Trình bày cách thức tổ chức một trò chơi học tập trong các môn Tự nhiên Xã hội cho Ví dụ minh hòa

A. PHẦN MỞ ĐẦU

     I . LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI:

- Trong xu thế đổi mới của nền giáo dục nước nhà. Giáo dục Tiểu học đang tạo ra những chuyển dịch định hướng có giá trị. Cùng với 5 môn học khác Tự nhiên - Xã hội là một môn học có nhiều sự đổi mới.

- Môn Tự nhiên - Xã hội ở bậc Tiểu học được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ lớp 1 đến lớp 3, giai đoạn 2 từ lớp 4 đến lớp 5 - nó có một vai trò cực kì quan trọng đó là: Tìm hiểu khám phá thế giới Tự nhiên - Xã hội xung quanh chúng ta và cách chăm sóc sức khoẻ cho mình, cho cộng đồng.

- Mỗi môn học có một sắc thái riêng. Môn Tự nhiên - Xã hội cũng vậy. Tuy bản chất là cung cấp những kiến thức Tự nhiên - Xã hội có xung quanh chúng ta song trong sách giáo khoa lớp 3 không đưa ra kiến thức đóng khung có sẵn mà là một hệ thống các hình ảnh bên cạnh các lệnh yêu cầu học sinh thực hiện. Học sinh muốn chiếm lĩnh tri thức không thể khác là thực hiện tốt các lệnh trong sách giáo khoa. Vậy một tiết học Tự nhiên - Xã hội ở lớp 3 được tiến hành ra sao?

- Cho dù giáo viên đều tích cực đổi mới phương pháp dạy học thì một tiết Tự nhiên - Xã hội vẫn diễn ra tẻ nhạt trầm lắng với các hoạt động khó khổ cho học sinh đó là quan sát, đàm thoại và tổng hợp. Với rất nhiều tranh ảnh đẹp giàu màu sắc. Các em được lôi kéo vào xem một cách rất hồn nhiên. Nhưng yêu cầu quan sát tập trung đưa ra một vấn đề trọng tâm nhằm đạt được mục tiêu của bài học thì các em rất dễ nản. Nếu tiết Tự nhiên - Xã hội nào cũng lặp lại các lệnh: Quan sát, Đàm thoại, Mô tả...thì rất dễ làm các em mệt mỏi. Điều đó đòi hỏi giáo viên cần có sự thay đổi linh hoạt các hình thức tổ chức dạy học.

- Đối với học sinh lớp 3, ở lứa tuổi này các em còn rất hồn nhiên, sự chú ý chưa cao. Bên cạnh hoạt động học là chủ đạo thì nhu cầu chơi, giao tiếp với bạn bè vẫn tồn tại, cần được thoả mãn. Nếu người giáo viên biết phối hợp nhịp nhàng giữa nhiệm vụ của hoạt động học với sự thoả mãn nhu cầu chơi, giao tiếp của các em "học mà chơi, chơi mà học" thì chúng sẽ hăng hái say mê học tập và tất yếu kết quả của việc dạy học cũng đạt tới điểm đỉnh. Đây cũng là đặc thù của phương pháp dạy học đặc biệt: Phương pháp trò chơi.

- Dạy học bằng phương pháp trò chơi là đưa học sinh đến với các hoạt động vui chơi giải trí nhưng có nội dung gắn liền với bài học. Trò chơi trong học tập có tác dụng giúp học sinh thay đổi động hình, chống mệt mỏi. Tăng cường khả năng thực hành kiến thức của bài học. Phát huy hứng thú, tạo thói quen độc lập, chủ động và sự sáng tạo của học sinh.

- Việc áp dụng phương pháp trò chơi vào dạy học môn Tự nhiên- Xã hội chính là giáo viên khơi dậy hứng thú, niềm say mê học tập tạo không khí sôi nổi cho một giờ học. Điều đó đòi hỏi giáo viên phải xác định từ mục tiêu bài dạy. Trên cơ sở đó xác định cần đưa trò chơi vào lúc nào? Nếu giáo viên không tổ chức tốt thì trò chơi không những không gặt hái được kết quả như mong muốn mà còn bị phản tác dụng gây sự hỗn độn không cần thiết. Trong quá trình dạy học giáo viên đều tích cực đổi mới phương pháp để đạt mục tiêu giờ dạy cao nhất. Song ở các lớp tôi dạy có tiết đã tổ chức 3 hoạt động khác nhau mà giờ học vẫn tẻ nhạt. Mỗi khi báo cáo kết quả thảo luận học sinh không những không đưa ra được kiến thức theo yêu cầu mà nội dung báo cáo có phần rập khuôn, xáo rỗng. Bên cạnh đó, có giờ giáo viên đưa tới 3 trò chơi vào giảng dạy kết quả là một giờ học không khí cũng tràn ngập tiếng cười, tiếng reo hò. Song chính vì trạng thái tâm lí bị kích động quá ngưỡng làm cho sự nhận thức của học sinh không đạt được hiệu quả như mong muốn. Học sinh không nắm được kiến thức trọng tâm của bài học. Xuất phát từ lí do đó tôi đã tìm tòi và nghiên cứu đề tài: "Sử dụng phương pháp trò chơi nhằm nâng cao chất lượng dạy- học môn Tự nhiên và Xã hội ở lớp 3".

     II . MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU :

     Trong quá trình giảng dạy môn Tự nhiên và Xã hội ở lớp 3, tôi nhận thấy vận dụng các trò chơi vào dạy- học nhằm khơi dậy niềm hứng thú, niềm say mê học tập cho học sinh. Kích thích tính độc lập chủ động sáng tạo trong việc lĩnh hội tri thức, tạo không khí sôi nổi trong tiết Tự nhiên và Xã hội.

     III. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU:

 - Chương trình Tự nhiên và Xã hội lớp 3.

 - Các trò chơi vận dụng trong quá trình dạy học môn Tự nhiên và Xã hội

 - Học sinh lớp 3A3 – TrườngTiểu học lĩnh Nam – Hoàng Mai- Hà Nội năm học 2018- 2019.

     IV. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU:

     1. Phương pháp luận.

Đọc các tài liệu:    - Thế giới trong ta.

- Tập san Giáo dục và Thời đại.

                                           - Trò chơi trong Tự nhiên và Xã hội lớp 3

                                           - Tâm lí lứa tuổi học sinh Tiểu học.

                                           - Sách giáo viên và sách Tự nhiên và Xã hội lớp 3.

     2. Phương pháp điều tra thực nghiệm.

     3. Phương pháp đối chiếu so sánh.

     4. Phương pháp chỉ đạo.

     5. Phương pháp rút kinh nghiệm.

B. PHẦN NỘI DUNG

     I . Đ ẶC ĐIỂM NỘI DUNG SGK PHÂN MÔN TỰ NHIÊN VÀ XÃ HỘI:

- Ở đây không có một bài Tự nhiên và Xã hội nào đưa ra kiến thức đóng khung có sẵn. Kênh hình thì rất nhiều, kênh chữ chủ yếu là các lệnh với một số tóm lược sơ đẳng của từng mảng kiến thức. Các bài Tự nhiên và Xã hội trong sách giáo khoa được chia thành 3 chủ điểm đó là: Con người và sức khoẻ, Xã hội, Tự nhiên.

