Người xem phim gọi là gì

Phim ảnh

  • Thứ tư, 12/9/2007 09:32 (GMT+7)
  • 09:32 12/9/2007

cảnh chen (insert shot). Một cảnh chi tiết chen vào một phân đoạn chính liên quan đến hành động hoặc tâm trạng của nhân vật.

Thuật ngữ điện ảnh (phần 4)

cảnh chen (insert shot). Một cảnh chi tiết chen vào một phân đoạn chính liên quan đến hành động hoặc tâm trạng của nhân vật.

Người xem phim gọi là gì
Cảnh chen xa trong phim A good year

Nó có thể được dùng như một cảnh chen xa (cutaway shot) để làm tăng hiệu quả đặc trưng của một phân đoạn hoặc thêm những tình tiết kịch tính cần thiết, chẳng hạn, chen một dòng chữ trong một bức thư, một con số trong bảng số xe, một tin quan trọng trên trang báo, một khuôn mặt trong tấm ảnh chụp nhiều người v.v... Trong truyền hình, từ này chỉ thao tác lồng “sô” của một đài truyền hình địa phương vào mạng truyền hình quốc gia.

cảnh chen gần (cut in). Cảnh phụ, chi tiết nhỏ có liên quan được ghép vào với cảnh chính để bổ sung ý nghĩa, kịch tính. Cảnh chen phải được ghi hình với cỡ cảnh và góc máy sao cho phù hợp với bố cục tổng thể của cảnh chính về vị trí, thời gian, động tác. Cảnh chen gần thường là cảnh cận, đầy khung (để không bị lộ những chi tiết không ăn khớp với cảnh chính). Để tránh sai rắc co, có thể quay bằng máy thứ hai cùng lúc khi quay cảnh chính để bố cục tổng thể hoàn toàn hợp lý. Cần chú ý kỹ khung hình để không rộng quá làm lộ bối cảnh, hoặc chặt quá sẽ bị cắt một phần khi chiếu lên màn ảnh.

cảnh chen xa (cutaway). Cảnh ngắn xuất hiện thoáng qua dùng để chen vào cảnh chính rồi chấm dứt để cảnh chính được tiếp tục diễn tiến. Nó chứa hình ảnh không trực tiếp thuộc tình tiết của cảnh chính mà có thể là hình ảnh phụ khác ở gần đâu đó hoặc có thể là hình ảnh ở thật xa chỉ liên quan đến cảnh chính về ý nghĩa nội dung. Nó cũng có thể là hình ảnh của ý nghĩ, ký ức hoặc cảnh tượng trưng, là dấu hiệu thay đổi địa điểm, không gian, thời gian khác v.v… Cảnh phản ứng (reaction shot) và cảnh song hành (cross-cutting) là một dạng cảnh chen xa.

Người xem phim gọi là gì

Cảnh chi tiết

cảnh chi tiết (detail shots). Cảnh cận đặc tả hoặc một đại cảnh mặt của nhân vật, vật thể và mô tả một cách chi tiết từng phần của chúng. Ví dụ, từ cảnh đầy đủ của một phụ nữ đang khâu nón, sau đó khung hình cắt một cảnh cận đặc tả mũi kim của cô ta đang luồn những sợi chỉ thêu vào lá cọ; tiếp theo một khung hình quay cận đặc tả đôi mắt cô gái đang tập trung thị lực vào đường thêu. Hai cảnh cận đặc tả đó có thể gọi là những cảnh chi tiết. Với những đặc trưng như thế, chúng luôn được hiểu như những cảnh chen xa hoặc tùy cách sử dụng mà có thể gọi là cảnh chen. Những cảnh mô tả đồng hồ trên cổ tay nhìn rõ kim, số giờ; chiếc khuyên trên tai người có mặt đá đỏ hình bầu dục v.v… đều thuộc loại cảnh chi tiết.

cảnh chiếu phông (back projection). Cảnh nền giả khi quay cảnh nhân vật đang hành động hoặc đối thoại trên các phương tiện (máy bay, xe lửa, ô tô v.v…) đang di chuyển bằng cách chiếu hình ảnh phong cảnh chuyển động giật lùi lên phông. Kỹ thuật này áp dụng hàng nửa thế kỷ đến nay đã lỗi thời. Nó được thay thế bằng kỹ thuật xử lý phông xanh (bluescreen processing) hoặc kỹ thuật dùng camera phụ gắn phía sau (traveling mattes), bên cạnh hoặc phía dưới phương tiện để thu hình trực tiếp, tạo ra những hình ảnh sinh động, trung thực, hấp dẫn, nhanh và chi phí thấp hơn.

