Bài tập lớn khởi to vụ an hình sự theo yêu cầu của bị hại

Căn cứ pháp lí: Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 Chủ thể có quyền yêu cầu khởi tố vụ án hình sự?

Khởi tố vụ án hình sự là quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm duy trì trật tự và công lý, không phụ thuộc vào ý muốn cá nhân và không ai có thể can thiệp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, xuất phát từ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, pháp luật quy định cho phép người bị hại lựa chọn quyền yêu cầu khởi tố hoặc không khởi tố vụ án.

Tại khoản 1 điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định như sau về quyền yêu cầu khởi tố vụ án hình sự của người bị hại:

“1.Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết

  1. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.
  2. Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức”.

Theo đó, có hai chủ thể được yêu cầu khởi tố vụ án hình sự đó là:

  • Người bị hại: là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra;
  • Người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết:

+  Người chưa thành niên (người dưới 18 tuổi) là những người chưa có đầy đủ năng lực hành vi để thể hiện quyền chủ thể của mình, họ chưa ý thức được một cách đầy đủ thiệt hại mà hành vi phạm tội gây ra cho họ cũng như cách bảo vệ lợi ích cho mình. Do đó, người đại diện hợp pháp của người bị hại  tham gia tố tụng là cần thiết và việc họ có quyền yêu cầu khởi tố vụ án hình sự để bảo vệ quyền lợi cho người bị hại là hoàn toàn hợp lý.

+  Người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất là vì họ có nhược điểm mà vì đó họ không thể biểu hiện được đầy đủ yêu cầu của mình. Do đó, pháp luật quy định cho người đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu khởi tố vụ án hình sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại. 

Trong những trường hợp mà hành vi phạm tội vừa xâm phạm trật tự xã hội, vừa xâm phạm đến thể chất, sức khoẻ, danh dự của người bị hại. Những trường hợp này nếu khởi tố vụ án, lợi ích về mặt xã hội có thể không lớn mà còn có khả năng làm tổn thương thêm về mặt tinh thần cho người bị hại. Vì vậy, nhà làm luật đã xác lập một khả năng, điều kiện để người bị hại cân nhắc, quyết định có yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý về mặt hình sự đối với hành vi phạm tội hay không. Với quy định đó, nhà làm luật tạo điều kiện cho người phạm tội có cơ hội thuận lợi để khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra, hạn chế việc gây thêm những tổn thất, mất mát về mặt tinh thần, danh dự không cần thiết có thể có đối với người bị hại.

Khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại phần lớn là các tội phạm xâm phạm đến nhân thân của con người. Xuất phát từ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, pháp luật cho phép họ được lựa chọn quyền yêu cầu khởi tố hoặc không khởi tố vụ án.Điều này cũng phù hợp với những nguyên tắc về tôn trọng quyền nhân thân của Bộ luật Dân sự, đó là nguyên tắc tự định đoạt.

Như vậy, pháp luật quy định 10 trường hợp về các tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh; cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội; vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính; hiếp dâm; cưỡng dâm; làm nhục người khác; vu khống; xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp chỉ được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại  hoặc của người đại diện hợp pháp của họ.

Người bị hại được quyền rút yêu cầu bất cứ lúc nào trong suốt quá trình tố tụng từ giai đoạn điều tra, truy tố đến xét xử. Trong khi quy định tại bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 thì người bị hại chỉ được rút yêu cầu trước khi mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án mới được đình chỉ. Ngoài ra, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 còn có thêm một điểm mới so với bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 là bỏ một tội được khởi tố theo yêu cầu người bị hại là tội “Xâm phạm quyền tác giả”. Việc bãi bỏ điều luật này mang lại một tín hiệu tích cực, vì thực trạng hiện nay quyền tác giả đang bị xâm phạm ngày càng nhiều và nghiêm trọng cũng như hành vi xâm phạm ngày càng tinh vi, phức tạp hơn, thậm chí việc xâm phạm diễn ra nhưng tác giả vẫn không hay biết. Do đó, hành vi xâm phạm này cần được bảo vệ mà không cần phải có yêu cầu của người bị hại nhằm bảo vệ tốt hơn quyền tác giả, quyền liên quan và phù hợp với tình hình mới.

