Đảng ta nhận định chiến trường tây nguyên như thế nào trong chiến trường miền nam?

Cách đây 34 năm, ngày 12/3/1975, quân đội Bắc Việt Nam chiếm thành phố Buôn Ma Thuột sau hai ngày tấn công.

Thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên (10 - 24/3/1975) đã tạo ra bước ngoặt trên chiến trường, kết thúc nhanh chóng cuộc chiến tranh Việt Nam và một lần nữa khẳng định vị trí chiến lược của vùng đất Tây Nguyên.

Nhận định chung của nhiều nhà nghiên cứu là 'Ai chiếm được Tây Nguyên sẽ làm chủ Việt Nam và Đông Dương'.

Khi nói về Việt Nam, người ta thường đánh giá Tây Nguyên là địa bàn chiến lược, có giá trị rất lớn về mặt quân sự, kinh tế.

Người Pháp, người Mỹ và thế giới cũng nhận thức được vị trí yết hầu của khu vực này với câu nói nổi tiếng: Tây Nguyên là "nóc nhà của Đông Dương".

Về mặt quân sự, vùng Tây Nguyên được đánh giá quan trọng tới mức nếu ai chiếm được Tây Nguyên thì coi như đã làm chủ được Nam Việt Nam.

Nếu làm chủ được Tây Nguyên sẽ dễ dàng tiến xuống làm chủ dải đồng bằng hẹp ven biển Nam Trung bộ, hình thành thế chia cắt chiến lược, khiến hai đầu không ứng cứu được cho nhau.

Trên phạm vi rộng hơn, vùng đất này liền kề ngã ba Đông Dương. Khi chiếm lĩnh được khu vực này thì cũng dễ dàng chiếm lĩnh được toàn bộ Đông Dương.

Điểm yếu trong phòng ngự

Mùa xuân năm 1975, các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam khi chọn hướng tiến công chiến lược đã nhìn thấy điểm yếu trong phòng ngự chiến lược của Việt Nam Cộng Hòa: Vùng I (Quảng Trị - Huế - Đà Nẵng) và Vùng III (Sài Gòn) được tập trung nhiều đơn vị mạnh, trong khi đó Vùng II (Tây Nguyên) rộng lớn hơn nhưng lực lượng tương đối mỏng.

Chiến dịch Tây Nguyên có vai trò trọng tâm trong kế hoạch tấn công của quân đội Bắc Việt Nam năm 1975. Họ đã quyết định "điểm huyệt" ở Buôn Ma Thuột với nhận định rằng: Nếu giành thắng lợi ở Buôn Ma Thuột và làm chủ được Tây Nguyên, toàn bộ miền Nam sẽ rung chuyển, dẫn đến rút lui chiến lược ở Huế, Đà Nẵng, và đó là thời cơ để giải phóng miền Nam, kết thúc chiến tranh.

Trong chiến dịch Tây Nguyên, trận then chốt Buôn Ma Thuột đã được bí mật chuẩn bị kỹ về lực lượng và thế trận. Các đòn nghi binh được thực hiện tốt trước khi bắt đầu chiến dịch đã đặt Buôn Ma Thuột vào thế bị cô lập và bất ngờ.

Chiến thắng ở Buôn Ma Thuột và cả Chiến dịch Tây Nguyên đã thành công to lớn, gây được đột biến và làm rung chuyển toàn bộ thế trận phòng ngự chiến lược của Sài Gòn. Thắng lợi này tạo ra thời cơ để Bộ Chính trị Đảng cộng sản ở Hà Nội quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong tháng 4/1975.

Choáng váng ở Buôn Ma Thuột và tan rã

Buôn Ma Thuột thất thủ nhanh chóng làm đảo lộn thế trận phòng ngự cao nguyên của Nguyễn Văn Thiệu. Từ thất bại về chiến dịch ở Buôn Ma Thuột trở thành thất bại về chiến lược trên toàn miền Nam Việt Nam.

Các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp quân đội Sài Gòn có nhiều cách nhìn nhận khác nhau về thất bại này. Tuy nhiên, một sự thật không thể chối cãi là trong trận đấu này quân đội Sài Gòn đã thua cả trí và lực.

Mất căn cứ trụ cột để phòng thủ cao nguyên mà trong tay không còn lực lượng dự bị cơ động nào để có thể xoay chuyển tình thế, trong cuộc họp với các tướng lĩnh của mình ngày 14/3 ở Cam Ranh, Nguyễn Văn Thiệu quyết định bỏ Tây Nguyên và rút các lực lượng còn lại về tăng viện cố thủ dải đồng bằng ven biển miền Trung.

