Công suất phụ tải là gì

  • Phụ tải trung bình
  • Phụ tải cực đại
    • Phụ tải cực đại ổn định
    • Phụ tải đỉnh nhọn
  • Phụ tải tính toán

Phụ tải trung bình

Phụ tải trung bình là một đặc trưng tĩnh của phụ tải trong một khoảng thời gian nào đó. Tổng phụ tải trung bình của các thiết bị cho ta khả năng đánh giá được giới hạn dưới của phụ tải tính toán.

Phụ tải cực đại

Phụ tải cực đại được chia thành hai nhóm:

Phụ tải cực đại ổn định

Phụ tải cực đại ổn định (Pmax) là phụ tải trung bình lớn nhất tính trong khoảng thời gian tương đối ngắn (thường lấy bằng 10, 15 hoặc 30 phút). Trị số này dùng để chọn các thiết bị theo điều kiện phát nóng. Nó cho phép ta đánh giá được giới hạn trên của phụ tải tính toán. Thường ta tính phụ tải cực đại ổn định là phụ tải trung bình lớn nhất xuất hiện trong thời gian 10, 15 hoặc 30 phút của ca có phụ tải lớn nhất trong ngày. Đôi khi người ta dùng phụ tải cực đại ổn định được xác định như trên làm phụ tải tính toán.

Phụ tải đỉnh nhọn

Phụ tải đỉnh nhọn (Pđn) là phụ tải cực đại xuất hiện trong khoảng (1,2)s. Phụ tải định nhọn để kiểm tra độ dao động điện áp, điều kiện tự khởi động của động cơ, kiểm tra điều kiện làm việc của cầu chì, tính dòng điện khởi động của rơ le bảo vệ …

Phụ tải đỉnh nhọn thường xuất hiện khi động cơ khởi động. Ta không chỉ quan tâm tới trị số của phụ tải đỉnh nhọn mà còn phải quan tâm tới số lần xuất hiện trong một giờ. Số lần xuất hiện của phụ tải đỉnh nhọn càng tăng thì càng ảnh hưởng xấu đến sự làm việc bình thường của các thiết bị dùng điện khác trong mạng điện.

Phụ tải tính toán

Khi thiết kế cung cấp điện cần phải có một số liệu cơ bản là phụ tải tính toán. Phụ tải tính toán là căn cứ để chọn các thiết bị điện, tính toán tổn thất công suất, tổn thất điện áp, tính và chọn các rơ le bảo vệ…

Phụ tải tính toán được định nghĩa như sau:

Phụ tải tính toán là phụ tải giả thiết lâu dài không đổi tương đương với phụ tải thực tế (biến thiên) về mặt hiệu ứng nhiệt lớn nhất. Nói một cách khác, phụ tải tính toán cũng làm nóng vật dẫn lên tới nhiệt độ bằng nhiệt độ do phụ tải thực tế gây ra.

Theo định nghĩa trên phụ tải tính toán chỉ là phụ tải giả thiết, nhưng vì nó tương đương với phụ tải thực tế, nên căn cứ vào nó để chọn các thiết bị điện thì sẽ đảm bảo an toàn cho các thiết bị đó trong mọi tình trạng làm việc.

Hằng số thời gian phát nóng của các vật liệu dẫn điện lắp đặt trong không khí, trong ống và dưới đất có các giá trị khác nhau nhưng thường lấy trị số trung bình của phụ tải lớn nhất xuất hiện trong khoảng thời gian 30 phút để làm phụ tải tính toán cũng vì vậy người ta còn gọi phụ tải tính toán là P30. Cũng có một số trường hợp người ta lấy Ptt tương ứng với khoảng thời gian 10 phút hoặc 15 phút.

Trên đay là các định nghĩa về các loại phụ tải, mong rằng bài viết sẽ mang lại nhiều thông tin hữu ích đến các bạn!

Đọc tiếp:

  • Cb là gì? Phân loại, cấu tạo và thông số CB?
  • Hệ số sử dụng là gì? hệ số nhu cầu và hệ số đồng thời là gì?

Trong xí nghiệp công nghiệp thường có nhiều loại máy khác nhau. Do qui trình công nghệ và trình độ sử dụng của công nhân và ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác, do đó các thiết bị điện sử dụng công suất khác với công suất định mức. Phụ tải điện là một hàm biến đổi theo thời gian, vì có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến nó nên phụ tải điện không biến thiên theo một quy luật nhất định. Do đó việc xác định chính xác phụ tải điện là rất khó khăn nhưng đồng thời là một việc hết sức quan trọng.

Phụ tải điện là số liệu dùng làm căn cứ để chọn các thiết bị điện trong hệ thống cung cấp điện. Nếu phụ tải tính toán nhỏ hơn phụ tải thực tế thì sẽ dẫn đến làm giảm tuổi thọ của các thiết bị điện, có thể dẫn tới cháy, nổ các thiết bị điện. Nếu phụ tải tính toán lớn hơn phụ tải thực tế nhiều thì các thiết bị chọn sẽ quá lớn so với yêu cầu dẫn tới lãng phí.