Trân trọng!

Các tội phạm khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu bị hại? Chủ thể có quyền yêu cầu khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu? Hậu quả pháp lý của việc yêu cầu, không yêu cầu, rút yêu cầu khởi tố?

Tuy pháp luật dành cho bị hại quyền yêu cầu khởi tố nhằm tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, nhưng mục tiêu lớn hơn là bảo đảm trật tự và công bằng xã hội, bảo đảm nguyên tắc người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội là tội phạm phải chịu trách nhiệm hình sự tương xứng với hành vi và hậu quả do mình gây ra. Vì vậy, các tội phạm khởi tố theo yêu cầu của bị hại cần được giới hạn ở một mức độ phù hợp, đó là một số trường hợp phạm tội do vô ý hoặc phạm tội cố ý nhưng thiệt hại không lớn, tính chất của sự xâm hại không nghiêm trọng.

Có thể thấy, các tiêu chí được áp dụng khi đặt ra quy định khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại như sau:

– Xét về loại tội: đây là các tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng. Trong đó hầu hết là tội phạm ít nghiêm trọng, có hai trường hợp thuộc loại tội phạm nghiêm trọng là tội Hiếp dâm theo khoản 1 Điều 141 Bộ luật hình sự 2015 và tội Cưỡng dâm theo khoản 1 Điều 143 Bộ luật hình sự 2015. Nhưng các tội này xâm phạm đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của bị hại nên cần xem xét ý chí, nguyện vọng của bị hại có muốn xử lý người thực hiện hành vi xâm phạm đến mình hay không nhằm tránh việc xử lý gây thiệt hại thêm cho bị hại.

– Xét về tính nguy hiểm cho xã hội: đây là các trường hợp hành vi có tính chất nguy hiểm cho xã hội không cao. Khách thể bị xâm phạm là những quan hệ xã hội có liên quan trực tiếp đến bản thân bị hại như sức khỏe, danh sự, nhân phẩm con người và quyền sở hữu trí tuệ.

– Xét về hậu quả của tội phạm đối với bị hại: tội phạm gây ra thiệt hại không lớn. Đối tượng bị thiệt hại cho các tội phạm gây ra chủ yếu là con người.

Bên cạnh đó, hậu quả của việc khởi tố vụ án hình sự trong các trường hợp này có thể gây ra những bất lợi nhất định đối với bị hại, do vậy bị hại được lựa chọn cách thức xử lý đối với người thực hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm gây thiệt hại cho mình.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, chỉ được khởi tố vụ án hình sự đối với 10 tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết. Cụ thể như sau

– Khoản 1, Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác): “là trường hợp cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây: dùng hung khí nguy hiểm, hoá chất… Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. Người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm” 

– Khoản 1 Điều 135 Bộ luật hình sự 2015 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh): “là trường hợp cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.” 

– Khoản 1 Điều 136 Bộ luật hình sự 2015 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội): “là trường hợp cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.”

Xem thêm: Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại là gì? Đặc điểm và ý nghĩa?

– Khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự 2015 (Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác): “là trường hợp vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%. Người phạm tội có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm.” 

– Khoản 1 Điều 139 Bộ luật hình sự 2015 (Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính): “là trường hợp vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm” 

– Khoản 1 Điều 141 Bộ luật hình sự 2015 (Tội hiếp dâm): là trường hợp dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân. Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Đây là tội phạm nghiêm trọng, mức độ nguy hiểm cao nhất trong các tội thuộc trường hợp khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại.” 

– Khoản 1 Điều 143 Bộ luật hình sự 2015 (Tội cưỡng dâm): “là trường hợp dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác. Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.” 

– Khoản 1 Điều 155 Bộ luật hình sự 2015 (Tội làm nhục người khác): “là trường hợp xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác. Người phạm tội có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.” 

– Khoản 1 Điều 156 Bộ luật hình sự 2015 (Tội vu khống): “là trường hợp thực hiện một trong các hành vị: Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt từ từ 03 tháng đến 01 năm.”

– Khoản 1 Điều 226 Bộ luật hình sự 2015 (Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp): “là trường hợp cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam mà đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.”

