Cách tính năng suất lúa bình quân

Cây lúa là một trong những cây chủ lực và có tiềm năng phát triển khá tại Bình Định. Trong những năm qua nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: thời vụ, giống, phân bón, chăm sóc… đưa các giống lúa có năng suất cao, ít sâu bệnh. Đặc biệt là chất lượng gạo ngày càng thơm, ngon, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu thụ, đồng thời thay thế những giống lúa đã thoái hóa, nhiễm sâu bệnh, chất lượng gạo kém, ít phù hợp với yêu cầu tiêu dùng thị trường. Ngành Nông nghiệp đã đào tạo hướng dẫn những biện pháp kỹ thuật thâm canh những giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, đã được bà con nông dân trên toàn tỉnh ứng dụng vào sản xuất đại trà. Nhất là việc nâng cao trình độ hiểu biết cho nông dân về hiệu quả của cây lúa.

Trong năm 2010, Cục Thống kê Bình Định đã tiến hành điều tra chi phí sản xuất tại 3 huyện: Hoài Nhơn, Phù Mỹ và Tuy Phước với 180 hộ trồng lúa trong vụ Hè Thu năm 2010 và phải đạt tiêu chí: diện tích gieo trồng lúa của hộ/trang trại có quy mô trên 1.000 m2/vụ và sản xuất ổn định từ 2 năm trở lên.

Kết quả điều tra hiệu quả chi phí cây lúa vụ Hè Thu năm 2010 như sau:

* Về diện tích gieo trồng. Tại 3 huyện với 180 hộ điều tra chi phí cây lúa vụ Hè Thu có diện tích gieo trồng 48,56 ha; diện tích gieo trồng bình quân 0,27 ha/hộ, giảm 3,6% (-0,01 ha/hộ) so với năm 2005; trong đó: diện tích lúa Hè 32,58 ha, chiếm 67,1% trong tổng số diện tích gieo trồng.

* Về năng suất lúa

+ Năng suất lúa tính bình quân chung vụ Hè Thu của 180 hộ điều tra đạt 55,01 tạ/ha; trong đó, năng suất lúa Thu đạt 56,83 tạ/ha, tăng 5% so với năng suất lúa Hè (năng suất lúa Hè đạt 54,12 tạ/ha).  

+ Năng suất lúa theo quy mô diện tích gieo trồng của hộ

Thực tế, với quy mô diện tích gieo trồng dưới 0,2 ha hộ nông dân dễ đầu tư thâm canh, cày/cấy, bón phân, phun thuốc, chăm sóc được đầy đủ hơn, nên năng suất lúa đạt 56,5 tạ/ha, tăng 3,8% so với hộ có diện tích gieo trồng từ 0,2 đến dưới 0,5 ha. Còn đối với hộ có quy mô sản xuất từ 0,5 đến dưới 1 ha là những hộ sản xuất quy mô lớn, đòi hỏi phải có tư liệu máy móc phục vụ cho sản xuất, vốn mua giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… sẽ nhiều. Hơn nữa do đầu tư quy mô sản xuất lớn đòi hỏi hộ phải nắm vững trình độ kỹ thuật trong sản xuất cây lúa, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật canh tác, đặc biệt là việc ứng dụng đưa các giống lúa lại vào sản xuất, nhằm đạt tăng năng suất, chất lượng cây lúa. Do đó, năng suất lúa của hộ có quy mô diện tích gieo trồng từ 0,5 ha đến dưới 1 ha đạt 55,48 tạ/ha cao hơn 1,9% so với năng suất lúa hộ có quy mô từ 0,2 đến dưới 0,5 ha. Khả năng trong thời gian tới số hộ có quy mô sản xuất lớn theo hướng sản xuất hàng hóa ngày càng gia tăng (năm 2010 so 2005 số hộ có quy mô sản xuất từ 0,5 - dưới 1 ha tăng 2,3%), đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng lương thực trong và ngoài tỉnh, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống hộ trồng lúa.

+ Năng suất lúa theo huyện

- Huyện Tuy Phước là một trong những huyện trọng điểm sản xuất cây lúa của tỉnh Bình Định. Huyện đã đưa vào sản xuất thử một số giống lúa mới có năng suất cao như: VTNA 1, MT 36, PC 6, PC 10, OM 2395, DH 46-1...; diện tích lúa Thu của 2 xã điều tra (Phước Sơn và Phước Quang) đạt 10,08 ha, chiếm 63,1% trong tổng diện tích lúa của huyện. Năng suất bình quân chung của huyện đạt 61,4 tạ/ha, và là huyện đạt năng suất lúa cao nhất trong 3 huyện.