- Các kiến thức trong mỗi bài Tự nhiên và Xã hội được thể hiện chủ yếu bởi các tranh ảnh. Riêng ở mảng kiến thức Con người và Sức khoẻ học sinh được học trong 18 bài từ tuần 1 đến tuần 9 nội dung cơ bản là tìm hiểu về các cơ quan: vận động, tuần hoàn, hô hấp, thần kinh... cách vệ sinh phòng trừ các bệnh liên quan tới các cơ quan đó.

- Ở mảng kiến thức xã hội học sinh được tìm hiểu thêm, sâu hơn về gia đình và các thế hệ trong gia đình. Một số hoạt động ở trường. Đặc biệt học sinh được khám phá các hoạt động nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, thông tin liên lạc trong tỉnh và các nước. Học về Làng quê và Đô thị... Mảng kiến thức này kéo dài trong 20 bài (10 tuần).

- Mảng kiến thức về Tự nhiên và Xã hội học sinh được tìm hiểu về thực vật, động vật học đến chi tiết các bộ phận của cây, rễ, hoa, quả, lá. Học về Mặt trời, Mặt trăng và các hành tinh trong hệ mặt trời song tất cả mới chỉ dừng lại ở kiến thức sơ đẳng, ở mảng này có một số bài rất gần gũi thực tế với học sinh như (Tôm, cua, cá, chim, thú...). Bên cạnh đó Tự nhiên và Xã hội lớp 3 còn cung cấp cho học sinh về năm, tháng, mùa các đới khí hậu và bề mặt của Lục địa.

     II . CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN:

     1. Cơ sở lí luận:

- Đối với học sinh lớp 3, ở lứa tuổi này ngoài nhu cầu học còn có những nhu cầu khác như vui chơi, vận động giao tiếp với bạn bè và thể hiện mình. Việc thoả mãn các nhu cầu này là điều kiện cơ bản để trẻ có được cuộc sống tự nhiên vốn có. Thế nhưng trong môi trường lớp học nội dung cơ bản tiến hành là "học". Học sinh phải dồn hết tinh thần sức lực cho việc học, khiến trẻ quên đi những nhu cầu chính đáng kia của mình và mất dần vẻ tự nhiên vô tư. Trong việc giúp các em tìm lại cuộc sống tự nhiên vốn có "Trò chơi" có một vai trò, ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bởi "Chơi" là được sống hết mình và khác với hoạt động học: các thành tích của học tập cơ bản phụ thuộc vào bản thân trẻ, còn sự thắng thua trong trò chơi mang tính ngẫu nhiên. Trẻ tham gia chơi với hy vọng chiến thắng và để khẳng định mình. Bên cạnh đó trò chơi tạo cho trẻ sự thư giãn, thoải mái cần thiết cho bản thân.

- Với các đặc điểm riêng "Trò chơi" mở ra cho học sinh Tiểu học một khả năng phát triển lớn. Các em được tiếp cận với hoàn cảnh chơi nhiệm vụ chơi, hoạt động chơi, luật chơi... từ đó trẻ lĩnh hội các tri thức sống động về cuộc sống xung quanh và tri thức khoa học.

- Áp dụng phương pháp trò chơi vào dạy học môn Tự nhiên và Xã hội là đưa học sinh vào các hoạt động vận dụng mang tính tự nguyện. Học sinh được chủ động sáng tạo phát hiện điều cần phải học. Nó làm bớt đi sự căng thẳng, khô khan, trừu tượng của các lệnh đem đến sự sôi nổi ham mê say sưa tìm hiểu khám phá và lĩnh hội tri thức trong mỗi tiết học.

     2. Cơ sở thực tiễn:

     2.1. Thực trạng chung của nhà trường:

 -  Để biết được thực tế sử dụng trò chơi học tập trong dạy học môn Tự nhiên và Xã hội ở lớp 3 hiện nay, tôi đã tiến hành điều tra và quan sát giáo viên ở trường. Giáo viên nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng và tác dụng của trò chơi trong dạy học. Với hơn 90% giáo viên đều cho rằng sử dụng trò chơi trong dạy học làm cho học sinh không nhàm chán, giờ học nhẹ nhàng thoải mái, nâng cao hiệu quả giờ dạy. Tuy nhiên các đồng chí giáo viên chưa quan tâm nhiều đến việc đưa trò chơi học Tự nhiên và Xã hội vào giảng dạy hoặc có đưa trò chơi học học Tự nhiên và Xã hội vào giờ học cũng chỉ trong những giờ thao giảng. Sở dĩ có tình trạng trên là do tác động của điều kiện thời gian, cơ sở vật chất, đặc điểm học sinh cho nên việc áp dụng phương pháp trò chơi trong học tập chưa phổ biến và áp dụng chưa có hiệu quả. Tài liệu tham khảo về trò chơi học tập rất nhiều nhưng phần lớn các trò chơi có sự lặp lại, chưa có tính hệ thống cụ thể. Sách giáo viên hướng dẫn soạn bài giảng đưa ra rất ít, đơn điệu, chưa có tính hệ thống. Một số trò chơi yêu cầu về sự chuẩn bị rất phức tạp, với đặc điểm hiếu động của học sinh giáo viên rất khó quản lí lớp học. Vì vậy mà giờ học học Tự nhiên và Xã hội còn trầm, học sinh còn thụ động trong học tập, một số học sinh không thích học Tự nhiên và Xã hội, đến giờ học Tự nhiên và Xã hội các em không hứng thú dẫn đến kết quả học tập không cao. Do trình độ dân trí trên địa bàn chưa đồng đều nên việc quan tâm đến học tập của con cái chưa cao, phụ huynh còn coi nhẹ vai trò của môn học, đồ dùng học tập của các em thiếu, tính tự giác học tập chưa cao.    