2. Chủ thể có quyền yêu cầu khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu:

Theo quy định tại khoản 1, Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2015: “bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết” [30, khoản 1, Điều 155] có quyền yêu cầu khởi tố vụ án hình sự. Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra. Như vậy, phạm vi chủ thể có tư cách yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rộng hơn so với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2003; bị hại không chỉ là cá nhân mà còn là cơ quan, tổ chức.

Xem thêm: Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu bị hại theo pháp luật một số quốc gia

Quyền yêu cầu khởi tố vụ án hình sự đương nhiên và trước hết thuộc về bị hại, bởi lẽ họ là người trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra. Bị hại tham gia tố tụng hình sự với địa vị pháp lý là người được Nhà nước bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp bị tội phạm xâm hại. Chính vì vậy, quyền yêu cầu khởi tố vụ án hình sự phải được trao cho bị hại trước tiên. Trường hợp bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết là những trường hợp bị hại chưa đủ năng lực hoặc mất năng lực pháp luật, thì người đại diện của bị hại có quyền yêu cầu khởi tố vụ án hình sự. Yêu cầu của người đại diện có giá trị như yêu cầu của bị hại.

“Yêu cầu khởi tố vụ án hình sự của người đại diện của bị hại là yêu cầu độc lập, không phụ thuộc vào ý chí của bị hại. Việc người đại diện của bị hại yêu cầu khởi tố vụ án hình sự không loại trừ việc bị hại tự mình yêu cầu khởi tố vụ án hình sự”

Liên quan đến vấn đề người đại diện hợp pháp của bị hại, Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP ngày 08/12/2005 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn trường hợp có nhiều đại diện hợp pháp, theo đó trong trường hợp người bị hại có nhiều đại diện hợp pháp thì những người này phải cử ra người đại diện để tham gia tố tụng, thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

Đối với trường hợp bị hại là cơ quan, tổ chức thì người đại diện có thể là đại diện theo pháp luật, hoặc đại diện theo ủy quyền. Trường hợp đại diện theo ủy quyền thì bắt buộc phải được lập thành văn bản theo đúng quy định về hình thức và nội dung của pháp luật.

3. Nội dung và hình thức yêu cầu:

Pháp luật tố tụng hình sự hiện hành chưa quy định về nội dung yêu cầu khởi tố vụ án hình sự. Các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cũng không ban hành mẫu đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự. Do vậy gây không ít khó khăn cho người yêu cầu khởi tố vụ án hình sự, vì nhiều trường hợp, người yêu cầu không biết cách thể hiện chính xác ý chí của mình.

Nội dung yêu cầu khởi tố vụ án hình sự là yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự người thực hiện tội phạm, xử lý sự việc có dấu hiệu tội phạm. Nếu chỉ yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc chỉ yêu cầu cải chính, xin lỗi thì không phải yêu cầu khởi tố vụ án hình sự. Vì vậy, nếu đơn yêu cầu không thể hiện rõ yêu cầu khởi tố vụ án hình sự hoặc chỉ yêu cầu chung chung là xử lý sự việc theo pháp luật thì các Cơ quan có thẩm quyền phải hướng dẫn người yêu cầu để họ xác định chính xác lại nội dung yêu cầu và làm đơn cho phù hợp, tránh trường hợp nội dung yêu cầu của người khởi tố không rõ ràng, dẫn đến việc giải quyết vụ án có vướng mắc.

Hình thức yêu cầu khởi tố vụ án hình sự là một trong những tài liệu quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng nhất mà nếu thiếu thì không thể xử lý vụ án được. Bộ luật tố tụng hình sự 2015 không đề cập đến hình thức yêu cầu khởi tố vụ án hình sự, nhưng tại Thông tư liên tịch 05/2005/TTLT-VKSTC-BCA-BQP ngày 07/09/2005 về quan hệ phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2003 có quy định như sau: “Yêu cầu khởi tố của bị hại hoặc của người đại diện thể hiện bằng đơn yêu cầu có chữ ký hoặc điểm chỉ của họ; nếu bị hại hoặc người đại diện đến trực tiếp trình bày thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải lập biên bản ghi rõ nội dung yêu cầu khởi tố và yêu cầu họ ký hoặc điểm chỉ vào biên bản. Biên bản do Viện kiểm sát lập phải được chuyển ngay cho Cơ quan điều tra để xem xét việc khởi tố vụ án hình sự và đưa vào hồ sơ vụ án”. 

