Vai trò của ATK Tân Trào trong cách mạng tháng Tám 1945

Cây đa Tân Trào.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tuyên Quang, tỉnh hiện có 635 di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng, trong đó có 435 di tích lịch sử cách mạng kháng chiến. Riêng Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào có 183 di tích, trong đó có 18 di tích đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Với những giá trị lịch sử to lớn, Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào được ví như một “Bảo tàng cách mạng” của cả nước.

Khi thăm Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, du khách không chỉ được tham quan hệ thống di tích cách mạng kháng chiến mà còn được tìm hiểu cuộc sống của người dân bản địa, trải nghiệm việc thu hái, sao chè tại làng chè Vĩnh Tân; học làm cơm lam, xôi ngũ sắc và nghỉ ngơi trong những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào Tày ở Làng Văn hóa - Du lịch thôn Tân Lập...

Nơi ghi dấu những mốc son chói lọi

Nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Tuyên Quang, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào nằm trên địa bàn 12 xã trong Khu ATK (An toàn khu), thuộc hai huyện Sơn Dương và Yên Sơn. Đây từng là địa bàn chiến lược quan trọng, là nơi ở, làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo cấp cao cùng nhiều cơ quan Trung ương; là “Thủ đô Khu giải phóng” trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 và là “Thủ đô kháng chiến” trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.

Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào gồm các địa danh nổi tiếng như đình Hồng Thái, lán Nà Nưa, đình Tân Trào, cây đa Tân Trào, cụm di tích ATK Kim Quan... Đây là những “địa chỉ đỏ” về giáo dục truyền thống không thể bỏ qua của du khách khi đến với Tuyên Quang.

Toàn cảnh mái Đình Hồng Thái.
Lán Nà Lừa.
Hang Bòng.

Nhờ vị trí chiến lược quan trọng cùng những điều kiện thuận lợi, trong thời kỳ Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945, Tân Trào được Trung ương Đảng và Bác Hồ chọn là “Thủ đô Khu giải phóng” - nơi diễn ra những sự kiện có ý nghĩa quyết định với vận mệnh của dân tộc: Khai mạc Quốc dân Đại hội (ngày 16, 17-8-1945) tại đình Tân Trào, thể hiện quyết tâm hưởng ứng chủ trương Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước; thành lập Ủy ban Giải phóng dân tộc do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch... Từ đây, lệnh tổng khởi nghĩa được phát đi. Các địa phương trong cả nước lần lượt giành chính quyền. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi vẻ vang, mở ra trang sử mới cho dân tộc với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sau Cách mạng Tháng Tám không lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Trong giai đoạn 1947-1954, Tân Trào lại trở thành “Thủ đô kháng chiến”, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ cùng các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương đặt trụ sở làm việc và lãnh đạo toàn dân kháng chiến, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Với những thắng lợi vẻ vang đó, Tân Trào là nơi ghi dấu những mốc son chói lọi của dân tộc, trong đó không thể không nhắc tới vai trò quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Khai thác lợi thế sẵn có

Với những giá trị lịch sử quan trọng như vậy, Tuyên Quang xác định rõ việc xây dựng Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào trở thành một sản phẩm du lịch đặc biệt. Ông Đỗ Trung Kiên, Trưởng Ban quản lý các khu du lịch tỉnh Tuyên Quang cho biết: “Công tác phát triển du lịch tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào gắn với các tour trải nghiệm và du lịch cộng đồng được tỉnh rất quan tâm. Nhiều năm qua, mô hình du lịch cộng đồng tại Làng văn hóa Tân Lập (xã Tân Trào, huyện Sơn Dương) đã phát huy tiềm năng sẵn có, thu hút đông đảo du khách. Mới đây, chúng tôi đã phối hợp với địa phương cùng một số đơn vị lữ hành xây dựng sản phẩm: Đi mảng (bè) nghe hát Then trên hồ Nà Nưa. Đây là sản phẩm mới, do chính người dân sinh sống xung quanh khu vực lòng hồ tham gia phục vụ khách với mong muốn quảng bá những nét văn hóa đặc trưng của vùng đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang”.

Ông Hoàng Việt Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, theo Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thời gian tới, Tuyên Quang sẽ tập trung nguồn lực để hoàn thành xây dựng Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng, bảo tàng; xây dựng phương án trưng bày và phim tư liệu tái hiện lịch sử “Thủ đô Khu giải phóng”, “Thủ đô kháng chiến”; xây dựng khu đón tiếp khách, khu dịch vụ, lưu trú, bãi đỗ xe... để đến năm 2030, nơi đây sẽ trở thành Khu du lịch quốc gia, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện với đồng bào Tuyên Quang dưới gốc đa Tân Trào.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học đặc biệt của khu di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Khu di tích lịch sử Tân Trào (huyện Sơn Dương và huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) là di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 548/QĐ-TTg, ngày 10/5/2012).

