Quỹ bảo hiểm là gì

(Last Updated On: 25/10/2021 by Lytuong.net)

Mục lục

  • 1. Khái niệm quỹ bảo hiểm xã hội
  • 2. Đặc điểm của quỹ BHXH
  • 3. Nguồn hình thành quỹ bảo hiểm xã hội
  • 4. Mục đích sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội

1. Khái niệm quỹ bảo hiểm xã hội

Quỹ bảo hiểm xã hội là quỹ tài chính độc lập, tập trung nằm ngoài ngân sách Nhà nước. Quỹ có mục đích và chủ thể riêng. Mục đích tạo lập quỹ BHXH là dùng để chi trả cho người lao động, giúp họ ổn định cuộc sống khi gặp các biến cố hoặc rủi ro. Chủ thể của quỹ BHXH chính là những người tham gia đóng góp để hình thành nên quỹ, do đó có thể bao gồm cả: người lao động, người sử dụng lao động và Nhà nước.

Có thể dễ bị nhầm lẫn nếu không phân biệt quỹ BHXH với ngân sách Nhà nước. Ngân sách Nhà nước là tổng thể các mối quan hệ kinh tế phát sinh trong quá trình Nhà nước dùng quyền lực chính trị của mình để tập trung một phần thu nhập của quốc gia nhằm tạo lập quỹ tiền tệ của Nhà nước (Ngân sách Nhà nước) và phân phối sử dụng quỹ ngân sách cho việc trang trải các chi phí bộ máy Nhà nước và thực hiện chức năng kinh tế xã hội theo kế hoạch của Nhà nước.

Ngân sách nhà nước và quỹ BHXH có cùng bản chất, chức năng và có quan hệ hữu cơ với nhau trong quá trình tạo lập và sử dụng. Hoạt động của ngân sách và quỹ BHXH đều không nhằm mục đích kinh doanh kiếm lời. Quá trình hình thành và sử dụng của mỗi loại đều được biểu hiện dưới hình thức giá trị (tiền tệ). Việc thu – chi ngân sách và quỹ BHXH đều được quy định bằng pháp luật và cơ chế quản lý phải tuân theo nguyên tắc cân đối giữa thu và chi…

Tuy nhiên, giữa ngân sách nhà nước và quỹ BHXH có những điểm khác nhau cơ bản. Ngân sách nhà nước ra đời, tồn tại và phất triển gắn liền với sự ra đời, tồn tại và phát triển của Nhà nước và thực hiện các chức năng kinh tế – xã hội của Nhà nước. Bộ máy nhà nước càng lớn, chức năng và nhiệm vụ càng mở rộng thì thu chi ngân sách cũng càng lớn. Quan hệ phân phối của ngân sách nhà nước mang tính pháp lý rất cao và dựa vào quyền lực chính trị, kinh tế của nhà nước. Quan hệ phân phối này chủ yếu là phân phối lại, không mang tính chất hoàn trả và phản ánh lợi ích xã hội, lợi ích quốc gia, chi phối các quan hệ, các lợi ích bộ phận và cá nhân nhằm đảm bảo cho nền kinh tế – xã hội của đất nước phát triển ổn định. Trong khi đó, quỹ BHXH ra đời, tồn tại và phát triển gắn với sự phát triển của kinh tế hàng hoá, với các mối quan hệ thuê mướn nhân công. Mặc dù thu, chi BHXH đều được Nhà nước quy định bằng các văn bản pháp luật, nhưng chủ yếu dựa vào quan hệ kinh tế, quan hệ lợi ích giữa các bên tham gia theo nguyên tắc có tham gia mới được hưởng quyền lợi BHXH. Quan hệ phân phối của quỹ BHXH có tính pháp lý thấp hơn ngân sách nhà nước và mối quan hệ này trước hết phản ánh lợi ích của các bên tham gia BHXH, sau đó mới đến lợi ích của xã hội.

