Quản lý địa giới hành chính là gì

Tranh chấp địa giới hành chính là vấn đề vẫn luôn hiện hữu nhiều năm qua do tình trạng đường ranh giới hành chính chồng lấn dẫn đến tranh chấp giữa các địa phương trên địa bàn tỉnh, thành phố. Để hiểu rõ hơn về địa giới hành chính hay hồ sơ địa giới hành chính cũng như thẩm quyền giải quyết tranh chấp địa giới hành chính, hãy cùng Luật sư đất đai tham khảo bài viết dưới đây.

Địa giới hành chính là Đường ranh giới phân chia các đơn vị hành chính được đánh dấu bằng các mốc địa giới

Địa giới hành chính là gì?

Địa giới hành chính là Đường ranh giới phân chia các đơn vị hành chính được đánh dấu bằng các mốc địa giới, là cơ sở pháp lý phân định phạm vi trách nhiệm của bộ máy hành chính nhà nước các cấp trong việc quản lý dân cư, đất đai, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ở địa phương.

Mốc địa giới hành chính được cắm ở những nơi dễ thấy trên thực địa và được biểu thị đầy đủ trên bản đồ địa giới hành chính.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 29 Luật Đất đai 2013, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm quản lý mốc địa giới hành chính trong địa phương mình, tổ chức tuyên truyền giáo dục nhân dân nơi có mốc địa giới hành chính nêu cao ý thức bảo vệ mốc địa giới, khi phát hiện mốc địa giới bị xê dịch, bị hư hỏng, bị mất phải kịp thời tổ chức khôi phục

Những căn cứ để xác định địa giới hành chính thường là: diện tích đất đai, dân số, các mối quan hệ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng, dân tộc, lịch sử, truyền thống, tập quán và tình cảm của dân cư địa phương.

Hồ sơ địa giới hành chính

Theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Luật Đất đai 2013, hồ sơ địa giới hành chính bao gồm tài liệu dạng giấy, dạng số thể hiện thông tin về việc thành lập, điều chỉnh đơn vị hành chính và các mốc địa giới, đường địa giới của đơn vị hành chính đó:

  • Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc thành lập đơn vị hành chính hoặc điều chỉnh địa giới hành chính (nếu có);
  • Bản đồ địa giới hành chính;
  • Sơ đồ vị trí các mốc địa giới hành chính;
  • Bảng tọa độ các mốc địa giới hành chính, các điểm đặc trưng trên đường địa giới hành chính;
  • Bản mô tả tình hình chung về địa giới hành chính;
  • Biên bản xác nhận mô tả đường địa giới hành chính;
  • Phiếu thống kê về các yếu tố địa lý có liên quan đến địa giới hành chính;
  • Thống kê các tài liệu về địa giới hành chính của các đơn vị hành chính cấp dưới.

Hồ sơ địa giới hành chính bao gồm tài liệu dạng giấy, dạng số thể hiện thông tin về việc thành lập, điều chỉnh đơn vị hành chính

Hồ sơ địa giới hành chính cấp xã/phường/thị trấn do Ủy ban nhân dân cấp huyện/quận/thị xã/thành phố trực thuộc tỉnh xác nhận; cấp huyện/quận/thị xã/thành phố trực thuộc tỉnh do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương xác nhận; cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương do Bộ Nội Vụ xác nhận

Hồ sơ địa giới hành chính cấp nào được lưu trữ tại Ủy ban nhân dân cấp đó và Ủy ban nhân dân cấp trên, Bộ Nội Vụ, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường.

Nguyên nhân xảy ra tranh chấp địa giới hành chính

Từ năm 1996, hệ thống hồ sơ, bản đồ, mốc, đường địa giới hành chính các cấp của tỉnh Quảng Nam đã được lập theo Chỉ thị 364-CT ngày 6 tháng 11 năm 1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) và đã đưa vào khai thác, sử dụng có hiệu quả, tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý đất đai theo lãnh thổ, giải quyết các tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính.

Tuy nhiên, do quá trình thực hiện Chỉ thị 364, các đơn vị thi công thực hiện dự án đã chuyển vẽ bản đồ địa giới hành chính cũ sang bản đồ mới bằng phương pháp chuyển vẽ nội nghiệp trong phòng, không trùng khớp với thực tế sản xuất, canh tác lâu đời của nhân dân, trong khi đó các địa phương lại không tiến hành kiểm tra tại thực địa. Các mốc địa giới hành chính được cắm đến nay phần lớn đã bị hư hỏng, quá trình phát triển kinh tế – xã hội, việc san lấp mặt bằng, xây dựng các công trình lớn đã làm mất dấu, phá vỡ, biến dạng đường ranh giới hành chính giữa các địa phương.

