Có bao nhiêu mầu nhiệm

Sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, phụng vụ Giáo Hội mời gọi chúng ta cử hành trọng thể lễ Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh. Việc cử hành này giúp chúng ta nhận biết và tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi cách đúng đắn và phải đạo.

 

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm cả trong Đạo. Giáo lý Giáo Hội cho rằng đây là mầu nhiệm trung tâm của đức tin và của mọi sinh hoạt Kitô giáo; mầu nhiệm Ba Ngôi là nội dung căn bản nhất, quan trọng nhất của mạc khải Kitô giáo.

 

Tuy nhiên, mầu nhiệm này là mầu nhiệm cao cả, khôn dò khôn thấu, vượt trên lý trí tự nhiên của chúng ta. Vì thế, con người chỉ có thể biết được Thiên Chúa Ba Ngôi nhờ mạc khải do Chúa Kitô mang đến cho con người. Nghĩa là nhờ việc Thiên Chúa tỏ mình ra, chính Thiên Chúa nói cho chúng ta biết về Người qua dòng lịch cứu độ và nhất là nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta biết.

 

Quả thế, mạc khải về Thiên Chúa Ba Ngôi đã có nguồn gốc từ Cựu Ước: Cựu Ước nói cho chúng ta biết Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành mọi sự trong vũ trụ này. Người là Cha của con người. Con người phải tôn thờ và yêu mến Người hết lòng, hết sức, hết linh hồn (x. Đnl 6,4-5). Tuy nhiên, đây là mạc khải về Thiên Chúa duy nhất. Nghĩa là chỉ có một Thiên Chúa thôi, không có hai, ba ngôi vị khác… Đó là niềm tin độc thần.

 

Phải đợi đến mạc khải của Đức Giêsu, chúng ta mới có sự hiểu biết đầy đủ về Mầu Nhiệm Thiên Chúa. Đức Giêsu mạc khải cho chúng ta biết: Thiên Chúa không chỉ là một mà còn là ba. Thiên Chúa không phải là đơn độc một mình, nhưng là một cộng đoàn, một gia đình: trong Thiên Chúa có Ba Ngôi Vị phân biệt rõ ràng: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Mỗi ngôi vị đều là Thiên Chúa. Mỗi ngôi vị đều ngang hàng với nhau về thần tính, cấp bậc, quyền năng, và vinh quang; mỗi ngôi vị đều có trọn vẹn sự sống thần linh trong mình dù chỉ có một nguồn sự sống thần linh duy nhất. Có ba Ngôi Vị nhưng không phải có ba Thiên Chúa mà chỉ có một Thiên Chúa mà thôi. Bởi vì cả ba Ngôi Vị hiệp nhất nên một với nhau trong bản tính duy nhất là Thiên Chúa. Ba Ngôi hiệp nhất và yêu thương nhau. Bởi vì, Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4,8).

 

Trong lịch sử cứu độ, Thiên Chúa Ba Ngôi tỏ mình ra cho chúng ta một các rõ ràng qua các vai trò và hoạt động của từng Ngôi Vị: Chúa Cha sáng tạo hay tạo dựng, Chúa Cha sai Chúa Con đến để cứu chuộc nhân loại và Chúa Thánh Thần nắm giữ vai trò thánh hóa và hoàn tất công trình cứu độ của Thiên Chúa.

 

Như thế, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm chính yếu được giấu kín từ ngàn xưa, nay được mạc khải cho chúng ta qua Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Mầu nhiệm này bí nhiệm, cao vời, nhưng rất gần gũi với đời sống của mỗi người Kitô hữu chúng ta. Bởi vì, qua phép rửa nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, chúng ta trở thành nghĩa tử của Chúa Cha (x. Rm 8,15), em của Chúa Con (x. Rm 8,29) và đền thờ của Thánh Thần (x. 1 Cr 6,19), hợp thành Giáo Hội là “dân thánh được hiệp nhất nhờ sự hiệp nhất giữa Ba Ngôi” (LG 4). 

 

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là khuôn mẫu cho mỗi cộng đoàn và mỗi gia đình chúng ta. Thiên Chúa là tình yêu. Đời sống của chúng ta chỉ có ý nghĩa khi biết yêu thương. Chúng ta chỉ được hạnh phúc khi tham dự vào tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong gia đình, cha, mẹ, con cái yêu thương nhau thì càng hiệp nhất nên một với nhau. Tình yêu là dây liên kết mọi người nên một gia đình hạnh phúc ấm êm. Gia đình là nơi sống và diễn tả huyền nhiệm Ba Ngôi rõ nét nhất. 

