Một số quy tắc giao tiếp có văn hóa năm 2024

TTBD - Phong cách Hồ Chí Minh nói chung, phong cách ứng xử Hồ Chí Minh nói riêng là tài sản tinh thần vô giá của Đảng, dân tộc ta; là tấm gương sáng để mỗi người có thể học tập và noi theo. Tính nhất quán trong phong cách ứng xử Hồ Chí Minh là sự chân thành bình dị, tự nhiên, trong vắt như suối tận nguồn của một tâm hồn đại trí, đại nhân, đại dũng; không phải là “nghệ thuật xã giao” được gò theo những nguyên tắc định sẵn, càng không phải là những “xảo thuật xử thế” giả dối để mua chuộc lòng người, mà đó là sự "kết tinh của truyền thống văn hoá hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau của các dân tộc”; hướng con người đến chân, thiện, mỹ.

.jpg)

Bác Hồ thăm hỏi các cụ già khi về thăm Pác Bó (Xuân Tân Sửu 1961) (Tư liệu)

1. Khái quát chung về phong cách giao tiếp ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ tiêu biểu cho tinh thần yêu nước, thương dân, cảm quan chính trị nhạy bén mà Người còn là hiện thân của phong cách giao tiếp độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Chính điều đó đã góp phần tạo nên giá trị văn hóa trong nhân cách Hồ Chí Minh. Đó là sự kết tinh hài hòa giữa văn hóa giao tiếp truyền thống của dân tộc và tinh hoa nhân loại tiến bộ.

Khi nói đến phong cách ứng xử của Bác có thể thâu tóm vào hai chữ văn hóa. Bác ứng xử tự nhiên, bình dị, gần gũi khiến bất cứ ai được gặp Người đều không cảm thấy sự cách biệt giữa lãnh tụ và quần chúng. Bác giao tiếp với nhiều đối tượng khác nhau, tùy theo đối tượng và địa bàn mà Người có cách ứng xử phù hợp. Ở Bác, chính trị và văn hóa hòa quyện với nhau, văn hóa mang tính chính trị và chính trị có tính văn hóa. Đối với từng hoàn cảnh cụ thể, Bác đều có cách ứng xử văn hóa độc đáo.

- Thứ nhất, Bác ứng xử khiêm tốn, nhã nhặn, lịch lãm.

- Thứ hai, Bác có biệt tài ứng xử linh hoạt, biến hóa “dĩ bất biến ứng vạn biến”.

- Thứ ba, Bác luôn ứng xử chân tình, nồng hậu có lý, có tình.

Nội dung phong cách ứng xử của Bác nổi bật “Tư cách một người cách mệnh” bao gồm:

+ Đối với mình, Người đã tự mình đặt ra cách “Tự mình phải: Cần kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư (vì việc công quên việc riêng tư). Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng ham muốn vật chất. Bí mật.

+ Đối với người phải: Với từng người thì khoan thứ. Với đoàn thể thì nghiêm. Có lòng bày vẽ cho người. Trực mà không táo bạo. Hay xem xét người.

+ Làm việc phải: Xem xét hoàn cảnh kỹ càng. Quyết đoán. Dũng cảm. Phục tùng đoàn thể”,… Đối với mọi người, Bác luôn luôn thể hiện thái độ yêu thương, quý mến, trân trọng, khoan dung, khiêm nhường, độ lượng với con người.

+ Đối với vật, Người không xa xỉ, lãng phí, mà tiết kiệm, còn có thể nói là “căn cơ” từng hạt gạo, từng đôi tất,…

Như vậy, khi nói về phong cách giao tiếp của Bác chúng ta có thể khái quát một số phong cách cơ bản sau:

* Thứ nhất, phong cách giao tiếp của Người luôn mang đậm nét nhân văn, nhân bản vì con người. Bác luôn giản dị, gần gũi, cởi mở, tế nhị và chu đáo với tất cả mọi người dù là một nhà lãnh đạo. Theo Bác, “Đối với tất cả mọi người trong các tầng lớp dân chúng, ta phải có một thái độ mềm dẻo khôn khéo, biết nhân nhượng, biết trọng nhân cách người ta”. Dù ở cương vị nào, người đồng chí, đồng đội; người cha, người Bác, người anh hay người đứng đầu Chính phủ…, phong cách giao tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh bao giờ cũng chứa đựng nét văn hóa tôn trọng, gần gũi, cởi mở và chu đáo với mọi người. Chính điều này đã tạo ra ở phong cách giao tiếp Hồ Chí Minh khả năng “đắc nhân tâm”.