Mặt khác, quá trình thành lập mới, chia tách, sáp nhập các huyện, thị xã, thành phố và xã, phường, thị trấn đã làm thay đổi địa giới hành chính nhưng công tác lập hồ sơ địa giới hành chính để quản lý chưa được các ngành chức năng và chính quyền địa phương quan tâm thực hiện.


>> Xem thêm:
Tư vấn pháp luật về tranh chấp ranh giới đất đai

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp địa giới hành chính

Theo quy định tại khoản 4 Điều 29 Luật Đất đai 2013, Tranh chấp địa giới hành chính giữa các đơn vị hành chính do Ủy ban nhân dân của các đơn vị hành chính đó cùng phối hợp giải quyết.

Tranh chấp địa giới hành chính giữa các đơn vị hành chính do Ủy ban nhân dân của các đơn vị hành chính đó cùng phối hợp giải quyết

Trong trường hợp không đạt được sự nhất trí về phân định địa giới hành chính hoặc việc giải quyết làm thay đổi địa giới hành chính thì thẩm quyền giải quyết được quy định như sau:

Đối với tranh chấp cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương

Đối với tranh chấp cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương Chính Phủ trình phương án giải quyết, Quốc Hội quyết định phê duyệt hoặc yêu cầu điều chỉnh

Đối với tranh chấp cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; xã, phường, thị trấn

Trường hợp tranh chấp liên quan đến địa giới của đơn vị hành chính huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; xã, phường, thị trấn thì Chính phủ trình ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định.

Trên đây là bài viết chi tiết Tư vấn giải quyết tranh chấp địa giới hành chính. Nếu bạn đọc vẫn còn vướng mắc về các vấn đề có liên quan hoặc cần được TƯ VẤN LUẬT ĐẤT ĐAI vui lòng gọi số HOTLINE 1900.63.63.87 để được LUẬT SƯ ĐẤT ĐAI hỗ trợ.

Quản lý địa giới hành chính là gì
Bản đồ tỉnh Hòa Bình. Ảnh: http://tinhuyhoabinh.vn

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý địa giới hành chính, trong những năm qua Ủy ban nhân dân tỉnh luôn coi trọng công tác quản lý địa giới hành chính để ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh ở địa phương, đặc biệt là trước, trong và sau khi thực hiện Chỉ thị số 364/CT ngày 06/11/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) về giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính tỉnh, huyện, xã. Cụ thể là:

 Trước khi thực hiện Chỉ thị số 364-CT/TTg, qua nhiều lần tổ chức lại đơn vị hành chính và điều chỉnh địa giới hành chính; từ việc sáp nhập tỉnh, huyện đến việc tách tỉnh, huyện và thành lập các đơn vị hành chính mới, các thị trấn, nông trường, lâm trường… thì việc xác định địa giới hành chính trên bản đồ và thống nhất ngoài thực địa trong giai đoạn này tuy mang tính ước lệ, không xác định ngay việc xác lập địa giới hành chính bằng cách lập hồ sơ địa giới, tổ chức đo đạc, cắm mốc, song Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và cấp huyện, cấp xã tổ chức hiệp thương, thoả thuận giữa các bên để xác lập đường địa giới hành chính giữa tỉnh với các tỉnh có liên quan và các địa phương trong tỉnh; cơ bản xác định được các khu vực bỏ trống không rõ địa phương nào quản lý và khu vực chồng lấn, đan xen. Tuy nhiên, hiện tượng tranh chấp đất đai liên quan đến đường địa giới hành chính xảy ra ở một số nơi, cá biệt có nơi diễn biến phức tạp, kéo dài ảnh hưởng đến quy hoạch xây dựng, phát triển kinh tế và trật tự an toàn xã hội ở cấp cơ sở. Ở những nơi có sử dụng bản đồ để quản lý nhưng do sử dụng các loại bản đồ khác nhau, như: bản đồ thời Pháp để lại; bản đồ của Cục Đo đạc bản đồ nhà nước; bản đồ của Cục bản đồ Bộ Tổng tham mưu; bản đồ các ngành kinh tế khác được phát hành ở những thời điểm khác nhau trong khi tình hình phân chia địa giới hành chính và đơn vị hành chính luôn thay đổi nên không thống nhất, vì vậy gây rất nhiều khó khăn cho việc giải quyết tranh chấp và thực hiện quản lý nhà nước của địa phương.