    2.2.Thực trạng của lớp chủ nhiệm:

- Lớp tôi giảng dạy có 54 học sinh trong đó có: 22 em nữ, 32 em nam, học sinh chủ yếu sống trên cùng địa bàn phường, gia đình chủ yếu là lao động tự do, khả năng nhận thức của các em không đồng đều, các em thiếu mạnh dạn tự tin. Vì vậy ngay từ đầu năm tôi đã vạch ra kế hoạch phải làm sao cho lớp mình hoạt động sôi nổi hơn trong giờ học, đặc biệt là trong giờ học Tự nhiên và Xã hội. Tôi mạnh dạn thiết kế các trò chơi và đưa vào áp dụng trong các giờ học Tự nhiên và Xã hội ở lớp mình. Đầu năm, lớp tôi rất trầm, khi tôi đưa trò chơi học Tự nhiên và Xã hội vào áp dụng trong giờ học thì không khí học tập khác hẳn, các em học tập tích cực, những em chậm chạp như em Quân, em Hiếu cũng năng động hơn. Những em có tính rụt rè như em Thùy Linh, Ngọc Anh tỏ ra mạnh dạn, tự tin hơn. Qua các đợt thao giảng, tôi mạnh dạn đưa sáng kiến của mình vào áp dụng.  BGH đã đánh giá cao chất lượng tiết dạy. Tôi nhận thấy rằng sáng kiến của tôi đưa vào áp dụng không những giúp các em năng động, sáng tạo muốn khám phá mà còn giúp các em biết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, cùng giúp nhau tiến bộ, các em biết nhường nhịn nhau và ngoan hơn trước rất nhiều.

- Việc áp dụng phương pháp trò chơi vào dạy học môn Tự nhiên và Xã hội chính là việc giáo viên khơi dậy hứng thú, niềm say mê học tập tạo không khí sôi nổi cho một tiết học. Điều đó đòi hỏi giáo viên phải xác định rõ yêu cầu bài dạy cần đạt. Trên cơ sở đó xác định cần đưa trò chơi vào lúc nào? Nếu giáo viên không tổ chức tốt thì trò chơi không những không gặt hái được kết quả như mong muốn mà còn bị phản tác dụng gây sự hỗn độn không cần thiết.

     3. Nguyên tắc thiết kế trò chơi:

     3.1. Nguyên tắc vừa sức dễ thực hiện:

- Mỗi trò chơi phải củng cố hoặc rút ra được một nội dung cụ thể của bài học (Có thể là kiến thức cần kiểm tra bài cũ, kiến thức bài mới, kiến thức thực hành)

 -  Trò chơi phải mang tính tập thể.

-   Trò chơi phải phù hợp với cấu trúc của từng bài học.

 -  Bộ câu hỏi trò chơi phải đảm bảo phân hóa được đối tượng học sinh.

- Các trò chơi phải giúp học sinh rèn luyện kĩ năng quan sát, trình bày, phát huy trí tuệ, óc phân tích, tư duy sáng tạo.

- Trò chơi phải phù hợp với quỹ thời gian (Sử dụng trong giờ học từ 3 đến

5 phút), thích hợp với môi trường học tập.

 - Trò chơi có sức hấp dẫn, thu hút được sự chú ý, tham gia của học sinh, tạo không khí vui vẻ, thoải mái.

- Trò chơi cần phải gần gũi, sát thực, phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh.

- Trò chơi dễ thực hiện, không cầu kì, phức tạp.

     3.2. Nguyên tắc khai thác vật liệu để thiết kế trò chơi:

 - Sử dụng triệt để yêu cầu, nội dung kiến thức cơ bản, cũng như đồ dùng, phương tiện có sẵn của môn học (ở thư viện, đồ dùng của giáo viên, học sinh…).

- Các đồ dùng tự làm của giáo viên khai thác từ những vật liệu gần gũi xung quanh sao cho đồ dùng vừa đảm bảo tính khoa học, tính giáo dục, tính thẩm mỹ nhưng ít tốn kém.

- Sưu tầm trên các trang web giáo dục.

 - Từ các nguyên tắc trên, tôi đã căn cứ vào nội dung kiến thức trong sách giáo khoa, căn cứ vào thời gian, mục tiêu đề ra ở mỗi tiết học cũng như đối tượng học sinh, môi trường học tập ở đơn vị nơi tôi đang công tác để thiết kế các trò chơi sử dụng trong giờ học Tự nhiên và Xã hội lớp 3.

     4. Quy trình tổ chức trò chơi:

Trò chơi môn Tự nhiên và Xã hội thông qua 5 bước:

     -  Giới thiệu tên trò chơi

     -  Phổ biến luật chơi

     -  Tiến hành chơi

     -  Thảo luận rút ra kiến thức

   -  Đánh giá kết luận

     III. VẤN ĐỀ ĐẶT RA:

- Qua bốn năm giảng dạy tôi nhận thấy một tiết học Tự nhiên và Xã hội thường diễn ra tẻ nhạt. Lớp thường mất trật tự, đôi khi trầm quá mức. Đa số học sinh không thích học hoặc sợ học tiết này.

- Tôi đã điều tra tâm lí của học sinh bằng phiếu trắc nghiệm sau:

Phiếu trắc nghiệm tâm

Đánh dấu "X" vào ô trước ý em cho là đúng.

1. Có thích học môn Tự nhiên và Xã hội.

2. Không thích học môn Tự nhiên và Xã hội.

3. Tiết Tự nhiên và Xã hội là một giờ học sôi nổi.

4.Một giờ học tẻ nhạt vì phải thực hiện tuần tự các lệnh trong SGK.

5. Một giờ học mà em thích nhất vì em cảm thấy thoải mái( học mà chơi, chơi mà học).

- Không có sự sôi động như vốn sống của các em hằng ngày có nên tạo ra tâm lí chán hoặc sợ hãi. Chính áp lực tâm lí này làm kiến thức giáo viên cung cấp bị lu mờ đi. Hiệu quả của quá trình lao động sư phạm thấp.

Phân tích nguyên nhân có những điều trên là do:

     1 . Về phía giáo viên:

     a. Giáo viên chưa coi trọng phương pháp trò chơi trong việc dạy môn Tự nhiên và Xã hội. Bắt đầu vào giờ học giáo viên thường yêu cầu các em làm việc như một cỗ máy không có sự thư giãn. Thao tác dạy học chính là: Yêu cầu học sinh thực hiện tốt các lệnh trong sách giáo khoa. Từ quan sát tới thảo luận và cuối cùng là kết luận chốt lại kiến thức.

Ví dụ ở tiết 2 bài: Nên thở như thế nào?

Giáo viên tiến hành 2 hoạt động.

- Hoạt động 1: Thảo luận nhóm.

+ Với mục tiêu để giải thích tại sao ta nên thở bằng miệng.

+ Tiến hành: Giáo viên cho học sinh thảo luận cặp: Lấy gương soi - quan sát xem trong mũi có gì?

Giáo viên đưa một số câu hỏi cho học sinh thảo luận.

Học sinh báo cáo            Giáo viên kết luận

- Hoạt động 2: Làm việc với sách giáo khoa

  + Giáo viên cho học sinh quan sát hình 3, 4, 5 (SGK)

   + Học sinh thảo luận theo câu hỏi của giáo viên.

            + Giáo viên kết luận.

    Như vậy 2 hoạt động với các hình thức tổ chức khác nhau nhưng giờ học vẫn tẻ nhạt vì cỗ máy của học sinh phải làm việc không chút thư giãn hết thảo luận nhóm lại đến trả lời các câu hỏi của cô giáo.

     b. Cũng có trường hợp Giáo viên lạm dụng quá phương pháp trò chơi vào dạy học dẫn đến cả một tiết học sinh luôn trong tâm trạng thái quá. Mặt khác do giáo viên tổ chức không "khéo" làm cho sự cổ vũ mạnh mẽ quá mức cần thiết. Tất cả những điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mạch kiến thức trong bài và những lớp ở xung quanh.