Thực tế hiện nay, yêu cầu khởi tố vụ án hình sự của bị hại hoặc người đại diện thường thể | hiện qua đơn yêu cầu trình bày trực tiếp và lập thành biên bản. Các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đều chấp nhận cả hai hình thức yêu cầu khởi tố này.

Xem thêm: Giải pháp hoàn thiện quy định về khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại 

4. Hậu quả pháp lý của việc yêu cầu, không yêu cầu, rút yêu cầu khởi tố:

4.1. Hậu quả pháp lý của việc yêu cầu khởi tố:

Trong trường hợp khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại thì ngoài căn cứ khởi tố vụ án hình sự là dấu hiệu tội phạm được xác định dựa trên các cơ sở được quy định tại Điều 143 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (tố giác của cá nhân, tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân; tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng; kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước; cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm, người phạm tội tự thú) thì bắt buộc phải có yêu cầu của bị hại trước khi khởi tố. Chỉ khi nào bị hại đưa ra yêu cầu khởi tố vụ án thì cơ quan có thẩm quyền khởi tố mới được ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, sau đó vụ án được giải quyết theo thủ tục chung. Yêu cầu khởi tố vụ án hình sự của bị hại là điều kiện cần thiết và bắt buộc để cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.

Như vậy, hậu quả pháp lý của việc yêu cầu khởi tố vụ án hình sự trong các trường hợp khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại là vụ án sẽ được khởi tố và giải quyết theo thủ tục chung. Trong trường hợp khởi tố vụ án hình sự thì tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ sẽ trình bày lời buộc tội tại phiên tòa. Bị hại hoặc người đại diện cho bị hại trình bày, bổ sung ý kiến sau khi Kiểm sát viên trình bày luận tội. Bị hại đã yêu cầu khởi tố phải chịu án phí hình sự sơ thẩm trong trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại, mà sau đó Tòa án tuyên bố bị cáo không có tội.

Thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại chỉ có thể là Cơ quan điều tra trong Công an nhân nhân dân, Cơ quan điều tra hình sự trong Quân đội nhân dân, Viện kiểm sát. Trong đó, CQĐT trong Công an nhân dân và Cơ quan điều tra hình sự trong Quân đội nhân dân có thẩm quyền khởi tố tất cả các vụ án thuộc trường hợp khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại khi phát hiện dấu hiệu tội phạm thuộc thẩm quyền khởi tố của mình khi có yêu cầu của bị hại; Viện kiểm sát chỉ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự khi Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra đối với các vụ án thuộc trường hợp khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại.

Quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với các vụ án khởi tố theo yêu cầu của bị hại, ngoài việc tuân theo những quy định chung khi ra quyết định khởi tố như phải ghi rõ thời gian, căn cứ khởi tố, điều khoản của Bộ luật hình sự được áp dụng và họ tên, chức vụ người ra quyết định, thì trong các vụ án này bắt buộc phải ghi rõ căn cứ pháp lý là yêu cầu của bị hại trong quyết định khởi tố vụ án hình sự, đây là căn cứ pháp lý quan trọng nhất nên phải được thể hiện rõ trong quyết định khởi tố vụ án hình sự.

Trong quá trình tiến hành tố tụng, nếu có căn cứ xác định tội phạm đã khởi | tố không đúng với hành vi phạm tội thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự. Có 3 trường hợp xảy ra:

– Sau khi điều tra, xác minh là không có tội phạm xảy ra. Trường hợp này dĩ nhiên phải đình chỉ vụ án.

– Trường hợp vụ án thuộc trường hợp khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu bị hại nhưng sau đó phạm tội khác. Trong trường hợp này, việc thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự không phụ thuộc vào ý chí, yêu cầu của bị hại (trừ trường hợp tội mới cũng thuộc trường hợp khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu bị hại)

– Trường hợp vụ án không thuộc trường hợp khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu bị hại nhưng sau đó xác định thuộc trường hợp khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu bị hại. Trường hợp này nếu cơ quan tiến hành tố tụng muốn thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự thì phải có yêu cầu của bị hại. Nếu bị hại không yêu cầu khởi tố vụ án hình sự thì phải đình chỉ giải quyết vụ án.

