Đánh giá đồ án trường tiểu học

Đồ án tốt nghiệp có ý nghĩa quan trọng, đây là “học phần thiết kế” cuối cùng trong chương trình đào tạo ngành kiến trúc được các cơ sở đào tạo, các giảng viên và sinh viên đặt biệt quan tâm. Các cơ sở đào tạo KTS đã xây dựng các văn bản quy chế riêng cho học phần này bao gồm các quy định và hướng dẫn chi tiết về tổ chức thực hiện, nội dung và các yêu cầu đối với sinh viên và giảng viên nhằm kiểm soát và nâng cao chất lượng đào tạo.Đồ án tốt nghiệp là lần tổng duyệt và đánh giá về kiến thức chuyên môn của SV một cách đầy đủ nhất, qua đó cũng thấy được hạn chế và các vấn đề tồn tại cần khắc phục về nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo của các cơ sở đào tạo KTS hiện nay.

Đối với chuyên ngành kiến trúc đặc thù, quy trình thực hiện các đồ án nói chung và đồ án tốt nghiệp nói riêng là cơ sở để đánh giá và phân loại sinh viên. Quy trình là những nội dung liên quan tới phương thức dạy và học, phương pháp đánh giá, các quy định về quản lý, tổ chức thực hiện phù hợp với đào tạo theo tín chỉ của Nhà trường. Tại Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, quy trình và phương pháp thực hiện đồ án tốt nghiệp được xây dựng dựa trên các giai đoạn của thiết kế kiến trúc đó là: 1) Nghiên cứu; 2) Chuyển hóa thông tin nghiên cứu về ngôn ngữ kiến trúc và 3) Phát triển, thiết kế một phương án kiến trúc dựa trên các nghiên cứu và chuyển hóa thông tin. Qua đó, học phần đồ án tốt nghiệp KTS là 12 tín chỉ với thời gian là 16 tuần sẽ được chia thành 5 bước thực hiện bao gồm:
B1. Chọn đề tài, xây dựng nhiệm vụ thiết kế: nghiên cứu, thu thập và xử lý thông tin liên quan đến đề tài
B2. Nghiên cứu / phân tích: Khảo sát, đánh giá, mô hình và sơ đồ hóa phân tích địa điểm / khu đất xây dựng; tìm hiểu vấn đề kinh tế xã hội, văn hóa của địa phương; Nghiên cứu chủ đề.
B3. Phát triển ý tưởng và phương án kiến trúc: Lựa chọn và phát triển ý tưởng chủ đạo; Mô hình nghiên cứu; Hiện thực hóa ý tưởng thành các bản vẽ kiến trúc.
B4. Triển khai thiết kế: Thiết kế tổng hợp phương án kiến trúc bao gồm phát triển bản vẽ kiến trúc và Thiết kế chuyên sâu.
B5. Hoàn thiện hồ sơ thiết kế đồ án: Hồ sơ thiết kế sơ bộ; Xác định phương pháp thể hiện chủ đạo; Xây dựng các phương pháp thể hiện khác và Hoàn thiện mô hình thiết kế.

