Em hiểu như thế nào về câu thơ con sẽ mang Đất nước đi xa

Bài làm

1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm và trích dẫn ý kiến:

“Đoạn thơ này là lời nhắc nhở về ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay với quê hương đất nước”. Ý kiến khác lại cho rằng: “Đoạn thơ này tiêu biểu cho phong cách thơ trữ tình – chính luận của Nguyễn Khoa Điềm”.

2. Giải thích

− “Đoạn thơ này là lời nhắc nhở về ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay với quê hương đất nước”: Đoạn thơ gợi sự gắn bó mật thiết giữa mỗi cá nhân với quê hương, đất nước; giữa cá nhân và tập thể. Đất nước là một phần không thể thiếu như máu xương của mỗi con người. Do vậy mỗi cá cần có ý thức, trách nhiệm đấu tranh, bảo vệ và mang đất nước phát triển đến “ngày tháng mơ mộng”.

− “Đoạn thơ này tiêu biểu cho phong cách thơ trữ tình – chính luận của Nguyễn Khoa Điềm”: Chí Bằng (Quà tặng Văn học)

+ Đoạn thơ chính luận nhưng lại như lời tự nhủ, tự dặn mình về ý thức, trách nhiệm với đất nước Đó là tư tưởng chính trị, xã hội của Nguyễn Khoa Điềm được thể hiện qua đoạn thơ. Đó là chính luận.

+ Đồng thời cách thể hiện lời khuyên, lời nhắc nhở thế hệ hôm nay về ý thức, trách nhiệm bằng giọng thơ chân thành, thủ thỉ, nhẹ nhàng như lời tâm sự trữ tình, sâu lắng đi vào hồn người. Đó tính trữ tình.

+ Hai yêu tố trữ tình – chính luận hòa quyện vào nhau làm nên sức thuyết phục, đi sâu vào lòng người đọc, khơi dậy ở họ tình yêu và trách nhiệm với quê hương, đất nước.

3. Phân tích làm sáng tỏ ý kiến

“Đoạn thơ này là lời nhắc nhở về ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay với quê hương đất nước”.

Trong anh và em hôm nay

Đều có một phần Đất Nước

Khi hai đứa cầm tay

Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm

Khi chúng ta cầm tay mọi người

Đất Nước vẹn tròn, to lớn

− Nguyễn Khoa Điềm khẳng định mối quan hệ mật thiết giữa cá nhân với cộng đồng, đất nước: “Trong anh và em” đều “có một phần Đất Nước” với giọng thơ đầy tự hào. Vậy mối quan hệ mật thiết giữa cá nhân với cộng đồng, đất nước được thể hiện thế nào?

+ Thứ nhất, đó còn là mối quan hệ gắn kết giữa con người và con người để tạo nên sự hài hòa, liên kết bền chặt từ những cá nhân: “Khi hai đứa cầm tay/Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm”. Đại từ nhân xưng thay đổi từ “anh và em” đến “hai đứa” góp phần khẳng định sự gắn kết đôi lứa làm nên sự hài hòa, nồng ấm cho đất nước.

+ Thứ hai, đó là sự tăng tiến từ sự gắn kết của cá nhân “anh và em” đến tình cảm lứa đôi (hai đứa) với mọi người khiến cho đất nước trở nên “vẹn tròn, to lớn”. Đây chính là triết lý sâu sắc của Nguyễn Khoa Điềm về mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng và giữa cộng đồng với quê hương, đất nước. Nói một cách dễ hiểu là: Nguyễn Khoa Điềm khẳng định nền tảng để tạo nên đất nước “vẹn tròn, to lớn” chính là tự sự tình yêu, ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với quê hương đất nước, mối quan hệ bền chặt của tình cảm lứa đôi, gia đình có vững chắc mới tạo nền móng vững vàng cho đất nước.

− Đồng thời, ý thức, trách nhiệm với đất nước không chỉ dành cho “đất nước” ở hiện tại ở mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng mà đó còn là sự nuôi dưỡng, dành trọn niềm tin cho thế hệ mai sau mong:

Mai này con ta lớn lên

Con sẽ mang Đất Nước đi xa

Đến những ngày tháng mơ mộng

Đó là niềm tin của cha mẹ dành cho con cái, mong với những nền tảng, sự hi sinh, niềm tin dành cho con – thế hệ tương lai, sẽ mang “Đất Nước đi xa” đến với những tầm cao mới “ngày tháng mơ mộng”.