Xem thêm: Quyền hạn và trách nhiệm của Viện kiểm sát trong việc khởi tố vụ án hình sự

Quá trình tố tụng giải quyết vụ án thực hiện theo thủ tục tố tụng chung đối với các vụ án hình sự. Trong quá trình này, việc đình chỉ, tạm đình chỉ giải quyết vụ án được thực hiện khi có căn cứ theo luật định mà không phụ thuộc vào ý chí của bị hại.

Quá trình xét xử các vụ án khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại phải tuân theo các quy định chung về thủ tục tố tụng tại phiên tòa. Thủ tục bắt đầu phiên tòa fi theo quy định chung như các vụ án thông thường khác. Tuy nhiên trong phần thủ tục tranh tụng tại phiên tòa, bị hại hoặc người đại diện của bị hại trình bày, bổ sung ý kiến sau khi Kiểm sát viên trình bày luận tội. Mặc dù, điều luật không quy định rõ bị hại hoặc người đại diện của bị hại trình bày lời luận tội nhưng có thể hiểu đây là thời điểm tố tụng để trình bày lời luận tội, là hậu quả pháp lý đặc trưng của các vụ án khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại.

Bộ luật tố tụng hình sự không quy định cụ thể nội dung buộc tội như thế nào, tùy vào nhận thức về pháp luật của bị hại hoặc người đại diện của bị hại, nhưng thông thường lời buộc tội của bị hại hoặc người đại diện là yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật, bảo vệ các quyền và lợi ích đã bị xâm phạm, xử lý nghiêm khắc hành vi phạm tội, hoặc xin giảm nhẹ cho người phạm tội (nhưng không rút yêu cầu khởi tố). Lời buộc tội của bị hại, người đại diện chỉ có tính chất tham khảo để Hội đồng xét xử ra phán quyết do tính chất về trình độ nhận thức hạn chế về pháp luật của bị hại, người đại diện của bị hại.

4.2. Hậu quả pháp lý của không yêu cầu khởi tố:

– Không khởi tố vụ án hình sự: khoản 8 Điều 157 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về căn cứ không khởi tố vụ án hình sự, trong đó có quy định như sau: “Tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố” [30, khoản 8, Điều 157]. Như vậy, đối với các trường hợp khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu bị hại, nếu bị hại (hoặc người đại diện của bị hại) không có yêu cầu thì cơ quan có thẩm quyền không được khởi tố vụ án hình sự.

Khoản 1 Điều 158 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định thẩm quyền ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự thuộc về “người có quyền khởi tố vụ án hình sự”. Thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự là Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát trong trường hợp Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra. Như vậy, cơ quan có thẩm quyền ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự là Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát.

Bị hại có thể không yêu cầu khởi tố vụ án hình sự dưới dạng hành động hoặc không hành động. Trường hợp bị hại có đơn yêu cầu không khởi tố vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền phải ngay lập tức ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Trường hợp người bị hại không có yêu cầu khởi tố vụ án hình sự, yêu cầu không khởi tố vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự khi hết thời hạn kiểm tra, xác minh nguồn tin tội phạm (tối đa 4 tháng, kể cả gia hạn).

Trong trường hợp bị hại không có yêu cầu khởi tố vụ án hình sự đối với các trường hợp khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu bị hại mà cơ quan có thẩm quyền đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự thì phải ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự (khoản 1, Điều 158 Bộ luật tố tụng hình sự 2015); nếu đã tiến hành hoạt động điều tra thì phải ra quyết định đình chỉ điều tra (điểm a, khoản 1, Điều 230 Bộ luật tố tụng hình sự 2015); nếu vụ án đã đến giai đoạn truy tố thì Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án (khoản 1, Điều 248 Bộ luật tố tụng hình sự 2015).

