Phân tích và đánh gia việc thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân

Việc chia tài sản chung của vợ chồng Trong thời kỳ hôn nhân

01/05/2012

PGS.TS. PHÙNG TRUNG TẬP

Trường Đại học Luật Hà Nội

Từ viết tắt In trang Gửi tới bạn

1. Quy định của pháp luật về việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân

Việc chia tài sản chung (TSC) của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân(TKHN) được quy định từ Luật Hôn nhân và gia đình (Luật HN&GĐ) năm 1986: “Khi hôn nhân tồn tại, nếu một bên có yêu cầu và có lý do chính đáng, thì có thể chia TSC của vợ chồng theo quy định ở Điều 12 của Luật này” (Điều 18). Sau đó, nội dung này được kế thừa tại Điều 29 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000: “Khi hôn nhân tồn tại, trong trường hợp vợ chồng đầu tư kinh doanh riêng, thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng hoặc có lý do chính đáng khác thì vợ chồng có thể thỏa thuận chia TSC; việc chia TSC phải được lập thành văn bản; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết”.

Nếu so sánh với quy định tại Điều 18 Luật HN&GĐ năm 1986, thì quy định tại Điều 29 Luật HN&GĐ năm 2000, xét chưa hết lẽ thì dường như phù hợp hơn với đời sống thực tế. Xuất phát từ bản chất của quan hệ hôn nhân (QHHN), có hai mối quan hệ song song tồn tại là quan hệ nhân thân của vợ chồng được xác định vào thời điểm kết hôn và quan hệ TSC hợp nhất của vợ chồng đối với TSC cũng được xác định kể từ thời điểm đó. Cho nên, trong TKHN, quan hệ vợ chồng vẫn tồn tại (quan hệ nhân thân vẫn tồn tại), nhưng vợ chồng có thể thỏa thuận chia TSC. Việc chia TSC của vợ chồng làm chấm dứt quyền sở hữu chung hợp nhất (chấm dứt quan hệ TSC) đối với tài sản được chia, còn những tài sản mà vợ chồng không thỏa thuận chia hoặc không yêu cầu Tòa án chia thì vẫn thuộc quyền sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng. Việc chia tài sản này xảy ra trong quá trình chung sống, người vợ hoặc người chồng muốn đầu tư kinh doanh riêng, hoặc thực hiện một nghĩa vụ dân sự riêng của mình với người khác, thì vợ hoặc chồng thỏa thuận bằng văn bản chia TSC. Thỏa thuận này là một hợp đồng dân sự, cho nên các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự (GGDS) cũng được áp dụng với thỏa thuận của vợ chồng trong việc chia TSC hợp nhất. Thỏa thuận này được xác lập theo sự thỏa thuận ý chí của hai bên vợ và chồng, và phải tuân theo các điều kiện có hiệu lực của GDDS về mặt chủ thể, mục đích, nội dung của giao dịch và về hình thức của giao dịch được quy định tại Điều 122 Bộ luật Dân sự (BLDS): “1. GDDS có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây: a) Người tham gia giao dịch phải có năng lực hành vi dân sự; b) Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội; c) Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện”; và “2. Hình thức GDDS là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp pháp luật có quy định”.

Như vậy, việc vợ chồng chia TSC hợp nhất là một GDDS phải tuân thủ quy định pháp luật về hình thức và thủ tục, nếu TSC được chia là bất động sản và động sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, thì hợp đồng của vợ chồng trong việc phân chia TSC phải công chứng hoặc chứng thực mới có giá trị pháp lý.

Ngược lại, trong trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được về việc chia TSC thì vợ hoặc chồng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Khi thụ lý đơn yêu cầu, Tòa án giải quyết việc chia TSC của vợ chồng theo yêu cầu của đương sự và việc giải quyết vụ việc theo thủ tục tố tụng chung.

Việc khẳng định thỏa thuận của vợ chồng trong việc chia TSC là một hợp đồng dân sự xuất phát trên căn cứ thỏa thuận của đồng sở hữu chung là chấm dứt quan hệ sở hữu chung hợp nhất đối với TSC được chia, do vậy thỏa thuận này phải đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện có hiệu lực của GDDS như đã phân tích.

