Quy trình công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi

Phân biệt các loại TĂCN

TĂCN được định nghĩa là những sản phẩm có nguồn gốc thực vật, động vật, vi sinh vật, khoáng vật, những sản phẩm hóa học, công nghệ sinh học… có vai trò cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho vật nuôi, đảm bảo cho con vật khỏe mạnh, sinh trưởng, sinh sản và phát triển bình thường trong một thời gian dài nhất định. Thức ăn đóng vai trò rất quan trọng và chiếm 65 - 70% giá thành của sản phẩm chăn nuôi.

Hiện nay có sự đa dạng trong kiểu loại thức ăn và phân loại theo nhiều dạng khác nhau như theo cách sử dụng thức ăn, gồm có thức ăn dạng bột, thức ăn dạng viên, thức ăn dạng mảnh, thức ăn dạng lỏng, thức ăn hỗn hợp và thức ăn đậm đặc. Nếu phân loại theo nguồn gốc của nguyên liệu sử dụng thì có thức ăn tinh, thức ăn xanh, thức ăn thô và thức ăn công nghiệp. Ngoài ra, việc phân loại cũng có thể theo loại vật nuôi như thức ăn cho gà, thức ăn cho bò, thức ăn cho heo…

Các công nghệ sản xuất hiện nay

Công nghệ truyền thống

Người chăn nuôi chủ yếu sử dụng các nguyên liệu thức ăn xanh là các loại rau xanh, cây họ đậu, cỏ tươi. Việc cho ăn trực tiếp các loại thức ăn này có ưu điểm là cách làm đơn giản, không đòi hỏi thời gian chế biến nên thuận tiện, dễ tìm kiếm. Tuy nhiên, nhược điểm của những loại thức ăn này là dễ gây nhiễm bệnh ký sinh trùng, có hàm lượng đạm thấp hơn so với các loại thức ăn có nguồn gốc động vật và việc bảo quản trong thời gian ngắn.

Công nghệ cải tiến

Các nguyên liệu TĂCN được sản xuất, chế biến thông qua một số phương pháp gia công như: nghiền, kết hột, ép miếng, ngâm và làm ẩm, nấu hoặc rang, hoặc xử lý sinh học qua lên men, ủ chua. Với các loại thức ăn sau khi được nghiền nát, cần chú ý đến độ vỡ thích hợp, không nên xay nghiền quá nhỏ và chú ý về thời gian bảo quản không quá dài. Thức ăn dạng kết hột thường được chế biến bằng cách hấp hơi. Ưu điểm của cách làm này là tận dụng được hết thức ăn, hợp khẩu vị, nâng cao hiệu quả tiêu hóa. Kết hột giúp tăng hàm lượng tinh bột và các chất dinh dưỡng khác có trong thức ăn. Tuy nhiên, nhược điểm là giá thành tương đối cao, thức ăn có hàm lượng chất béo cao (10 - 16%) chất lượng kết hột kém, được chế biến trong môi trường nhiệt độ cao làm mất đi một số vitamin và enzyme chứa trong thức ăn. Công nghệ ép miếng thường được dùng trong chê biến lương thực như ngô, bã các loại. Đối với các loại cây lương thực, trước hết là dùng hơi nước làm trương và mềm thức ăn, sau đó vào máy ép, tiến hành ép thành các tấm thức ăn với độ dày thích hợp. Thức ăn được chế biến theo phương pháp này không chỉ có giá trị dinh dưỡng cao, hợp khẩu vị, nâng cao hiệu quả tiêu hóa và tăng cường các enzyme cần thiết cho cơ thể. Phương pháp ngâm và làm ẩm thường được dùng đối với các thức ăn có vỏ cứng, hàm lượng chất béo cao. Các cây họ đậu, cây chứa dầu, cây lương thực... sau khi được ngâm nước, trương lên, các chất độc chứa trong thức ăn hoặc mùi vị khó chịu được giảm bớt, giúp tăng hương vị thức ăn, dễ nhai nuốt, nâng cao hiệu quả tiêu hóa. Công nghệ nấu thức ăn có ưu điểm là giúp tăng mùi vị cho thức ăn. Tuy nhiên, đối với những loại thức ăn có chứa nhiều protein, không nên nấu ở nhiệt độ cao trong thời gian dài, thông thường chỉ nên nấu trong khoảng 20 phút ở nhiệt độ 1300C. Nếu nhiệt độ quá cao, thời gian dài sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng protein chứa trong thức ăn, làm giảm giá trị dinh dưỡng, mất các vitamin cần thiết. Công nghệ rang giúp tinh bột được chuyển hóa thành tinh hồ, mùi vị thơm ngon. Mặc dù khi rang có thể loại bớt được các phân tử ức chế protease và kháng dinh dưỡng chứa trong thức ăn, các độc tố, vi khuẩn có hại chứa trong thức ăn nhưng đồng thời cũng làm mất đi một lượng lớn vitamin cần thiết. Công nghệ xử lý sinh học sử dụng những vi sinh vật gốc, enzyme và các vật trung gian trao đổi chất để chế biến thức ăn, hay nói cách khác là lợi dụng quá trình lên men vi sinh vật để chế biến thức ăn. Công nghệ sinh học trong sản xuất thức ăn giúp tận dụng các sản phẩm phụ nông nghiệp và công nghiệp nhẹ làm thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao. Thức ăn lên men chủ yếu được sử dụng trong chăn nuôi động vật dạ dày đơn, thức ăn phối trộn được dùng cho chăn nuôi động vật nhai lại.

