Hướng dẫn học sinh xác định từ loại

Cho đến thời điểm hiện nay, khi đã rất nhiều trường đại học tiến hành việc dạy ngữ pháp cho sinh viên của mình dựa trên lý thuyết phân tích câu trên ba bình diện, thì vấn đề từ loại vẫn không hề bị xem nhẹ. Đối với sinh viên các trường sư phạm, vấn đề này càng được coi trọng hơn. Trước hết là bởi hệ thống sách giáo khoa hiện nay vẫn dạy cho học sinh về danh từ, động từ, tính từ… Sau nữa là bởi chỉ có nắm vững học thuyết về từ loại, sinh viên mới dễ dàng thực hiện việc phân tích câu trên bình diện kết học, từ đó tiến tới việc phân tích câu trên bình diện nghĩa học và dụng học. Tuy nhiên, thời gian dành cho phần từ loại không nhiều (thường là 15 tiết từ loại/ 75 tiết ngữ pháp - đối với trường ĐHSP2; hoặc 20 tiết từ loại/105 tiết ngữ pháp - đối với trường ĐHSP1). Với khoảng thời gian như thế, người học ít có điều kiện để luyện tập, thực hành. Mà từ loại thì vốn lại là một trong những vấn đề khá rắc rối của ngữ pháp tiếng Việt. Qua thực tế 15 năm giảng dạy ở trường đại học, chúng tôi thấy khả năng xác định từ loại trong những câu cụ thể của sinh viên còn rất hạn chế. Do vậy, chúng tôi soạn hệ thống bài tập từ loại này để sinh viên có thể luyện tập thêm, nhằm giúp sinh viên nắm chắc hơn hiện tượng di chuyển từ loại trong tiếng Việt. Chúng tôi thiết nghĩ, đây có thể là một tài liệu tham khảo nho nhỏ cho những giáo viên giảng dạy phần từ loại, cả ở bậc phổ thông cũng như đại học.

Hệ thống bài tập xác định từ loại

Yêu cầu: Hãy xác định từ loại cho những từ được gạch chân trong các câu sau, nêu rõ căn cứ xác định:

