Vũ trọng khánh là ai

Vũ Trọng Khánh là một “công bộc của dân” như lời dạy của Bác Hồ, ông sống “ôn hòa trong xử sự những việc cụ thể, nhưng không thỏa hiệp trong những vẫn đề nguyên tắc”. Ông thuộc thế hệ luật sư ưu tú nhất mà Bác Hồ đã quy tụ được để phụng sự Tổ quốc, như: Vũ Đình Hòe, Phan Anh, Nguyễn Hữu Thọ, Trần Công Tường… Vũ Trọng Khánh là người góp phần kiến tạo quan trọng Sắc lệnh 46/SL ngày 10/10/1945, trở thành một cột mốc trong việc hình thành khái niệm quyền bào chữa và nghề luật sư trong chế độ cách mạng, được hiến định trong Hiến pháp năm 1946.

Vũ Trọng Khánh sinh ngày 13/3/1912, trong một gia đình tiểu thương, quê gốc làng Cự Đà, Thanh Oai, Hà Đông (nay là Hà Nội).Năm 1936, tốt nghiệp Cử nhân luật, ông không ra làm quan như ý nguyện của cha mẹ mà về Hải Phòng làm Thư ký Văn phòng luật sư Laubies. Đến năm 1941, ông tuyên thệ Luật sư trước Tòa Thượng thẩm Hà Nội và trở thành luật sư chuyên nghiệp.

Luật sư Vũ Trọng Khánh tuyên thệ trước Tòa Thượng thẩm Hà Nội và trở thành luật sư chuyên nghiệp năm 1941

Với tài hùng biện, tinh thần thượng tôn pháp luật, bằng kỹ năng giao tiếp lịch lãm, diễn giải thuyết phục, khúc chiết mà logic và sự hiểu biết sâu sắc về tâm lý con người, cùng trình độ tiếng Pháp uyên thâm, ông đã được luật sư Laubies tin cậy, giao quyền thay mặt mình để tranh tụng trước tòa nhiều vụ án, bào chữa cho nhiều chiến sĩ cách mạng tại Tòa án của chính quyền thực dân Pháp tại Hải Phòng. Danh tiếng Vũ Trọng Khánh lan truyền lên tận Tòa Thượng thẩm Hà Nội, ngay cả các đồng nghiệp người Pháp cũng nể trọng.

Vũ Trọng Khánh là một trí thức tham gia hoạt động cách mạng và trưởng thành trong phong trào yêu nước rất sớm, ngay từ thời kỳ “Mặt trận Bình dân” (1936 - 1939). Ông từng được bổ nhiệm làm Đốc lý Hải Phòng 49 ngày. Trong cách mạng tháng Tám, ông tham gia tổ chức mít - tinh chào mừng thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng Hải Phòng, được cử giữ chức Ủy viên hành chính. Trong hồi ký của mình, ông viết: “Tham gia cướp Chính quyền ở Hải Phòng xong thì được điện của anh Võ Nguyên Giáp, tôi lên Hà Nội ngày 26-8-1945 nhậm chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.

Chính phủ lâm thời mới thành lập chưa có Hiến pháp, chưa thể có ngay hệ thống các bộ luật cho cả nước. Nhưng không thể để đất nước một ngày không có pháp luật, do vậy việc quản lý đất nước bằng sắc lệnh là vô cùng quan trọng. Trước tình thế cấp bách ấy, với cương vị Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Vũ Trọng Khánh đã tranh thủ ý kiến của nhiều trí thức, luật gia nổi tiếng và đã hoàn thành trọng trách mà Cụ Hồ và Chính phủ giao phó: Bằng tài năng của mình, chỉ trong vòng hơn 6 tháng, với 181 ngày làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ông đã cùng với các cộng sự khởi thảo ban hành hơn 30 Sắc lệnh làm cơ sở thể chế cho quản lý nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa còn non trẻ.

Ngày 20/9/1945, Bộ trưởng Vũ Trọng Khánh được cử tham gia Ủy ban dự thảo Hiến pháp và là một trong bảy thành viên, bao gồm: Chủ tịch Hồ Chí Minh; Vĩnh Thụy (tức Bảo Đại); Đặng Thai Mai; Vũ Trọng Khánh; Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu (tức Trường Chinh). Ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là trực tiếp khởi thảo Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946. Đây là đạo luật cơ bản nhất của một nhà nước, nó thể hiện ý chí và nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân, một bản hiến văn lịch sử ra đời.