cảnh chính (master shot). Một cảnh hoặc một take ghi hình những hành động chính hoặc bối cảnh toàn bộ của một phân đoạn diễn ra liên tục (hầu hết các phân đoạn là một cảnh) với một hoặc hai góc máy chính, sau đó hoàn tất bằng một loạt góc máy hẹp và chặt khung hơn.

cảnh cuối ngày (abby singer). Cảnh quay cuối cùng kết thúc một ngày quay. Cụm từ mang tên một người quản lý sản xuất (production manager) thường hay nói vui trong khi làm phim, còn được gọi là “Martini shot” (Martini : cốc tai pha rượu gin với rượu vec-mút).

cảnh cực cao (extreme hight-angle shot, EHS). Cảnh quay từ máy bay, khí cầu, nóc cao ốc, đỉnh núi v.v… giống như mắt chim nhìn xuống, rất thường được sử dụng làm cảnh dạo đầu của một bộ phim hoặc một trường đoạn phim.

cảnh cực cận (extreme close-up, ECU). Một loại cỡ cảnh mà chủ đề lớn gấp nhiều lần khung hình, đặc tả nhiều chi tiết hình ảnh hơn một cảnh cận. Nó là một loại đại cảnh nhưng vào sâu hơn, cho phép mô tả được từng chi tiết nhỏ những phần trên mặt (tight head shot), thân thể người. Loại cỡ cảnh này thỉnh thoảng mới được dùng trong phim truyện nhưng rất thường dùng để đặc tả trong thể loại phim tài liệu khoa học.

cảnh cực cận mặt (tigh head shot). Một loại cỡ cảnh cận mặt người nhưng chỉ đặc tả một phần trên mặt.

cảnh cực nét (deepfocus shot). Cảnh nét từ tiền cảnh đến hậu cảnh, còn được gọi là cảnh nét sâu. Cảnh này có liên quan đến các yếu tố: khẩu độ nhỏ, tiêu cự ống kính ngắn, khoảng cách từ ống kính đến đối tượng xa và ánh sáng phải chan hoà.

cảnh cực thấp (extreme low shot). Cảnh tạo ra bởi máy quay phim đặt thấp hơn đối tượng, thấp hơn tầm mắt. Ví dụ: một cảnh hướng nhìn (P.O.V shot) của một người đang lặn dưới nước nhìn lên chân và bụng con trâu đang bơi trong phim Mùa len trâu của Nguyễn Võ Nghiêm Minh.

Người xem phim gọi là gì

Cảnh quay với góc máy thấp

cảnh cực viễn (extreme long shot - ELS). Cảnh được ghi hình từ vị trí đặt camera một khoảng cách rất xa chủ đề nhằm thu hút thị giác người xem mà không mô tả chi tiết. Ví dụ cảnh một đoàn kỵ binh xuất hiện ở đường chân trời. Cảnh này thường được sử dụng làm cảnh dạo đầu cho một bộ phim.

cảnh dạo đầu (establishing shot). Cảnh mở đầu (to establish: thiết lập) để người xem hình dung vị trí, địa hình, thời gian v.v… câu chuyện phim sẽ diễn ra. Cỡ cảnh thường là một cảnh viễn (long shot) hoặc cảnh cực viễn (extreme long shot) quay từ góc máy cao, hoặc không cảnh (aero shot),. Nó là mắt xích đầu tiên trong tổng thể cốt truyện phim. Đôi khi vào lúc kết thúc cảnh hoặc đoạn phim, cảnh này có thể được nhắc lại (re-establishing shot) để tái thiết lập, hoặc nhấn mạnh, báo hiệu một cảnh hoặc đoạn khác kế tiếp. Một cảnh dạo đầu có thể dừng khung hình ở một cảnh trung, đánh dấu tình tiết quan trọng là nguyên nhân để câu chuyện xảy ra. Ví dụ: phim Birth (2004), cảnh dạo đầu là hình ảnh con đường đi qua một cầu chui, nơi chồng của nhân vật Anna (Nicole Kidman) bị bất đắc kỳ tử, khởi đầu của bao chuyện dở khóc dở cười sau đó mà bộ phim thuật lại.