Cuộc hành quân rút lui đã biến thành đoàn xe cộ khổng lồ ùn tắc không đội hình, không tổ chức, không thể chỉ huy và chiến đấu được. Kontum và Pleiku thất thủ trong vòng một tuần sau đó.

Kế hoạch rút quân của VNCH đã không cứu được lực lượng của Thiệu ở Tây Nguyên. Không những thế nó gây ra làn sóng hoảng loạn lan khắp mọi nơi làm suy yếu tinh thần quân đội Sài Gòn. Kể từ khi đó, quân lực Việt Nam Cộng hòa bắt đầu tan rã nhanh chóng và sụp đổ.

Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả, một sử gia sống tại Hà Nội. Chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến của quý vị.


Yêu mãi Việt Nam

Bạn VT, Cần Thơ nói " Chúng ta hãy làm điều gì đó khi chưa quá muộn...." Vậy đó là gì? Chúng ta chẳng làm gì được cả, chỉ biết cầu mong các vị lãnh đạo Việt Nam có được sự sáng suốt, học hỏi nhiều hơn để có những nước cờ đúng đắn đưa Tây Nguyên nói riêng & tổ quốc ra khỏi sự nghèo đói & lạc hậu thôi.

Dakka

Tôi chẳng quan tâm Trung Quốc hay nước nào vào khai thác boxit nhưng ai đã từng lên khu vực đó đều biết , đất đai ở đó rất xấu , toàn sỏi đá , tới mùa khô thì chẳng khác sa mạc là mấy. Giờ khai thác quặng boxit nữa thì không biết môi trường nơi ấy còn tệ tới thế nào nữa...

Minh, Tokyo

Có lẽ cũng chỉ là võ đoán khi nói Trung Quốc vào Tây Nguyên thì nguy hại đến an ninh quốc gia. Nhưng tâm lý chung thì vẫn muốn không có sự hiện diện của kẻ thù ngàn năm ở ngay giữa vùng nhạy cảm về an ninh quốc gia. Bác Giáp đã lên tiếng thì hẳn là có đều đáng phải cân nhắc.

Trần Uy

'Ai chiếm được Tây Nguyên sẽ làm chủ Việt Nam và Đông Dương' đó là mệnh đề đã được chứng minh. Còn bây giờ một mệnh đề mới là "Ai chiếm được Trường Sa, Hoàng Sa sẽ làm chủ được Đông Nam Á".

Nam Anh

Cứ để mảnh đất ấy để dành cho con cháu đời sau, đừng đào tung lên mà ăn hết. Có thiếu thốn đến cái nỗi gì mà tập đoàn than và khoáng sản Việt nam trình lên thủ tướng dự án quá nông nổi như vậy?

Lê Sơn

Mong các bạn hãy hiểu rõ câu nói " Ai chiếm được Tây nguyên sẽ làm chủ được Việt nam và Đông Dương". Xin các bạn hãy ngẫm nghĩ thật sâu sắc về câu nói này. Và hãy nghĩ tới Trung Quốc đang làm gì trên mảnh đất Tây Nguyên thân yêu của Người Việt nam chúng ta.

Nguyễn Anh Minh

Boxit Tây Nguyên là mối lo chung của mọi người Việt ở trong và ngoài nước vì chúng ta thấy rõ hiểm họa sẽ đến với đất nước. Xin hãy gạt bỏ mọi bất đồng, hiềm khích trước vận mệnh dân tộc . Ai là người có điều kiện, uy tín xin hãy thu thập MỘT TRIỆU CHỮ KÝ gởi Quốc hội yêu cầu dừng dự án nguy hiểm này! Hãy hành động vì Tổ Quốc chứ đừng than thở nữa!

Lee

Chúng ta có quyền lần nữa hy vọng vào ý kiến của Quốc hội về việc của Tây Nguyên.

Cam Ranh, Sài Gòn

Tôi ủng hộ việc khai thác quặng ở Tây nguyên vì lý do sau: Tây nguyên là vùng đất tiềm ẩn xung đột vì chủ nghĩa ly khai do vậy nếu việc khai thác được tiến hành sẽ vừa kéo thêm ngươì Kinh đến lập nghiệp tạo thế cân bằng về số lượng với ngươì dân tộc thiểu số, hạnchế rất nhiều khả năng ly khai của vùng đất này.