Ủy ban Dự thảo họp phiên cuối cùng do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trưởng ban chủ trì. Người đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Trọng Khánh đọc toàn văn bản dự thảo. Tất cả 7 thành viên biểu quyết tán thành. Chủ tịch Hồ Chí Minh kết luận: “Đây là một bản dự thảo đặc sắc, ông Vũ Trọng Khánh có công đầu”. Người yêu cầu cho công bố ngay để lấy ý kiến cả nước. Bản dự thảo Hiến pháp Việt Nam của Chính phủ lâm thời là nền tảng cho việc xây dựng Dự án Hiến pháp năm 1946 sau này được Quốc hội tiếp tục thảo luận và thông qua ngày 9/11/1946; được mang tên Hiến pháp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1946 - Là một bản hiến văn, bao gồm lời nói đầu và 7 chương, 70 điều.

Lời nói đầu khẳng định ba nguyên tắc cơ bản của bản Hiến pháp này: Một là: Đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái, trai, giai cấp, tôn giáo. Hai là: Đảm bảo các quyền tự do dân chủ. Và ba là: Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân. Chương I: Quy định chính thể của Việt Nam là Dân chủ Cộng hòa; Chương II: Quy định nghĩa vụ và quyền lợi công dân, xác nhận sự bình đẳng về mọi phương diện của tất cả công dân Việt Nam trước pháp luật; Chương III: Quy định về nghị viện nhân dân; Chương IV: Quy định về chính phủ - cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc; Chương V: Quy định phương diện hành chính, bộ, tỉnh, huyện, xã; quy định về cơ quan hành chính (ủy ban hành chính và hội đồng nhân dân) các cấp; Chương VI: Quy định về cơ quan tư pháp bao gồm toà án tối cao, các toà án phúc thẩm, các toà án đệ nhị cấp và sơ cấp; Chương VII: Quy định về việc sửa đổi Hiến pháp, trong đó có quyền phúc quyết hiến pháp của dân.

Tháng 7/1946, luật sư Vũ Trọng Khánh được cử tham gia phái đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn đi dự Hội nghị Fontainebleau. Cuộc họp này diễn ra tại Fontainebleau thuộc tỉnh Seine-et-Marne, Pháp từ ngày 6/7/1946 cho đến trung tuần tháng 9/1946 nên được gọi là Hội nghị Fontainebleau. Đây là cuộc điều đình giữa Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đệ tứ Cộng hòa Pháp về một số vấn đề cần minh định như: Địa vị của Việt Nam trong khối Liên hiệp Pháp;Mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các nước; Tổ chức giữa các xứ trong Liên bang Đông Dương; Nguyện vọng thống nhất ba kỳ: Bắc, Trung và Nam của Việt Nam qua việc trưng cầu dân ý ở Nam Bộ;Các vấn đề kinh tế, văn hóa và soạn thảo dự án Hiệp ước.

Do phía chính phủ Pháp thiếu thiện chí nên Hội nghị Fontainebleau bế tắc, không thành công. Ngày 15/9/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Hải ngoại Moutet đã ký một văn bản gồm 11 điều khoản mà về sau gọi là Tạm ước 14/9 với cam kết hai bên sẽ tiếp tục đàm phán, cùng ấn định thể thức trưng cầu dân ý ở Nam Bộ và đảm bảo các quyền tự do, dân chủ ở Nam Bộ. Nhưng phía thực dân Pháp vẫn điều hành chính sách thuộc địa nên mấy tháng sau, việc phá bỏ Tạm ước, gây nên cuộc chiến trên toàn cõi Đông Dương. Tuy nhiên, việc ký Tạm ước 14/9 vào thời điểm đó vẫn là một giải pháp chính trị linh hoạt, tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhằm bảo tồn Hiệp định sơ bộ 6/3, cứu vãn Hội nghị Fontainebleau và kéo dài thêm một khoảng thời gian hòa bình quý giá để quân ta tích cực chuẩn bị lực lượng vũ trang chống chiến tranh lâu dài với thực dân Pháp.

Kháng chiến bùng nổ, từ tháng 12/1946 đến tháng 12/1948, luật sư Vũ Trọng Khánh làm Giám đốc Tư pháp Chiến khu 10 gồm 6 tỉnh: Vĩnh Yên, Phúc Yên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái.

Luật sự Vũ Trọng Khánh báo cáo công việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Paris năm 1946

Nói tới luật sư Vũ Trọng Khánh, các vị lão thành trong ngành Tư pháp không ai quên cuộc bút chiến lịch sử vào năm 1948, tổ chức trên báo Sự Thật (cơ quan của Đảng Cộng sản Đông Dương, sau này đổi tên là báo Nhân dân) có sự tham gia của một bên là Luật sư Vũ Trọng Khánh - nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp lúc đó là Giám đốc Tư pháp Chiến khu X, Luật gia Vũ Đình Hoè - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Tư pháp… và một bên là nhà báo Quang Đạm - một nhà báo, biên tập viên nòng cố của báo Sự Thật ... Từ cuộc tranh luận công khai trên báo của Đảng, về sau mọi người đều nhất trí một nguyên tắc cơ bản mà các bản Hiến pháp nước ta từ trước đến nay đều ghi nhận “tư pháp độc lập”: Khi xét xử, thẩm phán và hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Từ năm 1949 đến tháng 12/1951, ông là Trưởng Ban Nghiên cứu pháp lý. Giai đoạn 1951 - 1954, ông làm Giám đốc Vụ Hành chính tư pháp. Tháng 10/1954, miền Bắc được giải phóng, Vũ Trọng Khánh tham gia đoàn quân tiếp quản Thủ đô Hà Nội, sau đó được điều động về Hải Phòng giữ chức vụ Ủy viên Hành chính, rồi Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban Hành chính Thành phố Hải Phòng (từ năm 1955-1961).

