Neu một số nét văn hóa dân tộc ê đê năm 2024

Vanvn- Người Ê đê là một trong những dân tộc nằm trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Họ sinh sống tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền trung Tây Nguyên gồm Đăk Lăk; Đăk Nông; Gia Lai và một số nhỏ ở miền tây của hai tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên.

Dân tộc Ê đê là một dân tộc có số lượng dân số tương đối đông (khoảng hơn 400 ngàn người) và có một nền văn hóa đa dạng, đặc sắc, cho đến bây giờ thì người Ê đê vẫn giữ cho mình được cái sự riêng khác từ nhà cửa, trang phục, cách ăn, ở, mưu sinh hay các lễ hội, tập tục,… và các thành tố truyền thống của họ như văn hóa vật thể, phi vật thể cũng còn tồn tại rất đậm nét, mang lại nhiều sự thu hút cho du, thực khách đên tham quan, nghiên cứu. Vì điều kiện tự nhiên thuộc Vùng văn hóa dân tộc Ê đê khá đặc biệt (Khí hậu, địa hình, thổ nhưỡng, sông ngòi, động, thực vật,…), mà để trở thành một Vùng văn hóa như thế, người Ê đê cũng bị tác động, ảnh hưởng từ nhiều yếu tố, trong đó điều kiện tự nhiên là yếu tố ảnh hưởng đến văn hóa truyền thống của họ rất lớn.

Thứ nhất: Địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu ảnh hưởng đến văn hóa mưu sinh của dân tộc Ê đê

Người Ê đê sinh sống ở vùng Cao Nguyên, nơi đây chủ yếu là đồi thoải, ít núi cùng với lợi thế đất đỏ baza màu mỡ, rất tốt cho phát triển nông nghiệp. Bên cạnh trồng các cây công nghiệp lâu năm thì trước đây người Ê đê chủ yếu làm nương rẫy, công việc đầu tiên là phát rẫy và chờ đến khoảng tháng 4, lúc này cây cối, cỏ rả đã khô thì họ gom cào lại để đốt rồi san đất, chờ đến tháng 5, tháng 6 bắt đầu vào mùa mưa thì họ trồng lúa, trồng lúa trên đồi (lúa nương).

Neu một số nét văn hóa dân tộc ê đê năm 2024
Tác giả trẻ Lê Ngọc Dũng ở Đăk Nông

Lúa của người Ê đê khi thu hoạch thì không phải đi gặt lúa như là các dân tộc ở miền núi phía bắc mà ở đây người ta gọi là đi chuốt lúa. Tại sao lại chuốt lúa mà không gặt, vì người ở đây tạo ra một giống lúa chống hiện tượng chim nó ăn, do người Ê đê canh tác trồng lúa ở gần các cánh rừng già, khu vực này rất nhiều chim phá hoại mùa màng, có những đàn cả ngàn con thì số lượng lúa bị thất thoát rất nhiều.

Do đó, để thích ứng và chống lại hiện tượng chim ăn lúa, bà con ở Tây Nguyên, đặc biệt là người Ê đê đã lai tạo ra một giống lúa, giống lúa này chim không thể ăn, bởi vì ở mỗi đầu hạt thóc có một cái râu dài ra, cho nên chim không thể nuốt vào được. Bên cạnh đó loại lúa này cũng có một hạn chế là hay bị rụng hạt. Vì vậy, nếu mà người ta mang liềm đi gặt lúa thì khi bó vào và gánh, lúa sẽ rơi ra hết. Cho nên thay vì đi gặt lúa thì người Ê đê đi chuốt lúa (cầm bông lúa, tuốt hạt thóc thẳng vào gùi).

Như chúng ta thấy người Ê đê sử dụng gùi khi thu hoạch, hoặc đựng đồ khi phải vận chuyển chứ không mang, vác hay chở bằng xe bò, xe trâu như người Việt là vì: thứ nhất, địa hình ở Tây Nguyên, đường đi, lối lại chủ yếu là dốc, khi mang vác nặng thì việc di chuyển rất khó cho nên họ đã dùng gùi như người dân tộc ở miền núi phía bắc thường dùng. Được thiết kế hai quai xỏ qua vai khi đi lên dốc họ sẽ khom lưng, xuống dốc thì thẳng lưng cho nên việc di chuyển rất dễ. Một ưu điểm của chiếc gùi này nữa đó là giúp người sử dụng tận dụng được tối đa sức lực của mình để di chuyển đồ vật.

