Đau đầu căng thẳng 2 bên trán là bệnh gì năm 2024

Đau đầu căng thẳng hay mọi người vẫn thường gọi là đau đầu căng cơ, nhức đầu căng cơ có thể xảy ra ở mọi độ tuổi. Vậy, đau đầu căng thẳng là bệnh gì, bệnh có nguy hiểm không? Người bệnh cần xác định nguyên nhân gây bệnh và điều trị theo chỉ định từ bác sĩ.

Đau đầu căng thẳng 2 bên trán là bệnh gì năm 2024

Đau đầu căng thẳng là những cơn đau 2 bên đầu đặc trưng, không đau nhói, cường độ đau từ nhẹ đến trung bình, thường được mô tả là có cảm giác đau âm ỉ như bị bóp, ép hoặc xiết chặt quanh đầu. Trong bài viết sau đây, xin phép được thông tin đến mọi người những kiến thức cơ bản về đau đầu căng thẳng bằng khái niệm quen thuộc là: đau đầu căng cơ hay nhức đầu căng cơ. (1)

Một số thống kê trên thế giới về đau đầu căng cơ:

Tỷ lệ mắc bệnh: Đau đầu căng cơ trong ở các đối tượng từ 12 đến 41 tuổi là 86%, hơn nữa tỷ lệ mắc có thể đang tăng lên.

Vai trò của giới tính và tuổi tác: Nhức đầu căng thẳng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nữ giới có tỷ lệ mắc đau đầu căng cơ nhiều hơn so với nam giới, đặc biệt là đối với các phân nhóm từng đợt và mãn tính của bệnh lý này.

Đau đầu căng thẳng hay đau đầu căng cơ là gì?

Đau đầu căng thẳng thường được mọi người nhắc bằng khái niệm đau đầu căng cơ hay nhức đầu căng cơ. Đây là những cơn đau đầu đặc trưng bởi đau hai bên đầu, không đau nhói, cường độ đau từ nhẹ đến trung bình. Theo thống kê, đau đầu căng cơ là loại đau đầu phổ biến nhất và là bệnh lý thần kinh thường gặp. Đối tượng dễ mắc là những người thường xuyên ngồi lâu ở một tư thế cố định, làm công việc áp lực đầu óc căng thẳng, không gian chật hẹp thiếu oxy. Ngoài ra, bệnh đau đầu căng cơ còn có thể xảy ra khi xuất hiện căng thẳng kéo dài do vấn đề tâm lý, trầm cảm,…

Dựa vào các mức độ và tần suất xuất hiện của các cơ đau có thể phân loại triệu chứng đau đầu căng cơ thành 3 loại chính:

  • Nhức đầu căng cơ từng cơn không thường xuyên: Các cơn đau ít hơn 1 ngày trong tháng.
  • Nhức đầu căng cơ từng đợt: Các cơn đau đầu từ 1 đến 14 ngày trong 1 tháng.
  • Nhức đầu căng cơ mãn tính: Đau đầu nhiều hơn 15 ngày mỗi tháng.
    Đau đầu căng thẳng 2 bên trán là bệnh gì năm 2024
    Nhức đầu căng thẳng có thể xảy ra ở bất kỳ ai, đặc biệt là đối tượng ít vận động làm công việc đầu óc căng thẳng

Nguyên nhân đau đầu căng cơ

Hiện nay, nguyên nhân chính xác gây nên những cơn đau đầu căng cơ vẫn chưa được xác định một cách cụ thể. Tuy nhiên, một vài yếu tố đã được chỉ ra có tác động ảnh hưởng đến nhức đầu căng cơ: (2)

