Cách làm balance sheet reconsil

Cách làm balance sheet reconsil

Tomorrow Marketers – Bảng cân đối kế toán (balance sheet) là một báo cáo tài chính cung cấp thông tin sơ lược về tài sản (assets), nợ (liabilities) và vốn chủ sở hữu (shareholders’ equity) của công ty tại một thời điểm cụ thể, đồng thời cung cấp thông tin căn bản để tính toán tỷ lệ hoàn vốn (rates of return) và đánh giá cấu trúc vốn (capital structure) của công ty. Bảng cân đối kế toán được sử dụng cùng với các báo cáo tài chính quan trọng khác như báo cáo kết quả kinh doanh (income statement) và báo cáo dòng tiền (cash flow statement) trong quá trình tiến hành phân tích cơ bản hoặc tính toán các tỷ số tài chính.

Giới thiệu về bảng cân đối kế toán

Công thức được sử dụng cho Bảng cân đối kế toán

  • Tài sản (assets) = Nợ phải trả (liabilities) + Vốn chủ sở hữu (shareholders’ equity)

Từ công thức trên, có thể thấy rằng một công ty thường chi trả cho các tài sản mà mình sở hữu bằng cách mượn tiền (nợ phải trả) hoặc sử dụng tiền của nhà đầu tư (vốn từ các cổ đông).

Ví dụ: Nếu một công ty nhận khoản vay 4.000 USD trong 5 năm từ ngân hàng, tài sản (cụ thể là tiền mặt) và số nợ dài hạn (long-term debt) của công ty đều tăng lên 4.000 USD. Nếu công ty lấy 8.000 USD từ các nhà đầu tư, tài sản của công ty và vốn chủ sở hữu của công ty cũng sẽ tăng đúng bằng số tiền đó. Tổng doanh thu mà công ty tạo ra vượt quá mức nợ của công ty sẽ được ghi nhận vào khoản vốn chủ sở hữu, đại diện cho tài sản ròng (net assets) mà các chủ sở hữu nắm giữ. Các khoản thu này sẽ được ghi nhận tương ứng trong mục tài sản trong bảng cân đối kế toán dưới dạng tiền mặt, tiền đầu tư, hàng tồn kho hoặc một số tài sản khác.

Tài sản (assets), nợ phải trả (liabilities) và vốn chủ sở hữu (shareholders’ equity) đều bao gồm các tài khoản nhỏ hơn thể hiện cụ thể những hoạt động tài chính của công ty. Các tài khoản này có sự khác nhau tùy theo từng ngành, và một thuật ngữ cũng có thể mang những ý nghĩa khác nhau tùy thuộc vào bản chất của từng doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhìn chung, có một số chi tiết mà tài khoản của tất cả các công ty đều sẽ giống nhau.

Bảng cân đối kế toán thể hiện tổng quan tình hình tài chính của công ty tại một thời điểm. Nếu chỉ nhìn vào bảng cân đối kế toán thì không thể biết được xu hướng tình hình tài chính của công ty trong một khoảng thời gian dài. Do đó, doanh nghiệp nên so sánh số liệu với những bảng cân đối kế toán của giai đoạn trước để thấy được xu hướng đầy đủ, đồng thời so sánh với những doanh nghiệp khác trong cùng ngành vì các ngành khác nhau có cách đánh giá tình hình tài chính khác nhau.

Bảng cân đối kế toán có thể cung cấp một số thông tin hữu ích, giúp các nhà đầu tư hiểu được tình hình tài chính của một công ty. Chúng bao gồm tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu – tỷ lệ D/E (debt-to-equity ratio) và tỷ lệ thanh khoản nhanh (acid-test ratio), cùng với nhiều tỷ lệ khác. Báo cáo kết quả kinh doanh và báo cáo dòng tiền cũng cung cấp những thông tin có giá trị để đánh giá tình hình tài chính của công ty. Ngoài ra, bất kỳ ghi chú hoặc phụ lục nào trong báo cáo kết quả kinh doanh đều có thể dùng để tham chiếu với bảng cân đối kế toán.

Tài sản

Trong mục tài sản, các tài khoản được liệt kê từ trên xuống dưới theo thứ tự thanh khoản của chúng (tính thanh khoản là tính dễ chuyển đổi thành tiền mặt). Chúng được chia thành các tài sản ngắn hạn (current assets), có thể được chuyển đổi thành tiền mặt trong một năm hoặc ít hơn; và tài sản tài sản dài hạn (non-current/long-term assets), không thể chuyển đổi thành tiền mặt trong thời gian dưới một năm.

