Học đại học có cần tiếng Anh không

Thời gian qua Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của nhiều sinh viên về chuyện các em đã hoàn thành học phần Tin học, Ngoại ngữ trong quá trình học tập tại cơ sở giáo dục đại học tuy nhiên điều kiện bắt buộc để được xét và công nhận tốt nghiệp (chuẩn đầu ra) là phải có chứng chỉ tiếng Anh, Tin học tùy vào ngành học, tùy trường mà mức độ khác nhau.

Như vậy cho thấy kết quả học tập các học phần tiếng Anh và Tin học đại cương không được xét công nhận đạt chuẩn đầu ra Năng lực ngoại ngữ và Kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin để ra trường, do đó dù đã hoàn thành toàn bộ các học phần, tín chỉ nhưng các em phải tham gia ôn tập, thậm chí đến các “lò luyện” để có được chứng chỉ mới có cơ hội cầm bằng tốt nghiệp trên tay điều này gây ra lãng phí về thời gian, tiền bạc.

Chia sẻ với phóng viên, Phan Văn Hiệp (Học viện Ngân hàng, Hà Nội) – sinh viên chuẩn bị thi chứng chỉ B1 cho rằng, kiến thức học phần bắt buộc trên trường đã đầy đủ và phù hợp với ngành học, ứng dụng được sau khi tốt nghiệp chứ tài liệu cũng như kỳ thi chuẩn đầu ra chỉ nhằm mục đích đạt được chứng chỉ mà thôi.

“Đối với môn tiếng Anh, nhà trường yêu cầu học hết 4 học phần (bao gồm cả đại cương và chuyên ngành). Còn với Tin học thì đa số sinh viên trong trường đều học 1 học phần là tin học đại cương, trừ những khoa đặc biệt thì có thêm học phần chuyên ngành.

Theo em nghĩ, việc học 4 học phần là đã hoàn thành xong chương trình đối với bộ môn tiếng Anh, nếu không đạt thì sinh viên phải thi lại, học lại chứ không phải ai cũng được “qua” môn do đó việc thi chứng chỉ rất mất thời gian cũng như tiền bạc.

Bởi lẽ, theo khung chương trình đưa ra thì 4 học phần đã đáp ứng đủ kiến thức trong nhà trường, giờ ôn thi B1 tài liệu, kiến thức nằm ngoài chương trình học”, Hiệp thông tin.

Thực tế cho thấy, sinh viên của hầu hết trường đại học đều phải học ngoại ngữ ở trường nếu không có chứng chỉ Ielts hay Toeic phủ điểm. Thế nhưng, sau khi học ngoại ngữ bắt buộc tại trường thì nhiều sinh viên lại tiếp tục đến các lớp luyện thi, ôn thi để thi các bằng có giá trị quốc tế như: Ielts, Toeic,.. làm điều kiện được tốt nghiệp đại học.

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Đơn cử, nói về việc tốt nghiệp đại học, không ít sinh viên tại Học viện Ngân hàng phải tốn thời gian, tiền bạc để lấy có tấm bằng chứng chỉ tin học, ngoại ngữ. Nếu như với khóa tuyển sinh 2018 trở về trước phải bỏ thời gian đi học ôn thi để có chứng chỉ ra trường thì từ khóa tuyển sinh 2019 trở đi được sử dụng kết quả học phần đại cương để thay cho chuẩn đầu ra Tin học, Tiếng anh.

Khi thông tin này được công bố nhiều sinh viên khóa trước đã bày tỏ sự tiếc nuối và cũng như có phần bất ngờ. Một số em chia sẻ: “Quyết định này mà áp dụng cho cả K20 (tức tuyển sinh 2017) thì mình đỡ mất gần 2 triệu đồng. Mình thi lại mấy lần vẫn không qua”…

Nói về việc quyết định được áp dụng cho khóa sau, sinh viên Phan Văn Hiệp (tuyển sinh năm 2018) có chia sẻ thêm: “Nếu quyết định được áp dụng cho cả khóa mình nữa thì tốt quá, vừa tiết kiệm được thời gian cũng như tiền học thêm. Như tôi, đã hoàn thành học phần tiếng Anh ở trường, giờ đang ôn thi chứng chỉ B1 bở hơi tai”.

