Ngày tết là gì

Ý nghĩa Tết Nguyên đán vô cùng thiêng liêng và quan trọng, thế nhưng dường như không phải ai cũng biết những ý nghĩa thật sự của Tết Nguyên đán. Do đó, Vietjet sẽ giới thiệu thật cụ thể, chi tiết về những thông tin đó để giúp mọi người sẽ có ngày Tết thật vui vẻ, ấm áp và tràn ngập niềm vui, hạnh phúc bên cạnh những người thân yêu của mình.

Ngày tết là gì

Giới thiệu về Tết Nguyên đán

Tết Nguyên đán hay còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền, Tết năm mới…là dịp lễ lớn, quan trọng nhất của dân tộc Việt Nam, hòa cùng với văn hóa Tết âm lịch của các nước phương Đông và cũng chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc.

Nguyên nghĩa của “Tết” chính là “tiết”, còn hai chữ “nguyên đán” có gốc chữ Hán, “nguyên” có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai còn “đán” là buổi sáng sớm. Cho nên đọc đúng phiên âm phải là “ Tiết Nguyên đán”.

Do cách tính của Âm lịch Việt Nam có khác với Trung Quốc cho nên Tết Nguyên đán của người Việt Nam không hoàn toàn trùng với Tết của người Trung Quốc. Vì Âm lịch là lịch theo chu kỳ vận hành của Mặt Trăng nên Tết Nguyên đán thường đến muộn hơn Tết Dương lịch. Do quy luật 3 năm nhuận 1 tháng của Âm lịch nên ngày đầu năm của Tết Nguyên đán không bao giờ trước ngày 21/1 Dương lịch và sau ngày 19/2 Dương lịch mà thường rơi vào khoảng cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 Dương lịch. Toàn bộ dịp Tết Nguyên đán hàng năm thường kéo dài từ 7-8 ngày cuối năm cũ và 7 ngày của đầu năm mới (tức là từ 23 tháng Chạp – hết mùng 7 tháng Giêng).

Những ý nghĩa của ngày Tết Nguyên đán rất đỗi nhân văn và sâu sắc

Tết Nguyên đán là dịp lễ lớn, quan trọng của người Việt Nam từ trước đến nay nên đây được xem là khoảng thời gian vui nhất, nhộn nhịp và ấm áp nhất trong 1 năm.

Ngày tết là gì

Chính vì Tết Nguyên đán là một dịp quan trọng cho sự khởi đầu, cho biết bao niềm tin yêu, sự may mắn cùng với những mong ước, cầu nguyện chân thành nên ngày Tết Nguyên đán mang rất nhiều ý nghĩa nhân văn và sâu sắc hơn so với những ngày lễ khác trong năm.

Tết Nguyên đán là ngày giao hòa giữa trời đất, con người và thần linh

Tết được xem là một ngày tốt đẹp nên một trong những ý nghĩa Tết Nguyên đán chính là dịp giao hòa giữa trời đất, con người với thần linh. Do đó, nhiều người tin tưởng rằng những ý nghĩa, mong ước hay hành động của mình sẽ được tất cả các vị chư thần nghe thấy, thấu hiểu và ban phước lành cho bản thân cũng như gia đình mình. Bởi vì thế, cho nên trong dịp Tết Nguyên đán người ta thường làm rất nhiều việc thiện như tặng quần áo mới, chia sẻ miếng ăn, giúp đỡ người nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn…

Tết Nguyên đán là ngày sum họp đoàn viên, yêu thương hòa thuận

Tết Âm lịch luôn là một trong những dịp có kỳ nghỉ dài nhất trong năm, vì vậy mọi người thường tạm gác công việc của mình để về quê thăm gia đình cũng như sum họp, quây quần bên nhau sau những khoảng thời gian dài xa cách vì manh cơm miếng áo hay guồng quay bon chen, vất vả của cuộc sống thường nhật. Những khoảnh khắc đoàn viên trong gia đình thật quý báu và thiêng liêng làm cho ý nghĩa Tết Nguyên đán trở nên hạnh phúc biết dường nào!