PHƯƠNG PHÁP THỰC HIỆN

Quan điểm đào tạo về thiết kế kiến trúc đặc biệt nhấn mạnh các nội dung nghiên cứu phân tích dưới nhiều hình thức: nghệ thuật cũng như khoa học. Mục đích của việc làm đồ án là để sinh viên học cách tư duy logic để giải quyết hài hoà giữa các yếu tố kỹ thuật / nghệ thuật và các yêu cầu xã hội đặt ra. Việc nhấn mạnh vào nghiên cứu (tổng hợp/phân tích) và tăng khả năng thực hành nghề được cụ thể hoá bằng việc bổ sung bằng các nhiệm vụ mới đó là:
– Nghiên cứu chủ đề, sinh viên phải lựa chọn nghiên cứu chuyên sâu về: (1.Cấu trúc/không gian; 2.Văn hoá/xã hội; 3.Môi trường/KT xanh, 4.Kỹ thuật/công nghệ; 5.Phong cách/Tư tưởng nghệ thuật; Bảo tồn / cải tạo) phù hợp đề tài lựa chọn.
– Áp dụng nghiên cứu trên mô hình trong suốt quá trình thực hiện đồ án tốt nghiệp.
Đổi mới phương thức giảng dạy đồ án bắt đầu bằng việc đổi mới phương pháp đánh giá và chấm điểm đồ án trong quá trình làm việc của SV. Đánh giá đồ án tốt nghiệp của sinh viên sẽ chú trọng vào “quá trình thiết kế” chứ không chỉ là “sản phẩm cuối cùng”, sinh viên cần biết mình đang ở đâu trong hành trình thiết kế để có biện pháp khắc phục thích hợp.
– Hồ sơ thiết kế (Portfolio) là thành quả công việc của SV trong quá trình phát triển thiết kế cũng là nội dung được đánh giá trong điểm quá trình để tăng cường ý thức làm việc của SV.
– Yêu cầu làm mô hình phục vụ nghiên cứu từ khi bắt đầu đồ án là bắt buộc.
– Kiểm tra tiến độ và đánh giá quá trình thực hiện đồ án được đặc biệt coi trọng, nâng cao hiệu quả làm việc của cả GV và SV, giúp SV sử dụng thời gian hợp lý và hiệu quả. Các nhận xét về đồ án của tiểu ban qua các đợt kiểm tra tiến độvà ý kiến của GV phản biện thực sự hữu ích để SV hoàn thiện đồ án trước khi bảo vệ trước hội đồng tốt nghiệp.

