Dịch nội ngữ là gì

(LLCT&TT) Tại các cơ quan báo chí, biên dịch là công việc diễn ra thường xuyên nhằm chuyển tải tới công chúng các thông tin từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt. Nội dung trên báo chí rất đa dạng nên đòi hỏi người dịch cần phải có kiến thức sâu rộng về nhiều vấn đề của đời sống xã hội. Ngoài ra, người dịch phải nắm chắc các phương pháp dịch cũng như cần có kiến thức chung về báo chí, nhất là đặc điểm của ngôn ngữ và phong cách báo chí. Bài viết nhằm giúp người đọc có cái nhìn tổng quát về dịch thuật, ngôn ngữ báo chí, các lý thuyết dịch phổ biến, từ đó gợi ý quy trình 6 bước có thể áp dụng khi biên dịch các tác phẩm báo chí.

Theo cách hiểu thông thường, dịch thuật là việc chuyển thể từ vựng, câu, văn bản… từ một ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Nói một cách học thuật hơn, dịch là quá trình chuyển đổi từ một ngôn ngữ nguồn dạng văn bản hoặc lời nói thành ngôn ngữ đích dạng văn bản hoặc lời nói tương ứng. Theo tác giả Đỗ Hữu Châu, “dịch thuật là chuyển một ngôn bản nguồn bằng một ngôn ngữ này sang một ngôn bản thuộc một ngôn ngữ khác (ngôn bản đích) sao cho nội dung của ngôn bản nguồn được giữ nguyên”(1). Như vậy trong dịch thuật, có hai khái niệm cơ bản là ngôn ngữ nguồn (source language) và ngôn ngữ đích/ ngôn ngữ mục tiêu (target language). Ví dụ, khi dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt thì tiếng Anh là ngôn ngữ nguồn, tiếng Việt là ngôn ngữ đích. Ngược lại, khi dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh, ngôn ngữ nguồn là tiếng Việt, ngôn ngữ đích là tiếng Anh.

Mục đích chính của quá trình dịch thuật là cầu nối giữa các ngôn ngữ khác nhau, tái sinh các loại văn bản khác nhau (tác phẩm văn học, tôn giáo, khoa học, triết học, lịch sử…) sang một ngôn ngữ khác để tiếp cận được lượng người đọc lớn hơn, đưa các nền văn hóa khác nhau trên thế giới xích lại gần nhau hơn.

Xét về cách thức thể hiện, dịch thuật có hai hình thức chính là biên dịch (translation) và phiên dịch (interpretation). Biên dịch là sự thay thế một thông điệp bằng chữ ở ngôn ngữ này bằng một thông điệp tương đương ở một ngôn ngữ thứ hai. Trong khi đó, phiên dịch (thông dịch) là dịch nói hoặc diễn giải lại câu nói bằng ngôn ngữ khác cho người nghe hiểu. Biên dịch viên làm việc với các văn bản viết nên ít chịu áp lực về thời gian hơn nhưng đòi hỏi sự chuẩn xác cao độ trong nội dung văn bản. Trong khi đó, phiên dịch yêu cầu phải có sự linh hoạt nhất định để chuyển tải thông điệp một cách ngắn ngọn, nhanh chóng và chính xác. Phiên dịch còn chia thành 2 loại là dịch đuổi (consecutive interpretation) và dịch song song/dịch cabin (simultaneous interpretation). Dịch song song là loại hình khó nhất vì quá trình dịch đòi hỏi sự nhanh nhạy vận dụng linh hoạt cả ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích cũng như cần sự tập trung cao độ.

Xét về nội dung, Snell & Crampton (1983) cho rằng dịch thuật có thể được phân loại thành hai loại. Thứ nhất là dịch thuật phi thương mại (non-commercial translation), nghĩa là người dịch sẽ làm việc với các dạng bài tập ngôn ngữ (language exercise), tài liệu hướng dẫn (instructional materials) hoặc dịch giải trí (translation for pressure). Thứ hai là dịch thuật chuyên ngành (professional translation) - trong đó có các dạng như dịch văn học (literary translation), dịch phim - kịch (drama screen translation), dịch sách giáo khoa kỹ thuật (scientific and technical book), dịch tài liệu thông tin (informatory translation)…(2).