Không những vậy, ngày Tết Nguyên đán còn là dịp để mọi người cũng nhau thể hiện sự yêu thương hòa thuận, quan tâm, che chở lẫn nhau và cùng nhau gửi những lời chúc chân thành, tốt đẹp nhất dành cho nhau. Và dĩ nhiên, vào những ngày Tết ấm áp như thế, người lớn lẫn trẻ em đều hạn chế những hiềm khích, cãi vã nhau để tạo nên một không gian hòa thuận, gần gũi trọn vẹn nhất. Bước sang một năm mới thì đồng nghĩa mọi thứ cũng trở nên mới mẻ hơn vì thế mà những mâu thuẫn nên bỏ qua hết và thay bằng lời yêu thương, ấm lòng để trao nhau sự thân thiện, chan hòa.

Tết Nguyên đán là hướng về cội nguồn và sự tạ ơn

Không chỉ riêng gì Tết Nguyên đán mà dường như trong năm luôn có những ngày lễ tạ ơn tổ tiên và hướng về cội nguồn như ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3…Nhưng theo phong tục tập quán của dân tộc ta, trước khi Tết đến vào những ngày cuối năm thì nhà nhà người người đều có tập tục là đi tảo mộ người quá cố. Rồi trong đêm giao thừa, trên bàn thờ ông bà tổ tiên luôn nghi ngút khói hương để thể hiện sự biết ơn của con cháu dành cho những người đã mất. Đặc biệt, trong những ngày Tết Nguyên đán, bàn thờ lúc nào cũng đầy ắp mứt trái cây, bánh, hoa quả để tỏ lòng kính yêu, đạo hiếu vốn có từ xa xưa của dân tộc ta.

Tết Nguyên đán cũng chính là ngày rước tài lộc

Một ý nghĩa Tết Nguyên đán mà ít ai biết, đó chính là ngày rước tài lộc. Bởi nhiều người quan niệm rằng Tết đến cũng là ngày ông Thần Tài gõ cửa từng nhà để ban tiền tài, sự thịnh vượng và sung túc. Vì vậy, mọi người luôn luôn tranh thủ trong dịp này để mở rộng cổng nhà chào đón rước tài lộc vào nhà, cũng như rước những điều may mắn tốt đẹp giàu có nhất từ ông Thần Tài. Đa số nhiều gia đình thường mở cửa suốt cả ngày để chào đón niềm vui, sự phấn khởi cùng những hy vọng về tiền tài luôn đầy ắp.

Ngày tết là gì

Tết Nguyên đán là ngày may mắn, lạc quan và hy vọng, khởi nghiệp cho năm mới

Rất nhiều người cho rằng: những ngày đầu năm mới là ngày may mắn, tốt đẹp và sự may mắn ấy luôn hòa quyện trên sắc thắm của cánh hoa đào, rực rỡ màu vàng của hoa mai hay những chiếc lá non xanh hoặc trong những mâm ngũ quả. Vì vậy, rất nhiều người khi đi hái lộc trong đêm giao thừa thường ngắt một vài cành hoa tươi mang về nhà với hy vọng thu thập được nhiều may mắn của mùa xuân.

Người Việt Nam ta còn tin rằng ý nghĩa Tết Nguyên đán chính là khởi đầu cho một năm mới, là ngày lạc quan và hy vọng với nhiều niềm tin, đổi mới đồng thời tạm biệt những quá khứ của năm cũ. Và gắn với ý nghĩa Tết Nguyên đán đặc biệt này người ta thường tân trang lại nhà cửa cho thật sạch đẹp,ngăn nắp mới mẻ để chào đón những cái mới của năm mới. Những gì không may mắn, thuận lợi của năm cũ sẽ được xua đuổi đi để chào đón lạc quan, hy vọng mới mẻ sẽ đến.

Ngày Tết Nguyên đán thường đánh dấu sự khởi đầu cho một năm dài với những cơ hội, thử thách và sự vận hành mới. Do đó, nhiều người thường đi xem ngày tốt, giờ lành để khởi nghiệp, khai trương cho công việc của năm mới với hy vọng, mong muốn sẽ gặp nhiều thuận lợi, may mắn và thành công hơn năm cũ. Do đó, ý nghĩa Tết Nguyên đán cực kỳ quan trọng khi là sự khởi đầu, khởi nghiệp cho một năm mới.

Tết Nguyên Đán còn là ngày cầu duyên

Trong suy nghĩ của rất nhiều người, ngày Tết cũng chính là ngày ông Tơ bà Nguyệt, ông Mai bà Mối sẽ se duyên cho những người còn đang độc thân, lận đận trong chuyện tình cảm. Bởi thế mà ngày Tết luôn là ngày ngày cầu duyên, nên duyên và đẹp đôi tại nhiều nơi, nên những bài hát nhạc đám cưới cứ tưng bừng rộn rã vang lên cùng với những bài chào đón mùa xuân rất sôi động, náo nhiệt.

