Mình là ai quyết định cái mình có

Tất cả mọi người đều muốn những thứ đem lại cảm giác tốt đẹp. Ai cũng muốn có một cuộc sống vô ưu, hạnh phúc và mọi thứ phải thật đơn giản. Có một tình yêu đẹp, có một vẻ ngoài hoàn hảo, kiếm được nhiều tiền, trở nên nổi tiếng, có danh phận và được kính trọng. Và khi họ bước vào phòng, họ muốn mọi người rẽ sang 2 bên để nhường lối cho mình.

Tất cả đều muốn điều đó — rất dễ dàng.

Nếu tôi hỏi, “Bạn muốn điều gì trong cuộc sống?” và bạn trả lời kiểu như, “Tôi muốn trở nên hạnh phúc, có 1 gia đình tuyệt vời và công việc tôi yêu thích,” thì câu trả lời này không có ý nghĩa gì cả.

Có một câu hỏi khác thú vị hơn, một câu hỏi mà có thể bạn chưa bao giờ suy nghĩ tới nó, khó khăn gì mà bạn muốn trong cuộc sống? Gian khổ nào mà bạn sẵn sàng đương đầu với nó? Câu trả lời cho câu hỏi này chính là thứ sẽ quyết định cuộc đời của bạn sẽ như thế nào.

Mọi người đều muốn một công việc trong mơ và tự chủ được tài chính — nhưng không ai muốn làm việc quần quật 60 giờ một tuần, mất một giờ đồng hồ để đến văn phòng, giải quyết mớ giấy tờ chất chồng đáng chán. Ai cũng muốn giàu sang mà không phải đánh đổi bằng mạo hiểm, hy sinh hay trì hoãn những sự hưởng thụ.

Chúng ta đều muốn một mối quan hệ đáng ngưỡng mộ, đi kèm với nó là sự hòa hợp tuyệt đối của tình dục — nhưng không ai muốn trải qua những cuộc tranh cãi nảy lửa, những khoảng lặng đáng sợ, những cảm xúc bị tổn thương, hay thậm chí là trị liệu tâm lý. Để rồi khi đã có 1 gia đình với nhau, nhiều người vẫn còn tự hỏi “Sẽ như thế nào nếu là lựa chọn khác (tốt hơn)?” trong 1 thời gian dài cho đến khi câu hỏi đó trở thành “Có phải đây là điều mình cần?” Và khi tìm thấy những tờ hóa đơn yêu cầu chu cấp cho vợ/chồng sau ly dị, chúng ta tự hỏi “Tất cả những cái này để cho điều gì?” nếu không phải trả cho những tiêu chuẩn và kỳ vọng đã bị hạ thấp xuống của 20 năm trước, thì nó là dành cho cái gì nữa?

Bởi vì hạnh phúc yêu cầu sự đấu tranh để đạt được. Điều tốt đẹp chính là kết quả tất yếu khi bạn giải quyết được những thứ khó khăn. Bạn chỉ có thể né tránh những vấn đề cho tới khi chúng trở lại và gây phiền toái cho cuộc đời của bạn.

Về bản chất của hành vi loài người, nhu cầu của chúng ta ít nhiều đều giống nhau. Những trải nghiệm tích cực được xử lý rất dễ dàng, còn những trải nghiệm tiêu cực khiến chúng ta phải vật lộn. Vậy nên những gì chúng ta nhận được trong cuộc sống không phải được xác định bởi những khao khát của chúng ta, mà bởi những thứ tồi tệ mà chúng ta sẵn sàng đương đầu và có khả năng vượt qua nó.

Mọi người muốn một cơ thể tráng kiện. Nhưng họ sẽ không có được nó nếu họ không chào đón và chấp nhận những cơn đau tê tái khi cơ bắp bị kéo dãn trong phòng gym hay không thấy hứng thú với việc cân nhắc thực đơn của bản thân.

Mọi người muốn tạo ra 1 công ty của riêng mình hay trở nên tự chủ tài chính. Nhưng họ sẽ không có một khởi nghiệp thành công nếu không dám đương đầu với rủi ro, sự bất ổn, những thất bại dồn dập và số lượng giờ làm việc kinh khủng cho một thứ mà ngay chính bản thân họ còn không biết là sẽ ra gì không.

