Growth mindset vs fixed mindset là gì

Câu trả lời đã chỉnh sửa.

Lần đầu tiên mình biết đến khái niệm growth mindset và fixed mindset là lúc đi trợ giảng môn Tư duy hiệu quả cho thầy Tuyên. Dưới đây là một cách định nghĩa về 2 kiểu tư duy này:

Fixed mindset (Tư duy bảo thủ): Những người sở hữu Fixed mindset tin rằng các khả năng, phẩm chất và đặc điểm của một người là cố định và không thể phát triển hơn nữa theo thời gian. Những người có tư duy cố định tin rằng thành công của một người là kết quả của tài năng đơn thuần, không cần nỗ lực thêm nữa. Do đó, họ có xu hướng phấn đấu để thành công, tránh thất bại bằng mọi giá. Họ bảo thủ, cũng như miễn cưỡng để thay đổi và phát triển. Một người có Fixed mindset sẽ liên tục tìm cách chứng tỏ bản thân nhằm khẳng định trí thông minh vốn có của họ.

Growth mindset (Tư duy cầu tiến): Mặt khác, tư duy cầu tiến được định nghĩa qua niềm tin của một người rằng họ có thể học hỏi và cải thiện các khả năng và năng lực của họ thông qua sự nỗ lực và vượt qua thất bại. Những người sở hữu Growth mindset sẽ tiếp nhận thất bại và thách thức như những cơ hội để phát triển và trau dồi thêm phẩm chất và tài năng hiện có của họ. Họ luôn nỗ lực cải thiện bản thân, tự nhận thức được những điểm yếu và thiếu sót của mình, qua đó đón nhận những thách thức mới và đón nhận thất bại một cách tích cực.

Nguồn: https://blog.trginternational.com/vi/vi-sao-growth-mindset-se-la-yeu-to-quyet-dinh-thanh-cong-cua-ban

Lúc đó, mình đọc khái niệm và nghĩ rằng mình chắc chắn là người có growth mindset, mình là người cởi mở đón nhận những thất bại và thách thức.

Sau đó 2 năm, có một giai đoạn mình rất phân vân về định hướng công việc của bản thân, không biết mình có thực sự hợp với nghề giáo viên hay là nên đầu tư thời gian cho một nghề mới phù hợp hơn. Thế rồi có một suy nghĩ cứ vang lên trong đầu mình: “Mình có khả năng giảng dạy khá nhưng chẳng bao giờ đạt đến mức độ xuất sắc hay trở thành một ngôi sao trong lĩnh vực này được. Mình có thể đạt được tối đa là 8 điểm, chứ chẳng bao giờ đạt đến 9.5 hay 10 điểm. Kiểu tính cách của mình có vẻ không thực sự phù hợp lắm với nghề giáo viên.” Mình cứ nhai đi nhai lại điệp khúc này trong đầu, và cảm thấy rất thất vọng về khả năng của bản thân và không còn động lực cố gắng. Mình đi dạy nhưng không còn nhiều nhiệt huyết như những học kỳ trước đó. Mình nản chí, đổ lỗi cho môi trường xung quanh và muốn nghỉ việc, bỏ cuộc.

Thế rồi lại có một cơ duyên khiến mình học lại về growth mindset một lần nữa. Lúc này, mình xem được video clip của Giáo sư tâm lý học Carol Dweck – người đã dành cả cuộc đời nghiên cứu về động lực và các yếu tố dẫn đến thành công của con người và đưa ra 2 khái niệm mindset nói trên. Lúc nghe những phân tích của giáo sư, mình chợt nhận ra rằng tình trạng tiêu cực hiện nay của mình là vì mình đang có fixed mindset. Mình cũng bị thuyết phục bởi kết quả nghiên cứu của giáo sư, rằng khi người ta thay đổi mindset, người ta hoàn toàn có thể phát triển vượt bậc. Thế là mình thôi không nghĩ về chuyện “ngôi sao giảng dạy” nữa, mình thay nó bằng suy nghĩ: “Ừ, nếu tiếp tục nỗ lực trau đồi thì mình sẽ dần dần tiến bộ và giỏi hơn trong nghề nghiệp. Mình có thể tiến rất xa so với bản thân mình ở hiện tại”. Và chỉ cần thay đổi suy nghĩ đó, tự dưng những cảm xúc và thái độ sống của mình thay đổi theo, mình lại có động lực để tiếp tục tiến về phía trước.

Mình nhận ra có rất nhiều người, kể cả những học trò rất thông minh của mình có fixed mindset. Họ có khả năng nhìn ra những điểm tiêu cực của vấn đề và có điểm chung là không tin vào sự thay đổi của bản thân, người khác hay môi trường xung quanh. Chính vì điều đó, họ hay chỉ trích, cảm thấy bất mãn, thất vọng, bất lực và bỏ cuộc. Điều đó cũng ngăn cản họ khám phá những bài học trong thử thách và phát triển bản thân.

Thực ra thì chuyện chúng ta có fixed mindset cũng là điều hết sức bình thường, bản năng của con người trước một việc không như ý là sẽ có xu hướng chỉ trích hơn là tìm hiểu vấn đề. Thậm chí có thể chúng ta có growth mindset ở khía cạnh này, nhưng lại fixed mindset ở khía cạnh khác. Cho nên, mình sẽ luôn luôn tự rà soát bản thân mình trong từng sự việc, xem xét từng suy nghĩ của mình về vấn đề để xem chúng ta có fixed mindset hay growth mindset.

Câu hỏi có tác dụng định hướng tư duy nên việc chúng ta thường xuyên đặt câu hỏi gì trong đầu khi đối diện các sự việc là điều ảnh hưởng rất lớn đến cách chúng ta nhìn nhận vấn đề. Câu hỏi chỉ trích sẽ thường dẫn tới fixed mindset (Ai là người có lỗi? Tại sao mình lại tệ hại thế? Tại sao những người xung quanh lại ngốc nghếch như vậy?). Câu hỏi tìm hiểu thì giúp phát triển growth mindset (Mình học được gì từ sự việc này? Có cách nào khác để nhìn nhận vấn đề không? Bây giờ, cách tốt nhất để cải thiện tình hình là gì?). Cuốn sách “Thay câu hỏi, đổi cuộc đời” sẽ có thể chỉ ra và giúp bạn rèn luyện growth mindset từ những câu hỏi như vậy.

Chuyện đến đây là hết.

1/11/2019
(Tác giả: Đinh Thị Thanh Ngọc)