Đánh giá bạn có phù hợp với ngành tâm lý học

Sau 2 bài chia sẻ về Học tâm lý là học gì? Và Các ngành nghề sau khi học tâm lý, có một bạn đã hỏi mình về hành trình mình đến với tâm lý học. Đối với cá nhân mình, mình đã lấy được nguồn cảm hứng sống rất nhiều qua việc đọc và nghiệm các câu chuyện sống của người khác. Và trong một khoảnh khắc mình đã nghĩ “Okay, hãy làm như vậy đi nào, hãy chia sẻ câu chuyện của mình”.

Vậy nên ở cuối bài này, mình xin được chia sẻ câu chuyện cá nhân về lý do mình quyết định chọn học ngành tâm lý, với hy vọng giúp các bạn chưa hiểu và biết về ngành (nhiều) có góc nhìn thực tế hơn trước khi chọn tâm lý làm một nghề mà bạn muốn theo đuổi.

Đây là những chia sẻ cá nhân, bạn nên cân nhắc đến các yếu tố hoàn cảnh trước khi quyết định áp dụng tất cả những chia sẻ vào cuộc sống của mình nhé. Vì mỗi cây mỗi cành, mỗi nhà mỗi cảnh. Thật ra để biết và hiểu bản thân Thích, Muốn, và Hợp với ngành nghề nào, chúng ta phải dành thời gian Trải và Nghiệm lại những sự kiện đã diễn ra trong cuộc sống của mình. Nhờ vào việc Hành Động (Trải) và Nghiệm (đặt các câu hỏi cho các hành động hoặc kết quả nhận được) lại đó, bạn sẽ có thể xác định các mục về bản thân như:
a. Các đặc điểm nhân cách (personality) hay tính cách (character)
b. sở thích (hobby)
c. trải nghiệm (experience)
d. khả năng (capability hoặc ability)
e. động lực (motivation)f. giá trị sống (life values)
g. giá trị nghề nghiệp (career values)
h. giá trị đạo đức (moral values)
i. v.v.

Những khái niệm trên vốn khá trừu tượng, tuy nhiên, chúng ta có thể sử dụng các câu diễn tả hành động để đo lường các mục/khái niệm này.

Ví dụ: nếu bạn sở hữu đặc điểm nhân cách Hướng ngoại (Extraversion), thì bạn có lẽ sẽ dễ dàng đồng ý với những nhận định sau:

a. Tôi thường được người khác nói là một người cởi mở
b. Tôi có thể làm sống động một bữa tiệc buồn tẻ
c. Tôi biết rất nhiều người và có nhiều bạn bè
d. Và v.v.

Hoặc nếu bạn quan tâm đến giá trị nghề nghiệp, thì bạn mong muốn một công việc như thế nào? Đối tượng mà bạn cung cấp sự hỗ trợ sẽ là ai? Câu chuyện cá nhân và động lực nào đã khiến bạn phát triển những giá trị nghề nghiệp mong muốn này? Và môi trường, văn hóa của công ty nơi bạn làm nên như thế nào?

Ví dụ: nếu bạn là một người quan tâm đến môi trường và sức khỏe, liệu bạn có đầu quân cho một công ty chuyên về đồ ăn nhanh dầu mỡ và dùng ti tỉ đồ nhựa trong quá trình sản xuất của họ? Nếu không còn sự lựa chọn khác và cơm áo gạo tiền là quan trọng, bạn có thể vẫn làm, tuy nhiên, bạn sẽ gặp phải sự lấn cấn và khó chịu trong chính nội tâm của mình. Với cá nhân mình, đây là sự bức rối kinh khủng nhất. Bạn có nhận ra rằng cuộc chiến với chính bản thân chúng ta, mới là cuộc chiến cam go nhất? Vì ta đưa ra quyết định hằng giây hằng phút bạn ạ. Và quyết định đó không chỉ ảnh hưởng đến ta, mà còn đến người khác.

Mình biết vẫn có nhiều người trước khi chọn một ngành nghề nào đó, họ sẽ để tâm đến những điều như địa vị xã hội, lương bổng, sự dèm pha hay tán thưởng của người khác, làm theo nguyện vọng của người khác và v.v. Nhưng để đi lâu, đi hết mình và có động lực để bước tiếp trên hành trình cuộc đời với một nghề khiến bạn muốn thức dậy vào mỗi buổi sáng, mình tin mô hình cây hướng nghiệp này rất hữu ích để chúng ta xem qua và nghiệm lại.