Ngoài ra, Luật sư Vũ Trọng Khánh còn giữ các chức vụ đoàn thể khác: Đại biểu Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Hòa Bình Hải Phòng, Hội trưởng Hội Phổ biến khoa học kỹ thuật Hải Phòng, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Hải Phòng, Trưởng Ban Vận trù học, Tham gia Đoàn Luật sư và là bào chữa viên Hải Phòng. Ông là Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hải Phòng từ lúc mới thành lập (1955) đến năm ông về hưu 1977.

Kỷ vật - Ảnh Bác Hồ tặng vợ chồng luật sư Vũ Trọng Khánh

Luật sư Vũ Trọng Khánh mất ngày 22/1/1996, hưởng thọ 84 tuổi. Trong Thư chia buồn gửi gia đình cố Luật sư Vũ Trọng Khánh, ngày 25/1/1996, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Anh là một trí thức yêu nước, có tâm huyết đối với vận mệnh của Tổ quốc, đã từng có đóng góp xứng đáng trong Chính phủ Lâm thời đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong suốt những thập kỷ kháng chiến và những năm tiếp theo, anh đã hết lòng phục vụ nhân dân, có cống hiến xứng đáng đối với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân và xây dựng nền luật học của nước ta”.

Thấm nhuần lời dạy của Hồ Chủ tịch: “Người cán bộ tư pháp phải phụng công, thủ pháp, chí công vô tư, nghĩa là: Phụng công là tôn thờ lẽ công bằng, tôn thờ công lý, không thiên lệch. Thủ pháp là giữ gìn, bảo vệ pháp luật, không vì lý do gì mà bẻ cong, làm trái pháp luật. Muốn phụng công, thủ pháp được thì trước hết Thẩm phán, người cán bộ Tòa án phải có bản lĩnh, có đủ năng lực, trình độ chuyên môn và cái tâm trong sáng”. Tư tưởng bao trùm các giá trị công lý trong các văn kiện chính trị, pháp lý quan trọng của Đảng và Nhà nước như tiếp thêm sức mạnh mới cho bầu không khí dân chủ, đổi mới cuộc sống hôm nay; càng làm cho chúng ta nhận thức sâu sắc hơn, thấm thía hơn những giá trị nhân văn, dân chủ của nền tư pháp vì công lý và những đóng góp lớn lao của vị Bộ Trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Luật sư Vũ Trọng Khánh.

Luật sư Vũ Trọng Khánh đã cống hiến trọn đời cho nền tư pháp Việt Nam, ông là người có công lớn trong việc xây dựng hiến pháp đầu tiên. Nhắc đến ông, người ta không chỉ trầm trồ kính phục bởi tài năng, đức độ và nhân cách của một trí thức lớn của thời đại, ông còn là người sống giản dị, liêm khiết, luôn luôn tận tụy với dân chúng, với xã hội.

Luật sư Vũ Trong Khánh có một gia đình yên ấm, hạnh phúc với người vợ con nhà “Danh gia vọng tộc” của dòng họ Trịnh nổi tiếng ở Hà Nội, được trọng vọng, không những giàu về tài sản mà còn có tiếng thơm về trí tuệ, về học vấn; có nhiều công lao đóng góp cho xã hội. Bà là Trịnh Thị Ngọc Lan, sinh ngày 12/6/1913, em gái út trong gia đình có bốn anh chị em đều học hành, đỗ đạt cao nhất làng Chính Kinh (Hà Nội) thời đó. Ngọc Lan là em ruột Luật sư Trịnh Đình Thảo (1901-1982) - một nhà hoạt động chính trị, một chính khách nổi tiếng, nguyên Chủ tịch Liên minh các lực lượng hòa bình dân chủ miền Nam Việt Nam thời chống Mỹ.