Xét về phương diện ngôn ngữ, Jacobson (1959) trong bài viết “On linguistic Aspects of Translation” đã chia thành ba loại: dịch nội ngữ (intralingual translation), dịch ngoại ngữ/liên ngữ (interlingual translation) và dịch liên ký hiệu (intersemiotic translation). Dịch nội ngữ (intralingual translation) là chuyển từ cách diễn đạt này sang cách diễn đạt khác trong cùng một ngôn ngữ; dịch liên ngữ (interlingual translation) tức chuyển từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác; và dịch liên ký hiệu (intersemiotic translation) là chuyển từ một văn bản viết sang một hệ thống ký hiệu phi từ vựng (nonverbal sign system) khác, ví dụ, chuyển thể một tác phẩm văn học thành phim hay kịch(3).

3. Văn phong báo chí và tính chất của ngôn ngữ báo chí

Khác với các loại hình tác phẩm khác, văn phong của các tác phẩm báo chí thể hiện rõ tôn chỉ mục đích của tờ báo và cá tính, phong cách thể hiện của mỗi nhà báo trước sự kiện. Với cùng một sự kiện, mỗi nhà báo có thể tạo nên những cách nhìn riêng cho tác phẩm của mình khiến người đọc có những cảm nhận khác nhau. Tuy nhiên, dù phong cách khác nhau, nhưng tác phẩm báo chí thường vẫn phải tôn trọng quy tắc nhất quán về văn phong là: đơn giản, cụ thể, sinh động. 

Tính chất của ngôn ngữ báo chí

Hiện nay, nhiều tác giả cho rằng ngôn ngữ báo chí có thể được xem là một phong cách chức năng trong ngôn ngữ. “Phong cách là những khuôn mẫu trong hoạt động lời nói, được hình thành từ những thói quen sử dụng ngôn ngữ có tính chất truyền thống và chuẩn mực trong việc xây dựng các lớp văn bản tiêu biểu”(4). Ngôn ngữ báo chí có nhiều nét đặc thù, vì thế nó có thể được so sánh ngang hàng với các phong cách chức năng khác trong ngôn ngữ như phong cách khoa học, phong cách hành chính - công vụ, phong cách sinh hoạt hàng ngày, phong cách chính luận.

Nét đặc trưng bao trùm của ngôn ngữ báo chí là có tính sự kiện(5). Tác giả Hoàng Anh cũng cho rằng chính tính sự kiện đã tạo nên cho ngôn ngữ báo chí một loạt các tính chất cụ thể như:

+ Tính chính xác: Tính chất này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong báo chí, vì báo chí có chức năng định hướng dư luận xã hội. Một sơ suất dù nhỏ nhất về ngôn từ cũng có thể gây ra những hậu quả xã hội nghiêm trọng. Muốn sử dụng ngôn ngữ một cách chính xác, nhà báo phải giỏi tiếng mẹ đẻ, và phải phản ánh sự việc/hiện tượng một cách trung thực. 

+ Tính cụ thể: Nhà báo khi miêu tả, tường thuật phải cụ thể, khiến người đọc/ người nghe có cảm giác họ là người trong cuộc, đang trực tiếp chứng kiến sự kiện. Ngoài ra, mỗi sự kiện được đề cập trong tác phẩm báo chí cần phải gắn liền với một không gian, thời gian xác định, với những con người xác định (có tên tuổi, nghề nghiệp, chức vụ... cụ thể).

+ Tính đại chúng: Báo chí là một trong những phương tiện thông tin đại chúng. Đối tượng phục vụ của báo chí là tất cả mọi người trong xã hội, không phân biệt nghề nghiệp, trình độ nhận thức, địa vị xã hội, lứa tuổi, giới tính… Vì vậy, ngôn ngữ báo chí cần có tính phổ cập. Vì viết cho đông đảo công chúng, người viết cần tránh dùng những từ ngữ ít thông dụng. Trong trường hợp cần thiết nếu phải dùng thuật ngữ khó hiểu, cần phải giải thích để độc giả hiểu rõ. 