* Thứ hai, phong cách giao tiếp của Người luôn chứa đựng tình cảm chân thành và tinh thần khoan dung, độ lượng. Thực tế, khi giao tiếp với mọi người, từ những người nông dân cho đến người thương binh, bệnh binh, từ bạn bè, đồng chí cho đến các cháu thiếu niên, nhi đồng hay những người “đối lập” với mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giữ thái độ chân thành, hòa nhã, chủ động. Trong Thư gửi đồng bào Nam Bộ, Bác viết: “Năm ngón tay cũng có ngón ngắn ngón dài. Nhưng ngắn dài đều hợp nhau tại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này người thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ”, hay “Đối với đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ”. Có thể nói, chính bằng phong cách giao tiếp thấm đẫm nét văn hóa chân tình, khoan dung, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xóa mờ mọi khoảng cách để đạt được sự tương đồng, đã đẩy xa những khác biệt tạo ra sự đồng thuận với mục tiêu cao nhất là có lợi cho sự nghiệp chung. Bởi vậy, Người đã quy tụ được các bậc yêu nước lão thành, động viên những trí thức lớn rời bỏ cuộc sống nhung lụa để cống hiến tài năng, tâm huyết cho cách mạng.

* Thứ ba, Người luôn làm chủ các tình huống giao tiếp với phương pháp ứng xử văn hóa khéo léo, mềm mỏng và hiệu quả. Nét độc đáo này là sự kết tinh của vốn hiểu biết sâu rộng, uyên bác, nghị lực và bản lĩnh phi thường với phong thái giản dị, lạc quan, thẳng thắn, phong cách lịch thiệp, nho nhã. Theo Người, khi đứng trước mọi vấn đề, mọi tình huống, việc quan trọng nhất là “phải suy tính kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều. Chớ gặp sao làm vậy”. Tức là phải bình tĩnh, suy xét, khéo léo trong các tình huống giao tiếp cụ thể. Triết lý “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giao tiếp, ngoại giao và giải quyết các nhiệm vụ cách mạng được Người khẳng định “Mục đích bất di bất dịch của ta vẫn là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, nhưng sách lược của ta thì linh hoạt”. Bác luôn nhất quán quan điểm: Độc lập, thống nhất Tổ quốc và tự do, hạnh phúc cho nhân dân là cái “bất biến” còn tùy điều kiện hoàn cảnh, tùy đối tượng cụ thể để vận dụng linh hoạt, khéo léo những phương pháp, cách thức giao tiếp khác nhau để đạt được cái “bất biến” đó.

.jpg)

Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào khu tự trị Thái Mèo

2. Những nguyên tắc cơ bản trong văn hóa giao tiếp hành chính của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

Việc nghiên cứu, tìm hiểu, học tập và vận dụng những nét đặc sắc trong phong cách giao tiếp Hồ Chí Minh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Cán bộ, công chức trong giao tiếp hành chính hiện nay cần nắm vững một số nguyên tắc cơ bản trong văn hóa giao tiếp hành chính của Chủ tịch Hồ Chí Minh và có thể xem những nguyên tắc cơ bản này là cơ sở để đánh giá chuẩn mực giao tiếp trong hành chính của cán bộ, công chức hiện nay:

* Trước hết và trên hết, cán bộ, công chức phải biết tôn trọng và lễ phép với nhân dân. Người nói: “gốc có vững cây mới bền, xây tòa độc lập trên nền nhân dân”. Đó là một chân lý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc rút ra từ thực tiễn xây dựng và phát triển nhà nước ta.

Hoạt động hành chính phải dựa vào dân, lấy dân làm gốc, luôn chăm lo đến nhân dân, không hách dịch, nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà khi thực hiện nhiệm vụ, luôn nhã nhặn, lắng nghe ý kiến, giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về những quy định có liên quan đến công việc, tận tụy phục vụ nhân dân. Bảo đảm đúng trình tự, thủ tục và thời gian giải quyết công việc của dân, không được từ chối thực hiện những công việc thuộc phạm vi trách nhiệm của mình. Tôn trọng và giữ đúng lịch hẹn tiếp dân, giải quyết kịp thời những vướng mắc, đơn thư khiếu nại, tố cáo của dân. Đồng thời, cần đề cao “văn hóa xin lỗi” đối với nhân dân trong quá trình thực hiện công vụ.