Trong khi đó, Trần Thúy Hà (sinh viên vừa tốt nghiệp năm 2020) cho biết, bản thân cũng tốn khá nhiều tiền cũng như thời gian để tham gia luyện thi và đi thi để lấy chứng chỉ quốc tế là MOS (Tin học Văn phòng chuẩn Quốc tế do Microsoft trực tiếp cấp) và Toeic (Kỳ thi tiếng Anh giao tiếp quốc tế và chứng chỉ do Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ cấp) .

“Với chứng chỉ Tin học, tôi đi ôn thi MOS. Với môn tiếng Anh, dù bản thân có kiến thức nền nhưng tôi vẫn thuê gia sư ôn cho kỳ thi Toeic với mong muốn có được kết quả tốt nhất. Chi phí cho thi 2 chứng chỉ hết 7 triệu đồng”, Hà thông tin.

Trong khi đó, Mạnh Long (sinh viên trường Đại học Xây dựng) chia sẻ: “Trường tôi có học phần Tiếng Anh nhưng vẫn yêu cầu Toeic 450 mới đủ điều kiện ra trường. Trường có tổ chức kì thi Toeic và có công nhận chứng chỉ khi sinh viên thi bên ngoài.

Tuy nhiên, tôi thấy việc học xong chương trình của học phần đó rồi, thi chứng chỉ chỉ có ý nghĩa tốt nghiệp chứ không có giá trị thực tế”.

Cùng chung quan điểm với Long, sinh viên Đường Thị Trang (Trường Đại học Luật Hà Nội) cũng đã hoàn thành chương trình ngoại ngữ bắt buộc tại trường và đang theo học 1 lớp ôn Toeic cho hay:

“Hiện tại, theo tiến trình của trường thì sinh viên bắt buộc phải học 2 học phần ngoại ngữ (tương đương khoảng 5 tín chỉ). Học phần ngoại ngữ có thể lựa chọn tiếng Nga, tiếng Trung hoặc tiếng khác trong khung chương trình đào tạo ngoài tiếng Anh.

Tuy nhiên, học phần bắt buộc này không liên quan gì đến chuẩn đầu ra ngoại ngữ để sinh viên tốt nghiệp. Trong trường hợp sinh viên học ngôn ngữ khác tiếng Anh nhưng nộp chứng chỉ tiếng Anh để xét tốt nghiệp ra trường cũng được. Đa số, sinh viên đều học xong ngoại ngữ ở trường rồi ra ngoài ôn thi Toeic để có bằng ngoại ngữ giá trị hơn. Bản thân tôi cũng đang theo học 1 lớp Toeic khoảng 6 triệu đồng để kỳ tới ra trường được”.

Có thể thấy, sinh viên hoàn thành học phần bộ môn tiếng Anh và Tin học những vẫn phải ôn tập, thi để lấy chứng chỉ làm điều kiện tốt nghiệp đang gây nhiều bất cập dẫn đến việc các em tốn không ít thời gian, tiền bạc.

Mang thông tin này đi trao đổi với một số chuyên gia kỳ cựu của giáo dục đại học thì được cho rằng, rõ ràng sinh viên học theo học chế tín chỉ phải tích lũy tất cả các học phần có trong chương trình, có nghĩa là, sinh viên chỉ phải thi (đạt) một lần cho mọi học phần thuộc chương trình và không phải thi thêm bất kỳ nội dung nào khác ngoài chương trình.

Do đó việc bắt sinh viên phải dự thi cuối khóa để lấy 2 chứng chỉ tin học và ngoại ngữ ( để đạt chuẩn đầu ra) như quy định ở Mục a) Khoản 1, Điều 14 của Quy chế đào tạo 08/2021/TT-BGDĐT là trái với bản chất của học chế tín chỉ, cần loại bỏ sớm.