Một vấn đề đặt ra là, trong trường hợp vợ hoặc chồng bị hạn chế năng lực hành vi dân sự (NLHVDS) theo quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật (tuyên bố người đó bị hạn chế NLHVDS theo quy định tại Điều 23 BLDS), thì người này có quyền thỏa thuận chia TSC của vợ chồng không? Vì thỏa thuận chia TSC hợp nhất của vợ chồng trong TKHN như trên đã khẳng định là một GDDS (hợp đồng).

Để giải quyết vấn đề này, cần thiết phải dựa trên những căn cứ pháp lý và những lập luận về tính chất của quan hệ sở hữu chung hợp nhất giữa vợ và chồng.

Thứ nhất, nguyên nhân dẫn đến việc vợ hay chồng bị hạn chế NLHVDS là do người đó có hành vi phá tán tài sản của gia đình vào các việc nghiện ma túy, đánh bạc hoặc các hành vi phá tán tài sản tương tự khác, cho nên chính hành vi của người này là nguyên nhân dẫn đến việc bị Tòa án ra quyết định tuyên bố là người bị hạn chế NLHVDS.

Thứ hai, người bị tuyên bố hạn chế NLHVDS phải do người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan có đơn yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố là người bị hạn chế NLHVDS.

Căn cứ vào quy định tại Điều 23 BLDS, thì người bị hạn chế NLHVDS là do hành vi của người đó phá tán tài sản, mà không do bất kỳ một loại bệnh nào mà người đó bị mắc phải như bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình theo quy định tại Điều 22 BLDS. Như vậy, người bị hạn chế NLHVDS vẫn là người có nhận thức và là người đã có NLHVDS đầy đủ nhưng do có hành vi phá tán tài sản của gia đình mà bị tuyên bố hạn chế. Do vậy, trong trường hợp người bị hạn chế NLHVDS theo một bản án có hiệu lực pháp luật, thì người đó vẫn có quyền thỏa thuận chia TSC trong TKHN của vợ chồng.

Xét về mặt thực tế, trong nhiều trường hợp người chồng hoặc người vợ nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình, thì người vợ hoặc người chồng của người này, theo cách thức ngăn chặn hành vi phá tán đó, cũng có thể viết đơn đến Tòa án cấp huyện, yêu cầu xác minh và ra quyết định hạn chế NLHVDS của người chồng hoặc người vợ phá tán tài sản. Đồng thời, người vợ hoặc người chồng còn có quyền yêu cầu Tòa án chia TSC hợp nhất của vợ chồng có trong TKHN để ngăn ngừa người chồng hoặc người vợ tiếp tục phá tán tài sản.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật HN&GĐ, thì việc đại diện cho nhau giữa vợ và chồng được quy định: “2. Vợ, chồng đại diện cho nhau khi một bên mất NLHVDS[1] mà bên kia có đủ điều kiện làm người giám hộ hoặc khi một bên bị hạn chế NLHVDS mà bên kia được Tòaán chỉ định làm người đại diện theo pháp luật cho người đó”. Theo quy định tại khoản 1 Điều 144 BLDS thì:“Người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập, thực hiện mọi GDDS vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.Theo những quy định trên, việc chia TSC của vợ chồng trong TKHN, khi người vợ hoặc người chồng mất NLHVDS hoặc mắc các bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không còn nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì người chồng hoặc người vợ của người đó chỉ có quyền yêu cầu Tòa án chia TSC của vợ, chồng mà không thể có thỏa thuận như trong trường hợp cả vợ và chồng đều có đầy đủ NLHVDS hoặc một trong hai người vợ hoặc chồng bị hạn chế NLHVDS theo quy định tại Điều 23 BLDS[2].

Một trong những căn cứ làm chấm dứt sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng là việc pháp luật quy định vợ chồng có quyền chia TSC trong TKHN. Quy định tại Điều 29 Luật HN&GĐ năm 2000 là một quy định mới và đặc biệt mà trước đó Luật HN&GĐ năm 1959 và Luật HN&GĐ năm 1986 không có. Quy định tại Điều 29 Luật HN&GĐ năm 2000 có được xem là một cải cách không? Một quy định mang tính đột phá làm thay đổi quan niệm về hôn nhân, về gia đình ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay?