Ví dụ: Khi dạy bài: "Máu quan tuần hoàn" giáo viên đã mạnh dạn chuyển các lệnh quan sát liên hệ thực tế bằng các trò chơi. Nhưng do đặc thù tâm lí lứa tuổi các em chỉ lo sắm cho đạt vai diễn mà vai diễn đó chỉ là một mốc dấu ấn nhỏ để giáo viên đưa học sinh tiếp cận tới tri thức mới. Đến hoạt động 2 là trò chơi chép chữ vào hình. Giáo viên chia lớp thành 2 nhóm, mỗi nhóm 4 học sinh chơi. Những tiếng reo hò cố lên! làm cả một dãy phòng học cũng bị ảnh hưởng theo.

 c. Giáo viên chưa nắm bắt được biện pháp tổ chức trò chơi học tập trong tiết Tự nhiên và Xã hội sao cho có hiệu quả. Với những bài trò chơi có vai trò khám phá kiến thức giáo viên lại cho học sinh chơi theo hình thức nhóm (4 - 5 em) mà các học sinh tham dự đó thường là học sinh khá giỏi. Nên sau khi thu được kết quả của yêu cầu chơi, giáo viên chốt lại kiến thức thì có đến 1/3 số học sinh không nắm được kiến thức trọng tâm vì đó là những học sinh trung bình và yếu.

     2 . Về phía học sinh .

     Do đặc điểm tâm lí của lứa tuổi nên khả năng chú ý tập trung còn yếu, tính kỉ luật chưa cao dễ mệt mỏi. Nếu phương pháp dạy học của giáo viên đơn điệu không hấp dẫn sẽ tạo ra nhàm chán cho học sinh.

     IV . BIỆN PHÁP THỰC HIỆN:

     1 . Về nhận thức:

     Giáo viên cần nhận thức rõ vai trò của phương pháp trò chơi trong quá trình dạy học ở Tiểu học nói chung và dạy môn Tự nhiên và Xã hội nói riêng. Phải hiểu rõ mục tiêu của từng bài, từng phần, từng mảng kiến thức và toàn bộ chương trình môn Tự nhiên và Xã hội ở lớp 3.

      2 . Về nội dung

      2.1. Nhóm 1: Các trò chơi nhằm mục đích khai thác nội dung kiến thức của bài học.

     - Khi vận dụng phương pháp trò chơi vào khai thác nội dung kiến thức bài học giáo viên cần lưu ý.

+ Chọn trò chơi phải phù hợp với học sinh, nội dung bài và điều kiện thực tế có thể cho phép.

+ Ít nhất 3/4 số học sinh được tham gia.

+ Cần tránh hiện tượng chỉ một số học sinh khá giỏi được tham gia

- Sau đây là một số trò chơi có thể áp dụng để tổ chức cho học sinh khai thác nội dung kiến thức bài học.

    2.1.1 . Trò chơi: Tôi cần đến đâu?

- Mục tiêu:

+ Nhận biết và chỉ được các cơ quan hành chính cấp tỉnh. - Rèn tác phong nhanh nhẹn, luyện trí thông minh

+ Ứng xử nhanh.

- Cách chơi:

+ Giáo viên nêu yêu cầu chơi: "Tôi cần đến đâu". Đây là trò chơi yêu cầu các em quan sát kĩ bức tranh cô đã phóng to trên bảng và lắng nghe câu hỏi của cô giáo hoặc của bạn. Nhiệm vụ của các em là nói được tên nơi mà cô hoặc bạn cần đến sau đó lên chỉ nơi đó ở bức tranh trên bảng lớp.

- Luật chơi:

+ Giáo viên chia lớp thành 2 nhóm A, B

+ Giáo viên nêu câu hỏi chỉ định 1 học sinh bất kì ở nhóm A chỉ đường. Học sinh chỉ được thì được phép yêu cầu một học sinh khác ở nhóm B chỉ đường đến nơi khác... cứ thế cho đến hết các địa điểm có trong tranh... Nếu học sinh được chỉ định không nói được nơi đến hoặc chỗ đến sai em đó sẽ nói "chuyển" để học sinh cùng nhóm với mình bên cạnh tiếp sức. Cứ mỗi lần nhóm nào có một học sinh nói từ "chuyển" thì ở nhóm đó sẽ bị một điểm phạt. Nhóm nào nhiều điểm phạt hơn là nhóm thua cuộc.

+ Các câu hỏi tham khảo để yêu cầu học sinh chỉ đường là:

 . Tôi đau bụng quá tôi cần đi tới đâu?

   . Tôi muốn thăm một bạn học sinh học lớp 5.

     . Tôi muốn gọi điện cho ba tôi.

. Tôi muốn hỏi đường đến một khu vực nào đó trong huyện...

+ Kết thúc cuộc chơi giáo viên hỏi: Chúng ta đã đi đến những địa chỉ nào?

* Trò chơi này sử dụng cho bài 27 - 28: Các cơ quan hành chính của Tỉnh.

     2.1.2 . Trò chơi: Đóng vai - kể về sự vật.

- Mục tiêu: Học sinh biết mượn lời của sự vật để mô tả, giới thiệu về sự vật mình đã và đang được quan sát. Từ đó khái quát ra đặc điểm chung của một loại sự vật.

- Cách chơi:

+ Giáo viên yêu cầu: Quan sát tranh (ảnh, vật thật).

Hãy đóng vai: Mượn lời sự vật vừa quan sát để nói về sự vật đó.

- Luật chơi: Giáo viên chia lớp thành 3 nhóm chơi. Học sinh 1 của nhóm A nói giới thiệu, mô tả về sự vật mình quan sát sẽ chỉ định học sinh một ở nhóm B nói tiếp. Học sinh đó nói xong lại được quyền chỉ định học sinh 1 ở nhóm C nói... Trò chơi cứ thế tiếp tục cho đến hết lượt lớp. Nếu học sinh 1 ở nhóm B không nói được sẽ nói "Em cần sự trợ giúp của cô giáo". Giáo viên gợi mở giúp học sinh mô tả tiếp.

 - Mỗi lần 1 nhóm có 1 học sinh cần sự hỗ trợ của giáo viên thì nhóm đó sẽ bị 1 điểm trừ. Nhóm nào nhiều điểm trừ hơn là nhóm thua cuộc.

