Sách dành cho sinh viên đại học

Lợi ích của việc đọc sách

1. Giảm căng thẳng

Cuộc sống như một vòng xoáy, chúng ta có xu hướng “luôn bận rộn” và cảm thấy không đủ thời gian. Chẳng phải bạn đang muốn một ngày có hơn 24 giờ sao? Chắc đúng nhỉ ?

Sách dành cho sinh viên đại học

Đọc sách giúp giảm căng thẳng, mệt mỏi

Trong vòng xoáy bận rộn, những bộn bề cuộc sống, hãy tưởng tượng mình nằm nhâm nhi một cốc trà, một ly cà phê bên những cuốn sách tâm đắc, suy nghĩ cuộc sống, tư duy cuộc đời, chẳng phải là một “thú vui tao nhã” hay sao? Chính vì vậy, theo các chuyên gia tâm lý, thói quen đọc sách là một liệu pháp hoàn hảo để hạn chế quá tải, căng thẳng, cả thể chất lẫn tinh thần.

Sẽ là một điều tuyệt vời nếu cơ thể được nghỉ ngơi, và thả hồn vào những cuốn sách hay, nhiều giá trị.

2. Nuôi dưỡng ước mơ

Cuộc sống mà, ai cũng sẽ có những thời khắc khó khăn, những lúc chán nản, đôi khi muốn bỏ cuộc và gục ngã. Bạn đã từng như thế? Đừng nói là chưa nha.

Sách dành cho sinh viên đại học

Đọc sách nuôi dưỡng ước mơ (nguồn: internet)

Cách vượt qua những khó khăn tuyệt vời nhất, hiệu quả nhất là tìm những cuốn sách “tạo động lực”, và “nuôi dưỡng hoài bão, ước mơ”, sẽ nhanh thôi, sự cô đơn, chán chường, mệt mỏi sẽ tan biến. Tại sao ư? Những cuốn sách tạo động lực hay sẽ kể cho bạn “tác giả đã khổ như thế nào? đã muốn gục ngã ra sao? đã đứng lên và vượt qua nghịch cảnh theo cách nào?” và rồi bạn nhận ra: hoàn cảnh của mình có gì đáng lo ngại, bình thường mà, mình sẽ vượt qua.

Vì vậy, hãy đừng ngần ngại tậu ngay cho mình những cuốn sách “tạo động lực” gối đầu giường nhé, bạn sẽ thấy hữu ích đó.

3. Mở rộng kiến thức

Mỗi tác giả viết sách chỉ có 1 hoặc 2 cuốn sách để đời, tạo tiếng vang và gây dựng tên tuổi.  Để hoàn thành mỗi cuốn sách, các tác giả phải tích lũy kiến thức, kinh nghiệm hàng chục năm, thậm chí vài chục năm, rồi vắt công, bỏ sức tổng hợp, tích lũy lại, và xuất bản với cái tên “sách”.

Sách dành cho sinh viên đại học

Đọc sách rèn luyện tư duy, mở rộng hiểu biết (ảnh: internet)

Thế này nhé, thử tưởng tượng sau 1 tuần chúng ta đọc hết một cuốn sách do tác giả dành 5-10 năm mới tạo ra (học điều hay, giá trị), bạn có thấy mình đã “tích lũy kiến thức của người khác” nhanh và hiệu quả thế nào?

Huân thì nghĩ, mỗi cuốn sách là chuyện một cuộc đời, nếu không đọc sách chúng ta chỉ sống mỗi cuộc đời mình thôi, và đọc thêm sách chúng ta còn “khám phá thêm cuộc đời của người khác”. Kể cả khi sách ít hấp dẫn, nó vẫn có những giá trị mà bạn sẽ sử dụng vào thời điểm nào đó, và bạn có nhớ “tôi đã từng nghe, đọc ở đâu đó vấn đề này”.

Hãy cứ đọc nhiều vào, não bộ sẽ vận dụng khi cần thiết!