Dưới đây là thứ tự của các tài khoản trong mục tài sản ngắn hạn (current assets):

  • Tiền và các khoản tương đương tiền là những tài sản có tính thanh khoản cao nhất, có thể bao gồm tín phiếu kho bạc (treasury bills) và chứng chỉ tiền gửi ngắn hạn (short-term certificates of deposit) hoặc “hard currency” – đồng tiền dễ dàng chuyển đổi (có thể sử dụng tại bất kỳ quốc gia nào) với một tỷ giá ổn định.
  • Chứng khoán ngắn hạn (marketable securities) gồm chứng khoán vốn (equity securities) và chứng khoán nợ (debt securities) có thị trường thanh khoản – luôn có các nhà đầu tư sẵn sàng giao dịch trong thị trường.
  • Các khoản phải thu liên quan đến tiền mà khách hàng nợ công ty, có thể bao gồm cả khoản dự phòng nợ xấu (an allowance for doubtful accounts) vì sẽ có một tỷ lệ khách hàng nhất định dự kiến ​​sẽ không đủ khả năng chi trả.
  • Hàng tồn kho (inventory) là hàng hóa có sẵn để bán, có giá trị thấp hơn giá gốc hoặc giá thị trường.
  • Chi phí trả trước (prepaid expenses) là khoản tiền đại diện cho giá trị đã được thanh toán, chẳng hạn như bảo hiểm, hợp đồng quảng cáo hoặc tiền thuê nhà.

Tài sản dài hạn (long-term assets) bao gồm:

  • Đầu tư dài hạn – là những chứng khoán sẽ không thanh lý hoặc không thể thanh lý trong năm sau.
  • Tài sản cố định (fixed assets) – bao gồm đất đai, máy móc, thiết bị, văn phòng và các tài sản tồn tại lâu dài, những tài sản cần nguồn vốn lớn.
  • Tài sản vô hình (intangible assets) – bao gồm các tài sản phi vật chất (nhưng vẫn có giá trị) như tài sản trí tuệ và lợi thế thương mại. Nói chung, tài sản vô hình chỉ được liệt kê trên bảng cân đối kế toán nếu chúng được mua, thay vì công ty tự phát triển nội bộ. Do đó, giá trị của chúng có thể bị đánh giá quá thấp – chẳng hạn như không bao gồm logo được công nhận trên toàn cầu – hoặc là quá cường điệu.

Nợ 

Nợ (liabilities) là tiền mà một công ty nợ các bên khác, từ các hóa đơn phải trả cho nhà cung cấp đến lãi cho trái phiếu mà công ty đã phát hành cho các chủ nợ để thuê, trả phúc lợi và tiền lương. Nợ ngắn hạn (current liabilities) là những khoản nợ đến hạn trong vòng một năm và được liệt kê theo thứ tự ngày đáo hạn của chúng. Nợ dài hạn (long-term liabilities) là khoản nợ sẽ đáo hạn tại bất kỳ thời điểm nào sau một năm.

Các tài khoản nợ ngắn hạn (current liabilities) có thể bao gồm:

  • Phần nợ hiện tại của khoản vay dài hạn (current portion of long-term debt)
  • Nợ ngân hàng
  • Lãi phải trả
  • Tiền thuê nhà, thuế, chi phí dịch vụ
  • Tiền lương phải trả
  • Triền trả trước của khách hàng
  • Cổ tức phải trả và các cổ tức khác 
  • Phí bảo hiểm đã thu (earned premiums) và phí bảo hiểm trả lại vì không có rủi ro (unearned premiums)

Nợ dài hạn (long-term liabilities) có thể bao gồm:

  • Nợ dài hạn: lãi và gốc trên trái phiếu đã phát hành
  • Quỹ hưu trí (pension fund liability): số tiền mà một công ty bắt buộc phải trả vào tài khoản hưu trí của nhân viên.
  • Trách nhiệm thuế hoãn lại (deferred tax liability): thuế đã được tích lũy nhưng sẽ không được thanh toán trong một năm nữa (bên cạnh vấn đề thời gian, con số này điều chỉnh sự khác biệt giữa các yêu cầu về báo cáo tài chính và cách đánh giá thuế, như tính toán khấu hao)

Một số khoản nợ được coi là ngoài bảng cân đối, có nghĩa là chúng sẽ không xuất hiện trên bảng cân đối.

Vốn chủ sở hữu (Shareholders’ Equity)

Vốn chủ sở hữu là tiền thuộc chủ sở hữu doanh nghiệp – các cổ đông của công ty. Nó còn được gọi là “tài sản ròng” (net assets), vì nó tương đương với tổng tài sản của một công ty trừ đi các khoản nợ không liên quan đến cổ đông.

Thu nhập giữ lại (retained earnings) là lãi ròng (net earnings) mà một công ty dùng để tái đầu tư vào doanh nghiệp hoặc sử dụng để trả nợ; phần còn lại được chia cho các cổ đông dưới dạng cổ tức (dividends).