  1. Ông ấy là người lắm tiền nhiềucủa.
  2. Cô ấy rất thích của ngọt.
  3. Đây là chiếc xe của vợ tôi.
  4. Tôi sẽ giúp cậu ấy nên người.
  5. Anh nên học hành chăm chỉ hơn.
  6. Có chí thì nên.
  7. Qua sông nên phải luỵ đò.
  8. Con hư nên mẹ buồn lắm.
  9. Anh làm như thế nên chăng?
  10. Nó vừa cho tôi một cái cặp sách.
  11. Nó mua cho tôi một cái cặp sách.
  12. Chúng tôi hy sinh cho Tổ quốc.
  13. Vở kịch này chẳng hay gì cho lắm.
  14. Mong bác nhậncho!
  15. Mày nói đi cho rồi.
  16. Anh cho tôi về.
  17. Chúng tôi đang nói về bài thơ ấy.
  18. Tôi về nhà.
  19. Anh ta đi về nhà.
  20. Tao từ mày.
  21. Nó bỗng thành người Hà Nội từ đầu đến chân.
  22. Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ.
  23. Đường về Tây Trúc những dốc là dốc.
  24. Chiếc áo này những hai trăm ngàn.
  25. Hôm nay, tôi trình bày những vấn đề sau đây…
  26. Lâu nay anh đi những đâu, làm những gì?
  27. Tôi những mong cô hạnh phúc.
  28. Cô ấy không những đẹp người mà còn đẹp nết.
  29. Năm hết, Tết đến.
  30. Tôi không đi đâu hết.
  31. Cô ấy rất quyến rũ.
  32. Cô ấy đã quyến rũ chồng tôi.
  33. Sự quyến rũ của cô ấy thật là kỳ lạ.
  34. Cô ấy đẹp thật.
  35. Đây là hàng thật.
  36. Anh ta đi thật.
  37. Nó nói thật lòng.
  38. Tình hình thật căng thẳng.
  39. Nó đã quá lời.
  40. Khung cảnh ở đây quá đẹp.
  41. Cô ta thật là quá quắt.
  42. Chiếc xe này tôi mới mua.
  43. Chếc xe mới ấy là của tôi.
  44. Hắn xin về hưu khi mới 40 tuổi.
  45. Mẹ cháu đi Huế rồi. Mai mẹ cháu mới về.
  46. Mới mua nhà 1 tháng đã muốn bán.
  47. Phải mất 20 phút anh ta mới giải xong bài toán.
  48. Anh ta đã đồng ý.
  49. Nhưng cái cách đồng ý của anh ta thật khó chịu.
  50. Tôi vì anh.
  51. Vì trời mưa, tôi nghỉ.
  52. Vì Tổ quốc, chúng tôi không ngại hy sinh.
  53. Mấy nghìn một cái bút?
  54. Anh yêu em biết mấy.
  55. Chúng tôi mua mấy bộ quần áo mới để làm quà.
  56. Hắn vừa đi vừa chửi.
  57. Áo này tôi mặc không vừa.
  58. Anh ta vừađến.
  59. Đây là xí nghiệp loại vừa.
  60. Cô ấy vừa đến đã đi ngay.
  61. Anh ta lẳng lặng để gói tiền ở trên bàn.
  62. Tôi hút thuốc chỉ để giảm căng thảng.
  63. Đểtrả lời câu hỏi đó, chúng ta phải tìm hiểu sự thật.
  64. Cô để tôi làm tiếp cho!
  65. Anh đừng để bụng.
  66. Nếu các em chưa hiểu, tôi sẽ giảng lại.
  67. Nó đã đẹp người lại đẹp nết.
  68. Cám ơn bác. Mời bác lại nhà.
  69. Tôi là sinh viên.
  70. Tôi tin là Hùng sẽ thành công.
  71. Anh đã nói làlàm.
  72. Hôm nay rét ơi làrét.
  73. Chịulàchịu thế nào?
  74. Tôi đang là bộ quần áo để đi dạo phố.
  75. Xin anh cho tôi nói trước.
  76. Trước sân, họ trồng một cây cau.
  77. Anh hãy ra bằng cổngtrước.
  78. Trước sau nào thấy bóng người.
  79. Từ trước đến nay tôi vẫn một lòng với cô ấy.
  80. Người với người là bạn.
  81. Tôi đã ra đến cổng mà mẹ vẫn gọi với theo.
  82. Họ nói với nhau như người dưng.
  83. Đợi em với!
  84. Anh ta với tay lấy bao thuốc.
  85. Tôi không tin rằng anh ta phản bội.
  86. Vân rằng: Chị cũng nực cười.
  87. Tuy rằng ông ấy nghèo nhưng ông ấy tốt bụng.
  88. Nó được nhà trường khen.
  89. Nó đã giải được bài toán.
  90. Ăn cho đã miệng.
  91. Nghỉ tay, vào uống nước đã.
  92. Chưa năm mươi đã kêu già.
  93. Bằng giờ này ngày mai, tôi đã có mặt ở nhà rồi.
  94. Nó đã đến.
  95. Anh ta mới đến đã đòi về.
  96. Đã viết tiểu thuyết lại còn làm thơ.
  97. Xa nhà thế mà đã năm năm.
  98. Nhà lắm khách quá.
  99. Anh ta yêu cậu lắm đấy.
  100. Anh ta đã thành công.
  101. Nhưng cái giá của sự thành công là rất lớn.

Đáp án

  1. Ông ấy là người lắm tiền nhiều của.

Của là danh từ. Căn cứ xác định: Từ của chỉ sự vật (vật do con người làm ra).

  1. Cô ấy rất thích của ngọt.

Của là danh từ. Căn cứ xác định: Dựa vào ý nghĩa ngữ pháp khái quát: Từ của chỉ sự vật (cái ăn, có một đặc tính nào đó).

