Nên cho con học trường đại học nào

Các bước chọn ngành và chọn trường Phụ huynh và các em học sinh lớp 12 nên tham khảo

Ngày 17 tháng 4 này là hạn chót để nộp đơn cho kỳ thi tuyển cao đẳng và đại học lần này. Nhiều em gửi thư riêng cho cô hỏi về việc chọn ngành và chọn nghề, mà cô không có giờ để trả lời riêng cho từng bạn. Nên cô viết bài này với hy vọng giúp các em trong quyết định  lần này. Hãy nhớ rằng điều quan trọng nhất là tìm hiểu kỹ, nhưng đừng để việc quá nhiều thông tin làm các em bị loạn, rồi không quyết định được. Hãy nhớ rằng các em là người phải sống với quyết định của mình mỗi ngày. Các em là người sẽ học ngành mình chọn, tới trường mình chọn, do đó, hãy đọc thật kỹ bài viết của cô, làm theo từng bước, và quyết định với sự rõ ràng, có mục tiêu, và nhớ thảo luận với ba mẹ không phải để theo ý ba mẹ cho khoẻ, mà để ba mẹ hiểu quá trình của quyết định các em làm. Cuối cùng, nếu chọn lựa không được 100% như mình muốn thì cũng không sao cả các em nhé. 

Bước 1: Tìm hiểu bản thân. 

a. Sở thích và khả năng

Hiểu rõ sở thích và khả năng liên quan đến nghề nghiệp của mình. Làm trắc nghiệm sau đây để biết mình thuộc nhóm nào. Nhớ là phải làm từng bước nhé. Không hiểu thì vào đây hỏi, đừng inbox, cô mỗi tuần mới check inbox một lần nhé. Link trắc nghiệm ở đây nè:

b. Học lực

Các em học trường điểm hay trường thường, thuộc loại xuất sắc, giỏi, khá, trung bình, hay yếu? Phải biết rõ mình đang ở mức nào. Đây không phải là lúc xấu hổ. Học yếu chẳng có gì xấu hổ cả. Nhưng học yếu mà cứ dấu đi, không đối diện với bản thân, rồi chọn đại một trường có tên tuổi thi cho oai thì sẽ tốn tiền và thời gian của mình, cha mẹ, và xã hội. Hệ thống giáo dục các em đang học không khuyến khích những môn sáng tạo như nhạc, hoạ hay kỹ thuật như thể thao, sữa chữa, hoặc các môn kinh tế như marketing, kế toán, ... do đó em học yếu văn hoá không có nghĩa là em không có khả năng gì cả. Vậy, hãy tự đối diện với mình xem trình độ học của mình tới đâu. Đây là điểm quan trọng trong việc chọn trường thi.

c. Yếu tố gia đình, xã hội, kinh tế

Gia đình em có cho em quyền quyết định hay không? Ai ảnh hưởng em nhất trong nhà? Kinh tế gia đình em cho phép em học tới đâu, ở nơi nào? Em phải rõ những điều này để có quyết định phù hợp. Đôi khi em ngành em chọn là ngành em thích thứ 2, nhưng cha mẹ em muốn em theo, nên khi chọn nó em sẽ dễ chịu hơn (gia đình yên tĩnh, bình an không áp lực). Vậy thì em sẽ làm gì với ngành 1 của em? Hoàn toàn bỏ nó chăng. Thật ra, không học được cái mình thích không sao, vì trong lúc ở đại học, ngoài giờ học em có thể tham gia các hoạt động ngoài giờ, từ thiện, làm thêm, câu lạc bộ, vv. để theo đuổi thứ mình thích. Như vậy em sẽ tăng thêm kỹ năng, kiến thức, và cũng tạo thêm nhiều mối quan hệ cho cơ hội việc làm sau này.

 Bước 2. Tìm hiểu thị trường đào tạo.

