Nghệ nhân hà thị cầu sinh ngày tháng năm nào quê ở đâu

Nghệ nhân – NSUT Hà Thị Cầu – Người hát xẩm cổ cuối cùng! I.                 CUỘC ĐỜI Nghệ nhân Hà Thị Cầu tên thật Hà Thị Năm sinh t...

Nghệ nhân hà thị cầu sinh ngày tháng năm nào quê ở đâu
Nghệ nhân – NSUT Hà Thị Cầu – Người hát xẩm cổ cuối cùng!

I.                CUỘC ĐỜI

Nghệ nhân Hà Thị Cầu tên thật Hà Thị Năm sinh tại huyện Yên Phú, Ý Yên, Nam Định trong một gia đình 3 đời hát xẩm.

Bà sinh ngày mùng 5 tháng 5 năm Mậu Thìn (1928) và mất vào 12 giờ 35 phút ngày 22 tháng 1 năm Quý Tị (03/03/2013).

Kiếp hát xẩm bắt đầu từ bà ngoại của bà Năm, một ca nhân nức tiếng về hát xẩm vùng Ý Yên hồi đầu thế kỉ XX. Ngày ấy, xẩm rất thịnh hành, được coi là 1 nghề và có mặt trong hầu hết các sinh hoạt cộng đồng, từ chốn đình chùa đến nơi kẻ chợ. Vì vậy, dẫu đói kém nhưng những người theo nghề xẩm cũng có được cái ăn.

Người đàn bà ca xẩm đất Ý Yên thời ấy sinh được duy nhất một người con gái lòa mắt, sau này cũng vào nghề hát xướng và lấy một người đàn ông mù đàn ca sáo nhị. Cả nhà ba người, hai mù, một sáng lập ra gánh hát đi khắp đầu phố cuối sông, sống cuộc sống “cháo chợ, nước đồng”.

Mặc dù mắt sáng, nhưng sinh ra trong một gia đình Xẩm nên bà theo nghề xẩm. Khoảng 8 tuổi, bà đã cùng cha mẹ đi khắp các chợ quê để hành nghề hát xẩm kiếm sống. Mười tuổi, khi đã biết đủ ngón nghề của một ca xẩm (tự hát, tự phách và kéo nhị) là lúc lưng của người bà rạp xuống gốc cây gạo đương mùa, nặng nề trút hơi thở cuối cùng nơi phố chợ hiu hắt. Tiếp sau là người cha mù lòa cũng không còn cất nổi tiếng ò…í… và bỏ lại cuộc đời đàn ca nhị phách cho người vợ cùng con nhỏ. Bà Hà Thị Năm lại dắt díu người mẹ mù lòa cất tiếng xẩm thân phận trôi dạt sang Yên Mô - Ninh Bình kiếm sống.

“Nhan sắc cũng chẳng kém cạnh ai, giọng hát làm chạnh lòng biết bao người” mà nào ai thương. Người đời nhìn bà Năm là “kẻ xướng ca vô loài” không nhà, không cửa. Thôi thì cuộc đời như “giọt nước cánh bèo” biết dạt về đâu. Mà dạt về đâu chẳng được. Ao tù hay may ra vào được giếng khơi cũng là để trong đục với đời. Bởi thế, Hà Thị Năm chấp nhận về sống đời vợ chồng với ông trùm xẩm mù Nguyễn Văn Mậu, người đàn ông đã 49 tuổi và đã qua… 17 đời vợ! Năm 16 tuổi thì bà trở thành người vợ thứ 18 của ông trùm xẩm Mậu (thường gọi là Chánh Trương Mậu). Vợ chồng bà có mảnh đất từ trước 1945. Năm 1954, khi về định cư thì gia tài chỉ có hai cái niêu, một rang một nấu. Ngoài hát xẩm và kéo nhị, bà không biết làm ruộng nên đời sống rất nghèo khổ. Sinh con đầu lòng được vài ngày, bà phải gửi con để ra chợ hát kiếm cơm. Một mình một đàn một phách, ai gọi ở đâu bà đi hát ở đó, từ góc chợ tới đám tang, đám lễ. Có ngày không kiếm được đồng nào, bà phải lấy dây thắt bụng lại để qua cơn đói, phải xin chén rượu uống cầm hơi. Cứ như thế trọn cả đời người, nghệ nhân Hà Thị Cầu mang nghiệp “xẩm ca” và tìm quên nỗi buồn trong chén rượu.