− Bốn câu thơ cuối là kết tinh của toàn bộ đoạn thơ: Lời nhắc nhở thế hệ hôm nay về ý thức, trách nhiệm với quê hương, đất nước:

Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình

Phải biết gắn bó và san sẻ

Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở

Làm nên Đất Nước muôn đời…

+ “Đất Nước là máu xương của mình” là cách định nghĩa sâu sắc, chứa đựng nhiều suy tư, chiêm nghiệm của nhà thơ. Bởi vì, thế hệ cha anh, các vua hùng đã có công dựng nước, bảo vệ quê hương đất nước. Bao người đã “sống và chết” cho quê hương trong thăng trầm lịch sử. Có người đã vì yêu quê hương đất nước, ý thức được trách nhiệm của bản thân mà đi ra chiến trường, quên mình chống giặc ngoại xâm, trong thời bình họ đổ mồ hôi, công sức, trí tuệ để xây dựng đất nước giàu đẹp. Do vậy “Đất Nước là máu xương” của mỗi người hôm nay cũng là điều dễ hiểu. Đồng thời với cách nói này, Nguyễn Khoa Điềm cũng gián tiếp nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay về mối quan hệ mất thiết như hơi thở, như cuộc sống của cá nhân với đất nước đầy thuyết phục.

+ Do vậy, mỗi người “biết gắn bó và san sẻ”, phải “biết hóa thân cho dáng hình xứ sở” để góp phần làm nên “Đất Nước muôn đời”. “Đoạn thơ này tiêu biểu cho phong cách thơ trữ tình – chính luận của Nguyễn Khoa Điềm”:

− Thế nào là phong cách thơ trữ tình – chính luận, phía trên đã có lời giải đáp: Nguyễn Khoa Điềm nhắc nhở, giáo dục thế hệ trẻ hôm nay về ý thức, trách nhiệm với quê hương,

đất nước (đó là chính luận) nhưng không phải bằng lời giáo huấn khô khan. Mà bằng giọng điệu tâm tình thủ thỉ “Em ơi em”, “của mình” đầy nhẹ nhàng, tha thiết đi sâu vào lòng người. (đó là trữ tình).

− Như đã nói ở trên, hai yêu tố trữ tình – chính luận hòa quyện vào nhau làm nên sức thuyết phục, đi sâu vào lòng người đọc, khơi dậy ở họ tình yêu và trách nhiệm với quê hương, đất nước.

4. Đánh giá chung

− Đoạn thơ góp phần thể hiện tư tưởng “Đất Nước là của Nhân dân” ở mối quan hệ giữa mỗi cá nhân với cộng đồng, quê hương, đất nước. Do đất nước có trong mỗi người, gắn bó mật thiết như xương máu của mỗi người nên bản thân họ cần có ý thức bảo vệ, giữ gìn và phát triển quê hương, đất nước của mình. Đồng thời, đoạn thơ dù ngắn, nhưng đã thể hiện phong cách thơ “trữ tình – chính luận” của Nguyễn Khoa Điềm đậm đặc.

− Và như vậy, hai ý kiến trên đã đánh giá về nội dung đoạn thơ và phong cách thơ của Nguyễn Khoa Điềm hoàn toàn xác đáng, giúp người đọc hiểu hơn về đoạn thơ và phong cách thơ nhà thơ nói riêng và toàn bộ đoạn trích “Đất Nước” nói chung.

− Đồng thời với đoạn thơ ngắn ngủi nhưng để lại ở người đọc nhiều suy tư sâu lắng về ý thức, trách nhiệm với quê hương, đất nước. Và thấy được ở nhà thơ một tình yêu sâu sắc dành cho quê hương.

Trang web này phụ thuộc vào doanh thu từ số lần hiển thị quảng cáo để tồn tại. Vui lòng tắt trình chặn quảng cáo của bạn hoặc tạm dừng tính năng chặn quảng cáo cho trang web này.

Em hiểu như thế nào về câu thơ con sẽ mang Đất nước đi xa

Để tìm hiểu sâu hơn về giá trị tác phẩm Đất nước, mời các em tham khảo một số bài văn mẫu Cảm nhận về đoạn thơ "Trong anh và em hôm nay ... Làm nên đất nước muôn đời" trong đoạn trích Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm sau đây. Hi vọng với các bài văn mẫu đặc sắc này các em sẽ có thêm tài liệu, cách triển khai để hoàn thiện bài viết một cách tốt nhất!

Bài văn cảm nhận về đoạn thơ "Trong anh và em hôm nay ... Làm nên đất nước muôn đời" trong đoạn trích Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm.

