Hoa dạ lan hương như thế nào

Khoác trên mình chiếc áo nhiều màu sắc sặc sỡ là vậy nhưng ít ai biết được ẩn sau đó là những nỗi niềm, tâm tư thầm kín mà không thể giãi bày cùng ai. Đó là ý nghĩa của loài hoa mang tên Dạ lan hương này, hãy cùng tìm hiểu sâu hơn về cây nhé.

I. Giới thiệu về cây Dạ lan hương

  • Tên thường gọi: Cây dạ lan hương
  • Tên gọi khác: Cây tiên ông
  • Tên khoa học: Hyacinthaceae
  • Họ thực vật: Thuộc họ Lan dạ hương là  họ thực vật có hoa một lá mầm
  • Nguồn gốc xuất xứ: Dạ lan hương có xuất xứ từ vùng Địa Trung Hải (là nơi giao cắt của châu Âu, châu Á và châu Phi)
  • Tuổi thọ: Sống lâu năm
  • Màu sắc của hoa: Hoa dạ lan hương có màu sắc rất phong phú như hồng, tím, trắng, cam, vàng,…

Hoa dạ lan hương như thế nào

Cây dạ lan hương còn được gọi là cây tiên ông

II. Đặc điểm của cây Dạ lan hương

  • Lá: Dạ lan hương là loài thực vật thân thảo, mềm và rất mọng nước, lá dạ lan hương thường mọc ra từ củ. Các lá có màu xanh lục khi non và màu xanh đậm khi già hoặc cây được trồng ở nơi có  nhiều ánh sáng và nguồn dinh dưỡng tốt lá sẽ có  có màu xanh đậm. Lá nhỏ và dài khoảng 20 – 30cm, hơi cong mo ở 2 bên mép lá, ở  phía chóp lá hơi nhọn. một củ có khoảng từ 7-10 lá mọc đều xung quanh tạo thành những bẹ lớn nhỏ khác nhau.
  • Hoa: Hoa dạ lan hương rất nổi bật về màu sắc chủ đạo là các màu như:  Màu tím, trắng, đỏ, xanh… Cuống hoa mọc từ giữa tâm của củ,  cuống hoa vươn cao khoảng 25 – 30cm. Khi hoa nở tạo thành một khối hình trụ dài, chúng cũng có nét tương đồng với  hoa lục bình. Dạ lan hương thường nở hoa về đêm, khi nở chúng tỏa mùi thơm dịu làm tâm hồn thư thái và dễ đi vào giấc ngủ. 
  • Củ: Củ dạ lan hương có hình tròn giống như củ hành, củ nứt  ra là mầm lá cũng mọc lên từ đó. Mỗi  củ có từ 7 – 10 lá  mọc đều vòng quanh tạo nên những bẹ lá to nhỏ khác nhau. 
  • Rễ: Rễ cây dạ lan hương thường có màu trắng, nếu trồng thủy canh sẽ làm lộ bộ rễ trắng muốt trông giống những sợi râu ông tiên. Cũng vì lẽ đó mà cây còn có tên gọi là cây Tiên Ông. 

III. Ý nghĩa và tác dụng của cây Dạ lan hương

1. Ý nghĩa

 Hoa dạ lan hương mang nhiều màu sắc sặc sỡ, điều đó tượng trưng cho người con gái hồng nhan, mặt hoa da phấn mà lại mang nhiều tâm tư, nỗi niềm không thể bộc bạch cùng ai. Nàng mệt mỏi vì không kiếm tìm được tình yêu đích thực cho mình, thời gian trôi qua cuối nàng cũng ngộ ra tình yêu chân thành là gì. Điều đó giúp nàng vơi bớt đi cảm giác buồn phiền và yêu bản thân mình hơn. Khi đó tình yêu đích thực sẽ gõ cửa trái tim nàng. 

Do đó ngắm hoa dạ lan hương cũng là để suy ngẫm, chiêm nghiệm và tìm cho mình lối đi đúng đắn, phù hợp. Khi ngắm hoa cũng giúp tâm hồn lạc quan và xua đi hết những mệt mỏi, ưu phiền trong cuộc sống hàng ngày.