+ Tính ngắn gọn: Ngôn ngữ báo chí cần ngắn gọn, súc tích. Về ngữ pháp trong báo chí, chỉ nên dùng những câu ngắn gọn, tránh dùng câu phức tạp. Từ ngữ cũng cần được chọn lọc sao cho gọn và thể hiện được nội dung thông tin. Mục đích của nhà báo là làm cho công chúng biết, cảm nhận và hiểu đúng bản chất của sự kiện.

+ Tính biểu cảm: Tính biểu cảm trong ngôn ngữ báo chí gắn với việc sử dụng các từ ngữ, các cách diễn đạt giàu hình ảnh, in đậm dấu ấn cá nhân, gây được ấn tượng đối với độc giả. Nhà báo có thể dùng các thành ngữ, tục ngữ, ca dao, các lối chơi chữ, hoán dụ, ẩn dụ...Tính biểu cảm sẽ tạo ra được cái hay, cái hấp dẫn, tác động mạnh mẽ tới tinh thần và tâm hồn người đọc, để họ tự nguyện thay đổi những hành vi theo mong đợi của người viết.

+ Tính khuôn mẫu: "Khuôn mẫu" là những công thức ngôn từ có sẵn, được sử dụng lặp đi lặp lại nhằm giúp quy trình chuyển tải thông tin trở nên nhanh chóng, thuận tiện hơn. Chẳng hạn khi viết tin báo chí, phóng viên thường sử dụng mô hình kim tự tháp ngược, đưa các thông tin quan trọng nhất và hấp dẫn nhất lên phần đầu để thu hút người đọc. Hoặc nhiều định dạng mẫu câu được dùng thường xuyên như “Theo hãng tin AFP, hôm thứ... tại... trong cuộc họp... Tổng thống Hoa Kỳ... đã tuyên bố...”. 

4. Ứng dụng các lý thuyết dịch trong dịch thuật báo chí

Có nhiều lý thuyết có thể được ứng dụng trong dịch thuật báo chí, trong đó có hai lý thuyết nổi tiếng nhất có thể được áp dụng trong dịch thuật báo chí. 

Quan niệm “Tín, Đạt, Nhã” xuất hiện vào nửa cuối thế kỉ XIX tại Trung Quốc, bắt nguồn từ Nghiêm Phục (1853-1921) - một nhà danh sư Tây học. Ông là một nhân vật rất quan trọng trong lịch sử dịch thuật Trung Hoa, người đã mang nhiều tư tưởng và kiến thức phương Tây đến với người dân Trung Quốc.

Trong lời đề tựa cho dịch phẩm Thiên diễn luận của Thomas Henry Huxley, lần đầu tiên ra mắt độc giả vào năm 1898, Nghiêm Phục đã đề xuất ba tiêu chuẩn cần phải tuân thủ trong khi dịch thuật, đó là: Tín, Đạt, Nhã. Từ đó, “Tín, Đạt, Nhã” trở thành một tiêu chuẩn nền tảng trong dịch thuật cho đến ngày nay(6). 

Tín (faithfulness): là tiêu chuẩn cho rằng dịch thuật chuẩn là quan trọng nhất. Người dịch cần tôn trọng và trung thành với nguyên tác. Yêu cầu về mặt nghĩa của văn bản đích cần có độ chính xác rất cao, không quá sai khác so với văn bản nguồn.

Đạt (comprehensibility): là tiêu chuẩn phải đảm bảo tính mạch lạc, dễ hiểu. Một văn bản dịch phải khiến người đọc lĩnh hội được thì mới gọi là thành công.

Nhã (naturalness/conformality): là tiêu chuẩn thẩm mỹ. Một bản dịch chuẩn, dễ cảm nhưng cũng phải uyển chuyển và mang vẻ đẹp ngôn từ.

