Mùng 9 tháng 11 là ngày gì

Ngày 9-11-1946 là Ngày Pháp luật Việt Nam. Ngày 9-11-1964: Bác đến thăm Đoàn Không quân 921 và có những lời căn dặn hết sức sâu sắc còn vẹn nguyên giá trị đối với Bộ đội Phòng không – Không quân ngày hôm nay.

Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 9-11-2021 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 9-11

Sự kiện trong nước

Ngày 9-11-1831: Vua Minh Mạng đổi tên Thǎng Long thành Hà Nội.

Ngày 9-11-1946: Quốc hội khóa I thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Phát biểu tại Phiên bế mạc Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa I-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến sự kiện đã thông qua Hiến pháp: “Đây là bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà. Bản Hiến pháp đó còn là một vết tích lịch sử Hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông này nữa... Hiến pháp tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập. Hiến pháp tuyên bố với thế giới biết, dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do. Hiến pháp tuyên bố với thế giới, phụ nữ Việt Nam đã đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân. Hiến pháp đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bình của các giai cấp”. Đến nay, Việt Nam đã có 05 bản Hiến pháp, bản Hiến pháp đang có hiệu lực là Hiến pháp năm 2013. Tuy vậy, ý nghĩa của ngày “khai sinh” ra bản Hiến pháp đầu tiên vẫn rất được trân trọng. Đó cũng chính là lý do Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 quy định ngày 09-11 hằng năm là ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ngày 8-11-2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng công bố, Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người dân trong xã hội. Đồng thời, tăng cường nhận thức của mọi người về vai trò của luật pháp trong đời sống, tăng cường sự hiểu biết pháp luật và khả năng thực thi pháp luật trong hoạt động quản lý Nhà nước, hoạt động kinh tế - xã hội và sinh hoạt hằng ngày của người dân.

Năm 2021 nay, để phát huy tinh thần đó, các bộ, ngành, các địa phương đã triển khai rất nhiều hoạt động để hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Một số tỉnh tổ chức các cuộc thi vừa để hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam nhưng đồng thời cũng đáp ứng những yêu cầu mang tính thời sự như là các cuộc thi trực tuyến về tìm hiểu pháp luật phòng, chống dịch bệnh Covid-19, một số tỉnh cũng tổ chức các hoạt động giao lưu, ký kết các chương trình phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng nhằm tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Ngày 09-11-1949: Bác có lời huấn thị gửi lớp “Chuẩn bị tổng phản công” Trường Trung học Lục quân Trần Quốc Tuấn (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1), đăng trên Báo Cứu quốc.

Ngày 9-11-1964: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thǎm đoàn không quân Sao Đỏ.

Sự kiện quốc tế

Ngày 9-11-1953: Campuchia giành độc lập từ Pháp.

Ngày 9-11-1989: Bức tường Berlin sụp đổ chấm dứt sự chia cắt nước Đức. Hiện nay, phần còn lại của bức tường được trang trí bằng nhiều tác phẩm nghệ thuật. Bức tường ngăn cách phần Đông và Tây thành phố, là biểu tượng đặc trưng của Chiến tranh Lạnh. Sự sụp đổ của nó dẫn đến thống nhất nước Đức và đánh một dấu mốc quan trọng trong lịch sử thế giới. Ngày 9-11-1989 cũng là ngày bắt đầu sự tan rã của Liên bang Xô viết.

Theo dấu chân Người

Ngày 9-11-1920: Nguyễn Ái Quốc tham dự một cuộc mít tinh do Đảng Xã hội tổ chức để kỷ niệm 3 năm ngày thành lập nước Nga Xô viết.

Ngày 9-11-1923: Báo “La Vie Ouvrière” (Đời sống Thợ thuyền) đăng 3 bài báo của tác giả Nguyễn Ái Quốc. Bài “Chính sách thực dân Anh”, “Phong trào công nhân” và “Nhật Bản”, cho thấy mối quan tâm của nhà cách mạng Việt Nam đối với phong trào vô sản quốc tế.