* Trò chơi này được vận dụng cho các bài sau:

Bài 41, 42: Thân cây

Bài 43, 44: Rễ cây

Bài 45: Lá cây

Bài 48: Quả

Bài 50: Côn trùng

Bài 53: Chim

Bài 54, 55: Thú

Ví dụ: Dạy bài 48: Quả

     - Sau khi giáo viên giới thiệu vào bài 48: Quả Giáo viên yêu cầu học sinh quan sát tranh, ảnh hoặc quả thật mà em vừa đem tới sau đó các em hãy đóng vai mượn lời quả đó để mô tả, giới thiệu về màu sắc, hình dạng mùi vị của quả mà em quan sát được.

    - Giáo viên chia lớp thành 3 nhóm và điều khiển cuộc chơi.

Ví dụ: Học sinh 1 ở nhóm A đứng dậy nói: Tôi là Nhãn, tôi sinh ra vào mùa hè. Thân hình tôi nhỏ bé tròn như hạt bi. Nhưng sau lớp vỏ màu nâu, mỏng đến lớp cùi trắng vừa ngọt lại vừa bùi và cuối cùng là hạt màu đen huyền, óng ánh. Bạn có thích tôi không tôi vừa ngọt lại vừa thơm?

Khi học sinh 1 nói xong chỉ định 1 học sinh ở nhóm B "nói về mình".

Ví dụ: 1 học sinh ở nhóm B giới thiệu về quả dưa: Tôi cũng tròn như bạn nhưng tôi to hơn rất nhiều. Ngoài vị ngọt và thơm ra tôi còn có màu sắc rất đẹp, trong đỏ ngoài xanh.

- Học sinh cứ thế tiếp tục chơi cho tới hết lượt lớp.

(Lưu ý: Trong trò chơi này giáo viên tôn trọng tuyệt đối sự tự giới thiệu về sự vật của học sinh. Cho dù học sinh đó nói không đúng về mùi vị hoặc kích thước thì khi chốt kiến thức giáo viên mới sửa sai cho học sinh).

     2.1.3 . Trò c hơi: Từ nào đây?

- Mục tiêu: Cung cấp một số kiến thức về Mặt trăng, Ngày và đêm trên Trái đất; hoặc năm, tháng và mùa.

- Chuẩn bị:

 + Giáo viên chép sẵn một số đoạn văn hoặc câu văn đã điền sẵn sự việc cần giới thiệu lên bảng, các sự vật được che lại bởi các thẻ có đánh số: 1, 2, 3, 4.

+ Các sự vật cần điền chép sẵn bảng phụ

     - Cách chơi:

  + Giáo viên treo bảng phụ ghi sẵn các sự vật lên bảng.

+ Giáo viên nêu yêu cầu: Từ nào đây? là trò chơi mà các em có nhiệm vụ chọn các từ điền vào chỗ trống cho phù hợp nghĩa.

- Luật chơi: Học sinh đọc thầm nội dung đoạn cần tìm hiểu. Khi có hiệu lệnh bắt đầu học sinh sẽ ghi nhanh từ tương ứng với số thứ tự chỉ vị trí từ trong đoạn vào bảng con. Sau thời gian 2 - 3 phút giáo viên hô hết giờ. Tiếp đó giáo viên giúp học sinh tự làm trọng tài cho mình bằng cách bỏ các thẻ đánh số ra. Mỗi khi bỏ một thẻ học sinh đọc đồng thanh từ tương ứng. Giáo viên khen những học sinh có đáp án đúng.

(Sau trò chơi giáo viên thu kết quả chơi và chất vấn tìm hiểu nội dung đoạn điền đó).

- Trò chơi được vận dụng vào các bài:

Bài 62: Mặt trăng là vệ tinh của Trái Đất

Bài 63: Ngày và đêm trên Trái Đất.

Bài 64: Năm, tháng và mùa.

Ví dụ ở bài 64: Năm, tháng mùa.

- Chuẩn bị: Giáo viên chép sẵn đoạn:

+ Một năm có 12 tháng có 3 65 hoặc 366 ngày.

+ Có các mùa là: mùa xuân, mùa hạ, mùa thu, mùa đông.

+ Từ tháng 1 đến tháng 3 là mùa xuân.

+ Từ tháng 4 đến tháng 6 là mùa hạ.

+ Từ tháng 7 đến tháng 9 là mùa thu.

+ Từ tháng 10 đến tháng 12 là mùa đông.

       - Các từ: 12, 365, 366, mùa xuân, mùa hạ, mùa thu, mùa đông, 1, 3, 4, 6, 7, 9, 10, 12 được che bởi các thẻ từ đánh số theo thứ tự từ 1 đến 15.

          + Các từ này được viết không theo trật tự vào bảng phụ.

      - Cách chơi:

          + Giáo viên nêu yêu cầu: Từ nào đây là trò chơi mà các em có nhiệm vụ điền các từ cho trước vào chỗ trống cho hợp nghĩa.

+ Khi đó học sinh đọc thầm nội dung đoạn văn bản trên và các từ cần điền khi có hiệu lệnh bắt đầu học sinh sẽ ghi nhanh từ tương ứng với số chỉ vị trí của từ đó (Ví dụ: số 12, học sinh ghi: 1 - 12; với từ mùa xuân, học sinh ghi 4 - mùa xuân...) vào bảng con. Sau thời gian 2-3 phút giáo viên hô hết giờ, học sinh đọc đồng thanh từ tương ứng.

+ Giáo viên khen học sinh làm đúng.

(Sau khi kết thúc cuộc chơi học sinh có được các thông tin về năm, tháng và mùa ở đất nước ta).

     2.2. Nhóm 2 : Các trò chơi mang tính chất củng cố nội dung bài hoặc khởi động tạo sự liên hệ nhẹ nhàng giữa bài cũ vào bài.

     Khi dạy xong một bài Tự nhiên và Xã hội để giúp các em khắc sâu về nội dung kiến thức bài học song không mang tính chất tự luận, giảng giải hay nhắc lại. Giáo viên có thể tổ chức cho học sinh chơi trò chơi: Trò chơi này sẽ có tác dụng giúp cho các em hiểu sâu, nhớ lâu, khó quên bài.

     2.2.1. Trò chơi: Hoa nào đẹp.

      -  Mục tiêu:

+ Củng cố tên các bộ phận của các cơ quan trong cơ thể người hoặc các Châu lục và Đại dương của Trái đất. Sự khác biệt giữa làng quê, đô thị...

       + Rèn kĩ năng xếp hình và khả năng nhanh nhạy óc phản xạ tốt.

      - Chuẩn bị:

 + Nhiều miếng bìa cắt hình cánh hoa trên mỗi cánh có ghi tên hoặc hình vẽ các cơ quan khác nhau trong cơ thể người như: Mũi, Phế quản, Phổi... (hay các Châu lục và Đại dương, các hoạt động, công trình kiến thiết của làng quê, đô thị...).

+ Chuẩn bị 4 bìa hình tròn làm nhị hoa trong đó ghi: Cơ quan hô hấp, cơ quan tuần hoàn, cơ quan bài tiết nước tiểu, cơ quan thần kinh (hoặc 2 miếng bìa ghi các Châu lục, các Đại dương, 2 miếng bìa ghi làng quê, đô thị...)

