thời gian eo hẹp của bản thân trong ngày để hoàn thành những công việc đã được lên kế hoạch. Đừng để sự trì trệ làm bạn sập bẫy. Hãy tập trung cao độ trong công việc và học tập, nếu được hãy ngồi lỳ nhiều giờ đồng hồ cho công việc, tắt điện thoại, tắt internet… Nghiêm khắc với bản thân hơn nữa, kiên quyết không đi ngủ nếu chưa hoàn thành hết công việc của ngày hôm đó, không nằm nghỉ tạm trên giường vì như vậy dễ ngủ thiếp đi…

Cuối cùng, phải thừa nhận một thực tế, cái chúng ta thiếu hiện nay không phải là tiền bạc, thậm chí không phải là thời gian, mà chính là nghị lực và quyết tâm chiến thắng sự lười biếng, chiến thắng bản thân trước những khó khăn và cám dỗ.

Speech by Gen Nguyen Cao Ky, 13 Jun 2003

Students, faculty, administrators and staff, I thank you for this opportunity to share a few thoughts. I am particularly indebted to President Martha Kanter and to Dean John Swensson for your kind invitation to speak today.

Twenty-seven years ago last April, after 20 years of heroic resistance, South Vietnam fell to the enemy. Much has happened since. Many of you were not yet born-but those who still recall that dark day, those to whom over the years time has added lines to your faces and gray to your heads, who served through those difficult times with honor-you have not lost the dedication to liberty inspired by your high ideals. You have matured, and the sacrifices and passions of your youth have given way to the rewards and responsibilities that accompany your positions of esteem in American society. As for me, as you can see, I am no longer wearing my purple scarf, my flight suit, my six-shooter. I have put them all away at the bottom of my trunk, memorabilia of a time past. If the war has faded into history, democracy’s defeat in Vietnam has left deep marks in the consciousness of both nations. The questions asked since 1975 have yet to bring satisfactory answers. How could an alliance of the 25 million people and armed forces of South Vietnam with the colossal American political, economic and military apparatus, along with the forces of other allied nations, have been defeated by the small, impoverished people and army of North Vietnam? Today I will offer my own answers to those questions.

LADIES AND GENTLEMEN:

American history books postulate that the war was lost because it lacked legitimacy, because of corruption in the government and armed forces of South Vietnam, because of the cowardliness of South Vietnamese troops, because America abandoned South Vietnam, and so forth. None of these, however, is accepted as definitive. I say to you now: We lost the war for two reasons: Because of the ill-conceived, unequal, and often condescending relationship between the United States and South Vietnam. And because our overall strategy was defensive war, a strategy that by itself would have led to failure and eventual defeat. And how did this happen, exactly? As someone born and raised during that war, one who participated in and led it, who has witnessed and shared in the sufferings of his country and of his people, I will attempt to present as objectively as I can the facts and observations that lead me to such a bold statement. Tonight, as difficult as it may be to face them, you will hear facts that you have not heard before, and I trust you will share my conclusions.

LADIES AND GENTLEMEN:

After the 1954 Geneva international conference, Vietnam was divided into two parts. On paper, North and South Vietnam were twin countries born at the same moment. Compared to the sophisticated North, however, the government of South Vietnam was a very young and innocent sibling. To explain: Many years prior to the partition, through participation in a series of international conferences, and by pursuing a guerrilla war against a European power, the Hanoi leadership had demonstrated that they were a formidable political reality. Through leadership of the fight against French colonialism, Ho Chi Minh had made a name for himself in the international political arena. The Hanoi government took power with a record of resistance against the colonialists and of struggle for national independence. Claiming to be the liberators of the people, the North Vietnamese enjoyed from the beginning the admiration and sympathy of the majority of the Third World’s non-aligned nations, which suffers from “oppressed peoples’ complex” and are naturally against such mighty and wealthy countries as France and the United States. Furthermore, the North Vietnamese had the full support of the two communist superpowers-the Soviet Union and Communist China-and this gave them absolute confidence in their final victory.

I would like to dwell a little on that support. We all know that without the massive assistance of the communist superpowers, North Vietnam could not have prolonged its war of invasion for so many years. But the Soviet Union and Communist China were very quiet about their aid. Indeed, during the entire war, no Soviet or Chinese official made any statement that sounded like instructions or smacked of interference in the internal affairs of North Vietnam. Quite the contrary.  North Vietnamese leaders were always pushed into the international limelight, presented as nationalists, as patriots, as fighters in a noble cause, seeking to overthrow colonialists and imperialists, and to liberate the oppressed people of Vietnam. When they were later revealed as Marxist-Leninists, the Hanoi regime lost some sympathy around the world, but continued to benefit from lingering admiration. If they no longer had a just cause-the expulsion of a colonial power-they maintained the appearance of legitimacy because they had no significant political opposition. They had none, because they had taken great pains to eliminate it.

In the South, however, things were very different. South Vietnam had to be built from scratch and, from the very beginning, depended far too much on the Western superpowers. As in the case of a person on public welfare, this dependency, which became greater with each day, was quite difficult to shake. During the Fifties, political and military activities in Vietnam were heavily influenced by the French, who as recent colonial masters, made all-important decisions. The French installed as the first head of state Bao Dai, last emperor of the Nguyen dynasty that ruled  Vietnam when it was under French domination. All the men selected to assist Bao Dai had a past that was closely linked with the French colonial era. They had no support among those they governed. Only with the advent of Mr. Ngo Dinh Diem did South Vietnam have a worthy regime and a dignified leadership. It is regrettable that within a few short years, as power corrupts, the South Vietnamese regime deteriorated into a family dictatorship. But it was no match for the dictatorship of the communist party in the North. At a time when the French influence was fading and when the American presence was directly affecting even day-to-day decisions in South Vietnam, a stubborn radical nationalist like Mr. Diem was bound to be overthrown.

LADIES AND GENTLEMEN:

The relationship between the US and South Vietnam never appeared to be a partnership between equals. Instead, our struggle for freedom and independence became “Mr. Johnson’s War”. From its inception, South Vietnam was only considered to be an outpost in the war against communism. Our fight for freedom was a noble undertaking, but we committed a major political blunder because we did not give top priority to explaining to the American and Vietnamese people that this was not a civil war between the government and rebels in South Vietnam, but a blatant invasion of the country of South Vietnam by another country, a country called North Vietnam. By the mid-sixties, the United States had poured more than half a million troops into South Vietnam.  Tens of billions of dollars had been spent for military expenditures and economic assistance, and even larger sums were earmarked. The American presence was felt in every field activity, at every level of government. Even the top leaders of South Vietnam, including the President, were each assigned a special advisor. The American presence and influence were strikingly blatant. So much so that the Vietnamese man in the street referred to the US Ambassador as the Governor General, as the French had called their top colonial official. The influence of the American media and politicians was even more devastating. Always emphasizing the role of the Americans in Vietnam, they transformed the Vietnam war into a conflict between the United States and North Vietnam, relegating the people, the government and the armed forces of South Vietnam to a subordinate role. This situation was further misrepresented by the propaganda machine of international communists. The government of South Vietnam thus became, in the eyes of the peoples of Vietnam and of the world, a puppet regime serving the interests of American imperialists. Consequently, although our cause was just, we never acquired the appearance of legitimacy necessary to win the hearts and minds of the people, an essential ingredient of victory.