Ngày 9-11-1949: Bác Hồ gửi thư cho Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn nhân ngày khai giảng, nội dung có đoạn viết: “Gặp hoàn cảnh khó khăn hơn, kẻ địch mạnh hơn, mà tổ tiên ta, với sự lãnh đạo của ông Trần Quốc Tuấn, đã đánh thắng nhà Nguyên, đã để lại cho chúng ta một nước tự do, độc lập. Thì ngày nay, chúng ta quyết noi theo tinh thần quật khởi ấy, quyết đánh tan giặc Pháp, quyết giành lại thống nhất và độc lập thực sự cho Tổ quốc ta...”. Bác còn căn dặn: “Luyện tập thân thể cho mạnh mẽ. Nghiên cứu kỹ thuật cho thông thạo. Trau dồi tinh thần cho vững chắc. Hun đúc đạo đức của người quân nhân cách mạng cho vững vàng...”.

Ngày 9-11-1950: Tại Chiến khu Việt Bắc, Bác gửi điện về nhà, sau khi nhận được tin anh trai là ông Nguyễn Sinh Khiêm đã qua đời. Bức điện viết: “Gửi họ Nguyễn Sinh. Nghe tin anh Cả mất, lòng tôi rất buồn rầu. Vì việc nước nặng nhiều, đường sá xa cách, lúc anh đau yếu tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế tôi không thể lo liệu. Than ôi! Tôi chịu tội “bất đệ” trước linh hồn anh và xin bà con nguyên lượng cho một người con đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước”.

Ngày 9-11-1964: Bác đến thăm Đoàn Không quân Sao Đỏ (Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371).

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010), (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.242)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“... Nghệ thuật đánh địch của Việt Nam rất độc đáo. Vũ khí trong tay người Việt Nam dù thô sơ cũng giành được hiệu suất cao. Phải phát huy cách đánh truyền thống của ta. Không ngại không quân địch hiện đại. Hãy bắt chước chiến sĩ, đồng bào miền Nam, nắm thắt lưng địch mà đánh”. Đây là lời huấn thị của Bác khi đến thăm Đoàn Không quân Sao Đỏ (Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371) vào ngày 9-11-1964.

Vào những năm đầu của thập kỷ 60, bị thất bại thảm hại trong “Chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam, Việt Nam, đế quốc Mỹ điên cuồng mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc. Trước tình hình đó, Đảng và Bác Hồ đã chủ trương xây dựng và phát triển lực lượng Không quân chiến đấu trên cơ sở đơn vị tiền thân là Ban Nghiên cứu sân bay và đơn vị Không quân vận tải. Ngày 30-5-1963, Trung đoàn Không quân mang phiên hiệu 921, mật danh là Đoàn Không quân Sao Đỏ được thành lập. Sau đó, ngày 3-2-1964, tại Sân bay Mông Tự, Vân Nam (Trung Quốc) lễ ra mắt công khai Trung đoàn được tiến hành. Đây là Trung đoàn Không quân tiêm kích đầu tiên của Không quân nhân dân Việt Nam.

Mặc dù mới thành lập, còn gặp nhiều khó khăn thiếu thốn về lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất, nhưng Trung đoàn Không quân 921 đã nhanh chóng ổn định về mọi mặt, vừa huấn luyện, vừa chiến đấu, từng bước nâng cao trình độ tác chiến, xây dựng ý chí quyết tâm đánh thắng địch ngay từ trận đầu xuất kích.

Trong những năm tháng chiến đấu và trưởng thành, Trung đoàn Không quân 921 đã xuất kích trên 200 trận, bắn rơi 137 máy bay các loại. Với những chiến công xuất sắc đó, Trung đoàn và 3 tập thể cùng 19 cá nhân được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Trong giai đoạn hiện nay, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 921 luôn quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách vươn lên làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật, phấn đấu xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”, “Người chiến sĩ Phòng không-Không quân ưu tú”, quyết tâm bảo vệ vững chắc vùng trời và các mục tiêu được giao.