Xét về mục đích của quy định tại Điều 29 Luật HN&GĐ, thì đây là một giải pháp tình huống nhằm xác định quyền và nghĩa vụ của bên vợ hoặc bên chồng trong việc sử dụng tài sản nhằm để củng cố thêm khối TSC của gia đình. Vì có nhiều lý do khách quan, vợ, chồng có thể thỏa thuận chia TSC khi hôn nhân vẫn tồn tại, nhất là nhằm ngăn chặn hành vi tẩu tán, lãng phí tài sản của gia đình vào những việc không lành mạnh như nghiện ma túy, đánh bạc có tính hệ thống.

Xét về tính phù hợp với hoàn cảnh xã hội hiện nay ở Việt Nam, thì quy định tại Điều 29 Luật HN&GĐ đã giải quyết được phần nào những quan hệ cụ thể trong một gia đình mà người vợ hoặc người chồng muốn đầu tư kinh doanh riêng, thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng hoặc có lý do chính đáng khác thì vợ chồng có thể thỏa thuận chia TSC, loại trừ trường hợp vợ chồng thỏa thuận chia TSC để nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ về tài sản với người khác. Mục đích vợ chồng chia TSC để tạo điều kiện cho một bên có điều kiện kinh doanh, đồng thời cũng là biện pháp nhằm để tránh rủi ro trong kinh doanh liên quan đến khối TSC của vợ chồng. Trong trường hợp người vợ hoặc người chồng dùng số tài sản riêng của mình để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ mà gặp rủi ro, kinh doanh thua lỗ thì cũng chỉ thiệt hại trong phạm vi tài sản của riêng người đó, kinh tế của người vợ hoặc người chồng vẫn đảm bảo trong việc chi phí cho sinh hoạt của vợ chồng và gia đình.

Theo quy định tại Điều 30 Luật HN&GĐ năm 2000, thì: “Trong trường hợp chia TSC của vợ chồng thì hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đã được chia thuộc sở hữu riêng của mỗi người; phần tài sản còn lại không chia vẫn thuộc sở hữu chung của vợ chồng”.

Quy định trên cho thấy, vợ chồng có thể chia toàn bộ khối TSC hợp nhất mà vợ chồng tạo dựng trong TKHN tính đến thời điểm chia TSC. Nhưng vợ chồng trong nhiều trường hợp chỉ thỏa thuận chia hoặc yêu cầu Tòa án chia một phần tài sản hoặc một nhóm tài sản nhất định mà không thỏa thuận hoặc yêu cầu chia tất cả khối TSC. Chia tài sản trong trường hợp này có thể diễn ra bằng việc chỉ chia TSC là quyền sử dụng đất hoặc chỉ chia phần vốn góp vào một doanh nghiệp để sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ hoặc chỉ chia một khoản tiền, một khoản đá quý, kim cương, ngoại tệ hoặc chia một loại giấy tờ có giá…, còn các tài sản khác như nhà ở, công xưởng sản xuất hoặc tư liệu sản xuất khác thì không chia, vẫn thuộc sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng.

Từ những quy định tại hai điều luật Điều 29 và Điều 30 Luật HN&GĐ năm 2000, chúng tôi nhận thấy:

Quy định tại Điều 29 Luật HN&GĐ năm 2000, trong một chừng mực nhất định nhằm điều chỉnh quan hệ thực tế có thể diễn ra trong thời kinh tế thị trường hiện nay ở nước ta. Vợ chồng có thể cùng kinh doanh hoặc chỉ riêng người vợ hoặc người chồng kinh doanh và vợ chồng thỏa thuận chia TSC hoặc yêu cầu Tòa án chia TSC của vợ chồng để người vợ hoặc người chồng kinh doanh bằng vốn, tài sản riêng của mình. Tuy nhiên, nếu xét theo truyền thống, bản chất của gia đình và bản chất của QHHN thì còn nhiều vấn đề cần phải bàn luận.