  • Nhạy cảm với thuốc ngủ: Tăng độ nhạy cảm với các thuốc dẫn truyền thần kinh được cho là đóng một vai trong quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của đau đầu căng cơ. Các kích thích bình thường vô hại bị hiểu sai là gây đau trong nhức đầu căng cơ mãn tính. Các thuốc chống trầm cảm ba vòng như Amitriptyline và các thuốc ức chế tổng hợp oxit nitric có thể đảo ngược quá trình nhạy cảm đau.
  • Các yếu tố trung tâm: Độ nhạy cảm đau chung trong hệ thống thần kinh trung ương tăng lên trong nhức đầu căng cơ mãn tính, trong khi quá trình xử lý đau trung tâm dường như bình thường trong đau đầu căng cơ từng đợt.
  • Các yếu tố ngoại vi: Không có bằng chứng chắc chắn về các bất thường ngoại vi trong đau đầu căng cơ, tuy nhiên các thụ thể cảm nhận kích thích đau ở cơ đóng một vai trò quan trọng, đặc biệt trong nhức đầu căng cơ. So với những đối tượng kiểm soát đau đầu phù hợp không bị tái phát, người mắc đau đầu căng cơ từng đợt cho thấy số lượng điểm kích hoạt đau nhiều hơn và ngưỡng đau thấp hơn ở thân dây thần kinh, cử động cổ ít hơn.
  • Các yếu tố thúc đẩy: Căng thẳng hoặc áp lực tinh thần là những yếu tố thúc đẩy phổ biến nhất của nhức đầu căng cơ.
  • Yếu tố di truyền: Yếu tố di truyền dường như đóng một vai trò nhỏ trong cơ chế bệnh sinh của đau đầu căng cơ từng đợt. Một số quan sát cho thấy những người thân của những người nhức đầu căng cơ mãn tính sẽ có nguy cơ mắc bệnh đau đầu căng cơ mãn tính cao hơn nhiều so với cộng đồng.

Triệu chứng đau đầu căng cơ là gì?

Biểu hiện chính của một cơn đau đầu căng cơ là đau đầu nhẹ đến trung bình, hai bên đầu, không đau nhói, mà không có đặc điểm đau nghiêm trọng hoặc đau một bên đầu theo kiểu mạch đập. (3)

Các mô tả của người bệnh thường gặp:

  • Thường xuyên đau đầu âm ỉ.
  • Những cơn đau kiểu bóp chặt đầu giống như đội một chiếc mũ chật xuất hiện nhiều hơn.
  • Cảm thấy đau kiểu bị ép giống như có một trọng lượng nặng đè trên đầu hoặc vai.
  • Đau cơ xung quanh đầu: Đau các cơ, cân quanh sọ và có một số điểm kích hoạt cơn đau ở những bệnh nhân mắc bệnh đau đầu căng cơ.
    Đau đầu căng thẳng 2 bên trán là bệnh gì năm 2024
    Thông thường triệu chứng đau đầu căng cơ phổ biến sẽ là đau và căng tức vùng da đầu, căng cơ cổ, vai, gáy,…

Đau đầu căng cơ có nguy hiểm không?

Đau đầu căng cơ có nguy hiểm không là thắc mắc của nhiều người. Nhức đầu căng cơ được bác sĩ khẳng định rằng không gây tác động trực tiếp ảnh hưởng đến tính mạng. Tuy nhiên, tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến cơ thể, cả về thể chất lẫn tinh thần của người bệnh.

Theo thống kê trên thế giới tỷ lệ đau đầu căng cơ phổ biến hơn và tổng chi phí cao điều trị cao hơn so với đau nửa đầu. Những người mắc nhức đầu căng cơ từng đợt trung bình 9 ngày nghỉ việc và 5 ngày giảm hiệu quả công việc, trong khi những người mắc nhức đầu căng cơ mãn tính báo cao trung bình 27 ngày nghỉ việc và 20 ngày giảm hiệu quả công việc. Đối tượng đau đầu căng cơ có chất lượng cuộc sống kém hơn, đặc biệt những người có bệnh mãn tính đi kém và tiếp tục phải chịu đựng những năm tháng tuổi già.

Cách chẩn đoán đau đầu căng cơ

Chẩn đoán nhức đầu căng cơ thông qua đặc tính của những triệu chứng

Để có thể chẩn đoán bệnh đau đầu căng cơ được chính xác, người bệnh cần theo dõi, ghi nhận những biểu hiện cơn đau của mình và mô tả chi tiết với bác sĩ. Từ những đặc tính sau đây, bác sĩ điều trị sẽ nắm rõ hơn về tình trạng nhức đầu căng cơ của người bệnh: (4)

