Achilles - Chiến binh huyền thoại và anh hùng của Cuộc chiến Troy trong thần thoại Hy Lạp

Cuộc chiến thành Troy - một cuộc chiến huyền thoại đã không còn quá xa lạ với tất cả những người có hứng thú và tìm hiểu về Thần thoại Hy Lạp. Nhưng trong mười năm ròng rã của trận chiến đầy khói lửa và máu bụi ấy, liệu có còn điều gì ý nghĩa hơn danh dự và quyền lực không? Liệu chiến tranh và đổ máu có nên là những thứ duy nhất ta nghĩ về khi nhắc đến thành Troy? Theo chân Patroclus, người đồng hành và cũng là người tình của chiến binh lừng danh Achilles, Trường ca Achilles mở ra một góc nhìn hoàn toàn khác biệt và mới mẻ về người anh hùng Achilles cũng như mười năm đằng đẵng của chàng ở Troy.

Ra mắt với tác phẩm đầu tay là Trường ca Achilles, Madeline Miller đã tạo được cho mình một tiếng vang ấn tượng. Tuy là một cây viết mới nhưng bù lại cho tuổi nghề còn non trẻ, cô chọn lĩnh vực mà chính bản thân cô đã đổ rất nhiều tâm huyết vào: Hy Lạp cổ đại. Cô tốt nghiệp trường Đại học Brown bằng cử nhân và thạc sĩ ngành Latinh và Hy Lạp cổ đại, cô cũng từng theo học tại khoa Kịch nghệ tại trường Đại học Yale, chuyên về chuyển thể các tác phẩm kinh điển sang dạng hiện đại. Với lượng kiến thức chuyên ngành đồ sộ, cô dành thêm mười năm để hoàn thiện Trường ca Achilles và chính thức xuất bản tác phẩm đầu tiên vào năm 2011.

Trường ca Achilles dựa theo sử thi Iliad để kể lại câu chuyện của chiến binh lừng danh nhất Hy Lạp dưới góc nhìn của Patroclus, “người thương yêu nhất” đối với chàng. Câu chuyện bắt đầu với thời thơ ấu của Patroclus, khi cậu nhìn thấy Achilles lần đầu tiên, khi cậu đến hỏi cưới Helen và lập lời thề bảo vệ nàng cùng vị phò mã tương lai, khi cậu phạm tội giết người và bị trục xuất, và khi cậu gặp lại Achilles, khi cậu nhận ra tình cảm của mình, để rồi dành cả đời bên cạnh chàng, cho đến hơi thở cuối cùng, cho đến khi cậu chỉ còn là một bóng ma vương vấn nơi trần gian. Vẫn dựa theo Thần thoại và Iliad, nữ nhà văn Miller đã sáng tạo ra thêm nhiều tình tiết để trám vào các khoảng trống không được nhắc đến trong hai nguồn dữ liệu trên để vẽ nên cuộc đời và hành trình của Patroclus một cách rất thuyết phục. Bằng ngòi bút của mình, cô chiếu lên cuộc chiến tranh một ánh sáng mới, một ánh sáng người thường và nhân đạo hơn.

Achilles - Chiến binh huyền thoại và anh hùng của Cuộc chiến Troy trong thần thoại Hy Lạp

Trường ca Achilles được chia làm ba mươi ba chương, dưới góc nhìn của Patroclus.

Patroclus là một hoàng tử - cậu là con trai của vua Menoitius - nhưng cậu lại chẳng có điểm nào xuất sắc, và sự thật rằng đầu óc mẹ cậu có phần đơn giản càng khiến cuộc đời của người kế vị tương lai là cậu thêm phần mù mịt.

“Điều này chỉ khiến cha tôi thêm hoài nghi. Liệu tôi có phải một thứ phi nhân loại được tráo đổi vào? Ông cau mày nhìn tôi, săm soi. Tay tôi run rẩy dưới cái nhìn của ông. Và mẹ tôi ở bên kia, nhễu rượu lên chính mình.”