  1. Đây là chiếc xe của vợ tôi.

Của là quan hệ từ. Từ của dùng để nối chiếc xe và vợ tôi, chỉ quan hệ sở hữu.

  1. Tôi sẽ giúp cậu ấy nên người.

Nên là động từ,(thường dùng trước danh từ) với nghĩa thành ra được.

  1. Anh nên học hành chăm chỉ hơn.

Nên là động từ, (thường dùng trước một động từ khác), thuộc nhóm động từ tình thái chỉ sự cần thiết, biểu thị ý khuyên nhủ: điều đang nói đến là hay, thực hiện được thì tốt hơn.

  1. Có chí thì nên.

Nên là động từ, giống với nên trong câu (4), với nghĩa thành ra được.

  1. Qua sông nênphải luỵ đò.

Nên là quan hệ từ, dùng để nối, chỉ quan hệ nguyên nhân – kết quả.

  1. Con hư nên mẹ buồn lắm.

Nên là quan hệ từ, dùng để nối, chỉ quan hệ nguyên nhân – kết quả.

  1. Anh làm như thế nên chăng?

Nên là động từ, thuộc nhóm động từ tình thái, biểu thị ý khuyên nhủ.

  1. Nó vừa cho tôi một cái cặp sách.

Cho là động từ, với nghĩa chuyển cái thuộc sở hữu của mình sang người khác mà không đổi lấy gì cả. Từ này thuộc nhóm các động từ trao nhận (cùng với biếu, tặng…)

  1. Nó mua cho tôi một cái cặp sách.

Cho là quan hệ từ, dùng để nối giữa mua và tôi, thể hiện mối quan hệ giữa hoạt động và đối tượng tiếp nhận hoạt động.

  1. Chúng tôi hy sinh cho Tổ quốc.

Cho là quan hệ từ, dùng để nối giữa hy sinh và Tổ quốc, chỉ quan hệ mục đích (tương tự như vì).

  1. Vở kịch này chẳng hay gì cho lắm.

Cho nằm trong kết hợp chặt với lắm. Cho lắm là quán ngữ tình thái, biểu thị thái độ đánh giá giảm nhẹ của người nói đối với tính chất hay của vở kịch.

  1. Mong bác nhận cho!

Cho là tình thái từ, biểu thị ý đưa đẩy.

  1. Mày nói đi cho rồi.

Cho nằm trong kết hợp chặt với rồi. Cho rồi là quán ngữ tình thái, biểu thị thái độ sốt ruột, miễn cưỡng của người nói.

  1. Anh cho tôi về.

Cho là động từ, vì xét về mặt chức vụ cú pháp. Tuy nhiên, nó không cùng nhóm với động từ cho trong câu (10). Nó thuộc nhóm các động từ sai khiến (cùng với cho phép, yêu cầu, đề nghị…)

  1. Chúng tôi đang nói về bài thơ ấy.

Về là quan hệ từ, dùng để nối, chỉ điều sắp nêu ra là một phạm vi nào đó.

  1. Tôi về nhà.

Về là động từ, chỉ sự vận động, di chuyển (cùng nhóm với ra, vào, lên, xuống…).

  1. Anh ta đi về nhà.

Có thể chấp nhận 2 đáp án:

  • Về là quan hệ từ, dùng để nối giữa một từ chỉ hoạt động di chuyển với địa điểm đến.
  • Kết hợp đi về là một kết hợp chặt, là động từ (giống như đi ra, đi đến…).
  • Tao từ mày.

Từ là động từ, chỉ hoạt động bỏ, không nhìn nhận.

  1. Nó bỗng thành người Hà Nội từ đầu đến chân.

Từ là quan hệ từ, dùng thành cặp để nối: từ… đến….

  1. Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ.

Từ là quan hệ từ, dùng để nối trạng ngữ với nòng cốt câu. (Lưu ý, đây là câu đảo vị ngữ - chủ ngữ. Trật tự thông thường phải là: Từ ấy nắng hạ bừng trong tôi).