Nghệ nhân hà thị cầu sinh ngày tháng năm nào quê ở đâu
Vợ chồng bồng bế con thơ lặn lội khắp các tỉnh thành bằng nghề hát xẩm. Cả mười mấy năm làm vợ ông Trùm Mậu, bà Cầu bị chồng đánh đập tàn nhẫn vì ông trùm... ghen. Trong ký ức của bà Cầu thì ông chồng nhiều tuổi ấy vốn là một người rất tốt nhưng phải tội hay ghen. Bà Cầu theo chồng đi hát rong khắp đất nước. Trên khắp các ngả đường như vậy, bà lần lượt sinh 7 đứa con. Dường như lúc nào trên tay bà Cầu cũng bồng một đứa con nhỏ đang bú mớm. Dọc đường lang thang như vậy, 4 trong 7 đứa con đã bỏ bố mẹ mà đi vì bệnh đậu mùa.

Nghĩ về những đau đớn mất mát ấy, đôi mắt bà Cầu ầng ậng nước: “Ông nhà tôi vốn là người lạnh tính. Ông thường không buồn lâu khi một đứa con nhỏ của chúng tôi ra đi. Nhưng tôi là một người mẹ. Tôi đã phải trải qua những nỗi đau dằng dặc, triền miên như vậy. Chỉ có điều, hình như, sau những khổ đau ấy, giọng hát của tôi ngày càng trở nên hay hơn, nhuyễn hơn...”.

Khi bà 33 tuổi thì ông Mậu cũng bỏ bà để về với Tổ Xẩm, cũng kể từ đấy nghệ nhân Hà Thị Cầu như người khách bộ hành cô độc giữa con đường Xẩm không hề có tương lai. Sự cô độc không chỉ ở chỗ những bạn nghề cứ lần lượt ra đi, mà còn cả với cách biểu diễn, hát Xẩm thường ít nhất phải 2 người nhưng bà Cầu chỉ có một. Có lẽ cũng từ cái sự cô độc ấy mà nghệ nhân Hà Thị Cầu đã lấy rượu làm bầu bạn để quên đi những tâm sự chất chứa. Nghe cái cách bà gọi rượu là "giời" cũng đủ thấy bà coi trọng cái đồ uống chiết xuất từ những gì tinh túy nhất của hạt gạo như thế nào.

Cơ nghiệp bán hết, dồn mua thuốc thang cho chồng, chồng chết, mấy mẹ con bà Cầu trắng tay. Có tết, mấy mẹ con phải nấu cháo khoai đặt lên bàn thờ tổ tiên. Vì khó khăn, túng quẫn, mẹ con bà dắt díu về quê tá túc, ấy vậy mà vẫn nhất quyết giữ lấy cái nghiệp gia truyền này. Bà vẫn thường xuyên lui tới chợ ở Yên Phong hành nghề ca hát, còn trong dịp xuân thì đi đó đây khắp các làng để hát phục vụ ở những hội xuân. 

Cuộc sống nghèo khổ nên đã mất 4 người con, còn lại 3 người con, đói quá, bà đành dứt ruột cho đi người con gái út. Bà ở vậy nuôi con, nuôi được 2 người con là Nguyễn Văn Cầu (con trai thứ 5) và Nguyễn Thị Mận (con gái thứ 6). Sau này, người con út đã tìm được về với mẹ. Nỗi đau “má hồng truân chuyên, dạ sầu trong héo ngoài tươi” đến sự mất mát đi những đứa con đã làm nên một giọng xẩm Hà Thị Cầu bổng trầm, thanh rền như tiếng than thân phận. Bà không biết chữ nhưng bà có khả năng ứng khẩu, kéo nhị, sáng tác thành những bài xẩm độc đáo với giọng điệu có đủ mọi cung bậc hỉ, nộ, ái, ố sâu sắc, triết lý về cuộc đời.