LADIES AND GENTLEMEN:

We all know that in war the political and military factors have to complement each other.  This was particularly true in Vietnam. We were not only politically at a disadvantage, but we also committed a basic blunder in military strategy when we chose to fight a limited and defensive war. The might of the US Air Force and US Navy was not used in lightning attacks to  force the enemy to his knees, as it was in Afghanistan and in the Gulf War. America did not unleash its vaunted Strategic Air Force or its massive Seventh Fleet to destroy enemy bases, to interdict their lines of supply on land and sea, to blockade enemy ports.

By fighting a limited, defensive war, America permitted the enemy to endlessly re-supply their field armies. American politicians were afraid that the Chinese might intervene and create another Korean war.  The US was and is the world’s leading naval power, but, fearing to offend the Soviets, failed to blockade Haiphong.  A river of munitions flowed through that port to be used against South Vietnam and its allies.

Long before America decided to quit the war, I realized that this would be the inevitable result of America’s lack of commitment to victory. I offered to lead a South Vietnamese attack on North Vietnam, which was defended by a single division of regular troops. All I required from the US was air support, and that US troops already in my country would defend population centers. My purpose was not to conquer, but to force Hanoi to withdraw its divisions from the South in order to defend the North, and thus to bring about genuine peace negotiations.

You and I may not be brilliant strategists, but we should all know that the best defense is a good offense. Moreover, even our defense was passive. So-called “Search and Destroy” operations were kept within our borders. Enemy territory was always a safe rear base. The enemy also used neighboring Laos and Cambodia to establish lines of communication, supply bases, recuperation centers for their troops.

The enemy general staff had adopted a plan of action calling on them to always take the initiative. When their troops are strong, they would attack, but when they were tired and weak they would withdraw to their rear bases to rest, recuperate and regroup.

On our side, because the American people had waited too long without seeing the light at the end of the tunnel, they became impatient. They demanded glorious military victories, an impossible achievement in view of our totally defensive posture. Troop morale plunged because they were asked to fight with their hands tied behind their backs. In spite of the fact that they were beaten back and suffered great losses, the Tet offensive of 1968 was a major enemy victory.  Even though they lost on the battlefield, they accomplished an essential strategic objective by breaking the resolve of the U.S. government and American people, and giving maximum impetus to the anti-war movements.

The White House and the Pentagon directly conducted the war from thousands of miles away, issuing contradicting policies with ever- changing directives that created confusion in commanders at the front. The B-52 carpet bombings ordered by President Nixon toward the end came too late and were too short-lived. They served only to pressure the Communists to come to the Paris peace talks so that America could prepare for an honorable withdrawal from Vietnam.   After Watergate, America was a ship without a rudder. Vietnam was left to its own devices, drifting along towards its fate. The disintegration of April 1975 was an unavoidable conclusion. Our only regret and sorrow was that that ending was shameful and tragic.

LADIES AND GENTLEMEN:

Among the reasons apologies have advanced to explain the defeat was the corruption and the fighting capability of the troops in South Vietnam. Of course there was corruption in Vietnam. But please name one country, including the most democratic and the most advanced societies, where there is no corruption to take its toll. I recognize, however, that due to the war and poverty, the degree of corruption in South Vietnam was somewhat above the international average.  But allow me to open a parenthesis here and report that, since taking over the control of all Vietnam, the Communists have shown themselves quite adept at the game of corruption. Concerning the will to fight of the South Vietnamese troops, if you take my military career as typical for most of the fighting men of South Vietnam, you will find that my achievements will compare favorably to those of any other military man in any other country.   I must say that the majority of my comrades-in-arms have the same spirit and the same fighting capability as I do. Look at the number of our soldiers killed in action. Consider the privations and the sacrifices of these South Vietnamese fighting men during 25 years of war, and you will have to recognize that they were our best and brightest. It’s too bad that they were not used and supported adequately, and that they were shamelessly abandoned.

LADIES AND GENTLEMEN:

Some liberal intellectuals used to criticize the South Vietnamese regime as a military dictatorship. The century just past is one in which sheer force always ruled. Every economic or doctrinal difference had to be resolved by force. Military strength is necessary to protect sovereignty, the freedom and independence of a country. With the exception of those advanced countries that had a long democratic tradition and were lucky to live in peace and prosperity, all the poor, backward, war-torn countries of the Third World lived under the direct influence of the army.

South Vietnam was no exception. To insist that Vietnam fight a war while at the same time building democracy was impractical. Building democracy in the West, in England and then in the United States, took centuries of struggle. We Vietnamese could only begin to build democracy after achieving peace and independence. And even then, democracy could not be achieved overnight, but must be built in stages and in harmony with the cultural, social and economic traditions of each people. To accuse South Vietnam of not establishing a democratic regime and to use that as an excuse for abandoning South Vietnam was a blatant betrayal of a trusting ally that had put all his faith in the word of America.

In 1968, when the communist forces chose the Lunar New Year, known as Tet, to launch a coordinated attack against major South Vietnamese cities, beleaguered and outnumbered South Vietnamese defenders called upon neighboring US forces for fire support, for air support, for troop support. We Vietnamese were met with cryptic explanations that no aircraft or artillery were available, or that the unit had to wait for instructions from high headquarters. I could look out of my house at this time and see rows of US fighter-bombers parked in revetments. Why did our allies not come to our aid immediately? There can be only one explanation, and that is that someone, high in the US Government, anticipated this attack, and wanted it to succeed to the degree where South Vietnam would have to cede territory to the NLF, which, as history has shown, was merely an arm of the North Vietnamese invasion force.

Nevertheless, during the Paris Peace Talks US Ambassador Averill Harriman insisted that the NLF be seated at the negotiating table as an equal to South Vietnam and North Vietnam. He refused to listen to my government’s pleas.

LADIES AND GENTLEMEN:

The idea of America – its freedom, its financial and educational opportunities, the lifestyle, wealth and beauty of the country and its people, remains the envy of the civilized world. In Vietnam today the sons and daughters of those who fought against American soldiers for two decades love everything American. Over the last few years, tens of thousands of American veterans have visited Vietnam and encountered a populace that welcomes and admires them. When President Bill Clinton visited Vietnam two years ago, Vietnamese from Hanoi in the north to Saigon in the south turned out in droves, eager for even a glimpse of him. Because whatever Vietnam’s leadership may have said in the past, the great masses of Vietnamese people, now numbering 83 million, are for America. The US represents a better life, opportunity, hope – everything that American and South Vietnamese soldiers fought to bring to our country so many years ago. The tremendous outpouring of affection for Mr. Clinton, no less than for all Americans, is proof that those who fought for freedom and democracy were on the right side.