Ngày tết là gì

Hy vọng với những thông tin đã chia sẻ về ý nghĩa Tết Nguyên đán thì bạn sẽ có những giây phút thật ấm cúng, hạnh phúc và luôn tràn ngập niềm vui bên cạnh những người thân yêu của mình trong dịp Tết cổ truyền 2018 sắp tới.

Đặt vé máy bay giá rẻ tại Vietjetonline.com

Nếu bạn không có nhiều thời gian hoặc còn phải làm nhiều việc khác thì hãy để thao tác săn vé máy bay giá rẻ, vé máy bay khuyến mãi cho đội booker chuyên nghiệp. Chúng tôi luôn nỗ lực làm hài lòng khách hàng bằng việc theo dõi sát sao giá vé máy bay khuyến mãi từng thời điểm. Khi canh được vé máy bay giá rẻ, booker sẽ chủ động nhắn tin, gọi điện hoặc Zalo / Viber cho bạn để nhanh chóng quyết định đặt vé máy bay. Hãy liên hệ tổng đài để được phục vụ. Chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của bạn luôn là điều chúng tôi phấn đấu : cần là có – tìm là thấy.

Đặc biệt, thời điểm này chúng tôi cũng đã bắt đầu mở bán vé máy bay Tết. Nhanh tay đặt vé sớm để sở hữu cho mình tấm vé máy bay giá rẻ về thăm quê nhà trong dịp Tết nguyên đán sắp tới nhé.

Tết là gì mà từ trẻ đến già ai cũng mong đến Tết? Ngày tết có ý nghĩa như thế nào? Tại sao lại có tết Tây? tết Ta? Tại sao Tết Dương lịch chỉ được nghỉ có 1-2 ngày còn Tết Âm lịch được nghỉ đến 6-7 ngày? Có bao nhiêu nước ăn tết Ta?

Tết là gì?

Tết là ngày đầu năm âm lịch – tức là ngày 1 tháng 1 âm lịch. Ngày xưa, người Việt dùng âm lịch, chứ không dùng lịch như ngày nay ta dùng, hay là dương lịch.

Tết là ngày lễ lớn nhất trong năm của người Việt. Ít nhất cũng được vui chơi ba ngày – tức là ngày mùng 1-2-3 (nên thường gọi là ba ngày tết).

Ngày tết là gì
Tết là gì

Trong ba ngày tết, mọi công việc đều được tạm ngưng để tất cả mọi người dù giàu hay nghèo, vui chơi, thăm viếng lẫn nhau. Vì thế, trong tháng chạp (12), mọi người đã chuẩn bị thức ăn cho ngày tết, không chỉ riêng gia đình mà phải nhiều hơn để tiếp đãi khách. Ngày tết, đi đến nhà nào cũng được chủ mời ăn, do đó chúng ta luôn nói là “ăn tết”.

Có những món ăn mà chỉ ngày tết mới dùng tới (ngày thường trong năm ít khi ăn) như là bánh chưng, bánh tét, mứt, dưa món, thịt đông, củ kiệu, củ hành ngâm….

Tết Nguyên Đán là khâu đầu tiên và quan trọng nhất trong hệ thống lễ hội Việt Nam.Chữ Nguyên có nghĩa là bắt đầu, chữ Đán có nghĩa là buổi ban mai, là khởi điểm của một Năm mới. Tết cũng là dịp để gia đình, họ hàng, làng xóm, người thân xa gần sum họp, đoàn tụ thăm hỏi, cầu chúc nhau và tưởng nhớ, tri ân ông bà tổ tiên.

Thế tại sao lại gọi là Tết?

Tết là do xuất xứ từ “Tiết” (thời tiết) thuận theo sự vận hành của vũ trụ, biểu hiện ở sự chu chuyển lần lượt các mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông, điều đó có ý nghĩa rất đặc biệt đối với một nước thuần nông như nước ta.

Ngày tết là gì

Theo tín ngưỡng dân gian, bắt đầu từ quan niệm “Ơn trời mưa nắng phải thì” người nông dân còn cho đây là dịp để tưởng nhớ các vị thần linh có liên quan đến nông nghiệp như thần Đất, thần Mưa, thần Sấm, thần Nước… Người nông dân cũng không quên ơn các loài vật đã cùng họ sớm hôm vất vả như trâu, bò, gia súc, gia cầm và các loại cây lương thực, thực phẩm đã nuôi sống họ.