Hiền, Hà Nội

Quân sự Việt Nam chưa biết thất bại trước một địch thủ nào. Tây Nguyên cũng chỉ là một nơi cần giải phòng trước khi giải phòng Sài Gòn thôi

Tùng

Chuyện Tây Nguyên thất thủ đã thuộc về lịch sử. Chúng ta, hôm nay, cần quan tâm đến những hoạt động trên mảnh đất Tây Nguyên này.
Theo tôi, Tây Nguyên chỉ cần trồng cà phê và khai thác du lịch là đủ. Còn những hoạt động khác, đã được ông Giáp nhắc nhở, không có lợi cho dân tộc VN đâu.

VT, Cần Thơ

Các bạn chỉ đưa ý kiến lên đây thì có giải quyết được gì. Chúng ta hãy làm điều gì đó khi chưa quá muộn....

Ẩn danh

Không có gì phải bàn cãi ở đây cả, hãy xem bán đảo Triều tiên mà xem: cùng tiếng nói , nhưng lại HỌC 2 cuốn LỊCH SỬ khác nhau. Điều đó đã nói lên tất cả.

Nha

Các hoạt động kinh tế của Trung Quốc ở Tây Nguyên cho phép các chuyên gia quân sự TQ có cơ hội có mặt Tây Nguyên để xem xét, đánh giá và chuẩn bị tốt hơn thế chiến lược của căn cứ hải quân TQ ở Hải Nam. Đây cũng là cơ hội tốt cho TQ để biết rõ hơn khả năng quân sự, thế phòng thủ chiến lược và nội tình quốc phòng của Việt Nam.

Hoàng Sa

Tây Nguyên là "nóc nhà của Đông Dương". Ai chiếm được Tây Nguyên thì coi như đã làm chủ được Nam Việt Nam. Ai góp phần làm mất Tây nguyên, ai nhúng tay làm Tây nguyên kiệt quệ (tài nguyên lẫn vị thế) dân tộc Việt Nam sẽ không tha thứ. Ai không biết điều đó không phải người VN.

Quốc Toàn

Vị trí chiến lược và tiềm năng kinh tế của Tây Nguyên là quá rõ ràng, nhưng không vì thế mà không khai thác tài nguyên để phát triển kinh tế. Nhưng sẽ là một sai lầm lớn nếu cho Trung Quốc quyền khai thác, TQ không chỉ thèm khát tài nguyên, nếu cơ hội đến thì họ sẽ biến VN thành quận Giao Chỉ.

Nguyễn Hữu Công

Đối với lịch sử Việt Nam đương đại, chiến thắng Tây Nguyên là một thắng lợi lịch sử mở đầu cho thắng lợi cuối cùng kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước. Nhưng xin đừng chỉ nhắc về nó với sự tự hào. Bạn đã qua nghĩa trang Trường Sơn chưa? Có bao nhiêu người đã ngã xuống của cả hai bên? Họ có phải là người Việt Nam không? Và chúng ta đã làm được gì?

Mạnh

Khi đã có hàng ngàn người Trung Quốc ở Tây Nguyên rồi, ai biết được khi nào xẩy ra một "Sự kiện Tây Nguyên" tương tự 'Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" để lấy cớ cho ông anh cả Trung Quốc kéo quân vào "giải cứu người Hoa ở Tây Nguyên", và tiện thể là cả Việt Nam.

Trần Thanh Hùng

Tôi rất buồn khi biết lãnh đạo của Việt Nam để Trung Quốc vào khai thác quặng ở Tây nguyên trong khi lãnh đạo của Trung Quốc cấm khai thác loại đó trên đất nước họ.

Kịch sỹ

Rất đồng ý với Granite! Kịch bản Tây nguyên đánh xuống, Trường sa đánh lên để chia cắt Việt nam chiếm trọn Đông Dương của Trung Quốc sẽ xảy ra nhưng không rõ năm nào thôi! Nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào cách "xử sự" của Việt nam!

Người quan sát

Tưởng tượng 30 năm nữa:" Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền hợp pháp của mình đối với Tây Nguyên".

Vietnamese

Tây Nguyên là một địa bàn vô cùng quan trọng về môi trường và an ninh đối với đất nước như vậy mà các ‘cán bộ' cũng không tha. Than ôi! Ta biết kêu ai bây giờ...