      + Nam châm băng dính dán sẵn vào các tấm bìa.

     -  Cách chơi:

+ Giáo viên chia lớp thành 4 nhóm (hoặc 2 nhóm tuỳ theo số lượng bộ nhị và cánh hoa chuẩn bị được).

 + Giáo viên nêu yêu cầu: Hoa nào đẹp là trò chơi yêu cầu các đội phải tìm các cánh hoa sao cho phù hợp với nhị hoa rồi ghép lại thành bông hoa đẹp.

      - Luật chơi: Sau khi giáo viên hô bắt đầu thì tất cả học sinh thứ 1 của mỗi nhóm chạy lên lựa chọn nhị hoa cho nhóm mình. Tiếp đó học sinh chạy về cuối hàng của nhóm để học sinh thứ 2 chọn cánh...Trò chơi cứ thế tiếp tục cho đến khi cánh hoa cuối cùng được gắn. Đội nào gắn đẹp, nhanh đúng là đội thắng cuộc.

      - Trò chơi được áp dụng cho các bài:

                        Bài 17-18: Ôn tập và kiểm tra: Con người và sức khoẻ

                        Bài 20: Họ nội, họ ngoại.

            Bài 66: Bề mặt Trái Đất.

                       Bài 69 -70: Ôn tập và kiểm tra kì II - Tự nhiên.

*Ví dụ ở bài 66: Bề mặt Trái Đất

      - Chuẩn bị:

+ 2 bộ cánh hoa ghi tên các Châu lục: Á, Âu, Phi, Mĩ, Đại dương.

+ 2 bộ cánh hoa ghi tên các Đại dương là: Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương.

+ 2 bộ nhị hoa gồm: 2 nhị các Châu lục, 2 nhị các Đại dương.

      -  Cách chơi:

+ Giáo viên chia lớp thành 4 nhóm

             + Giáo viên phổ biến luật chơi và nêu yêu cầu chơi.

              + Học sinh gắn cánh hoa vào nhị hoa.

+ Giáo viên bình chọn nhóm thắng cuộc.

Kết thúc trò chơi học sinh được củng cố khắc sâu về các Châu lục và Đại dương và câu thành ngữ: Năm châu bốn biển.

     2.2.2. Trò chơi: Tôi ai?

 - Mục tiêu: Củng cố tên các con vật, cây cối hoặc các loài hoa các thành viên trong họ nội, họ ngoại. Học sinh gọi được tên của sự vật hoặc người đó.

- Chuẩn bị: Từ 5 - 7 mũ ca lô. Mỗi mũ ca lô có dán 1 băng chữ ghi sẵn tên của người hoặc sự vật đó.

-  Cách chơi:

+ Giáo viên nêu yêu cầu: Tôi là ai là trò chơi yêu cầu các em đặt câu hỏi giúp bạn đội mũ ca lô nhận ra mình là ai.

- Luật chơi: Giáo viên chọn từ 5 -7 học sinh lên bảng đứng thành hàng. Giáo viên treo những mũ ca lô cho học sinh song lưu ý không được để học sinh nhìn thấy dòng chữ trên mũ ca lô. Các học sinh bên dưới xung phong gợi ý cho bạn, ai gợi ý mà bạn đội mũ ca lô không nhận ra mình hoặc không gợi ý được sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.

(Lưu ý: Giáo viên căn cứ vào nội dung bài học để có số lượng mũ ca lô và dòng chữ trên mũ ca lô phù hợp).

* Ví dụ: Bài 20: Họ nội họ ngoại

       - Chuẩn bị: 5 mũ ca lô có các dòng chữ: Ông nội, bà ngoại, dì, chú, bố.

       - Cách chơi:

+ Giáo viên nêu vấn đề: Chơi trò chơi: "Tôi là ai"

+ Giáo viên phổ biến luật chơi: Học sinh dưới gợi ý giúp cho học sinh đội mũ ca lô nhận ra mình là ai và nói được tên mình. Ai không gợi ý được hoặc gợi ý mà bạn đội mũ ca lô nói sai tên mình là người thua cuộc.

+ Giáo viên đội mũ ca lô cho 5 học sinh ( lưu ý 5 học sinh này không được nhìn thấy dòng chữ của mũ ca lô).

          + Sau khi giáo viên hô: "Trò chơi bắt đầu" thì chỉ định học sinh gợi ý:

Ví dụ:

+ Với bạn đội mũ ca lô "ông nội".

?/ Bạn đang đóng vai một người đàn ông sinh ra bố của bạn. Học sinh đội mũ ca lô nói: Tôi biết tôi đang đóng vai "ông nội".

 + Với bạn đội mũ ca lô "dì".

?/Bạn đang đóng vai một người đàn bà là em của mẹ. Tôi đóng vai "dì" phải không bạn?

Đúng rồi!.......

+ Trò chơi cứ thế tiếp tục cho đến hết 5 mũ ca lô .

 - Kết thúc trò chơi: Giáo viên hỏi?

?/ Trong số các vị đến đây ai là người của họ ngoại.

- Bạn đội mũ ca nô "dì" và "bà ngoại" cùng nói "là tôi"

 ?/ Còn các vị còn lại thuộc họ nào? (họ nội)

Giáo viên kết thúc bài.

     2.2.3: Trò chơi: Nhuỵ hoa nói gì?

- Mục tiêu: Củng cố nội dung bài học (Ví dụ: Các hoạt động trong nhà trường, các bộ phận của cây, lá, hoa, quả, thú, chim, các đại dương, châu lục trên trái đất...)

- Chuẩn bị:

+ Một bông hoa các cánh hoa và nhị hoa ghi tên các hoạt động hoặc bộ phận của sự vật có trong bài cần củng cố.

+ Nhị hoa ghi: Hoạt động nội khoá, hoạt động ngoại khoá; hoa; quả... (tuỳ nội dung mỗi bài).

-  Cách chơi:

+ Giáo viên nêu vấn đề: Nhuỵ hoa nói gì là trò chơi yêu cầu các em dựa vào lời gợi ý của giáo viên hãy đoán từ ẩn trong mỗi cánh hoa và nhị hoa.

+ Luật chơi: Giáo viên đưa bông hoa, học sinh chọn cánh hoa để giáo viên đưa câu gợi ý. Sau khi có câu gợi ý học sinh nói cánh hoa ẩn chứa từ gì. Đúng cánh hoa mở - sai cánh hoa vẫn khép kín. Bạn khác lại tiếp tục đoán ... Cứ thế tiếp tục cho đến hết. Học sinh chỉ được yêu cầu mở nhuỵ hoa khi đã mở hết cánh hoặc mở được hơn 3 phần số cánh.

       - Kết quả cuộc chơi: Học sinh sẽ được 1 bông hoa với toàn thể nội dung kiến thức trọng tâm của bài.