Nguyễn Khoa Điềm thuộc thế hệ nhà thơ trẻ trưởng thành trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống.Mỹ cứu nước. Thơ Nguyễn Khoa Điềm giàu chất suy tư và dồn nén xúc cảm, mang màu sắc chính luận, thể hiện tâm tư của người trí thức về đất nước, con người Việt Nam. Nguyễn Khoa Điềm rất thành công với những sáng tác thơ về đề tài đất nước, tiêu biểu là trường ca “Mặt đường khát vọng”, trong đó có đoạn trích Đất Nước. Mười ba câu thơ của đoạn thơ :

“Trong anh và em hôm nay

Đều có một phần Đất Nước

Khi hai đứa cầm tay

Đất Nước trong chúng mình hài hoà nồng thắm

Khi chúng ta cầm tay mọi người

Đất nước vẹn tròn, to lớn

Mai này con ta lớn lên

Con sẽ mang đất nước đi xa

Đến những tháng ngày mơ mộng

Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình

Phải biết gắn bó san sẻ

Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở

Làm nên Đất Nước muôn đời...”.

Bài thơ là sự nhận thức sâu sắc của một người công dân, một tri thức về sự trách nhiệm với đất nước, là sự thức tỉnh và kêu gọi những thanh niên trí thức ở các vùng đô thị tạm chiến miền Nam xuống đường đấu tranh chống Đế quốc, chống xâm lược. Đoạn thơ trên là suy tư của tác giả về mối quan hệ giữa cái riêng và cái chung, giữa cái cá nhân và cái tập thể, giữa nhân dân và đất nước. Đoạn thơ mở đầu với một lời khẳng định:

“ Trong anh và em hôm nay

Đều có một phần Đất Nước ”

Dưới ngòi bút của Nguyễn Khoa Điềm, khái niệm Đất nước đã được cụ thể hóa. Không phải là những triều đại, những vị anh hùng mà chính chúng ta là chủ nhân của Đất nước. Đất nước có trong huyết quản, máu thịt của ta, của mỗi người dân vô danh, bình dị và mộc mạc nhất. Vì thế, chúng ta – mỗi người dân Việt đều có trách nhiệm và nghĩa vụ phải giữ gìn và dựng xây đất nước. Vẻ đẹp Đất Nước còn được phát hiện thêm qua mối quan hệ giữa đất nước với con người:

Khi hai đứa cầm tay

Đất Nước trong chúng mình hài hoà nồng thắm

Khi chúng ta cầm tay mọi người

Đất nước vẹn tròn, to lớn

“Cầm tay” là một biểu tượng của tình yêu thương thân thiết, của tình đoàn kết dân tộc. “Khi hai đứa cầm tay” tình yêu trong anh và em làm cho Đất Nước bỗng “hài hòa nồng thắm” và khi hai ta hòa vào mọi người, cái riêng hòa vào cái chung cộng đồng thì “Đất Nước vẹn tròn to lớn”. Bằng việc kết hợp sử dụng các tính từ “hài hòa, nồng thắm”; “vẹn tròn, to lớn” đi liền nhau; đặc biệt là kiểu câu cấu tạo theo hai cặp đối xứng về ngôn từ (“Khi /Khi; Đất Nước /Đất Nước), nhà thơ muốn gửi đến cho người đọc bức thông điệp: đất nước là sự thống nhất hài hòa giữa tình yêu đôi lứa với tình yêu Tổ quốc, giữa cá nhân với cộng đồng. Cần phải đặt vào hoàn cảnh sáng tác, ta mới hiểu được ý thơ này.

Nguyễn Khoa Điềm viết trường ca : “Mặt đường khát vọng” trong thời kì chống Mĩ ( 1971). Hiện thực diễn ra là dân tộc bị chia rẽ, đất nước bị chia cắt. Từ đó, ta thấy được các hình ảnh “hai đứa cầm tay”, “cầm tay mọi người”, đất nước “hài hoà nồng thắm”, “vẹn tròn to lớn” là những hình ảnh ẩn dụ, gợi ra suy nghĩ : có tinh thần đoàn kết toàn dân tộc sẽ có một đất nước thống nhất vẹn toàn, vững mạnh. Như vậy, cá nhân không thể tách rời cộng đồng. Đó là tinh thần đoàn kết của khối đại đoàn kết toàn dân được mở rộng, được nhân đôi thành một vòng Việt Nam rộng lớn và vĩnh cửu không gì có thể phá vỡ nổi. Rõ ràng sự gắn bó số phận cá nhân với vận mệnh cộng đồng là tư tưởng chung của thời đại. Tiếp tục mạch cảm xúc là những suy tư của tác giả về đất nước ở tương lai:

Mai này con ta lớn lên

Con sẽ mang Đất Nước đi xa

Đến những tháng ngày mơ mộng

Đất nước đã tồn tại từ rất lâu và nó đang và sẽ còn tiếp tục phát triển ở hiện tại và tương lai. Có thể nói, những thế hệ tiếp nối sẽ tạo nên đất nước trường tồn mãi mãi. Trong hoàn cảnh chiến tranh lúc bấy giờ, những câu thơ trên nói lên khát vọng, niềm tin vào một tương lai tươi sáng hơn và đồng thời cũng là lời kêu gọi kịp thời thanh niên hãy đứng lên, thực hiện trách nhiệm của mình đối với đất nước, để Việt Nam ta sẽ mãi là “Đất nước vẹn tròn, to lớn”.