4. Tăng cường tập trung và kích thích trí não

Con người hiện đại luôn bận rộn, và luôn miệng kêu “nhiều việc quá”. Việc luôn bận rộn và tình trạng bị kéo đi bởi những deadline khiến não bộ luôn thích ứng với việc đối phó ngắn hạn, lâu dần “kém tập trung” và “suy giảm trí nhớ” vì luôn phải “chia não” cho nhiều việc cùng một lúc. Khi đọc sách, chúng ta có cơ hội tập trung vào từng câu chữ, tập trung hiểu ý nghĩa, hàm ý tác giả muốn truyền tải, nếu thấy cuốn hút thì dẫn tới “nhập tâm”, nếu có thói quen này giúp bạn “tăng cường tập trung” khi làm những việc khác.

Khi não tập trung suy nghĩ, tế bào não luôn vận động và làm việc, việc não được luyện tập, thể dục thường xuyên giúp “não khỏe” và làm việc ngày càng hiệu quả hơn. Khi gặp những tình huống tức thì, một bộ não khỏe sẽ được kích thích và phát huy tốt khả năng giải quyết vấn đề. Não được kích thích và vận động liên tục thì sẽ tốt hơn một bộ não “lười biếng và chỉ thích ngủ” nhỉ?

5. Giao tiếp viết và nói tốt hơn

Thông qua việc đọc sách, người đọc ngoài mở rộng kiến thức thì có thể hiểu những trải nghiệm và khó khăn của người khác qua đó sự hiểu biết, sự đồng cảm với người khác tốt hơn, dẫn tới giao tiếp ngày một tốt hơn.

Sách dành cho sinh viên đại học

Đọc sách giúp giao tiếp tốt hơn (ảnh: internet)

Qua việc đọc, chúng ta biết thêm nhiều từ vựng, biết cách diễn đạt ý, sử dụng câu linh hoạt và hoa mỹ, việc này giúp cải thiện khả năng viết và nói. Chẳng cần phải là nhà văn, cứ đọc sách nhiều chúng ta sẽ “tự động” bắt chước và sao chép cách hành văn, và rồi viết văn, diễn đạt nói sẽ ngày một hay và không kém phần chuyên nghiệp.

Trên đây Huân tạm kể ra 5 lợi ích chính của việc đọc sách. Ngoài những lợi ích này, việc đọc sách còn rất nhiều lợi ích khác như: ít tốn kém, dễ ngủ hơn, khởi nguồn ý tưởng sáng tạo…. nhiều lắm. Và Huân muốn giới thiệu tới quý độc giả, đặc biệt các em sinh viên TOP 5 cuốn sách hay nên đọc, khi còn trẻ, nhé.

Những cuốn sách sinh viên nên đọc

1. Nếu tôi biết được khi còn 20

Là cuốn sách được chuyển ngữ từ sách tiếng Anh “What I wish I knew when I was 20” của nữ tác giả Tina Seelig – Tiến sĩ về tâm lý học tại đại học Sandford. Cuốn sách trao cho người đọc một cách nhìn mới, cách giải quyết vấn đề trên con đường chinh phục tương lai.

Sách dành cho sinh viên đại học

Nếu tôi biết được khi còn 20 – Tina Seelig

Tuổi 20, không ít bạn trẻ phải vật lộn đi tìm câu trả lời “tôi cần làm gì”, hoặc “tôi có nên làm hay không”. Cuốn sách này giúp bạn suy luận và đưa ra những quyết định thay đổi tư duy và thái độ với cuộc sống.

Thông qua cuốn sách, bạn đọc sẽ học được những điều giá trị như sau:

  • Cách đối diện với khó khăn
  • Cách xác định mục tiêu cho mình
  • Phát huy sự tự tin của bản thân
  • Biết đứng dậy sau mỗi sai lầm, thất bại
  • Học được cách giữ gìn uy tín, danh tiếng bản thân

Đây là cuốn sách đầu tiên mà Huân nghĩ mỗi bạn trẻ đang độ tuổi 20 nên tìm và đọc ngay lập tức khi có thể. Hãy đắm chìm vào những tình huống, giả định mình là nhân vật trong các tình huống, tìm ra lời giải cho mình, rồi kiểm chứng và học hỏi. Hãy tìm và đọc ngay em nhé, kẻo muộn.