Trung đoàn Không quân 921, Đoàn không quân Sao Đỏ đã và đang được đầu tư nhiều mặt để tiến lên hiện đại, hy vọng sẽ trở lại với vị trí "Anh cả" của Không quân nhân dân Việt Nam Anh hùng, bảo vệ vững chắc vùng trời Tổ quốc.

Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa, đang đặt ra cho Trung đoàn Không quân 921 cũng như các đơn vị trong Quân đội là nhiệm vụ rất nặng nề. Để phát huy truyền thống “bách chiến, bách thắng”, “càng đánh càng mạnh, càng thắng lớn”, đòi hỏi toàn quân phải không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của quân đội nhân dân, xây dựng Quân đội nhân dân ngày càng hùng mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Với những vũ khí thô sơ ban đầu, bộ đội ta vừa chiến đấu, lấy vũ khí của địch đánh địch, vừa tự nghiên cứu cải tiến, chế tạo vũ khí mới. Nhờ đó, Quân đội ta mới từng bước trưởng thành về mọi mặt, từ đánh nhỏ lên đánh lớn, từ đánh du kích lên đánh chính quy, từ tiến công chiến thuật lên tiến công chiến dịch, tiến công và phản công chiến lược, càng đánh càng mạnh, lập nên những chiến công vang dội. Trải qua 9 năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ, Quân đội ta từng bước làm phá sản các chiến lược quân sự của địch, làm cho địch càng đánh càng lâm vào thế bị động, càng đánh càng thua.

Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, mà đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, quân và dân ta đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ, chiến đấu và giành thắng lợi. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội, dân công và các lực lượng của ta phải vượt núi cao, rừng rậm, suối sâu, kéo pháo vào trận địa, vận chuyển vũ khí, vật chất hậu cần phục vụ chiến dịch...

Ðể làm nên chiến thắng "Hà Nội - Ðiện Biên Phủ trên không", các lực lượng của Quân chủng Phòng không - Không quân đã chiến đấu dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, nêu cao tinh thần đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể. Bộ đội Không quân đã vượt qua mọi khó khăn ác liệt, tích cực cất cánh đánh địch từ xa, phá vỡ đội hình địch, tạo điều kiện cho các đơn vị phòng không tuyến sau đánh địch. Bộ đội Tên lửa đã phát huy hết tính năng của vũ khí, khí tài tên lửa, tập trung đánh, tiêu diệt máy bay B-52 - đối tượng tác chiến chủ yếu của chiến dịch. Bộ đội Pháo phòng không tích cực đánh địch bảo vệ mục tiêu và bảo vệ các trận địa tên lửa.

Chiến thắng cuộc tập kích đường không chiến lược, với gần 50% lực lượng không quân chiến lược của toàn nước Mỹ và toàn bộ máy bay chiến thuật của không quân, hải quân Mỹ, đánh dấu sự phát triển vượt bậc về nghệ thuật tiến hành chiến dịch phòng không của Quân đội ta trong chiến tranh giải phóng, để lại nhiều bài học kinh nghiệm thực tiễn vô cùng quý báu cho các lực lượng của Quân chủng Phòng không - Không quân.

Ngày nay, trong chiến tranh công nghệ cao với ưu điểm quy mô lớn, sức hủy diệt ghê gớm và vô cùng phức tạp; tương lai nếu chiến tranh xảy ra thì đó là cuộc chiến tranh công nghệ cao rất khốc liệt. Song chiến tranh công nghệ cao cũng bộc lộ nhiều nhược điểm khó có thể khắc phục. Chiến tranh công nghệ cao đặt ra yêu cầu cao về chuẩn bị chiến trường và tính đồng bộ toàn hệ thống; chỉ cần một sai sót nhỏ trong hệ thống đã có thể vô hiệu hóa toàn bộ hệ thống.