Therefore I say today that the veterans of that lost war, Vietnamese and Americans, Australians and New Zealanders, Thais and South Koreans and all the others who supported our fight for freedom – we have no cause for shame. Thirty years of misrule prove conclusively that we who opposed the Communist regime were right! So, let us each now put aside our feelings of guilt, the so-called “Vietnam War Syndrome,” and be proud of ourselves and our efforts. The world has changed a lot in the last dozen years. The formerly Communist nations of Eastern Europe have renounced Marxist dogma and adopted free market principles in their national economies.

And the communist cadres who ran Vietnam for decades now sleep with their ancestors.  Ho Chi Minh is gone. Pham Van Dong is gone. Truong Chinh, Le Duan, Vo Chi Cong – all dead. And so are the American leaders who fought them: Mr. Richard Nixon and Mr. Lyndon Johnson – both gone.   Of the leaders of the South, Ngo Dinh Diem is gone. Nguyen Van Thieu passed from this world. Duong Van Minh is gone.  Only I remain. I am the last. And I say that it is now time for the so-called anti-Communist Vietnamese, my generation, to let go of our pain and anger, to allow the younger generation, our sons and daughters, to have their chance to bring Vietnam together. It is time for my generation to stop preaching hate and bitterness.

Like most of the old Anti-Communists, I am a fighter. I fought hard, and I take pride in what I was able to accomplish during the war. I still mourn my brave comrades who died fighting for freedom. And so I understand how my brothers and sisters suffered under Communism. I know that they endured the agonies of the so-called re-education camps, that they lost loved ones, lost their personal liberty, lost their homes and property.  It was unjust. It was humiliating. It was painful. But our time has passed. We are now too old; the future of Vietnam no longer depends on us. It is only right that the new generation find their path to the future without having to carry the heavy burdens created by their parents. So it is time for my generation to stop preaching hate and bitterness. What is the point in arguing now about who was right and who was wrong?

So I say today, let us older people put aside our own feelings of pain and anger. If we cannot forgive, then let us forget.  Let us allow the new generation to find its own way, because Vietnam will realize its potential only through unity. Vietnam now approaches a crossroads. China seems to want to turn my country into an economic colony, a source of raw materials, a market for its manufactured goods. Should Vietnam turn toward China, source of much of its cultural heritage, or, by establishing an enduring partnership with America based on a new paradigm of mutual respect and shared interests, remain independent? What most ordinary Vietnamese want is very clear from the friendly reception given to visiting Americans. Now everyone knows that Vietnamese Communism is dead.

The business of Vietnam is now business. My countrymen want to emulate South Korea and Singapore, Taiwan and Hong Kong. They want to turn Vietnam into the fifth Small Dragon. This is not an easy task. Vietnam remains a largely agrarian nation that still needs to develop a modern infrastructure. The problem of corruption remains, though it appears that at long last the Hanoi government realizes what must be done to clean its house and reduces corruption to internationally accepted norms. I am confident that the transformation of Vietnam’s economy and institutions have already begun.

Vietnam’s economic rebirth has already begun to encourage many exiles to return. There are more than three million of us, two-thirds in North America, and compared to the average Vietnamese we are better educated and have superior skills. While some worry that the younger generation, those born in exile or who left Vietnam as small children, may not want to give up comparatively easy lives in the US, Canada, France and Australia, I believe that many will want to help develop the land of their fathers. I have crisscrossed America for years, meeting and spending time with this younger generation, telling them that they are important to the future of Vietnam, that the country needs their brains and their hard work. And I am happy to report that among those with whom I have spoken, many young Vietnamese, motivated by patriotism no less than personal ambition, will return to their homeland when they see ways to employ their skills.

Americans who come to Vietnam to pursue business opportunities will find a much different situation than the soldiers who came during the war. They will not be big brothers come to help fight. They will be partners, contractors. Helping to bridge the inevitable misunderstandings between East and West will be the generation of Vietnamese born or educated in America.  In ten or fifteen years, most successful Vietnamese enterprises will be run by those who have learned American techniques and American thinking.

I am optimistic about the next generation of Vietnamese leaders. Now that the trade agreement is ratified, there has been a sharp increase in contacts between the two countries.  As Communist Party officials see more of America and meet more Americans,  I am confident that they will see the wisdom of moving Vietnam toward the West. I believe that they will soon change the economic rules that have limited Vietnam for decades. Because political systems are built on a foundation of economic rules, changes in political rule will follow as state ownership gives way to private capitalism. The effects will ripple through every corner of society, including the courts and the legislature. Already, bright technocrats and entrepreneurs have begun to make the day-to-day decisions of government and business. Once Vietnam embraces capitalism, democracy and the rule of law will follow. Communism in Vietnam lasted less than 50 years. When you consider that Vietnamese culture is thousands of years old, that half-century is really not much more than a temporary pause, the blink of an eye. If I am no longer a young man, my health is good and I expect to live many more years. And so I believe that with the help of America, I will live to see Vietnam reinvent itself.  I invite you to all to find ways to make that possible.

LADIES AND GENTLEMEN:

In conclusion, allow me to say that I am very happy to be here meeting with you. I was born and grew up during war. I have fought alongside American fighting men and women, and together with them I have shed blood, sweat and tears. I have been privileged to share many joys and sorrows with the remarkable men who were the leaders of your country. During my 27 years living in exile, I have worked years of 14-hour days in a liquor store, and I have been a fisherman who spent weeks at a time on the open sea to catch fish and shrimp. I have watched my children grow up and start their own families, and I have experienced enough ups and downs to last a lifetime. My biggest consolation is that in what were at first alien surroundings, and under any circumstance, I have always been welcomed by Americans. You have accepted me and given me and my family 27 peaceful years in the wealthiest and most beautiful country in the world. Although I am determined to someday return to my homeland, and when my time comes, to return to the soil where my ancestors sleep, I accept America as my second home. I thank each of you for the abundance of kindness and courtesy that you and your countryman have extended. And, on behalf of all Vietnamese, I thank the 58,000 Americans who so many years ago made the ultimate sacrifice in defense of my country’s liberty. I am equally grateful to the millions of others who risked life and limb for my country, who put aside careers and personal aspirations to come to the aid of desperate people that they did not even know. Thank you for your courage, your compassion, your many painful sacrifices.

I am 72 years old now, an old soldier, and as Douglas MacArthur, one of your most celebrated generals, has said, “Old soldiers never die, they just fade away.” In his fading years, this old soldier still yearns for Vietnam, the land of his ancestors. I offer the remaining years of my life to the service of my motherland and to my people without any ambition and without asking for anything in return. I am appealing to you and especially to my American comrades-in-arms, to try and build this bridge of friendship between our two countries. This love and hate affair has to end. Hate needs to be replaced with a new deep sympathy between our two people.

Thank you for your kind attention, and I will now take a few questions.

THE END

______________________________

Bài viết đăng trên Đàn Chim Việt 02:10:am 12/08/10

LTS: Quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đang ấm dần lên qua vấn đề Biển Đông, ĐCV đăng tải lại bài phát biểu của Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ tại Đại học DeAnza, trong cố gắng thuyết phục Hoa Kỳ bắt tay với CSVN ngăn chặn Trung Quốc, gây nhiều tranh cãi trước đây.