cảnh dự phòng (keep take). Những cắt (phim) dự phòng (để bổ sung vào bản phim dựng khi cần).

cảnh đã so lọc (fine cut). Cảnh phim được chọn dựng. Đây là những cảnh ưng ý nhất được chuyên viên chọn theo ý của đạo diễn để chính thức dựng vào bộ phim qua công đoạn so lọc.

cảnh đáng tiền (money shot). Cảnh ấn tượng nhất trong một bộ phim. Thuật ngữ mượn từ kỹ nghệ làm phim khiêu dâm, chỉ những cảnh quay, những hình ảnh, những tiết lộ bất ngờ, những khoảnh khắc cao trào, những tình tiết mà các nhà làm phim phải hao công tốn của mới dàn dựng được, mang lại cho khán giả cảm giác xứng đáng với “đồng tiền bát gạo” mà họ bỏ ra mua vé. Và, cảnh đó có thể là chìa khóa mở ra sự thành công của bộ phim. Ví dụ : sự chuyển cảnh trong các phim kinh dị cổ điển, ở đó các nhân vật mọc tóc, mọc nanh, cảnh nhân vật Darth Vader cắt bàn tay của Luke Skywalker trong phim The Empire Strikes Back (1980), cảnh quay từ góc nhìn của diễn viên về hình ảnh tấn công và thả bom trong phim Trân Châu Cảng (Pearl Harbor, 2001), cái nhìn đầu tiên của Gilda trong bộ phim Gilda (1946), hoặc tình trạng không có áo ngực của Halle Berry được lộ ra phía sau quyển sách trong bộ phim Swordfish (2001) …

cảnh được ghi hình (on-camera). Cảnh nhân vật, vật thể mô tả trong kịch bản được ghi ở trong phạm vi khung hình.

cảnh đúp (double exposure). Hai hoặc nhiều cảnh được ghi chồng lên cùng một tấm phim. Nói cách khác, một cảnh quay nhiều lần trên khung hình của lần thứ nhất. Ghi nhiều lần vẫn gọi là “cảnh đúp” mà không gọi là “gấp ba” (triple) hoặc “gấp bốn” (quadrupble). Để xác định số lần quay, có thể gọi là “ba cảnh đúp” hoặc “bốn cảnh đúp”…

cảnh ghép (matte shot). Hai cảnh khác nhau được ghi trên cùng một khung hình. Thực hiện thủ pháp này bằng cách quay hai lần cho một khung hình nhưng không chồng lên nhau mà che một phần ống kính để phim lộ sáng một phần. Sau đó, che phần đã lộ sáng để quay phần kia, tạo thành cảnh quay ghép.

cảnh giả đêm (day-for-night shot). Thủ pháp quay cảnh ban ngày nhưng khi chiếu lên màn ảnh sẽ là cảnh đêm. Cảnh này được thực hiện bằng phin tơ màu, ánh sáng đặc biệt, cố tình làm phim thiếu sáng (underexposure) hoặc cân bằng trắng sai độ màu. Thủ páhp này rất phổ biến trong thập niên 1950, nhưng nay ít được áp dụng.

cảnh giấc mơ (dream mod). Cảnh không có thực mô phỏng những giấc mơ, sự tưởng tượng của nhân vật trong phim.

cảnh góc đối (xem: góc máy).

cảnh góc rộng (xem: góc rộng).

Người xem phim gọi là gì

Cảnh quay với góc máy cao

cảnh hai người (two-shot). Hình ảnh hai người trong cỡ cảnh trung hoặc trung hẹp. Loại cỡ cảnh này rất thông dụng mô tả hai người đang dối đối thoại hoặc giao tiếp với một người thứ ba ở ngoài khung hình; So sánh với cảnh ba người (three-shot).

cảnh hướng nhìn (point of view shot, P.V.O shot). Cảnh mà người xem được thấy cùng hướng nhìn của nhân vật. Nó chỉ là một cảnh thông thường nhưng để tạo thành một “cảnh phản ứng” (reaction shot).

cảnh kết (epilogue). Cảnh ngắn kết thúc một bộ phim. Cảnh này có thể là hình ảnh tượng trưng làm nhấn mạnh chủ đề chính của bộ phim hoặc một cảnh dạo đầu được nhắc lại.