Câu hỏi quyết định sự thành công của bạn không phải là “Điều gì mà bạn muốn tận hưởng?” Nó là, “Khó khăn nào mà bạn muốn được trải qua?” Chất lượng cuộc sống của bạn được quyết định bởi việc bạn trở nên giỏi trong việc giải quyết càng nhiều vấn đề khó khăn càng tốt.

Có một số người thì hay rao giảng một cách sáo rỗng, “Bạn phải học cách cảm thấy ĐỦ trong cuộc sống!”

Ai cũng mong muốn một cái gì đó, và ai cũng đủ mong muốn giành cho một cái gì đó. Vấn đề là họ không nhận ra cái gì chỉ là cái họ muốn, còn cái gì là cái mà mong muốn của họ đủ lớn để biến nó thành hiện thực.

Nếu bạn thấy bản thân muốn 1 điều gì đó năm nay qua năm khác và không có gì xảy ra cả, bạn chẳng đến gần hơn với nó một chút nào, thì có thể là đó chỉ là một lý tưởng của bạn, bạn không thực sự có mong muốn đủ lớn giành cho nó, bạn chỉ yêu thích cảm giác có 1 mục tiêu to lớn để mong muốn. Hay tệ hơn là bạn còn chẳng hề muốn nó nhưng vì 1 số lý do bạn lại xem nó như mục tiêu của mình.

Phần lớn thời niên thiếu của mình, tôi nuôi dưỡng ước mong trở thành một nhạc sĩ — cụ thể hơn là một ngôi sao nhạc rock. Tôi thường nằm dài, nhắm mắt lại và tưởng tượng ra cảnh bản thân mình ở trên sân khấu chơi những bản nhạc ngầu nhất mình biết, dĩ nhiên ở dưới là cả một đám đông đang la hét và bắt đầu khoe vú, mọi người phát cuồng vì những ngón tay ngọt ngào của tôi. Giấc mơ này có thể chiếm lấy đầu óc tôi hàng giờ, nó vẫn theo đuổi tôi suốt cả quãng thời gian cao đẳng và ngay cả khi tôi không còn chơi nhạc một cách nghiêm túc nữa. Tôi vẫn còn muốn được một lần đứng trên sân khấu và làm đám đông gào rú lên, nhưng vấn đề là khi nào? Đầu tiên tôi phải hoàn thành việc học, rồi tôi phải tìm cách kiếm tiền, sau đó tôi phải dành thời gian cho gia đình và các mối quan hệ, rồi sau đó… không có sau đó nữa.

Mặc dù giữ lấy ước mơ đó gần nửa cuộc đời, thực tế lại chẳng có gì đến cả. Tôi đã mất một khoảng thời gian dài và rất nhiều trăn trở để tìm ra được lời giải cho vấn đề của mình: tôi chả bao giờ thích nó đủ cả.

Tôi yêu kết quả — đứng trên sân khấu, mọi người cổ vũ, tôi khuấy động không gian, rót cả tâm hồn vào thứ âm nhạc tôi đang chơi — nhưng tôi lại không yêu thích việc tập luyện cho lắm. Vì vậy, tôi thất bại. Hết lần này đến lần khác.

Một lịch tập muốn đứt tay diễn ra hàng ngày, việc tìm một nhóm nhạc và phòng thu, việc tổ chức những buổi diễn, việc tìm xem có ai sẽ đến buổi diễn. Dây đàn bị đứt, tube amp bị cháy, tha 18kg thiết bị đi đến phòng thu và về nhà. Đó là một ngọn núi cao hàng dặm để trèo tới giấc mơ. Và tôi thì không thích leo trèo lắm. Tôi chỉ thích nhìn lên và mơ về đỉnh núi.

Nền văn hóa đại chúng sẽ cho rằng tôi là kẻ thất bại đáng thương. Những cuốn sách self-help sẽ nói là tôi không có đủ can đảm, không có lộ trình đúng đắn, không đủ cương quyết hay không đủ tin tưởng vào bản thân. Đám đông khởi nghiệp sẽ cho rằng tôi hèn nhát và từ bỏ giấc mơ để thỏa mãn những nguyên tắc xã hội tầm thường. Tôi sẽ được khuyên là lập ra bản cam kết với bản thân, đề ra kế hoạch theo từng giai đoạn ngắn, hay tham gia các hội nhóm có cùng hướng đi.