Trái ngược với cậu là hình ảnh rạng ngời của Achilles - mẹ chàng là nữ thần và chàng thì rạng rỡ như ánh dương. Ngay từ thuở ấu thơ, chàng đã là người xuất sắc nhất trong tất cả những đứa trẻ đồng trang lứa. Lần đầu tiên nhìn thấy Achilles, mái tóc sáng bừng như mật ong dưới ánh nắng và gót chân thoăn thoắt của chàng đã vô thức in sâu vào kí ức Patroclus.

“Ông quay sang tôi.

‘Con trai thì phải thế chứ.’

Tay tôi cảm thấy trống rỗng khi không nắm vòng nguyệt quế. Tôi nhìn vua Peleus ôm con trai mình. Tôi thấy cậu trai tung vòng nguyệt quế lên không trung và lại đón được nó. Cậu đang cười, và khuôn mặt cậu sáng bừng trong vinh quang.”

Tuy chưa từng nói với nhau câu nào, và Achilles thậm chí còn chẳng nhìn thấy người kia, nhưng hình ảnh chàng ngời sáng khi thi đấu và ăn mừng lại khắc sâu vào tâm tư của Patroclus, trở thành một trong số ít những hình ảnh rời rạc mà cậu hiếm hoi nhớ được. Có lẽ, đối với những người ngẩng đầu lên chỉ thấy bóng tối như Patroclus, Achilles chính là tia sáng khiến cậu phải khắc ghi mãi. Achilles đối với Patroclus lúc ấy như một thứ ánh sáng kì diệu, chẳng thể nào chạm đến được mà chỉ có thể đứng từ xa ngưỡng mộ và ghen tị.

Sau lần gặp ấy, một sự kiện quan trọng trong những năm tháng tuổi trẻ của Patroclus cũng được kể lại - cậu đi cầu hôn Helen. Trong Thần thoại, việc Patroclus có tên trong danh sách những người cầu hôn Helen có được nhắc đến, nhưng đa phần đều không đi sâu vào chi tiết - khi ấy cậu còn quá nhỏ. Tuy nhiên, bằng sự sáng tạo của mình, Madeline Miller đã viết lại câu chuyện ấy rất thuyết phục và hợp lí với các mốc thời gian. Đây cũng là một cơ hội tuyệt vời để độc giả được có cái nhìn sơ lược về các vị chỉ huy trong trận chiến thành Troy tương lai, cũng như mở ra đoạn đầu của bi kịch chiến tranh ấy.

“Trước khi nàng chọn, mỗi người ở đây phải tuyên thệ: ủng hộ lựa chọn của công chúa Helen, và bảo vệ chồng nàng khỏi tất cả những ai muốn cướp nàng ấy đi.”

Trong số hàng trăm vị vua chúa có mặt tại căn phòng ngày hôm ấy, không một ai có thể lường trước được rằng chỉ với lời tuyên thệ này, họ đã bị ràng buộc với một tương lai tối tăm và dai dẳng phía trước.

Tuổi thơ của Patroclus được chia làm hai giai đoạn, trước khi đến Phthia và sau khi đến Phthia. Và bây giờ, sau hai sự kiện quan trọng ở giai đoạn đầu, đã đến lúc bức màn của số phận được vén lên, cuộc sống của Patroclus - con trai của vua Menoitius - chính thức kết thúc ngay tại sự kiện này.

Patroclus bị trục xuất khỏi vương quốc của chính mình vì tội giết người.

“Đầu thằng bé đập mạnh vào đá, và tôi thấy sự kinh ngạc bùng lên trong mắt nó. Máu bắt đầu lan ra khoảng đất xung quanh nó.

Tôi trân trối nhìn, họng nghẹn đắng trong nỗi kinh hoàng trước sự việc mình vừa gây ra.”

Nợ máu. Kể từ đây, Patroclus không còn là con trai của Menoitius nữa. Cậu đã tước đi sinh mạng của một người, và giờ chính tội ác này sẽ tước đi ngôi vị và tên họ của cậu. Cậu giờ chỉ còn là một đứa trẻ mồ côi vô danh được vua Peleus nhận nuôi.