Một số ý kiến cho rằng ba tiêu chuẩn “Tín, Đạt, Nhã” của Nghiêm Phục có nguồn gốc từ phương Tây, cụ thể là từ Alexander Fraser Tytler (1747-1814). Trong cuốn Luận về các nguyên tắc dịch thuật (Essay on the principles of translation) được viết năm 1797 và được một nhà xuất bản ở New York in lần đầu tiên năm 1907, Tytler đã đề cập đến ba quy chuẩn để có bản dịch tốt: 1/Dịch phẩm nên sao chép trọn vẹn ý tưởng của nguyên tác. 2/ Văn phong nên giống với nguyên tác. 3/Dịch phẩm phải có tất cả tính trôi chảy của nguyên tác. Ông cho rằng dịch giả nên có tài năng càng tương đương với tác giả càng tốt, không những thế dịch giả nên có cách tư duy tương đồng với tác giả(7).

Với các tính chất của ngôn ngữ báo chí đã nêu ở phần trên, cả 3 yếu tố này đều cần thiết để đảm bảo chất lượng của bản dịch.  

Yêu cầu chính yếu nhất của một bản dịch là phải tương đương với bản gốc. Lý tưởng nhất, bản dịch đó phải hoàn toàn tương đương với bản gốc cả về nội dung và hình thức. Tuy nhiên trong thực tế, rất khó thỏa mãn được yêu cầu này do sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa. Suy nghĩ rằng dịch thuật chỉ đơn thuần là sự chuyển tải nội dung từ ngôn ngữ nguồn sang ngôn ngữ đích, hoặc nặng về hình thức ngôn ngữ hơn nội dung chính là lý do khiến cho có nhiều bản được dịch không phù hợp với nền văn hóa mới, với sự tiếp nhận của đối tượng mới. Nhận thức được điều đó trong giới dịch thuật đã xuất hiện một xu hướng mới: dịch thuật không còn được hiểu đơn giản là sự chuyển tải nội dung mà còn phải đảm bảo tính giao lưu văn hóa. 

Xu hướng này thể hiện trong lý thuyết Skopos (Skopostheorie) theo trường phái Đức đã được Katharina Reith và Hans Vermeer(8) giới thiệu vào khoảng những năm 80. Với phương châm "chủ điểm của mọi dịch thuật là mục đích của chúng", công việc dịch thuật phải “hướng văn hóa đích và hướng người nhận”(9), quan điểm này cho phép người dịch được tự do sáng tạo văn bản miễn là đạt được hiệu quả của văn bản gốc. Một sản phẩm dịch thuật lý tưởng là truyền tải được nội dung của văn bản gốc với ngôn ngữ tự nhiên đến mức được người đọc đón nhận mà không biết đó là một bản dịch. 

Lý thuyết Skopos là một khái niệm khá nổi tiếng trong lĩnh vực nghiên cứu dịch thuật, quan niệm rằng dịch thuật là một hoạt động có mục đích, nhấn mạnh rằng phiên/biên dịch chủ yếu nhắm vào chức năng của văn bản đích. Trong lý thuyết Skopos, vai trò của bản gốc không quan trọng như trong các lý thuyết dựa trên sự tương đương (equivalence theories). Skopos chú trọng văn bản đích, còn lý thuyết tương đương chú trọng văn bản gốc.

Skopos nhấn mạnh tầm quan trọng của nhiệm vụ truyền đạt ngôn ngữ: làm thế nào để ngôn ngữ được truyền đạt phù hợp với văn hóa trong ngôn ngữ đích. Vì vậy, một số nhà phê bình cho rằng lý thuyết này làm đánh mất văn bản gốc.

Thực tế trong dịch thuật báo chí, việc áp dụng lý thuyết chức năng lại khá phù hợp. Đối với những người làm công tác dịch trong một tòa soạn, có rất ít người dịch từng chữ, từng câu từ một bản tin của ngôn ngữ này thành một bản tin của ngôn ngữ khác. Họ thường không chỉ dịch tin mà còn viết tin. Tiến trình làm tin gồm nhiều công đoạn, trong đó giai đoạn biên tập bản tin diễn ra cùng lúc với việc dịch. Vì vậy hai chức năng dịch và viết diễn ra đồng thời để phù hợp với tính chất đặc thù của ngôn ngữ báo chí, và thích hợp với đối tượng tiếp nhận. Hoạt động này được gọi là transediting (Hursti 2001)(10).

