Ta là ai mà còn trần gian thế

Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng Lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng Em là tôi và tôi cũng là em. Con diều bay mà linh hồn lạnh lẽo Con diều rơi cho vực thẳm buồn thêm Tôi là ai mà còn ghi dấu lệ Tôi là ai mà còn trần gian thế Tôi là ai, là ai, là ai? Mà yêu quá đời này. Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng Nắng vàng phai như một nỗi đời riêng Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh Có đường xa và nắng chiều quạnh quẽ

Có hồn ai đang nhè nhẹ sầu đêm.

Chi tiết Nguyễn Kim Tiến Lượt xem: 6170

Nguyễn Kim Tiến24.3.2012

Tựa bài viết thật buồn! Nỗi buồn tuyệt vọng. Nỗi buồn “như lá mùa thu, rơi rụng giữa mùa đông”.

Những chiếc lá đã phải làm những chức năng hấp thụ khí trời, những chất bổ dưỡng để chuẩn bị nuôi cây cỏ trong suốt mùa đông dài lạnh lẽo. Rồi khi đã làm xong bổn phận, lá đã hy sinh đời mình để muà xuân tới, hoa đâm chồi kết trái nở nhụy yêu thương. Cuộc đời ta cũng thế, như chiếc lá cuối thu, rơi xuống…rơi xuống … để đời này tiếp nối với đời kia.

Bốn mùa là thế, bốn mùa của trời đất - Xuân, Hạ, Thu, Đông- cũng như bốn mùa của chúng ta - Sinh, Lão, Bệnh, Tử hình như có mối tương quan mật thiết với nhau.

Thật vậy tôi đã thuộc lòng tên bốn mùa của đất trời, thuộc lòng tên bốn mùa của con người, thuộc đến nổi mà không có điều gì có thể làm cho tôi quên được. Thế nhưng để hiểu, để cảm nhận và để chấp nhận cái vô thường của đời sống này vẫn còn mơ hồ, lúc động, lúc tĩnh trong tôi.

Tôi đã nghe bài hát này từ một cuốn băng của Khánh Ly, hình như tựa là “Im lặng”. Bài hát đã làm tôi suy nghĩ nhiều trong nhiều năm tháng nhưng mãi đến hôm nay, tôi mới thấy thấm thía sự van nài năn nỉ “Tôi ơi đừng tuyệt vọng”. Có lẽ khi chúng ta ở vào tâm trạng tuyệt vọng, chúng ta tin vào chính chúng ta hơn. Chúng ta nhìn thấy chúng ta rõ hơn! Chỉ có ta mới cứu rỗi ta mà thôi. Đức Phật đã chẳng nói “Hãy tự mình thắp đuốc mà đi”? Và hình như tôi đang thắp đuốc cho tôi đi. Nhưng ngọn đuốc có khi sáng rực, có khi lập loè như sắp tắt! Nỗi tuyệt vọng lại rơi vào khoảng tối mênh mông!


TCS tình bày

Lời bài hát như một lời tự nhắn nhủ, một lời năn nỉ, một lời vỗ về - vỗ về chính mình - năn nỉ, năn nỉ chính mình! Nhưng thật ra, có đôi khi ta đứng ngoài ta, ta nhìn thấy ta nên ta đã thì thầm nhắn nhủ “đừng tuyệt vọng em ơi đừng tuyệt vọng” bởi vì “em là tôi và tôi cũng là em”. Thế đấy, em và tôi là một nên tôi nhìn thấy em đau khổ. Ngay cả khi “con diều bay mà linh hồn lạnh lẽo”. Vì sao thế? Sao con diều bay mà lòng tôi lại trống rỗng, lại lạnh lẽo đến thế! Để rồi khi “con diều rơi cho vực thẳm buồn theo”… Vậy thì dù khi chúng ta có bay bỗng trên chín tầng mây, có lộn nhào giỏi như kẻ đu dây, đứng vững trên sợi dây đời, chúng ta cũng chạm phải niềm tuyệt vọng như khi chúng ta rơi xuống vực thẳm. Thế thì có phải niềm tuyệt vọng nằm rất kề, rất gần, gần lắm ở ngực trái của ta.

Có đôi khi tôi tự hỏi “tôi là ai” khi nghe nhiều lần cái điệp khúc muôn vàng cay đắng này. Điệp khúc như một nghi vấn cho chính mình. NS Trịnh Công Sơn đã đưa tôi đi vào thế giới hồ nghi về chính tôi. Không biết ông có ý gì khi viết “Tôi là ai mà còn khi dấu lệ”. Từ “dấu” ở đây  có phải là dấu vết của những giọt lệ rơi, đọng ở bờ mi khoé mắt của niềm tuyệt vọng hay “dấu” ở đây là khóc không thành lời, chảy ngược vào trong hay có khi là những dấu yêu của từng giọt lệ. Thôi thì, hãy cho tôi hiểu theo cảm nhận đặc biệt của riêng tôi và bạn hãy giữ những cảm nhận của riêng bạn nhé và NS Trịnh Công Sơn nữa, hãy giữ cho ông những ngậm ngùi riêng về giọt lệ yêu dấu này.