Bây giờ em đã biết em nhóm gì rồi, học lực ra sao rồi, hoàn cảnh bản thân rồi, vậy em phải tìm hiểu thị trường đào tạo. Đầu tiên là ngành, sau đó là trường.

 a. Ngành đào tạo:

Các em vào trang http://www.thongtintuyensinh.vn/Default.htm 

Vào phần chương trình đào

tạo: http://www.thongtintuyensinh.vn/Chuong-trinh-dao-tao_C43.htm

 Ở đây, cho các em tự tin thi vào đại học (nhóm giỏi và xuất sắc ở trên), các em xem các ngành đào tạo của đại học, không biết sao hôm nay link này không vào được. Nên mình phải tìm hiểu bằng cách dài hơn (các này không hiệu quả bằng, nhưng hiện tại vì trang kia không vào được, nên cô phải chỉ các em cách này, chịu khó nghen.) 

 Vào link http://www.thongtintuyensinh.vn/Dai-hoc_C46.htm

 Chọn tên một trường mà mình thấy thích, bấm vào, xem các ngành đào tạo trong trường ấy, ghi xuống 2 ngành mà thấy thích. 

- Tiếp tục chọn tên một trường khác, bấm vào, xem các ngành đào tạo trong trường ấy, ghi xuống 2 ngành mà thấy thích, nếu trùng với hồi nãy thì ngừng, nếu khác thì tiếp tục. 

- Tiếp tục chọn tên một trường khác, bấm vào, xem các ngành đào tạo trong trường ấy, ghi xuống 2 ngành mà thấy thích, nếu trùng với hồi nãy thì ngừng, nếu khác thì tiếp tục.

Từ danh sách 6 ngành ấy, quay về đọc kỹ chi tiết về các ngành, các môn học trong các ngành ấy đối chiếu với bản thân, tự hỏi xem ''mình có thích học ngành này không - đủ thích để học 4 năm tới mỗi ngày hay không?'', rồi hỏi ''mình có khả năng để học tốt ngành này không''.  Sau đó chọn ra hai ngành.

Cho các em muốn thi vào cao đẳng (nhóm khá ở trên), các em xem các ngành đào tạo của cao đẳng http://www.thongtintuyensinh.vn/Cac-nganh-dao-tao-trinh-do-cao-dang_C205_D4545.htm

Kéo chuột xuống, đọc thật kỹ danh sách, rồi chọn ra 3 tên ngành mình thích. Sau đó đọc kỹ chi tiết về các ngành, các môn học trong các ngành ấy đối chiếu với bản thân, tự hỏi xem ''mình có thích học ngành này không - đủ thích để học 3 năm tới mỗi ngày hay không?'', rồi hỏi ''mình có khả năng để học tốt ngành này không''.  Sau đó chọn ra 1 ngành.

 Cho các em còn lại, nên suy nghĩ cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề hay chương trình nghề ở ngoài. Các em vào các link tương ứng nhé. Tương tự như trên, các em đọc thật kỹ danh sách, rồi chọn ra 3 tên ngành mình thích. Sau đó đọc kỹ chi tiết về các ngành, các môn học trong các ngành ấy đối chiếu với bản thân, tự hỏi xem ''mình có thích học ngành này không - đủ thích để học 2 hoặc 3 năm tới mỗi ngày hay không?'', rồi hỏi ''mình có khả năng để học tốt ngành này không''.  Sau đó chọn ra 1 ngành.

Khi đã chọn được 1 hay 2 ngành vừa ý, các em bắt đầu chọn trường. Phần này thì đòi hỏi các em phải biết:

- thích học gần hay xa nhà

- tình trạng kinh tế cho phép học ở đâu

- học lực cho phép thi vào đâu. Nên nhớ rằng các em không đủ sức thi vào đại học vẫn có thể học ngành tương tự ở cao đẳng hay trường nghề. 