  1. Đường về Tây Trúc những dốc là dốc.

Kết hợp những + danh từ + là + danh từ là kết hợp chặt. Có thể xem toàn bộ kết hợp là quán ngữ tình thái, dùng để nhấn mạnh vào mức độ nhiều của sự vật (giống như trường hợp: Chợ đông, những người là người).

  1. Chiếc áo này những hai trăm ngàn.

Những là tình thái từ, biểu thị hàm ý đánh giá: Giá của chiếc áo này là 200 ngàn, theo quan điểm của người nói, là đắt.

  1. Hôm nay, tôi trình bày nhữngvấn đề sau đây…

Những là phụ từ, phụ cho danh từ vấn đề, mang ý nghĩa số nhiều.

  1. Lâu nay anh đi những đâu, làm những gì?

Những là phụ từ, chuyên phụ cho danh từ, mang ý nghĩa số nhiều như trường hợp (25). Tuy nhiên, danh từ ở đây đã bị lược bỏ. Câu đầy đủ phải là: Lâu nay, anh đi những nơi đâu, làm những việc gì?

  1. Tôi những mong cô hạnh phúc.

Những là tình thái từ, biểu thị hàm ý nhấn mạnh: Tôi rất mong và lúc nào cũng mong cô hạnh phúc, song dường như cô không được hạnh phúc trọn vẹn như tôi mong muốn.

  1. Cô ấy không những đẹp người mà còn đẹp nết.

Những nằm trong kết hợp chặt của cặp quan hệ từ không những… mà còn; biểu thị ý nghĩa tăng tiến.

  1. Năm hết, Tết đến.

Hết là động từ, vì nó biểu thị trạng thái, với nghĩa không còn nữa.

  1. Tôi không đi đâu hết.

Hết là tình thái từ, biểu thị hàm ý khẳng định kiên quyết của người nói.

  1. Cô ấy rất quyến rũ.

Quyến rũ là tính từ, vì nó chỉ đặc điểm; có khả năng kết hợp với phụ từ chỉ mức độ rất.

  1. Cô ấy đã quyến rũchồng tôi.

Quyến rũ là động từ, vì nó chỉ hoạt động; có khả năng kết hợp với phụ từ chỉ thời gian đã.

  1. Sự quyến rũ của cô ấy thật là kỳ lạ.

Quyến rũ là danh từ, vì nó kết hợp với sự – danh từ trống nghĩa. Toàn bộ kết hợp sự quyến rũ được xem là một danh từ chỉ khái niệm trừu tượng.

  1. Cô ấy đẹp thật.

Thật là tình thái từ, thể hiện sự thừa nhận của người nói đối với nội dung câu.

  1. Đây là hàng thật.

Thật là tính từ, vì xét về ý nghĩa ngữ pháp, nó chỉ đặc điểm (đối lập với giả)

  1. Anh ta đi thật.

Thật là tình thái từ, biểu hiện hàm ý khẳng định; việc anh ta đi đối với tôi là khá bất ngờ.

  1. Nó nói thậtlòng.

Thật là tính từ, chỉ đặc điểm, với nghĩa ngay thẳng, không dối trá, không giả tạo. (Có thể xác định bằng tiêu chí khả năng kết hợp: Nó nói rất thật lòng.)

  1. Tình hình thật căng thẳng.

Thật là phụ từ, vì nó phụ cho tính từ căng thẳng, biểu thị ý nghĩa mức độ (cùng nhóm với rất, hơi…)

  1. Nó đã quá lời.

Kết hợp quá lời được xem là một kết hợp chặt, là động từ, mang nghĩa nói những lời quá đáng, xúc phạm người khác.