Nhưng sự thật chỉ đơn giản là: Tôi từng nghĩ mình muốn cái này, rồi tôi nhận ra mình không thích nữa. Hết chuyện!

Có những thứ tôi muốn nhưng tôi không muốn bỏ ra quá nhiều để đạt được nó.

Việc bạn là ai được quyết định bởi những giá trị mà bạn sẵn sàng đấu tranh để đạt được. Những người thích ăn hành trong gym thì có cơ thể hấp dẫn. Những người thích dành nhiều thời gian cho công việc và thực sự quan tâm đến chức vị sẽ đạt được nó. Những người yêu thích sự tự do nhưng bấp bênh và đầy áp lực của một nghệ sĩ sẽ trở thành một nghệ sĩ giỏi.

Đây là điều cơ bản nhất của cuộc sống mà bạn phải biết: những gì bạn chọn để đương đầu sẽ dẫn tới những thành công bạn đạt được. Vậy nên hãy chọn những khó khăn một cách khôn ngoan.

Dịch bởi Nguyễn Phúc Duy

Sống bằng giá trị cá nhân của mình nghe có vẻ dễ - ít ra là về lý thuyết. Giá trị của bạn, cuối cùng thì, chỉ đơn giản là những gì quan trọng với bạn trong cuộc sống, vì vậy chuyện sống bằng chúng là điều rất tự nhiên.

Đưa ra được một danh sách các giá trị cá nhân có thể khá thách thức, nhưng hiểu đúng giá trị của bạn là điều quan trọng. (Nguồn ảnh: Envato Elements)

Thế mà rất nhiều người trong chúng ta không kiên định sống bởi các giá trị của mình. Bạn có bao giờ rơi vào một trong những trường hợp này chưa?

  • Ai đó nói hay làm gì đó mà bạn phản đối mạnh mẽ, nhưng bạn không nói ra, rồi sau đó cảm thấy xấu hổ
  • Bạn đặt ra những mục tiêu cho chính mình rồi sau đó thất bại trong việc đạt đến nó.
  • Cuộc đời hay sự nghiệp của bạn không tiến triển theo cách mà bạn mong muốn.
  • Điều bạn mong muốn thường xung đột với những gì bạn phải làm hay thứ gọi là “thực tế”.
  • Bạn quá bận bịu làm vừa lòng người khác đến mức không dám chắc giá trị thật của mình là gì.

Nếu bất kỳ thứ gì kể trên cộng hưởng với bạn, thì hướng dẫn này sẽ giúp được bạn. Trong này, bạn sẽ hiểu ra giá trị cá nhân là gì và tại sao chúng quan trọng. Sau đó chúng ta sẽ đi xuyên suốt tất cả các bước liên quan đến việc xác định và đặt thứ tự ưu tiên cho những giá trị của bạn, thay đổi chúng nếu cần, và sống bởi chúng để hành động của bạn thống nhất với giá trị của bạn.

Khi bạn sống bằng giá trị của mình, bạn sẽ thấy khá hơn về bản thân và tập trung hơn vào việc làm những gì quan trọng với bạn. Trong hướng dẫn này, bạn sẽ thấy cách thức để đạt được điều đó.

1. Giá trị cá nhân là gì (và tại sao chúng quan trọng)?

Hãy bắt đầu với một định nghĩa về giá trị cá nhân. Giá trị cá nhân là những điều quan trọng với chúng ta, các tính cách và thói quen tạo động lực và định hướng các quyết định của chúng ta.

Ví dụ, có thể bạn coi trọng sự trung thực. Bạn tin vào sự trung thực bất cứ khi nào có thể và bạn nghĩ rằng nói ra điều mình thực sự nghĩ rất quan trọng. Khi bạn không nói ra những gì bạn nghĩ, bạn có thể thấy thất vọng về bản thân.

Hoặc có thể bạn coi trọng sự hảo tâm. Bạn nhảy bổ vào các cơ hội giúp đỡ người khác, và bạn hào phóng trong việc cống hiến thời gian, nguồn lực của mình cho những lý tưởng xứng đáng, hoặc cho bạn bè và gia đình.