2. Đặc điểm của quỹ BHXH

Quỹ BHXH có những đặc điểm chủ yếu sau:

  • Quỹ ra đời, tồn tại và phát triển gắn với mục đích đảm bảo ổn định cuộc sống cho người lao động và gia đình họ khi gặp các biến cố, rủi ro làm giảm hoặc mất thu nhập từ lao động. Hoạt động của quỹ không nhằm mục đích kinh doanh kiếm lời. Nguyên tắc quản lý quỹ BHXH là: cân bằng thu – chi.
  • Phân phối quỹ BHXH vừa mang tính chất hoàn trả, vừa mang tính chất không hoàn trả. Tính chất hoàn trả thể hiện ở chỗ, người lao động là đối tượng tham gia và đóng góp BHXH đồng thời họ cũng là đối tượng được nhận trợ cấp, được chi trả từ quỹ BHXH cho dù chế độ, thời gian trợ cấp và mức trợ cấp của mỗi người sẽ khác nhau, tuỳ thuộc vào những biến cố hoặc rủi ro mà họ gặp phải, cũng như mức đóng góp và thời gian đóng góp BHXH của họ. Tính không hoàn trả thể hiện ở chỗ, cùng tham gia và đóng góp BHXH, nhưng có người được hưởng trợ cấp nhiều lần và nhiều chế độ khác nhau, nhưng cũng có những người được ít lần hơn, thậm chí không được hưởng. Chính từ đặc điểm này nên một số đối tượng được hưởng trợ cấp từ quỹ BHXH thường lớn hơn nhiều so với mức đóng góp của họ và ngược lại. Điều đó thể hiện tính chất xã hội của toàn bộ hoạt động
  • Quá trình tích luỹ để bảo tồn giá trị và bảo đảm an toàn về tài chính đối với quỹ BHXH là một vấn đề mang tính nguyên tắc. Đặc điểm này xuất phát từ chức năng cơ bản nhất của BHXH là bảo đảm an toàn về thu nhập cho người lao động. Vì vậy, đến lượt mình, BHXH phải tự bảo vệ mình trước nguy cơ mất an toàn về tài chính. Nhiều nhà kinh tế cho rằng: Quỹ BHXH là “Của để dành” của người lao động phòng khi ốm đau, tai nạn hoặc tuổi già… Nguồn quỹ này được đóng góp và tích luỹ lại trong suốt quá trình lao động. Nếu xem xét tại một thời điểm cụ thể nào đó, quỹ BHXH luôn tồn tại một lượng tiền tạm thời nhàn rỗi để chi trả trong tương lai. Lượng tiền này có thể biến động tăng và cũng có thể biến động giảm do mất an toàn, giảm giá trị do yếu tố lạm phát. Do đó, bảo tồn giá trị và tăng trưởng quỹ BHXH đó trở thành yêu cầu mang tính nguyên tắc trong quá trình hoạt động của BHXH.
  • Quỹ BHXH là hạt nhân, là nội dung vật chất của tài chính BHXH. Nó là khâu tài chính trung gian cùng với ngân sách Nhà nước và tài chính doanh nghiệp hình thành nên hệ thống tài chính quốc Tuy nhiên mỗi khâu tài chính được tạo lập, sử dụng cho một mục đích riêng và gắn với một chủ thể nhất định, vì vậy chúng luôn độc lập với nhau trong quản lý và sử dụng. Thế nhưng tài chính BHXH, Ngân sách Nhà nước và tài chính doanh nghiệp lại có quan hệ chặt chẽ với nhau và đều chịu sự chi phối của pháp luật Nhà nước.
  • Sự ra đời, tồn tại và phát triển quỹ BHXH phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế – xã hội của từng quốc gia và điều kiện lịch sử trong từng thời kỳ nhất định của đất nước. Kinh tế – xã hội càng phát triển thì càng có điều kiện thực hiện đầy đủ các chế độ BHXH, nhu cầu thoả mãn về BHXH đối với người lao động càng được nâng cao. Đồng thời khi kinh tế – xã hội phát triển, người lao động và người sử dụng lao động sẽ có thu nhập cao hơn, do đó họ càng có điều kiện tham gia và đóng góp BHXH…

3. Nguồn hình thành quỹ bảo hiểm xã hội

Quỹ BHXH được hình thành chủ yếu từ các nguồn sau đây:

  • Người sử dụng lao động đóng góp;
  • Người lao động đóng góp;
  • Nhà nước đóng và hỗ trợ thêm;
  • Các nguồn khác (như cá nhân và các tổ chức từ thiện ủng hộ, lãi do đầu tư phần quỹ nhàn rỗi).

