Máy khử độc ozone có tốt không

(HNM) - Những ngày qua, trên một số phương tiện thông tin đại chúng lan truyền thông tin về máy khử độc ozone - một thiết bị đang được nhiều người tiêu dùng kỳ vọng về khả năng khử độc thực phẩm. Tuy nhiên, cũng lại có luồng thông tin rằng, máy khử độc ozone không những không có tác dụng mà nó còn có thể gây ung thư vòm họng khiến dư luận hoang mang, lo lắng. Vậy thực hư công dụng diệt khuẩn, khử độc của máy ozone thế nào?

Ozone - vừa có lợi vừa có hại

Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, hiện nay trên thị trường có hàng chục loại máy tạo khí ozone với đủ các xuất xứ và giá thành khác nhau. Hầu hết các loại máy ozone của Trung Quốc có giá chỉ từ 150 nghìn đồng đến 400 nghìn đồng/chiếc; còn các máy Việt Nam giá từ 1 triệu đến 2,5 triệu đồng/chiếc; máy Nhật Bản, Hàn Quốc từ 3 triệu đến 4,5 triệu đồng/chiếc; máy của Đức, Pháp, Nhật trên 10 triệu đồng/chiếc. Có nhiều loại máy được quảng cáo là hàng xách tay có giá 5-6 triệu đồng/chiếc, cá biệt có loại lên tới 20 triệu đồng. Tất cả những loại máy này đều được giới thiệu với khả năng diệt khuẩn, vô trùng, làm sạch thực phẩm.
 

Máy khử độc ozone có tốt không


Trước thực trạng thực phẩm “bẩn”, mất an toàn như hiện nay thì những chiếc máy khử độc ozone được xem như “bảo bối” cho các bà nội trợ. Là người thường xuyên lo bữa ăn cho gia đình, bà Âu Thị Thức (ở số nhà 2, ngõ 96, đường Ngô Gia Tự, Long Biên, Hà Nội) cho biết, cách đây 2 năm bà đã mua một chiếc máy khử độc ozone với giá 2,7 triệu đồng để bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình. Mặc dù đã sử dụng máy “giải độc” thực phẩm bằng khí ozone trong thời gian dài nhưng đến nay, bà Âu Thị Thức cũng không biết thực hư công dụng của máy đến đâu, chỉ biết sau khi ngâm rau, quả thì rau xanh hơn, các loại quả trông bóng đẹp hơn, miếng thịt sau khi được sục ozone cũng thơm và ngon hơn...

Đề cập đến công dụng của ozone, GS.TSKH Trần Vĩnh Diệu, Nhà giáo Nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học TP Hà Nội cho biết: “Ozone độc hay không độc chủ yếu là do liều lượng sử dụng. Nếu liều lượng trong ngưỡng cho phép thì máy khử độc ozone có tác dụng tốt, hỗ trợ để làm sạch thực phẩm (như: Rau, củ quả, thịt…) giúp thực phẩm an toàn hơn và không gây độc”.

“Cha đẻ” của công nghệ ozone với nhiều năm nghiên cứu về cơ chế, tính chất và cách dùng, GS.TS Nguyễn Hoàng Nghị, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vật lý kỹ thuật - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, liều lượng ozone ra sao không chỉ phụ thuộc vào nồng độ mà còn vào thời gian sử dụng. Nếu nồng độ thấp mà sử dụng dài thì liều lượng sử dụng sẽ cao và có thể gây độc. Máy sử dụng ozone nếu dùng không đúng sẽ như con dao hai lưỡi.

Cần xây dựng quy chuẩn chung về ngưỡng ozone

Một vấn đề được nhiều người tiêu dùng quan tâm, đó là khí ozone có ảnh hưởng gì đến sức khỏe con người? Về vấn đề này, bà Trần Thị Lan Hường, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Ứng dụng công nghệ cao HCT - một trong những đơn vị hàng đầu về sản xuất và cung cấp các dòng máy khử độc ozone tại Việt Nam cho biết, sử dụng máy sục ozone đúng cách sẽ rất an toàn. Cụ thể là sục ozone vào nước bảo đảm đủ thời gian cần thiết. Mặt khác, khi sục cần sử dụng với các loại chậu bằng inox, nhựa dùng cho thực phẩm, thủy tinh… tránh các loại vật liệu bằng sắt, nhôm, đồng sẽ bị ozone làm phân hủy… Đặc biệt, người tiêu dùng nên tránh ngửi, hít trực tiếp khí ozone vì sẽ gây hại cho đường hô hấp. Do đó, khi sử dụng phải mở tất cả cửa sổ cho thoáng không khí trong nhà.

GS.TS Nguyễn Hoàng Nghị cũng khuyến cáo, với việc sử dụng ozone trong đời sống sinh hoạt để khử khuẩn nước hay thực phẩm hằng ngày, liều lượng, nồng độ thường rất thấp và thấp hơn rất nhiều ngưỡng an toàn nên người dân không nên quá lo lắng về việc sử dụng khử khuẩn ozone có thể gây độc. Tuy nhiên, chỉ nên dùng máy ozone khử độc thực phẩm trong công đoạn cuối cùng sau khi thực phẩm đã được rửa bằng nước sạch 2-3 lần.