 

Sống mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là sống hiệp thông, chia sẻ, và ở lại trong tình yêu. Mỗi ngày người tín hữu chúng ta làm dấu thánh giá nhiều lần trên người: “Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.” Khi đặt tay trên trán, chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa ở “trên” chúng ta, vượt lên trí khôn con người; khi đặt tay trên ngực, chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa ở “trong” lòng chúng ta, cư ngụ trong sâu thẳm tâm hồn; khi đặt tay trên hai vai, chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa rất gần gũi, Người ở “hai bên” chúng ta, Người ở nơi tha nhân mà chúng ta phải hướng về. Như thế, dấu thánh giá diễn tả mầu nhiệm Ba Ngôi phải được tin, tuyên xưng từ trí đến lòng và qua bàn tay bằng những hành động cụ thể của chúng ta.

 

Chiêm ngắm mầu nhiệm Ba Ngôi, ước gì mỗi người cũng biết in dấu Thiên Chúa Ba Ngôi, sống hiệp thông chia sẻ trong cuộc sống hàng ngày của mình. Mỗi người Kitô hữu chúng ta được mời gọi tôn thờ và yêu mến Thiên Chúa Ba Ngôi trên hết mọi sự, với tất cả trí khôn, trái tim và con người. Amen!

Khi ngồi cạnh một dòng suối, ta thấy sung sướng được nghe tiếng suối reo, được thấy dòng nước lấp lánh đang chảy, được ngắm nhìn những hòn sỏi bóng loáng và những cây xanh bên bờ suối. Ta với suối là một, ta hưởng được sự tươi mát, trong sáng và thanh tịnh của dòng suối. Nhưng rồi chỉ trong chốc lát, ta lại chán dòng suối vì tâm ta không an, trái tim ta nặng nề, lo lắng, bận rộn, suy nghĩ miên man về những thứ khác. Và ta không còn là một với dòng suối nữa.

Nếu ngồi trong một khu rừng yên tĩnh mà tâm ta bận rộn, ruổi rong về phố thị thì rừng có cũng như không. Khi ta sống bên cạnh một em bé hay một người bạn hiền thì sự tươi mát và thân thiện của người đó làm cho ta thấy khỏe khoắn, thư giãn. Ta được hưởng sự tươi mát và thân thiện đó. Ta là đứa trẻ, ta là người bạn. Nhưng nếu ta không an, tâm ta bận rộn không có mặt ở đó thì đứa bé và người bạn đó có cũng như không. Ta phải ý thức về sự quý giá của đứa bé hay của người bạn để thưởng thức sự có mặt của họ, để bồi đắp và nuôi dưỡng họ, để họ mãi là niềm hạnh phúc của ta. Nếu dại dột và thất niệm ta sẽ trở nên bất mãn, đòi hỏi quá đáng hoặc la mắng cãi cọ với họ thì ta sẽ mất họ. Đợi khi họ đi rồi ta mới nhận ra sự quý giá của họ và thấy tiếc nuối, thì khi đó đã quá trễ, có thương tiếc cũng vô ích.

Sự sống chung quanh ta tràn đầy những mầu nhiệm như ly nước trong, tia nắng ấm, con bươm bướm, chiếc lá, nụ hoa, tiếng cười hay giọt mưa… Nếu sống trong tỉnh thức, ta sẽ dễ dàng nhận ra được những mầu nhiệm ấy đang có mặt khắp nơi. Trong ta cũng có vô số những mầu nhiệm. Đôi mắt ta có thể thấy được cả hàng ngàn sắc màu và hình ảnh, tai ta có thể nghe được tiếng ong hoặc tiếng sấm, óc ta có thể  suy tưởng được từ một hạt bụi cho đến một thiên hà, trái tim ta thổn thức theo được nhịp tim của biết bao nhiêu loài sinh vật khác. Những lúc mệt mỏi hoặc chán nản vì những căng thẳng và áp lực của cuộc sống, có thể ta không thấy được những mầu nhiệm ấy, tuy nhiên chúng luôn luôn có đó cho ta.

Ta hãy nhìn cây táo trước sân nhà, nó là một thực tại mầu nhiệm. Hãy để ý, lân mẫn và chăm sóc nó, ta sẽ hưởng được sự mầu nhiệm ấy. Mới có một tuần mà nó tươi tốt hẳn lên, những chiếc lá xanh hơn và bóng hơn. Những người chung quanh ta cũng vậy. Nhờ có tỉnh thức mà ta để tâm nhiều hơn, thương yêu hơn và thông cảm hơn. Phong thái của ta không những nuôi dưỡng và làm đẹp cho ta mà còn nuôi dưỡng và làm đẹp cho những người chung quanh. Một người sống trong chánh niệm, bình an thì không những cả nhà được nhờ mà có thể làm thay đổi cả xã hội.