Hai Sy

Tôi thắc mắc : Tây nguyên quan trọng như thế, bố trí lực lượng như thế của quân đội Sài Gòn "mỏng" như vậy, thế mà Bắc Việt phải mất đến hơn 20 năm mới giải quyết được (chưa tính đến tiền của và xương máu) - Nếu như quân Sài Gòn không bị "cô đơn" trong khoảng năm 1974-1975 thì với lực lượng mỏng ở Tây Nguyên như vậy thì có bị thất thủ không?

Ẩn danh

Bởi lẽ "Tây Nguyên là nóc nhà Đông Dương" nên TQ mới muốn đầu tư khai thác quặng ở đó để tiện đôi bề. Các vị lãnh đạo Nhà Nuớc VN không những biết điều đó mà còn biết một cách tường tận. Tuy nhiên tôi nghĩ các vị này đã bị "Hán hóa" mất rồi.

Tam Can

Tây Nguyên là yết hầu chiến lược mà lại giao cho ngay chính cho kẻ có ý đồ xâm lược thì điều này cho thấy không thể nói là không lường trước sự việc, mà phải hiểu rằng đã được đồng thuận cao nhất. Dù có lý giải cách nào đi nữa cũng không thể chấp nhận được. Chỉ còn chờ ông Lê Dũng lên nói rằng VN khẳng định Tây nguyên là chủ quyền của VIỆT NAM thế là xong!

Binh

Tôi đoán là có sự tham nhũng rất lớn khi phê duyệt dự án khai thác boxit ở Tây Nguyên. Xương máu bao nhiêu quân bộ đội VN đã đổ ở Tây Nguyên, thế mà than ôi, được đổi bằng quyền chức hay tiền bạc.

Ph.Quang A

Các anh ơi, VN ngày nay là bạn và là đối tác của bạn TQ rồi. Ai đó lo sợ môi trường cũng an tâm đi, đảng ta làm gì cũng có tính toán, không có gì phải lo. Tây nguyên đất rộng người thưa, ô nhiễm chút đỉnh không sao.

Nguyễn An Ninh

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ an ninh quốc gia khi cho Trung Quốc đổ bộ lên Tây Nguyên khai thác boxit. Các vị tướng lĩnh đương quyền, đương chức của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng đâu hết rồi?

Thanh Lâm

Vị trí chiến lược của Tây nguyên thì bác Võ Nguyên Giáp đã có ý kiến rồi, nhưng các "lãnh đạo" của chúng ta có vẻ không quan tâm lắm thì phải.

Tùng

Tây Nguyên có chiến lược quan trọng như vậy mà mấy ông trên Bộ Chính Trị, cụ thể là Nguyễn Tấn Dũng, ngó lơ lời cảnh báo của Tướng Giáp, thật không hiểu nổi. Nơi đây khởi đầu chúng ta đã giành lại độc lập và không biết sau này Tây Nguyên có thuộc về Trung Quốc hay không?

Đức Thành

Khai thác boxit ở Tây Nguyên có tác động lớn đến đời sống người dân như vậy cần phải tính toán kỹ lưỡng, lâu dài, không thể vì lợi ích trước mắt mà làm bừa được. Mà dù có khai thác đi chăng nữa thì tại sao cứ phải là người Trung Quốc mà không phải là người nước khác? Tôi không tin tưởng người Trung Quốc chút nào.

Granite

Tôi nhất trí quan điểm của tác giả về vị trí chiến lược Tây nguyên. Trung quốc được khai thác Boxit ở Tây nguyên, Trung quốc tăng cường sức mạnh hải quân ở biển Đông. Việt nam nằm trên thế trên đe dưới búa!

Hùng

Cái này rất nhiều người nói rồi, ai cũng nhận ra. Chỉ thấy khó hiểu là các "Đại gia" lại cố tình không hiểu. Khai thác boxit ở Tây nguyên với quy mô lớn chắc chắn mức độ tàn phá môi trường, xã hội, quốc phòng... với mức độ lớn tương xứng. Người dân còn biết mà các 'Đại gia' lại không biết?
Thế mới biết làm 'Đại gia" mà tầm nhìn ngắn nó nguy hại như thế nào.

Lê Quang Minh

Tây Nguyên có vị trí chiến lược như thế mà chính phủ VN lại định cho Trung Quốc vào khai thác boxit thì thật là nguy hiểm.