Như vậy, chiến tranh công nghệ cao dù rất hiện đại nhưng không tránh khỏi những điểm yếu cốt tử của nó. Do đó, cần nghiên cứu nắm chắc và hiểu đúng vũ khí công nghệ cao; không quá đề cao, không tuyệt đối hóa, không coi thường dẫn đến chủ quan mất cảnh giác; ngay từ thời bình trong công cuộc xây dựng phát triển đất nước, chúng ta phải ra sức củng cố tiềm lực và sức mạnh quốc phòng, để có thể kiềm chế sức mạnh của vũ khí công nghệ cao, phát huy hiệu quả nghệ thuật quân sự Việt Nam, nghệ thuật tác chiến Phòng không - Không quân, chủ động ngăn chặn từ sớm, từ xa các mầm mống gây chiến tranh xâm lược để bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc Việt Nam.

Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư (4.0) đang tác động trực tiếp vào khoa học quân sự, nhất là khoa học kỹ thuật quân sự làm xuất hiện hệ thống vũ khí, trang thiết bị chiến tranh thế hệ hệ mới - có hàm lượng công nghệ cao và làm thay đổi phương thức tiến hành chiến tranh. Điển hình là tiến công đường không có những phát triển mới cả về tổ chức lực lượng, vũ khí, trang bị. Điều đó, đòi hỏi sự phát triển nghệ thuật tác chiến phòng không - không quân nói chung, nghệ thuật tác chiến của lực lượng phòng không nói riêng cần được coi trọng đúng mức; chỉ đạo chặt chẽ ở các cấp, nhất là cấp chiến lược, nhằm xây dựng lực lượng phòng không “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Các cấp, ngành, lực lượng, địa phương, nhất là Quân chủng Phòng không - Không quân cần chủ động xây dựng thế trận phòng không vững chắc, hiểm hóc và linh hoạt trên phạm vi cả nước, chú trọng các vùng trọng điểm phòng không.

Đây là vấn đề rất quan trọng, trực tiếp quyết định đến khả năng hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao. Bởi vậy, cùng với tăng cường nền tảng chính trị, tinh thần, cần thực hiện đồng bộ các biện pháp xây dựng Quân đội nhân dân ngày càng chính quy, tinh nhuệ, thiện chiến, hiện đại, ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ. Tích cực sắp xếp, điều chỉnh tổ chức, biên chế theo hướng “tinh, gọn, mạnh”. Đồng thời, đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, giáo dục, đào tạo, rèn luyện kỷ luật, thể chất, xây dựng chính quy, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, tiêu biểu, mẫu mực. Đặc biệt, tập trung tạo sự chuyển biến về chất lượng huấn luyện làm chủ vũ khí, trang bị thế hệ mới, hiện đại; huấn luyện, diễn tập tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng, diễn tập đối kháng trong các môi trường và tác chiến khu vực phòng thủ, làm cơ sở để nâng cao trình độ, khả năng tác chiến của Quân đội. Cùng với đó, cần chủ động phát huy thành tựu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tiếp cận, ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào nghiên cứu phát triển nghệ thuật quân sự, khoa học, công nghệ quân sự, công nghiệp quốc phòng, đẩy nhanh hơn nữa tiến trình hiện đại hóa quân đội, trước hết là các lực lượng được xác định tiến thẳng lên hiện đại, tạo bước chuyển mang tính đột phá về trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, sức mạnh chiến đấu của Quân đội.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Ngày 9-11-1966, trang nhất Báo Quân đội nhân dân đăng nội dung đáp lời kêu gọi cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước thi đua lập công. Đăng Lệnh cấm nấu rượu trái phép của chủ tịch Hồ Chí Minh.