Thứ hai, nguyên liệu để làm ra chiếc gùi này là dây mây, do những bàn tay khéo léo ở trong Buôn đan uốn. Cây mây mọc ở rừng Tây Nguyên nhiều, đọt mây cũng là một món ăn đặc trưng của người Ê đê… Và hơn hết, họ dùng dây mây để làm nguyên liệu đan gùi, rổ, chạn để chén bát và nhiều thứ khác. Ngoài ra người Ê đê còn tận dụng được sức khỏe của voi và sự lả lướt của thuyền độc mộc làm phương tiện di chuyển… Nhưng đến nay người Ê đê cũng dần hội nhập với xu hướng toàn cầu hóa, họ cũng đã gần gũi với xe cộ, hay các thiết bị hiện đại khác.

Lúa của người Ê đê, mỗi năm chỉ canh tác một vụ, không giống với các vùng khác. Đó là vì khí hậu ở đây chỉ có hai mùa là mùa mưa và mùa khô. Người Ê đê trồng lúa vào mùa mưa, vì trồng ở trên đồi nên nếu trồng vào mùa khô thì sẽ không có nước tưới trong vòng 6 tháng và lúa cũng không thể phát triển được. Do đó, mảnh đất của họ chỉ trồng một vụ lúa và mảnh đất này sẽ bị bỏ hoang suốt thời gian còn lại.

Ở Tây Nguyên voi là loài vật to lớn và đặc trưng nhất. Nhưng không phải hộ gia đình nào cũng có đủ khả năng, điều kiện để nuôi voi. Vì để mua được một con voi người ta phải tốn rất nhiều trâu, bò để đổi… Thậm chí một con voi, nó ngang giá với cả mạng người, chẳng hạn chúng ta vô tình làm chết một mạng người của hộ gia đình A, thì lúc này gia đình A sẽ bắt ta đền lại một mạng người, nhưng thay vì đền một mạng người ta có thể thay thế bằng một con voi cho họ. Thông thường để mua voi phải cần đến hàng chục cặp trâu, cặp bò mới đổi được… Và một điều nữa đó là để nuôi một con voi phải tốn rất nhiều công sức vì nó ăn rất nhiều, có thể phải tốn một nhân công dùng nguyên ngày để chăm sóc nó. Do vậy, chỉ có hộ gia đình thực sự có điều kiện họ mới đủ khả năng nuôi voi.

Vì thế người Ê đê chủ yếu vẫn là chăn nuôi trâu, bò, gia súc, gia cầm, trồng các loại cây ngắn ngày cùng với các nghề thủ công gia đình phổ biến như nghề đan lát mây tre làm đồ gia dụng, nghề trồng bông dệt vải bằng khung dệt kiểu Inđônêdiêng cổ xưa để phục vụ sự tồn tại. Họ nuôi gia súc, gia cầm trong đó con trâu và con bò được người ta quan tâm đến và nuôi nhiều nhất. Song, người Ê đê nuôi trâu, bò mục đích không phải để lấy sức kéo như người Việt và các dân tộc ở miền núi phía bắc, mà người ta nuôi trâu để làm vật trao đổi ngang giá. Chẳng hạn ta muốn mua một cái chiêng hoặc cái ché (bình đựng rượu cần), nhưng cái ché này rất có giá trị vì là ché cổ thì đối với người Ê đê họ lấy đơn vị là một, hai hoặc ba con trâu để định giá và trao đổi cái ché này.

Hình thức chăn nuôi trâu, bò,… khác với các vùng miền núi phía bắc, là họ thả rông. Vì đất đai ở Tây Nguyên khá trộng, có rừng, sông, suối. Người ta lấy cây khoanh rào lại vùng rừng đó rồi họ thả từng đàn trâu, bò trong cánh rừng rộng ấy để trâu, bò tự ăn, tự phát triển, sinh sôi, nảy nở trong đó, khi nào có dịp cần bắt trâu về để trao đổi thì họ mới bắt về. Đó là cách chăn nuôi theo truyền thống của người Ê đê. Nhưng cho đến nay thì phương thức chăn nuôi này cũng dần bị thu hẹp lại và rồi cũng sẽ mất đi, vì phần lớn rừng ở Tây Nguyên được giao cho các hộ gia đình. Và nếu trâu bò thả tự do vào cánh rừng ấy sẽ có hiện tượng mất trâu, mất bò và còn nhiều huống trạng khác xảy ra. Do vậy, bây giờ họ sẽ nuôi trâu bò bằng hình thức khoanh rào cây lại thành chuồng nhưng không có mái, gần nhà để nuôi trâu, bò.