       - Trò chơi này áp dụng cho các bài:

Bài 1: Hoạt động thở và cơ quan hô hấp

Bài 6: Máu và cơ quan tuần hoàn.

Bài 7: Hoạt động tuần hoàn.

Bài 10: Hoạt động bài tiết nước tiểu

Bài 24, 25: Một số hoạt động ở trường.

Bài 26: Không chơi các trò chơi nguy hiểm.

Bài 27, 28: Tỉnh (T.phố) nơi bạn đang sống.

Bài 29: Các hoạt động thông tin liên lạc

Bài 30: Hoạt động nông nghiệp.

Bài 31: Hoạt động công nghiệp và thương mại.

Bài 40: Thực vật.

Bài 45: Lá cây.

Bài 47: Hoa.

 Bài 48: Quả.

Bài 52: Cá.

Bài 53: Chim.

Bài 54, 55: Thú.

*Ví dụ: Khi dạy bài: "Một số hoạt động nhà trường" (tiết 2)

      -  Chuẩn bị: Một bông hoa 5 cánh (các từ được che lại bởi 5 màu) Xanh - Cánh 1: Đồng diễn thể dục. Đỏ - Cánh 2: Tham quan. Tím - Cánh 3: Biểu diễn văn nghệ. Vàng - Cánh 4: Trồng cây.

Trắng - Cánh 5: Chăm sóc nghĩa trang. Một nhị hoa ghi: Hoạt động ngoại khoá

      - Cách chơi:

      - Cuối tiết học giáo viên đưa bông hoa

                                   Bông hoa gồm mấy cánh?

- Giáo viên nêu yêu cầu: Trò chơi Nhuỵ hoa nói gì yêu cầu các em chọn cánh hoa. Sau câu gợi ý của cô các em sẽ đoán từ ẩn chứa ở mỗi cánh hoa: Cánh hoa chỉ được mở ra khi các em đoán đúng. Nếu cánh hoa chưa mở các em khác có quyền đoán tiếp. Khi số cánh mở được lớn hơn 3 các em có quyền đoán nhị hoa. Trò chơi bắt đầu:

      - Học sinh chọn cánh hoa Ví dụ: Cánh màu xanh.

+ Giáo viên gợi ý: Vào các buổi sáng hàng tuần trong giờ ra chơi các em thường làm công việc này.

+ Học sinh trả lời: Đồng diễn thể dục->cánh hoa mở. Sau khi đã mở hết 5 cánh hoa.

+ Giáo viên gợi ý nhị hoa: Đây là một ngữ chỉ các hoạt động do nhà trường tổ chức có ở trong các cánh hoa.

 + Học sinh trả lời: Hoạt động ngoại khoá. Học sinh đọc đồng thanh: "Hoạt động ngoại khoá". Giáo viên kết thúc bài.

     2.2.4: Ghép chữ vào hình

  - Mục tiêu: Củng cố kiến thức đã học trong bài về một số hệ cơ quan trong cơ thể hoặc các miền khí hậu trên Trái đất.

  - Chuẩn bị:

 + Sơ đồ câm bộ về cơ quan vừa học hoặc lược đồ câm của Trái đất, thềm lục địa, Đại dương ...

+ Các tấm phiếu rời ghi tên các bộ phận của cơ quan hoặc các đới khí hậu, các Châu lục, Đại dương ...

      - Cách chơi:

        + Giáo viên yêu cầu: Thi ghép chữ vào hình.

       - Luật chơi:

      + Giáo viên treo sơ đồ (lược đồ) câm lên bảng

+ Phát mỗi nhóm một bộ phiếu rời (số lượng học sinh chơi phụ thuộc từng bài có số bộ phận cơ quan nhiều hay ít).  + Giáo viên chia lớp thành 3 nhóm. Khi có hiệu lệnh bắt đầu học sinh ghép nhanh chữ vào sơ đồ câm. Đội nào nhanh là đội thắng cuộc.

      - Trò chơi được áp dụng cho các bài sau:

Bài 6: Máu và cơ quan tuần hoàn.

Bài 7: Hoạt động tuần hoàn.

Bài 10: Hoạt động bài tiết nước tiểu. Bài 12: Cơ quan thần kinh.

Bài 59: Trái đất và quả địa cầu. Bài 65: Các đới khí hậu.

Bài 66: Bề mặt Trái Đất.

*Ví dụ: Bài 7: Hoạt động tuần hoàn.

      - Mục tiêu: Củng cố kiến thức đã học về 2 vòng tuần hoàn.

      - Chuẩn bị:

         + Sơ đồ câm về 2 vòng tuần hoàn (2 sơ đồ)

         + 2 bộ phiếu rời ghi tên các lại mạch máu của 2 vòng tuần hoàn.

      - Cách chơi:

+ Giáo viên chia lớp thành 3 nhóm. Mỗi nhóm có một số người chơi phụ thuộc vào số lượng các phiếu rời sẽ dán vào sơ đồ câm.

 + Giáo viên nêu yêu cầu: Ghép chữ vào hình là trò chơi yêu cầu các em ghép tên vào đúng vị trí trong sơ đồ.

+ Giáo viên phổ biến luật chơi: Mỗi học sinh trong một nhóm chơi được phát một tấm phiếu. Khi giáo viên hô bắt đầu khi học sinh 1 lên gắn phiếu của mình vào sơ đồ. Gắn xong học sinh đó trở lại vị trí cuối hàng để học sinh 2 lên gắn. Cứ thế cho đến khi gắn xong. Đội nào gắn đẹp nhanh đúng là đội thắng cuộc.

+ Học sinh chơi gắn chữ vào hình.

 - Sau cuộc chơi giáo viên cho học sinh nhắc lại tên các loại mạch máu của 2 vòng tuần hoàn và kết thúc bài.

     2.2.5: Trò chơi: Phân nhóm nhanh.

 - Mục tiêu: Nhận ra các loại cây (hoa, quả, cá ...) cùng đặc điểm giống nhau hoặc phân được đúng người họ nội, họ ngoại.

 - Chuẩn bị:

+ Phiếu ghi sẵn lên các cây (hoa, quả ...) hoặc chức danh người trong cùng dòng họ có gắn sẵn băng dính hoặc nam châm.

      + Kẻ sẵn bảng ghi đặc điểm cấu tạo, chức phận cần phân loại.

      - Cách chơi:

+ Giáo viên chia lớp thành 2 nhóm. Phát phiếu cho mỗi nhóm, số lượng học sinh chơi bằng số lượng phiếu.

        + Giáo viên cho học sinh chơi: Giáo viên hô con thỏ - thao tác của giáo viên cho tay lên vành tai ai làm theo giáo viên là thua cuộc. Cứ thế trò chơi tiếp tục khoảng 2 phút thì dừng.

