Top nhung nuoc co cong xuong lon nhat the gioi

Trong ba thập niên gần đây, các nước phương Tây đã chuyển các ngành nghề sản xuất nặng nhọc, độc hại cho con người và môi trường, sử dụng nhiều lao động không có tay nghề cao sang Trung Quốc. Đất nước đông dân nhất thế giới này có ưu thế cực lớn là có lực lượng lao động khổng lồ hàng trăm triệu người với mức lương bèo bọt, mang lại lợi nhuận rất lớn cho các doanh nghiệp phương Tây.

Hàng năm, Trung Quốc cung cấp một khối lượng hàng hóa khổng lồ trị giá 2.000 tỉ USD cho nhu cầu tiêu dùng của các nước (Năm 2019 là 2.465 tỉ USD, theo số liệu của World Top Exports).

Khi "rổ trứng" Trung Quốc bị vỡ

Mọi việc vẫn ổn cho đến khi dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc vào cuối năm 2019. Đại dịch đã làm các ngành sản xuất dịch vụ ở Trung Quốc bị đình trệ hàng mấy tháng liền và gây ra sự thiếu hụt hàng hóa trầm trọng ở nhiều nước trên thế giới. Các nước phương Tây mới nhìn ra một sự thật phũ phàng là họ đã quá lệ thuộc vào cái “công xưởng của thế giới” này.

Giới kinh doanh phương Tây đã quên câu ngạn ngữ “Không bao giờ xếp tất cả trứng vào cùng một rổ”, họ đã dốc túi đầu tư vào Trung Quốc mà không tính đến phương án dự phòng khi chuỗi cung ứng toàn cầu - khởi nguồn từ Trung Quốc - bị gián đoạn bất ngờ. Giờ đây, các nước phương Tây đã tỉnh ngộ và đang nỗ lực tìm nguồn cung có đủ khả năng thay thế vai trò hiện nay của Trung Quốc.

Các yếu tố khác quan trọng khác cũng góp phần làm cho giới đầu tư và doanh nghiệp phương Tây phải e dè khi muốn tiếp tục làm ăn với Trung Quốc. Yếu tố thứ nhất là cuộc thương chiến Mỹ-Trung đang ngày căng thẳng với những đòn đánh ác liệt của người Mỹ làm cho việc kinh doanh thêm khó khăn. Yếu tố thứ hai, với mục đích nâng cao mức sống người lao động để tránh bất ổn xã hội, trong thập niên qua, chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần ban hành các quy định nâng cao mức lương tối thiểu làm chi phí nhân công ở nước này không còn hấp dẫn nữa.

Theo The Diplomat, mức lượng tối thiểu ở Trung Quốc đã tăng 80% so với năm 2010. Do vậy, hiện thời giá thành sản xuất hàng hóa ở Trung Quốc chỉ còn rẻ hơn so với hàng sản xuất ở Mỹ có 4%, một sự chênh lệch không đáng kể. Trung Quốc thu hút được đầu tư của phương Tây là nhờ vào giá nhân công rẻ, nay ưu thế này không còn thì các nhà đầu tư cũng không còn mặn mà làm ăn ở đây nữa là chuyện đương nhiên.

Tất cả những yếu tố vừa nêu buộc giới doanh nghiệp phương Tây phải tính đến việc tìm nguồn cung thay thế cho Trung Quốc. Theo nghiên cứu của hãng Deloitte về những ứng viên triển vọng để thay thế Trung Quốc, dựa trên các tiêu chí: Chí phí sản xuất ở quốc gia đó thấp (lương công nhân rẻ), dân số có độ tuổi bình quân trẻ, có chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn, hệ thống hạ tầng giao thông tốt, cung ứng được đầy đủ nhu cầu về lực lượng nhân sự có chuyên môn cao, có sự phổ cập về giáo dục toàn dân để lực lượng lao động phổ thông đạt được trình độ học vấn tối thiểu đáp ứng yêu cầu công việc, có thị trường tiêu dùng nội địa lớn và mức tăng trưởng kinh tế tốt.

Theo đánh giá của Deloitte, hiện có năm ứng viên đầy triển vọng là Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam, Deloitte gọi nhóm này là"Mighty Five" hay MITI-V và cho rằng năm quốc gia này sẽ là những ứng viên thay thế cho Trung Quốc .

Cơ hội cho Ấn Độ ra sao?