À, nếu em đọc được sách tiếng Anh, thì tớ tặng em ebook gốc sách tiếng Anh nhé, hãy click vào đây để tải về. Nếu không đọc được sách tiếng Anh thì thôi, đầu tư mua lấy cuốn sách in tiếng Việt về cũng tốt, sách giấy thì có cái để nắn, để sờ, để đánh dấu và hít hà.

2. Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu

Đây là cuốn sách kể lại kinh nghiệm của người đi trước, tác giả Rosie Nguyễn. Như bao bạn trẻ, Rosie Nguyễn cũng có những năm tháng tuổi học trò, từ phổ thông, rồi đại học, rồi ra trường, đi làm… vật lộn với cuộc sống.

Sách dành cho sinh viên đại học

Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu – Rosie Nguyễn

Nhìn chung sách được chia làm 2 phần: Quá trình học của tác giả, và Cách học và hành. Cảm nhận về lối viết thì sách khá gần gũi, dễ đọc dễ hiểu. Đi xuyên cuốn sách, tác giả tổng hợp lại những kiến thức, những tích cóp kiến thức từ những “huyền thoại” trong lĩnh vực “truyền động lực” với ngôn từ dễ chịu.

Phần 1 cuốn sách như một lời “xám hối” và xin lỗi với “tuổi trẻ”, và qua đó muốn gửi nhắn thông điệp tới những bạn trẻ trong độ tuổi 18, 20 “Hãy trân trọng thời thanh xuân ngắn ngủi của mình”.

Sang phần 2, đối tượng nhắm tới là những sinh viên, sắp tốt nghiệp, đã tốt nghiệp và mới đi làm. Tác giả muốn nhắn tới người đọc cách thức để hiểu mình, cách khai thác điểm mạnh, xây dựng đam mê nghề nghiệp và dốc tâm huyết cho công việc.

Tuy không quá giáo điều và rập khuôn, cuốn sách như một “tự truyện” và thông qua đó muốn gửi gắm tới người đọc những thông điệp chính sau:

  • Hãy chịu khó đọc sách hơn
  • Luôn phải học hỏi
  • Tuổi trẻ ngắn lắm, đừng để sau này phải nói “giá mà“
  • Luyện tập lối sống lành mạnh
  • Hãy định hướng nghề nghiệp, tương lai

Lưu ý, đây là sách dạng “tự truyện” nên mang nhiều dấu ấn cá nhân, và vì vậy có thể quan điểm không phù hợp với nhiều bạn đọc. Và như đã nói, đọc hết cuốn này bạn đã “khám phá những năm tháng tuổi trẻ của Rosie Nguyễn”.

3. Ngày xưa có một con bò

Đây là cuốn sách chuyển ngữ từ sách tiếng Anh có tên “Once upon a Cow” của tác giả TS. Camilo Cruz. Cuốn sách là cách ví von ngụ ngôn của tác giả: mỗi tật xấu, sự kém hiểu biết của mỗi chúng ta giống như “một con bò”, và tất nhiên mỗi người sẽ có “nhiều con bò” ẩn dấu bên trong, và nhiệm vụ của chúng ta là phải tìm cách “làm thịt” những con bò ngu xuẩn đó.

Sách dành cho sinh viên đại học

Ngày xưa có một con bò – Camilo Cruz

Những điều tác giả muốn nhắn gửi bạn đọc qua cuốn sách:

  • Hãy ngừng biện minh
  • Hãy thôi sợ hãi
  • Cần hiểu năng lực thực sự bản thân
  • Cần thay đổi
  • nhiều thứ khác, bạn tự cảm nhận

Nội dung cuốn sách xoay quanh việc truyền đạt tới bạn trẻ những định hướng, kiến thức “kinh điển” trong lĩnh vực tạo động lực, tuy nhiên điểm khác biệt là cách viết, cách triển khai ý rất dị: người đọc vừa bực tức, vừa buồn cười. Hãy đọc và cảm nhận nhé.