     2.3. Một số đ iều l ưu ý k hi vận dụng d y phương pháp trò chơi vào d y môn Tự nhiên hội lớp 3

     Để phương pháp trò chơi thực sự có hiệu quả trong tiết học Tự nhiên và Xã hội. Giáo viên cần lựa chọn trò chơi hay và hiệu quả nhất cho mỗi bài dạy. Trong một tiết giáo viên chỉ nên tổ chức một trò chơi. Đặc biệt đối với trò chơi khám phá kiến thức giáo viên cần tổ chức cho tối thiểu 75% học sinh được tham gia. Cần phối hợp linh hoạt liên hoàn giữa phương pháp truyền thống hiện đại và trò chơi để tiết học sôi nổi sinh động và sâu sắc.

      V. KẾT QUẢ

- Sau gần một năm áp dụng trò chơi vào các tiết học tại lớp 3A3 do mình chủ nhiệm. Tôi thật sự hài lòng với kết quả học tập của học sinh tại lớp mình áp dụng. Tiết học trở nên sinh động hẳn lên, xua tan được bầu không khí căng thẳng trong giờ học. Đặc biệt là các trò chơi để lại cho các em một ấn tượng và chính ấn tượng này đó giúp các em khắc sâu được kiến thức của mỗi tiết học. Tôi nhận thấy học sinh rất hứng thú say mê học tập. Chưa có hiện tượng nào ngủ gật trong giờ học, học sinh bước vào tiết học với tâm trạng thoải mái, thích thú.

- Qua các tiết học được áp dụng trò chơi tôi nhận thấy 100% các em hiểu bài và nắm được nội dung bài học ngay tại lớp.

- Để kiểm tra kết quả thực nghiệm tôi đã tiến hành trắc nghiệm cả về tâm lí sự cảm nhận về tiết học và chất lượng đạt được khi học phân môn này.

     1 . Kết quả trắc nghiệm tâm

Phiếu trắc nghiệm tâm

Đánh dấu "x" vào trước ý em cho là đúng.

1. Có thích học môn Tự nhiên và Xã hội.

2. Không thích học môn Tự nhiên và Xã hội.

3. Tiết Tự nhiên và Xã hội là một giờ học sôi nổi.

4. Một giờ học tẻ nhạt vì phải thực hiện tuần tự các lệnh trong SGK.

5. Một giờ học mà em thích nhất vì em cảm thấy thoải mái( học mà chơi, chơi mà học).

  * Kết quả thu được

Tổng số: 54 học sinh

Nội dung

Kết quả

Đầu năm

Cuối HKI

Giữa HKII

SL

%

SL

%

SL

%

1. Có thích học môn Tự nhiên và Xã hội.

5

9

27

50

54

100

2. Không thích học môn Tự nhiên và Xã hội.

49

91

27

50

0

0

3. Tiết Tự nhiên và Xã hội là một giờ học sôi nổi.

5

9

22

41

38

69

4.Một giờ học tẻ nhạt vì phải thực hiện tuần tự các lệnh trong SGK.

44

81

27

50

0

0

5. Một giờ học mà em thích nhất vì em cảm thấy thoải mái( học mà chơi, chơi mà học).

5

9

27

50

54

100

    2. Kết quả kiểm tra chất lượng.

Nội dung

Đầu năm

Cuối HKI

Giữa  HKII

SL

%

SL

%

SL

%

Số học sinh hoàn thành tốt

5

9

17

31

27

50

Số học sinh hoàn thành

40

74

37

69

27

55

Số học sinh chưa hoàn thành

9

17

0

0

0

0

C. PHẦN KẾT LUẬN

     I . Bài học kinh nghiệm:

     Trong quá trình nghiên cứu và vận dụng phương pháp trò chơi vào dạy học môn Tự nhiên và Xã hội tôi nhận thấy.

     1.  Đối với giáo viên:

- Trước hết phải tâm huyết với nghề luôn tìm tòi học hỏi cập nhật vấn đề mới của xã hội.

- Khơi dậy lòng say mê thích học hỏi của học sinh làm cho học sinh cảm thấy thực sự yêu trường, yêu thích học tập không nên gò ép các em theo một khuôn thước nhất định. Biết trân trọng sự sáng tạo của học sinh.

- Phối hợp tốt các phương pháp dạy học hiện đại và truyền thống vào dạy học. Ưu tiên cho phương pháp trò chơi song khi sử dụng phương pháp này mỗi giáo viên cần lưu ý:

+ Trò chơi phải góp phần thực hiện mục tiêu bài dạy

+ Trò chơi phải được chuẩn bị kĩ phù hợp với đối tượng học sinh cả về thẩm mĩ và nội dung.

+ Không nên tổ chức kéo dài trò chơi sẽ ảnh hưởng tới mạch kiến thức. Cần biết tổ chức cho khéo, trò chơi học tập cần mang đúng nghĩa học mà chơi, chơi mà học. Tránh sự thái quá.

+ Trò chơi chỉ áp dụng với mỗi bài 1 lần. Nếu là trò chơi khám phá kiến thức nội dung bài cần được 75% số lượng học sinh tham gia.

+ Tránh tình trạng chỉ có một nhóm học sinh khá giỏi tham gia.

     2. Đối với học sinh:

      -  Tích cực học tập, có có óc tìm tòi, ý thức tự giác trong học tập

     -  Xem trước bài ở nhà.

      II. Kết luận

 - Trong quá trình vận dụng phương pháp trò chơi vào dạy môn Tự nhiên- Xã hội tôi nhận thấy đây là phương pháp đặc biệt quan trọng bởi nó phù hợp với tâm lí của học sinh. Nó là con đường giúp các em đến với tri thức ngắn nhất. Vì  chơi mà học- học mà chơi” là một hoạt động mang tính tự nguyện không gò ép tạo cho các em được được sống là chính mình được tìm tòi, được khám phá. Và đây chính là một nét mới- một nét độc đáo trong quá trình dạy học của mỗi giáo viên.

- Trên đây là kinh nghiệm của tôi trong việc “Sử dụng phương pháp trò chơi nhằm nâng cao chất lượng dạy- học môn Tự nhiên và Xã hội ở lớp 3”. Với thời gian vận dụng chưa dài nên sang kiến của tôi chưa thật sự sâu rộng mong có sự đóng góp ý kiến của các cấp lãnh đạo, các chuyên viên, nghiệp vụ. Các bậc chỉ đạo chuyên môn ở các trường để sáng kiến của tôi được hoàn hảo hơn và từng bước áp dụng vào thực tế.

      III. Đề xuất kiến nghị

     Chúng tôi là những giáo viên trực tiếp đứng lớp, rất mong các cấp, các ngành quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa cho các trường về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Về phía ngành xin đề nghị tạo điều kiện cho chúng tôi tham quan, học tập một số trường điển hình hay mở hội nghị, hội thảo bàn về vấn đề đổi mới phương pháp giảng dạy để chúng tôi có điều kiện nâng cao năng lực chuyên môn học tập đổi mới phương pháp giảng dạy.

Quận Hoàng Mai

Video liên quan

Chủ đề