Tôi là ai mà còn khi dấu lệTôi là ai mà còn trần gian thếTôi là ai…Là ai…

Là ai…mà yêu quá đời này

TCS đã tự vấn và cũng đã trả lời giùm chúng ta. ”Là ai…là ai …là ai …mà yêu quá đời này”. Ba lần lập lại hai từ là ai, ông đã đẩy chúng ta đi về phiá hoài nghi cao độ để cuối cùng cho chúng ta rơi xuống một cánh đồng êm ả của tình yêu.

Dù cuộc đời có không đãi ngộ chúng ta ở khúc khúc đời này hay ở khúc đời kia thì cuộc đời này vẫn đẹp vô cùng. Như Hermann Hess đã cho lần thốt lên “Dù trần gian có thế nào đi nữa thì tôi vẫn vô cùng yêu quí trần gian điên dại này”. Điều này đã cho chúng ta thấy rằng cuộc đời là một đam mê mãnh liệt với cả hỉ, nộ, ái, ố, sầu, bi. Không có những vui buồn, hạnh ngộ chia xa thì không phải là cuộc đời, phải thế không? Nhưng dù biết thế, nhưng NS TCS cũng lại phải quay trở về với lời tự nhắn nhủ kỳ diệu này, cho chính mình hay nói hộ giùm cho chúng ta khi rên xiết trong nỗi tuyệt vọng, sâu như vực thẳm, ngút ngàn như những cánh diều bay mang theo một cõi lòng lạnh buốt trần gian khi ông “Đừng tuyệt vọng tôi ơi đừng tuyệt vọng. Nắng vàng phai như một nỗi đời riêng”. Thật vậy, riêng, rất riêng!Cuộc đời của con người, dù sướng, dù khổ, dù sang, dù hèn, tất cả là nỗi đời riêng mà không ai có thể hiểu được, bắt được và sống cho nhau được!

Nhưng rồi niềm tuyệt vọng nào cũng có lối thoát vì “Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh”. Dù đường có xa, nắng chiều có quạnh quẽ, nhưng chắc chắn là “Có hồn ai đang nhè nhẹ sầu lên”

Điệu nhạc đã thật sự đưa nỗi tuyệt vọng bay trong không gian, đi vào lòng tôi và làm trái tim tôi muốn khóc. Và tôi xin phép NS Trịnh Côn Sơn, hãy cho tôi mượn lời ông mà nhắn nhủ tôi  “Tôi ơi đừng tuyệt vọng. Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh”.


Nguyễn Kim Tiến
24 tháng 3 năm 2012

Ta là ai mà còn trần gian thế

Bệnh nhân ung thư mà tôi nói đến trong tuần trước, vừa qua đời. Hôm qua người em của ông nhắn vào máy điện thoại của tôi báo tin: “Anh D. đã qua đời” ! Chiều Chúa nhật 26.8 chúng tôi đã vào bệnh viện Ung Bướu thăm ông, trên giường bệnh ông thì thào những lời tâm sự, có những lúc không nói được, ông ra hiệu bằng tay. Chúng tôi đã có một buổi chiều trò chuyện với nhau thật thú vị, không ngờ giữa tôi và ông có những kỷ niệm chung trong thời gian trước năm 75 khi ông bước vào quân ngũ, vài giờ gặp nhau nhưng như đã quen nhau từ thủa nào. Hôm qua ông lặng lẽ ra đi trong đau đớn.

Một người anh em Linh Mục của tôi từ miền Bắc vào Sàigòn dự Tuần Thường Huấn của Tỉnh Dòng, cha đã sử dụng giờ rảnh trong những ngày ở đây để đi thăm hai người thân trong gia đinh mắc bệnh ung thư trầm trọng, một ở Vũng Tàu và một ở Cần Thơ. Cha nói với tôi “thăm để an ủi nâng đỡ, vì khi qua đời không biết con có thể vào để thăm viếng nữa không”. Như vậy đó, không phải mình tôi nhưng những ai còn ở Việt Nam, hẳn cũng có kinh nghiệm tương tự, đâu đây quanh ta căn bệnh ung thư đang tàn sát dân tộc chúng ta.

Không thể tiếp tục ngồi ta thán và kêu rên một cách tuyệt vọng như vậy, chắc chắn chúng ta phải thay đổi, phải hành động nếu chúng ta còn muốn dân tộc chúng ta tồn tại. Phải bắt đầu từ chính mỗi người chúng ta, đừng trông chờ ở nơi nào, ở bất cứ ai, không ai cứu chúng ta ngoài chúng ta. Với tư cách là người Kitô hữu, chúng ta sẽ nói chuyện nhân danh niềm tin vào Đức Giêsu Kitô.

