Chính sách phát triển nhà ở xã hội

(Xây dựng) - Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đặc biệt đến nhu cầu chỗ ở cho đối tượng có thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Tuy nhiên, thực tiễn đặt ra yêu cầu cần phải có một đề án định hướng lâu dài để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội (NƠXH), nhà ở công nhân đồng bộ trên cả nước.

Chính sách phát triển nhà ở xã hội
Khu nhà ở xã hội Đặng Xá, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội (Ảnh: T.T)

Nhu cầu lớn về nhà ở xã hội

Vừa qua, tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy phát triển NƠXH cho công nhân, người thu nhập thấp, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng, trình Chính phủ phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030.

Theo số liệu thống kê từ 40 địa phương, Bộ Xây dựng tổng hợp, đánh giá nhu cầu về NƠXH dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp của các địa phương giai đoạn 2021-2030 vào khoảng 2.600.000 căn và mục tiêu đề ra phải hoàn thành khoảng 1.800.000 căn hộ.

Nhiều chuyên gia nhận định, trong giai đoạn 10 năm tới sẽ có nhiều yếu tố ảnh hưởng, tác động lớn đến nhu cầu nhà ở xã hội. Đó là kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030 được dự báo tiếp tục tăng trưởng ổn định, dẫn đến tiếp diễn xu hướng đô thị hóa và phát triển kinh tế đô thị, xu hướng di cư từ nông thôn ra đô thị dự báo vẫn tiếp tục tăng.

Bên cạnh đó, hệ thống đô thị nước ta trong giai đoạn vừa qua có nhiều thay đổi, không ngừng tăng về số lượng; tỷ lệ đô thị hóa ước đạt 39% (đến năm 2020). Dự báo đến năm 2030, tốc độ đô thị hóa và phát triển hạ tầng tiếp tục diễn ra mạnh. Cũng theo Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, mục tiêu đề ra đến năm 2025 tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 45%.

Theo Bộ Xây dựng, với tốc độ đô thị hóa cao, dân số đô thị ngày càng tăng, sức hút mạnh đối với lực lượng lao động tại các khu đô thị lớn sẽ thúc đẩy nhu cầu NƠXH có giá thành phù hợp tiếp tục tăng cao. Đồng thời, sự gia tăng quy mô kèm theo cơ cấu dân số trẻ tăng nhanh ở khu vực đô thị sẽ thúc đẩy nhu cầu nhà ở phù hợp với các nhóm gia đình trẻ đô thị trong trung hạn.

Cũng theo Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), đối với nhà ở công nhân, theo định hướng của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cùng với đổi mới mô hình tăng trưởng trong giai đoạn 2021-2030 là động lực hình thành và mở rộng các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và các vùng kinh tế trọng điểm. Chính vì vậy, xu hướng dịch chuyển lao động và dân cư đến các khu vực này vẫn tiếp diễn, xu hướng tăng.

Dựa trên số liệu báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, tính đến nay trên phạm vi cả nước có 392 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 119,9 ngàn ha; trong đó: Có 286 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 85,2 ngàn ha và 106 khu công nghiệp đang xây dựng cơ bản với tổng diện tích tự nhiên khoảng 34,7 ngàn ha. Có khoảng hơn 2,7 triệu công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp này, trong đó có khoảng 1,2 triệu công nhân có nhu cầu về nhà ở.

Giai đoạn 2021-2030, tự do thương mại toàn cầu và tăng trưởng kinh tế sẽ nâng cao đời sống và thu nhập của người dân. Đối với công nhân, người lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao… thì thu nhập và tích lũy có thể đảm bảo khả năng sở hữu nhà ở thương mại và nhà ở xã hội. Đối với nhóm thu nhập thấp nhất thì thu nhập có sự gia tăng nhưng cũng vẫn chỉ tiếp cận được NƠXH để cho thuê.

Đề án sẽ thúc đẩy phát triển

Trong nhiều năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành đặc biệt là vai trò của các địa phương, các doanh nghiệp đã hoàn thành khoảng 7,8 triệu m2 nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đảm bảo chỗ ở, cải thiện đời sống cho các đối tượng thu nhập thấp, công nhân tại các khu công nhiệp trên cả nước. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách về NƠXH cũng đã bộc lộ một số hạn chế cần được nhìn nhận một cách thẳng thắn để sớm khắc phục, giải quyết tốt hơn nữa nhu cầu nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội.