“Đây là cách tôi dần hiểu ra địa vị của mình ở đây. Trước giây phút này, tôi từng là một vị hoàng tử, được đón chờ và xưng danh. Giờ tôi chẳng là gì cả.”

Đó là con đường dẫn cậu tới Phthia.

Đó cũng là con đường dẫn cậu tới Achilles.

Ban đầu, Achilles đối với Patroclus chỉ như một cái gai đáng ghét trong mắt, một sự dằn vặt đối với vết thương hở mãi không bao giờ lành. Sự ưu ái của số phận đối với chàng được bày ra trước mắt Patroclus mỗi ngày như thể đang cười nhạo cậu.

“Con trai thì phải thế chứ.”

Lời so sánh của người cha vang vọng trong đầu cậu.

“Mặt tôi đỏ bừng. Bên dưới sự tội lỗi, cơn giận dâng lên chậm rãi và âm ỉ. Cậu có quyền quở trách tôi, nhưng tôi ghét cậu vì đã làm vậy.”

Patroclus vẫn chỉ là một đứa trẻ, một đứa trẻ bị tổn thương nên giờ chỉ biết xù lông và dùng sự hung hăng để đối phó với người khác. Đứng trước những thứ to lớn khiến con người ta luôn cảm thấy mình bé lại, và nổi giận là cách duy nhất mà cậu biết để phòng vệ trước sự hoàn hảo trong cuộc đời của Achilles. Ganh tị và giận dữ có lẽ là những cảm xúc mạnh mẽ duy nhất cậu cảm nhận được lúc bấy giờ.

Nhưng rồi, trải qua những tháng ngày cùng nhau, Patroclus nhận ra rằng cậu không cần phải dựng lên lớp phòng vệ nữa. Có thể nói, Achilles đã thuần phục Patroclus bằng sự đơn thuần của mình. Chàng nghĩ gì nói nấy, ẩn giấu trong từng lời chàng nói không có chiếc đuôi bọ cạp đầy nọc độc nào. Ở cạnh chàng Patroclus thấy nhịp tim mình chậm lại.

“Giờ đây có gì đó căng lên trong tôi, cảm giác sắc bén quen thuộc đến từ giận dữ và ganh tị, đâm sâu vào đời tôi như mảnh dằm. Nhưng những lời lẽ chua chát tan biến ngay cả khi tôi vừa nghĩ tới chúng.”

Patroclus không còn cảm thấy bị đe dọa khi nghĩ về Achilles nữa. Cậu cảm thấy an toàn.

Tình bạn của hai người nhanh chóng đâm chồi ngay sau đó. Giờ, khi không còn vướng bận gì vì ganh tị và giận dữ, cả hai thân thiết như hình với bóng.

Và rồi, từ sự thân thiết ấy, một thứ tình cảm khác lặng thầm bén rễ.

“Nhưng cả khi ở nơi đây, trong bóng tối dưới mi mắt mình, tôi cũng không thể gọi tên những điều bản thân khao khát. Ban ngày tôi trở nên bồn chồn, thấp thỏm. Nhưng tất cả những đi lại, hát hò, chạy nhảy cũng không thể giữ những hình ảnh ấy xa khỏi tôi. Chúng cứ tới, và chúng sẽ không dừng lại.”

Thế nhưng, khi vẫn chưa thể gọi tên cảm xúc ấy, nữ thần Thetis - mẹ của Achilles - đã tách rời hai người bằng cách đem chàng đi mất. Chàng sẽ lên núi và theo học Chiron - Thetis muốn con trai mình trở thành người tài giỏi nhất Hy Lạp, bà muốn chàng trở thành thần. Bà không cho phép con trai bà gần gũi với bất cứ người phàm nào như cách Patroclus đã lỡ quá phận.

Patroclus, vốn trước giờ chỉ biết im lặng chấp nhận số phận - cậu đã không dám phản kháng khi thừa nhận tội danh giết người và bị trục xuất khỏi vương quyết - nay lại một lần nữa bị đặt giữa ngã rẽ cuộc đời. Cậu có nên ở lại cung điện và chấp nhận đánh mất Achilles mãi mãi? Hay cậu nên chạy trốn khỏi nơi đây, và đuổi theo chàng đến núi Pelion?