- Hè Thu năm nay, Hoài Nhơn là huyện có năng suất lúa đạt thấp nhất trong 3 huyện điều tra chi phí cây lúa. Năng suất bình quân 47,12 tạ/ha. Do thời tiết nắng nóng kéo dài, gây bất lợi cho cây trồng, hầu hết diện tích lúa Hè trổ gặp tiết Tiểu mãn mưa ngày vào buổi trưa nên tỷ lệ lép khá cao, thêm vào đó bệnh thối thân, thối bẹ ở cây lúa vụ Thu, đã ảnh hưởng đến năng suất lúa chung của toàn huyện.

- Huyện Phù Mỹ: Đây là huyện chủ yếu gieo trồng lúa 3 vụ/năm. Trên diện tích lúa tại 3 xã điều tra chi phí cây lúa tương đối đủ nước tưới, lúa trổ gặp thời tiết thuận lợi, cho năng suất đạt khá cao 56,4 tạ/ha; trong đó: xã Mỹ Hòa đạt 55,87 tạ/ha, Mỹ Trinh đạt 56,82 tạ/ha, Mỹ Quang đạt 56,28 tạ/ha.

* Sản lượng sản phẩm thu hoạch

- Sản lượng sản phẩm thóc khô thu hoạch của hộ điều tra đạt 267,13 tấn, trong đó huyện Tuy Phước đạt 98,05 tấn, chiếm 36,7%; huyện Phù Mỹ đạt 94,3 tấn, chiếm 35,3% sản lượng sản phẩm thu hoạch của tỉnh.

- Sản lượng lúa thu hoạch bình quân chung của tỉnh đạt 1,48 tấn/hộ (tăng 21,6% so với năm 2005).

- Sản lượng lúa thu hoạch bình quân của hộ có diện tích gieo trồng dưới 0,2 ha: 0,78 tấn/hộ, tăng 21,9% so với năm 2005;

- Sản lượng lúa thu hoạch bình quân của hộ có diện tích gieo trồng từ 0,2 đến dưới 0,5 ha: 1,65 tấn/hộ, tăng 20,4% so với năm 2005;

- Sản lượng lúa thu hoạch bình quân của hộ có diện tích gieo trồng từ 0,5 ha đến dưới 1 ha: 3,31 tấn/hộ, tăng 46,5% so với năm 2005.

Hộ có quy mô sản xuất càng lớn sản lượng thóc thu hoạch được càng tăng, nhất là hộ có quy mô sản xuất từ 0,5 ha đến dưới 1 ha có tốc độ tăng cao nhất, đã tăng khối lượng sản lượng hàng hóa cho xã hội, nâng cao hiệu quả kinh tế cho cá nhân hộ gia đình tham gia trồng lúa. Vì vậy, Nhà nước cần có chủ trương khuyến khích, tạo môi trường đầu tư sản xuất thuận lợi đối với những hộ nông nghiệp sản xuất lúa có quy mô lớn.

* Tổng thu. Tổng thu đạt 1.234.451 ngàn đồng; trong đó: giá trị sản lượng sản phẩm đạt 1.174.339 ngàn đồng, chiếm 95,1% (cơ cấu tăng 3% so với năm 2005) và giá trị sản phẩm phụ đạt 60.112 ngàn đồng, chiếm 4,9% trong tổng thu.

Trong tổng thu, huyện Tuy Phước chiếm 39,5% và là huyện có cơ cấu thu chiếm lớn nhất trong 3 huyện điều tra.

* Chi phí sản xuất lúa vụ Hè Thu 2010. Tổng chi phí sản xuất lúa vụ Hè Thu 2010 của 3 huyện điều tra với quy mô mẫu 180 hộ đạt 866.674 ngàn đồng; Chi phí sản xuất lúa bình quân 1 sào của tỉnh là 893 ngàn đồng, tăng 98,4% so với năm 2005; trong đó Tuy Phước 1.016 ngàn đồng/sào, Phù Mỹ 903 ngàn đồng/sào và Hoài Nhơn 757 ngàn đồng/sào.

Về cơ cấu chi phí sản xuất cây lúa vụ Hè Thu năm 2010 so với cây lúa vụ Hè Thu năm 2005 thì tỷ lệ: giống đã giảm 0,62%, phân bón tăng 1,85%, bảo vệ thực vật, nguyên nhiên liệu giảm 3,53%, lao động thuê ngoài tăng 0,48%, lao động tự làm tăng 1,82%.

+ Về chi phí giống và phân bón. Chi phí về giống và phân bón đạt 315.732 ngàn đồng, tăng 2,5 lần so với năm 2005; chi phí bình quân 1 sào 325 ngàn đồng/sào, tăng 105,7% so với năm 2005. Đây là khoản chi phí chiếm tỷ trọng cao nhất trong bốn khoản chi phí và có tính quyết định đến hiệu quả sản xuất cây lúa.