Đánh giá bạn có phù hợp với ngành tâm lý học

Còn một điểm quan trọng nữa mà mình muốn nhấn mạnh, vì điểm này liên quan đến động lực, sự hồi phục và niềm tin của bạn khi bạn quyết định trở thành một nhà tâm lý học – đó chính Câu Chuyện Cá Nhân của bạn. Với mình thì không có nghề nào là không gặp một số thử thách nhất định, cho dù chúng ta có làm tốt tới đâu. Vì vậy, có trường hợp khi đi làm rồi chúng ta mới thấy công việc không như mình nghĩ, muốn dừng lại, lúc đó, hãy nhìn lại lý do tại sao ta muốn bắt đầu.

Mình tin không thể tự nhiên mà bạn, hay mình, muốn trở thành một nhà tâm lý hay tham vấn. Phải có những sự kiện gì đã xảy ra trong quá khứ khiến chúng ta ‘giác ngộ’ (tỉnh ra mà hiểu rõ) về con đường sự nghiệp của mình. Những sự việc có thể đã xảy ra trong gia đình, trong bạn bè, công sở, cộng đồng hay xã hội và nó đánh thức sự quan tâm, sự muốn chữa lành và sự yêu thương của ta với ngành.

Trong quyển “An introduction to counselling” (1) của John Mcleod, ông có nhắc đến những buổi phỏng vấn với những nhà trị liệu và tham vấn tâm lý nhằm hiểu rõ động lực và lý do khiến họ đến với ngành nghề này.

Tuy nhiên, McLeod cũng nhấn mạnh rằng chúng ta nên cân nhắc kết quả của những buổi phỏng vấn này vì đối tượng tham gia trả lời đa phần là những nhà trị liệu tâm lý toàn thời gian ở Mỹ. Nó thiếu đi thông tin từ phía những nhà tham vấn không chuyên, hay tình nguyện viên tham vấn, và của cả những người tham vấn da màu hoặc nhà tham vấn thuộc tầng lớp lao động.

Ở phần kết quả, có 2 lý do dẫn các nhà trị liệu tâm lý học đến với công việc của họ gồm có:
a. những trải nghiệm trong quá khứ hoặc ở thời thơ ấu về sự cô đơn, sự xa lánh xã hội mà họ phải chịu đựng vì họ thuộc một tầng lớp xã hội hay nhóm thiểu số/nhóm yếu thế. Chính những trải nghiệm này đã ươm mầm trong họ một sự quan tâm sâu sắc đến người khác
b. những trải nghiệm về mâu thuẫn gia đình trong quá khứ và bản thân người trị liệu vô tình đã trở thành một ‘bác sĩ tâm lý nhỏ’ của gia đình họ

Đây là những câu chuyện của các nhà trị liệu bên Mỹ, và câu chuyện của bạn có thể giống, hay khác hoàn toàn, nhưng luôn luôn có những sự kiện khiến bạn muốn trở thành một nhà tâm lý học. Hãy tìm ra những câu chuyện đó nhé.Ngoài ra, cũng có rất nhiều bài trắc nghiệm hay tài liệu giúp bạn nhận ra bản thân mình phù hợp với ngành nghề nào. Mình xin giới thiệu với bạn một phần nhỏ trong trắc nghiệm lựa chọn nghề nghiệp của Tiến sĩ tâm lý học John Lewis Holland (hay mô hình RIASEC).

Theo Holland, ông chia các ngành nghề trong cuộc sống thành 6 nhóm nghề tương ứng với thế mạnh và sở thích của chúng ta:
1. Thực tế – Realistic
2. Nghiên cứu – Investigative
3. Nghệ thuật – Artistic
4. Xã hội – Social
5. Quản lí – Enterprise6. Nghiệp vụ – Conventional

Tâm lý học là ngành nghề thuộc về mảng xã hội và nếu bạn chọn càng nhiều các điểm sau trong hình, thì coi bộ là bạn hợp với ngành tâm lý (và có thể các nhóm ngành khác thuộc mảng xã hội).

Đánh giá bạn có phù hợp với ngành tâm lý học
Đánh giá bạn có phù hợp với ngành tâm lý học

Các bạn có thể xem thêm 5 nhóm ngành còn lại trong bảng trắc nghiệm lựa chọn nghề nghiệp Holland tại website của trường caodangvietmy heng. Họ có chỉ cách tính điểm này nọ, nhưng cơ bản là phần nào nhiều điểm thì chúng ta có thiên hướng về ngành nghề trong phần đó. Và đôi khi có người sẽ đạt được điểm (gần) bằng nhau ở 2 phần, lúc đó bạn phải dựa vào trải nghiệm sống, giá trị nghề nghiệp, định hướng tương lai và động lực để xem hướng nào hợp với mình nhé.Và đây là câu chuyện của mình.

