Khóa luận về giải pháp xử lý nợ quá hạn

Thảo luận việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 3, các đại biểu nêu rõ Nghị quyết 42 đã trở thành giải pháp mang tính đột phá, thực chất góp phần đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. Do đó đề nghị Quốc hội sớm luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu.

Đại biểu Bùi Mạnh Khoa – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá

Đóng góp ý kiến về nội dung này, đại biểu Bùi Mạnh Khoa – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá cho biết, trong báo cáo đánh giá chưa chỉ rõ số dư nợ thuộc diện nợ xấu trên giá trị tài sản bảo đảm của khách hàng đã thế chấp, cầm cố, bảo lãnh tại các tổ chức tín dụng, do đó chưa xác định được khoản thu khi xử lý tài sản.

Qua thực tế, nhiều trường hợp tài sản bảo đảm thế chấp có hiện trạng tài sản không đúng với hợp đồng thế chấp, bảo lãnh. Nhiều tài sản hiện hữu không phù hợp với tài sản đã thế chấp ban đầu. Đối với tài sản là động sản như máy móc, thiết bị ôtô, trong quá trình cho vay, các tổ chức tín dụng thiếu theo dõi tài sản dẫn đến khi xử lý tài sản gây nhiều khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Nhiều trường hợp khi thẩm định tài sản bảo đảm vượt xa giá trị thực tế để được hưởng khoản vay cao hơn dẫn đến khi xử lý tài sản, số tiền thu được thấp hơn nhiều so với khoản nợ đã vay.

Từ những phân tích trên, đại biểu Bùi Mạnh Khoa đề nghị cần nâng cao năng lực quản trị của các tổ chức tín dụng, đặc biệt trong công tác thẩm định giá trị tài sản bảo đảm, công tác quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng trong quá trình cho vay. Đồng thời Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc việc thẩm định tài sản để hạn chế tình trạng tiêu cực trong việc thẩm định tài sản cho vay và hạn chế sự gia tăng các khoản nợ xấu.

Đại biểu Nguyễn Việt Hà - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Việt Hà - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang cho rằng, Nghị quyết 42 đã trở thành giải pháp mang tính đột phá và thực chất, giúp khơi thông nguồn vốn, góp phần để các tổ chức tín dụng tiếp tục phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, thể hiện chính sách đúng đắn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về công tác xử lý nợ xấu.

Tuy nhiên, hệ lụy từ đại dịch COVID-19 để lại còn nặng nề, để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng đã nỗ lực, quyết liệt triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID nhưng do ảnh hưởng lớn từ dịch nên nhiều khách hàng chưa thể phục hồi kinh doanh ngay, thậm chí có khách hàng không thể phục hồi. Do vậy, nợ xấu trong thời gian tới có xu hướng tăng là điều khó tránh khỏi.

Từ thực trạng trên, đại biểu Nguyễn Việt Hà cho rằng, khi chưa luật hóa được các quy định về xử lý nợ xấu, nếu dừng áp dụng Nghị quyết 42 sẽ tạo một khoảng trống pháp lý khiến cho công tác nợ xấu bị tắc nghẽn, tạo thách thức và áp lực lớn đối với công tác xử lý nợ xấu và có thể dẫn đến những hệ lụy tiêu cực đối với nền kinh tế vĩ mô. Để công tác xử lý nợ xấu đạt hiệu quả cao hơn, đại biểu Nguyễn Việt Hà đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong việc hoàn thiện và triển khai các văn bản hướng dẫn thực hiện nghị quyết nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thực thi giữa các cơ quan, khắc phục các hạn chế trong triển khai nghị quyết thời gian qua. Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội sớm luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, bởi những kết quả nghị quyết mang lại đã chứng minh tính đúng đắn, cần thiết của việc ban hành quy định pháp luật cho công tác xử lý nợ xấu.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Việt Hà cũng đề nghị Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá các nội dung của Nghị quyết 42 cũng như các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và các quy định pháp luật khác có liên quan để sớm luật hóa quy định về xử lý nợ xấu, tạo hành lang pháp lý vững chắc, ổn định và hoàn thiện hơn trong vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Công Long – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai

Tranh luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Công Long – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho rằng trong bối cảnh hiện nay, việc kéo dài thời hạn thực hiện Nghị quyết 42 là điều cần thiết. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ lưỡng tất cả những tác động của cơ chế này. Đại biểu cũng bày tỏ lo ngại, nếu tiếp tục cơ chế này liệu có tạo ra một cách làm “bao cấp” cho hoạt động thị trường tín dụng, hệ thống tổ chức tín dụng và các ngân hàng thương mại. Nếu cơ chế này kéo dài có thể sẽ tạo ra tâm lý cho ngân hàng thương mại kinh doanh có lãi thì hưởng còn lỗ, nợ thì đã có Nhà nước lo. Đại biểu cho rằng, phương thức để xử lý nợ xấu phải tạo ra yếu tố tự thân cho tất cả các tổ chức tín dụng. Qua đó phát triển và nâng cao hiệu quả kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động chứ không thể cứ trông chờ vào các biện pháp bao cấp của Nhà nước như thời gian qua.

Bày tỏ thống nhất với đánh giá về những kết quả đạt được và đề xuất gia hạn thực hiện Nghị quyết 42, tuy nhiên, đại biểu Lê Đào An Xuân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên cho rằng, việc gia hạn lại toàn bộ nội dung nghị quyết sẽ không giải quyết được hết mục tiêu đặt ra ban đầu của Nghị quyết mà chỉ mang tính xử lý tức thời trong thời gian Chính phủ chưa kịp tham mưu để trình Quốc hội các quy định phù hợp với thực tiễn.

Để đảm bảo sửa đổi kịp thời các nội dung không còn phù hợp, đảm bảo sự kế thừa liên tục và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát sinh, đại biểu Lê Đào An Xuân kiến nghị cần xem xét, bổ sung đối tượng điều chỉnh của nghị quyết, trong đó có việc xử lý các khoản nợ xấu mới phát sinh từ sau thời hiệu của Nghị quyết 42. Đồng thời đề nghị bổ sung các quy định về xử lý đối với các khoản nợ xấu không còn tài sản đảm bảo./.

Chủ đề