- Chi phí giống. Giống là yếu tố quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Do đó, giống lúa có chất lượng tốt sẽ là yếu tố cơ bản hàng đầu để đạt năng suất cao. Thực tế cho thấy, nếu không có giống chất lượng tốt cũng không thể đem lại năng suất cao. Trong những năm qua, ngành Nông nghiệp đã đưa vào sản xuất những giống lúa có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở Bình Định.

Vụ Hè Thu năm nay tại 3 huyện điều tra chi phí cây lúa chủ yếu sử dụng các loại giống lai: Bio 404, Nhị ưu 838, và giống lúa thuần : ĐV 108, ML48, ML 49, VT NA1, TBR1, VĐ 8.

Số lượng giống gieo sạ bình quân 7 kg/sào với chi phí giống bình quân 49 ngàn đồng/sào, tăng 81,5% so năm 2005, cơ cấu chiếm 5,49% trong chi phí sản xuất lúa Hè Thu tính trên 1 sào.

Trong khi thời tiết ngày càng diễn biến thất thường, làm phát sinh nhiều loại sâu bệnh gây hại trên cây lúa đã khiến nông dân ngày càng kỹ lưỡng hơn trong việc lựa chọn giống lúa. Đồng thời, nhờ trình độ khoa học kỹ thuật phát triển ngành Nông nghiệp đã hướng dẫn quy trình kỹ thuật cho nông dân gieo sạ giống lúa lai từ 2 - 2,5 kg/sào, còn giống lúa thuần 5kg/sào, nhưng thực tế nông dân gieo sạ từ 6 - 8kg/sào với mật độ sạ thưa, thay vì trước kia bà con đã quen sạ với mật độ dày từ 8 - 12 kg giống/sào, đã tiết kiệm chi phí đầu vào cho sản xuất cây lúa đáng kể. Vì vậy, sau 5 năm tỷ lệ cơ cấu giống vụ Hè Thu 2010 giảm 0,62% so với vụ Hè Thu 2005.

- Chi phí phân bón. Chi phí phân bón đạt 268.145 ngàn đồng, trong đó phân hóa học 232.537 ngàn đồng, chiếm 86,7% trong tổng chi phí phân bón. Tỷ lệ phân bón đầu tư trong vụ Hè Thu 2010 chiếm 30,94%, cơ cấu tăng 1,85% so với năm 2005.

Bình quân 1 sào nông dân đã đầu tư chi phí phân bón 276 ngàn đồng/sào, tăng 110,7% so năm 2005; trong đó phân hóa học 239 ngàn đồng/sào, tăng 121,3% so năm 2005, chiếm 86,6% (cơ cấu tăng 4,2% so với năm 2005) trong chi phí phân bón.

Trước đây nông dân thường sử dụng các giống lúa dài ngày, thoái hóa, dễ nhiễm sâu bệnh, đầu tư theo hình thức quảng canh. Nhưng vài năm gần đây, đất sản xuất nông nghiệp có xu hướng giảm, đồng thời việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cây lúa gieo trồng các loại giống lúa mới ngắn ngày, đòi hỏi nông dân phải đầu tư thâm canh – tăng vụ, nên sử dụng lượng phân bón nhiều hơn để tăng độ phì nhiêu của đất, tăng năng suất, chất lượng cây lúa.

Mức độ đầu tư về chi phí phân bón tăng 1,85% so năm 2005, trong khi đó, năng suất lúa tăng 27,9% (từ 43 tạ/ha (năm 2005) lên 55,01 tạ/ha (năm 2010)). Tuy nhiên, việc sử dụng lượng phân bón hóa học nhiều sẽ gây tác động xấu đến môi trưởng, ảnh hưởng sức khoẻ của người dân.

- Chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật, nguyên nhiên liệu, thuế, phí. Chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật, nguyên nhiên liệu, … tại 3 huyện điều tra là 93.218 ngàn đồng, chiếm 10,76% trong tổng chí phí sản xuất, giảm 3,53% so năm 2005. Mức chi thuốc bảo vệ thực vật giảm nhờ vào các chương trình IBM và 3 giảm - 3 tăng, bón phân cân đối hợp lý, thăm đồng thường xuyên, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh cây trồng.

Các khoản chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật, nguyên nhiên liệu, … tính bình quân trên 1 sào đạt 96 ngàn đồng/sào.