Sau khi tốt nghiệp đầu năm 2016, mình bắt đầu đi làm với tấm bằng về Truyền Thông (quảng cáo truyền thống và PR). Trong năm đầu mình làm đến 4 công ty luôn vì trải nghiệm của mình với các công việc đó không tốt lắm. Lúc thì môi trường làm việc, tính chất công việc rồi sự hỗ trợ của người đi trước. Và vì thời điểm đó mình đang đi làm những công việc phù hợp với tấm bằng của mình, hay kiến thức mà mình đã được học trên giảng đường.

Sau này khi quyết định đổi ngành, mình trăn trở về một mô hình giúp sinh viên, học sinh có thể trải nghiệm một tính chất công việc nào đó lắm. Kiểu như để chúng ta có cảm nhận thật về ngành nghề chúng ta sẽ làm ấy.Gần 2 năm đi làm ở các vị trí như Marketing executive, account intern và digital marketer, giữa thời điểm cuối năm 2017, mình đi thi IELTS và quyết định đi du học về ngành Social Work (hoạt động xã hội) do lúc này mình chưa hiểu rõ công việc giữa nhà hoạt động xã hội và tâm lý học là gì.

Rồi lúc sau đó lại thay đổi suy nghĩ vì mình không muốn để mẹ mình ở nhà một mình. Mẹ mình thì muốn mình đi học lắm, nhưng do lúc ấy tự mình nghĩ về mẹ nhiều nên mình lại thôi du học. Rồi mình nói với bản thân, vậy thì phải làm gì đó với cái bằng IELTS này. Mình ngồi lại, phân tích về khả năng, giá trị nghề nghiệp và sở thích của bản thân. Rồi mình nhận ra chuyện mà mình giỏi nhất trong mười mấy năm đi học đó là học giỏi (haha). Và mình cũng có khả năng diễn giải hay giải thích lại bài theo một cách dễ hiểu hơn cho người khác. Với vốn tiếng Anh sẵn có, mình quyết định đi dạy tiếng Anh.

Sau đó, mình vào làm ở một doanh nghiệp xã hội gọi là OpenM. Thời điểm đầu lúc vô thì mình là trợ giảng, nhưng do học viên nhiều nên chị sếp cho mình đứng lớp sau 2 tuần đi theo chị. Từ đó mình có cơ hội mài dũa thêm khả năng diễn giải, phát biểu, soạn bài, lập kế hoạch và vân vân. Cũng tại OpenM, mình có cơ hội tiếp xúc với một số dự án xã hội của công ty về phòng chống ấu dâm, dạy nghề bánh cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn và vân vân.

Rồi, về phần cuộc sống cá nhân ngoài công việc thì mình để ý cũng có một số người bạn hay chia sẻ những vấn đề hay thử thách của họ cho mình. Rồi mình cũng thích ngồi lắng nghe và cho lời khuyên này nọ. Nhiều lúc mình nghĩ, đây có lẽ là công việc mà người khác không trả tiền mình cũng làm. Nếu không mong cầu nhận lại điều gì, đó chẳng phải là thật tâm ta muốn làm sao? Và nó cũng là một sở thích đó chứ.

Quay về công việc, sau đó mình cũng nghỉ ở OpenM luôn và bắt đầu một chương sách trong quyển sách về cuộc đời của mình. Nhưng trước chương sách mới đó, mình nghỉ ở nhà 5 tháng, stress, trầm cảm nhẹ, có đêm tự nhiên nằm nhìn trời khóc không rõ nguyên nhân, tự hỏi bản thân nhiều lần về ý nghĩa của cuộc đời, về sự sống và cái chết, về việc mình được sanh ra để làm cái gì trên đời này vì mình tin chẳng phải tự nhiên mình được sanh ra, phải có một ‘sứ mệnh’ gì đó chứ.

Mình thấy cuộc đời chúng ta cũng như nền kinh tế vậy, cứ 5-10-15 năm gì đó lại ‘suy thoái’ một lần. Và sau đấy mọi chuyện lại đâu vô đấy. Mình mừng vì lần đó, mình xuống đáy để bật lên, chứ không phải để chìm nghỉm.Rồi đến lúc này mình mới quyết định là sẽ đi học tâm lý. Vì sự căng thẳng, sự chán nản và cảm giác bất lực mà mình cảm nhận đều đến từ phần Nghề Nghiệp. Gia đình ổn, tình yêu ổn, bạn bè ổn, tài chính ổn.