* Thứ hai, cán bộ, công chức phải biết yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ và chia sẻ cùng nhau. Người nói: chớ nịnh hót người trên, chớ xem khinh người dưới, chân thành, khiêm tốn, thật thà, đoàn kết, học người và giúp người tiến bộ.

Trong công việc, cán bộ, công chức phải sẵn sàng khi đồng nghiệp cần hỗ trợ, phối hợp. Như vây, công việc sẽ được hoàn thành một cách tốt nhất với sự đoàn kết và thống nhất cao. Điều này còn giúp cán bộ, công chức xích lại gần nhau hơn, một tập thể sẽ mạnh khi từng cá nhân cán bộ, công chức trong tập thể liên kết chặt chẽ với những người còn lại.

* Thứ ba, cán bộ, công chức phải có đạo đức, có tinh thần tích cực và biết hành động vì “cái chung”. Người đã nhắn nhủ đến đội ngũ cán bộ, công chức – những công bộc của nhân dân: “Bất kỳ ở địa vị nào, làm công tác gì chúng ta đều là đày tớ của nhân dân, cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng đều do mồ hôi, nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy chúng ta phải đền bù xứng đáng cho nhân dân. Muốn làm như vậy, chúng ta cần phải cần, kiệm, liêm, chính”.

Bên cạnh đó, việc giữ được một thái độ tích cực đối với công việc cũng vô cùng quan trọng bởi khi đó, cán bộ, công chức có thể truyền cảm hứng cho đồng nghiệp, công việc cũng sẽ đạt kết quả cao hơn. Cán bộ, công chức thường mang những ý nghĩ tiêu cực từ cuộc sống hằng ngày vào công việc nhưng điều đó là không nên, nếu muốn làm việc có hiệu quả.

* Thứ tư, cán bộ, công chức phải biết “lắng nghe”. Giao tiếp hành chính tốt đòi hỏi cả hai kỹ năng: nói và lắng nghe. Lắng nghe là một yếu tố kỳ diệu giúp con người tạo dựng được những mối quan hệ bền lâu và hạnh phúc. Nếu không có sự lắng nghe, giao tiếp hành chính sẽ chỉ là mối quan hệ một chiều cứng nhắc và thiếu thông tin phản hồi – một yếu tố cơ bản nhất để tiến hành cải cách, hoàn thiện.

Với các mối quan hệ nơi công sở, thất bại trong giao tiếp thường là nguyên nhân của những bất đồng hoặc hiểu lầm giữa các đối tượng giao tiếp. Theo nhiều kết quả khảo sát, thất bại trong giao tiếp thường không phải do khác biệt văn hóa hay bất đồng ngôn ngữ. Nhiều người gặp khó khăn trong giao tiếp với cấp trên hoặc cấp dưới của mình, dù rằng họ nói cùng thứ tiếng và có chung một nền văn hóa. Điều này có thể khắc phục được nếu trong giao tiếp hành chính, cả hai phía đều biết lắng nghe và thấu hiểu lẫn nhau. Kỹ năng giao tiếp kém của cán bộ, công chức có thể dẫn tới nhiều vấn đề phát sinh như: gây cảm giác khó chịu cho người dân đến liên hệ công tác, giao dịch thất bại, đưa ra các hướng dẫn dễ gây hiểu lầm….; tất cả những điều đó có thể ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả công việc của bất kỳ cơ quan, tổ chức nào. Có kỹ năng lắng nghe tốt sẽ xây dựng được lòng tin, sự thông cảm và hiểu biết lẫn nhau với đồng nghiệp và với người dân.

* Thứ năm, phải giữ chữ “tín” trong quan hệ giao tiếp hành chính. Muốn giữ được chữ tín, cán bộ, công chức phải luôn “lời nói đi đôi với việc làm, không nói suông, không hứa suông, không nói một đằng làm một nẻo”. Khổng Tử cũng từng nói: “Bỏ lương thực thì có thể chết đói, chứ dân không tin thì chính quyền sụp đổ”.

* Và một nguyên tắc cuối cùng không thể bỏ qua đó là “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Cái “bất biến” là mục tiêu vì con người và do con người, vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự phát triển của đất nước. Cái “vạn biến” là thực tiễn luôn vận động và biến đổi không ngừng. Chính vì vậy, trong giao tiếp hành chính, cán bộ, công chức cần phải linh hoạt, năng động, thích nghi với những sự thay đổi đó.

3. Vận dụng các nguyên tắc và phong cách giao tiếp ứng xử của Bác trong việc xây dựng văn hóa giao tiếp của đoàn viên thanh niên hiện nay