  1. Khung cảnh ở đây quá đẹp.

Quá là phụ từ, biểu hiện ý nghĩa mức độ cho tính từ đẹp (cùng nhóm với rất, hơi, vô cùng…)

  1. Cô ta thật là quá quắt.

Quá quắt là tính từ, vì nó chỉ tính chất, với nghĩa vượt qua cái mức mà người ta có thể chịu đựng nổi.

  1. Chiếc xe này tôi mới mua.

Mới là phụ từ, vì nó bổ sung cho động từ mua ý nghĩa thời gian: hoạt động mua là hoạt động diễn ra trong quá khứ, gần sát với thời điểm nói.

  1. Chếc xe mới ấy là của tôi.

Mới là tính từ, vì nó chỉ tính chất của chiếc xe (ngược nghĩa với cũ)

  1. Hắn xin về hưu khi mới 40 tuổi.

Mới là tình thái từ, vì nó biểu hiện hàm ý đánh giá: Việc hắn xin về hưu năm 40 tuổi được đánh giá là sớm so với chuẩn thông thường.

  1. Mới mua nhà 1 tháng đã muốn bán.

Mới là tình thái từ, kết hợp thành cặp với đã. Cấu trúc mới A đã B biểu thị hàm ý đánh giá: Sự việc diễn ra sớm so với chuẩn thông thường.

  1. Mẹ cháu đi Huế rồi. Mai mẹ cháu mới về.

Mới là tình thái từ, vì nó biểu hiện hàm ý đánh giá: Việc mai mẹ cháu về được đánh giá là lâu.

  1. Phải mất 20 phút anh ta mới giải xong bài toán.

Mới là tình thái từ, vì nó biểu hiện hàm ý đánh giá: Việc anh ta giải xong bài toán chỉ được thực hiện với một khoảng thời gian nhất định, khoảng thời gian ấy là dài.

  1. Anh ta đã đồng ý.

Đồng ý là động từ, vì nó kết hợp với phụ từ chỉ thời gian đã.

  1. Nhưng cái cách đồng ý của anh ta thật khó chịu.

Đồng ý là danh từ, vì nó kết hợp với một danh từ trống nghĩa: cách. Toàn bộ kết hợp cách đồng ý cũng có thể được xem là một danh từ trừu tượng.

  1. Tôi vì anh.

Vì là động từ quan hệ, vì nó là trung tâm của vị ngữ. (Có thể dựa vào tiêu chí khả năng kết hợp: Tôi đãvì anh).

  1. Vì trời mưa, tôi nghỉ.

Vì là một quan hệ từ. Nó nối hai vế trong câu ghép, vế chứa nó chỉ nguyên nhân.

  1. Vì Tổ quốc, chúng tôi không ngại hy sinh.

Vì là quan hệ từ, nó nối trạng ngữ với nòng cốt câu, biểu thị quan hệ mục đích.

  1. Mấy nghìn một cái bút?

Mấy là đại từ nghi vấn, vì nó được dùng để hỏi.

  1. Anh yêu em biết mấy.

Kết hợp biết mấy là quán ngữ tình thái, biểu thị sự khẳng định, nhấn mạnh: Tình yêu của anh dành cho em là nhiều.

  1. Chúng tôi mua mấy bộ quần áo mới để làm quà.

Mấy là số từ, vì nó chỉ số lượng. Đây là số từ chỉ số lượng ước chừng (cùng nhóm với vài, dăm).

  1. Hắn vừa đi vừa chửi.

Vừa là quan hệ từ, kết hợp thành cặp: vừa… vừa…, dùng để nối.

  1. Áo này tôi mặc không vừa.

Vừa là tính từ, vì nó chỉ đặc điểm: khớp, đúng, hợp về mặt kích thước.

  1. Anh ta vừa đến.

Vừa là phụ từ, vì nó bổ sung ý nghĩa thời gian cho hoạt động đến: hoạt động này diễn ra trong quá khứ, gần sát với thời điểm nói (cùng nhóm với mới).

  1. Đây là xí nghiệp loại vừa.

Vừa là tính từ, chỉ tính chất: thuộc cỡ không lớn, không nhỏ.