Điều 29 thể hiện rõ mục đích kinh tế - xã hội trong gia đình Việt Nam hiện nay. Căn cứ vào điều luật, có thể nhiều người coi đó là có tư tưởng đổi mới, cấp tiến, quy định như vậy là pháp luật về HN&GĐ mở rộng được phạm vi điều chỉnh quan hệ TSC và riêng của vợ chồng trong QHHN. Hơn nữa, Điều 29 đã làm thay đổi được tư tưởng và quan điểm nhận thức về quan hệ sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng trong quan hệ gia đình ở Việt Nam hiện nay. Đồng thời với quy định này, ở Việt Nam sẽ sản sinh ra một loại gia đình kiểu mới, có chức năng đa dạng và thể hiện được tính linh hoạt phù hợp với cơ chế thị trường.

Xét về bản chất của gia đình, đặc biệt là gia đình Việt Nam thì bất kỳ một cá nhân là người Việt Nam nào dù ít dù nhiều cũng có nhận thức tương đối rõ ràng về quan hệ trong gia đình. Nếu trong lĩnh vực QHHN và gia đình, mà pháp luật lại có một cơ chế điều chỉnh nghiêng về lĩnh vực kinh tế, vật chất đơn thuần nhưng lại xem nhẹ những thuộc tính của quan hệ gia đình là quan hệ nhân thân thì sẽ phạm phải những sai lầm nghiêm trọng, làm biến đổi ý thức hệ và nhận thức về gia đình trong một thế hệ và nguy cơ làm cho quan niệm về gia đình và quan hệ trong gia đình bị biến đổi theo một chiều hướng không lành mạnh, ảnh hưởng đến những quan hệ thiêng liêng giữa các thành viên trong gia đình: sự bao dung, đùm bọc và sống vì nhau theo nếp sống văn hóa của chồng, công vợ, trẻ cậy cha, già cậy con...

Thứ nhất, gia đình Việt Nam hay bất kỳ gia đình nào trên thế giới này (Việt Nam hiện nay có khoảng 14 triệu hộ gia đình) đều có những chức năng mang tính truyền thống tương đối ổn định: chức năng sinh đẻ để tiếp tục phát triển nòi giống; chức năng giáo dục; chức năng kinh tế và chức năng tình cảm. Một gia đình thực hiện được tốt bốn chức năng này mới thực sự là gia đình phát triển ổn định. Ngược lại, nếu không thể hiện tốt bốn chức năng này thì sức mạnh gia đình sẽ bị giảm sút và khó phát triển.

Thứ hai, nếu chỉ nhìn nhận gia đình và QHHN như một hiện tượng xã hội thông thường, mà không thấy được thuộc tính đặc biệt của QHHN thì sẽ biến QHHN thành công cụ hóa kinh tế và sinh sản, đánh mất đi tính nhân loại của QHHN, thực chất là tính loài - loài người. Chỉ có xã hội loài người mới có QHHN mang tính xã hội và pháp lý.

Nếu chúng ta khuyến khích và cổ vũ cho loại QHHN mà khi đăng ký hôn thú cần phải có hai loại văn bản một là giấy đăng ký kết hôn, hai là hợp đồng của vợ chồng thỏa thuận nhất trí không có quan hệ sở hữu chung hợp nhất về tài sản trong suốt TKHN, thì khi đó sẽ xảy ra những vấn đề gì? Nếu trong QHHN mà lại quá minh bạch như vậy, thì ý nghĩa nhân văn của QHHN sẽ bị giảm sút. Cụ thể, trong QHHN, vợ chồng ràng buộc với nhau về tình cảm, tình yêu, lòng chung thủy (mà những yếu tố tinh thần này lại rất trừu tượng, không thể xác định được dưới dạng vật chất cụ thể), còn về tài sản thì vợ và chồng không có quan hệ sở hữu chung hợp nhất, của ai người đó dùng và theo đó mỗi người sống trong tình trạng “một niêu cơm riêng” đúng nghĩa đen của từ này. Trong trường hợp muốn ăn chung với nhau thì hoặc là người này là khách mời của người kia hoặc là theo phương thức góp gạo thổi cơm chung hoặc “chồng góp củ khoai, vợ góp quả cà” sẽ tạo ra một quan hệ không có sự khác biệt nào với những quan hệ thông thường khác không thuộc QHHN. Khi sinh con chung, thì nghĩa vụ nuôi con chung, trách nhiệm về tài sản đối với hành vi của con chung trong quan hệ với người thứ ba sẽ được giải quyết theo phương thức nào? Theo phương thức vợ chồng có nghĩa vụ lập ra một quỹ riêng dùng vào việc nuôi con chung hay đóng góp theo từng quý, từng tháng hoặc từng năm…, theo nhu cầu học tập, vui chơi giải trí hay theo sự trưởng thành của người con chung. Trong trường này, môi trường gia đình, cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn và thể chất của đứa trẻ tuy vẫn còn cả cha và mẹ, nhưng lại sống trong một hoàn cảnh và thực trạng sống dựa trên nghĩa vụ quyên góp của cha, mẹ mà thôi. Chức năng nuôi dưỡng và giáo dục của gia đình sẽ bị phá vỡ, thế hệ tiếp theo sẽ không có những kỷ niệm của một tổ ấm - gia đình, cho dù chức năng kinh tế của gia đình hai mảnh đó tuy vẫn có bố, mẹ và họ vẫn có thể thực hiện được tốt nghĩa vụ nuôi dưỡng con chung, đủ đầy về vật chất.