Lời người dịch: Ngày 13 tháng 6 năm 2003, Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ được giáo sư John K. Swensson, Khoa truởng Khoa Ngôn Ngữ của trường Đại Học DeAnza, Cupertino, California mời nói chuyện về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Nhân cuộc hành trình của Tướng Kỳ gây nhiều sôi nổi trong cộng đồng, tôi phiên dịch bài diễn văn này ra quốc ngữ để cống hiến bạn đọc. Hy vọng các bạn đọc sẽ chia sẻ đuợc tâm ưu của Người Lính Già Nguyễn Cao Kỳ, có cái nhìn xa về thời cuộc mà phải hứng chịu nhiều hiểu nhầm của dư luận ngày hôm nay. Ông ta đã chiến đấu và đã không ngừng mưu cầu cho dân tộc có một tương lại tươi sáng hơn.

———

Trước tiên, tôi xin cảm ơn các bạn sinh viên và quý trường đã cho tôi có dịp để chia sẻ vài cảm nghĩ của tôi. Đặc biệt xin cảm tạ bà Martha Kanter và ông Khoa truởng John Swenson đã có nhã ý mời tôi đến nói chuyện hôm nay.

Vào tháng Tư của 27 năm truớc, sau 20 năm chống trả anh dũng, Miền Nam Việt Nam đã rơi vào tay kẻ thù. Bao biến đổi từ đó. Nhiều nguời trong số các bạn chưa ra đời; với những người nào còn nhớ lại ngày đen tối đó, những nguời mà sau bao năm tháng, thời gian đã in hằn trên khuôn mặt những nếp nhăn và tóc đã điểm mầu sương khói, đã bảo toàn danh dự trong những giờ phút khó khăn, không làm mất đi lý tưởng mà các bạn theo đuổi. Các bạn đã trưởng thành, sự hy sinh và nhiệt huyết của tuổi trẻ đã mang lại sự thành công và trách nhiệm ở những địa vị xứng đáng trong xã hội Mỹ. Còn đối với tôi, như các bạn thấy, tôi không còn khoác khăn quàng tím, mặc áo bay đen, lưng đeo súng lục. Tôi đã chôn tất cả dưới đáy rương, kỷ vật của một thời quá khứ. Cuộc chiến đã lùi dần vào lịch sử, sự thất bại về dân chủ ở Việt Nam đã để lại những dấu ấn trong lương tâm của hai quốc gia. Những câu hỏi đặt ra từ năm 1975 vẫn chưa được giải đáp thỏa đáng. Làm sao với một đồng minh Mỹ vô địch về kinh tế, chính trị và quân sự cộng thêm sự hỗ trợ của các nước đồng minh khác mà Nam Việt Nam lại bị đánh bại bởi một quân đội lạc hậu, nghèo đói của Bắc Việt?  Hôm nay tôi xin đưa ra những câu trả lời về vấn đề này.

Thưa quý vị,

Sử liệu của Hoa Kỳ thường cho rằng sự thất trận xảy ra vì cuộc chiến thiếu chính danh, vì chính phủ và quân đội Miền Nam tham nhũng, vì lính Nam Việt hèn nhát, vì Mỹ bỏ rơi Nam Việt vv… Tuy nhiên, không một điều kể trên được chấp nhận như một định nghĩa đúng. Tôi muốn nói: “Chúng ta thất trận vì hai lý do. Vì bang giao giữa Mỹ và Nam Việt không đồng nhất, không quân bình, đôi khi trịch thượng. Và cũng bởi vì chiến lược của chúng ta là chiến tranh tự vệ, một chiến thuật tự nó đã đưa đến sự thất bại và sau cùng là sự thất trận”. Làm sao điều này đã thật sự xảy ra? Là một nguời sinh ra và lớn lên trong cuộc chiến, một nguời đã từng tham dự và chỉ huy, đã chứng kiến và chia sẻ sự khổ đau của dân tộc và nhân dân tôi, tôi sẽ cố trình bày một cách khách quan về những sự kiện và những nhận xét đã đưa tới câu tuyên bố táo bạo này.  Đêm nay, thật là khó khăn khi phải trực diện nó, các bạn sẽ nghe được những sự thật mà các bạn chưa bao giờ nghe và tôi tin là các bạn sẽ đồng ý với lời kết luận của tôi.

Sau hiệp định Genève 1954, Việt Nam bị chia đôi. Trên giấy tờ, Bắc và Nam Việt Nam là hai quốc gia song sinh được sinh ra cùng một thời điểm. So sánh với Miền Bắc qủy quyệt, thì Miền Nam chỉ là một đứa trẻ thơ dại. Có nghĩa là từ nhiều năm, trước khi có sự chia đôi đất nước, Hà Nội đã chứng tỏ là một thực thể chính trị đáng nể sau khi đã tham dự hàng loạt các hội nghị quốc tế và theo đuổi cuộc chiến tranh du kích chống Pháp. Hồ Chí Minh đã có tiếng vang trên chính truờng quốc tế qua sự lãnh đạo cuộc chiến chống thực dân Pháp. Chính quyền Hà Nội nắm quyền lực với một thành tích là đánh đuổi ngoại xâm và tranh đấu cho quốc gia độc lập. Họ tự cho họ là những nguời giải phóng nhân dân. Lúc đầu, họ nhận được sự ngưỡng mộ và thiện cảm của đa số các nuớc “bị trị” thuộc Khối Không Liên Kết của Thế Giới Thứ Ba, dĩ nhiên sẽ đối nghịch với những nước giàu có như Pháp và Hoa Kỳ. Bắc Việt còn được sự yểm trợ tối đa của hai siêu cường cộng sản là Nga Sô và Trung Cộng. Điều này đã làm họ tuyệt đối tin tưởng là cuối cùng họ sẽ thắng. Tôi muốn đào sâu vấn đề hơn.

Ai cũng hiểu là nếu không có sự giúp đỡ vĩ đại của các siêu cường Cộng Sản, Bắc Việt không thể kéo dài cuộc chiến xâm lăng trong nhiều năm được. Nga Sô và Trung Cộng rất kín đáo về sự trợ giúp của họ. Trong suốt cuộc chiến, không một viên chức Nga hay Trung Cộng nào có lời tuyên bố can thiệp lộ liễu vào nội bộ của Bắc Việt. Trái lại, những nhà lãnh đạo Bắc Việt luôn luôn đuợc đẩy ra ngoài ánh sáng quốc tế, đuợc trình diện như những người theo chủ nghĩa Dân Tộc, những nhà ái quốc, những nhà tranh đấu cho chính nghĩa, lật đổ đế quốc thực dân và tư bản hầu giải phóng nhân dân Việt ra khỏi ách thống trị. Chẳng bao lâu bộ mặt Mác-Lê bị lật tẩy, Hà Nội cũng bị mất cảm tình chút ít trên thế giới, nhưng sự ngưỡng mộ vẫn còn. Nếu họ không còn có chính nghĩa là đánh đuổi thực dân nữa, đối tượng để tranh đấu chính trị sẽ không còn, thì họ chẳng còn gì để mà tranh đấu.