  • Vị trí của cơn đau: Cảm thấy đau ở những vị trí cụ thể như đau 2 bên thái dương, đau 1 bên đầu, đau trên đỉnh đầu, trán hay vùng mắt,…
  • Các yếu tố thúc đẩy cơn đau: áp lực tinh thần và công việc áp lực, lạm dụng thuốc giảm đau
  • Biểu hiện của cơn đau: Cơn đau âm ỉ, đau kiểu bóp chặt giống như đội một chiếc mũ chật, đau giật theo từng nhịp hay không, có lan sang những vùng khác không,…
  • Những đặc trưng khác kèm theo cơn đau: Nhạy cảm với tiếng ồn, ánh sáng, căng thẳng kéo dài,
  • Cường độ của cơn đau: Trong cơn có đau nhói, đi lại làm việc leo cầu thang có đau tăng,…
  • Khả năng đáp ứng thuốc: Người bệnh đã từng dùng thuốc giảm đau không kê đơn chưa, nếu đã dùng thì khả năng đáp ứng thuốc như thế nào,…

Tiêu chuẩn chẩn đoán: Bảng phân loại quốc tế về đau đầu ấn bản thứ 3 (ICHD -3) đưa ra tiêu chuẩn chẩn đoán cho đau đầu căng cơ từng cơn và mãn tính.

1. Tiêu chí ICHD 3 cho đau đầu căng cơ từng đợt:

Tiêu chí ICHD 3 cho đau đầu căng cơ từng đợt yêu cầu ít nhất 10 cơn đau đầu, mỗi cơn kéo dài 30 phút đến 7 ngày hoặc số cơn xuất hiện trung bình từ 1 đến 14 ngày mỗi tháng, đáp ứng các điều kiện sau:

Có ít nhất hai trong số những điều kiện sau đây:

  • Đau đầu hai bên.
  • Đau kiểu giống như bị ép hoặc bóp chặt đầu (không theo nhịp).
  • Cường độ đau đầu ở mức nhẹ hoặc trung bình.
  • Các hoạt động thể chất thông thường như đi hộ hoặc leo cầu thang không làm trầm trọng hơn cơn đau.

Đáp ứng hai điều kiện sau đây:

  • Không buồn nôn hoặc nôn.
  • Không có cảm giác sợ âm thanh hoặc ánh sáng mạnh.

2. Tiêu chí ICHD 3 cho đau đầu căng cơ mãn tính:

Tiêu chí ICHD 3 cho đau đầu căng cơ mãn tính yêu cầu đau đầu kéo dài hàng giờ đến hàng ngày hoặc đau không giảm, xảy ra trung bình >15 ngày mỗi tháng trong hơn 3 tháng (>180 ngày mỗi năm) và đáp ứng những điều sau:

Có ít nhất hai trong số những điều kiện sau đây:

  • Đau đầu hai bên
  • Đau kiểu giống như bị ép hoặc bóp chặt đầu (không theo nhịp)
  • Cường độ đau đầu nhẹ hoặc trung bình
  • Các hoạt động thể chất thông thường như đi hộ hoặc leo cầu thang không làm trầm trọng hơn cơn đau

Đáp ứng hai điều kiện sau đây:

  • Không có cảm giác sợ âm thanh hoặc ánh sáng mạnh hoặc có buồn nôn nhẹ
  • Không có buồn nôn hoặc nôn vừa tới nghiêm trọng

Đau đầu căng cơ từng đợt không thường xuyên được chẩn đoán nếu các cơn đau đầu xuất hiện trung bình <1 ngày mỗi tháng (<12 ngày mỗi năm).

Đau đầu căng cơ cần phân biệt với các tình trạng đau đầu nào?

Đau đầu căng cơ cần phân biệt với các tình trạng đau đầu khác khi có các triệu chứng không điển hình, triệu chứng trùng lặp với các loại đau đầu khác, khi người bệnh không có đầy đủ các triệu chứng.