4. Đời ngắn đừng ngủ dài

Đây là cuốn sách chuyển ngữ từ bản gốc bằng tiếng Anh “The 5AM Club” của tác giả Robin Sharma. Cuốn sách như một lời tâm sự của tác giả, người từng trải, qua nhiều vấp ngã, khiến bạn đọc không ngừng đặt những câu hỏi và tự suy ngẫm trả lời. Điểm quan trọng qua việc đọc cuốn sách này là bạn đọc nhận ra được rằng “mình đang lãng phí quá nhiều thời gian”. Nếu không cố gắng, đừng mong tiến bộ. Tác giả có quan điểm chưa được “tiêu cực” như Huân: “còn giấc ngủ ngàn thu nữa mà ham chi ngủ nhiều”, hì hì. Bá cháy nhỉ?

Sách dành cho sinh viên đại học

Đời ngắn đừng ngủ dài – Robin Sharma

Trở lại cuốn sách, sách được viết theo nhiều mẩu chuyện, không theo mạch, nên cần sự xâu chuỗi, tổng hợp, nếu muốn hiểu kỹ cần “ngâm cứu” qua lại vài lần. Tuy nhiên, mỗi bài viết lại dễ đọc, dễ cảm nhận.

Những điều tác giả muốn gửi gắm qua cuốn sách:

  • Hãy quý trọng gia đình
  • Hãy quý trọng sức khỏe
  • Sống là chính mình
  • Sống tử tế
  • Sống kỷ luật, trách nhiệm
  • Không ngừng học hỏi, trau dồi các kỹ năng
  • Cần tạo dựng các mối quan hệ
  • nhiều thứ khác nữa, tùy cảm nhận của bạn

Nếu còn tuổi đôi mươi, hãy đừng ngần ngại mua ngay cuốn sách này về để đọc và suy ngẫm, nó sẽ giúp ích cho em rất nhiều.

5. 7 thói quen của bạn trẻ thành đạt

Đây cũng là cuốn sách chuyển ngữ từ bản gốc tiếng Anh “The 7 Habits of Highly Effective Teens” của tác giả Sean Covey. Đây là một cuốn sách kinh điển trong thế giới “truyền động lực, tự học”, vì đến hiện tại khoảng 20 triệu bản đã được bán ra trên toàn thế giới (trên 40 ngôn ngữ).

Sách dành cho sinh viên đại học

7 thói quen của bạn trẻ thành đạt – Sean Covey

Cuốn sách được viết với ngôn ngữ hài hài, ngắn gọn, xúc tích, và dễ hiểu. Tác giả truyền tải thông điệp qua những mẩu chuyện gần gũi, sát thực tế, qua các bài thơ, và qua nhiều hình ảnh sinh động.

Những điều tác giả muốn gửi gắm qua cuốn sách:

  • Hãy sống tích cực
  • Cần định hướng tương lai
  • Đừng trì hoãn
  • Tư duy cùng tiến bộ (win-win)
  • Học cách lắng nghe, và thấu hiểu
  • Xây dựng tinh thần hợp tác
  • Luôn rèn luyện phát triển kỹ năng
  • khác, bạn đọc tự rút ra

Cuốn sách đúc kết những bài học cuộc sống mà tác giả trải nghiệm và tích lũy. Trên hết, tác giả muốn truyền thông điệp: hãy sống mạnh mẽ, giàu nghị lực, và niềm tin”.

Tạm kết

Đọc sách để nuôi dưỡng tâm hồn, và thực sự “rất bổ não”. Chính vì vậy,  Huân rất mong các em hãy dành thời gian, tâm trí để luyện tập “thói quen thành đạt” này nhé. Tin tớ đi, em sẽ không phải hối tiếc vì thói quen tuyệt vời này.

Trên đây là TOP 5 những cuốn sách sinh viên nên đọc theo suy nghĩ và cảm nhận cá nhân Huân. Nếu bạn đọc, các em sinh viên thấy cuốn sách nào hay và thực sự thích hãy comment chia sẻ cùng bạn bè và độc giả, nhé.

Đừng quên chia sẻ bài viết cho những người quan tâm!

(NGUỒN SƯU TẦM BÀI VIẾT: https://tranduchuan.com/nhung-cuon-sach-hay-sinh-vien-nen-doc/)