Tết của ta có trùng với Tết của Trung Quốc và các nước theo Âm lịch của Trung Quốc hay không không?

– Tết Nguyên đán được người Trung Hoa hiện nay gọi là “Xuân Tiết” hoặc “Nông lịch tân niên” , và vẫn là tết cổ truyền của họ. Theo lịch sử Trung Quốc, nguồn gốc Tết Nguyên Đán có từ đời Tam Hoàng Ngũ Đế và thay đổi theo từng thời kỳ. Đời Tam đại, nhà Hạ chuộng màu đen nên chọn tháng giêng, tức tháng Dần. Nhà Thương thích màu trắng nên lấy tháng Sửu, tức tháng chạp, làm tháng đầu năm. Nhà Chu ưa sắc đỏ nên chọn tháng Tý, tức tháng mười một, làm tháng Tết.Các vua chúa nói trên quan niệm về ngày giờ “tạo thiên lập địa” như sau: giờ Tý thì có trời, giờ Sửu thì có đất, giờ Dần sinh loài người nên đặt ra ngày tết khác nhau. Đời Đông Chu, Khổng Tử đổi ngày Tết vào một tháng nhất định là tháng Dần. Đời nhà Tần (thế kỷ 3 TCN), Tần Thủy Hoàng lại đổi qua tháng Hợi, tức tháng mười. Đến thời nhà Hán, Hán Vũ Đế (140 TCN) lại đặt ngày Tết vào tháng Dần, tức tháng giêng. Từ đó về sau, không còn triều đại nào thay đổi về tháng Tết nữa.

Trước năm 1967, Việt Nam lấy múi giờ Bắc Kinh làm chuẩn cho âm lịch. Ngày 8 tháng 8 năm 1967, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành đổi lịch dùng múi giờ GMT+7 làm chuẩn. Vì thế tùy từng năm mà Tết của ta chênh lệch từ 1-2 ngày đến nhiều ngày so với Tết ở Trung Quốc và một số nước ăn Tết theo Âm lịch.

Có bao nhiêu quốc gia hay lãnh thổ ăn Tết theo Âm lịch?

Tết Nguyên đán thực ra chỉ có ở Việt Nam, Trung Hoa và các lãnh thổ có đông người Trung Quốc. Tuy nhiên việc ăn Tết theo Âm lịch thì có khá nhiều nước. Các quốc gia và lãnh thổ có truyền thống Tết Âm lịch là:

1 – Trung Quốc;

2 -Việt Nam;

3 – Hong Kong (TQ);

4 – Đài Loan (TQ); 5- Nhật Bản (trước 1868)

6 – Lào (đầu tiên Tết Lào được tổ chức vào ngày đầu tiên của tháng Giêng, tuy nhiên, thời điểm đó vào mùa đông, không thích hợp cho phong tục té nước nên ngày này đã được chuyển sang thời điểm nóng nhất trong năm)

7 – Campuchia (do giao thoa về văn hóa và dân cư khiến có thêm một số ngày lễ như Tết Việt Nam và Trung Quốc )

8 – Thái Lan (Người Thái Lan gọi ngày Tết cổ truyền mừng năm mới là Songkran, ngày Tết được tổ chức từ ngày 13-15/4 để đón năm mới)

9 – Hàn Quốc – Triều Tiên (Tết âm lịch cổ truyền cũng được tính từ thời khắc giao thừa của năm cũ âm lịch) Tết Seollah bắt đầu từ ngày 1.1 hằng năm theo âm lịch và thường kéo dài trong 3 ngày. Tết Seollah là dịp nghỉ lễ quan trọng nhất đối với người dân xứ sở kim chi. Tết âm lịch cổ truyền hiện vẫn là tết chính và là đại lễ long trọng nhất trong năm âm lịch cổ truyền của Hàn Quốc, Triều Tiên);

10 – Singapore (người Singapore rất coi trọng việc vui đón Tết Nguyên đán Âm lịch cổ truyền, vì gần 80% dân số của quốc đảo Sư tử này là người Hoa hoặc liên quan đến gốc Hoa)

11 – Mông Cổ (ở Mông Cổ, một ngày trước năm mới được gọi là Bituun, tức giống như ngày 30 tháng Chạp của ta)

12 – Ấn Độ (tết ở Ấn Độ – lễ hội Holi – vào ngày 15 tháng Hai âm lịch. Nhà nào, làng nào cũng dự trữ củi, rơm rạ… để đốt những đống lửa từ đêm giao thừa 14 tháng Hai)

13 – Bhutan (Trong dịp Tết âm lịch ở Bhutan, người ta mặc quần áo theo truyền thống. Vui nhất của năm mới ở Bhutan là các cuộc thi bắn cung được tổ chức trên cả nước).