Được biết, Tháng 3/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT về Quy chế đào tạo trình độ đại học, có hiệu lực từ ngày 3/5/2021, áp dụng đối với các khóa tuyển sinh sau ngày thông tư có hiệu lực thi hành.

Mục a) Khoản 1, Điều 14 của Quy chế đào tạo 08/2021/TT-BGDĐT quy định: Sinh viên được xét và công nhận tốt nghiệp khi có đủ các điều kiện sau:

a) Tích lũy đủ học phần, số tín chỉ và hoàn thành các nội dung bắt buộc khác theo yêu cầu của chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.

Thanh Sơn - Vân Ánh

Tình cờ nghe câu chuyện của mấy cậu sinh viên năm cuối than thở chuyện thi lại và học lại “vật vã” với môn tiếng Anh, tôi chợt thấy các bạn sinh viên hiểu sai về cách học tiếng Anh nhiều quá. Tiếng Anh không khó như các bạn đang nghĩ. Nếu học đúng cách, bạn chỉ cần một năm là có thể giải quyết toàn bộ yêu cầu với môn tiếng Anh ở bậc đại học. Dưới đây là 6 lời khuyên của tôi:

Hãy bắt đầu học tiếng Anh ngay từ sớm

Năm thứ nhất chính là thời gian lý tưởng nhất của thời sinh viên để học tiếng Anh. Nhưng phần nhiều sinh viên mới vào đại học lại sai lầm khi cho rằng năm thứ nhất chưa cần học tiếng Anh vì còn nhiều môn học khác phải ưu tiên hơn, còn tiếng Anh thì chờ tới khi ra trường mới cần đến. Nhưng đáng tiếc tiếng Anh là một môn học đòi hỏi sự tích lũy trong thời gian dài để các kỹ năng sử dụng tiếng Anh mới trở thuần thục. Năm thứ nhất và năm thứ hai đại học thường là những năm học ít vất vả nhất, và đây chính là lúc bạn có thể dành thời gian để học tiếng Anh một cách dài hơi, từ gốc và học một cách bài bản.

Đến những năm thứ ba và tư, bạn sẽ bận rộn hơn rất nhiều cho những môn học chuyên ngành. Bạn còn phải dành thời gian cho việc nghiên cứu, thực hành, thực tập, hay tìm kiếm các cơ hội cho tương lai sự nghiệp. Lúc đó, bạn thực sự sẽ gặp rắc rối lớn nếu còn phải vật lộn với tiếng Anh và sẽ là tai họa nếu bạn còn phải mất thời gian để thi lại hay học lại môn tiếng Anh. Hãy nhớ rằng ngay từ năm thứ hai trở đi, tiếng Anh đã phải trở thành một lợi thế đáng tự hào cho bạn, vì những cơ hội giao lưu, nghiên cứu, và cả công việc sẽ xuất hiện bất ngờ. Khi tiếng Anh là điểm mạnh thì bạn sẽ có ưu thế lớn nhất để nắm bắt được cơ hội.

Quên ngay thói quen học ngữ pháp ở bậc phổ thông, hãy chấp nhận các chuẩn tiếng Anh quốc tế và phấn đấu đạt điểm cao cho các bài thi quốc tế

Thầy giáo Nguyễn Anh Đức.

Nếu ở bậc phổ thông, học tiếng Anh là để lấy điểm trên lớp và vượt qua các kỳ thi bằng bài học ngữ pháp, hay các bài đọc nhỏ trong sách giáo khoa, thì ở bậc đại học hầu hết trường áp dụng chuẩn tiếng Anh quốc tế để đánh giá năng lực tiếng Anh của sinh viên, tiêu biểu nhất là TOEIC, IELTS hoặc TOEFL iBT. Bài thi TOEIC có nội dung thiên về tiếng Anh thương mại để phục vụ cho môi trường giao tiếp trong công sở, còn bài thi IELTS và TOEFL iBT tập trung vào nội dung học thuật để phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu trong môi trường tiếng Anh.