Dịch báo chí nhằm vào các đối tượng độc giả khác nhau. Cùng một thông tin nhưng mỗi tờ báo có một nhóm độc giả mục tiêu riêng, do đó thông tin sẽ có hình thức trình bày phù hợp với nhóm độc giả của họ. Trong thực tế, một nhà báo khi dịch một bản tin của hãng thông tấn nước ngoài ra tiếng Việt hay ngược lại chỉ chú ý những phần nội dung nào được cho là quan trọng nhất, thích hợp nhất với tòa soạn và độc giả. Tiến trình dịch tin, vì vậy, không xảy ra tuần tự gồm dịch từ câu đầu đến câu cuối, mà thường qua các giai đoạn, gồm sắp xếp thứ tự nội dung, lược bỏ, bổ sung, và thay thế thông tin. 

Bản dịch đôi khi lược bỏ một từ, cả câu hay nhiều đoạn của bản gốc cũng là nhằm đáp ứng quan điểm làm tin của tòa soạn và thị hiếu của công chúng mục tiêu. Ngược lại, đôi khi cần phải thêm vào bản dịch một số từ ngữ hay một nội dung không có trong bản tin gốc để làm sáng tỏ bối cảnh câu chuyện do các khác biệt về văn hóa hay thông tin giữa hai ngôn ngữ. Hoặc trong một tình huống khác, do giới hạn của trang báo, người dịch còn phải chọn chữ thích hợp (dài hay ngắn) để đáp ứng yêu cầu về thiết kế. Hoặc có những bài báo nếu dịch đúng theo văn bản gốc thì sẽ ảnh hưởng đến vấn đề chính trị hoặc sắc tộc, người dịch cũng cần nhanh nhạy chuyển sang cách diễn đạt khác.

Như vậy, có thể nói dịch thuật báo chí rất gần với lý thuyết Skopos, tức dịch phải dựa theo chủ đích, bản dịch phải phù hợp với thị hiếu của công chúng mục tiêu và quan điểm làm tin của tòa soạn.

5. Một số gợi ý trong quy trình biên dịch báo chí

Để đạt được tính hiệu quả trong dịch thuật báo chí, thông thường biên dịch viên cần trải qua các bước cơ bản như sau:

Bước 1: Đọc qua văn bản gốc

Thay vì thực hiện tra nghĩa trong từ điển và dịch luôn sang ngôn ngữ đích từ câu đầu tới cuối, việc đầu tiên cần làm là đọc văn bản gốc để “cảm” được nội dung, hiểu văn bản và chủ đề của bài viết, xác định nội dung tin bài về chính trị, kinh tế, luật pháp hay môi trường, qua đó xác định được định hướng cho bản dịch.

Bước 2: Quyết định văn phong 

Tùy thuộc vào nhiều yếu tố́ như thể loại, đối tượng độc giả, mục đích của tờ báo... thông tin trên báo chí có thể theo nhiều lối văn phong khác nhau. Do đó, người dịch phải tìm hiểu và lựa chọn loại văn phong phù hợp để công chúng có thể cảm nhận rõ được tinh thần của bài viết.

Bước 3: Nhận diện từ, nhóm từ khó dịch

Trên báo chí, dù ngôn ngữ có đơn giản, dễ hiểu, thì vẫn có những thuật ngữ liên quan đến nội dung của văn bản như các thuật ngữ về kinh tế, luật pháp... Người dịch cần tìm hiểu các thuật ngữ này để dịch cho chuẩn xác. Ngay cả trong báo chí cũng có nhiều thuật ngữ mang tính chuyên ngành (ví dụ: byline, nutgraph, pull quote, jump line, teaser, caption, masthead, beat, broadsheet, tabloid…).

Một điều cần lưu ý là tất cả từ vựng cần được đặt trong văn cảnh, không theo nghĩa cố định. Để dịch được chuẩn xác các từ, nhóm từ đặc trưng, người dịch rất cần bổ sung kiến thức nền thông qua việc tham khảo những thông tin có liên quan từ các nguồn chính thống để có cái nhìn tổng thể, chuẩn xác và cách sử dụng từ ngữ phù hợp nhất với vấn đề, sự kiện đang dịch.  

