Nhà văn ngô tất tố được mệnh danh là gì

Ngô Tất Tố là một trong những nhà văn nổi tiếng Việt Nam, nhắc đến ông người ta sẽ nhớ đến tác phẩm Tắt đèn - một kiệt tác của văn học Việt Nam. Hôm nay mời bạn đọc cùng Reader tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Ngô Tất Tố thông qua bài viết dưới đây nhé!

Tiểu sử

Ngô Tất Tố sinh năm 1893 (mất năm 1954) ở làng Lộc Hà, tổng Hội Phụ, phủ Từ Sơn, Bắc Ninh (nay là thôn Lộc Hà, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội). Ông là con thứ hai, nhưng là trưởng nam trong một gia đình có bảy anh chị em, ba trai, bốn gái. Lúc còn nhỏ Ngô Tất Tố được thụ hưởng một nền giáo dục Nho học. Từ năm 1898, Ngô Tất Tố được ông nội dạy vỡ lòng chữ Hán ở quê, sau đó ông theo học ở nhiều làng quê trong vùng. Năm 1912, Ngô Tất Tố học tư chữ Pháp một thời gian ngắn và bắt đầu tham dự các kỳ thi truyền thống lúc bấy giờ vẫn còn được triều đình nhà Nguyễn tổ chức. Ông đỗ kỳ sát hạch, nhưng thi hương bị hỏng ở kỳ đệ nhất. Đến năm 1915, ông đỗ đầu kỳ khảo hạch toàn tỉnh Bắc Ninh, nên được gọi là đầu xứ Tố, rồi thi hương lần thứ hai, khoa Ất Mão, cũng là khoa thi hương cuối cùng ở Bắc Kì. Ông qua được kỳ đệ nhất, nhưng bị hỏng ở kỳ đệ nhị.

Năm 1926, Ngô Tất Tố ra Hà Nội làm báo. Ông viết cho tờ An Nam tạp chí. Nhưng vì thiếu tiền, tờ báo này phải tự đình bản, Ngô Tất Tố cùng với Tản Đà đã vào Sài Gòn. Mặc dù không thật sự thành công trong cuộc thử sức ở Nam Kì, nhưng tại đây, Ngô Tất Tố đã có cơ hội tiếp cận với tri thức và văn hóa thế giới ở vùng đất khi đó là thuộc địa chính thức của Pháp cũng như theo đuổi nghề báo để chuẩn bị sau này trở thành một nhà báo chuyên nghiệp. Trong thời kỳ này, ông viết với các bút danh Bắc Hà, Thiết Khẩu Nhi, Lộc Hà, Tân Thôn Dân...

Sau gần ba năm ở Sài Gòn, Ngô Tất Tố trở ra Hà Nội. Ông tiếp tục sinh sống bằng cách viết bài cho các báo: An Nam tạp chí, Thần chung, Phổ thông, Đông Dương, Hải Phòng tuần báo, Thực nghiệp, Con ong, Việt nữ, Tiểu thuyết thứ ba, Tương lai, Công dân, Đông Pháp thời báo, Thời vụ, Hà Nội tân văn, Tuần lễ... với 29 bút danh khác nhau như: Thục Điểu, Lộc Hà, Lộc Đình, Thôn Dân, Phó Chi, Tuệ Nhơn, Thuyết Hải, Xuân Trào, Hy Cừ... Trong thời gian những năm 1936-1939, Ngô Tất Tố viết nhiều tác phẩm chỉ trích quan lại tham nhũng phong kiến.

Phong cách sáng tác

Ngô Tất Tố là một trong những nhà văn đi đầu trong trào lưu hiện thực phê phán của Việt Nam ở giai đoạn trước năm 1945. Phong cách viết của ông rất nhân đạo, đối tượng mà ông thường hướng đến là những người nông dân nghèo, Ngô Tất Tố luôn tìm tòi, khám phá những vẻ đẹp bí ẩn sâu trong tâm hồn của con người. Sau cách mạng tháng Tám, Ngô Tất Tố chuyển sang viết những tác phẩm để phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Pháp.

Nhắc đến Ngô Tất Tố chúng ta không thể quên được tác phẩm Tắt đèn trong đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” đây được xem là một trong những thành công lớn nhất trong sự nghiệp sáng tác của Ngô Tất Tố. Ông đã thành công xây dựng hình tượng chị Dậu - một người phụ nữ có tâm hồn cao đẹp, dù trong hoàn cảnh khốn khó nhất vẻ đẹp ấy vẫn được hiện lên. Cách viết truyện theo hướng đẩy những mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khiến cho sự nổi loạn của nhân vật được bộc lộ rõ ràng. Tất cả nhằm lên án, phê phán xã hội phong kiến vô nhân đạo đã ức hiếp người dân nghèo, đẩy họ vào đường cùng. Cũng chính vì không còn đường nào nữa thế nên chị Dậu đã nổi loạn.

Một số tác phẩm tiêu biểu: Mặc Tử, Trước lửa chiến đấu, Trời hửng, Suối thép, Lều chõng, Tắt đèn, Trong rừng nho, Kinh dịch, Doãn Thanh Xuân, Việc làng, Đường thi, Thơ và tình, Tập án cái đình, Hoàng Lê nhất thống chí,…

Nhận định về Ngô Tất Tố

Nhà văn Vũ Trọng Phụng đã từng nhận xét Ngô Tất Tố là một tay ngôn luận xuất sắc trong đám nhà nho.

Giáo sư Phong Lê nhận xét Ngô Tất Tố là nhà văn hiện đại: “Trong ý tưởng của nhiều tầng lớp bạn đọc, ông vẫn là người của thế hệ mới, người của thời hiện đại. Nhà Nho đầu xứ tinh thông Nho học, am hiểu Đông phương học ấy lại là người rất tân thời, rất cùng thời với chúng ta trong toàn bộ trước tác phẩm của ông với tư cách nhà văn, nhà báo, nhà phóng sự, nhà tiểu thuyết, nhà tiểu phẩm và bao trùm một nhà văn hóa, nhà học giả,…

Lời kết

Ngô Tất Tố dành phần lớn thời gian trong cuộc đời để cống hiến cho nền Văn học Việt Nam, với khối lượng tác phẩm khổng lồ, lối viết khác biệt những tác phẩm của ông luôn để lại dấu ấn riêng trong lòng độc giả. Reader hi vọng thông qua bài viết này bạn đọc sẽ hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Ngô Tất Tố. Cảm ơn bạn đọc đã luôn theo dõi và ủng hộ Reader trong thời gian vừa qua. Hi vọng trong thời gian tới Reader vẫn sẽ nhận được sự ủng hộ của bạn đọc.

Xem thêm:

  • Những tựa đề Văn học Việt Nam bạn không thể bỏ qua
  • Tiếu sử cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Nguyễn Minh Châu
  • Tiểu sử cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Vũ Trọng Phụng

Chủ đề