Thứ ba, quy định tại Điều 29 Luật HN&GĐ năm 2000 chỉ mới nhìn nhận được một khía cạnh nhỏ trong việc cho phép vợ chồng có quyền chia TSC khi hôn nhân vẫn tồn tại, mà chưa dự liệu hết được những hệ quả của việc vợ chồng chia tài sản chung. Theo quy định này, chỉ cần những điều kiện như sau, thì vợ chồng có quyền chia TSC: Vợ chồng đầu tư kinh doanh riêng; Hoặc thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng; Hoặc có lý do chính đáng khác, thì có thể thỏa thuận chia tài sản riêng hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết. Đây là một quy định mang tính nguyên tắc, mà không định lượng và không định tính được việc vợ chồng thỏa thuận chia TSC hoặc yêu cầu Tòa án chia. Với quy định như vậy, sẽ xảy ra các hậu quả pháp lý: Trường hợp thứ nhất là trường hợp vợ chồng chia toàn bộ TSC. Trường hợp thứ hai là vợ chồng chỉ thỏa thuận chia một số TSC và những TSC khác thì không chia.

Đối với trường hợp thứ nhất, vợ chồng chỉ còn ràng buộc nhau ở quan hệ nhân thân, còn quan hệ TSC của hai người thì không còn tồn tại. Như vậy, đây được xem là hiểm họa tiềm ẩn trong QHHN, vì vợ và chồng chẳng còn một sự quan tâm nào đến việc phát triển kinh tế chung của gia đình. Mỗi người chỉ mải đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ…, để nhằm mục đích kiếm được những lợi nhuận cao nhất không phải vì lợi ích của gia đình, mà vì lợi ích của riêng bản thân người chồng hoặc người vợ. Trong QHHN mà không quan tâm đến trách nhiệm của người vợ và chồng đối với nhau và bổn phận của mỗi người trong quan hệ đối với nhau và đối với gia đình, thì QHHN đó chỉ là một loại quan hệ xã hội thông thường. Khi đó ý nghĩa xã hội, ý nghĩa văn hóa, nét đẹp truyền thống trong quan hệ gia đình Việt Nam sẽ bị phá vỡ và quan hệ gia đình, nhất là QHHN chỉ tương tự như một tổ hợp sản xuất, mà yếu tố tình cảm, bổn phận của vợ chồng đối với nhau sẽ ngày càng bị làm cho lu mờ vì kinh tế gia đình không còn tồn tại.

Đối với trường hợp thứ hai, trong QHHN có tài sản riêng và chung là những quan hệ song song tồn tại trong gia đình. Mặt trái của các cặp quan hệ trong sở hữu chung và riêng của vợ chồng trong gia đình không tránh khỏi những mâu thuẫn nhất định. Người chồng và người vợ vừa đóng vai trò là chủ thể trong quan hệ sở hữu chung hợp nhất đối với những TSC của vợ chồng không chia, vừa với tư cách là chủ sở hữu riêng đối với phần tài sản được chia. Theo đó vợ chồng có vốn riêng và vốn riêng của ai thì người đó có quyền định đoạt theo ý chí của mình. Có thể tài sản riêng của vợ chồng được định đoạt theo hướng tích cực nhưng có thể được sử dụng vào mục đích không tích cực, thậm chí trái pháp luật.