Còn lại những quốc gia khác ở châu Á hay trên thế giới cũng biết Tết Nguyên Đán nhưng không xem Tết Nguyên Đán là một dịp lễ hội trọng đại như Philippines, Indonesia, Ấn Độ, Malaysia … Trong số 10 quốc gia chính trên, thì Trung Quốc và Việt Nam là 2 quốc gia có truyền thống mừng Tết Nguyên Đán lâu đời nhất và xem Tết Nguyên Đán là một lễ hội cực kỳ trọng đại trong năm!

Tại sao lại còn có Lễ Giao thừa?

Ngày Tất niên có thể là ngày 30 tháng Chạp (nếu là năm đủ) hoặc 29 tháng Chạp (nếu là năm thiếu). Đây là ngày gia đình sum họp lại với nhau để ăn cơm buổi tất niên. Buổi tối ngày này, người ta làm cỗ cúng tất niên. Giữa ngày 30 (hoặc 29) tháng Chạp và ngày mồng 1 tháng Giêng, giờ Tý (từ 23 giờ hôm trước đến 1 giờ hôm sau), trong đó, thời điểm bắt đầu giờ Chính Tý (0 giờ 0 phút 0 giây ngày Mồng 1 tháng Giêng) là thời khắc quan trọng nhất của dịp Tết, đánh dấu sự chuyển giao năm cũ và năm mới, được gọi là Giao thừa.

Để ghi nhận thời khắc này, người ta thuờng làm hai mâm cỗ. Một mâm cúng gia tiên tại bàn thờ ở trong nhà mình và một mâm cúng thiên địa ở khoảng sân trước nhà. Một số cộng đồng lấy con hổ là vật thờ thì gọi là cúng Ông Ba Mươi.

Một số cộng đồng khác thì có một phần cỗ dành để cúng chúng sinh, cúng những cô hồn lang thang, không nơi nương tựa. Giao thừa là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Trong thời khắc giao thừa mọi người trong gia đình thường dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Dịp này, người ta thường bắn pháo hoa ở những địa điểm rộng rãi, thoáng mát. Cúng Giao thừa (hay lễ Trừ tịch): là lễ cúng để đem bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ sắp qua để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến. Theo tục lệ cổ truyền thì Giao thừa được tổ chức nhằm đón các Thiên binh. Lúc đó họ đi thị sát dưới hạ giới, rất vội không kịp vào tận bên trong nhà được, nên bàn cúng thường được đặt ở ngoài cửa chính mỗi nhà.

Giao thừa là thời khắc thiêng liêng của năm, khi mà năm cũ ủ rũ ra đi và năm mới rộn ràng bước tới. Một điều không thể thiếu trong lễ Giao thừa trước đây, mà nay đã bị cấm, đó là đốt pháo đón giao thừa. Theo dân gian truyền lại, tiếng pháo là để xua đuổi ma quỷ của năm cũ. Cảm xúc đốt một bánh pháo dài , khói thuốc pháo thơm nồng tràn đầy trong phổ và con mèo chạy tọt vào gầm giường vì sợ là những ký ức không bao giờ phai của người Việt Nam về cái Tết của một thời xa xưa…

Tục trang hoàng nhà cửa

Ðể chào đón năm mới, mọi gia đình đều dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, ngăn nắp, và trang hoàng lại căn nhà của mình cho thật đẹp. Có nhiều gia đình còn sơn mới nhà, cửa. Các đồ dùng như bàn, ghế để tiếp khách, tủ thờ, tủ trong phòng khách đều được lau chùi cho sạch bụi. Các chân đèn, lư hương trên bàn thờ đều được chùi cho thật bóng. Trên tường được treo, dán những loại tranh tết. Trong nhà hoặc ở sân trước được chưng các loại hoa có màu sắc rực rỡ tươi sang như cúc vàng, vạn thọ, thược dược, hoặc cây quất (tắc) với những chum trái vàng tươi. Đặc biệt có hai loài hoa chỉ tết mới nở đó là mai vàng ở miền Nam và đào hồng, đỏ ở miền Bắc.