cảnh khám phá (discovery shot). Cảnh mô phỏng tia nhìn mang tính tìm tòi của nhân vật. Cảnh được thực hiện bằng những động tác như: lia máy, tilt, đô ly hoặc steadicam để người, vật, vật thể đang ẩn khuất bất ngờ hiện ra một cách không mong đợi khiến cho người xem hồi hộp hoặc ngạc nhiên như khám phá điều gì.

cảnh lắng nghe (listening shot). Cảnh nhân vật phản ứng khi nghe lời thoại của nhân vật khác không có trong khung hình. Đây là loại cỡ cảnh cận thường sử dụng làm tăng kịch tính trên nét mặt người nghe trước sự phát ngôn của nhân vật trực thoại. Nó cũng có tác dụng làm thay đổi sự tẻ nhạt khi phải nhìn một nhân vật phát ngôn quá dài hoặc để làm cảnh chen (insert) vá sửa ở hậu kỳ khi diễn viên quên thoại, nói sai thoại, lỗi đồng bộ môi.

cảnh lia máy (pan, panning shot). Cảnh được tạo bởi động tác máy quét khung hình theo chiều ngang một cung từ trái qua phải hoặc ngược lại. Nó thường sử dụng để ghi hình một cảnh hoặc quét theo đối tượng là người hoặc vật đang di động. Việc chọn khung hình đầu, cuối, tốc độ quét nhanh chậm tùy theo nội dung, nhịp hành động của chủ đề trong cảnh do đạo diễn, nhà quay phim ấn định. Cảnh lia máy khác với cảnh đô ly hoặc cảnh máy theo chủ đề (follow shot, tracking shot).

cảnh máy cầm tay (hand held). Cảnh được ghi hình bằng động tác cầm camera trên tay thay vì gá trên chân máy, đô ly hoặc cần cẩu. Vì vậy, tuỳ kỹ năng giữ chắc máy của từng nhà quay phim mà máy bị rung nhiều hay ít. Động tác máy này thường được sử dụng quay phóng sự tài liệu, ít sử dụng quay phim truyện ngoại trừ các nhà làm phim theo xu hướng cách tân như Trào lưu mới (New Wave), hoặc Đooc 95.

cảnh máy theo chủ đề (tracking shot). Cảnh do máy quay di chuyển theo bên cạnh chủ đề. Dạng cảnh này cũng được hiểu như một cảnh dõi theo diễn xuất (following shot) và đôi khi được dùng thay thế với cảnh “đô ly” hoặc cảnh “zoom”. Ví dụ trong phim Eyes Wide Shut (1999), camera bám theo bên cạnh hai đối tượng đi lại. Một số cảnh máy theo chủ đề khác sử dụng giá đỡ thuỷ lực (steadicam), như trong phim The Shining (1980) của Stanley Kubrick.

cảnh mô hình (miniature shot). Bối cảnh được chế tác bằng các mô hình những vật thể lớn được thu nhỏ. Chúng thật sự ấn tượng trên màn ảnh vì người xem khó có thể phát hiện là đồ giả bởi trông nó như thật. Ví dụ : những phi thuyền không gian trong phim Star Wars (1977) và 2001 : A Space Odyssey (1968).

cảnh nền (scenery). Hình ảnh ở phía sau chủ đề. Nó có thể là phông vẽ hoặc cảnh thật ngoài thiên nhiên. Ví dụ: cảnh từ trong phòng nhìn qua cửa sổ, cảnh phía sau hành động phim.

cảnh nghịch hướng (reverse shot). Cảnh quay thay đổi từ hai hướng ngược nhau. Tuy gọi là hướng ngược lại nhưng thường chỉ là hai cảnh đối xứng về hướng thu hình, chứ không phải là vượt trục diễn xuất, sai phương hướng. Ví dụ, một đôi nam nữ đang đi từ xa tới gần. Cảnh đầu cho thấy trực diện họ từ trái sang phải, cảnh tiếp theo cho thấy hai người đó từ gần đi ra xa, thấy phía sau họ cũng từ trái sang phải đối xứng lại.

cảnh ngoại (exterior). Bối cảnh thật ngoài thiên nhiên được chọn làm điểm quay (location) không có sự can thiệp của hoạ sỹ và chuyên viên dựng cảnh. Cảnh ngoại khác với cảnh giả trong phim trường (studio), được ghi trong mã đầu cảnh (slug line).