Công nghệ hiện đại trong thức ăn công nghiệp

Công nghệ sản xuất TĂCN theo hướng công nghiệp đòi hỏi phải khắt khe và nghiêm ngặt trong quá trình sản xuất nhằm đảm bảo được sự bền vững của thức ăn và thành phần phối trộn không bị thay đổi qua quy trình sản xuất cũng như giữ được chất lượng trong quá trình vận chuyển, sử dụng và bảo quản. Công nghệ này tiến hành qua một số khâu gồm: Chọn nguyên vật liệu - làm sạch, sơ chế - phối trộn theo tỷ lệ đã tính toán sẵn - hệ thống máy móc để chế biến - đóng bao, ghi nhãn hiệu - tiêu thụ. Hiện chăn nuôi quy mô tập trung, công nghiệp đang phát triển mạnh, trong khi đó thức ăn công nghiệp mới đáp ứng được 65 - 70% nhu cầu của thị trường. Do đó, nhu cầu TĂCN, nhất là thức ăn công nghiệp là rất lớn và ngày một tăng trong khi các dây chuyền sản xuất thức ăn đồng bộ cho chăn nuôi còn hạn chế.

Kết luận

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng trong chăn nuôi những năm gần đây, thì việc lựa chọn thức ăn an toàn cho vật nuôi cũng rất quan trọng. Ngoài việc áp dụng tốt các khâu về an toàn sinh học, người chăn nuôi cũng được khuyến cáo tăng cường sử dụng các sản phẩm thức ăn chế biến theo công nghệ cải tiến trong các thời điểm thích hợp để phòng ngừa và hạn chế lây lan bệnh.

Thức ăn chăn nuôi là những sản phẩm có nguồn gốc thực vật, động vật, vi sinh vật, khoáng vật, những sản phẩm hóa học, công nghệ sinh học…, những sản phẩm này cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho con vật theo đường miệng, đảm bảo cho con vật khỏe mạnh, sinh trưởng, sinh sản và sản xuất bình thường trong một thời gian dài.

Dựa trên phương pháp chế biến, thức ăn chăn nuôi gồm:
     - Thức ăn dạng bột

     - Thức ăn dạng viên

Tại Việt Nam hiện đã có nhiều tập đoàn sản xuất thức ăn chăn nuôi với quy trình và thiết bị công nghệ hiện đại, đáp ứng được yêu cầu về chất lượng sản phẩm; Đồng thời, đây cũng là những thương hiệu uy tín, lâu năm được người nuôi trồng tín nhiệm như Grobest, UP, Skretting, Thăng Long…

Để sản xuất thức ăn chăn nuôi  chúng ta cần :

1. Thiết lập khẩu phần ăn

Trước khi bắt tay vào sản xuất, việc tiến hành thiết lập khẩu phần ăn là một bước quan trọng nhằm đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu dinh dưỡng, đáp ứng được các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng hiệu quả sử dụng và thời gian bảo quản thức ăn, từ đó tiết kiệm chi phí sản xuất.