 Thực hiện Chỉ thị số 364-CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) về việc giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính tỉnh, huyện, xã; Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo tích cực việc giải quyết tranh chấp, tổ chức hiệp thương, thực địa, đo đạc, cắm mốc, xây dựng và lập hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính của địa phương. Trong quá trình thực hiện đã cơ bản xác lập được đường địa giới hành chính các cấp trong tỉnh; giải quyết dứt điểm hầu hết khu vực tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính. Đến năm 1995, bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính các cấp tỉnh Hòa Bình đã được Hội đồng nghiệm thu cấp quốc gia nghiệm thu, đưa vào quản lý, sử dụng và lưu trữ theo quy định, làm căn cứ và cơ sở pháp lý cho công tác quản lý nhà nước về địa giới hành chính và lưu trữ quốc gia (thực hiện trên Hệ Hà Nội-72). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước ta có một bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính được xây dựng theo một quy trình kỹ thuật thống nhất trong toàn quốc có giá trị pháp lý phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, ở tỉnh Hòa Bình tuyến địa giới hành chính cấp tỉnh vẫn có sự chưa thống nhất tại 8 khu vực với tỉnh Hà Tây cũ (nay là thành phố Hà Nội), với các tỉnh: Ninh Bình có 4 khu vực; Thanh Hoá và Phú Thọ mỗi tỉnh có 01 khu vực. Mặt khác, một số bất cập về sự chưa thống nhất giữa mô tả tuyến địa giới hành chính trong hồ sơ, bản đồ và trên thực địa (cấp tỉnh 03 khu vực, cấp huyện 10 khu vực và cấp xã 41 khu vực); có hiện tượng xâm cư, xâm canh bất hợp lý (cấp tỉnh 9 khu vực, cấp huyện 21 khu vực và cấp xã 67 khu vực).

Sau khi thực hiện Chỉ thị số 364/CT với những tồn tại nêu trên, tỉnh Hòa Bình tiếp tục phối hợp với các cơ quan trung ương và các tỉnh liên quan, đồng thời chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh giải quyết, hoàn thành việc phân vạch, cắm mốc và lập bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính các khu vực tranh chấp địa giới hành chính cấp tỉnh do lịch sử để lại gồm: 01 khu vực với tỉnh Phú Thọ (năm 2010), 08 khu vực của toàn tuyến với thành phố Hà Nội (năm 2011), 02 khu vực với tỉnh Ninh Bình (năm 2015); còn 03 khu vực với tỉnh Thanh Hoá và tỉnh Ninh Bình đang tiếp tục được phối hợp giải quyết. Đối với khu vực xâm cư, xâm canh, đã thống nhất 01 khu vực với tỉnh Phú Thọ (năm 2010); toàn tuyến với tỉnh Sơn La gồm 08 khu vực (năm 2014); các tuyến trong nội tỉnh đã giải quyết được 25 khu vực.

Cùng với việc điều chỉnh địa giới hành chính, chia tách, thành lập đơn vị hành chính mới; đồng thời thực hiện Quyết định số 83/2000/QĐ-TTg ngày 12/7/2000 của Thủ tướng Chính phủ về sử dụng Hệ quy chiếu và Hệ tọa độ quốc gia Việt Nam (Hệ VN-2000) thay thế Hệ Hà Nội-72, Sở Nội vụ tỉnh Hòa Bình đã kịp thời xin chủ trương và xây dựng phương án lập mới, bổ sung, chỉnh lý bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính các cấp ở 06 huyện, thành phố (gồm 115 đơn vị hành chính cấp xã, khi đó chủ yếu sử dụng dữ liệu bản đồ nền địa hình mới nhất có tỷ lệ 1:25.000) nên đã cơ bản đáp ứng tốt công tác quản lý nhà nước ở địa phương.

Ngày 02/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 513/QĐ-TTg về việc phê duyệt Dự án “Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính” (Dự án 513), triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước; sử dụng dữ liệu bản đồ nền địa hình có tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 và 1:10.000 đối với cấp xã, Hệ VN-2000. Đây là cơ hội để giải quyết triệt để các tranh chấp về đường địa giới hành chính, xác định rõ phạm vi quản lý theo địa bàn lãnh thổ giữa địa phương trên đất liền và trên biển, đảm bảo khép kín đường địa giới hành chính các cấp và thống nhất với đường biên giới quốc gia; xây dựng bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính các cấp đảm bảo tính khoa học, đầy đủ, chính xác về mặt pháp lý và thống nhất làm cơ sở pháp lý trong công tác quản lý nhà nước về địa giới hành chính và xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong cả nước, vùng lãnh thổ, từng địa phương.

Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Nội vụ và của Ban chỉ đạo, Ban quản lý Dự án Trung ương, tỉnh Hòa Bình đã xây dựng kế hoạch triển khai, tổ chức thực hiện; đã thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh gồm lãnh đạo Ủy ban nhân tỉnh và các ngành liên quan do đồng chí Phó Chủ tịch Uy ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban, Giám đốc Sở Nội vụ làm Phó Trưởng ban thường trực. Trong thời gian vừa qua, tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện Dự án 513 tại địa phương và đạt được một số kết quả cụ thể như: kiểm tra, đối chiếu việc chuyển vẽ đường địa giới hành chính, vị trí các mốc, các điểm đặc trưng địa giới hành chính; hiệu chỉnh về địa danh dân cư, sơn văn, thuỷ hệ, ... trực tiếp trên bản đồ mới. Đã xác định tuyến địa giới hành chính cấp xã trùng trên tuyến cấp tỉnh là 30/32 tuyến, tuyến địa giới hành chính cấp xã trùng trên tuyến huyện là 25/30 tuyến; tuyến địa giới hành chính cấp xã trong nội các huyện là 58/61 tuyến. Về mốc địa giới hành chính: cắm mới, cắm bù, sửa chữa, tu bổ, gắn tâm là 46 mốc, chuyển mốc thành điểm đặc trưng là 28 điểm; thực hiện lập bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính gốc ngoại nghiệp của 33 xã, thị trấn. Hòa Bình là tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, ngân sách địa phương chưa tự cân đối để đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ chi, do đó đã đề nghị Trung ương hỗ trợ 100% kinh phí triển khai, thực hiện Dự án 513 ở địa phương; đến nay kinh phí hỗ trợ mới chỉ đủ để triển khai thực hiện tại 02/10 huyện, 33/191 xã trong diện cần phải thực hiện theo Dự án 513 của Thủ tướng Chính phủ.

Để thực hiện tốt công tác quản lý địa giới hành chính các cấp trong thời gian tới, đặc biệt là hoàn thành Dự án 513 của Thủ tướng Chính phủ, cần tập trung giải quyết những vấn đề sau:

Một là, Trung ương cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác quản lý địa giới hành chính các cấp để phù hợp với điều kiện phát triển của khoa học công nghệ và kinh tế - xã hội hiện nay.

Hai là, Trung ương cần quan tâm hỗ trợ kịp thời kinh phí cho địa phương có điều kiện ngân sách khó khăn để việc triển khai Dự án 513 đảm bảo theo kế hoạch chung của cả nước.

Ba là, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương cần tập trung chỉ đạo, phối hợp giải quyết dứt điểm những tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính các cấp do lịch sử để lại và những tranh chấp mới phát sinh do có những sai sót của hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính được lập khi thực hiện Chỉ thị số 364-CT; xác định rõ các khu vực xâm cư, xâm canh giữa các địa phương giáp ranh để thực hiện quản lý nhà nước theo phạm vi lãnh thổ và các quy định hiện hành. Đặc biệt, trong quá trình giải quyết tranh chấp địa giới hành chính các cấp, các ngành cần quán triệt và thực hiện đúng 04 nguyên tắc giải quyết của Chính phủ tại Báo cáo số 31/BC-CP ngày 03/4/2006, gồm: căn cứ vào các nghị quyết của Quốc hội đã ban hành về điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đảm bảo lợi ích chung của quốc gia, có tính đến đề nghị hợp lý của địa phương; tôn trọng hiện trạng và thực tế quản lý; thuận tiện cho nhân dân và công tác quản lý nhà nước.

Bốn là, các địa phương thực hiện đảm bảo thời gian, chất lượng sản phẩm của Dự án 513 theo đúng kế hoạch đề ra.

Năm là, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về công tác quản lý địa giới hành chính; công tác lưu trữ, quản lý và khai thác, sử dụng hồ sơ, bản đồ, mốc, cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính cho công chức các cấp, đặc biệt là cấp xã.

Sáu là, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc lưu trữ, quản lý và khai thác, sử dụng hồ sơ, bản đồ, mốc, cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính các cấp để kịp thời xử lý, bảo dưỡng, bổ sung, chỉnh lý theo quy định./.

Nguyễn Viết Trọng - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hòa Bình

tcnn.vn