cảnh nhảy (jump cut). Một đoạn phim bị cắt tạo khe trống ở giữa một cảnh trong khi hành động nhân vật đang diễn tiến một cách bình thường. Khi có một đoạn phim bất động như vậy thì cảnh nhảy là một thủ pháp cần thiết nhằm loại bỏ những phim không có hình. Một cảnh nhảy cũng có thể do sơ sót trong khâu dựng hoặc chủ ý của đạo diễn nhằm tạo ra những cảnh điên loạn hay siêu thực.

cảnh nhiều khẩu độ (bracketing). Cảnh duy nhất nhưng được ghi bằng nhiều take với nhiều khẩu độ khác nhau, để chọn ánh sáng vừa ý nhất. Kỹ thuật này thường được áp dụng quay phụ đề.

cảnh nội (interior). Cảnh quay hành động diễn ra ở trong không gian nội thất. Trong kịch bản, nó được viết là “nội/ngày hoặc nội/đêm” (INT). Do ảnh hưởng của ánh sáng mặt trời, cảnh nội ngày đòi hỏi xử lý ánh sáng bằng phin tơ phức tạp hơn để có tông màu như ý muốn. cảnh phản ứng (reaction shot). Hình ảnh diễn biến hành động và nội tâm của nhân vật chủ thể trước những tác động của khách thể bên ngoài khung hình. Dạng cảnh này xảy ra trong trường hợp đối thoại, nói xen kẽ, những đe dọa, những hiện tượng, hành động kỳ lạ của khách thể mà bản thân nhân vật phải đối mặt.

cảnh, phân đoạn và đoạn (shot, scene, sequence). Cảnh, phân đoạn (tương đương với “màn” trong kịch), đoạn phim là những thành phần của bộ phim. Một phân đoạn được tạo thành từ nhiều cảnh. Một đoạn được hợp thành từ nhiều phân đoạn. Một bộ phim được tạo thành từ nhiều đoạn phim, hoặc trường đoạn (act) là nhiều đoạn hợp thành, tương đương với “hồi” trong kịch. Ví dụ, các nhà làm phim đã chia bộ phim Cuốn theo chiều gió ra nhiều trường đoạn một cách rõ ràng bằng chữ “intermision” (chỗ nghỉ) giữa trường đoạn và âm nhạc nổi lên thay vì hình ảnh.

cảnh phông kính (glass shot). Một cảnh quay xuyên qua những tấm kính có hình vẽ hoặc ảnh trên kính. Nhờ có tính trong suốt mà nhiều lớp hình ảnh được hiện lên từ tiền cảnh đến hậu cảnh một cách trung thực, trông như thật.

cảnh phục hiện (flashback). Cảnh tái hiện hình ảnh quá khứ. Cảnh thuật lại bằng hình ảnh những hành động, những hoài niệm hoặc giải thích những sự việc mà nhân vật đã trải qua trong quá khứ có mối liên hệ nhân quả với hiện tại. Đây là một thủ pháp sáng tác phổ biến được áp dụng trong văn chương và điện ảnh; tương phản với cảnh phục hiện là “cảnh vị lai” (flash-foward, flash-ahead). Bộ phim Citizene Kane (1941) được hợp thành bởi những cảnh phục hiện và cảnh vị lai. Chẳng hạn, cảnh phục hiện nhà dưỡng lão, nhân vật Joseph Cotton nghĩ về quá khứ của mình được thuật lại bằng hình ảnh (xem: phim phục hiện).

cảnh song hành (cross-cutting). Cảnh được tạo bởi thủ pháp dựng hai hay nhiều hành động diễn ra cùng thời gian nhưng khác nhau về địa điểm. Chúng được dựng đan xen (hoặc rải rác) với nhau để so sánh, bổ sung ý nghĩa, tăng kịch tính cho cảnh chính. Ví dụ, trong phim The Godfather (Mỹ,1972) cảnh rửa tội cho con nuôi của bố già Corleone được dựng song hành với cảnh thanh toán khốc liệt giữa các băng nhóm của thế giới ngầm với nhiều thuộc hạ của của ông ta. Như vậy, cảnh thiện-ác đan xen nhau phản ánh chân thực sâu sắc cuộc sống nội tâm đa nhân cách phức tạp của nhân vật.

Thế giới điện ảnh Online

Thế giới điện ảnh Online

Bạn có thể quan tâm