“Mình có thể rời đi.”

Một ý nghĩ chợt thoáng vụt qua tâm trí Patroclus, như lời thúc giục của số phận.

“Ngay bây giờ. Phải đi ngay bây giờ.”

Và Patroclus vùng chạy.

Một Patroclus từng chỉ biết chấp nhận để số phận đưa đẩy giờ đây đã vùng chạy khỏi xiềng xích của sự sắp đặt. Cậu đã đứng lên chống lại ý nguyện của một vị thần.

“Tôi thu hình dáng cậu vào trong tâm trí, mái tóc vàng, đường cong mềm mại của đôi môi cậu khi nhìn từ dưới lên. Sự vui sướng trong tôi dữ dội đến nỗi tôi không dám hít thở. Tôi không biết lúc ấy mình có thể nói gì. Có lẽ là xin lỗi. Hoặc có lẽ là điều gì đó hơn thế nữa.”

Achilles đã đợi cậu, và tim cậu sáng bừng hạnh phúc. Lúc này, đối với Patroclus, chỉ cần được nhìn thấy và ở cạnh chàng thôi đã là một sự vui sướng rồi. Achilles chính là định nghĩa hạnh phúc trong cậu.

Rồi cứ thế, hai người lại dành tất cả khoảng thời gian trong ngày bên cạnh nhau. Thần thánh hay người thường, chẳng còn bất cứ một ai hay bất cứ thứ gì có thể ngăn cản họ.

Và rồi họ yêu nhau.

“‘Cậu có hối hận không?’ Câu hỏi gấp gáp tuôn ra khỏi miệng cậu, trong duy nhất một hơi thở.

‘Không đâu,’ tôi trả lời.

‘Mình cũng không.’”

Chính trong lúc đang đắm chìm trong cái ngọt ngào bồng bềnh của tình yêu ấy, chẳng ai ngờ rằng rồi đây trên đoạn đường tương lai của hai người sẽ lại gặp kết cục đau đớn đến như vậy.

“Hãy kể tên một vị anh hùng được hạnh phúc đi.”

Một câu hỏi bất chợt vang lên, nhắc nhở cả hai về số phận bi kịch của những anh hùng.

“‘Mình biết mà. Người ta chẳng bao giờ để cho cậu nổi tiếng và hạnh phúc cả.’ Cậu nhướn một bên mày. ‘Mình sẽ kể cho cậu nghe một bí mật.’

‘Kể đi.’ Tôi yêu những lúc cậu như thế này.

‘Mình sẽ là người đầu tiên được như vậy.’”

Với sự ngây thơ của tuổi trẻ và hy vọng ngập tràn vào tương lai ấy, cả hai đã chìm đắm trong những giấc mơ như thế. Nhưng mỉa mai thay, khoảnh khắc Achilles mơ mộng về một tương lai tươi sáng cũng là lúc bức màn đen tối phủ lấy tương lai không xa của chàng. Sớm thôi, mây đen sẽ vây kín số phận chàng và vở bi kịch anh hùng lại lần nữa lập lại. Dù có là chiến binh xuất sắc nhất Hy Lạp với đôi chân thoăn thoắt như lướt gió thì chàng cũng sẽ không thể nào chạy thoát khỏi bàn tay của số phận.

Ngọn lửa của chiến tranh đã bén đến chốn thiên đường của hai người.

Achilles - Chiến binh huyền thoại và anh hùng của Cuộc chiến Troy trong thần thoại Hy Lạp

Một ngã rẽ mới xuất hiện trong cuộc đời của cả hai người. Đối với Patroclus, đó là bóng ma mơ hồ từ quá khứ đã ngủ quên, khi cậu ở trong cùng một căn phòng với hàng trăm vị vua chúa khác, máu dê trộn lẫn tro cây bách trên cổ tay, một lời thề được lập lên như thể xiềng xích trói buộc tất cả mọi người có mặt tại đó. Những thứ có vẻ xa xăm và nhợt nhạt ấy bây giờ lại chân thật đến lạ, và chúng sẽ kéo cậu ra trận, tiến thẳng xuống địa ngục. Còn đối với Achilles, chàng không còn lựa chọn nào khác. Đôi bàn tay lạnh lẽo của nữ thần Thetis đã bắt lấy chàng và mang chàng đi theo cùng gió biển. Cậu bị bắt đến Scyros, xa khỏi khói lửa chiến tranh, xa khỏi vòng tay người yêu dấu.