  • Người lớn tuổi: Người lớn tuổi đặt ra nhiều chẩn đoán phân biệt do những thay đổi sinh lý liên quan đến lão hóa hoặc các bệnh lý khác đi kèm và nhiều khó khăn cho quá trình điều trị bao gồm sử dụng nhiều thuốc kết hợp hoặc không dung nạp với các thuốc giảm đau.
  • Phân biệt nhức đầu căng cơ với đau nửa đầu: Việc phân biệt khó khăn do nhiều người bệnh không có đầy đủ các triệu chứng, đau nửa đầu không có tiền triệu. Cơn đau nhói nửa đầu một bên với cường độ từ nhẹ đến trung bình có thể đáp ứng tiêu chí cả hai dạng đau đầu.
  • Bệnh nhân đau đầu do lạm dụng thuốc – đau đầu do lạm dụng thuốc là một loại đau đầu thứ phát thường gặp cần phải được nghi ngờ ở những bệnh nhân đau đầu thường xuyên hoặc hàng ngày do sử dụng thuốc giảm đau thường xuyên. Mục tiêu điều trị của dạng đau đầu này là giảm liều hoặc cai thuốc giảm đau.
  • Bệnh nhân có các đặc điểm không điển hình gợi ý đau đầu thứ phát: Việc phân biệt đau đầu thứ phát và nhức đầu căng cơ là rất quan trọng, đặc biệt khi có các triệu chứng sau:
    • Khởi phát cơn đau đột ngột và nghiêm trọng.
    • Cơn đau không giống các cơn đau đầu trước đây.
    • Sốt cao hoặc nhiễm trùng đồng thời.
    • Thay đổi trạng thái tình thần hoặc co giật.
    • Cơn đau liên quan đến gắng sức (ví dụ tập thể dục hoặc quan hệ tình dục).
    • Tuổi lớn hơn 50.
    • Đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch hoặc nhiễm HIV.
    • Rối loạn tri giác.
    • Cơn đau đầu xảy ra khi mang thai hoặc sau sinh.
    • Đang sử dụng các loại thuốc nguy hiểm (ví dụ thuốc kháng đông, thuốc cường giao cảm).
    • Khám lâm sàng thấy các dấu hiệu thần kinh viêm màng não, thay đổi ý thức, phù gai thị,..
  • Đau đầu do u não: Đau đầu do u não thường giống với đau đầu căng cơ và số lượng cơn ít hơn có thể giống với đau nửa đầu. Mặc dù chỉ một số ít bệnh nhân bị đau đầu có khối u trong não, nhưng rất quan trọng cần phải hướng tới khi có các dấu hiệu:
    • Tuổi > 50
    • Tiền sử có mắc ung thư
    • Triệu chứng đau đầu tiến triển nặng hơn vào buổi sáng
    • Bất thường khi khám thần kinh
  • Đau đầu do viêm xoang: Thường người bệnh sẽ tự chẩn đoán hoặc bác sĩ lâm sàng hướng đến khi có các dấu hiệu chảy nước mũi, đau đầu ở vùng xoang, sốt.
  • Đau đầu do đau vùng cổ gáy: Đau đầu do đau vùng cổ gáy nên được nghĩ đến nếu đau đầu chỉ xảy ra ở một bên, đặc trưng bởi cơn đau đầu không đau nhói, không lan tỏa một bên với cường độ đau từ trung bình đến nặng và thời gian thay đổi, cơn đau tăng lên khi cử động đầu hoặc lan tỏa từ vùng chẩm đến vùng trán, đau cơ ở vùng cổ trên hoặc sau đầu.
  • Các loại đau đầu thứ phát khác: Các loại đau đầu ít gặp như hội chứng thể tích dịch não tủy thấp tự phát, viêm màng não mãn tính đôi khi có thể nhầm lẫn với đau đầu căng cơ.

Phân biệt đau đầu căng cơ với các loại đau đầu khác thông qua các công cụ nào?

Bác sĩ điều trị có thể sẽ chỉ định người bệnh thực hiện các xét nghiệm liên quan, để có thể đưa ra được chẩn đoán chính xác và loại trừ các chẩn đoán nguy hiểm khác:

  • Chụp CT hoặc chụp MRI não: Xét nghiệm hình ảnh này có thể chỉ ra được những thay đổi trong não bộ gây nên tình trạng đau đầu (khối u, chảy máu não,…).
  • Xét nghiệm máu: Nhiều người bệnh thắc mắc rằng tại sao nhức đầu căng thẳng cần phải thực hiện xét nghiệm máu. Tuy nhiên, ngoài các vấn đề liên quan đến thần kinh thì những bệnh lý nội khoa như nhiễm trùng máu cũng là nguyên nhân gây nên triệu chứng đau đầu căng cơ. Vì vậy, xét nghiệm công thức máu toàn bộ có thể giúp xác định được nguy cơ tiềm ẩn này.
  • Chọc dò tủy sống: Đây là thủ thuật thu thập chất lỏng trong tủy sống bằng dụng cụ y khoa chuyên dụng đặt ở vùng lưng dưới. Có thể bạn chưa biết, đây là xét nghiệm giúp xác định tình trạng viêm hay nhiễm trùng ở khu vực gần hoặc bên trong não.
    Đau đầu căng thẳng 2 bên trán là bệnh gì năm 2024
    Để chẩn đoán chính xác tình trạng nhức đầu căng cơ bác sĩ có thể sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện: chụp CT, chụp MRI, chọc dò tủy sống,…