Thức ăn của vật nuôi bao gồm 5 khẩu phần chính: tối thiểu, tương đối, thực tế, đầy đủ và bổ sung. Trước khi tiến hành sản xuất thức ăn, để phối hợp khẩu phần đạt kết quả tốt, đảm bảo cân đối dinh dưỡng cho vật nuôi và có giá thành hợp lý mang lại hiệu quả cho người nuôi, cần tuân thủ các nguyên tắc sau: Xác định nhu cầu dinh dưỡng của từng loại động vật; lựa chọn nguyên liệu phối hợp; tính toán giá cả và tìm hiểu tính sẵn có của nguyên liệu; tính toán phương pháp tổ hợp khẩu phần.

2. Quy trình sản xuất

Sản xuất thức ăn chăn nuôi đòi hỏi phải khắt khe và nghiêm ngặt trong quá trình sản xuất nhằm đảm bảo được sự bền vững của thức ăn và thành phần phối trộn không bị thay đổi qua quy trình sản xuất cũng như giữ được chất lượng trong quá trình vận chuyển, sử dụng và bảo quản. Thông thường một quy trình sản xuất thức ăn chăn nuôi gồm các bước theo bảng sau.

Một số thiết bị cơ bản cần thiết trong quá trình sản xuất gồm có: bộ phận nghiền, trộn, chuyền động và băng tải, máy ép viên, bộ phận phun, lò hơi, hệ thống sấy, làm mát, đóng bao.

3. Hệ thống nghiền nguyên liệu

 Nghiền nhằm làm nhỏ nguyên liệu, giúp tăng khả năng tiếp xúc lẫn nhau trong quá trình trộn ép viên và tăng khả năng tiêu hóa. Có nhiều loại máy nghiền khác nhau trên thị trường hiện nay; đĩa nghiền và búa nghiền là bộ phận nghiền được sử dụng phổ biến trong các nhà máy sản xuất thức ăn. Đối với loại đĩa nghiền thức ăn được nghiền ép giữa hai đĩa có bề mặt thô, một trong hai đĩa hay cả hai đĩa sẽ quay ép. Nhược điểm là không thể nghiền nhỏ mịn các loại nguyên liệu. Búa nghiền bao gồm các búa chuyển động hoặc không chuyển động dập vào rotor. Các búa này sẽ nghiền nhỏ tất cả các nguyên liệu và được phân kích cỡ qua màn sàng lưới bằng thép. Các tấm sàng bằng thép này có các lỗ tùy thuộc vào kích cỡ mong muốn.

4. Hệ thống trộn

Máy trộn thức ăn có nhiệm vụ khuấy trộn các thành phần thức ăn đã được định mức theo một tỷ lệ thích hợp tạo thành hỗn hợp đồng nhất. Nhìn chung thành phần nguyên liệu khô được trộn trước sau đó mới tiếp tục trộn đến các nguyên liệu dạng ướt. Việc trộn có thể được thực hiện một lần hay nhiều lần theo từng mẻ trộn. Thức ăn hỗn hợp được trộn đều giúp bổ sung dưỡng chất, mùi vị cho nhau giữa các thành phần nguyên liệu. Đồng thời, trộn thức ăn còn làm tăng cường phản ứng hóa học hay sinh học khi chế biến thức ăn. Thông thường trong công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi người ta thường sử dụng máy trộn vít đứng và máy trộn vít nằm ngang hay máy trộn ngang với bộ phận trộn hình mái chèo, ruy băng (ribbon).