Cổ phiếu quỹ (treasury stock) là cổ phiếu mà một công ty đã mua lại hoặc không bao giờ phát hành ngay từ đầu. Về sau công ty có thể bán nó để huy động tiền mặt hoặc để dành nhằm chống lại sự thu mua từ đối thủ.

Một số công ty phát hành cổ phiếu ưu đãi (preferred stock). Cổ phiếu này sẽ được liệt kê tách biệt với cổ phiếu phổ thông (common stock) trong mục vốn chủ sở hữu. Cổ phiếu ưu đãi mang một mệnh giá tùy ý (arbitrary par value)  – cũng giống như cổ phiếu phổ thông trong một số trường hợp cụ thể, và không ảnh hưởng đến giá thị trường của cổ phiếu (thông thường, mệnh giá cổ phiếu chỉ là 0,01 USD). Tài khoản “cổ phiếu phổ thông” và “cổ phiếu ưu đãi” được tính như sau:

  • Cổ phiếu phổ thông/ cổ phiếu ưu đãi = Mệnh giá cổ phiếu (par value) x Số lượng cổ phiếu được phát hành (no. of shares issued)

Vốn thanh toán bổ sung (additional paid-in capital) hoặc thặng dư vốn (capital surplus) đại diện cho số tiền mà các cổ đông đã đầu tư vượt quá tài khoản cổ phiếu phổ thông hoặc cổ phiếu ưu đãi, dựa trên mệnh giá thay vì giá thị trường. Vốn chủ sở hữu của cổ đông không liên quan trực tiếp đến vốn hóa thị trường của công ty: giá trị này dựa trên giá hiện tại của cổ phiếu, trong khi vốn thanh toán là tổng vốn chủ sở hữu đã được mua ở bất kỳ giá nào.

Hạn chế của Bảng cân đối kế toán

Bảng cân đối kế toán cung cấp những thông tin vô giá cho các nhà đầu tư và nhà phân tích, tuy nhiên nó vẫn có một số nhược điểm. Vì đây chỉ là một báo cáo tổng hợp sơ lược trong một khoảng thời gian, nên nó chỉ có thể giúp so sánh sự khác biệt về tình hình tài chính ở thời điểm hiện tại so với thời điểm khác trong quá khứ. Cũng chính vì vậy, nhiều tỷ số tài chính phải được phân tích dựa trên dữ liệu trong cả bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh và báo cáo lưu chuyển tiền tệ, từ đó doanh nghiệp mới có thể vẽ nên bức tranh tổng quan về những gì đang diễn ra với hoạt động kinh doanh của mình.

Các hệ thống kế toán khác nhau, cách xử lý khấu hao và hàng tồn kho khác nhau cũng sẽ làm thay đổi số liệu được ghi nhận trên bảng cân đối kế toán. Do đó, các nhà quản lý thường biến hóa các con số để báo cáo trông có vẻ tốt hơn. Các nhà phân tích cần chú ý đến các chú thích của bảng cân đối kế toán để xác định cách tính toán tài chính của công ty và để nhận ra các dấu hiệu bất thường.

Những điều cần lưu ý

  • Bảng cân đối kế toán là một báo cáo tài chính báo cáo tài sản, nợ và vốn chủ sở hữu của công ty.
  • Bảng cân đối kế toán là một trong ba báo cáo tài chính cốt lõi (hai báo cáo còn lại là báo cáo kết quả kinh doanh và báo cáo dòng tiền) được sử dụng để đánh giá một doanh nghiệp.
  • Bảng cân đối kế toán là bản tổng hợp sơ lược thể hiện tình hình tài chính của công ty (tài sản và nợ) từ kể từ ngày ban hành.
  • Các nhà phân tích sử dụng bảng cân đối kế toán và một số báo cáo tài chính khác để tính toán các tỷ số tài chính.

Tạm kết

Bảng cân đối kế toán là một trong những báo cáo tài chính rất quan trọng đối với doanh nghiệp, bởi nó cung cấp những thông tin giúp phân tích cơ bản tình hình tài chính hoặc tính toán các tỷ số tài chính của doanh nghiệp. Từ đó các nhà đầu tư xem xét để xác định tiềm năng tăng trưởng và đưa ra các dự báo trong tương lai, cũng như ra quyết định mua cổ phiếu, cổ phần hoặc đầu tư giúp doanh nghiệp phát triển hơn. Hãy tham gia khóa học Marketing Foundation của Tomorrow Marketers để trang bị cho mình những kiến thức Marketing, kiến thức kinh doanh bài bản góp phần duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động cho doanh nghiệp nhé! 

Cách làm balance sheet reconsil