Trong nền kinh tế hàng hoá, trách nhiệm tham gia đóng góp BHXH cho người lao động được phân chia cho cả người sử dụng lao động và người lao động trên cơ sở quan hệ lao động. Điều này không phải là sự phân chia rủi ro, mà là lợi ích giữa hai bên. Về phía người sử dụng lao động, sự đóng góp một phần BHXH cho người lao động sẽ tránh được thiệt hại kinh tế do phải chi ra một khoản tiền lớn khi có rủi ro xảy ra đối với người lao động mà mình thuê mướn. Đồng thời nó cũng giúp phần giảm bớt tình trạng tranh chấp, kiến tạo được mối quan hệ tốt đẹp giữa chủ – thợ. Về phía người lao động, sự đóng góp một phần để BHXH cho mình vừa biểu hiện sự tự gánh chịu trực tiếp rủi ro của chính mình, vừa có ý nghĩa ràng buộc nghĩa vụ và quyền lợi một cách chặt chẽ.

Mối quan hệ chủ – thợ trong BHXH thực chất là mối quan hệ lợi ích. Vì thế, cũng như nhiều lĩnh vực khác trong quan hệ lao động, BHXH không thể thiếu được sự tham gia đóng góp của Nhà nước. Trước hết các luật lệ của Nhà nước về BHXH là những chuẩn mực pháp lý mà cả người lao động và người sử dụng lao động đều phải tuân theo, những tranh chấp chủ – thợ trong lĩnh vực BHXH có cơ sở vững chắc để giải quyết. Ngoài ra, bằng nhiều hình thức, biện pháp và mức độ can thiệp khác nhau, Nhà nước không chỉ tham gia đóng góp và hỗ trợ thêm cho quỹ BHXH, mà còn trở thành chỗ dựa để đảm bảo cho hoạt động BHXH chắc chắn và ổn định.

Phần lớn các nước trên thế giới, quỹ BHXH đều được hình thành từ các nguồn nêu trên. Tuy nhiên, phương thức đóng góp và mức đóng góp của các bên tham gia BHXH có khác nhau.

Về phương thức đóng góp BHXH của người lao động và người sử dụng lao động hiện vẫn còn 2 quan điểm. Quan điểm thứ nhất cho rằng, phải căn cứ vào mức lương cá nhân và quỹ lương của cơ quan, doanh nghiệp. Quan điểm thứ hai lại nêu lên, phải căn cứ vào mức thu nhập cơ bản của người lao động được cân đối chung trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân để xác định mức đóng góp.

Về mức đóng góp BHXH, một số nước quy định người sử dụng lao động phải chịu toàn bộ chi phí cho chế độ tai nạn lao động, Chính phủ trả chi phí y tế và trợ cấp gia đình, các chế độ còn lại cả người lao động và người sử dụng lao động cùng đóng góp mỗi bên một phần bằng nhau. Một số nước khác lại quy định, Chính phủ bù thiếu cho quỹ BHXH hoặc chịu toàn bộ chi phí quản lý BHXH…

Mức đóng góp BHXH ở một số nước trên thế giới (Nguồn: BHXH ở một số nước trên thế giới)

 Tên nước Chính phủ Tỷ lệ đóng góp của người lao động so với tiền lương (%) Tỷ lệ đóng góp của người sử dụng lao động so với quỹ lương (%)
CHLB Đức Bù thiếu 14,8 ÷ 18,8 16,3 ÷ 22,6
CH Pháp Bù thiếu 11,82 19,68
Inđônêxia Bù thiếu 3,0 6,5
Philipin Bù thiếu 2,85 ÷ 9,25 6,85 ÷ 8,05
Malaixia Chi toàn bộ chế độ ốm đau, thai sản 9,5 12,75

Mức đóng góp BHXH thực chất là phí BHXH. Phí BHXH là yếu tố quyết định sự cân đối  thu  chi  quỹ  BHXH.  Vì  vậy,  quỹ  này  phải  được  tính  toán  một  cách khoa học.