Bộ luật tố tụng hình sự 2015 chưa quy định nếu tội phạm thuộc trường hợp chỉ được khởi tố theo yêu cầu mà bị hại và người đại diện không yêu cầu thì phải đình chỉ vụ án trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, nếu xét thấy tội phạm thuộc trường hợp chỉ được khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu mà bị hại và người đại diện không yêu cầu thì Tòa án không được ra quyết định đình chỉ vụ án theo điểm a, khoản 1, Điều 282 hoặc khoản 2, Điều 299 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 mà phải ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo điểm d, khoản 1, Điều 280 hoặc điểm c, khoản 6 Điều 248 Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Sau khi thụ lý hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án theo khoản 1, Điều 248 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nếu thấy tội phạm thuộc trường hợp khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu bị hại mà bị hại, hoặc người đại diện không yêu cầu khởi tố vụ án hình sự thì Tòa án cấp phúc thẩm phải hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại theo điểm c, khoản 1, Điều 358 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 vì vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Sau khi thụ lý hồ sơ, Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 230 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Trong khi đó, tại phiên tòa giám đốc thẩm, nếu xét thấy tội phạm thuộc trường hợp chỉ được khởi tố vụ án hình sự nếu có yêu cầu của bị hại mà bị hại, và người đại diện của bị hại không có yêu cầu thì Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án ngay theo Điều 392 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

4.3. Hậu quả pháp lý của rút yêu cầu khởi tố:

– Vụ án phải được đình chỉ 

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, hậu quả pháp lý của rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự là “vụ án phải được đình chỉ”. Hậu quả pháp lý này được cụ thể hóa bằng việc đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án, tùy theo giai đoạn tố tụng xảy ra sự kiện pháp lý rút yêu cầu.

Trong giai đoạn điều tra, nếu tội phạm thuộc trường hợp khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu mà người đã yêu cầu tự nguyện rút yêu cầu thì Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra (điểm a, khoản 1, Điều 230 Bộ luật tố tụng hình sự 2015).

Khoản 2 Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 đã bỏ quy định về thời điểm rút yêu cầu khởi tố. Nói cách khác, pháp luật mở rộng quyền rút yêu cầu của bị hại; bị hại được rút yêu cầu khởi tố, bị hại được rút yêu cầu không chỉ trước phiên tòa sơ thẩm. Quy định như vậy là hợp lý và tôn trọng quyền của bị hại, tháo gỡ những vướng mắc trong trường hợp người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố ở thời điểm khác nhau. Tuy nhiên Bộ luật tố tụng hình sự 2015 không quy định cụ thể Tòa án phải đình chỉ vụ án nếu tội phạm thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu mà người đã yêu cầu tự nguyện rút yêu cầu tại phiên tòa sơ thẩm và các giai đoạn tố tụng sau đó.

Nếu Tòa án cấp sơ thẩm trả hồ sơ điều tra bổ sung, Tòa án cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm hủy bản án để điều tra lại hoặc xét xử sơ thẩm lại thì người đã yêu cầu khởi tố mới có cơ hội làm cho vụ án bị đình chỉ bằng việc rút yêu cầu khởi tố trong giai đoạn điều tra truy tố hoặc chuẩn bị xét xử sơ thẩm. Nhưng không phải lúc nào Tòa án cũng có căn cứ để trả hồ sơ điều tra bổ sung, hủy bản án để điều tra lại hoặc xét xử sơ thẩm lại. Vì vậy, Bộ luật tố tụng hình sự 2015 cần có thêm quy định về việc Hội đồng xét xử sơ thẩm quyết định đình chỉ vụ án, Hội đồng xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm hủy bản án và đình chỉ vụ án

4.4. Hậu quả pháp lý khác:

Ngoài việc “vụ án phải được đình chỉ”, rút yêu cầu khởi tố còn có hậu quả pháp lý khác là không được yêu cầu khởi tố lại, và chịu án phí

Khoản 3 Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định: “Bệ hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức”. Bộ luật tố tụng hình sự 2015 mở rộng phạm vi chủ thể không có quyền yêu cầu khởi tố lại vụ án đối với cả người đại diện của bị hại. Quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 hợp lý hơn vì chủ thể của quyền rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự là bị hại hoặc đại diện của bị hại, thì chủ thể không được yêu cầu khởi tố lại cũng phải là bị hại hoặc người đại diện của bị hại.

Khoản 3 Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định trường hợp nếu vụ án khởi tố theo yêu cầu của bị hại bị đình chỉ do người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì bị hại phải trả án phí.