Lưu ý, các em đừng nên chọn một nơi vì đó là ''đại học'' nhé. Có rất nhiều trường cao đẳng đào tạo chất lượng rất tốt, cũng như các trường nghề bên ngoài đào tạo nhân viên ra trường được đánh giá cao. Cũng vậy, không phải trường đại học nào cũng tốt hơn trường cao đẳng. Để biết được chất lượng, các em chịu khó vào google để tìm diễn đàn trường ấy, đọc xem sinh viên đang học nói gì về trường. Các em đọc các bài báo về trường, hay xem phim về trường, nếu được tự đến thăm trường luôn. Hãy thật cẩn thận khi tìm hiểu trường, cứ như tìm hiểu bạn bè vậy đó. Bề ngoài hay tên tuổi không nói lên nhiều đâu các em; thực lực đôi khi nằm rất sâu bên trong và cần các em đi thực tế mới hiểu rõ.

Bước 3: Tìm hiểu thị trường lao động (việc làm):

Thị trường tuyển dụng tại Việt Nam cần người lao động ở các trình độ khác nhau, lĩnh vực khác nhau, tay nghề khác nhau.  Các em vào trang dự báo nhân lực 

đọc để tăng kiến thức cơ bản về thị trường tuyển dụng trong nước. 

 Đọc kỹ các em sẽ thấy nhiều công ty cần tay nghề giỏi, không cần phải là bằng đại học hay cao đẳng, nhưng cần kỹ năng chuyên môn giỏi, tay nghề giỏi, nếu có ngoại ngữ thì dễ thăng tiến. Do đó, hãy tự hỏi bản thân, ''mình muốn học đại học vì không biết phải làm gì, hay vì mình có mục tiêu?'' Không cần biết em học ở đâu, miễn em có mục tiêu thì em sẽ thành công. 

 Để có được việc làm sau khi tốt nghiệp một chương trình đào tạo, các em phải rất năng động trong lúc học. Không chỉ học từ thầy cô trong lớp, mà còn học từ bạn bè và xã hội ngoài lớp học nữa. Phải tham gia công tác đoàn thể, từ thiện, thể thao, câu lạc bộ. Ít chơi game và dùng facebook lại, mà ra ngoài giao lưu và tham gia hoạt động xã hội nhé. Đó là cách tốt nhất để chuẩn bị cho khả năng được tuyển dụng sau này các em nhé.

Hướng nghiệp mất thật nhiều thời gian và sự chuẩn bị. Nếu các em đang ở hai tỉnh Quảng Nam và Nghệ An, thì các thầy cô ở sở, phòng, và trường phần lớn đã được tập huấn về hướng nghiệp. Các em hỏi thêm thầy cô nhé. Nếu các em ở nơi khác, thì ráng đọc từng bước và làm theo.

Chúc các em vui và bình an.

(Bài viết của cô Phoenix thông tin từ VVOB việt nam)

Nên cho con học trường đại học nào

Nhiều thập niên qua cho đến hiện nay, cư dân các tỉnh luôn đổ xô về TP. Hồ Chí Minh để mưu sinh, lập nghiệp; trong đó, số người thành công hoặc ổn định được công ăn việc làm thì ít, số người thất bại và công việc bấp bênh thì rất nhiều. Thực trạng này đối với giới sinh viên của các trường đại học cũng không ngoại lệ. Bởi lẽ, họ đều có quan niệm chung, TP. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, văn hóa hàng đầu của cả nước. Họ có thể có điều kiện tiếp cận với nhiều mặt thuận lợi tiên tiến của thời đại, từ văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, văn hóa nghệ thuật, giao lưu với du khách ngoại quốc… Đặc biệt, môi trường học tập, nghiên cứu khoa học, hướng nghiệp… cho sinh viên rất tốt, quan niệm này là đúng.

Như vậy, có thể xem TP. Hồ Chí Minh là miền đất hứa cho các bạn trẻ nói chung và sinh viên nói riêng. Thật vậy, đối những ai có tâm quyết hướng nghiệp, định hướng đúng đắn cho hành trình của mình, tính kiên trì vượt những thử thách và khắc phục những điều kiện khó khăn trong cuộc sống… Nếu được như thế, các bạn sẽ vượt lên chính mình và biến ước mơ thành thực hiện. Vì lẽ, TP. Hồ Chí Minh là một trung tâm đô thị đầy năng động, sáng tạo và văn minh, nhưng cũng không kém phần thách thức và phức tạp… Người viết bài này, từng là sinh viên một trường đại học ở tỉnh nhà, rồi học ở TP. Hồ Chí Minh, và sau đó dạy một số trường đại học… Vì vậy, lời tâm tình này, với tư cách là một người bạn đã đi trước chi sẻ với các bạn trẻ đi sau vậy.