Ngoài hoa, còn có chưng trái cây, xếp thành một dĩa lớn. Bên cạnh những trái cây thường có như chuối, cam, bưởi, quit, người ta còn chưng một dĩa gồm mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, hay sung, và hai trái dưa hấu thật đều.

Không chỉ trang hoàng làm đẹp nhà cửa mà con người cũng được làm đẹp. Ngày tết ai cũng ăn mặc quần áo mới, đẹp để tiếp khách hay đi ra đường.

Ngày nay, người Việt dù sống ở nước ngoài vẫn giữ tục lệ này.

Tục cúng ông Táo

Ông Táo là thần bếp, được Trời (hay Thượng đế) giao trách nhiệm theo dõi tất cả những việc xảy ra trong nhà. Hằng năm, ngày 23 tháng chạp ông Táo phải lên trời để trình cho Thượng Ðế các việc ghi nhận để Thượng Ðế xét thưởng hay phạt gia chủ. Vào ngày 23 tháng chạp, nhà nào cũng quét dọn bếp sạch sẽ và làm lễ cúng tiễn ông Táo về trời, nhờ ông báo cáo điều tốt để Trời cho gia đình được bình an, may mắn trong năm tới. Theo lệ, lễ cúng ông Táo được đặt trong bếp, và phải có một con cá chép vì tục truyền rằng ông Táo cỡi cá chép để về trời.

Cách bày mâm cỗ cúng Ông Công Ông Táo ngày 23 tháng Chạp

Ngày nay, tuy không còn lò bếp như xưa, nhưng người Việt vẫn giữ tục lệ này. Ngay cả những người Việt sống ở hải ngoại, nhiều gia đình vẫn cúng ông Táo vào đúng ngày 23 tháng chạp.

Các tờ báo, tạp chí, cuối năm đều có thông lệ viết một bài báo cáo mọi việc trong năm, gọi là sớ Táo quân. Các buổi liên hoan hay văn nghệ mừng xuân, người ta vẫn thường biểu diễn cảnh ông Táo về thiên đình kể chuyện dân gian cho Thượng Ðế nghe.

Cách làm mâm cỗ cúng và bài văn khấn Ông Công Ông Táo 23 tháng Chạp

Tục chúc tết

Chúc tết hay mừng tuổi là nói những lời cầu mong tốt lành cho người khác trong những ngày đầu năm. Trong gia đình, sáng mồng một thì con cái chúc tết cho cha mẹ và ông bà (nếu cùng sống chung). Con cháu mà chưa có gia đình thì cũng được ông bà, cha mẹ chúc lại và cho một món tiền đựng trong một phong bì đỏ gọi là lì xì. Tiền lì xì thường là những tờ giấy bạc còn mới.

Trong ba ngày đầu năm, hay còn gọi là ba ngày tết, người ta đi đến nhà bà con, bạn bè, để chúc những điều tốt lành cho năm mới. Ngay cả với những người mới gặp cũng vẫn vui vẻ và chân thành chúc nhau. Khi có người quen đến nhà chúc tết thì chủ nhà phải tiếp đãi vui vẻ, thân mật và đãi ăn uống. Tục lệ này nói lên sự quan tâm và tình thân giữa con người với nhau, dù là thân hay sơ. Ngày nay, tuy sống ở nước ngoài, người Việt vẫn giữ tục lệ đáng yêu này.

Mồng một thì tết nhà cha,

Mồng hai nhà vợ, mồng ba nhà thầy.

(nghĩa là ngày mồng một về chúc tết cha mẹ hay là bên nội, ngày mồng hai về chúc tết cha mẹ vợ hay là bên ngoại; còn ngày mồng ba thì phải đi chúc tết thầy giáo).

Tục cúng tết

Tết là một thời gian thiêng liêng trong đời sống người Việt. Ðó là dịp đoàn tụ gia đình, cả người sống lẫn người đã chết. Những người đi làm, đi học xa quê hương, xa gia đình đều tìm đủ mọi cách để về ăn tết với cha mẹ, với gia đình.