Số phận lại lần nữa tách rời cả hai, nhưng lần này, Patroclus không còn chần chừ trong việc đuổi theo Achilles.

“Tôi có thể nhận ra cậu chỉ bằng một cái chạm nhẹ, bằng mùi hương; tôi sẽ nhận ra cậu cả khi mù lòa, qua hơi thở phập phồng của cậu và tiếng bàn chân cậu nện xuống đất. Tôi sẽ nhận ra cậu cả khi đã chết, ở tận cùng của thế giới.”

Một lần nữa, Patroclus tìm thấy Achilles, nhưng cậu không phải là người duy nhất. Chiến tranh tiến đến gõ cửa phòng chàng trong hình dạng của những đoàn tàu chiến và Odysseus. Và lần này, đi cùng với nó là chết chóc, nhưng không chỉ dưới hình bóng mơ hồ của hai từ ‘có thể’.

Số phận đã định đoạt sẵn sàng cho Achilles hai con đường: hoặc là đến Troy, nhận lấy danh tiếng vĩ đại muôn đời và chôn xác ngay tại nơi ấy; hoặc là từ chối, và chàng sẽ chết dần chết mòn trong sự già cỗi, không còn ai nhớ đến và chẳng có ai cất lời hát về chàng.

“Cậu là ai nếu không nhiệm màu và tỏa sáng chứ? Cậu là ai nếu không sinh ra là để nổi danh?”

Chẳng lời quyết định nào được nói ra, vì ai cũng đã ngầm đoán trước được kết quả.

“Khi cậu chết, mọi thứ nhanh nhẹn và xinh đẹp và rực rỡ sẽ bị chôn vùi cùng cậu.”

Achilles sẽ đến Troy, và chàng sẽ bỏ mạng tại đó.

“Có lẽ ở kiếp khác tôi đã từ chối, đã giật tóc và gào thét, mặc cậu đơn độc với lựa chọn của mình. Nhưng không phải trong kiếp này. Cậu sẽ dong buồm tới Troy và tôi sẽ theo cậu, kể cả vào cõi chết.”

Achilles sẽ đến Troy, chàng sẽ bỏ mạng tại đó, và Patroclus sẽ theo sát cạnh chàng. Cậu sẽ chết cùng chàng.

Từ đây về sau sẽ chỉ còn những xấu xí và sầu đau của chiến tranh.

Và sự xấu xí đầu tiên họ phải chứng kiến chính là cái chết của Iphigenia.

“Iphigenia. Một cái tên nhẹ bẫng, như tiếng vó dê trên núi đá, nhanh nhẹn, hoạt bát, đáng yêu.”

Chiến tranh kéo đến khiến nữ thần Artemis tức giận - người ghét sự đổ máu mà đội quân hùng hậu này sẽ gây ra. Vì lẽ đó, người không cho gió nổi lên trong suốt hai tuần khiến cho đoàn thuyền không có cách nào ra khơi. Để làm dịu lòng nữ thần, chỉ huy đoàn quân là Agamemnon đã làm lễ hiến tế và tổ chức lễ cưới cho Iphigenia con gái mình cùng Achilles. Đám cưới luôn làm vui lòng thần linh.

Thế nhưng, ẩn sau đám cưới ấy lại là một mục tiêu kinh khủng: chỉ hiến tế bò và cừu là không đủ. Nữ thần yêu cầu hiến tế một nữ tư tế trinh trắng; đám cưới chỉ là một bức màn dối trá để Iphigenia - vật hiến tế - và những người khác không phòng bị hay nghi ngờ gì. Những người khác, bao gồm cả Achilles.