Cách điều trị đau đầu căng cơ

Điều trị đau đầu căng cơ bằng cách dùng thuốc

Điều trị cơn nhức đầu căng cơ hiệu quả sẽ giúp cải thiện hoặc giải quyết cơn đau một cách bền vững. Tuy nhiên đa số người bệnh thường tự mua các loại thuốc giảm đau mà không tham khảo ý kiến bác sĩ, thật không may việc sử dụng lặp đi lặp lại các loại thuốc giảm đau có thể dẫn đến đau đầu do lạm dụng thuốc. (5)

Sử dụng thuốc điều trị sẽ tập trung vào 2 mục tiêu chính:

1. Sử dụng thuốc điều trị cắt cơn đau cấp

Điều trị cắt cơn đau hiệu quả nhất bác sĩ thường khuyến cáo bệnh nhân nên uống thuốc ngày khi bắt đầu cơn đau. Có nhiều loại thuốc kê đơn và không cần kê đơn, có sẵn để giảm cơn đau cấp:

  • Thuốc giảm đau đơn thuần cho hầu hết bệnh nhân – đối với hầu hết bệnh nhân đau đầu căng cơ từng đợt (<15 cơn đau đầu mỗi tháng), bác sĩ thường khuyên bệnh nhân nên điều trị ban đầu bằng thuốc giảm đau đơn giản như NSAID Ibuprofen (400mg đến 600mg), Naproxen (220mg đến 550 mg), Diclofelac (20mg đến 100mg) hoặc Aspirin (500mg đến 650mg). Đối với bệnh nhân không dung nạp với các NSAID hoặc Aspirin, có thể lựa chọn Acetaminophen (Paracetamol 500mg đến 1000mg)
  • Thuốc giảm đau kết hợp – đối với những người bệnh nhức đầu căng cơ không đáp ứng với những thuốc giảm đau đơn giản, bác sĩ có thể khuyến cáo sử dụng loại thuốc giảm đau kết hợp với thuốc khác như Caffeine, barbiturate hoặc opioid. Sự kết hợp này giúp kiểm soát cơn đau hiệu quả hơn so với sử dụng thuần tuy nhiên thuốc cần kê toa.
  • Một số loại thuốc lợi ích không chắc chắn hoặc không rõ ràng – Một số loại thuốc cũng được sử dụng để cắt cơn đau cấp bao gồm Triptans, thuốc giãn cơ, tiêm điểm kích hoạt cơn đau.

2. Sử dụng thuốc phòng ngừa tái phát cơn (dự phòng cơn)

Mục tiêu của dự phòng cơn là giảm tần suất cơn, giảm mức độ nghiêm trọng và thời gian, cải thiện khả năng đáp ứng để điều trị các cơn đau cấp, cải thiện chức năng và giảm khiếm khuyết. Để đạt được lợi ích tối đa đòi hỏi sự hợp tác của người bệnh và bác sĩ. Một số loại thuốc phòng ngừa được khuyến cáo bao gồm:

  • Thuốc chống trầm cảm 3 vòng: Đối với những bệnh nhân nhức đầu căng cơ từng đợt hoặc mãn tính thuốc chống trầm cảm Amitriptyline được khuyến cáo sử dụng, bắt đầu từ liều thấp nhất có thể tăng dần cho tới khi đạt được lợi ích tối đa, nếu không dung nạp có thể lựa chọn Nortriptyline và Protriptylin. Tuy nhiên tác dụng phụ của những loại thuốc này có thể bao gồm táo bón, buồn ngủ hoặc khô miệng.
  • Các loại thuốc chống trầm cảm khác: Các bằng chứng mới cũng ủng hộ sử dụng việc sử dụng thuốc chống trầm cảm Venlafaxine (Effexor XR) và Mirtazapine (Remeron).
  • Thuốc chống co giật: Các loại thuốc có thể có lợi dự phòng nhức đầu căng cơ chẳng hạn Gabapentin và Topiramate, cần có thêm bằng chứng.

