Đánh giá tình hình thu hút đầu tư nước ngoài năm 2024

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một trong những nhân tố quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của một quốc gia. Vai trò của vốn đầu tư nước ngoài đối với phát triển kinh tế xã hội nước ta đã được thực tiễn minh chứng. Cùng với quá trình toàn cầu hóa, vai trò của đầu tư trực tiếp nước ngoài ngày càng trở nên quan trọng.

Đối với các nước đang phát triển nói chung và đối với Việt Nam nói riêng, FDI có ý nghĩa hơn, thể hiện ở vai trò quan trọng trong hoạt động cung cấp vốn, công nghệ và mở rộng quy mô sản xuất, tạo ra những năng lực sản xuất mới, nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Thực trạng thu hút vốn FDI vào Việt Nam

Tính đến ngày 20/5/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt đạt gần 10,86 tỷ USD, bằng 92,7% so với cùng kỳ.

Ngoài vốn đầu tư điều chỉnh giảm thì vốn đầu tư mới và góp vốn mua cổ phần tiếp tục tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái: Cụ thể, có 962 dự án đầu tư mới được cấp phép với tổng vốn đăng ký đạt hơn 5,26 tỷ USD, tăng 66,4% về số dự án và tăng 27,8% về số vốn; Có 485 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 22,8% so với cùng kỳ), tổng vốn tăng thêm đạt gần 2,28 tỷ USD (giảm 59,4% so với cùng kỳ); Có 1.278 giao dịch góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (giảm 5,6% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt gần 3,32 tỷ USD (tăng 67,2% so với cùng kỳ).

Tính lũy kế đến ngày 20/1/2022, sau 35 năm “đón” vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã thu hút 34.642 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký gần 415,6 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt trên 253,2 tỷ USD, bằng gần 61% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Số liệu kinh tế 11 tháng năm 2022 do Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, tổng vốn FDI vào Việt Nam tính đến ngày 20/11/2022 đạt 25,14 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. So với mức giảm 5,4% của cùng kỳ tháng 10/2022, vốn FDI có sự cải thiện nhất định khi nhà đầu tư nước ngoài thúc đẩy các thủ tục đăng ký dự án.

Có rất nhiều dự án được tăng vốn đầu tư từ đầu năm như dự án sản xuất, chế tạo các sản phẩm điện tử, công nghệ cao được tăng vốn với quy mô lớn; Dự án Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Thái Nguyên) tăng vốn hai lần: Tăng 920 triệu USD (lần 1) và tăng 267 triệu USD (lần 2); Dự án Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE Complex tăng vốn trên 841 triệu USD; Dự án nhà máy chế tạo điện tử, phương tiện thiết bị mạng và sản phẩm âm thanh đa phương tiện tại Bắc Ninh (tăng 306 triệu USD), tại Nghệ An (tăng 260 triệu USD) và tại Hải Phòng (tăng 127 triệu USD).

Về số dự án mới, các nhà đầu tư nước ngoài tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội. TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu về số dự án mới (43,9%), số lượt góp vốn mua cổ phần (67,6%) và đứng thứ hai về số lượt dự án điều chỉnh vốn (17,3% sau Hà Nội (18,6%).

Hình thức đầu tư: Năm 2022, tổng vốn đăng kí cấp mới, vốn đăng kí tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 27,72 tỷ USD; trong đó, vốn đăng kí cấp mới tuy giảm, song số dự án đầu tư mới tăng lên, vốn đầu tư điều chỉnh cũng tăng so với cùng kì năm 2021.

Mặc dù vốn đăng ký cấp mới giảm (18,4%), song vốn đầu tư nước ngoài giải ngân đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kì năm 2021 và số dự án đầu tư mới tăng lên (tăng 17,1%, đạt 2.036 dự án) so với cùng kì năm 2021. Mức giải ngân tăng cao là tín hiệu tốt cho thấy, các doanh nghiệp đang dần phục hồi, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh sau đại dịch COVID-19.

Số vốn đăng kí thêm tăng 12,2% và số lượt điều chỉnh tăng 12,4% với 1.107 lượt điều chỉnh năm 2022 so với cùng kì năm 2021 đã khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với kinh tế, môi trường đầu tư của Việt Nam. Nhờ vậy, các nhà đầu tư nước ngoài đã quyết định đầu tư mở rộng nhiều dự án hiện hữu. Việc các nhà đầu tư nước ngoài liên tục tăng vốn đầu tư vào Việt Nam cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đặt niềm tin vào nền kinh tế, môi trường đầu tư của Việt Nam, nên đã đưa ra các quyết định mở rộng đầu tư dự án hiện hữu.

Nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới như Apple, Goertek, Foxconn, Luxshare đang có kế hoạch chuyển các hoạt động sản xuất và tăng vốn đầu tư vào Việt Nam. Apple đã chuyển 11 nhà máy của các doanh nghiệp Đài Loan trong chuỗi cung ứng của hãng sang Việt Nam càng khẳng định bước “chuyển mình” để Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam năm 2023 đạt 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022. Trong tổng vốn đăng ký thì vốn đăng ký mới đạt gần 20,19 tỷ USD, tăng 62,2%. Số dự án đăng ký mới cũng đạt 3.188 dự án, tăng 56,6%. Như vậy, cả dự án mới và vốn đăng ký mới đều tăng mạnh. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận, trong đó đáng chú ý là riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (là ngành sản xuất đóng góp bền vững cho sự phát triển của nền kinh tế) vẫn dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 23,5 tỷ USD, chiếm 64,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 39,9% so với năm 2022.