“Lưỡi dao lao xuống cổ nàng, và máu văng lên đài tế, đổ xuống váy nàng. Nàng tắc nghẹn, cố lên tiếng, nhưng không thể. Cả người nàng quẫy đạp và quằn quại, nhưng tay vị vua kia ghì nàng xuống. Sự phản kháng của nàng yếu dần, những cú đạp thưa dần; cuối cùng nàng bất động.”

Cú sốc đầu tiên khiến cả hai nhận ra được sự thật trần trụi và khắc nghiệt của chiến tranh. Sẽ có người phải chết, và chính Achilles là người sẽ ra tay thực hiện điều đó. Đây là một cuộc chiến thật sự, và đôi bàn tay chàng sớm sẽ nhuốm đầy màu máu.

“Cậu ta tới Troy để giết người, không phải cứu người.”

“Cậu ta là một thứ vũ khí, một kẻ sát nhân. Đừng có quên điều đó. Cậu có thể dùng một cây giáo như gậy đi bộ, nhưng điều đó sẽ chẳng làm thay đổi bản chất của đồ vật ấy đâu.”

Trong những ngày tháng phủ đầy giết chóc và cướp bóc sau này, Patroclus vẫn giữ lấy được chút dịu dàng cuối cùng của thuở ban đầu. Cậu, và Achilles, tìm những tù nhân nữ về nhiều nhất có thể. Cậu để họ sống cùng nhau trong lều riêng, cho họ quần áo mới, dạy họ tiếng Hy Lạp, cố gắng bù đắp cho họ một cuộc sống yên bình nhất sau tất cả những mất mát đau đớn mà chính quân Hy Lạp đã gây ra cho họ. Briseis là cô gái đầu tiên hai người nhận về, và số lượng nữ tù binh cứ thế tăng lên.

“Chúng tôi đã dựng một mái lều mới, to hơn, để vừa với tất cả: tám, mười, mười một cô gái.”

Tuy nhiên, có những cô gái không được may mắn như thế. Chryseis đáng thương, nàng là con gái của tư tế tối cao Chryses, Agamemnon đã tranh nàng làm chiến lợi phẩm riêng. Đây cũng là sự kiện bắt đầu của sử thi Iliad, khi các Thi thần cất lời ca về cơn thịnh nộ của Achilles, cơn thịnh nộ khủng khiếp đã mang đến hàng trăm tai ương lên binh sĩ Hy Lạp và tiễn họ xuống Âm phủ.

Cha nàng đến doanh trại của quân Hy Lạp để chuộc con gái, nhưng Agamemnon không đồng ý: gã nổi nóng và đe dọa vị tư tế. Trên đường trở về, Chryses cầu nguyện với thần Apollo, và ngài đã đồng ý gây nên đại dịch khiến hàng trăm quân Hy Lạp phải ngã rạp. Achilles kêu gọi hội nghị và yêu cầu Agamemnon trả lại Chryseis cho cha nàng để làm dịu thần Apollo. Gã đồng ý, nhưng gã muốn Briseis thay vào vị trí của Chryseis. Gã muốn hạ bệ Achilles, và chàng sẽ phải cúi đầu nhìn gã làm thế.

Sự cuồng nộ bao lấy tâm trí chàng, lửa giận nuốt lấy chàng như một con thú.

““Thanh danh chính là cả cuộc đời mình,” cậu nói. Hơi thở cậu hổn hển. “Đó là tất cả những gì mình có. Mình sẽ không sống được bao lâu nữa. Kí ức về mình là tất cả những gì mình có thể hi vọng.””

Quân Hy Lạp đã xúc phạm chàng, và chàng sẽ cho họ biết giá trị của Aristos Achaion - chiến binh tài giỏi nhất Hy Lạp. Chàng từ chối chiến đấu, và hơn cả thế, chàng để mẹ cầu xin thần Zeus khiến quân Hy Lạp thua mãi, đến khi họ bị nghiền nát trên biển, những chiến thuyền bị quân Troy thiêu trụi. Cơn thịnh nộ khiến chàng tàn nhẫn.