Chiều ba mươi tết (hoặc ngày 29, nếu tháng chạp thiếu), người ta cúng để mời linh hồn tổ tiên và những người thân đã mất về ăn tết cùng con cháu. Ðúng giữa đêm trừ tịch, lúc chuyển từ năm cũ sang năm mới thì cúng giao thừa để tiễn năm cũ và đón năm mới. Lễ cúng này được bày ngoài trời hay trước cửa ra vào để cúng trời đất, cầu xin bình an may mắn. Thông thường, đúng giờ giao thừa thì các chùa đều gióng chuông báo hiệu, và rồi mọi nhà đều đốt pháo. Ðến ngày mồng ba thì cúng đưa tức tiễn đưa linh hồn những người mà ta đã mời về ăn tết chung. Về mặt nghi lễ, ngày tết đến đây là chấm dứt. Ở nước ngoài, nhiều gia đình Việt vẫn còn giữ tục lệ này, chỉ không thể đốt pháo mà thôi.

Tục biếu tết

Biếu tết là tặng quà cho người khác ăn tết. Ðây là dịp để nhớ ơn những người đã từng giúp mình, để tỏ lòng yêu kính đối với người trên, tỏ lòng quan tâm thương mến với họ hàng, bạn bè. Thông thường thì:

– bà con thân thiết biếu tết lẫn nhau

– con rể, con dâu biếu tết cha mẹ vợ/chồng

– học trò biếu tết thầy cô

– bạn bè biếu tết lẫn nhau

– con nợ biếu tết chủ nợ

– bệnh nhân biếu tết thầy thuốc

Việc biếu tết thể hiện tấm lòng biết ơn, hoặc yêu thương chân thành, hoặc quan tâm thương mến, nên rất đáng quý. Ngày nay, chúng ta vẫn còn giữ tục này. Tuy nhiên, đừng lợi dụng việc biếu tết này để hối lộ, mua chuộc.

Tục xuất hành

Xuất hành là lần đi ra khỏi nhà đầu tiên trong năm mới. Người ta tin rằng hướng đi này sẽ có ảnh hưởng tới tương lai của mỗi người trong năm sắp tới. Cho nên, theo tuổi tác của mình, mỗi người xem sách lịch do những nhà bói toán viết ra để chọn hướng đi và giờ bắt đầu cho thích hợp. Tục lệ này có vẻ hoang đường, ngày nay nhiều người không còn tin theo. Hơn nữa, cửa nhà và đường sá ngày nay được xây dựng theo phương hướng cố định, chúng ta khó mà chọn được hướng đi như trong sách lịch nói.

Tục xông đất

Xông đất là người đầu tiên bước chân vào nhà của người nào đó. Người ta tin rằng tuổi tác của người khách đầu tiên có ảnh hưởng đến tương lai của chủ nhà. Vì thế, từ trước tết, chủ nhà thường chọn người quen biết nào mà có tuổi hợp với mình theo sách tử vi để mời họ đến xông đất cho mình. Tục lệ này cũng có vẻ hoang đường, ngày nay nhiều người cũng không tin theo nữa.

Tục hái lộc

Trong đêm giao thừa, người ta đi lễ chùa để cầu xin đức Phật ban cho điều tốt lành trong năm mới. Sau đó, trong đêm tối trên đường về sẽ bẻ đại một cành lá cây nào đó. Nếu bẻ được một cành lá tươi tốt, đầy đủ thì đó là điềm may mắn cho suốt năm tới. Tục này ngày nay ít còn người làm vì bẻ cây của người khác là việc phá hoại, vừa không tốt vừa có thể gây phiền toái về mặt pháp luật.

Tục kiêng cử

Kiêng (hay kiêng cử) là những điều không được làm. Trong những ngày tết, những điều gì xấu đều phải kiêng. Sau đây là một số điều thường được kiêng:

– quét nhà, đổ rác (vì sợ quét, đổ đi những điều may mắn)

– nói những điều tục tĩu

– mặc quần áo trắng (sợ có tang)

– nói tới những chuyện chết chóc, nói những điều xui xẻo

Những điều kiêng cử này đều có vẻ hoang đường, ngày nay tuy nhiều người không tin nữa, nhưng một số đông khác vẫn còn giữ.

Những điều kiêng kỵ ngày Tết cần phải biết (nên đọc)

Tôi đã nhận ra Tết là gì. Đó là tiếng cười vui, là sum họp, là không khí quê hương, là những thứ không thể nào thay thế được.

(Sưu tầm)