Trong đó, Ấn Độ xếp hàng đầu nhóm MITI-V với việc đáp ứng được phần lớn các tiêu chí đề ra của giới đầu tư, giữ vị trí thứ 11 trong bảng xếp hạng 15 quốc gia có nền sản xuất có sức cạnh tranh cao nhất thế giới.

Người Ấn cũng đã nhanh chóng nhìn ra thời cơ vàng để thay thế vai trò của Trung Quốc và họ quyết không bỏ lỡ. Trong việc này, Ấn Độ có những ưu điểm so với Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.

Với dân số 1,3 tỉ người, Ấn Độ có lực lượng dân số ở độ tuổi lao động rất lớn (494 triệu) và dân số lại có độ tuổi bình quân khá trẻ (28,4 tuổi) so với dân số Trung Quốc đã bước vào thời kỳ lão hóa (38,4 tuổi).

Vốn là cựu thuộc địa của Anh, nên tiếng Anh là ngôn ngữ rất phổ biến ở Ấn, điều này tạo nhiều thuận lợi trong giao tiếp và đào đạo nhân lực. Nguồn nhân lực Ấn lại có ưu thế mà ít nước có được là rất giỏi về quản trị kinh doanh và công nghệ thông tin. Các CEO của những tập đoàn lừng danh của Mỹ như Sundar Pichai của Google, Satya Nadella của Microsoft, Arvind Krishna của IBM, Vivek Sankaran của Albertsons, Sanjay Mehrotra của Micron Technology, Ajaypal Singh Banga của MasterCard, Shantanu Narayan của Adobe, Indra Nooyi của PepsiCo (vừa về hưu sau 12 năm giữ chức vụ CEO),… đều là người gốc Ấn, trong đó có năm người sinh ra tại Ấn Độ.

Cách đây hai thập niên, Ấn là nước đầu tiên trên thế giới được các tập đoàn công nghệ Mỹ thuê gia công lập trình ứng dụng, một việc mà mãi về sau này Trung Quốc mới làm được. Một yếu tố quan trọng khác là so với Trung Quốc, Ấn Độ có thể chế chính trị hợp với "khẩu vị” của giới doanh nghiệp phương Tây hơn.

Chính phủ Ấn Độ quyết tâm vươn lên để cạnh tranh vai trò cường quốc kinh tế với người láng giềng Trung Quốc, trước mắt là làm theo những gì Trung Quốc đã thực hiện rất thành công vào thập niên 1990 để thu hút đầu tư nước ngoài. Chính phủ Ấn đã cải tổ các chính sách thu hút đầu tư và ban hành thêm nhiều ưu đãi mới khá hấp dẫn.

Tuy vậy, mọi chuyện không phải là hoàn toàn thuận lợi và suôn sẻ cho người Ấn. Không chỉ trong một sớm một chiều mà Ấn Độ (và nhóm Mighty Five, trong đó có Việt Nam) có thể nhanh chóng thay thế vai trò quan trọng của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ấn Độ phải khắc phục được những nhược điểm mang tính cơ bản của đất nước đông dân thứ hai thế giới này. Đó là vấn đề đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đáp ứng được yêu cầu của giới đầu tư phương Tây, Ấn Độ có lực lượng lao động dồi dào nhưng trình độ lại chênh lệch khá xa. Hạ tầng giao thông hiện nay của Ấn cũng cần được nâng cấp và xây dựng thêm.

Một vấn nạn khác là sự phân biệt giai cấp rất nặng nề của xã hội Ấn, sự chia rẽ trầm trọng về sắc tộc và tôn giáo, gây ảnh hưởng đến việc tuyển dụng, gây ra nhiều phức tạp trong bố trí môi trường làm việc và tinh thần hợp tác trong công việc.

Ấn Độ cũng chưa có được một “hệ sinh thái kinh tế” (ecosystem) hoàn chỉnh tương tự như của Trung Quốc, cung ứng đầy đủ lực lượng lao động có tay nghề, nguồn nguyên phụ liệu dồi dào, dịch vụ giao nhận vận chuyển thông suốt, máy móc thiết bị hiện đại đủ sức đáp ứng cho hoạt động thông suốt của những hãng xưởng, nhà máy của giới đầu tư nước ngoài tại Ấn.

Thuận lợi tuy nhiều nhưng khó khăn cũng không ít, vấn đề là người Ấn có khai thác thành công thời cơ đang đến để vươn lên tầm cường quốc kinh tế thế giới mà thôi.