GS.TS Nguyễn Hoàng Nghị cũng cho rằng, đã đến lúc Nhà nước phải xây dựng được quy chuẩn chung về ngưỡng ozone an toàn và máy ozone để quản lý chặt lĩnh vực này.

Bạn đọc Nguyễn Thị Minh Phượng (số 28, đường 4B, tổ 1 Đông Nam, Vĩnh Hải, Nha Trang, Khánh Hòa) chia sẻ: “Cách đây mấy năm, tôi cùng nhiều gia đình trong khu phố mua máy sục ozon về để khử độc rau quả, thực phẩm. Ban đầu mọi người rất hào hứng sử dụng vì nghĩ rằng đây là giải pháp hữu hiệu. Sau một thời gian sử dụng thì lại thấy nó không mấy hiệu quả.

Rồi sau đó, có người đọc thông tin trên mạng rằng sử dụng máy sục ozon cũng không tốt cho sức khỏe, thậm chí là bị bệnh ung thư. Thế là lần lượt các gia đình “vứt xó” chiếc máy sục mua mất mấy triệu bạc.

Tôi xin được hỏi các chuyên gia, có nên dùng máy sục ozon để khử độc thực phẩm hay không? Nếu dùng thì nên sử dụng như thế nào là tốt nhất, tránh sự lãng phí vì đã trót mua máy rồi”.

PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho biết, máy sục ozon dựa trên nguyên lý khá đơn giản để khử độc tố của thuốc trừ sâu, kháng sinh, các chất hóa học độc hại cho sức khỏe con người. Về nguyên lý, đúng là máy có thể làm được điều này, nhưng ứng dụng trên thực tế lại là chuyện khác.

Nếu thử nghiệm trong nước cất có thành phần thuốc trừ sâu, kháng sinh, cho máy sục ozon vào để sục thì sẽ cho kết quả rất khả quan. Máy sục ozon sẽ làm oxy hóa các hóa chất này để làm chúng trở thành CO2 và nước. Nghĩa là nếu cần khử độc trong nước, với hàm lượng nhỏ bị nhiễm thuốc trừ sâu, kháng sinh, thì dùng máy sục ozon là có hiệu quả.

“Nhưng đối với thực phẩm thì khác. Thịt, cá, rau củ quả ngâm vào trong nước, các chất hữu cơ có trong thực phẩm phôi ra nước với lượng lớn hơn gấp hàng triệu lần thuốc trừ sâu, kháng sinh, hóa chất. Do đó, khi dùng máy sục ozon, xác xuất để ozon gặp và xử lý được hóa chất là cực kỳ thấp, mà khi gặp các chất hữu cơ phôi ra từ thực phẩm, chúng sẽ phân hủy các chất này.

Tuy nhiên, do lượng chất hữu cơ này quá lớn, mà lượng ozon lại có hạn, nên chúng sẽ không thể phân hủy đến cùng. Kết quả là sẽ hình thành các hợp chất trung gian. Tùy thuộc vào các chất có trong thực phẩm là gì mà các hợp chất trung gian hình thành sẽ là gì. Đó có thể là hợp chất vô hại, song cũng có thể là các chất độc, thậm chí là chất gây ung thư”, PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết.

Tận dụng máy đã mua

Do đó, việc dùng máy sục ozon để khử độc thực phẩm là sai lầm, dễ tạo ra những chất có hại với sức khỏe. Tuy nhiên, nếu đã mua máy sục ozon thì cũng không nên vứt xó mà có thể tận dụng nguyên lý của nó để làm sạch thực phẩm. PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết, do máy sục ozon chỉ làm sạch được chất độc có trong nước, nên có thể sử dụng để khử độc những loại quả da trơn như quả táo, lê, mận, dưa…

Các loại trái cây  này khi ngâm vào nước không phôi nhựa hay các chất hữu cơ ra nước, nên nếu có thành phần thuốc trừ sâu, hóa chất bảo quản, thì máy sục ozon có thể có tác dụng làm sạch. Ngoài ra, nếu cần xử lý nước sinh hoạt do nghi ngờ nhiễm bẩn của độc chất thì cũng có thể dụng máy sục ozon, nhưng chỉ ở hàm lượng nhỏ.

“Tuyệt đối không nên dùng máy sục ozon để khử độc thịt, cá, rau dưa… để tránh các nguy cơ có hại cho sức khỏe. Nếu nghi ngờ thực phẩm nhiễm độc của hóa chất, thuốc trừ sâu, kháng sinh thì nên bỏ đi, càng không nên dùng máy sục ozon để xử lý vì nếu dùng máy trong trường hợp đó, có thể sinh ra các hợp chất còn độc hại hơn so với chất độc ban đầu.

Với những người có ý định mua máy sục ozon với hy vọng trên thì không nên, còn người đã trót mua máy rồi thì có thể tận dụng để sử dụng trong một vài trường hợp”, PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết.

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, ngoài ra, có thể tận dụng máy để làm sạch với những thực phẩm đã sơ chế sạch, rửa sạch dưới vòi nước nhưng vẫn còn nghi ngờ tồn dư chất độc hại.