Ông bà Vũ Trọng Khánh - Trịnh Thị Ngọc Lan

Bà thi đậu bằng Sơ học Yếu lược (Primaire Élémentaire) rồi ở nhà đọc sách, thêu thùa... Chồng học trường luật, bà lại thành thạo tiếng Pháp nên thường giúp ông chép bài, dịch thuật…bà am tường chế định pháp luật qua các trang sách luật quốc tế của chồng, nên hỗ trợ được nhiều việc khi ông làm thư ký Văn phòng luật sư Laubies và hành nghề luật sư ở Hải Phòng…

Trải qua bao ngày tháng kinh tế khó khăn ở Hà Nội, rồi bà bồng con theo chồng lên chiến khu cho đến năm 1954 hoà bình được lập lại ở miền Bắc, gia đình bà trở về Hải Phòng sinh sống như là quê hương thứ hai của mình.

Cuộc đời của ông bà là cả một chuỗi hành trình vất vả nhọc nhằn, luôn phải chịu đựng sự thiếu thốn về vật chất, nhưng ông bà vẫn dành cho nhau những phút giây thư thái, ung dung tự tại của bậc trí thức mẫn tuệ, nguyên vẹn phong thái của con nhà gia giáo, trâm anh. Mỗi khi rảnh rang, trong những buổi sáng tĩnh lặng đón bình minh hay cùng nhau ngắm hoàng hôn thanh bình nơi đất cảng, ông bà thường ngồi đối diện, cùng nâng chén trà nhấp từng ngụm nhỏ, tận hưởng hương vị thanh tao của sen, đượm nồng, ngọt ngào của trà rồi cùng đàm đạo mọi lĩnh vực xoay quanh cuộc sống: từ chính trị, xã hội đến kinh tế, luật pháp, kể cả chuyện văn chương, chữ nghĩa... Ông thật hạnh phúc vì bà là người phụ nữ hiểu sâu, biết rộng mà tinh tế. Bởi vậy, có lần ông viết thư khoe với nhà thơ Cù Huy Cận rằng: “Tôi có một người vợ đồng tư tưởng tiến bộ với mình là một hạnh phúc”.  Ông bà đã cùng nhau đi suốt hai cuộc trường chinh chống Pháp và chống Mỹ, vượt qua bao năm tháng gian nan vất vả được sống bên nhau trong những năm tháng thanh bình, độc lập, thống nhất đất nước cho đến tận cuối đời. Hiện nay gia đình vẫn còn lưu giữ được hàng trăm bức thư hai ông bà gửi cho nhau.

Ông bà Vũ Trọng Khánh sinh hạ được 4 người con, ba trai một gái, mỗi người đều để lại dấu ấn của mình ở những lĩnh vực khác nhau, như: Nhà giáo Vũ Trọng Huỳnh, Tiến sĩ Vật lý Vũ Trọng Hùng, PGS-TS. Vũ Trọng Khải cùng nhiều con cháu nội ngoại đã thành đạt, có cuộc sống no đủ, đóng góp tích cực cho quê hương và xã hội.

Do có nhiều công lao trong hai cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc; góp phần vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và Tổ quốc. Luật sư Vũ Trọng Khánh được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh (1994), Huân chương Kháng chiến hạng Nhất (1961), Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất (1986) và nhiều huy chương, bằng khen cao quý khác…

Cuộc đời và sự nghiệp của ông được giới thiệu trọn vẹn trong cuốn sách Luật sư Vũ Trọng Khánh cuộc đời và sự nghiệp do Nhà xuất bản Tư Pháp phát hành gồm các bài viết của luật sư Vũ Trọng Khánh, của bạn bè, đồng nghiệp và những người thân trong gia đình ông. Ngoài các bài đã được in trong cuốn Luật sư Vũ Trọng Khánh - Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên do Nhà xuất bản Tri thức ấn hành năm 2015, trong lần xuất bản này (năm 2019), cuốn sách đã được bổ sung một số bài viết, tư liệu, hình ảnh quý thể hiện tình cảm với luật sư Vũ Trọng Khánh - Vị Bộ trưởng Tư pháp đầu tiên, một lão thành cách mạng có uy tín trong giới luật và luật sư nước nhà.

Truyền thống đặt tên đường tên phố xưa nay của Hà Nội là chọn tên danh nhân văn hóa, lịch sử, các vị anh hùng có công với đất nước, làng xã để đặt tên đường, phố và các công trình công cộng… Đây là một truyền thống đẹp và nhân văn vừa thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, vừa là một cách để giữ gìn lịch sử. Tên phố chính là lịch sử của đất nước. Tên của luật sư Vũ Trọng Khánh được đặt cho hai con đường: Một tuyến phố nối từ đường Tố Hữu đến đường Trần Phú dài 1,2km thuộc quận Hà Đông, thủ đô Hà Nội quê hương ông. Và tên ông được đặt cho một tuyến phố nối từ đường Văn Cao qua địa bàn hai phường Đằng Giang và Đổng Quốc Bình, thành phố Hải Phòng quê hương thứ hai của ông.

None

Video liên quan

Chủ đề