Đó chỉ là hai ví dụ về giá trị cá nhân, trong số rất nhiều giá trị khác. Mọi người đều có giá trị cá nhân của riêng mình, và chúng có thể rất khác biệt. Một vài người thích cạnh tranh, trong khi những người khác coi trọng sự hợp tác. Vài người thích phiêu lưu, một số người khác thích an toàn hơn.

Các giá trị quan trọng vì bạn thường cảm thấy khá hơn nếu bạn sống đúng với giá trị của mình và thấy tệ nếu không làm được. Điều này áp dụng với cả những quyết định thường ngày và những lựa chọn lớn hơn trong đời.

Nếu bạn coi trọng sự phiêu lưu, chẳng hạn, bạn có thể cảm thấy ngột ngạt nếu bạn để bản thân bị áp lực bởi cha mẹ hay người khác để đưa ra các lựa chọn “an toàn” như công việc văn phòng ổn định, và cuộc sống quanh quẩn trong nhà. Với bạn, một sự nghiệp liên quan đến du lịch, thành lập doanh nghiệp riêng, hay các cơ hội khác rủi ro và phiêu lưu có thể thích hợp hơn.

Mặt khác, nếu bạn coi trọng sự an toàn, điều ngược lại xảy ra.  Điều mà vài người xem như một cơ hội “trong mơ” để du lịch quanh thế giới và trở thành chủ của chính mình có thể làm bạn thấy bất an, và khát khao một sự tồn tại ổn định hơn.

Mọi người đều khác nhau, và điều khiến một người hạnh phúc có thể khiến một người khác lo lắng hay mất cảm xúc. Xác định giá trị cá nhân của bạn và sau đó sống với chúng có thể giúp bạn cảm thấy viên mãn hơn và đưa ra những lựa chọn khiến bạn hạnh phúc, thậm chí cả khi chúng không mấy ý nghĩa với người khác. Bạn sẽ tìm được cách để làm điều đó trong các phần sau.

2. Làm thế nào để xác định giá trị cá nhân của bạn

Điều gì khiến bạn cảm thấy dễ chịu? Đó là một khởi điểm tốt khi cố nhận ra giá trị cá nhân của mình.

Không, “kem” không phải một giá trị. Điều chúng ta đang nói tới là những tính cách hay cách thức cư xử trên thế giới. Như chúng ta đã thấy ở phần trên, ai đó coi trọng sự trung thực sẽ cảm thấy dễ chịu khi họ nói thật.

Ngược lại, cũng chính người đó sẽ thấy rất tệ về bản thân khi họ không nói sự thật. Vì vậy các cảm xúc tiêu cực cũng là một chỉ dẫn tốt đến các giá trị của bạn. Khi nào bạn cảm thấy thất vọng về bản thân hay thấy mình sai lầm? Hành vi nào dẫn tới điều đó.

Dưới đây là một số câu hỏi thêm để giúp bạn bắt đầu:

  1. Những gì là quan trọng đối với bạn trong cuộc sống?
  2. Nếu bạn có thể có bất kỳ sự nghiệp nào, mà không cần lo lắng về tiền bạc hoặc các khó khăn thực tế, bạn sẽ làm gì?
  3. Khi bạn đang đọc tin tức, loại câu chuyện hoặc hành vi nào có xu hướng truyền cảm hứng cho bạn?
  4. Những loại câu chuyện hoặc hành vi nào làm cho bạn tức giận?
  5. Những điều gì bạn muốn thay đổi cho thế giới hoặc về bản thân?
  6. Bạn tự hào điều gì nhất?
  7. Bạn đã thấy hạnh phúc nhất khi nào?

Lấy một trang giấy trắng và nhanh chóng động não để tìm vài câu trả lời. Dùng những câu trả lời này như một hướng dẫn để tìm ra giá trị cá nhân của bạn.

Trong vài trường hợp, các giá trị khá dễ nhận ra. Nếu bạn viết “một mối quan hệ yêu đương” cho câu hỏi điều gì là quan trọng với bạn, thì “tình yêu” là một giá trị cá nhân quan trọng với bạn. Nếu bạn viết “hạnh phúc”, thì bạn coi trọng sự hạnh phúc.