  1. Cô ấy vừa đến đã đi ngay.

Vừa là tình thái từ, kết hợp thành cặp với đã, biểu thị hàm ý đánh giá: Việc cô ấy vừa đến đã đi ngay là nhanh.

  1. Anh ta lẳng lặng để gói tiền ở trên bàn.

Để là động từ, vì nó chỉ hoạt động, với nghĩa: làm cho ở vào một vị trí nào đó. (Tương tự như đặt)

  1. Tôi hút thuốc chỉ để giảm căng thẳng.

Để là quan hệ từ, nó nối động từ trung tâm với bổ ngữ; chỉ mục đích.

  1. Để trả lời câu hỏi đó, chúng ta phải tìm hiểu sự thật.

Để là quan hệ từ, nó nối trạng ngữ chỉ mục đích với nòng cốt câu.

  1. Cô để tôi làm tiếp cho!

Để là động từ, nhưng không giống với từ để trong câu (61). Trong câu này, nó mang ý nghĩa cầu khiến.

  1. Anh đừng để bụng.

Để bụng là động từ, với nghĩa: giữ trong lòng không nói ra.

  1. Nếu các em chưa hiểu, tôi sẽ giảng lại.

Lại là phụ từ, biểu thị ý nghĩa cách thức cho hành động giảng.

  1. Nó đã đẹp người lại đẹp nết.

Lại là quan hệ từ, được dùng thành cặp với đã, biểu thị quan hệ tăng tiến.

  1. Cám ơn bác. Mời bác lại nhà.

Lại là động từ, vì nó biểu hiện ý nghĩa vận động di chuyển. Nó cùng nhóm với các từ ra, vào, lên, xuống.

  1. Tôi là sinh viên.

Là là động từ quan hệ (hay hệ từ), nó biểu thị quan hệ đồng nhất.

  1. Tôi tin là Hùng sẽ thành công.

Là là quan hệ từ, vì nó được dùng để nối động từ tin với bổ ngữ Hùng sẽ thành công. Nó cùng nhóm với rằng.

  1. Anh đã nói là làm.

Là là quan hệ từ, kết hợp thành cặp với đã, dùng để nối.

  1. Hôm nay rét ơi là rét.

Là là tình thái từ, dùng trong kết hợp: A ơi là A, nhằm nhấn mạnh A.

  1. Chịu làchịu thế nào?

Là là quan hệ từ, dùng để nối.

  1. Tôi đang là bộ quần áo để đi dạo phố.

Là là động từ, vì nó chỉ hoạt động.

  1. Xin anh cho tôi nói trước.

Trước là phụ từ, bổ sung ý nghĩa cách thức cho động từ nói.

  1. Trước sân, họ trồng một cây cau.

Trước là quan hệ từ, vì nó dùng để nối trạng ngữ với nòng cốt câu. Về mặt vị trí, nó đứng trước danh từ (sân).

  1. Anh hãy ra bằng cổng trước.

Trước là danh từ, chỉ vị trí, vì nó đứng sau danh từ (cổng).

  1. Trước sau nào thấy bóng người.

Trước saulà danh từ, chỉ vị trí, bao gồm cả phía trước và phía sau.

  1. Từ trước đến nay tôi vẫn một lòng với cô ấy.

Trước là danh từ, biểu thị ý nghĩa: khoảng của những thời điểm đã đến rồi, khi thời điểm lấy làm mốc nào đó còn chưa đến.

  1. Người với người là bạn.

Với là quan hệ từ, biểu thị quan hệ đẳng lập, dùng để nối hai danh từ người với nhau.

  1. Tôi đã ra đến cổng mà mẹ vẫn gọi với theo.

Với là phụ từ, bổ sung ý nghĩa cách thức cho động từ gọi, biểu thị hướng của hành động, nhằm tới một đối tượng ở một khoảng cách hơi quá tầm. (Cùng nhóm với ngay, liền, luôn, mãi, nữa, dần).