Xẩm bà Cầu có cái chất hoang dã, phóng khóang mà không phải nghệ sĩ được đào tạo chính quy nào cũng tìm lại được. Chưa kể, hát lại phải kèm với nhị, bầu, trống phách… mới ra chất. Bà Cầu có biệt tài cùng lúc miệng hát, chân phách, tay sênh, tay kia gõ một lúc 2 trống mảnh

Cho đến cuối đời, bà sống với vợ chồng cô con gái tại Phú Mỹ, Quảng Phúc, Yên Phong, Yên Mô, Ninh Bình, gia cảnh vẫn rất khó khăn.

Bà đã trở thành báu vật sống của quốc gia. Dù không chỉ riêng bà lưu giữ một loại hình âm nhạc truyền thống của cha ông nhưng bà đã tạo thành một phong cách riêng trong làng xẩm.

II.           SỰ NGHIỆP

Năm 1978, sau ngày Việt Nam thống nhất, bà viết bài Theo Đảng trọn đời. Sau đó, bà được tham dự nhiều hội diễn văn nghệ quần chúng toàn quốc, đoạt được nhiều huy chương vàng và những giải thưởng đặc biệt.

Đặc biệt, với bài hát “Theo Đảng trọn đời”, theo lời mới, gồm các điệu thập ân, sa mạc, ba bậc, huê tình, bà đã được tặng thưởng Huy chương vàng tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn quốc năm 1979

Năm 1981-1982, bà được Nhạc viện Hà Nội mời tham gia phụ trách chương trình nghệ thuật chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V.

Bà được phong danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú năm 1991.

Giải thưởng đặc biệt trong “Liên hoan các trích đoạn tuồng chèo hay toàn quốc” ngày 02 tháng 10 năm 1993

Tháng 9 năm 1996, bà có chuyến lưu diễn ở Trung Quốc

Năm 1997, cụ Cầu được Viện Nghiên cứu âm nhạc VN mời về Hà Nội thu âm CD Hát xẩm. Giọng hát xẩm của cụ khi ấy còn khoẻ. Cụ hát không quên lời, kéo nhị và gõ trống đâu vào đấy. Năm 1999, Viện Âm Nhạc ra mắt CD Hát Xẩm.

Bà đã nhận được bằng khen năm 1998 của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Giải đặc biệt "Nghệ nhân hát chèo tỉnh Ninh Bình" trong Liên hoan Trích đoạn tuồng chèo hay toàn quốc.

Huy chương vàng “Hội thi giọng hát hay những ca khúc về Ninh Bình lần thứ nhất” năm 1999

Giải đặc biệt trong “liên hoan giọng hát hay dân ca các dân tộc trên sóng phát thanh toàn quốc”

Bà đã được Hội văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân Dân gian” vào ngày 25 tháng 12 năm 2004.

Các bằng khen của Bộ Văn hóa - Thông tin (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch), Hội Nhạc sỹ VN, Đài truyền hình Việt Nam…

Năm 2008, Nghệ nhân Hà Thị Cầu đã nhận được giải thưởng Đào Tấn, giải thưởng dành cho những đóng góp trong việc gìn giữ vốn quý nghệ thuật dân tộc.

Nghệ nhân Hà Thị Cầu - Người đàn bà được trời phú cho khả năng miệng hát, chân dập phách, tay kéo nhị và khả năng ứng biến vô cùng linh hoạt để có thể hát lên kể một câu chuyện nào. Bà Cầu còn một biệt tài nữa là sử dụng cây nhị thay cho những lời bà nói. Muốn hát, bà cứa nhị. Reo vui, bà cứa nhị, chửi yêu người ta, bà Cầu cũng cứa nhị. Người nghe, nghe rõ tiếng nhị ấy mắng yêu thế nào, than thở thế nào, nức nở thế nào...