Điều trị đau đầu căng cơ bằng cách loại bỏ các nguyên nhân khởi phát

Để có thể điều trị đau đầu căng cơ bằng cách này, người bệnh cần quan sát và theo dõi những biểu hiện cơn đau của mình một cách chi tiết về khởi phát cơn đau, tần suất và mức độ đau, các yếu tố làm nặng hơn cơn đau, thời điểm xuất hiện cơn đau,… Từ đó, người bệnh sẽ tìm ra được các yếu tố tác động gây ra nhức đầu căng cơ và dần loại bỏ chúng:

  • Vật lý trị liệu: Các dữ liệu gần đây cho thấy vai trò ngày càng lớn của các phương pháp vật lý trị liệu trong nhức đầu căng cơ, các liệu pháp bao gồm kích thích từ trường xuyên sọ (rTMS), kích thích điện dây thần kinh qua da (TENS), liệu pháp siêu âm và laser, xoa bóp, vận động trị liệu,…
  • Duy trì chế độ nghỉ ngơi khoa học để loại bỏ căng thẳng kéo dài: Người bệnh có thể chủ động phân bổ lịch làm việc/học tập, sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc (7 – 8 giờ mỗi đêm) và ngủ trưa ngắn (15 – 20 phút).
  • Luôn hoạt động đúng tư thế: Nếu người bệnh là nhân viên văn phòng, công nhân, thợ may,… cần chú ý về tư thế ngồi của mình. Hãy đảm bảo đầu không quá cúi xuống, đầu thẳng ở giữa 2 vai, lưng thẳng không võng lưng, mỗi 30 phút ngồi cần đứng lên đi lại 1 lần. Duy trì tư thế ngồi đúng sẽ giúp triệt tiêu nguy cơ đau đầu căng cơ do sai tư thế.
  • Thường xuyên tập thể dục: Việc tập thể dục thể thao thường xuyên sẽ giúp bạn duy trì được cơ thể khỏe mạnh nói chung và điều trị/phòng ngừa nhức đầu căng cơ rất hiệu quả. Mỗi người sẽ phù hợp các môn thể thao vận động khác nhau. Người bệnh có thể chọn: tập yoga, ngồi thiền, gym, chạy bộ,…
  • Học cách kiểm soát cảm xúc để loại bỏ sự tiêu cực gây ra căng thẳng kéo dài: Các tác động như áp lực, lo âu, suy nghĩ tiêu cực sẽ tác động trực tiếp đến tinh thần của mọi người. Chính vì thế sẽ gây ra triệu chứng đau đầu căng cơ, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Khi gặp áp lực, stress biết cách thả lỏng, tìm kiếm sự trợ giúp chuyên viên tâm lý hoặc bác sĩ khi cần. Người bệnh hãy luôn giữ cho mình thái độ sống tích cực, học cách hài lòng với hiện tại để giữ tinh thần thoải mái cho bản thân.
  • Châm cứu: Đây là một lựa chọn an toàn có thể có lợi trong điều trị nhức đầu căng cơ.
    Đau đầu căng thẳng 2 bên trán là bệnh gì năm 2024
    Ngủ đủ giấc, duy trì chế độ sống lành mạnh tích cực để xua tan cơn đau đầu căng cơ

Điều trị đau đầu căng cơ bằng cách bổ sung thực phẩm cần thiết cho cơ thể

Người bệnh cần hạn chế nạp vào cơ thể những thực phẩm chứa nhiều monosodium glutamate, histamin, tyramine để loại bỏ tác nhân gây nhức đầu căng cơ. Đồng thời nên bổ sung thêm các thực phẩm giàu vitamin, chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể như rau xanh, trái cây. Bên cạnh đó để kết quả điều trị được hiệu quả cao nhất người bệnh đau đầu căng cơ cũng phải loại bỏ các tác nhân xấu như rượu bia, thuốc lá, chất kích thích khác,…

Cách giảm nhức đầu căng cơ tại nhà

Thư giãn và nghỉ ngơi hợp lý

Dù nhức đầu căng cơ cấp tính hay mạn tính thì người bệnh cũng có thể áp dụng một số phương pháp thư giãn tại nhà sau đây:

  • Lựa chọn nghỉ ngơi tại không gian yên tĩnh, có thể áp dụng xông tinh dầu để thư giãn.
  • Hãy chọn một nơi có luồng ánh sáng vừa phải, không mạnh để nghỉ ngơi mỗi khi cơn đau kéo đến.
  • Thả lỏng cơ thể, đặc biệt phần cổ, vai, lưng.
  • Tạm thời ngưng sử dụng laptop, tivi, điện thoại, iPad,…
  • Đắp mặt nạ có tác dụng làm ấm vùng mắt để thư giãn.
  • Thực hiện vỗ nhẹ vào vùng trán, massage 2 bên thái dương kết hợp.