Tâm ta tạo ra mọi thứ. Đỉnh núi tuyết lấp lánh hùng vĩ kia, khi ta ngắm nó thì ta với nó là một. Nó tồn tại hay không tùy thuộc vào ý thức của ta. Khi tâm ta có mặt thì dù ta nhắm mắt lại đỉnh núi tuyết ấy cũng còn đó. Khi ngồi thiền, tuy có đóng bớt những cánh cửa giác quan lại, ta vẫn cảm nghe được sự có mặt của toàn thể vũ trụ. Tại sao? Tại vì tâm ta đang có mặt. Ta nhắm mắt lại cũng chỉ để thấy rõ hơn. Hình ảnh và âm thanh của thế giới không phải là kẻ thù của ta. Kẻ thù của ta là thất niệm, là sự vắng mặt của tâm, vắng mặt của chánh niệm.

Ngôi nhà đích thực:

Ngôi nhà đích thực của ta là ở đây, ngay bây giờ, không giới hạn bởi thời gian, không gian, quốc gia hay chủng tộc. Ngôi nhà đích thực không phải là một ý niệm trừu tượng, mà là cái ta có thể tiếp xúc được, chạm được và sống được trong mỗi phút giây. Với năng lượng chánh niệm, chánh định, năng lượng tỉnh thức của Bụt, ta có thể tìm thấy ngôi nhà đích thực của ta ngay trong giây phút hiện tại khi thân và tâm ta thư giãn hoàn toàn. Không ai có thể lấy ngôi nhà đó đi được.

Ngừng nói chuyện và suy tư, trở về theo dõi hơi thở vào ra thật sâu, ta sẽ thấy thoải mái dễ chịu trong ngôi nhà đích thực của mình và ta có khả năng tiếp xúc sâu sắc với những mầu nhiệm của sự sống. Đây là con đường mà đức Bụt đã chỉ dạy cho chúng ta. Khi thở vào, ta đưa thân và tâm về lại với nhau và trở thành một với thân tâm. Thiết lập thân tâm trong niệm và định, ta bước một bước. Nếu ta bước được một bước trong chánh niệm thì ta cũng sẽ bước được những bước khác và những bước khác nữa trong chánh niệm. Ta có một tuệ giác, một cái thấy đây là ngôi nhà đích thực của ta, ta đang còn sống, ta đang có mặt hoàn toàn và ta đang tiếp xúc với sự sống rất rõ ràng. Ngôi nhà đích thực của ta là thực tại vững chắc mà ta có thể tiếp xúc được bằng đôi chân, đôi tay và bằng tâm thức của ta.

Đó là nền tảng cho ta tiếp xúc với ngôi nhà đích thực của mình và nhận ra ngôi nhà đích thực trong giây phút hiện tại. Tất cả chúng ta đều có hạt giống của niệm và định. Thở một hơi thở chánh niệm hay bước một bước chân ý thức là ta có thể đưa tâm trở về với thân. Trong đời sống hằng ngày, thân và tâm ta thường đi hai hướng khác nhau. Chúng ta thường ở trong trạng thái xao lãng, tán loạn. Thân thì ở một nơi mà tâm thì lại ở một nẻo. Thân ta thì đang mặc áo mà tâm ta lại bận rộn lo nghĩ về quá khứ hoặc tương lai. Tuy nhiên giữa thân và tâm có một cái gắn liền với nhau, đó là hơi thở. Ngay khi trở về với hơi thở ý thức, thở cho nhẹ nhàng thư thái thì thân và tâm hợp nhất với nhau rất nhanh. Trong khi thở vào, đừng nghĩ ngợi gì cả, chỉ tập trung tâm ý vào hơi thở vào. Đầu tư hoàn toàn con người mình vào hơi thở vào. Ta trở thành một với hơi thở vào. Và như vậy là ta có định. Định trên hơi thở vào sẽ đưa thân tâm về lại với nhau. Chỉ trong vòng một giây thôi là ta có thể làm được điều ấy. Tự nhiên ta thấy ta có mặt hoàn toàn và thật sự đang sống.

 

*** Bạn mến, tuần này, thương mời bạn cùng thực tập “Quán niệm khi pha trà”

Nấu trà và pha một bình mời khách hay để mình tự uống, cử động chậm rãi và ý thức không bỏ qua một chi tiết nào hay động tác nào của mình. Biết là tay trái cầm quai ấm, biết là tay phải đang múc nước đổ vào ấm. Thở nhẹ, sâu hơn bình thường và nắm lấy hơi thở mỗi khi có loạn tưởng.