Những bài thi này không đề cao việc kiểm tra ngữ pháp, mà trung vào đánh giá 4 kỹ năng thực hành tiếng gồm nghe, nói, đọc và viết. Cách thức làm bài và dạng câu hỏi của các bài thi này khác hẳn, đòi hỏi tân sinh viên một sự thích nghi và một cách học hoàn toàn mới. Đó là học để có kỹ năng sử dụng ngôn ngữ và để giao tiếp tiếng Anh thành thạo, chứ không phải học để nắm bắt một vài hiện tượng ngữ pháp vụn vặt. Chính vì thế, các tân sinh viên phải thay đổi cách học tiếng Anh ở bậc đại học, đó là học để làm chủ kỹ năng sử dụng tiếng Anh, đồng thời phải học theo những dạng bài thi cụ thể.

Ví dụ để đạt điểm cao đối với bài thi TOEIC, sinh viên cần nắm chắc 13 chuyên đề nội dung và khoảng 3.500 từ vựng mà bài thi TOEIC thường đề cập, đồng thời phải luyện kỹ năng nghe hiểu, nâng cao tốc độ đọc hiểu đối với những nội dung tiếng Anh công sở. Và bạn cũng cần xác định mục tiêu tối thiểu là phải đạt 650 điểm TOEIC (đối với bài thi 2 kỹ năng nghe và đọc) để có thể đủ điều kiện tham gia ứng tuyển vào các doanh nghiệp chứ không thể chỉ đạt khoảng 450 điểm TOEIC chỉ đủ đạt chuẩn tốt nghiệp được.

Vì tốt nghiệp đại học không có nghĩa là bạn sẽ nghiễm nhiên có việc làm mà phải đáp ứng được đòi hỏi về trình độ tiếng Anh khi tuyển dụng. Cho nên bạn cần đạt được tối thiếu 650 điểm TOEIC ngay từ năm thứ nhất chứ không nên đợi đến những năm sau, vì khi đã đạt được chuẩn trung bình của TOEIC là 650 điểm rồi thì bạn sẽ dễ dàng phấn đấu đạt thang điểm cao hơn là 800 hoặc 900 TOEIC, hay tốt hơn nữa là từ 7.0 IELTS trở lên khi bạn bước sang những năm học sau. Khi đó bạn vừa được ghi nhận điểm môn tiếng Anh rất cao trong bảng điểm đại học (hầu hết đại học cho sinh viên điểm cao và thậm chí là miễn học môn tiếng Anh nếu nộp được chứng chỉ TOEIC 450 hoặc 650 điểm, tùy từng trường) và bạn vừa nắm được cơ hội việc làm hay thậm chí là học bổng du học.

Hãy nhớ rằng nếu bạn học đúng cách thì chỉ cần 4 tháng (kể cả khi bạn bắt đầu học lại tiếng Anh từ đầu) thì vẫn có thể đạt 650 điểm TOEIC. Nhưng để vươn tới 7.0 IELTS, nếu học từ đầu thì ngay cả đối với những người học nhanh cũng cần khoảng 2 năm.

Hãy học từ nghe và luôn nhớ phát âm là điều quan trọng

Bạn không nên học tuần tự theo nội dung được soạn trong các giáo trình tiếng Anh trên trường. Người học tiếng Anh khôn ngoan luôn bắt đầu từ bài nghe (Listening). Hãy luôn chủ động học trước các bài học trong giáo trình chứ tuyệt đối không chờ đợi tới giờ giảng của thầy cô mới học. Vì học tiếng Anh đòi hỏi sự lặp đi lặp lại, lần học thứ nhất chỉ có tính chất vỡ bài, lần học lặp lại mới là lần học tiếng Anh hiệu quả nhất. Do đó bạn hãy chủ động học trước toàn bộ cuốn giáo trình tiếng Anh; khi lên lớp hãy vận dụng những gì bạn có khi tự học để giao tiếp bằng tiếng Anh một cách chủ động, khắc sâu hơn tiếng Anh vào tâm trí.