Di tích lịch sử cây đa Tân Trào cùng với các di tích khác trong Chiến khu Tân Trào đã trở thành điểm du lịch tham quan và tìm hiểu lịch sử nổi tiếng của tỉnh Tuyên Quang. Đã trải qua 75 năm kể từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nhưng mỗi lần ghé thăm Tân Trào, mỗi người dân Việt Nam lại như được hòa vào không khí hào hùng của những tháng năm lịch sử.

Về Tân Trào nhớ Bác

(ĐCSVN) - Trong hành trình trở về Thủ đô kháng chiến, chúng tôi dừng chân ở khu di tích lịch sử Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) vào mùa xuân năm 2022. Bước chân vào không gian quần thể di tích, tâm hồn mỗi người như cảm nhận được âm vang của những ngày tiền khởi nghĩa và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, vang vọng tiếng Bác Hồ ấm áp như lời của non sông, đất nước.

Tiết trời mùa xuân ấm áp và sắc trắng của hoa mơ, hoa mận trên những rừng cây ven con đường vùng Sơn Dương (Tuyên Quang) đưa chúng tôi đến Tân Trào. Khung cảnh nơi đây là núi rừng bạt ngàn, những đồi chè xanh thẳm, những cánh đồng bát ngát và những bản làng bình yên của người đồng bào dân tộc Tày dưới chân núi gợi lên cảnh sắc của vùng quê cách mạng trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

Dọc con đường vào khu di tích Tân Trào, những con suối chảy rì rào, những chiếc cọn nước như những bánh xe quay khổng lồ quay đều mang nước đến ruộng đồng, ven đồi, những cụm chuối rừng mọc lên những bông hoa chuối đỏ tươi như đốm lửa tạo nên một bức tranh Việt Bắc thanh bình, yên ả, gợi lên trong lòng người cảm hứng hướng về Thủ đô gió ngàn.

Mái đình Tân Trào, nơi diễn ra những sự kiện lịch sử quan trọng và là “địa chỉ đỏ” cách mạng, nơi hướng về của thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, chúng tôi đã được nghe, được học và nhắc đến địa danh lịch sử Tân Trào qua những trang sử, những bài thơ kháng chiến. Bởi vậy, khi bước chân vào cổng khu di tích, tâm hồn cảm thấy gần gũi và ấm áp vô cùng.

Nơi đây lưu giữ những di tích, những tư liệu lịch sử vô giá về Bác Hồ và Trung ương Đảng những ngày tiền khởi nghĩa và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Mỗi địa danh, mỗi hình ảnh, con suối, cây rừng, ngôi nhà đều gắn với một sự kiện lịch sử, một câu chuyện về Bác Hồ và những người ưu tú của dân tộc đã chỉ ra đường lối kháng chiến đi đến thắng lợi.

Tân Trào là nơi Bác Hồ dừng chân, chọn làm địa điểm để lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ của dân tộc sau địa điểm Pác Bó mà Người từng ở sau khi trở về Tổ quốc. Vì thế, quần thể di tích lịch sử Tân Trào đã in sâu trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam, một “địa chỉ đỏ” để thế hệ trẻ hướng về.

Đến Tân Trào, chúng tôi không giấu khỏi niềm tự hào trước những di tích đã và đang được bảo tồn. Đó là hình ảnh cây đa Tân Trào còn lưu giữ trong tâm hồn mỗi người Việt Nam, nơi xuất quân của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân vào chiều ngày 16/8/1945. Bên cội đa cổ thụ, chúng tôi như lắng nghe được lời hiệu triệu đọc Quân lệnh số 1 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước giờ xuất quân tiến về giải phóng Thủ đô.

Thấp thoáng sau những lùm cây xanh là mái đình Hồng Thái cổ kính. Ngôi đình được tạo dựng theo kiểu kiến trúc nhà sàn, một nét văn hoá cổ truyền của đồng bào dân tộc Tày ở vùng đất này. Đình Hồng Thái cùng cây đa Tân Trào đã đi vào thơ của nhà thơ Tố Hữu trong bài thơ Việt Bắc: “Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa”.