Hít thở đúng cách

Hít thở sâu đúng cách sẽ giúp kích thích khả năng giải phóng endorphin trong cơ thể. Hormone này sẽ giúp cải thiện triệu chứng đau đầu căng cơ, giảm bớt các phản ứng căng thẳng của cơ thể. Người bệnh có thể học cách hít thở như sau:

  • Người bệnh cần chọn một nơi có không gian thoáng đãng, yên tĩnh để chắc chắn rằng không ai có thể làm phiền trong suốt quá trình thực hiện.
  • Hãy giữ cho vùng lưng luôn thẳng hoặc tựa lưng vào tường một cách thoải mái.
  • Hít 1 hơi thật chậm bằng mũi, giữ lại trong 5 giây và từ từ thở ra qua đường miệng. Lặp lại động tác này nhiều lần, cho đến khi cơ thể đã quen với nhịp thở này.

Người bệnh cần thực hiện bài tập hít thở này trong ít nhất 10 phút để cơ thể có thể tự điều chỉnh cơn đau đầu căng cơ.

Chườm nóng hoặc lạnh lên vùng xuất hiện cơn đau

Người bệnh có thể chọn chườm lạnh hoặc chườm nóng tại nhà để làm dịu những cơn nhức đầu căng cơ.

  • Chườm lạnh: Dùng khăn mềm hoặc gạc cho vào ngăn mát tủ lạnh trong 30 phút. Sau đó dùng khăn hoặc gạc này để chườm lên vùng trán hoặc đỉnh đầu.
  • Chườm nóng: Làm ấm khăn hoặc gạc bằng cách nhúng vào nước ấm, vắt ráo nước và tiến hành chườm lên vùng trán hoặc thái dương để giảm bớt căng thẳng.
    Đau đầu căng thẳng 2 bên trán là bệnh gì năm 2024
    Phương pháp chườm lạnh hoặc nóng tại nhà có thể hỗ trợ làm dịu những cơn nhức đầu căng cơ

Để sớm chẩn đoán và điều trị nhức đầu căng cơ, người bệnh có thể đặt lịch khám với bác sĩ chuyên khoa Nội Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, tại:

Cách phòng ngừa đau đầu căng cơ

Nhức đầu căng cơ kéo dài sẽ gây ảnh hưởng lớn đến thể chất lẫn tinh thần của người bệnh. Để có thể phòng ngừa nhức đầu căng cơ, mọi người nên thực hiện những điều sau đây:

  • Bổ sung đầy đủ các nhóm chất cần thiết, duy trì cân bằng chế độ dinh dưỡng cho cơ thể.
  • Tránh xa các tác nhân gây hại cho cơ thể: môi trường ô nhiễm, nguồn nước bẩn, chất kích thích,…
  • Đảm bảo rằng luôn ngủ đủ giấc (6 – 8 giờ/ngày). Nếu gặp phải các vấn đề: ngủ chập chờn không sâu giấc, khó đi vào giấc ngủ,… hãy nhanh chóng đến bệnh viện thăm khám điều trị sớm nhất.
  • Tạo môi trường sống thoải mái, tránh xa các tác nhân tiêu cực từ môi trường hoặc từ người khác.

Duy trì cơ thể khỏe mạnh và tránh các yếu tố nguy cơ có thể giúp mọi người phòng ngừa những cơn đau đầu căng cơ hiệu quả. Trên đây là những thông tin y khoa góp phần giải đáp các thắc mắc của bạn về đau đầu căng cơ có nguy hiểm không, đau đầu căng cơ là bệnh gì, điều trị đau đầu căng cơ bằng cách nào. Nếu bạn nghi ngờ bản thân đang gặp phải tình trạng đau đầu căng cơ hay nhức đầu căng cơ, nên đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và điều trị sớm nhất.