2. Tác dụng trong trang trí, làm cảnh

Cây dạ lan hương tuy hình dáng cây nhỏ bé nhưng lại có sức sống mãnh liệt và được nhiều người ưa chuộng.  Cây được trồng trong chậu đất hoặc trồng thủy canh đều có sức hấp dẫn riêng. 

Chậu cây dạ lan hương có thể đặt ở nhiều nơi như: Bàn làm việc, phòng khách, hội trường, sảnh khách sạn, công ty hoặc hiên nhà ở, bàn ăn, kệ sách, cạnh ti vi.

Hoa dạ lan hương như thế nào

Cây dạ lan hương tuy hình dáng cây nhỏ bé nhưng lại có sức sống mãnh liệt

IV. Cách trồng và chăm sóc cây Dạ lan hương

1. Cách trồng cây

Cây dạ lan hương được nhân giống bằng cách ươm củ. Trước khi trồng phải ngâm củ giống hoặc để củ giống ở nơi mát mẻ mới dễ nảy mầm. 

Cách ngâm củ giống: Xếp củ giống dạ lan hương vào nơi ẩm mát, tưới nước sạch lên củ rồi tưới thuốc kích thích ra rễ, phủ bạt mỏng lên mặt củ khoảng 3  – 5 ngày là củ nứt.

  • Đất ươm và cách ươm

Cây dạ lan hương trồng được bằng hai cách là trồng trong đất và trong nước (trồng thủy canh). Nếu trồng đất thì dùng khay chậu có đục thủng lỗ ở đáy để khi mưa mới có chỗ thoát nước. 

Đất trồng có thể mua đất có bán tại các cửa hàng cây cảnh hoặc dùng đất xung quanh nhà đều được. Khi trồng cây dạ lan hương nên trộn với phân chuồng hoặc do trấu, xơ dừa mục để làm tơi đất, khi mục tạo được lượng phân hữu cơ cho đất giúp giảm đi đáng kể lượng phân bón. 

Cách ươm: Cho hỗn hợp đất và các loại phụ gia vào chậu, bới hố đất nhỏ phù hợp với kích thước củ giống dạ lan hương. Đặt củ xuống đất, hướng mặt củ mọc mầm lên mặt đất rồi vùi đất mỏng. Sau đó che mát cho chậu ươm củ giống hoặc để nơi râm mát đến khi mọc mầm mới cho ra nắng. 

  • Trồng thủy canh

Với cách trồng này, cần chuẩn bị  bình hoặc chậu thủy tinh trong suốt để lộ bộ rễ trắng muốt  giúp chậu cây luôn đẹp bình dị mà vẫn mang vẻ thanh tao.

Đổ nước đến ⅓ bình hoặc cao đến phần nút thắt cổ chai,  rồi đặt củ dạ lan hương lên miệng lọ cách mặt  nước khoảng 1 – 2cm để tránh ngâm nước lâu làm thối củ.

Trong thời gian đầu, khi bộ rễ còn non nên đặt chậu cây ở những nơi có nguồn ánh sáng vừa phải. Đến khi bộ rễ đã cứng cáp thì nên chuyển đến nơi có ánh sáng nhiều hơn.

2. Cách chăm sóc cây

Chăm sóc cả hai loại cây này không khó, chỉ cần cho đón nắng sớm mỗi ngày 1 lần để lá quang hợp. Nếu không nắng có thể đặt chậu cây ở nơi có ánh sáng điện thường xuyên. 

Đối với cây dạ lan hương thủy sinh cần thay nước thường xuyên khoảng 3 ngày 1 lần tránh làm thâm thối rễ. 

Khi hoa dạ lan hương tàn sẽ chuyển màu thâm úa nên cắt ngay cuống hoa và bón phân để cho ra hoa đợt mới. Có thể dùng nhiều loại phân khác nhau, phân dạng nước hoặc phân bột. 

Nếu lá dạ lan hương vàng lụi do tuổi thọ cao nên nhổ cây lên lấy củ treo nơi khô mát để tiếp tục gây giống cho vụ sau. 

Cây dạ lan hương là cây hoa đẹp, khoe hương khoe sắc, cây cũng cần được chăm sóc như bao cây khác. Để hoa luôn tỏa hương cho người chiêm ngưỡng, bạn nên áp dụng những kỹ thuật trên đây nhé.