Ngoài ra, với lợi thế nhiều rừng, nhiều suối, có hệ thống động thực vật đa dạng, người Ê đê vẫn vào rừng săn bắt động vật, hái rau, lượm quả. Cho nên cuộc sống mưu sinh của người Ê đê, phụ thuộc rất lớn vào địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, hệ thống động thực vật, từ đó mà tạo nên một văn hóa mưu sinh cực kì riêng khác. Cho đến nay họ đã quen với những cây trồng công nghiệp lâu năm như cà phê, hồ tiêu, điều, cao su,… Trên rẫy của người Ê đê cũng đa dạng hơn về cây trồng như Bông, thuốc lào, dưa, ớt,…

Qua đó chúng ta cũng nhận thấy người Ê đê chủ yếu sống vào nghề nông nghiệp theo hướng “tự cung tự cấp”. Hoạt động theo xu hướng nguyên thủy, họ chủ yếu là làm nương, làm rẫy và tiến hành săn bắt, hái lượm, đánh cá, đan lát, dệt vải… Ngoài ra, người Ê đê thì vẫn sản xuất theo hình thức luân canh, tức là bên cạnh những khu đất đang canh tác còn có những khu đất để hoang để phục hồi sự màu mỡ.

Neu một số nét văn hóa dân tộc ê đê năm 2024
Vẻ đẹp Tây Nguyên. Tranh của họa sĩ Nguyễn Văn Chung

Thứ hai: Khí hậu, địa hình, hệ thống động thực vật ảnh hưởng đến ảnh hưởng đến văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể.

Người Ê đê nguồn gốc xuất phát từ biển. Mặc dù khi đã di cư vào miền Trung của Việt Nam rồi di chuyển lên vùng cao Tây Nguyên nhưng nét văn hóa đặc sắc của người Ê đê vẫn đậm rõ với hình ảnh con thuyền và bến nước. Xưa kia, trước khi lập một buôn, các tộc người Êđê thường cử người có uy tín (thường là người bà đứng đầu dòng họ) đi tìm bến nước. Và bến nước phải đạt được những yêu cầu cơ bản: Có nguồn nước sạch dồi dào không bao giờ cạn; có khu đất cao ráo bằng phẳng; có khu đất màu mỡ để làm nương rẫy; có khu rừng nguyên sinh gắn với bến nước để làm nguồn sống; có khoảnh đất phía tây buôn làng để làm khu nhà mồ. Nếu hội đủ các yếu tố trên thì bà trưởng họ sẽ nói con cháu đến vùng đất này để lập buôn. Tên buôn thường mang tên người tìm ra bến nước. Theo phong tục của người Êđê, người tìm ra bến nước được gọi là chủ bến nước (Pô Pin Êa), đồng thời là chủ đất, chủ buôn. Chủ bến nước mang tính gia truyền. Nếu bà chủ bến nước qua đời thì con gái út sẽ thay mẹ tiếp quản, rồi tiếp đến cháu, chắt là nữ thuộc họ mẹ kế tục làm chủ bến nước. Theo tập quán, hằng năm sau mùa rẫy, các buôn làng Êđê thường làm vệ sinh bến nước, thay lại máng nước và tổ chức lễ cúng bến nước để tạ ơn thần linh; thông qua đó mà giáo dục con cháu ý thức bảo vệ rừng, đất đai, nguồn nước.