Dù vậy, vài giá trị khác có thể cần thêm chút công việc. Ví dụ, nếu bạn được truyền cảm hứng bởi những câu chuyện về doanh nhân thành đạt, có thể bạn coi trọng tính quyết đoán hay thành tựu, hoặc cũng có thể là giàu có và thành công. Nếu bạn lấy cảm hứng từ những nhà hoạt động đang cố thay đổi thế giới, có thể bạn coi trọng sự can đảm và chính trực, hoặc có thể là công lý và hòa bình. Cố gắng phân tích điều gì thực sự nằm sau những câu chuyện hay trải nghiệm mà bạn cảm thấy gần gũi.

Danh sách các giá trị cá nhân

Để giúp bạn, đây là một danh sách ngắn về các giá trị cá nhân.

  1. Thành tựu
  2. Sự phiêu lưu
  3. Lòng dũng cảm
  4. Sức sáng tạo
  5. Độ tin cậy
  6. Tính quyết đoán
  7. Tình bạn
  8. Sức khỏe
  9. Trung thực
  10. Tính độc lập
  11. Tính thống nhất
  12. Thông minh
  13. Sự xét đoán
  14. Lòng tốt
  15. Sức học tập
  16. Tình yêu
  17. Sự yên bình
  18. Sự hoàn hảo
  19. Sự an toàn
  20. Tính đơn giản
  21. Sự chân thành
  22. Tính bộc phát
  23. Thành công
  24. Sự hiểu biết
  25. Sự giàu có

Chuyện này không nhằm tạo ra một danh sách dài thấy ớn về những giá trị cá nhân. Tôi đảm bảo bạn có thể nghĩ đến nhiều thứ khác nữa. Ý tưởng ở đây không phải chuyện chọn một mục từ danh sách, mà để tìm ra chính mình thông qua các trải nghiệm và tính cách của chính bạn, vì vậy, vui lòng dùng những thứ này như các ví dụ về giá trị cá nhân, nhưng đừng hạn chế mình trong đó. Hãy để trí tưởng tượng của bạn bay nhảy tự do!

Sau khi bạn đã suy nghĩ xong, bạn có thể có nửa tá giá trị, hoặc hàng chục tá. Nếu bạn đang ở trường hợp sau, hãy cố cắt gọn danh sách xuống mức nào đó quản lý được – có thể chừng 10 giá trị có ý nghĩa nhất với bạn. Nếu bạn bị mắc kẹt, cố gắng cho điểm mỗi giá trị và sắp xếp danh sách theo thứ tự.

3. Làm thế nào để xác định ưu tiên về giá trị cá nhân?

Một khi bạn đã có danh sách, điều quan trọng là xác định ưu tiên cho các giá trị.

Tại sao? Vì xác định ưu tiên có thể giúp bạn đến gần hơn nữa trong việc xác định cái gì là quan trọng với bạn.

Danh sách chung về giá trị của bạn có thể bao gồm cả những giá trị mâu thuẫn nhau. Nếu bạn coi trọng sự trung thực, sức khỏe, lòng hảo tâm, sự phiêu lưu và nửa tá thứ khác, nó sẽ không cho bạn một phương hướng rõ ràng. Nhưng nếu bạn đặt “sức khỏe” ngay trên đầu danh sách, bạn sẽ biết rằng thiết lập một lịch trình thể dục hàng ngày, và cắt bỏ bớt thực phẩm không lành mạnh là ưu tiên đầu cho mình Mặt khác, nếu “phiêu lưu” nằm ở đầu danh sách, có thể việc lên kế hoạch du lịch Nam Phi sẽ là ưu tiên một.

Một cách lý tưởng, dĩ nhiên, bạn sẽ sống theo mọi giá trị trong danh sách của mình. Nhưng thời gian và năng lượng của bạn là có hạn. Xác định ưu tiên giúp bạn đảm bảo rằng bạn dành chúng cho những điều quan trọng nhất, mang lại hồi đáp lớn nhất trong cuộc đời bạn.

Vậy hãy dành thời gian sắp xếp lại các mục trong danh sách bằng cách dùng hệ thống cho điểm mà chúng ta nhắc đến ở phần trước. Hoặc bạn có thể so sánh mỗi mục theo lượt và tự hỏi chính mình bạn sẽ chọn gì nếu chỉ được chọn duy nhất một. Hãy dành thời gian, cứ tiếp tục cho đến khi bạn có được thứ tự cuối cùng mà bạn thấy thỏa mãn.