Môi trường sống làm việc và học tập dù ở tỉnh lẻ hay thành phố lớn đều có những thuận lợi và khó khăn riêng; có những thuận chiều và nghịch lý, có cái được và chưa được, có cái tốt và chưa tốt, cả thành công lẫn thất bại,… là những cặp phạm trù đối lập nhau luôn tồn tại thâm nhập nhau trong mỗi chúng ta. Cụ thể, các bạn sinh viên chọn học tại các trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh sẽ có nhiều thuận lợi: tiếp cận cuộc sống văn minh hiện đại nhanh so với ở tỉnh, nhiều thầy giỏi và bạn bè trong môi trường học tập cả kinh nghiệm thực tiễn, phương tiện và điều kiện học tập và nghiên cứu tốt hơn ở tỉnh; đặc biệt, học và trau dồi ngoại ngữ cũng tốt hơn ở tỉnh (có điều kiện tiếp xúc với người nước ngoài)… Sinh viên dễ trưởng thành và có nhiều cơ hội tìm việc làm tốt sau khi tốt nghiệp ra trường, nếu đích thực học tập nghiêm túc.

Thế nhưng, những khó khăn và phức tạp đối với sinh viên không phải là ít và nhỏ khi học tại thành phố lớn. Trước tiên, tuổi trẻ mới xa gia đình hòa nhập và tiếp cận vào môi trường mới, cuộc sống sinh hoạt và học tập đều mới; bản thân phải độc lập, không gần gũi gia đình như trước. Kế đến, cuộc sống ăn ở (nhà trọ, ký túc xá), chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, những ảnh hưởng của khách quan như tệ nạn xã hội, cá nhân với cá nhân và tập thể… Cuối cùng, chi phí học tập và sinh hoạt trong những năm đại học tại TP.HCM có thể so gấp nhiều lần với sinh viên học trường đại học ở tỉnh. Đối với sinh viên ở miệt tỉnh lên TP. Hồ Chí Minh học đại học, không phải gia đình nào cũng có đủ khả năng về tài chính lo từ “A đến Z” một cách dễ dàng; nhưng khi con mình muốn thì cha mẹ phải “gồng mình” mà lo toan, thậm chí vay nợ, bán đất...; còn kết quả sẽ trả lời sau (?). Nếu như những bạn trẻ có nguyện vọng chính đáng, khả năng và tâm quyết có thể thành đạt, thì sự cố gắng đầu tư của gia đình như được bù lại thỏa đáng. Nhưng ngược lại, không phải ai có nguyện vọng hoặc thị hiếu “model” học ở thành phố lớn đều thành đạt. Hơn thế nữa, trừ những sinh viên học lực loại giỏi ở những trường nổi tiếng, với những sinh viên học lực loại trung bình sau khi tốt nghiệp ra trường không phải ai cũng dễ tìm một việc làm tốt ở thành phố, cũng như khi trở về tỉnh nhà.

Thực trạng sinh viên theo học một số trường đại học, cao đẳng ở TP. Hồ Chí Minh đã không thành đạt như mong mỏi của phụ huynh. Nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, như những em tiêu xài “đắt đỏ” nên đi làm thêm, giảm thiểu việc học, có em bỏ nhiều môn học; một số em do bạn bè rủ rê vui chơi ở quán bar, karaoke… Theo Lê Ngọc, news.zing.vn, ngày 05/05/2019, hàng nghìn sinh viên tại nhiều trường Đại học ở TP.HCM bị cảnh báo học vụ, buộc thôi học vì kết quả yếu kém. Con số cụ thể như sau:

Theo bảng tổng hợp xử lý học vụ sinh viên học kỳ I năm học 2018-2019 của phân hiệu ĐH Giao thông Vận tải tại TP.HCM, hơn 300 sinh viên khóa 56 và 58 bị cảnh cáo học vụ và buộc thôi học. Trong đó, khóa 58 (trúng tuyển năm 2017) có 1.326 sinh viên, thì 221 bạn bị cảnh báo học vụ, 115 người bị buộc thôi học (chiếm gần 10% tổng số sinh viên của khóa).

ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng ra quyết định thôi học đối với 454 sinh viên và cảnh báo học vụ 605 người khác.

Trước đó, trong học kỳ II năm học 2017-2018, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM xóa tên hơn 450 sinh viên bị buộc thôi học. Phần lớn số này không còn học tập tại trường từ lâu. 571 sinh viên khác bị cảnh báo học vụ.

Tại ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, hơn 2.500 sinh viên nợ học phí kéo dài, có nguy cơ bị cấm thi cuối kỳ. Điều này gián tiếp dẫn đến nguy cơ bị cảnh cáo học vụ, buộc thôi học hoặc đình chỉ học tập…

Tuy nhiên, với quan niệm như “model” của hầu hết sinh viên ở tỉnh muốn học ở TP. Hồ Chí Minh để thỏa “khát vọng”, dù chính đáng hay không chính đáng. Các trường đại học ở tỉnh, thông thường với quan niệm sinh viên và một số phụ huynh nghĩ rằng, chất lượng đào tạo và tấm bằng tốt nghiệp không “uy tín” bằng các trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh. Điều này, đúng và cũng chưa đúng hẳn. Vì chương trình đào tạo đại học đều theo quy chế đào tạo chung của Bộ GD&ĐT; trường nào cũng có thầy giỏi; việc tiếp cận tiến bộ của khoa học công nghệ ngày nay mang tính toàn cầu, ai cũng có thể dễ dàng học tập và trau dồi qua internet, chỉ có điều là tự bản thân mỗi cá nhân có thực hiện cho mình được việc đó hay không? Dù ở môi trường, điều kiện, hoàn cảnh nào, điều tiên quyết để thành công là sự quyết tâm nỗ lực của mỗi con người. Do vậy, khi sinh viên xác định được ý nghĩa cuộc sống, học tập và hướng nghiệp thì chọn học ở trường đại học tỉnh nhà sẽ thành đạt như nguyện vọng. Các trường đại học ở tỉnh không phải không có thầy giỏi, không ít giảng viên có học hàm, học vị cao đã từng du học ở nước ngoài về; bên cạnh hầu hết các trường có liên kết đào tạo với những trường đại học nổi tiếng và thỉnh giảng thường xuyên những giảng viên giỏi, chuyên gia… Trước tiên, chi phí (4 năm học) cho mỗi sinh viên thấp hơn nhiều so với sinh viên học ở TP. Hồ Chí Minh, đỡ phần gánh nặng cho phụ huynh và quản lý việc học của con em mình. Kế đến, sinh viên sống gần gũi với gia đình, từ ăn ở, sinh hoạt, đi lại… rất thuận lợi; tránh những ảnh hưởng tệ nạn xã hội, sinh hoạt ăn chơi, những rủi ro khác… Cuối cùng, môi trường học tập thân thiện ở tỉnh nhà, có thầy giỏi, bạn tốt; tốt nghiệp ra trường dễ tìm việc làm tốt hợp khả năng ở tỉnh nhà và mang ý nghĩa “phục vụ quê nhà”…

Lời tâm tình này, ở một chừng mực nhất định, chưa phải đầy đủ về tâm tư, tình cảm và quan niệm của sinh viên ở tỉnh cũng như ở TP. Hồ Chí Minh nói chung, nhưng với ánh nhìn ở một góc hẹp, hy vọng các bạn trẻ bước vào ngưỡng cửa đại học có đôi điều suy ngẫm.

Từ khóa: sinh viên, chọn trường đại học ở tphcm hay ở tỉnh nhà