Trong thực tế, việc tính phí BHXH là một nghiệp vụ chuyên sâu của BHXH và người ta thường sử dụng các phương pháp toán học khác nhau để xác định. Khi tính phí BHXH, có thể có những căn cứ tính toán khác nhau:

  • Dựa vào tiền lương và thang lương để xác định mức trợ cấp BHXH, từ đó có cơ sở xác định mức phí đóng.
  • Quy định mức phí BHXH trước rồi từ đó xác định mức hưởng.
  • Dựa vào nhu cầu khách quan của người lao động để xác định mức hưởng, rồi từ mức hưởng BHXH này có thể xác định được mức phí phải đóng.

4. Mục đích sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội

– Quỹ BHXH được sử dụng chủ yếu để chi trả cho các mục đích sau đây:

  • Chi trợ cấp cho các chế độ BHXH;
  • Chi phí cho sự nghiệp quản lý BHXH;
  • Chi đầu tư tăng trưởng quỹ

Trong 3 nội dung chi nêu trên thì chi trả trợ cấp BHXH theo các chế độ là lớn nhất và quan trong nhất. Khoản chi này được thực hiện theo luật định và phụ thuộc vào phạm vi trợ cấp của từng hệ thống BHXH. Về nguyên tắc, có thu mới có chi, thu trước chi sau. Vì vậy, quỹ chỉ chi cho các chế độ trong phạm vi có nguồn thu. Thu của chế độ nào thì chi ở chế độ đó.

Theo khuyến nghị của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) đã nêu trong Công ước số 102 tháng 6 năm 1952 tại Giơnevơ, hệ thống các chế độ BHXH bao gồm:

  1. Chăm sóc y tế;
  2. Trợ cấp ốm đau;
  3. Trợ cấp thất nghiệp;
  4. Trợ cấp tuổi già;
  5. Trợ cấp tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp;
  6. Trợ cấp gia đình;
  7. Trợ cấp sinh đẻ;
  8. Trợ cấp khi tàn phế;
  9. Trợ cấp cho người cũn sống (trợ cấp mất người nuôi dưỡng).

9 chế độ trên hình thành một hệ thống các chế độ BHXH. Tuỳ điều kiện kinh tế – xã hội mà mỗi nước tham gia công ước Giơnevơ thực hiện khuyến nghị đó ở mức độ khác nhau, nhưng ít nhất phải thực hiện được 3 chế độ. Trong đó, ít nhất phải có một trong năm chế độ: (3); (4); (5); (8); (9).

– Hệ thống các chế độ BHXH có những đặc điểm chủ yếu sau đây:

  • Các chế độ được xây dựng theo luật pháp mỗi nước.
  • Hệ thống các chế độ mang tính chất chia sẻ rủi ro, chia sẻ tài chính.
  • Mỗi chế độ được chi trả đều căn cứ chủ yếu vào mức đóng góp của các bên tham gia
  • Phần lớn các chế độ là chi trả định kỳ.
  • Đồng tiền được sử dụng làm phương tiện chi trả và thanh quyết toán.
  • Chi trả BHXH như là quyền lợi của mỗi chế độ
  • Mức chi trả còn phụ thuộc vào quỹ dự trữ. Nếu quỹ dự trữ được đầu tư có hiệu quả và an toàn thì mức chi trả sẽ cao và ổn định.
  • Các chế độ BHXH cần phải được điều chỉnh định kỳ để phản ánh hết sự thay đổi của điều kiện kinh tế – xã hội.

– Tuy nhiên, quá trình sử dụng quỹ BHXH mà phần sử dụng nhiều nhất là để chi trả cho các chế độ còn phụ thuộc vào việc thành lập quỹ BHXH theo phương thức nào?