Nhà sàn của người Ê đê được thiết kế với hình dáng con thuyền dài, cửa chính mở phía trái nhà và cửa sổ được mở ở phía hông, phần bên trong nhà sẽ có một trần gỗ hình vòm giống với mũi thuyền. Sàn nhà của người Ê đê là sàn thấp, không cao như nhà sàn của người Thái, người Mường,… Không gian bên trong rộng, thoáng mát, để được nhiều đồ và thoải mái sinh hoạt của một hộ gia đình. Nguyên liệu chính để dựng nên một ngôi nhà của người Ê đê là gỗ hoặc tre, lồ ô, tranh… Với người Ê đê, họ rất quý cây rừng, cho nên trong quy định tập quán của họ là không được chặt những cây to khi chưa được sự cho phép của làng hoặc gây cháy rừng sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc, và tội làm cháy làng là tội rất lớn, ngày xưa họ sẽ bắt làm nô lệ. Do vậy, cây và rừng được người Ê đê bảo vệ một cách tôn nghiêm. Cũng vì vậy ngôi nhà của người Ê đê được dựng theo ý hướng rất quan trọng mà từ đó đã đem lại sự khác biệt mà không dân tộc nào có. Đã từ lâu nhà dài Tây Nguyên trở thành một nét văn hóa vật thể rất đặc biệt, khi nhắc đến người Ê đê thì chúng ta có thể hình dung ngay đến.

Người Ê đê có kho tàng văn học truyền miệng phong phú như: thần thoại, cổ tích, ca dao, tục ngữ, đặc biệt là các Khan (trường ca, sử thi) nổi tiếng như: Khan Đam San, Khan Đam Kteh M’lan… Người Ê đê là dân tộc yêu ca hát, thích tấu nhạc. Họ có nhiều nhạc cụ riêng biệt, họ chế tác nhạc cụ đa dạng từ nguồn nguyên liệu có sẵn. Nhạc cụ của người Ê đê vừa trang nhã ở diện mạo, vừa vang dội những âm thanh trong vắt, mang rõ âm thanh của rừng, núi, sông, suối, thiên nhiên. Người Ê đê có cồng chiêng và nhiều nhạc cụ từ tre, nứa, từ vỏ bầu khô, từ đá,…

Họ tận dụng được nguồn thực vật sinh trưởng tại vùng đất của họ, để đến bây giờ nền âm nhạc của người Ê đê nổi tiếng hơn với bộ cồng chiêng gồm 6 chiêng bằng, 3 chiêng núm, một chiêng giữ nhịp và một trống cái mặt da. Không có một lễ hội nào, một sinh hoạt văn hoá nào của cộng đồng lại có thể vắng mặt tiếng cồng chiêng. Cồng chiêng được coi là vật thiêng nhất, có giá trị nhất trong mỗi gia đình, dòng họ và mỗi thành viên trong cộng đồng. Bên cạnh đó họ còn có bộ ching Kram (chiêng tre), mỗi bộ gồng có 7 thanh tre được chế tác dài ngắn khác nhau theo thang âm của dàn chiêng Knah để diễn tấu trong các nghi lễ – lễ hội. Cồng chiêng đi suốt vòng đời của mỗi con người, từ khi cất tiếng khóc chào đời cho đến lúc trưởng thành sinh con đẻ cái và cuối cùng trở về với thế giới của tổ tiên, ông bà. Nó chia sẻ nỗi buồn và niềm vui của mọi gia đình trong cộng đồng.

Bên cạnh cồng chiêng người Ê đê còn sở hữu các loại nhạc cụ như kèn Đing Năm, Bro, Trống, Tù Và, đàn T’rưng, đàn đá,… Và những nhạc cụ ấy đã trở thành cái đẹp đặc sắc trong mắt những du thực khách khi tham gia trong các lễ hội, nghi lễ của người Ê đê.

Trong đời sống tâm linh, như nhiều dân tộc khác ở Tây Nguyên, người Ê đê coi Giàng (Trời) là đấng thần linh tối cao và coi các sự vật, hiện tượng thiên nhiên có vị thần riêng như: thần mưa, thần núi, thần sông, thần rừng… và theo quan niệm của họ, mỗi vật từ cỏ cây đến ngôi nhà, những chiếc cồng, chiếc ché… đều có hồn ở bên trong. Ông Nguyễn Trụ, nhà nghiên cứu văn hoá Tây Nguyên, cho rằng: “Chính những điều kiện tự nhiên, những dòng sông, ngọn núi ấy đã tạo nên nền văn hoá của người Ê đê. Đó cũng là cách để người Ê đê nhớ ơn tổ tiên, núi rừng, nhớ ơn vì những gì họ đang có, những gì đã tạo nên nên cuộc sống ngày hôm nay. Bởi vậy ngay cả những bản tấu cồng, chiêng cũng mang âm hưởng hướng về núi rừng, hướng về sông suối…”