4. Làm thế nào để sống với giá trị một cách chính trực và dùng chúng để ra quyết định

Có danh sách giá trị trên giấy cũng hay, nhưng nó chả thay đổi điều gì cả. Để thấy được sự khác biệt trong đời, bạn sẽ phải bắt đầu sống với giá trị của mình. Như chúng ta đã thấy, chuyện đó nói dễ hơn làm. Vì vậy trong phần này, chúng ta sẽ tìm hiểu xem làm thế nào để dùng giá trị của bạn mà sống thực sự, và đưa ra các quyết định.

Dùng giá trị của mình để đặt mục tiêu

Đầu tiên, hãy nhìn vào toàn cảnh trước. Bạn có đang sống với giá trị của mình theo một thể thống nhất không? Lựa chọn sự nghiệp của bạn có phản ánh giá trị của bạn không? Còn những hoạt động ngoài công việc thì sao? Bạn có đang dành thời gian cho những thứ quan trọng với mình không?

Nếu không, cũng đừng lo lắng quá – nó khá bình thường khi cuộc sống của chúng ta tách rời khỏi các giá trị vì bất kỳ những lý do nào đó. Đây là cách để trở lại đường ngay nẻo chính.

Với mỗi giá trị của bạn, hãy đưa ra một danh sách những gì bạn có thể làm, để đưa các giá trị đó vào hành động. Ví dụ, nếu bạn viết “học hỏi”, bạn có thể trở lại đại học và học lại văn bằng mà bạn đã hằng mơ ước. Hoặc bạn có thể cam kết với bản thân đọc một quyển sách mỗi tuần về một đề tài mình quan tâm. Hoặc bạn có thể tham gia khóa đào tạo trực tuyến hay đăng ký các lớp tại trung tâm giáo dục dành cho người trưởng thành địa phương. Có rất nhiều khả năng.

Đừng bị ràng buộc bởi những cân nhắc thực tế ở bước này. Chỉ viết xuống các khả năng, thậm chí nếu bạn nghĩ mình không đủ tiền để trả cho chúng hoặc không có thời gian. Hãy lên một danh sách những gì bạn có thể làm để sống đúng với giá trị của mình.

Bạn nên hoàn thành một danh sách dài những hành động có thể cho mỗi giá trị. Bước tiếp theo là biến chúng thành mục tiêu cho tuần, tháng, năm tới, hoặc có thể dài hơn. Về hướng dẫn chi tiết cách thực hiện, hãy xem các hướng dẫn này:

  • Thiết lập mục tiêu

    Làm thế nào để thiết lập (và đạt được) mục tiêu cá nhân của bạn trong cuộc sống và công việc

    Harry Guinness

  • Thiết lập mục tiêu

    Làm thế nào để thiết lập các mục tiêu không có lý do để thất bại

    David Masters

Nếu bạn đã có những mục tiêu đặt ra trước đây rồi, bạn cũng sẽ cần đi thêm bước nữa. Với mỗi mục tiêu, hãy tự hỏi mình xem nó có đúng với bất kỳ giá trị cá nhân nào của bạn hay không. Nếu không, tại sao bạn lại làm? Trừ khi có một lý do thực tế rất tốt, còn lại hãy xóa nó đi, thay vào đó tập trung vào những mục tiêu mới thực sự giúp bạn sống đúng giá trị của mình.

Ra quyết định dựa trên giá trị cá nhân

Tuy nhiên, sống với giá trị có nhiều thứ phải làm hơn là những mục tiêu to lớn, dài hạn. Nó cũng liên quan đến những quyết định nhỏ nhặt thường ngày, bạn có phản ứng với các tình huống theo cách thức phản ánh giá trị của mình không?

Nếu bạn coi trọng lòng trắc ẩn, chẳng hạn, bạn có thường xuyên thể hiện lòng trắc ẩn với người khác, hay đôi khi bạn trôi vào sự phán xét và đổ lỗi? Nếu bạn coi trọng sức khỏe, bạn có luôn chăm sóc cơ thể của mình không, hay đôi khi bạn ăn burger thay vì bulgur?