  1. Họ nói với nhau như người dưng.

Với là quan hệ từ, vì nó dùng để nối.

  1. Đợi em với!

Với là phụ từ, phụ cho động từ đợi, bổ sung ý nghĩa mệnh lệnh.

  1. Anh ta với tay lấy bao thuốc.

Với là động từ, vì nó chỉ hoạt động, với nghĩa: vươn tay ra cho tới một vật ở hơi quá tầm tay của mình.

  1. Tôi không tin rằng anh ta phản bội.

Rằng là quan hệ từ, vì nó dùng để nối động từ trung tâm (tin) với bổ ngữ (anh ta phản bội). Trường hợp này, nó có thể thay bằng là.

  1. Vân rằng: Chị cũng nực cười.

Rằng là động từ, vì nó chỉ hoạt động nói năng (tương tự như nói, bảo).

  1. Tuy rằng ông ấy nghèo nhưng ông ấy tốt bụng.

Rằng là quan hệ từ, kết hợp thành cặp tuy rằng… nhưng; dùng để nối hai vế trong câu ghép, biểu thị quan hệ đối lập.

  1. Nó được nhà trường khen.

Được là động từ, vì xét về mặt chức vụ cú pháp, nó là trung tâm của vị ngữ. Đây là động từ thuộc nhóm động từ chỉ tình thái bị động (cùng nhóm với bị)

  1. Nó đã giải được bài toán.

Được là phụ từ, nó bổ sung ý nghĩa kết quả cho động từ giải.

  1. Ăn cho đã miệng.

Đã là tính từ, vì nó chỉ tính chất, mang nghĩa hết cảm giác khó chịu, do nhu cầu sinh lý hoặc tâm lý nào đó đã được thoả mãn đến mức đầy đủ.

  1. Nghỉ tay, vào uống nước đã.

Đã là phụ từ chỉ mệnh lệnh, vì nó bổ sung ý nghĩa mệnh lệnh cho động từ uống, biểu thị việc vừa nói đến cần được hoàn thành trước khi làm việc nào khác.

  1. Chưa năm mươi đã kêu già.

Đã nằm trong cấu trúc chưa… đã, mang tính chất của một tình thái từ, biểu thị hàm ý đánh giá: sớm hơn chuẩn thông thường.

  1. Bằng giờ này ngày mai, tôi đã có mặt ở nhà rồi.

Đã là tình thái từ, vì nó mang hàm ý đánh giá: Việc ngày mai tôi có mặt ở nhà được đánh giá là sớm.

  1. Nó đã đến.

Đã là phụ từ chỉ thời gian, vì nó bổ sung ý nghĩa thời gian cho động từ đến. Nó chỉ ra rằng hành động đến đã diễn ra trước thời điểm nói.

  1. Anh ta mới đến đã đòi về.

Đã nằm trong cấu trúc mới… đã, là tình thái từ biểu thị hàm ý đánh giá sớm hơn bình thường.

  1. Đã viết tiểu thuyết lại còn làm thơ.

Đã nằm trong cấu trúc đã… lại còn, là tình thái từ biểu thị hàm ý nhấn mạnh, tăng tiến.

  1. Xa nhà thế mà đã năm năm.

Đã là tình thái từ, nhấn mạnh khoảng thời gian năm năm là nhiều.

  1. Nhà lắm khách quá.

Lắm là tính từ, vì nó biểu thị tính chất nhiều về số lượng.

  1. Anh ta yêu cậu lắm đấy.

Lắm là phụ từ, vì nó bổ sung ý nghĩa mức độ cho động từ yêu.

  1. Anh ta đã thành công.

Thành công là động từ, vì nó kết hợp với đã - một phụ từ chỉ thời gian.

  1. Nhưng cái giá của sự thành công là rất lớn.

Thành công là danh từ trừu tượng, vì nó kết hợp với sự – một danh từ trống nghĩa. (Tất cả các kết hợp có sự đứng đầu đều là danh từ trừu tượng).