2. Lời kết

Theo chúng tôi, thì cho dù dưới hình thức, mức độ, hoàn cảnh nào thì Luật HN&GĐ cho phép vợ chồng chia TSC trong TKHN là lợi bất cập hại. Quy định tại Điều 29 Luật HN&GĐ năm 2000, như đã phân tích ở phần trên, chỉ là quy định mang tính giải pháp và vì là quy định mang tính giải pháp cho nên hiệu quả điều chỉnh của điều luật không cao. Thiết nghĩ, cho dù xã hội có phát triển đến mức độ nào, cho dù quan niệm về xã hội, kinh tế có đạt tầm cao văn minh như thế nào thì gia đình và quan hệ sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng vẫn cần phải được củng cố và giữ gìn những giá trị mang tính đặc thù của nó, không nên phá vỡ, đó là: sự hy sinh vì nhau và cùng chung lưng đấu cật trong việc xây dựng, quản lý và định đoạt TSC, củng cố và nâng cao chất lượng của cuộc sống lứa đôi và gia đình, mà vợ chồng luôn luôn với tư cách là đồng sở hữu chung hợp nhất đối với tài sản của vợ chồng có được từ các căn cứ hợp pháp trong suốt TKHN.

QHHN là quan hệ xã hội giữa vợ và chồng rất đặc biệt, khác biệt với các quan hệ thông thường khác ở chỗ lòng tin của vợ chồng đối với nhau thật sự rõ ràng trong việc thể hiện bổn phận của vợ chồng đối với nhau. Bổn phận của vợ chồng đối với nhau trong suốt TKHN và luôn luôn được củng cố để bền chặt hơn về tình cảm. Từ QHHN, vợ và chồng đều có trách nhiệm không những về mặt xã hội, mà còn là trách nhiệm pháp lý. Sự ràng buộc nhau giữa vợ và chồng không những về quan hệ tình cảm, mà còn là quan hệ TSC hợp nhất thì QHHN mới thật sự bền vững. Tính truyền thống của QHHN đã hàng ngàn đời là vợ và chồng phải thể hiện được nghĩa vụ xã hội và pháp lý đối với nhau và trách nhiệm của bố, mẹ trong việc nuôi dạy các con chung. Nếu giữa vợ và chồng không có mối liên hệ ràng buộc nào về chức phận và tính thiên bẩm của giới tính, thì QHHN sẽ không còn ý nghĩa! Chức phận và tính thiên bẩm của vợ chồng trong gia đình luôn luôn phải được thể hiện cụ thể và có hiệu quả. Mọi sự giả tạo trong QHHN đều là nguyên nhân sâu xa phá vỡ hạnh phúc gia đình. Cho nên, cho dù trong bất kỳ xã hội nào, chế độ nào thì những bản chất và tính truyền thống của QHHN không thể thay đổi. Vợ chồng phải thể hiện trong các quan hệ chung liên quan đến tài sản. Tài sản riêng của mỗi bên vợ hoặc bên chồng có thể tồn tại và được pháp luật thừa nhận nhưng không thể là thành tố giữ vững QHHN và hạnh phúc gia đình. Nên giữ nguyên tắc coi trọng QHHN là căn cứ xác lập quyền sở hữu chung hợp nhất vợ chồng, để bảo vệ hạnh phúc của mỗi gia đình và là động lực thúc đẩy quan hệ sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng ngày càng được coi trọng phát triển. Còn việc vợ chồng chia TSC hợp nhất trong TKHN cần phải quy định về những điều kiện chặt chẽ hơn nữa, nhằm ngăn chặn những động thái phá vỡ sự bình yên trong mỗi gia đình, tất cả chỉ vì tài sản riêng - chung không rõ ràng./.

[1] Điều 22 BLDS quy định về trường hợp mất NLHVDS: “1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố mất NLHVDS trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định…”. Và khoản 2: “GDDS do người mất NLHVDS phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện”.

[2] Người bị hạn chế NLHVDS theo một bản án có hiệu lực pháp luật, trong những GDDS liên quan đến tài sản của người bị hạn chế NLHVDS, phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật (là vợ hoặc chồng của người này), trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người này.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 10(216), tháng 5/2012)

Video liên quan

Chủ đề