Không phải lúc nào cũng dễ dàng để hành động của bạn đúng với giá trị. Bất kỳ thứ gì từ sức nặng của những thói quen cho đến sự hấp dẫn đến từ các thỏa mãn nhất thời cũng có thể đủ mạnh để khiến chúng ta lãng quên các ý định tốt, và cư xử theo những cách không phản ánh đúng giá trị của mình.

Bạn có nhiều kỹ thuật để giúp mình thay đổi phản ứng, và sống kiên định hơn với giá trị bản thân. Ví dụ, bạn có thể:

  • Tạo thói quen đọc lại danh sách giá trị của mình mỗi buổi sáng thức dậy
  • Hình dung về ngày mới và lên kế hoạch xem mình sẽ sống đúng giá trị như thế nào trong suốt ngày hôm đó.
  • In các giá trị ra và giữ chúng trong tầm mắt xuyên suốt ngày.
  • Đặt chúng làm hình nền điện thoại hay máy tính.
  • Đặt lịch nhắc nhở để chúng hiển thị trên điện thoại
  • Bất kỳ khi nào bạn thấy mình trượt khỏi các giá trị, hãy phân tích tình huống sau đó và tự hỏi liệu mình có thể làm gì khác đi không.

Bạn có thể tìm thấy nhiều ý tưởng hơn trong các bài hướng dẫn dưới đây. Mặc dù một vài ý tưởng đó hướng đến năng suất làm việc, hơi khác với việc sống đúng giá trị, vài kỹ thuật để vượt qua sự xao nhãng và theo đuổi các ý định tốt cũng có liên quan ở đây.

Những rào cản có thể gặp phải cần vượt qua

Tới giờ, mọi thứ nghe có vẻ khá đơn giản phải không? Vậy tại sao nhiều người trong chúng ta vẫn gặp khó khăn để sống đúng giá trị của mình?

Đôi khi, nó là việc thiếu minh bạch hoặc không biết giá trị thực sự của mình là gì. Bài tập về giá trị trong hướng dẫn này sẽ đối phó với vấn đề đó khá hiệu quả.

Nhưng cũng có những rào cản tiềm ẩn khác nữa. Sẽ ra sao nếu giá trị cá nhân của bạn xung đột với giá trị của gia đình bạn, hay của xã hội rộng hơn? Ví dụ, bạn có thể coi trọng sự khoan dung, nhưng xã hội mà bạn sống có thể chống lại sự khoan dung khá mạnh mẽ, ít ra một vài nhóm là vậy.

Hoặc có thể bạn đang đối mặt với mâu thuẫn giữa các giá trị cá nhân và tình huống thực tế đang diễn ra. Bạn có thể coi trọng sự sáng tạo, nhưng bạn còn có những người thân trong gia đình cần chăm sóc nữa, vì vậy bạn không thể chấp nhận rủi ro trong việc theo đuổi con đường nghệ thuật. Hoặc bạn có thể coi trọng sự trung thực, nhưng cảm thấy rằng bạn cần một số lời nói dối nhất định để bảo toàn các mối quan hệ, để giữ công việc, hoặc cái quái gì đó khác.

Đây là những rào cản quan trọng, và chúng đáng được xem xét nghiêm túc. Nhưng cũng đáng để nhớ rằng có rất nhiều cách để sống đúng giá trị của mình, và bạn không cần phải từ chối mọi sự thỏa hiệp và bỏ qua các cân nhắc thực tế.

Ví dụ, tương đối khả thi để sống đúng giá trị trung thực của mình với một chú thích thêm như “…miễn là sự trung thực của tôi không tổn thương người khác.” Điều đó sẽ giúp gìn giữ những mối quan hệ quan trọng. Và nếu bạn cần thiếu trung thực một chút để giữ công việc của mình, có thể đó là dấu hiệu rằng, về lâu về dài, bạn cần tìm một công việc mới. Nhưng trong ngắn hạn, bạn không cần phải bị sa thải chỉ vì nói chính xác với sếp những gì bạn thực sự nghĩ. Bạn có thể thỏa hiệp lúc này, trong khi vẫn tiến về phía một giải pháp lâu dài phù hợp hơn với giá trị của mình.