Đình Hồng Thái bên bên cây đa cổ thụ, nơi lưu dấu ấn lịch sử cách mạng ở Tân Trào

Những cột gỗ to, mái nhà lợp lá cọ gợi lên sắc màu bình dị, gần gũi. Tại ngôi đình lịch sử này, Bác Hồ dừng chân đầu tiên khi Người từ Pác Bó trở về Tân Trào, là nơi đón tiếp đại biểu về dự Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội để chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám. Ngôi đình còn là địa điểm ATK quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Tại thôn Tân Lập, xã Tân Trào, mái đình Tân Trào lịch sử đã đưa chúng tôi trở về không khí sục sôi của những ngày tiền khởi nghĩa. Ngôi đình là địa điểm diễn ra Quốc dân Đại hội từ ngày 16-17/8/1945. Theo tư liệu lịch sử và lời kể của cán bộ khu di tích, sự kiện diễn ra ở đình Tân Trào mang ý nghĩa lịch sử quan trọng, tại Đại hội, nhiều quyết sách của Bác Hồ và Trung ương Đảng đối với cách mạng Việt Nam đã được thống nhất và thông qua như chủ trương tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám, quy định quốc kỳ của dân tộc Việt Nam là lá cờ đỏ sao vàng, quốc ca là bài Tiến quân ca.

Đặc biệt, tại đình Tân Trào, vào sáng ngày 17/8/1945, thay mặt Uỷ ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời tuyên thệ trong lễ ra mắt Quốc dân. Đứng trước mái đình Tân Trào đã phủ màu thời gian, chúng tôi như nghe vang đâu đây lời hiệu triệu đoàn kết và thống nhất của muôn người trước giờ tổng khởi nghĩa, lắng đọng trong tâm hồn tiếng nói Bác Hồ.

Sau khi thăm di tích các ngôi đình và cây đa Tân Trào, chúng tôi đến thăm lán Nà Nưa, nơi Bác Hồ ở và làm việc trong những ngày tháng tiền khởi nghĩa. Căn lán đơn sơ, mộc mạc là nơi mỗi người dân Việt Nam khi đến đều gặp hình ảnh vị Cha già kính yêu của dân tộc. Dưới sườn núi Nà Nưa, căn lán được làm theo kiểu nhà sàn của đồng bào dân tộc nơi đây, lán ẩn mình dưới tán cây xanh, xung quanh là tre trúc um túm gợi lên khung cảnh tĩnh lặng, gần gũi mà thơ mộng.

Những cột gỗ vững chắc, vách đan bằng tre nứa đơn sơ, mái cọ trung du gần gũi đã che mưa, che nắng cho Bác Hồ những ngày Người về Tân Trào. Bên lán Nà Nưa, Bác Hồ đã soạn thảo những chỉ thị, kế hoạch quan trọng cho cuộc tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám. Sự giản dị mà vĩ đại, gian khổ mà thành công là những điều mỗi người khi đến đây đều cảm nhận được, học được ở Bác Hồ.

Thầy giáo Nguyễn Quang Đại, giáo viên trường THPT Thanh Ba (Phú Thọ) chia sẻ: “Trở về Tân Trào, trong lòng chúng tôi trào dân niềm tự hào về Bác Hồ kính yêu, tự hào về nơi đây là quê hương cách mạng, Thủ đô kháng chiến. Dừng chân ở mỗi địa danh lịch sử, mỗi người đều cảm nhận còn đâu đây bóng hình của Bác. Tân Trào là “địa chỉ đỏ” để mỗi người dân Việt Nam hướng về để khắc ghi công ơn và lời dạy thiêng liêng của Người, để rèn tâm vững chí dựng xây đất nước”.

Chia tay Tân Trào, trong tâm hồn chúng tôi như ngân vang mãi lời bài hát Việt Bắc nhớ Bác Hồ của nhạc sỹ Phạm Tuyên: “Hạnh phúc hôm nay, bản làng ơn nhớ Bác Hồ/Cả rừng núi cũng hát lên muôn ngàn lời ngợi ca”...

Bài, ảnh: Nguyễn Thế Lượng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

  • "Sắc màu Sơn La - Tây Bắc" tại Hà Nội
  • Cuộc hẹn cuối tuần với Hoa hậu Thùy Tiên
  • Triển khai đồng bộ, hiệu quả các lĩnh vực công tác Tuyên giáo
  • Thành lập Quỹ bảo tồn Di sản Huế
  • Hòa nhạc kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc
  • Nghệ sĩ 6 quốc gia giao lưu guitar quốc tế Hà Nội lần thứ 4
  • Giám đốc 9X mắc bệnh xương thuỷ tinh và hành trình lan toả nghị lực sống

Video liên quan

Chủ đề