Về phía Miền Nam, sự việc khác hẳn. Nam Việt phải xây dựng từ số không, và ngay từ đầu đã lệ thuộc quá nhiều vào các siêu cường Tây Phương. Thí dụ như một người sống nhờ vào tiền an sinh xã hội, càng ngày càng lệ thuộc vào sẽ khó dứt bỏ đuợc. Trong những năm của thập niên 50, những hoạt động chính trị và quân sự ở Việt Nam đã chịu ảnh hưởng nặng nề của Pháp, một ông chủ thực dân, về tất cả những quyết định quan trọng. Nguời Pháp đưa ông Bảo Đại ra làm Quốc Trưởng, vị vua cuối cùng của Triều Nguyễn dưới thời bảo hộ Pháp. Tất cả nội các của ông Bảo Đại đều là những người có thời liên hệ với Pháp. Họ không được sự ủng hộ của quần chúng trong nuớc. Chỉ khi ông Ngô Đinh Diệm xuất hiện thì Nam Việt mới có một thể chế và lãnh đạo xứng đáng. Rất tiếc là sau vài năm ngắn ngủi, chính quyền Nam Việt Nam bị băng hoại vì sự áp dụng độc tài gia đình trị. Nhưng so với sự độc tài đảng trị của cộng sản Việt Nam thì sự độc tài ở Miền Nam không thể nào sánh bằng. Khi ảnh hưởng của Pháp bắt đầu mờ dần, sự xuất hiện của Mỹ đã trực tiếp ảnh hưởng hàng ngày vào những quyết định của Nam Việt Nam, thì một vị Tổng Thống có tinh thần quốc gia cấp tiến mà cứng đầu như ông Diệm bắt buộc phải bị lật đổ.

Thưa các bạn,

Bang giao giữa Mỹ và Nam Việt Nam chưa bao giờ thể hiện được bình đẳng trong sự hợp tác. Cuộc chiến trở thành “cuộc chiến tranh của Johnson” thay vì chúng ta chiến đấu cho tự do và độc lập. Từ quan niệm trên mà Nam Việt Nam chỉ được xem như là một tiền đồn để chống chủ nghĩa cộng sản. Cuộc chiến đấu giành tự do của chúng ta là một việc cao qúy nhưng chúng ta không cho đó là vấn đề chủ yếu để giải thích cho dân chúng Mỹ và Việt Nam hiểu rằng đây không phải là một cuộc nội chiến giữa chính quyền và quân phản loạn ở Nam Việt Nam, mà là một sự xâm lăng trắng trợn một quốc gia Nam Việt Nam bởi một quốc gia khác có tên gọi là Bắc Việt Nam. Vào giữa thập niên 60, Hoa Kỳ đã đổ nửa triệu quân vào Miền Nam. Mười tỷ đô la đã đổ vào để sử dụng cho quân đội và viện trợ kinh tế, và còn nhiều số tiền lớn khác được chi ra. Sự hiện diện của Hoa Kỳ được thấy rõ trong nhiều lãnh vực hoạt động, ở bất cứ một giai tầng nào trong chính phủ. Ngay cả trong giai cấp lãnh đạo, kể cả Tổng Thống, cũng được chỉ định một vị cố vấn đặc biệt. Sự có mặt và ảnh huởng của Mỹ thật là quá rõ rệt. Nhiều đến nỗi một nguời dân Việt ở ngoài phố đã thốt lên rằng “Ông Đại sứ Mỹ là Quan Toàn Quyền giống như dưới thời Pháp thuộc”. Ảnh hưởng của báo chí và chính giới Mỹ còn tệ hại hơn nữa, luôn luôn muốn nhấn mạnh vai trò của người Mỹ tại Việt Nam, họ đã biến chiến tranh Việt Nam thành một sự đối kháng giữa Hoa Kỳ và Bắc Việt, đẩy nhân dân, chính phủ và quân đội của Nam Việt vào vai trò phụ. Điều này càng được khuyếch đại bởi bộ máy tuyên truyền của cộng sản quốc tế. Vì thế chính quyền Nam Việt Nam dưới con mắt nguời dân trong nuớc và cả thế giới đã trở thành một chế độ bù nhìn được dùng cho quyền lợi của tư bản Mỹ. Hậu quả là mặc dù chúng ta có chính nghĩa, nhưng chúng ta không bao giờ có được một chính danh cần thiết để được lòng nhân dân, một yếu tố tối cần thiết cho sự chiến thắng.

Thưa các bạn,

Chúng ta đều hiểu rằng trong chiến tranh, yếu tố chính trị và quân sự phải hỗ tương. Điều này rất đúng tại Việt Nam. Không những chúng ta bị thất lợi về chính trị mà chúng ta còn áp dụng một căn bản sai lầm trong binh pháp khi chúng ta chọn chiến đấu trong một trận chiến giới hạn và tự vệ. Hải Quân và Không Quân hùng mạnh của Hoa Kỳ đã không được dùng để tấn công vũ bão vào lực luợng địch, buộc họ phải qui hàng, như đã xảy ra trong cuộc chiến Vùng Vịnh và Afghanistan. Hoa Kỳ đã không thi triển sự chớp nhoáng của Không Quân chiến luợc hay sự hùng hậu của Đệ Thất Hạm Đội để tiêu diệt những căn cứ địch, để ngăn cản đường tiếp tế trên bộ cũng như trên biển, để phong tỏa những hải cảng của địch.

Vì phải chiến đấu trong một cuộc chiến giới hạn và tự vệ, Hoa Kỳ đã cho phép kẻ thù liên tục tiếp tế cho quân lính họ ở chiến truờng. Những chính trị gia của Hoa Kỳ vì e ngại Trung Cộng sẽ can thiệp và gây ra một cuộc chiến Triều Tiên khác. Nước Mỹ đã và đang có một Hải Quân hùng mạnh nhất thế giới, nhưng vì sợ mích lòng Nga, đã không chịu phong tỏa Hải Phòng. Hàng tấn vũ khí đã đưa qua hải cảng này để chuyển vào đánh Nam Việt và các đồng minh.

Đã từ lâu, trước khi Hoa Kỳ quyết định ngưng chiến, tôi đã nhận thấy sự thất bại là một kết quả không thể tránh được khi mà Hoa Kỳ thiếu quyết tâm chiến thắng. Tôi đã yêu cầu tình nguyện lãnh đạo một cuộc “Bắc Tiến”. Tôi chỉ đòi hỏi Hoa Kỳ một điều kiện duy nhất là họ sẽ yểm trợ về Không Lực vì quân đội Hoa Kỳ cũng đã có mặt ở Miền Nam để bảo vệ những nơi đông dân cư. Mục đích của tôi không phải là để xâm lăng Miền Bắc, mà chỉ để ép buộc Hà Nội phải rút quân từ phía Nam về để chống đỡ và từ đó sẽ đưa đến thương thuyết hòa bình.