Bước 4: Sắp xếp lại câu rõ ràng

Mục đích khi nhận diện câu là phân tích thành phần cấu tạo để hiểu chính xác nghĩa của câu (chủ ngữ, động từ chính, tân ngữ, trạng ngữ…). Người dịch sẽ gặp trường hợp văn bản có cấu trúc khá phức tạp, khá dài dòng, nên cần sắp xếp lại thậm chí tách câu để thể hiện được đúng nghĩa và văn phong.

Bước 5: Dịch lần 1 (dịch thô)

Chuyển đổi các từ vựng sang ngôn ngữ đích, kết hợp với cấu trúc ngữ pháp để ráp thành câu hoàn chỉnh. Bước này không yêu cầu quá cao về cách diễn đạt và câu văn nhưng cần chính xác nhất với văn bản gốc. 

Bước 6: Dịch lần 2 (dịch trau chuốt)

Sau khi đã dịch xong từng câu, người dịch cần rà soát lại toàn bộ đoạn văn bản. Lúc này cần thoát ly khỏi văn bản nguồn, đọc lại văn bản đích để kiểm tra về tính thống nhất trong văn phong và thuật ngữ. Sau khi dịch xong, cần kiểm tra lỗi chính tả, lỗi đánh máy, lỗi lặp từ và chỉnh sửa để có được bản dịch hoàn chỉnh nhất.

Đó là quy trình 6 bước cơ bản mà người dịch cần phải trải qua để có một bản dịch tốt. Một bản dịch báo chí được đánh giá cao khi phù hợp với văn phong và ngôn ngữ báo chí, không có lỗi về chính tả, ngữ pháp, ngôn ngữ được trình bày rõ ràng, dễ hiểu. 

Tuy số lượng người thông thạo ngoại ngữ không ngừng gia tăng, nhưng điều đó không làm giảm đi vai trò của công tác dịch thuật. Trong mọi lĩnh vực nói chung và báo chí nói riêng, số lượng văn bản, tài liệu, tin tức… cần được dịch sang các ngôn ngữ khác nhau ngày một nhiều. Tất cả các phương tiện thông tin đại chúng như phát thanh, truyền hình, báo in, báo mạng… đều cần chuyển dịch thông tin từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt  để truyền tải tới quảng đại công chúng.  

Mỗi tác phẩm báo chí đều mang trong mình những ngữ cảnh và văn hóa khác nhau, đòi hỏi người dịch phải có trình độ chuyên môn sâu và có kiến thức về ngôn ngữ cũng như có kiến thức chung về báo chí, nhất là đặc điểm của ngôn ngữ báo chí, phong cách báo chí. Sự linh hoạt và nhạy bén của người làm công tác dịch sẽ giúp cho thông tin đến được với công chúng một cách chuẩn xác, cụ thể và hiệu quả./.  

__________________________________________

(1) Đỗ Hữu Châu (2005), Đại cương-ngữ dụng học-Ngữ pháp cơ bản, T2, Nxb Giáo dục.

(2) Lê Hoài Ân (2017), Lý thuyệt dịch chức năng trường phái Đức và đề xuất hướng thiết kế các bài tập luyện kỹ năng dịch, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia 2017: Nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ & quốc tế học tại Việt Nam (13-27).

(4) Đinh Trọng Lạc (1997), Phong cách học tiếng Việt, Nxb Giáo dục.

(5) Hoàng Anh (2003), Một số vấn đề vể sử dụng ngôn từ trên báo chí, Nxb Đại học Sư phạm.

(6) Phạm Thị Tố Thy (2012), Quan niệm “Tín, Đạt, Nhã” và vấn đề dịch văn học chữ  Hán trong nhà trường, Tạp chí ĐH Sài Gòn.

(8) REISS, K. & Vermeer, H.J, 2014, Towards a general theory of translational action: Skopos theory explained. New York: Routledge.

(9) SNELL, B. & CRAMPTON P.: «Types of Translations.» The Translator's Handbook. Ed. C. Picken. London, Aslib, 1983, pp. 109-120

(10) Tytler, A. F., (1907). Essay on the Principles of Translation [M]. London: J. M. Dent & Sons Ltd.; New York: E. P. Dutton & Co. Inc.