Nếu giá trị của bạn xung đột với những người khác trong xã hội rộng hơn, bạn có thể đối mặt vài khó khăn, nhưng bạn vẫn có thể sống với sự chính trực trong cuộc đời của chính mình. Nếu tình huống cho phép, bạn cũng có thể chiến đấu để thay đổi xã hội theo niềm tin của riêng mình. Hãy nhìn vào nhiều anh hùng lịch sử như Susan B. Anthony hay Martin Luther King, Jr., và bạn sẽ tìm được những người mà giá trị cá nhân của họ xung đột với giá trị của thời đại. Nhưng nếu bạn không sẵn sàng đón nhận loại khó khăn đó, thì bạn có thể chọn việc tập trung vào hành vi của chính mình và sống đúng giá trị của chính bạn, mà không cần phải thách thức những người chung quanh có lối sống khác bạn.

5. Làm thế nào để thích nghi và thay đổi giá trị của bạn khi cần

Giá trị cá nhân của bạn không vĩnh hằng bất biến. Trong khi vài giá trị cốt lõi có thể giữ nguyên trong suốt cuộc đời bạn, các giá trị khác có thể thay đổi khi tình huống cuộc sống thay đổi hay chỉ đơn giản vì bạn đã già hơn và bắt đầu có góc nhìn khác về việc điều gì là quan trọng. Hoặc thậm chí nếu các giá trị vẫn giữ nguyên, thứ tự ưu tiên của chúng cũng có thể thay đổi.

Ví dụ, lập gia đình và có con để chăm sóc có thể khiến bạn chú trọng sự an toàn và ổn định tài chính hơn trước kia, khi còn độc thân. Hoặc một cuộc ly dị có thể mang đến khát khao lần nữa về tự do và khám phá bản thân.

Vì vậy, cũng đáng kiểm tra thường xuyên để xem liệu các giá trị của bạn có thay đổi không. Lặp lại quy trình động não, lên danh sách và đặt thứ tự, và xem xem kết quả của bạn có khác không.

Bạn nên làm điều này thường xuyên đến mức nào? Ít nhất một lần mỗi năm có thể là ý kiến hay đó, và bất kỳ khi nào bạn vừa vượt qua một thay đổi lớn trong đời như mất việc,bế tắc, bệnh tật, ly dị, v…v…

Dĩ nhiên, bạn cũng sẽ muốn tiếp tục đọc lại các giá trị của mình và liên hệ đến chúng nhiều hơn một lần mỗi năm, và nếu bất cứ khi nào bạn nhận ra có điều gì đó không còn ổn nữa, cứ thoải mái đổi mới các giá trị của mình chỗ này chỗ khác.

Một khi bạn đã có danh sách mới, hãy phân tích lại các mục tiêu của mình và viết lại chúng nếu cần để phản ánh các giá trị mới hoặc ưu tiên mới. Và bắt đầu sử dụng danh sách giá trị đã hiệu chỉnh để nhắc nhở và định hướng cuộc sống thường ngày của mình, như đã thảo luận trong phần trước.

Kết luận

Chúng ta đã tìm hiểu khá nhiều về nền tảng trong hướng dẫn này, và tôi mong rằng giờ đây bạn đã rõ ràng hơn về việc giá trị cá nhân là gì, tại sao chúng quan trọng, và làm thế nào bạn có thể làm tốt hơn để sống đúng với giá trị của mình.

Để tìm hiểu thêm về giá trị, nhưng từ góc độ kinh doanh hơn là cá nhân, xem các hướng dẫn sau:

  • Xây dựng thương hiệu

    Làm thế nào để xác định các giá trị cốt lõi cho thương hiệu của bạn (và vì sao bạn nên làm)

    Julia Melymbrose

  • Lập kế hoạch

    Làm thế nào để khám phá giá trị doanh nghiệp của bạn

    David Masters

Bước tiếp theo, nếu bạn chưa làm, là đưa các bài học từ hướng dẫn này vào thực hành. Hãy bắt đầu động não, lên danh sách, đặt thứ tự ưu tiên cho các giá trị của bạn, và thiết lập các mục tiêu hướng tới giá trị. Rồi bắt đầu sống đúng với giá trị của mình ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác.

Video liên quan

Chủ đề