Mức giải ngân vốn FDI cũng đạt con số cao kỷ lục, khoảng 23,18 tỷ USD và tăng 3,5%. Điều này cho thấy, dòng vốn FDI thực sự được chuyển đổi thành nhà máy, dây chuyền sản xuất, tạo ra sản phẩm và chuyển hóa thành hiệu quả kinh tế - xã hội. Những số liệu và diễn biến trên rất ấn tượng, thậm chí còn cao hơn những dự báo lạc quan nhất trong thời điểm đầu năm 2023; thể hiện sức hấp dẫn và khả năng thích ứng, cũng như hiệu quả cạnh tranh về chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam, trong bối cảnh cuộc đua mời gọi đầu tư ngày càng quyết liệt trên toàn cầu.

Đáng lưu ý, đến nay, nhiều tỉnh, thành phố đã chuẩn bị và được phê duyệt quy hoạch tổng thể, để trở thành điều kiện “khung” có tính định hướng rõ ràng, đầy đủ thông tin và dễ hiểu, làm dữ liệu đầu vào cho nhà đầu tư đánh giá, lựa chọn trong quá trình tìm hiểu, tiến tới quyết định “xuống tiền” triển khai dự án cụ thể. Một số tỉnh đã chủ động hoàn thiện quy hoạch với hoạt động xúc tiến đầu tư và tạo được sự bứt phá đáng kể, thu về những kết quả xứng đáng trong năm qua như Bắc Giang, Nghệ An…

Nhận định về khả năng thu hút vốn FDI năm 2024, nhìn chung giới chuyên gia vẫn cho rằng, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của giới đầu tư quốc tế. Đó là kết quả chuyển hóa từ sự thành công trong hoạt động vận động đầu tư của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng chính quyền các địa phương trong thời gian vừa qua. Đơn cử, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp có các cuộc đối thoại, gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp FDI, lắng nghe kiến nghị, từ đó chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ nhiều vướng mắc. Chính phủ cũng liên tục cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng làm việc trực tiếp, với tinh thần đối thoại, đặt vấn đề và trao đổi toàn diện về thông tin liên quan đến dự án, lĩnh vực thu hút đầu tư, mục đích đầu tư của nhà đầu tư tiềm năng; trong đó đặc biệt quan tâm đến đối tác là tập đoàn đa quốc gia, làm chủ công nghệ hiện đại và tài chính dồi dào. Trên thực tế, đại diện nhiều tập đoàn nước ngoài, trong đó có những tên tuổi lớn trong lĩnh vực bán dẫn, đầu tư, khai thác cơ sở hạ tầng và năng lượng đều xác nhận quan tâm và có ý định tăng cường hợp tác, mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong tương lai gần.

Xét ở tầm vĩ mô, từ năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030, với bước đi cụ thể để làm nền tảng và đối chiếu với mục tiêu chung trên cơ sở nâng cao cả về vốn và chất lượng, hiệu quả hoạt động, cũng như tăng mức đóng góp tổng hợp vào quá trình hiện đại hóa nền kinh tế của khu vực FDI. Những nội dung nói trên sẽ tiếp tục thẩm thấu, dẫn hướng cho công tác quản lý, kêu gọi vốn FDI với tính nhất quán, thống nhất cao trên phạm vi cả nước.

Cải thiện các điều kiện nhằm "hút" vốn đầu tư

Trên thực tế, Việt Nam đang ngày càng chủ động, chuyên nghiệp hơn trong chuỗi hoạt động xúc tiến đầu tư, chăm sóc dự án FDI một cách bài bản, toàn diện. Điều đó thể hiện qua việc nhiều địa phương đã xác định rõ định hướng và tập trung đáp ứng đầy đủ nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư. Hàng loạt động thái chuẩn bị mang tên “sẵn sàng” được khẳng định: Về quy hoạch, hạ tầng, nguồn nhân lực… bên cạnh sự quyết tâm, liên tục cải cách thủ tục hành chính, đồng hành cùng nhà đầu tư nước ngoài.

Xét từ góc độ của nhà đầu tư, hiện nhiều tên tuổi, đối tác giàu tiềm năng vẫn kiên định quan điểm, mục đích duy trì sự hiện diện lâu dài, mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro), mặc dù tình hình kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn nhưng vẫn có hơn 56% số doanh nghiệp nước này chọn phương án mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam. Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Apple cho biết mong muốn đầu tư, triển khai dự án nhằm mở rộng chuỗi cung ứng tại thị trường Việt Nam.

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là gì?

Như vậy, thu hút vốn đầu tư nước ngoài là hoạt động kêu gọi các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư tiền bạc và các tài sản khác vào dự án và hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước. Mục đích của hành động này là tạo ra nguồn lực mạnh mẽ cho các dự án và hoạt động kinh tế, từ đó đẩy mạnh phát triển kinh tế đất nước.

Lần đầu tiên Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam do ai thông qua và khi nào?

Năm 1987, Quốc hội chính thức thông qua Luật Đầu tư nước ngoài, đây là văn bản pháp lý quan trọng nhất đối với đầu tư nước ngoài.

Tại sao Việt Nam lại thu hút đầu tư nước ngoài?

Việt Nam có một số điểm mạnh trong thu hút FDI, mà các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm như: tình hình an ninh, chính trị ổn định; vị trí địa lý thuận lợi lực lượng lao động dồi dào; hội nhập sâu rộng của Việt Nam vào kinh tế thế giới với nhiều FTA thế hệ mới; nền kinh tế mới nổi năng động, tăng trưởng nhanh…

Điều gì tạo nên sức hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam?

Ngoài lực lượng lao động dồi dào và nền kinh tế vĩ mô ổn định, việc cải thiện môi trường kinh doanh là một trong những động lực giúp thu hút FDI hiệu quả nhất.