Nhà thơ tin rằng mai đây hoà bình, con cháu có điều kiện ra đi học hỏi, mang kiến thức về phục vụ đất nước, đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu, biến những ước mong của người đi trước thành hiện thực.

Từ suy nghĩ đó, nhà thơ lên tiếng kêu gọi ý thức bổn phận, trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với Đất Nước:

“Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình

Phải biết gắn bó san sẻ

Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở

Làm nên Đất Nước muôn đời…”

Đọc bốn câu thơ trên không khó nhận ra cảm xúc của nhà thơ đã trở thành cao trào, giọng thơ trở nên ngọt ngào, say đắm. “Em ơi em” là lời gọi thân tình, tha thiết. Điệp từ “phải biết” là nhấn mạnh, khẳng định, là tiếng gọi khẩn thiết của nhà thơ. Vậy nhà thơ đã nhắn nhủ điều gì ?

Điều nhắn nhủ đó là “Đất nước là máu xương của mình”. Sử dụng hình ảnh gợi cảm, tác giả khẳng định đất nước là một phần cơ thể, tạo nên sự sống cho mỗi con người. Điều đó thật đúng và đã được lịch sử chứng minh một cách sinh động. Khi đất nước bị ngoại xâm thì dân tộc trở thành nô lệ, phải sống kiếp “ngựa trâu”. Chỉ khi đất nước có độc lập, tự do, chúng ta mới được trở lại cuộc sống của con người. Không chỉ vậy, hình ảnh thơ còn gợi ra một liên tưởng khác: đất nước là máu xương của tổ tiên, của bao thế hệ ông cha, của dân tộc ngàn đời giành lại từ tay kẻ thù xâm lược. Vậy mới thấy được giá trị và sự thiêng liêng của mỗi tấc đất, dòng sông trên đất nước này.

Lời thơ trữ tình “Em ơi em” nhỏ nhẹ, trìu mến đã bảo hành chất trữ tình chính luận sâu sắc cho đoạn thơ. Nhà thơ khẳng định “Đất Nước là máu xương “, là sinh mệnh, là sự sống của con người. Vận mệnh của Đất Nước chính là vận mệnh của chính bản thân mình, số phận của cá nhân nằm trong vận mệnh của Đất Nước . Vì thế, ta cần “Phải biết gắn bó và san sẻ. Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở”. Điệp ngữ “phải biết” vừa là mệnh lệnh kêu gọi vừa là lời thúc giục từ trái tim. Từ “hóa thân” chính là sự tự nguyện cống hiến trọn vẹn tinh thần và công sức, tuổi trẻ của mình vì sự nghiệp giải phóng của dân tộc để “Làm nên Đất Nước muôn đời”, một ý tưởng hào hùng mang tầm vóc sử thi.

Nếu văn học trung đại xây dựng hình tượng đất nước với những ngôn từ ước lệ hay hệ thống từ Hán Việt: thiên thư, đế cư,… thì với Nguyễn Khoa Điềm ông lại kéo đất nước lại gần hơn với những thứ mộc mạc và giản dị nhất như: miếng trầu, cây tre hay hạt gạo. Chương thơ “Đất nước” đã bình dị hóa đất nước để đất nước không ở xa mà ở thật gần, quanh ta và trong ta.

Chỉ với 13 câu thơ, Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện những suy tư của mình về đất nước bằng một giọng trữ tình, chính luận. Đất nước dưới ngòi bút của nhà thơ hiện lên vừa thiêng liêng, cao cả, cũng vừa gắn bó, thân thiết. Chúng ta đang sống trong thời đại hòa bình nhưng trách nhiệm và bổn phận của mỗi công dân đối với đất nước vẫn rất cần đặt ra thường xuyên, bởi đó là câu chuyện không bao giờ cũ.

---/---

Trên đây là bài văn mẫu Cảm nhận về đoạn thơ "Trong anh và em hôm nay ... Làm nên đất nước muôn đời" trong đoạn trích Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm doTop lời giải sưu tầm và tổng hợp được, mong rằng với nội dung tham khảo này thì các em sẽ có thể hoàn thiện bài văn của mình tốt nhất!