ĐÁNH GIÁ VIỆC THỰC HIỆN ĐỒ ÁN TỐT NGHIỆP

– Lựa chọn đề tài:Trong tổng số 250 SV bảo vệ tốt nghiệp đợt I năm 2016 tại Trường ĐH Kiến trúc HN, đề tài là khá đa dạng, tuy nhiên số lượng lớntập trung vào các loại hình công trình nhà ở và công trình công cộng đang xây dựng và phát triển tại các đô thị ở Việt Nam hiện nay:
– 53 đề tài về Trung tâm văn hóa, giao lưu, thanh thiếu niên (21%)
– 45 đề tài về Tổ hợp chung cư/ văn phòng/TTTM (chiếm 18%)
– 44 đề tài về Khách sạn nghỉ dưỡng/resort (17,5%)
– 35đề tài về Công trình giáo dục/trường PT cơ sở, trung học, viện nghiên cứu… (14%)
– 17 đề tài về Thư viện (7%)
– 16 đề tài về Bảo tàng (6,5%)
– 15 đề tài về Bệnh viên/TT chăm sóc sức khỏe (6%)
– 12 đề tài về Chợ, Nhà ga, Nhà Hát (5%)
– và 5% đề tài liên quan đến Bảo tồn / Cải tạo và các vấn đề khác …
Các thể loại công trình như: Kiến trúc công nghiệp, thể thao, nhà hát, các công trình phục vụ nông thôn… ngày càng ít được SV lựa chọn làm đồ án tốt nghiệp trong những năm gần đây. Sản phẩm nhiều đồ án còn chung chung chưa nêu bật được tình thần của địa điểm, yếu tố môi trường, kinh tế, văn hóa, xã hội. Khối lượng còn chạy theo quy mô về độ lớn của công trình mà chưa chú trọng tới nghiên cứu để hình thành ý tưởng và các giải pháp về kiến trúc cũng như giá trị sử dụng của công trình.
– Phân tích/nghiên cứu và phát triển ý đồ kiến trúc:Thực tế cho thấy, phần lớn SV chưa có ý thức tự học / tự nghiên cứu, thiếu phương pháp luận và quy trình thực hiện khoa học dẫn đến lúng túng trong quá trình làm đồ án. Các nghiên cứu về địa điểm và công trình thông qua các phương pháp phân tích về hình thái học, địa hình, khí hậu, giao thông, văn hóa, mối liên hệ với các công trình lân cận và việc chuyển hóa các thông tin này để xây dựng ý tưởng còn hạn chế. Nguyên nhân, một mặt là do các nội dung này chưa được chú trọng trong quá trình thực hiện đồ án các năm trước, mặt khác sinh viên khó tiếp cận các bản vẽ hiện trạng và thông tin liên quan tới địa điểm và công trình xây dựng. Bởi vậy, sau khi nhận nhiệm vụ thiết kế, sinh viên thường bị mất phương hướng giữa 1 loạt ý tưởng hình thành trong đầu, những ý tưởng này thường xuất phát từ những ví dụ thực tế mà SV bắt gặp ngoài đời hoặc từ những thông tin trên các tài liệu khác (sách, báo, internet…)… dẫn đến việc thường xuyên thay đổi ý tưởng mỗi khi tiếp xúc với một tài liệu tham khảo thú vị hơn trước, thậm chí là thay đổi hẳn tên đề tài.
– Triển khai và hoàn thiện hồ sơ đồ án kiến trúc:
Sự phát triển của kỹ thuật đồ hoạ máy tính đã tạo ra những công cụ thiết kế hỗ trợ đắc lực cho KTS và ảnh hưởng sâu sắc đến thực hành kiến trúc trong Nhà trường. Nhìn chung, sinh viên đã làm chủ được các phần mềm thể hiện đồ án kiến trúc, tuy nhiên thời gian dành cho giai đoạn này thường gấp gáp, SV chọn và phát triển ý tưởng “cuối cùng” chỉ vì chịu sự thúc ép về tiến độ nộp bài, các vấn đề về kỹ thuật chưa được giải quyết thấu đáo và nhiều sai sót. Khi máy tính là công cụ hỗ trợ đắc lực của quá trình thiết kế thì việc lạm dụng và lệ thuộc vào máy tính trong sinh viên đã trở nên phổ biến, dẫn đến giảm khả năng và nhu cầu tư duy sáng tạo, điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến đồ án tốt nghiệp của SV. Bởi vậy, trong nhiều trường hợp, sản phẩm của đồ án tốt nghiệp chỉ là kỹ năng vẽ (vẽ máy) và coi trọng chủ nghĩa hình thức chứ chưa phản ánh được tư duy thiết kế – sản phẩm quan trọng nhất của đào tạo KTS.

LỜI KẾT

Đồ án tốt nghiệp KTS của SV vẫn đang được Khoa và các cơ sở đào tạo coi trọng, tuy nhiên sản phẩm và chất lượng đồ án chưa tương xứng với thời gian và công sức của GV và SV. Thực tế cho thấy, kể từ khi chuyển đổi sang hệ thống tín chỉ với quan niệm đồ án tốt nghiệp cũng chỉ là 1 học phần trong chương trình đào tạo mà sinh viên phải tích luỹ, cách tính điểm có trọng số thấp hơn so với trước kia, dù được điểm cao cũng không thay đổi được kết quả tốt nghiệp ra trường, dẫn đến nhiều sinh viên không còn say mê và đầu tư cho đồ án tốt nghiệp nữa. Bởi vậy, để nâng cao chất lượng đào tạo nói chung và đồ án tốt nghiệp KTS nói riêng cần thiết phải có đổi mới một cách hệ thống các học phần đồ án bao gồm: Số lượng các đồ án, thời gian thực hiện mỗi đồ án, nội dung và yêu cầu cần chú trọng hơn tới nghiên cứu/phân tích và tư duy thiết kế kiến trúc.
Đổi mới quy trình thiết kế đồ án kiến trúc theo hướng tiếp cận với thực tiễn nhiều hơn sẽ giúp SV giảm bớt 1 đến 2 năm thời gian làm quen và bắt nhịp với môi trường thiết kế thực tiễn khắt khe và nhiều áp lực, nhờ đó rút ngắn khoảng cách đang còn tồn tại giữa lý thuyết và thực tiễn.

TS.KTS Nguyễn Vũ Phương

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 06 -2016 )

Chủ đề