  • Nếu chỉ thành lập một quỹ BHXH tập trung thống nhất thì việc chi trả cũng phải đảm bảo tính thống nhất theo các nội dung chi. Điều đó có nghĩa là, tất cả các nguồn thu BHXH đều được tập trung để hình thành một quỹ, sau đó quỹ được sử dụng để chi trả theo các chế độ, chi quản lý và đầu tư. Phương thức này rất đơn giản và tác dụng chủ yếu là quản lý quỹ được tập trung, cho nên dễ dàng điều tiết giữa các chế độ BHXH trong quá trình chi trả.
  • Nếu quỹ BHXH được hình thành theo 2 loại: Quỹ BHXH ngắn hạn và quỹ BHXH dài hạn thì việc chi trả và quản lý chi sẽ cụ thể hơn. Quỹ BHXH ngắn hạn được chi cho các chế độ ngắn hạn như: Ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Nguồn quỹ này sẽ được cân đối từng năm, thậm chí có thể được hình thành ngay trong từng doanh nghiệp để chi trả trực tiếp. Quỹ BHXH dài hạn được sử dụng để chi trả cho các chế độ dài hạn như: hưu trí, tử tuất. Nguồn quỹ này phải được cân đối trong nhiều năm và dùng tài khoản cá nhân trong quá trình chi trả là có hiệu quả nhất. Phương thức này đảm bảo cho công tác chi trả sát thực tế và đúng mục đích hơn. Đồng thời, cũng tạo điều kiện cho người lao động thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia các chế độ BHXH dài hạn.
  • Nếu quỹ BHXH được thành lập theo từng chế độ: quỹ ốm đau, quỹ thai sản, quỹ hưu trí… (hay còn gọi là quỹ BHXH thành phần), thì việc chi trả sẽ càng trở nên đơn giản và đảm bảo đúng mục đích.

Nội dung chi trả gắn liền với nội dung kinh tế – xã hội của từng chế độ hoặc từng nhóm chế độ. Cụ thể:

– Đối với chế độ hưu trí và tử tuất

Việc chi trả bắt nguồn từ việc bảo hiểm thu nhập cho người lao động khi già yếu, hết tuổi lao động và qua đời mà bất kỳ người lao động nào cũng phải trải qua. Muốn được chi trả, người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia đóng góp. Quyền lợi được hưởng tương ứng với mức đóng góp phí BHXH của từng người lao động. Phí BHXH nộp cho các chế độ hưu trí và tử tuất được cơ cấu vào tiền lương, tiền công và được hạch toán vào giá thành sản phẩm để tạo nguồn tài chính cho người lao động, người sử dụng lao động đóng góp.

– Đối với các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp

Nội dung chi trả bắt nguồn từ việc ổn định sản xuất kinh doanh, ổn định kinh tế cho người sử dụng lao động và ổn định cuộc sống cho người lao động khi họ bị ốm đau, tai nạn hoặc thai sản. Để có quỹ chi trả, cả người sử dụng lao động và người lao động đều phải có trách

nhiệm đóng phí. Số phí này cũng phải được hạch toán đầy đủ vào giá thành sản phẩm để tạo nguồn tài chính nộp phí bảo hiểm. Trợ cấp cho các chế độ này thường diễn ra trong một không gian và thời gian nhất định nhưng lại mang tính trực tiếp và ngắn hạn. Chính vì vậy, mỗi chế độ có thể hình thành một quỹ và mỗi loại quỹ sẽ được hạch toán độc lập, bảo tồn và tăng trưởng. Phương thức này có ưu điểm là dễ dàng cân đối thu chi, từ đó góp phần xác định mức đóng và mức hưởng trong từng chế độ một cách chính xác.

– Mức trợ cấp Bảo hiểm xã hội phụ thuộc vào nhiều yếu tố:

  • Tình trạng mất khả năng lao động;
  • Tiền lương lúc đang đi làm;
  • Ngành công tác và thời gian công tác;
  • Tuổi thọ bình quân của người lao động;
  • Điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.

Tuy nhiên, về nguyên tắc mức trợ cấp BHXH phải thấp hơn mức lương lúc đang đi làm, nhưng thấp nhất cũng phải đảm bảo mức sống tối thiểu.

Tóm lược:

Quỹ BHXH được hình thành chủ yếu từ sự đóng góp của người lao động, người sử dụng lao động và ngoài ra còn được Nhà nước bù thiếu. Quỹ được sử dụng chủ yếu cho các mục đích: chi trả trợ cấp theo các chế độ; chi phí quản lý và đầu tư tăng trưởng quỹ. Quỹ BHXH được quản lý theo cơ chế cân bằng thu chi, phần quỹ nhàn rỗi phải được đầu tư tăng trưởng để đảm bảo an toàn quỹ.

(Nguồn: neu.topica.vn)

Chủ đề