- Chi phí thuê ngoài. Hiện giá công lao động thuê ngoài tại địa phương 60.000 đồng/công, với mức giá này trong vụ Hè Thu vừa qua 180 hộ điều tra đã gieo trồng 48,56 ha lúa phải thuê ngoài 158.962 ngàn đồng. Tính bình quân 1 sào tiền công thuê ngoài để làm các công việc: cày bừa, làm đất, gieo sạ, chăm sóc, bón phân, phun thuốc, thu hoạch, vận chuyển,… là 164 ngàn đồng.

Chi phí lao động thuê ngoài vụ Hè Thu 2010 chiếm 18,34% trong tổng chi phí sản xuất, tăng 0,48% so với năm 2005.

+ Chi phí lao động tự làm của hộ. Phần chi phí lao động tự làm của hộ là 298.762 ngàn đồng, chiếm 34,47%, cơ cấu tăng 1,82% so với năm 2005.

Trong chi phí lao động tự làm của hộ, khoản chi phí cấy/sạ, chăm sóc, bón phân, phun thuốc có mức chi phí cao nhất là 138.318 ngàn đồng, chiếm 46,3%; kế đến chi phí ra hạt, phơi, sấy 64.449 ngàn đồng, chiếm 21,6%; chi phí cày bừa, làm đất 35.736 ngàn đồng, chiếm 12% trong chi phí lao động tự làm của hộ.

* Chi phí sản xuất cho 1 kg sản phẩm

Chi phí sản xuất bình quân cho 1 kg thóc khô vụ Hè Thu của tỉnh là 3.019 đồng/kg, tăng 58,9% so với năm 2005. Huyện Phù Mỹ có giá thành sản xuất thấp nhất (2.888 đồng/kg) và huyện Hoài Nhơn có giá thành sản xuất cao nhất (3.126 đồng/kg); mức chênh lệch giá thành giữa huyện cao nhất so với huyện thấp nhất là 238 đồng/kg.

* Hiệu quả sản xuất cây lúa. Thu nhập bình quân 1 kg thóc khô của Bình Định trong vụ Hè Thu 2010 là 1.377 đồng/kg, tăng 175,4% (+877 đồng/kg) so với năm 2005. So sánh tốc độ tăng giữa giá thành sản xuất và thu nhập bình quân 1 kg thóc của năm 2010 so với năm 2005 thì năm 2010 người trồng lúa Bình Định đã đạt mức lãi khá cao.

Đối với chân ruộng 3 vụ thu nhập bình quân 1 kg thóc khô đạt 1.206 đồng/kg, còn chân ruộng 2 vụ đạt 1.708 đồng/kg.

Tỷ lệ lãi của nông dân trong vụ Hè Thu 2010 là 31,3%, tăng 10,9% so với năm 2005; trong đó huyện Hoài Nhơn 28,2%, huyện Phù Mỹ 29,4% và huyện Tuy Phước 35,2%.

Từ các số liệu tính toán phân tích trên khẳng định chủ trương chuyển đổi sản xuất 3 vụ lúa/năm sang 2 vụ lúa/năm của tỉnh Bình Định là một trong những chủ trương đúng đắn, ngày càng được nông dân hưởng ứng mạnh mẽ và đã tăng thu nhập cho hộ trồng lúa. Sản xuất 2 vụ lúa/năm, với việc sử dụng các loại giống lúa mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất là giải pháp tăng hiệu quả sản xuất, hạn chế rủi ro, giảm lượng giống, giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật xuống đồng ruộng. Qua đó, hạn chế tác động xấu đến môi trường, hạn chế sâu bệnh lan truyền, đồng ruộng có thời gian tái tạo dinh dưỡng và độ phì nhiêu của đất.

    Nhìn chung tình hình sản xuất cây lúa vụ Hè Thu 2010 tại Bình Định đã chuyển đổi mạnh mẽ các loại cây trồng phù hợp với tiềm năng, thế mạnh từng vùng, từng địa phương, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác, góp phần tăng trưởng ngành Nông nghiệp nói riêng và của cả tỉnh nói chung.

Tuy nhiên, sản xuất cây lúa hiện nay tại Bình Định chủ yếu được thực hiện tại các hộ nông dân. Trình độ thâm canh không đồng đều giữa các hộ, giữa các địa phương, giữa các mùa vụ dẫn đến có sự khác biệt về năng suất cây trồng. Việc đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất trong những năm qua ở Bình Định đã có nhiều cố gắng và đã đạt được một số kết quả, song nhận thức về khoa học kỹ thuật của một bộ phận nông dân còn hạn chế. Chính vì vậy, việc nâng cao hơn nữa trình độ thâm canh, nâng độ đồng đều giữa các địa phương là rất cần thiết, góp phần tăng nhanh năng suất, hiệu quả, bảo vệ môi trường trong sản xuất cây lúa là một trong những vấn đề cần quan tâm của các ngành, các cấp tại địa phương.