Vì vậy, đặt ra yêu cầu cấp thiết là phải xây dựng Đề án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, làm căn cứ để các Bộ, ngành, địa phương xác định mục tiêu phát triển NƠXH từng năm và từng giai đoạn. Trên cơ sở Đề án, sẽ cân đối, tăng cường nguồn lực nhằm thúc đẩy phát triển NƠXH cho công nhân, người thu nhập thấp theo hướng lâu dài, bền vững.

Phát biểu tại Hội nghị “Thúc đẩy phát triển NƠXH cho công nhân, người thu nhập thấp”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đã nhấn mạnh quan điểm: “Phát triển nhà ở, trong đó có NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp là trách nhiệm, nghĩa vụ và đạo đức của người làm quản lý nhà nước, của xã hội, của các doanh nghiệp và của người dân”.

Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp theo cơ chế thị trường, đồng thời có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng này nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội.

Chính sách phát triển nhà ở xã hội
Nhà ở công nhân Khu chế xuất Tân Thuận, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh minh họa).

Theo Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản, lãnh đạo Bộ cũng đã chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển NƠXH cho các đối tượng trên phải gắn với phát triển thị trường bất động sản và phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trong từng giai đoạn của địa phương. Đặc biệt, tuân thủ pháp luật về nhà ở, quy hoạch, kế hoạch do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Bộ Xây dựng đang trong quá trình dự thảo Đề án, với mục tiêu đến năm 2030 trên cả nước hoàn thành đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ NƠXH dành cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp. Trong thời gian sớm nhất, khi Đề án được thông qua sẽ có nhiều giải pháp mang tính đột phá thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân một cách đồng bộ, hiệu quả tại nhiều địa phương trên cả nước.

Mục tiêu của Đề án: Phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ hoàn thành tại các địa phương khoảng 1.630.000 căn (giai đoạn 2021-2025 khoảng 600.000 căn và giai đoạn 2025-2030 khoảng 1.030.000 căn).

Nhà ở có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình với thu nhập trung bình, thu nhập thấp tại khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất.

Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, đến thời điểm hiện tại đã có 41/62 địa phương gửi báo cáo, đề xuất xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ với tổng số 240 dự án.

Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản giao các nhà đầu tư nghiên cứu lập quy hoạch 5 khu nhà ở xã hội tập trung với tổng quy mô khoảng 272 ha đất. Đến nay đã có 2 khu được phê duyệt quy hoạch chi tiết và 3 khu còn lại đang nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết và nhiệm vụ quy hoạch chi tiết.

Còn tại TP. Hồ Chí Minh, Sở Xây dựng thành phố và Công ty Dragon Village đã động thổ dự án nhà ở xã hội Dragon E.Home với hơn 764 căn hộ, diện tích từ 28-85 m2, sau hơn hai năm không có dự án nhà ở xã hội nào được khởi công tại địa phương. Ngoài ra, thành phố cũng sắp bàn giao dự án căn hộ thuộc sở hữu nhà nước phục vụ tái định cư cho người dân ở quận 1 với 388 căn hộ có quy mô 1.012,2 m2, với tổng diện tích sàn xây dựng hơn 31.000 m2.

Với trách nhiệm xã hội của mình, nhiều doanh nghiệp đã đặt mục tiêu và sẽ thực hiện cam kết phát triển lượng lớn nhà ở xã hội trong thời gian tới. Ông Bùi Xuân Huy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Novaland cho biết, các chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân lao động đã tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, đảm bảo hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Hiện, Novaland đã có một số quỹ đất tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố như Đồng Nai, Long An, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đà Nẵng… phù hợp đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội và sẽ bảo đảm mục tiêu đầu tư xây dựng 200.000 căn hộ để góp phần vào nỗ lực của Chính phủ trong chương trình giải quyết nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân lao động.

Tương tự, một số doanh nghiệp chuyên đầu tư vào phân khúc bất động sản hạng sang cũng chuyển hướng đầu tư vào nhà ở xã hội. Bà Phan Thị Ánh Tuyết, Tổng giám đốc Masterise Group cho biết, nhà ở xã hội sẽ là một trong những dòng sản phẩm được doanh nghiệp đặt mục tiêu trong thời gian tới. Đơn vị sẽ triển khai phát triển khoảng 25.000 căn nhà ở xã hội trong thời gian 3-5 năm tới và phối hợp với các đối tác để tạo ra các giải pháp tài chính phù hợp nhằm đảm bảo khách hàng thuộc đối tượng có thể sở hữu nhà ở xã hội của mình.