Trong buổi tiếp kiến hơn 20 ngàn tín hữu hành hương sáng thứ tư, 2.3.2016, với tư cách người kế vị Thánh Phêrô, Đức Phanxicô nói với khách hành hương về Rôma:
Ngôn Sứ Isaia nói: Thiên Chúa không ưa máu chiên bò (v.11), nhất là việc tế tự ấy được thực hiện với những bàn tay đẫm máu người anh em mình (v.15). Tôi nghĩ đến vài ân nhân của Giáo Hội, họ mang tiền dâng cúng đến tặng Giáo Hội, nhưng đó là kết quả của máu bao nhiêu người bị bóc lột, ngược đãi, bị xử như nô lệ với đồng lương chết đói! Với những người ấy tôi nói: ‘Xin vui lòng cầm lại tấm ngân phiếu của ông, và hãy đốt đi! Dân Chúa, tức là Giáo Hội, không cần những tiền bạc bẩn thỉu, nhưng cần những trái tim mở rộng đón nhận lòng thương xót của Chúa”. (http://www.conggiaoanbang.com/…/tiep-kien-chung-voi-dtc-gi…/).

Đồng tiền có được do làm ăn gian dối, đánh lừa người tiêu dùng, pha tẩm thuốc độc hại dân tộc vì lợi nhuận, cắm đầu làm giàu mà ám hại người dân nghèo hiền lành không biết tự vệ, giăng bẫy bắt bớ người dám nói lên sự thật về khuyết điểm sản phẩm do mình sản xuất. Lợi nhuận có được do cấu kết với cường quyền tàn phá rừng đầu nguồn, xả lũ giết hại dân nghèo, làm tiêu tán tài sản vốn đã ít ỏi trở nên trắng tay. Chà đạp bóc lột công nhân, để nhân viên làm việc trong tình trạng lao động tồi tệ, trốn các nghĩa vụ của người có trách nhiệm với nhân viên của mình để giảm chi phí điều hành… Những đồng tiền đó có phải là những đồng tiền máu không? Không chỉ là máu của một người hay nhiều người, nhưng là máu của cả một dân tộc. Bao nhiêu người như vậy đang là ân nhân của Giáo Hội khi họ dâng cúng tiền máu cho các tổ chức của Giáo Hội?

Có một cuộc ăn mừng hoan hỉ được tổ chức vào ngày Mồng Một Tết Âm Lịch của một đại gia Công Giáo thuộc hàng có máu mặt, tham dự có một số các vị chức sắc của Giáo Hội, họ ăn mừng vì tay đại gia vừa “thoát nạn” trong một vụ án giăng bẫy để bắt một người dân nghèo thiếu kiến thức, người này hớ hênh lên tiếng về sản phẩm có quá nhiều khuyết điểm của nhà sản xuất. Một số người lên tiếng cho vụ án, báo chí vào cuộc khiến doanh nghiệp có nguy cơ phải trả lẽ trước pháp luật, nhưng tay đại gia đã thoát nạn vì kẻ mạnh trong xã hội hôm nay vẫn luôn là kẻ lắm tiền và dư thủ đoạn. Mọi sự xẹp xuống, kẻ tố cáo lãnh trọn nhiều năm tù, báo chí câm như hến, và người ta mở tiệc ăn mừng thoát nạn!

Từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, pha tẩm thuốc không rõ nguồn gốc vào thực phẩm, phun xịt thuốc tràn làn trên rau xanh, nhưng lại rất ân cần bỏ tiền giỏ ở Nhà Thờ, không phải một người mà cả làng, cả xã, cả huyện, cả một vùng toàn tòng cùng nhau vô tư “rửa tiền”… Vậy có cần phải biện phân tiền đó là tiền bẩn, là tiền máu hay không? Vin vào lòng thành thì có làm thay đổi bản chất đồng tiền ấy không?

Nếu chúng ta không muốn giúp nhau biện phân và có thái độ cần phải có như lời Hội Thánh khuyên dạy, hậu quả trước tiên là chính người Công Giáo chúng ta bị tiêu diệt trong quá trình tiêu diệt chung cả dân tộc Việt Nam. Thật khó, nhưng nếu muốn tồn tại, buộc phải làm!

Ngẫm lại chính mình trước thách đố này, một lời thú tội muộn màng: “Tôi là ai mà còn trần gian thế?” Nhưng với ơn Chúa mọi sự chưa bao giờ muộn cả. Phải thay đổi thôi!

Lm. VĨNH SANG, DCCT, 1.9.2018
Tựa đề lấy từ bài “Tôi ơi, đừng tuyệt vọng” của Trịnh Công Sơn