Do tính chất quan trọng như vậy nên đã có rất nhiều công trình nghiên cứu và đề ra nhiều phương pháp xác định phụ tải tính toán, song chưa có một phương pháp nào hoàn thiện. Nếu thuận tiện cho việc tính toán thì lại thiếu chính xác ngược lại nếu nâng cao được độ chính xác, kể đến nhiều yếu tố ảnh hưởng thì phương pháp tính lại quá phức tạp.

  • Đồ thị phụ tải điện
  • Đồ thị phụ tải hàng ngày
  • Đồ thị phụ tải hàng tháng
  • Đồ thị phụ tải hàng năm

Đồ thị phụ tải điện

Hình ảnh: Đồ thị phụ tải điện

Phụ tải điện của một xí nghiệp là một hàm biến đổi theo thời gian. Đường cong biểu diễn sự biến thiên của công suất tác dụng (P), công suất phản kháng (Q) và dòng điện phụ tải theo thời gian là đồ thị phụ tải tương ứng với công suất tác dụng, công suất phản kháng và dòng điện.

Sự thay đổi của phụ tải theo thời gian có thể được ghi lại bằng các dụng cụ đo lường có cơ cấu tự ghi hoặc do nhân viên vận hành ghi. Thông thường để cho việc tính toán được thuận tiện, đồ thị phụ tải được vẽ lại theo hình bậc thang. Chiều cao của các bậc thang được lấy theo giá trị trung bình của phụ tải trong khoảng thời gian được xét, tức là có thể lấy theo chỉ số của công tơ lấy trong những khoảng thời gian được xác định giống nhau.

Khi thiết kế cung cấp điện nếu biết đồ thị phụ tải điện điển hình của xí nghiệp sẽ có căn cứ để chọn các thiết bị điện, tính điện năng tiêu thụ… Khi vận hành nếu biết đồ thị phụ tải điện của xí nghiệp thì có thể xác định được phương thức vận hành các thiết bị điện sao cho hợp lý nhất, kinh tế nhất.

Các nhà máy điện cần nắm được đồ thị phụ tải điện của các xí nghiệp để có phương thức vận hành các máy phát điện cho phù hợp với các yêu cầu của phụ tải. Vì vậy đồ thị phụ tải là số liệu quan trọng trong việc thiết kế cũng như vận hành hệ thống cung cấp điện.

Đồ thị phụ tải điện được phân loại như sau:

– Phân theo đại lượng đo:

  • Đồ thị phụ tải tác dụng P(t).
  • Đồ thị phụ tải phản kháng Q(t).
  • Đồ thị điện năng A(t).

– Phân theo thời gian khảo sát:

  • Đồ thị phụ tải hàng ngày.
  • Đồ thị phụ tải hàng tháng.
  • Đồ thị phụ tải hàng năm.

Đồ thị phụ tải hàng ngày

Đây là đồ thị phụ tải một ngày đêm 24 giờ. Nghiên cứu đồ thị phụ tải một ngày đêm của một phân xưởng hay một xí nghiệp ta có thể biết được tình trạng làm việc của các thiết bị, từ đó có thể sắp xếp được qui trình vận hành hợp lý nhất, để đảm bảo cho đồ thị phụ tải chung toàn phân xưởng hoặc xí nghiệp tương đối bằng phẳng. Như vậy sẽ đạt được mục đích vận hành kinh tế, giảm được tổn thất trong mạng điện. Đồ thị phụ tải hàng ngày là căn cứ để chọn các thiết bị điện, tính điện năng tiêu thụ.

Đồ thị phụ tải hàng tháng

Hình ảnh: Đồ thị phụ tải tháng

Đồ thị phụ tải hàng tháng được xây dựng theo đồ thị phụ tải trung bình hàng tháng. Nghiên cứu đồ thị phụ tải hàng tháng có thể biết được nhịp độ sản xuất của xí nghiệp, từ đó định ra được lịch vận hành, sửa chữa các thiết bị điện một cách hợp lý, đáp ứng được yêu cầu của sản xuất.

Ví dụ: Xét đồ thị ta thấy rằng vào khoảng tháng 4, 5 phụ tải của xí nghiệp là nhỏ nhất, nên có thể tiến hành sửa chữa vừa và lớn các thiết bị điện vào lúc đó. Còn những tháng cuối năm phụ tải của xí nghiệp là lớn nhất nên trước những tháng đó phải có kế hoạch sửa chữa nhỏ, bảo dưỡng hoặc thay thế các thiết bị hỏng hóc để có thể đáp ứng được yêu cầu của sản xuất.

Đồ thị phụ tải hàng năm

Khi xây dựng đồ thị phụ tải hàng năm ta tiến hành lần lượt từ mức phụ tải cao đến mức phụ tải thấp, với thời gian tồn tại tương ứng của từng mức phụ tải.

Khi nghiên cứu đồ thị phụ tải hàng năm ta có thể biết được điện năng tiêu thụ hàng năm, thời gian sử dụng công suất lớn nhất Tmax Những số liệu đó được dùng làm căn cứ để chọn dung lượng máy biến áp, chọn thiết bị điện, đánh giá mức độ sử dụng điện và tiêu hao điện năng.

Hy vọng qua bài viết trên mang lại nhiều thông tin về các loại đồ thị phụ tải. Chúc bạn thành công!

Xem thêm:

  • Tính toán kinh tế trong hệ thống điện?
  • Nguyên nhân hư hỏng tiếp điểm và biện pháp khắc phục?

Chủ đề