Việc chuyển hướng và phát triển nhà ở xã hội sẽ mang đến cơ hội sở hữu nhà cho những người dân thu nhập thấp, vừa phát triển cho doanh nghiệp, vừa phát triển cho xã hội và cho đất nước. Vì thế, nhà ở xã hội của doanh nghiệp sẽ đáp ứng được tất cả nhu cầu của khách hàng một cách phù hợp nhất.

Chính sách phát triển nhà ở xã hội
Sẽ có nhiều sản phẩm đến tay khách hàng vào cuối năm 2022.

Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội cho người dân, thời gian giải quyết các thủ tục hành chính cũng được cắt giảm tối đa. Đơn cử, tại TP. Hồ Chí Minh, doanh nghiệp đã có quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, trình tự thủ tục gồm 5 bước, tổng thời gian thực hiện tối đa 153 ngày làm việc.

Với trường hợp dự án nhà ở xã hội xây dựng trên đất do nhà nước trực tiếp quản lý (đất công), được đầu tư không phải bằng nguồn vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công gồm 7 bước, thời gian thực hiện tối đa 318 ngày… UBND thành phố cũng quy định rõ tại mỗi bước sẽ do cơ quan chức năng nào thực hiện và trong thời gian cụ thể phải giải quyết đảm bảo đúng thời gian quy định.

Bên cạnh đó, để đẩy nhanh quá trình phát triển nhà ở xã hội của doanh nghiệp, các chính sách hỗ trợ vốn cũng nhanh chóng triển khai. Trong giai đoạn 2022 - 2023 Quốc hội đã phê chuẩn gói tài chính 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2% cho các doanh nghiệp phục hồi sau dịch Covid-19, trong đó có cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân thuê và thuê mua để giải quyết những khó khăn về nguồn vốn cho chương trình phát triển nhà ở xã hội.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thành lập tổ công tác, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có nội dung chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời chỉ đạo các địa phương rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí quỹ đất dành 20% trong các dự án nhà ở, khu đô thị và đảm bảo nhu cầu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Đồng hành cùng chính sách hỗ trợ vốn cho phát triển nhà ở xã hội, ngành Ngân hàng cũng nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội.

Đại diện Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) cho biết, trong nhiều năm qua, ngân hàng đã tài trợ thành công một số dự án như nhà ở xã hội Ecohome Nhơn Bình (tỉnh Bình Định), khu nhà ở xã hội Sao Hồng (tỉnh Bắc Ninh), khu chung cư căn hộ cao tầng trong Dự án Natural Poem (TP. Hồ Chí Minh). Các dự án có thời hạn cho vay linh hoạt với tổng hạn mức được cấp là 1.100 tỷ đồng. Đối với người mua nhà ở xã hội, ngân hàng cũng áp dụng gói vay lên tới 75% giá trị theo tiến độ trong hợp đồng mua bán, thời hạn vay ở mức dài nhất 35 năm, ân hạn vốn gốc tối đa 36 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên.

Tuy nhiên, đại diện một số doanh nghiệp xây dựng cho biết, quá trình đầu tư xây dựng nhà ở xã hội còn gặp nhiều khó khăn, nhất là thủ tục đầu tư dự án còn phức tạp. Để được chấp thuận đầu tư xây dựng, doanh nghiệp phải thẩm định giá bán nhà ở xã hội, xác nhận đối tượng mua, thuê mua, kiểm toán chi phí để xác định lợi nhuận định mức; các dự án nhà ở xã hội thường vướng thủ tục trong xác định giá bán, khiến doanh nghiệp khó quyết toán hoặc cấp sổ hồng cho người mua… Ngoài ra, quy định các dự án nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% số căn hộ của dự án để cho thuê, sau 5 năm mới được bán khiến doanh nghiệp chậm thu hồi vốn. Những khó khăn này đã cản trở một phần quyết định đầu tư cho các dự án nhà ở xã hội của doanh nghiệp.

Để thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới, một chuyên gia cho rằng, trước mắt cần giải quyết các vấn đề về thời gian, thủ tục, nguồn vốn cũng như hoạt động phân phối nhà ở xã hội. Theo đó, các thủ tục, quy trình cần được xử lý nhanh gọn hơn, có thể rút ngắn thủ tục phê duyệt dự án nhà ở xã hội xuống còn 90-120 ngày, giúp doanh nghiệp tiếp cận đất đai một cách dễ dàng, thực hiện quá trình đầu tư nhanh, rút ngắn thời gian để nhanh chóng thu hồi vốn, đạt mức lợi nhuận cao.