Và lúc ấy mình đã 26 tuổi rồi. Nhưng mình nghĩ, nếu mình sống đến 70 tuổi, nghĩa là còn 44 năm nữa, bỏ ra 3-4 năm trong 44 năm đó để lĩnh hội kiến thức và mài dũa khả năng giúp mình làm một công việc nào đó trong 30 năm, cũng đáng mà.Vả lại, nếu đi làm mà không có kiến thức và kỹ năng thì mình không tôn trọng khách hàng hay những người cần mình giúp đỡ. Và ngành tâm lý cũng là ngành ta phải nắm vững lý thuyết rồi cả thực hành.

Trước khi đợi đi học, mình lại đi dạy tiếng Anh cá nhân cũng được tầm 8 tháng, để kiếm tiền sống nữa chớ. Nhưng cách mình đi bài nó giống như trị liệu nói chuyện vậy đó (talking therapy). Mình đã nghe thêm được rất nhiều câu chuyện, và quan trọng hơn là ở những người đồng hành cùng mình, họ cũng có cơ hội nhìn lại và nghiệm lại những gì xảy ra trong cuộc sống của họ. Cảm giác đó rất tuyệt. Vì chẳng có ai sẵn sàng để cho người khác bước vào hay lắng nghe những góc tối của mình. Và mình cảm thấy rất thú vị và may mắn khi là người đó.

Sau 1 năm học tâm lý, mình cảm thấy rất hài lòng và ‘viên mãn’. Vẫn còn cả một chặng đường để đi, nhưng mình đã sống đúng với tính cách của mình, mình không phải đeo mặt nạ, gồng mình để trở thành một con người mà mình không muốn, đây là điều khiến mình cảm thấy an yên và thích nhất.

Và có một điều nữa, là trước khi đi học, mình có đọc qua 1 bài viết của báo vietnamnews nói rằng ở Việt Nam ta có hơn 3.000.000 người trẻ gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần. 3 TRIỆU đó các bạn. Mình SHOCK. Mà dân số trẻ Việt của nước mình nhiều lắm, từ 16-30 tuổi chiếm 24.6%/tổng dân số, là gần 23.300.000 người (2 – theo báo Quân đội nhân dân).

Mình là thế hệ Y, các bạn sinh từ 1996 trở đi là thế hệ Z. Mình xin lỗi nhưng mình không thể ngăn bệnh nghề nghiệp của mình được. Nhìn đâu mình cũng thấy các vấn đề tâm lý thôi. Thế hệ Z được tiếp xúc với các tinh hoa truyền thông và công nghệ từ nhỏ, các bạn rất thông minh và tinh nhạy, nhưng mình tự hỏi liệu các bạn có để ý đến những ‘góc tối’ của những phát minh mới mẻ này không?

Ít thời gian cho gia đình, cho việc nghiệm lại sự phát triển của bản thân, việc tiếp xúc và tiếp thu nền văn hóa cá nhân từ phương tây, sự ra đời của Youtube và game, những hào nhoáng vật chất, quá chú trọng vào tình yêu đôi lứa, dễ dàng bị kích động và giận dữ theo xu hướng bạo lực, chất kích thích và những ý tưởng mới lạ táo bạo gây hại đến sức khỏe, sự cố chấp trong suy nghĩ và vân vân.

Đây cũng là một lý do khiến mình chọn đối tượng để tiếp xúc và chữa lành là người trẻ. Vì chúng ta là những người sẽ quyết định tương lai của đất nước mình và của thế giới các bạn ạ. Với một tinh thần không vững vàng, ta sẽ như diều gặp gió, bạ đâu bay đấy mà chẳng vững vàng như cây tùng, cây bách.

Nói tóm lại, tất cả đều bắt đầu từ việc ta dành thời gian để trải và nghiệm, và để hiểu bản thân ta. Hy vọng sẽ sớm có duyên chạm và kết nối với mọi người nhé

Đánh giá bạn có phù hợp với ngành tâm lý học

Kim Anh – CTV Ban biên tập NCTT.
Bài viết được viết với hình thức chia sẻ trải nghiệm, dịch và tổng hợp.

Nguồn:
1. An introduction to counseling (nhập môn tham vấn) của John McLeod
2. https://en.qdnd.vn/social-affairs/special-reports/vietnam-has-23-3-million-young-people-501485#:~:text=The%20number%20of%20young%20Vietnamese,percent%20against%20the%20previous%20year.