Cứ thế, mọi chuyện diễn ra theo ý chàng. Quân Hy Lạp thất thủ, doanh trại bị càn quét, những đoàn thuyền bùng cháy, những cột buồm gãy vụn, những xác người la liệt. Nhưng Achilles vẫn chẳng mảy may quan tâm. Chàng không có ý định giúp họ.

“Sẽ không ai nhớ tới vinh quang của cậu, hay sự chân thật, hay vẻ đẹp; tất cả những gì quý giá nơi cậu đều sẽ trở thành cát bụi và đổ nát.”

Patroclus không thể chịu được điều đó. Cậu không chịu được khi phải nhìn đồng đội mình ngã xuống, phải nghĩ đến việc rồi đây thanh danh của Achilles sẽ chẳng còn gì ngoài sự thù ghét và trách móc của binh lính dành cho chàng.

Trong phút giây hoảng loạn và thống khổ đó, cậu đề nghị Achilles cho mình ra trận trong bộ giáp của chàng. Cậu sẽ cứu mọi người, cậu sẽ cứu Achilles khỏi chính chàng.

Kế hoạch của Patroclus thành công. Quân Troy tháo chạy khi thấy ánh sáng lấp loáng chiếu trên giáp của vị tướng quân lừng danh. Cậu đã đẩy lùi được họ với một vỏ bọc hoàn hảo. Thế nhưng, bị cuốn theo dòng chảy của mọi chuyện đang diễn ra, cậu đã quên mất giới hạn và đuổi theo quân Troy đến tận cổng thành. Kế hoạch của Patroclus đổ vỡ, và cậu trút hơi thở cuối cùng dưới mũi giáo của Hector.

“Cậu ngã khuỵu lên thi thể kia. Sự thật cuồn cuộn dâng lên trong cậu, bóp nghẹt cậu. Tiếng hét bật ra, xé toạc người cậu. Và hét nữa, hét nữa. Cậu siết chặt tóc mình trong tay và giật chúng khỏi đầu. Những lọn tóc vàng rơi trên cái xác đẫm máu. Patroclus, cậu hét lên. Patroclus. Patroclus. Lặp đi lặp lại cho tới khi cái tên ấy chỉ còn là một âm thanh đơn thuần.”

Chàng vỡ tan thành những mảnh vụn, giờ đây chỉ có cuồng nộ chiếm ngự thân xác chàng.

Mọi chuyện sau đó đều giống như câu chuyện thần thoại ta thường được nghe: Achilles đánh bại Hector, kéo lê xác anh về trại, rồi lại trả lại xác anh cho vua Priam, chàng ghi thêm vài chiến công, và rồi chàng chết dưới mũi tên của Paris - được hậu thuẫn bởi chính thần Apollo. Xác chàng được hỏa thiêu và tro cốt chàng được đựng chung một bình với tro cốt của Patroclus. Thế là kết thúc câu chuyện về người chiến binh anh dũng nhất Hy Lạp.

Linh hồn của Patroclus vẫn còn kẹt lại trần gian thêm một thời gian nữa, đủ để chứng kiến thành Troy sụp đổ, và chôn vùi tất thảy những tàn bạo trong suốt mười năm chiến tranh khốc liệt cùng nó.

Achilles - Chiến binh huyền thoại và anh hùng của Cuộc chiến Troy trong thần thoại Hy Lạp

Với giọng văn mượt như nhung và cách viết về tình yêu thơ như một giấc mơ, đây là một tác phẩm kể lại Thần thoại Hy Lạp rất đáng được chú ý. Tuy chỉ là tác phẩm đầu tay, nhưng Trường ca Achilles đã xuất sắc làm nên tên tuổi vang dội cho Madeline Miller khi đã thành công làm lay động lòng độc giả với một góc nhìn rất mới cho một câu chuyện tình đã quá quen thuộc.

Tuy vẫn còn nhiều chi tiết đi chệch bản gốc và nhiều yếu tố gây tranh cãi đối với những bạn đọc trung thành với sử thi Iliad, Trường ca Achilles vẫn đã chiếm được trái tim nhiều người bằng những giá trị nhân đạo mà tác phẩm mang lại. Đây là một tác phẩm rất đáng để đọc thử.