Các bạn cũng như tôi có thể không phải là nhà chiến lược giỏi, nhưng chúng ta cũng phải biết là “Tiên hạ thủ vi thượng sách”, ngay cả lúc chúng ta ở thế bị động. Cái được gọi là chiến dịch “truy kích và tiêu diệt” cũng chỉ được dùng trong ranh giới của chúng ta. Căn cứ địa của địch vẫn luôn luôn là hậu cứ an toàn. Địch đã dùng các nước lân bang như Lào và Campuchia để làm trạm giao liên, căn cứ tiếp liệu và trung tâm dưỡng quân của họ.

Những tuớng lãnh của địch đã áp dụng một kế hoạch hành động là luôn luôn chủ động mở cuộc tấn công. Khi quân mạnh thì họ tấn công, khi họ suy yếu hay mệt mỏi thì họ rút lui về hậu cần để nghỉ ngơi, để an dưỡng và tái phối trí.

Bên phía chúng ta, dân chúng Mỹ đã chờ đợi quá lâu mà không thấy ánh sáng cuối đường hầm, họ đã mất kiên nhẫn. Họ đòi hỏi phải có chiến thắng huy hoàng, một điều không thể nào thực hiện được trong tư thế hoàn toàn bị động của chúng ta. Tinh thần quân lính xuống thấp vì họ bị buộc phải chiến đấu với đôi tay bị trói sau lưng. Mặc dù sự thật là địch đã bị đánh bại và tổn thất nặng nề, cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968 đã là một chiến thắng vẻ vang cho phe địch. Dù thua trên trận địa chiến, họ đã thành công trong việc chia rẽ chính quyền và quần chúng Hoa Kỳ, một yếu tố quan trọng trong chiến lược và đem lại khích động tối đa cho các phong trào phản chiến.

Tòa Bạch Ốc và Ngũ Giác Đài đã trực tiếp điều khiển cuộc chiến qua hàng ngàn dặm đường, đã chỉ thị những chính sách mâu thuẫn với những quyết định không ngừng đưa đến sự lúng túng của các đơn vị trưởng ngoài mặt trận. Việc ra lệnh trải bom B-52 của Tổng Thống Nixon lúc gần cuối cuộc chiến đã quá trễ và quá ít. Điều này chỉ dùng vào một mục đích duy nhất là ép buộc cộng sản phải ngồi vào bàn hội nghị tại Paris để Hoa Kỳ có thể sửa soạn một cuộc rút quân khỏi Việt Nam trong danh dự. Sau vụ Watergate, Hoa Kỳ như con thuyền không lái. Việt Nam đã bị bỏ rơi, trôi theo dòng định mệnh. Sự rã ngũ của Tháng Tư năm 1975 là một kết thúc không thể tránh đuợc. Điều chúng ta tiếc nuối nhất là nó đã kết thúc trong nhục nhã và bi đát.

Thưa các bạn,

Tham nhũng và khả năng chiến đấu của quân đội Nam Việt Nam là một trong những lý do được lý giải đưa đến sự thất trận. Dĩ nhiên là có sự tham nhũng ở Việt Nam. Nhưng xin các bạn hãy nêu lên tên của một quốc gia nào mà không có tham nhũng, kể cả những quốc gia dân chủ và xã hội tân tiến nhất. Vẫn biết rằng vì chiến tranh và nghèo đói, mức độ tham nhũng ở Nam Việt Nam có cao hơn mức độ trung bình của quốc tế, nhưng hãy cho phép tôi mở một dấu ngoặc ở đây để thông báo rằng cũng từ ngày làm chủ lãnh thổ Việt Nam thì cộng sản đã tự biểu lộ cho thấy họ cũng hăng hái trong trò chơi tham nhũng này. Ý chí chiến đấu của quân đội Nam Việt nếu các bạn nhìn vào đời binh nghiệp của tôi như một điển hình, các bạn sẽ thấy rằng những chiến công của tôi cũng không thua gì những quân nhân của các nước khác. Phải nói rằng đa số chiến hữu của tôi đều có một tinh thần chiến đấu cũng cao như tôi. Hãy nhìn vào con số thống kê các quân nhân tử trận, những người lính chiến đấu đã hy sinh trong suốt 25 năm chiến tranh, các bạn phải công nhận họ là những người xuất chúng nhất của chúng ta. Rất tiếc là họ đã không được dùng và được yểm trợ đúng mức, và họ đã bị bỏ rơi một cách nhục nhã.

Một vài nhà trí thức tự do thường chỉ trích chế độ Nam Việt là một chế độ độc tài quân phiệt. Thế kỷ vừa qua là một thế kỷ của quyền lực thực sự cai trị. Tất cả sự khác biệt về chủ thuyết và kinh tế  đều được giải quyết bằng vũ lực. Sức mạnh của quân đội là một điều cần thiết cho việc bảo vệ chủ quyền, tự do, độc lập của một quốc gia. Ngoại trừ những nước tiên tiến đã có một quá trình dân chủ lâu dài, một đời sống hòa bình và thịnh vuợng, tất cả những nước nghèo đói, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá của Thế Giới Thứ Ba đều sống dưới một chế độ ảnh hưởng bởi quân đội cả.

Nam Việt Nam cũng không đi ra ngoài biệt lệ đó. Muốn Việt Nam vừa chống chiến tranh xâm luợc vừa xây dựng Dân Chủ là một điều không thực tế. Xây dựng dân chủ ở Tây phương, Anh quốc và Hoa Kỳ cần phải tranh đấu đến hàng trăm năm. Nhưng người Việt Nam chúng tôi chỉ có thể xây dựng dân chủ sau khi hoàn tất hòa bình và độc lập. Cho dù có hoàn tất đi chăng nữa thì dân chủ cũng không thể có ngay lập tức, mà phải xây dựng từng giai đoạn một để hòa nhịp với nếp sống văn hóa, xã hội và kinh tế của mỗi nguời dân. Chỉ trích Nam Việt Nam đã không xây dựng được một chế độ dân chủ để rồi lấy đó làm cái cớ để bỏ rơi Nam Việt Nam là một sự phản bội phũ phàng đối với một đồng minh đã đặt niềm tin vào lời nói của Hoa Kỳ.

Năm 1968, khi lực lượng cộng sản chọn ngày Tết để tổng tấn công vào những thành phố chính của Miền Nam, khi mà những nguời lính Nam Việt Nam bị bao vây và bị tràn ngập, họ đã kêu gọi các lực lượng đồng minh Hoa Kỳ đến yểm trợ hỏa pháo và phi pháo, thì những người Việt Nam chúng tôi chỉ gặp phải những lời giải thích bí ẩn bảo rằng không có một phi cơ hay trọng pháo nào sẵn sàng, hoặc là đơn vị cần phải chờ lệnh của thượng cấp. Khi đó tôi có thể nhìn ra từ phía nhà tôi, và thấy rằng hàng dãy phi cơ khu trục của Hoa Kỳ nằm án binh bất động. Tại sao đồng minh chúng tôi lại không tiếp cứu chúng tôi tức khắc khi chúng tôi kêu cứu? Chỉ có một điều để giải thích cho sự việc này là, có một nhân vật cao cấp nào đó trong chính phủ của Hoa Kỳ đã can thiệp vào vụ tấn công này, muốn nó sẽ thành công đến một mức độ mà nhà cầm quyền Nam Việt phải nhượng đất cho “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam”, một cánh tay của quân xâm lăng Bắc Việt.