Đừng sợ mắc lỗi. Hãy giao tiếp tích cực. Để nhanh giao tiếp được với tiếng Anh và có cảm hứng học tập cho bản thân, bạn hãy mở bài nghe ra và nghe một cách tích cực. Dù bạn nghe mà không hiểu gì thì vẫn cần cố gắng nghe và làm hết các bài tập nghe trong sách. Sau đó bạn hãy mở phần lời của bài nghe ở cuối sách ra và vừa nghe vừa đọc lại lời của bài nghe đó. Khi gặp từ mới bạn hãy tra từ ngay và ghi chú vào sách, rồi tiếp tục nghe và tra cứu cho đến hết bài. Khi nghe và nhìn vào phần lời, bạn bắt buộc phải cố gắng tìm hiểu nghĩa của các từ vựng và các câu viết trong đó thật cặn kẽ. Nếu gặp khó khăn, bạn hãy tìm sự giúp đỡ từ bạn bè hoặc từ bất cứ ai giỏi tiếng Anh. Sau đó bạn cần chăm chỉ phát âm lại các từ vựng mới, và tập nói theo các câu bạn thấy hay trích từ bài nghe.

Lúc này bạn cần cố gắng phát âm cho thật chuẩn. Để phát âm được đúng, bạn cần sử dụng những từ điển điện tử để nghe được cách phát âm chuẩn, và hãy tìm kiếm những phim hướng dẫn phát âm trên mạng, hoặc tích cực tham dự các buổi hội thảo hướng dẫn phát âm. Khi bạn chọn phương án học từ phần Listening trở về và tích cực thực hành nói theo bài nghe, bạn sẽ thấy bài đọc và các bài từ vựng trong cuốn giáo trình trở nên dễ học và dễ nhớ hơn rất nhiều. Nhưng quan trọng hơn cả là bạn sẽ có một cảm hứng nói tiếng Anh rất lớn khi lên lớp. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ tiến bộ nhanh hơn.

Hãy giao lưu bằng tiếng Anh càng nhiều càng tốt

Việc học tiếng Anh sẽ càng trở nên thực tế và có ý nghĩa hơn nếu bạn tích cực tham gia vào các câu lạc bộ nói tiếng Anh và kết bạn với người nói tiếng Anh bản ngữ. Các câu lạc bộ tiếng Anh có ở khắp mọi nơi và số người nước ngoài tới các thành phố lớn ở Việt Nam ngày càng nhiều. Chỉ cần bạn muốn là có thể dễ dàng tìm được các câu lạc bộ tiếng Anh, hoặc nhóm bạn nói tiếng Anh ở trong trường mình, và nếu bạn năng động hơn thì việc tìm kiếm một vài người bạn nước ngoài để nói tiếng Anh cũng không hề khó khăn.

Đừng ngần ngại khi vốn tiếng Anh của bạn còn quá ít ỏi để có thể giao tiếp, mọi người luôn thông cảm vì bạn mới năm thứ nhất và còn đang học tiếng Anh mà. Chỉ cần tích cực giao tiếp thôi, bạn sẽ không cần quá 3 tháng để có thể diễn đạt chính xác và rõ ràng phần lớn ý nghĩ của bạn bằng tiếng Anh.

Hãy tìm thầy giỏi, vì học tiếng Anh không phải chỉ cho vui mà học để cạnh tranh

Bạn hãy nhớ rằng thầy dạy tiếng Anh chuyên nghiệp sẽ cho bạn những bài học ở một trình độ khác hẳn so với những người không chuyên hoặc chỉ biết tiếng Anh mà không có trình độ sư phạm về tiếng Anh. Điều đó cũng đồng nghĩa với tương lai của bạn sẽ có sức cạnh tranh hơn hẳn. Việc học tiếng Anh không thể dừng lại ở những trò chơi, câu chuyện, bài hát hay sự khích lệ tinh thần hoặc những lời hò hét. Nếu lớp học tiếng Anh chỉ làm những điều này thì mới đạt được cấp độ của một câu lạc bộ. Bạn cần tỉnh táo phân biệt giữa cảm xúc và lý trí. Luôn nhớ rằng giỏi tiếng Anh mới là mục tiêu tối thượng của bạn, sự vui vẻ hay những lời khích lệ suông sẽ chẳng đưa bạn đến đâu cả.