5. Hệ thống ép viên

Là hình thức nén các thành phần hay hỗn hợp nguyên liệu đã trộn để tạo ra hình dạng viên thức ăn bền vững đáp ứng được yêu cầu dinh dưỡng của động vật chăn nuôi. Việc nén ép các nguyên liệu làm cho thức ăn đạt chất lượng tốt nhất. Hệ thống ép viên thường bao gồm các loại thiết bị: thùng nhận nguyên liệu, thiết bị ép viên, bộ phận làm nguội, nghiền, sàng và bộ phận chứa. Trong ép viên một bàn lỗ và trục cán được lắp ráp với nhau. Các vật liệu sau khi trộn được đưa qua bàn ép có chứa các lỗ và bị trục cán ép thành viên. Sử dụng hơi nước, nhiệt và áp lực để tạo lực kết dính các nguyên liệu nhằm sản xuất các viên đồng đều kích thước. Trong chăn nuôi động vật, tùy theo tập tính dinh dưỡng của vật nuôi mà có 2 dạng là dạng viên chìm cho tôm, động vật ăn đáy (công nghệ ép viên nén) và dạng viên nổi cho thức ăn cá (công nghệ ép đùn).

Ép viên nén: Trong ép viên nén hỗn hợp trộn được làm nóng đến nhiệt độ khoảng 850C, độ ẩm 16% trong thời gian 5 - 20 giây, sau đó hỗn hợp được nén qua bàn lỗ bằng kim loại. Nhiệt độ và thời gian của từng công đoạn thay đổi tùy theo thiết bị và thành phần nguyên liệu. Thiết bị ép này thường được sử dụng để ép viên thức ăn dạng chìm cho tôm. Các yếu tố ảnh hưởng đến viên ép nén là công thức thức ăn; thành phần muối khoáng; độ mịn của hạt nguyên liệu; độ hồ hóa nguyên liệu trước khi ép viên; khuôn ép; tốc độ quay của rotor; tốc độ thức ăn đi qua máy; áp lực của không khí. Chất lượng của viên thức ăn ép nén lệ thuộc vào 40% công thức thức ăn (nhất là hàm lượng chất béo); 20% độ mịn của nguyên liệu; 20% hồ hóa nguyên liệu; 15% khuôn ép và 5% làm nguội và sấy khô (Độ ẩm cao làm viên thức ăn bị mềm, độ ẩm không thích hợp làm viên thức ăn dễ bị vụn).

Ép đùn: Là công nghệ ép viên ở áp lực và nhiệt độ cao để tạo viên. Áp lực nén cao tạo ra áp lực lớn trên viên thức ăn và khi ra khuốn ép, viên thức ăn sẽ nở. Nhiệt độ cao 120 - 1250C giúp hồ hóa hoàn toàn tinh bột. Khi làm nguội chúng chỉ chiếm khoảng 0,25 - 0,3 g/cm3 vì thế viên thức ăn có thể nổi được. Công nghệ ép đùn có nhiều ưu điểm như: hồ hóa tinh bột tốt hơn; dễ kiểm soát nhờ tự động hóa; có khả năng bất hoạt một số yếu tố kháng dinh dưỡng trong nguyên liệu; khử trùng được các loại vi khuẩn, nấm mốc có trong thức ăn; quá trình ép viên sẽ làm giảm 50% lượng nước trong nguyên liệu; giúp nấu chín thức ăn làm tăng độ tiêu hóa protein và năng lượng. Việc lựa chọn máy ép đùn thường phụ thuộc vào các yếu tố: nguyên liệu sử dụng để chế biến thức ăn; loại thức ăn cần sản xuất; công suất sản xuất; chi phí đầu tư ban đầu và chi phí vận hành. Thức ăn viên ép đùn với nhiều lợi thế hơn và được nghiên cứu trong việc thay thế thức ăn viên nén đối với tôm thẻ chân trắng cũng cho kết quả tốt hơn. Do đó, công nghệ ép đùn hiện nay được sử dụng phổ biến hơn trong sản xuất thức ăn chăn nuôi.

6. Bảo quản thức ăn

Thức ăn sau khi sản xuất phải được bảo quản tại kho chứa thành phẩm của cơ sở sản xuất và phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu theo quy định để đảm bảo chất lượng thức ăn. Quá trình lưu trữ thức ăn có thể làm cho thức ăn bị hư hỏng giảm phẩm chất. Vì vậy, thời gian bảo quản tốt nhất cho thức ăn luôn phải được xác định. Sau đó, tiến hành phân phối thức ăn đến các cơ sở nuôi…

Ms. Thắm: 0393.923.563
Mr. Hoàng: 0987.904.052

Video liên quan

Chủ đề