Trong thời gian Hòa Đàm Paris, ông Đại Sứ Mỹ Averell Harriman đã nhấn mạnh rằng “Mặt Trận Giải Phóng” phải được ngồi ngang hàng với Nam và Bắc Việt Nam. Ông ta đã từ chối không nghe lời phản đối của chính quyền chúng tôi.

Thưa các bạn,

Khuôn mẫu của Hoa Kỳ là tự do, cơ hội học vấn và kinh tế tài chính, là lối sống, là sự giàu sang và hoàn mỹ của một quốc gia và dân tộc đã đưa đến sự ganh tị trong các nước văn minh. Ngày nay, ở Việt Nam, con cháu của những người đã một thời chống Mỹ cách đây hai thập niên, tất cả đều yêu chuộng mọi điều thuộc Mỹ quốc. Cách đây vài năm, hàng ngàn cựu chiến binh Hoa Kỳ đã viếng thăm Việt Nam, đã được quần chúng đón chào và ngưỡng mộ. Khi Tổng thống Bill Clinton viếng thăm Việt Nam cách đây hai năm, mọi nguời dân từ Nam chí Bắc đều chen chúc nhau để được nhìn thấy ông. Bởi vì cho dù những nhà lãnh đạo ở Việt Nam có tuyên bố gì trong quá khứ đi chăng nữa thì đại đa số nguời dân Việt Nam (hiện giờ là 83 triệu) đều theo Mỹ cả. Hoa Kỳ tượng trưng cho một đời sống tốt đẹp hơn, cơ hội và hy vọng. Điều mà tất cả những nguời lính Hoa Kỳ và Nam Việt Nam trước kia đã chiến đấu để mang lại cho đất nước chúng tôi. Sự niềm nở đón tiếp ông Clinton hay những người Mỹ khác cũng vậy, là một bằng chứng cụ thể rằng những người chiến đấu cho dân chủ và tự do đã đứng ở phía chính danh.

Vì thế tôi muốn nói hôm nay với những cựu chiến binh Việt Nam, Hoa Kỳ, Úc, Tân Tây Lan, Thái, Nam Hàn và tất cả những người đã ủng hộ cho cuộc chiến vì tự do của chúng tôi, chúng ta không có gì để mà xấu hổ. Với ba mươi năm dưới sự cai trị tồi tệ của Đảng Cộng Sản đã chứng tỏ là chúng ta chống chế độ cộng sản là đúng. Do đó, chúng ta hãy bỏ qua mặc cảm tội lỗi, cái gọi là “Hội Chứng Chiến Tranh Việt Nam” và tự hãnh diện về chúng ta và những cố gắng của chúng ta. Thế giới đã thay đổi rất nhiều trong thập niên vừa qua. Những nước theo cộng sản ở Đông Âu đã từ bỏ chủ thuyết Mác-Lê và du nhập những nguyên tắc kinh tế thị trường vào kinh tế của quốc gia mình.

Tập đoàn cộng sản lãnh đạo ở Việt Nam đã qui tiên rồi:  “Hồ Chí Minh đã mất, Phạm văn Đồng đã đi, Trường Chinh, Lê Duẩn, Võ Chí Công đã mất. Ngay cả những nhà lãnh đạo cuộc chiến chống họ như ông Richard Nixon và ông Lyndon Johnson đều đã mất. Những nhà lãnh đạo Miền Nam như ông Ngô Ðình Diệm đã qua đời. Ông Nguyễn văn Thiệu đã chết. Ông Dương văn Minh cũng đã chết. Riêng chỉ còn mình tôi. Tôi là người cuối cùng. Và tôi muốn nói rằng đây là lúc mà thế hệ của tôi gọi là “nguời Việt chống Cộng” hãy bỏ quên đau buồn và thù hận để nhường buớc cho thế hệ trẻ hơn, những con em của chúng ta, có cơ hội mang người Việt Nam xích lại với nhau. Đây là thời điểm mà thế hệ của tôi nên chấm dứt kêu gọi hận thù.

Giống như hầu hết những người Việt chống Cộng khác, tôi là một chiến sĩ. Tôi chiến đấu hết mình và tôi rất hãnh diện về những điều mà tôi đã hoàn thành trong thời chiến. Tôi rất thương tiếc những đồng đội can đảm của tôi đã chết cho chính nghĩa tự do. Và tôi cũng thấu hiểu những anh chị em đã chịu đựng sự đau khổ dưới chế độ cộng sản. Tôi hiểu rằng họ đã chịu đựng nỗi khổ đau của cái gọi là trại tù cải tạo, rằng họ đã mất đi người thân, mất đi tự do cá nhân, mất đi cả nhà cửa và tài sản.  Điều này thật bất công và đau đớn. Nhưng quá khứ đã qua. Chúng ta giờ đã quá già, tương lai Việt Nam không còn trông cậy vào chúng ta nữa. Hãy để cho thế hệ trẻ tự tìm ra hướng đi về tương lai mà không phải mang gánh nặng tạo ra bởi cha ông chúng. Đây là thời điểm để cho thế hệ chúng ta ngưng rao giảng sự thù hận và cay đắng. Có lợi gì để tranh cãi ai đúng, ai sai?

Do đó hôm nay tôi muốn nói, chúng ta, những người đã già, hãy bỏ qua một bên những sự thù hận. Nếu chúng ta không thể tha thứ thì chúng ta hãy quên đi. Chúng ta hãy để cho một thế hệ mới tự đi tìm con đường của họ, bởi vì Việt Nam sẽ chỉ phát triển khi có sự đoàn kết. Việt Nam đã đến lúc cần phải có những quyết định dứt khoát. Trung Hoa dường như muốn biến đất nước chúng ta thành một thuộc địa về kinh tế, một nguồn cung cấp tài nguyên, một thị truờng cho các hàng tiêu thụ. Việt Nam sẽ phải quay sang Trung Hoa vì đó là nguồn gốc của đa số di sản văn hóa hay là thiết lập một bang giao bền vững với Hoa Kỳ dựa trên mô thức của sự tương kính và hỗ tương quyền lợi kinh tế mà vẫn giữ được độc lập? Điều mà những thường dân mong muốn rất rõ ràng qua sự đón chào thân thiện với du khách Mỹ. Bây giờ mọi nguời đã biết là nguời Cộng Sản Việt Nam đã chết.

Đồng bào chúng tôi muốn bắt chước như Nam Hàn, Singapore, Đài Loan và Hồng kông. Họ muốn biến Việt Nam thành một tiểu long th̗ứ năm. Điều đó không phải dễ. Việt Nam phần lớn vẫn là một quốc gia nông nghiệp, vẫn cần sự giúp đỡ phát triển hiện đại hóa cơ sở hạ tầng. Vấn đề tham nhũng vẫn tồn tại, mặc dầu cuối cùng thì chính quyền Hà Nội cũng đã nhận thức đuợc điều gì phải làm để thanh lọc và giảm thiểu tham nhũng đến mức bình thường được quốc tế chấp nhận. Tôi tin tưởng rằng sự thay đổi của nền kinh tế và cơ chế của Việt Nam đã bắt đầu.