Cũng một phần vì nét văn hóa truyền thống và một phần do khí hậu thay đổi khiến cho mùa màng không được như ý muốn. Tại nhiều lễ hội, nghi lễ, nét đẹp văn hóa truyền thống như: Lễ đâm trâu, lễ cúng nhà mới, lễ cúng vòng đời, lễ trưởng thành,… bà con người Ê đê cũng cầu xin mưa thuận, gió hòa, cầu đừng khô hạn, cầu mùa màng bội thu,… Người Ê đê cũng sử dụng các con vật, những sản vật họ làm ra để cúng bái, hiến sinh trong những ngày lễ hội. Như ở Lễ đâm trâu thì trâu được dùng làm vật hiến sinh vì trâu là loài vật nuôi lớn nhất và phổ biến nhất trong các hộ gia đình của người Ê đê. Do đó, khi hiến sinh cho các vị thần linh phải hiến con vật to nhất, có giá trị nhất.

Người ê Ðê ăn tết vào tháng chạp (tháng 12 âl) khi mùa màng đã thu hoạch xong. Sau tết ăn mừng cơm mới (hmạ ngắt) rồi mới đến tết (mnăm thun) ăn mừng vụ mùa bội thu. Ðó là tết lớn nhất, nhà giàu họ mổ trâu, bò để cúng thần lúa; nhà khác thì mổ lợn gà. Vị thần lớn nhất là đấng sáng tạo Aê Ðiê và Aê Ðu rồi đến thần đất (Yang lăn), thần lúa (Yang mđiê) và các thần linh khác. Các vị thần nông được coi là phúc thần. Sấm, sét, giông bão, lũ lụt và ma quái được coi là ác thần. Nghi lễ theo đuổi cả đời người và lễ cầu phúc, lễ mừng sức khoẻ cho từng cá nhân. Ai tổ chức được nhiều nghi lễ này và nhất là những nghi lễ lớn hiến sinh bằng nhiều trâu, bò, ché quý,… (vò ủ rượu cần) thì người đó càng được dân làng kính nể.

Đa phần những lễ hội của người Ê đê đều liên quan đến mùa vụ cây trồng, thời điểm thu hoạch. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu sẽ dẫn tới hiện tượng thời tiết thay đổi, hạn hán kéo dài, nhiệt độ tăng. Nhiều loại cây trồng sẽ không phù hợp với điều kiện thay đổi đó. Mùa vụ hiện tại cũng không còn phù hợp. Do đó, các giống cây trồng, mùa vụ gieo trồng phải thay đổi đề thích nghi với sự thay đổi của thời tiết. Họ vẫn cầu xin thần linh, nhưng hiện thực vẫn là hiện thực, và họ cũng phải chấp nhận những hệ quả là các phong tục, tập quán, lễ hội biến đổi. Cùng với sự mai một truyền thống ảnh hưởng từ những cộng đồng người khác từ miền ngoài di dân vào đi làm kinh tế mới và định cư, thì văn hóa của người Ê đê cũng bị pha trộn vào những dân tộc khác. Chẳng hạn nhà cửa hay cách ăn, ở, đi lại đã dần hòa lẫn với văn hóa người Việt sinh sống ở Tây Nguyên.

Những ảnh hưởng của các điều kiện tự nhiên (địa hình, khí hậu, đất đai, sông ngòi, động, thực vật…) đến các thành tố văn hóa truyền thống (Văn hóa mưu sinh; văn hóa vật thể; văn hóa phi vật thể) của dân tộc Ê đê là rất lớn. Không những mở tạo được nhiều điều riêng khác mang rõ đặc trưng dân tộc mà còn giúp họ sở hữu một nền văn hóa đa dạng, đặc sắc từ việc sinh hoạt đến mưu sinh,… Các thành tố văn hóa vật thể và phi vật thể cũng trở thành sự quan tâm của nhiều cá nhân hay tổ chức trong nước hoặc nước. Ngoài ra điều kiện tự nhiên cũng khiến cho nhiều thứ bị trì trệ, bị biến đổi dần theo thời gian và qua sự tiếp cận môi trường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.