Tất cả những người học tiếng Anh thành công đều hiểu rằng cần phải nỗ lực thực sự, không có cách học nào trên đời này mà không đòi hỏi thời gian và sự cố gắng để có thể làm chủ được tiếng Anh. Những chương trình dạy tiếng Anh chuyên nghiệp và những người thầy giỏi luôn xây dựng một lộ trình với những phương pháp học tập rõ ràng và khoa học để bạn đạt được nấc thang cao hơn về trình độ tiếng Anh một cách nhanh nhất.

Bạn hãy nhớ rằng, học kiểu gì thì học, nhưng cuối cùng bạn cần đạt được những mục tiêu không thể khác được là một số điểm cụ thể đối với một trong các chứng chỉ phổ biến gồm TOEIC, IELTS hay TOEFL. Hoặc nếu không thi chứng chỉ quốc tế thì bạn cần đạt đến trình độ có thể đọc các loại báo chí ít nhất là ở trình độ đơn giản bằng tiếng Anh, nghe được các bản tin tiếng Anh thông thường và diễn đạt được rõ ràng bằng tiếng Anh khi nói về bốn loại thông tin gồm cá nhân bạn, cuộc sống xung quanh bạn, chuyên ngành bạn theo đuổi, và công việc của bạn.

Hãy căn cứ vào mục tiêu đó mà chọn thầy, chọn nơi để học. Trung tâm tốt, thầy giỏi không chỉ cung cấp cho bạn những bài giảng hiệu quả mà còn đồng hành cùng bạn trên suốt chặng đường chinh phục tiếng Anh. Vì sẽ có lúc bạn bị chán nản hoặc học sai cách, lúc ấy người thầy giỏi sẽ hỗ trợ để trở về đúng lộ trình bạn phải đi, hướng dẫn bạn cách học đúng, và điều chỉnh về mặt nội dung, kiến thức để bạn tiếp thu hiệu quả hơn, vận dụng tiếng Anh tốt hơn trong giao tiếp.

Để gặp được thầy giỏi, bạn phải mất công tìm kiếm, đánh giá và so sánh. Vì thầy giỏi thường không rùm beng trong những lời quảng cáo. Trung tâm tốt không bao giờ hứa quá khả năng đáp ứng của mình. Sự tham khảo từ bạn bè hoặc từ những người từng thực sự học ở các trung tâm hoặc những người thầy mà bạn nhắm tới sẽ là nguồn thông tin hữu ích nhất cho các quyết định học tập của bạn.

Bạn mới là người quan trọng nhất quyết định thành công của bạn

Chẳng ai học thay bạn được. Chỉ có bạn mới là người duy nhất có quyền quyết định thái độ học tập, tần suất học, sự tập trung khi học, và cả tham vọng làm chủ tiếng Anh của riêng bạn. Vào đại học, tức là bạn đã trưởng thành, bạn cần học cách chịu trách nhiệm cho chính mình từ đây. Tiếng Anh bao vây cuộc sống của bạn, nhưng nó không chủ động tìm đến bạn. Bạn mới là người quyết định có tìm đến và làm chủ nó hay không.

Và khi đã quyết tâm chinh phục tiếng Anh, bạn sẽ nhận ra một điều thú vị nữa đó là bạn không cần nhiều tới trí thông minh cho lắm để làm chủ tiếng Anh. Cái bạn cần là sự bạo dạn, kiên trì và ý chí quyết liệt khi học. Tiếng Anh là môn học của chí nhiều hơn trí! Vì thế nó không đòi hỏi tố chất bẩm sinh nào, mà nó cần nỗ lực trong từng ngày của bạn. Bạn chính là người quyết định bao giờ bạn thành thạo tiếng Anh.

Thầy giáo Nguyễn Anh Đức
Tác giả cuốn sách Luyện siêu trí nhớ từ vựng tiếng Anh theo phương pháp Do Thái.

Video liên quan

Chủ đề