Sự hồi sinh kinh tế Việt Nam đã bắt đầu để có thể khuyến khích những người tị nạn trở về. Hơn ba triệu người trong chúng ta, hai phần ba ở Bắc Mỹ. Nếu so sánh với một người Việt Nam trung bình ở quê nhà thì chúng ta có kiến thức và nhiều khả năng chuyên môn hơn. Có nguời cho rằng giới trẻ sinh ra ở đây hay đã rời xa quê hương lúc còn nhỏ sẽ không muốn từ bỏ nếp sống thoải mái ở Mỹ, Gia Nã Đại, Pháp hay Úc. Nhưng tôi tin rằng có rất nhiều bạn trẻ mong muốn giúp nuớc nhà phát triển. Bao năm qua, tôi đã đi tới nhiều nơi trên đất Mỹ, gặp gỡ và thăm hỏi nhiều bạn trẻ, đã cho họ biết rằng họ là rường cột của tương lai Việt Nam, rằng đất nuớc cần đến khối óc và bàn tay của họ. Và tôi cũng vui mừng thông báo cùng các bạn là trong số những nguời trẻ mà tôi có dịp nói chuyện, nhiều người cũng có lòng yêu nuớc không kém ước vọng cá nhân, họ sẽ trở về quê nhà khi thấy có cơ hội để áp dụng sở trường của họ.

Những nguời Hoa Kỳ đến Việt Nam để tìm môi trường buôn bán sẽ nhận thấy một tình thế khác hẳn thời gian những quân lính đến vì chiến tranh. Họ sẽ không còn là những “Anh Hai” đến để giúp chiến đấu. Họ sẽ là những cổ phần viên, những nhà thầu. Nhưng để xây dựng cây cầu nối lại những hiểu lầm không thể tránh được giữa Đông và Tây sẽ là những người trẻ Việt Nam sinh trưởng hay theo Đại Học tại Hoa Kỳ. Trong vòng mười, mười lăm năm nữa, hầu hết những công ty thương mại thành công sẽ được quản trị bởi những người có kiến thức và tư duy theo kiểu Mỹ.

Tôi rất lạc quan về thế hệ lãnh đạo Việt Nam kế tiếp. Bây giờ thì Hiệp Uớc Thương Mại đã được phê chuẩn. Sự giao thiệp giữa hai quốc gia đã gia tăng. Những viên chức của Đảng Cộng Sản đã viếng thăm Mỹ quốc, tiếp xúc với nhiều người Mỹ, tôi tin tưởng rằng họ sẽ sớm thay đổi những điều luật kinh tế đã hạn chế Việt Nam mấy chục năm nay. Vì thể chế chính trị được xây dựng trên nền tảng luật lệ kinh tế, thay đổi luật lệ chính trị sẽ theo sau, việc quốc doanh nhường chỗ cho chủ nghĩa tư bản. Hậu quả sẽ lung lay tới mọi giai tầng xã hội, kể cả tư pháp và lập pháp. Hiện giờ đã có những chuyên gia và doanh gia hăng hái tham dự vào những quyết định hàng ngày của chính phủ. Một khi Việt Nam đã theo đường hướng tư bản, thì dân chủ và luật lệ sẽ đi theo. Chủ nghĩa Cộng sản Việt Nam kéo dài chưa đầy năm mươi năm, nhưng khi chúng ta nhìn lại Việt Nam với bốn ngàn năm văn hiến thì sẽ thấy năm mươi năm chỉ là một nháy mắt. Tuy tôi không còn là một thanh niên, nhưng sức khỏe vẫn còn tráng kiện, hy vọng sẽ sống thêm nhiều năm nữa. Tôi muốn sống để nhìn thấy một nước Việt Nam tái sinh. Xin tất cả cá bạn giúp một bàn tay để điều này thành sự thật.

Thưa các bạn,

Để kết luận, cho phép tôi được nói là tôi rất sung sướng được hiện diện ở đây. Tôi sinh ra và lớn lên trong chiến tranh. Tôi đã chiến đấu bên cạnh các chiến binh Hoa Kỳ và đã cùng đổ mồ hôi, máu và nuớc mắt với nhau. Tôi lấy làm vinh dự được chia sẻ những nỗi vui, buồn của những nhà lãnh đạo đáng kính của quí quốc. Trong suốt hai mươi bảy năm sống đời tị nạn, tôi đã từng làm việc mười bốn tiếng một ngày trong một tiệm rượu, và tôi cũng đã từng là một ngư phủ sống trên biển hàng tuần để câu tôm cá. Tôi đã thấy các con tôi trưởng thành và tự lập và tôi cũng đã qua bao thăng trầm của cuộc sống. Điều an ủi lớn nhất trong đời tôi là lần đầu tiên ở nơi đất khách, dù trong hoàn cảnh nào, tôi luôn luôn được người Mỹ đón tiếp nồng nàn. Nước Mỹ đã cưu mang tôi và gia đình tôi trong suốt hai mươi bảy năm yên lành trên một đất nước thịnh vượng và hoàn mỹ nhất thế giới. Hoa Kỳ là quê hương thứ hai của tôi. Tuy nhiên, tôi quyết định một ngày không xa, tôi sẽ trở về chôn nhau cắt rốn, được sống và chết nơi quê nhà. Xin cảm ơn lòng tốt và bao dung của các bạn và nhân dân Hoa Kỳ. Thay mặt tất cả những người Việt Nam, tôi xin đa tạ 58 ngàn người Mỹ đã hy sinh bỏ mình cho tự do của dân tộc tôi. Tôi cũng xin tỏ lòng biết ơn hàng triệu người đã quên thân mình cho dân tộc tôi, những người đã gác bỏ ước vọng riêng tư để giúp đỡ những người khốn cùng mà không mong được trả ơn. Cảm ơn lòng can đảm, lòng vị tha và bao hy sinh đau đớn của các bạn.

Năm nay tôi đã 72 tuổi (năm 2003), một người lính già. Và như Douglas McAthur, một trong những danh tuớng của các bạn đã nói: “Người lính già không bao giờ chết, họ sẽ dần dần mờ nhạt đi thôi”. Trong những năm tháng còn lại, người lính già này luôn hướng về Việt Nam, quê cha đất tổ. Tôi xin dâng hiến phần đời còn lại để phụng sự cho quê mẹ và cho dân tộc tôi mà không có một tham vọng nào và không đòi hỏi một sự báo đáp nào. Tôi kêu gọi các bạn, nhất là các chiến hữu Hoa Kỳ của tôi, hãy giúp sức xây dựng một nhịp cầu thân hữu nối lại giữa hai quốc gia. Sự yêu thương hay thù hận hãy quên đi. Thù hận phải được thay thế bằng tình hữu nghị giữa hai dân tộc. Cám ơn sự theo dõi của các bạn. Và bây giờ tôi xin trả lời các câu hỏi.

Người dịch:  Nguyễn Lệ Hà

Video liên quan

Chủ đề