Nâng cao chất lượng cán bộ văn hóa cơ sở

Biên phòng - Cán bộ văn-xã là một trong 7 chức danh chuyên môn nghiệp vụ được “cơ cấu cứng” trong bộ máy cán bộ, công chức cấp xã. Tuy nhiên, tại một số địa phương miền núi hiện nay vẫn còn tồn tại thực trạng người không có chuyên môn nghiệp vụ văn hóa phải kiêm nhiệm thêm công tác văn hóa. Một số nơi bố trí cán bộ văn hóa nhưng chỉ theo diện hợp đồng với mức phụ cấp thấp. Chính sự đánh giá chưa đúng vai trò của đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở là một trong những nguyên nhân dẫn tới công tác văn hóa-xã hội ở cơ sở bị trì trệ, hiệu quả thấp.

Nâng cao chất lượng cán bộ văn hóa cơ sở
Các nghệ nhân dân tộc Cor huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi thi tài đấu chiêng đôi trong Lễ hội văn hóa dân tộc Cor. Ảnh: Ngọc Ánh

“Cán bộ nào, phong trào đó”

Xã Kan Hồ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu vào thời điểm từ năm 2011 trở về trước chỉ có duy nhất một cán bộ phụ trách mảng văn hóa-xã hội, đó là anh Vàng Chúng Lòng, dân tộc Mông, trình độ trung cấp nông nghiệp. Anh Lòng được giao nhiệm vụ làm công tác chuyên trách về mảng lao động-thương binh-xã hội, kiêm thêm lĩnh vực văn hóa thông tin cơ sở. Vì không có chuyên môn nên anh Lòng gặp nhiều áp lực, khó khăn và lúng túng khi triển khai các hoạt động văn hóa-thể thao tại cơ sở.

Nỗi khổ của anh Vàng Chúng Lòng được giải tỏa khi cuối năm 2011, xã Kan Hồ chính thức tuyển chọn được một cán bộ công chức trẻ, tốt nghiệp trung cấp văn hóa về phụ trách mảng văn hóa thông tin cơ sở, đó là cán bộ trẻ Hù Cố Chối, dân tộc Si La, là người địa phương. Có thêm cán bộ phụ trách văn-xã, các phong trào hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, thông tin tuyên truyền tại cơ sở ngày càng được đẩy mạnh phát triển, hiệu quả, đi vào chiều sâu, chất lượng hơn.

Còn tại xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên, trước đây có anh So Chăm Minh, người Chăm Hroi, là bộ đội xuất ngũ được xã bố trí phụ trách công tác văn hóa-xã hội của xã. Do thiếu bằng cấp, nên anh So Chăm Minh chỉ được ký hợp đồng với mức phụ cấp 1,2 triệu đồng/tháng. Nhà cách trụ sở UBND xã khoảng 2km, ngày 4 lượt đi về, công việc phụ trách văn hóa xã phải đi xuống các thôn buôn nhiều, nên phụ cấp của anh So Chăm Minh chỉ đủ chi phí tiền xăng xe và điện thoại.

Anh So Chăm Minh cho biết, thu nhập chính của gia đình anh là nuôi bò và trồng sắn, mía. Còn công việc ở xã là chỉ “làm cho vui” thôi chứ không thể trông chờ từ nguồn thu nhập đó. Cũng vì tư tưởng “làm cho vui”, nên So Chăm Minh cũng như nhiều cán bộ làm công tác văn-xã ở cơ sở làm việc cầm chừng nên hiệu quả công việc không cao.

Cần chuẩn hóa đội ngũ cán bộ văn-xã chuyên trách

Thực trạng cán bộ, công chức cấp xã phải kiêm quá nhiều việc, trong khi đó, cán bộ chuyên trách văn hóa-xã hội lại chưa có tại một số địa phương miền núi là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo nàn về các phong trào hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao tại cơ sở.

Tại tỉnh Bình Phước, trong buổi làm việc của Ban Văn hóa-Xã hội (HĐND tỉnh) với UBND xã Tân Thành, thị xã Đồng Xoài, ông Phạm Ngọc Hùng, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Xã Tân Thành có 13 cán bộ công chức, trong đó, có 7 công chức, còn 6 cán bộ hợp đồng không chuyên trách (bao gồm cả cán bộ văn-xã). Số cán bộ không chuyên trách không có lương như công chức mà chỉ có phụ cấp với mức từ 1,2-1,4 triệu đồng/tháng. Với mức phụ cấp thấp như vậy, cán bộ không chuyên trách khó có thể đảm bảo mức sống để toàn tâm, toàn ý với công việc. Còn đối với một số cán bộ kiêm nhiệm thêm nhiều việc khác thì luôn trong tình cảnh quá tải công việc”.

Nâng cao chất lượng cán bộ văn hóa cơ sở
Đồng bào dân tộc Mường diễn tấu cồng chiêng. Ảnh: Ngọc Ánh

Tại huyện Yên Định (tỉnh Thanh Hóa), ông Trịnh Trọng Định, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện thông tin: “Trên địa bàn huyện hiện có 26 cán bộ văn hóa ở 26 xã, thị trấn, gần 100% cán bộ có trình độ đại học. Trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa, hầu hết đội ngũ cán bộ văn hóa đã làm tốt vai trò là người tham mưu, chủ động triển khai và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ. Tuy nhiên, do một số xã cán bộ văn hóa còn phải kiêm nhiệm các chức danh khác như phát thanh viên của Đài truyền thanh xã; nguồn kinh phí bố trí cho hoạt động văn hóa cơ sở còn ít; hệ thống thiết chế văn hóa còn nhiều khó khăn... đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ văn hóa trên địa bàn”.

Còn tại Quảng Bình, thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy, toàn tỉnh có hơn 200 cán bộ làm công tác văn hóa tại các xã, phường, thị trấn. Lực lượng này được đào tạo cơ bản: 70% tốt nghiệp đại học các chuyên ngành xã hội. Cán bộ trẻ dưới 30 tuổi chiếm 86%. Tuy nhiên, nhiều người trong số này vẫn chưa được đào tạo đúng chuyên ngành văn hóa. Cán bộ văn hóa thiếu kinh nghiệm cũng như am hiểu sâu về văn hóa địa phương, văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số... Những hạn chế này làm mờ nhạt đi vai trò tham mưu, hỗ trợ đắc lực của cán bộ chuyên trách văn hóa đối với chính quyền địa phương trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa-xã hội, phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc, xây dựng nông thôn mới...

Từ những bất cập, hạn chế trong công tác bố trí, quản lý, sử dụng cán bộ văn-xã tại một số địa phương, thiết nghĩ, việc cần làm ngay là phải chuẩn hóa đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở; gắn quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức văn hóa cơ sở, trong đó có cán bộ văn hóa cấp xã theo tiêu chuẩn chức danh. Đồng thời, tăng cường các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ văn hóa, trang bị kiến thức quản lý và tổ chức hoạt động phong trào.

Bên cạnh đó, cần có chính sách đãi ngộ hợp lý để đội ngũ cán bộ văn hóa cấp xã gắn bó lâu dài với địa phương. Và có chính sách hỗ trợ và khuyến khích cán bộ có trình độ cao, sinh viên tốt nghiệp đại học về vùng xa, vùng núi, vùng khó khăn để cùng đồng bào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Đồng thời, mỗi địa phương cần có những giải pháp riêng để phát huy cao nhất năng lực của đội ngũ cán bộ văn hóa cấp xã.