Bà Cầu chưa bao giờ dùng tiếng nhị để nức nở cho cuộc đời mình. Mà cuộc đời của bà thì đủ cay đắng, cơ cực của một người hát rong.

Bà Hà Thị Cầu đã vương vào nghiệp cầm ca, mà là thứ ca của tầng đáy xã hội kiếm chút tiền dư nơi bến đò, cuối chợ, trên xe hỏa… Kháng chiến chống Pháp, khúc ca Xẩm trở thành công cụ tuyên truyền vận động nhân dân bám đất chống giặc ngoại xâm. Năm 1978, Nghệ nhân Hà Thị Cầu với bài Theo Đảng Trọn Đời do bà sáng tác đã giành được nhiều giải thưởng văn nghệ quần chúng. Tiếc rằng, khi phường nhạc Xẩm mai một, không ai nối tiếp cái nghiệp xướng ca bị cả xã hội mặc định là chỉ dành cho người cùng đường, mạt vận mới theo.

Nghệ nhân hà thị cầu sinh ngày tháng năm nào quê ở đâu

Trời thương phận mỏng, Nghệ nhân Hà Thị Cầu như con chim đơn côi kêu Cuốc Cuốc không biết mệt mỏi gần một thế kỷ, kêu đến khi kiệt cùng trong xương tủy, khi không cất lên được tiếng nữa thì lại trở về với dúi cây bụi đất chốn làng quê.


Xẩm cũng khiến bà lưu lạc khắp nơi từ Nam chí Bắc. Bà giữ xẩm vì xẩm nuôi sống bà, nuôi sống đàn con của bà, dù cái nghề bạc bẽo ấy chả vinh dự gì. Bà gắn bó thân thiết với xẩm đến mức khi ngủ cũng phải đắp chiếu vào người mới ngủ được, bởi đó là thói quen của những người hát rong bên manh chiếu rách.

Chả lần nào thấy bà tỏ ra buồn rầu hay đau đớn vì đã chọn xẩm. “Từ khi còn ẵm ngửa đã theo mẹ đi hát xẩm, rồi quen với xẩm, với tiếng phách, tiếng nhị từ khi còn trong trứng thì còn gì khác nữa để mà lựa chọn” - bà Cầu đã nói thế khi được hỏi sao không từ bỏ nghề này để chọn một công việc khác cho bớt cực.

Xẩm đối với bà không chỉ là kế sinh nhai mà như cơm ăn, như hơi thở, như là nước uống hằng ngày. Dù nghèo khổ, bà thật sự hạnh phúc vì xẩm. Xẩm đưa đôi chân bà đi khắp chốn khắp nơi, được nghe đủ mọi chuyện từ sang hèn đến hỉ nộ ái ố. Xẩm cũng mang lại cho bà cảm giác hạnh phúc khi được những người dân nghèo nghe xong và bỏ tiền vào chiếc khay đặt giữa chiếu xẩm đầu làng.

Bà Cầu có thể hát hàng chục bài xẩm, không bài nào giống bài nào, thậm chí bà có thể ứng khẩu mà kéo nhị thành những bài hát, những câu thơ như một nghệ sĩ sáng tác. Tiếng nhị cứ như tiếng cứa, đau đến buốt lòng người nghe. Nói vui, bà hát vui, nói buồn, bà hát về nỗi buồn, nói nhân tình thế thái, bà hát về nhân tình thế thái... lại rất đúng, rất chuẩn... Xẩm là cái nghiệp đã gắn bó với bà cho đến lúc nhắm mắt...

III.      TÁC PHẨM

1.     Ba Bậc

-         Con Cá Vàng

-         Nhời Này

-         Sáng Cả Đêm Rằm

-         Nhị Tình

2.     Hà Liễu

-         Dạt Nước Cánh Bèo

-         Đời Người

3.     Huê Tình

-         Đi Lễ Chùa

-         Dứa Dại Không Gai

-         Tứ Hải Giao Tình

-         Ninh Bình Quê Ta

-         Yên Phong Quê Mình

4.     Liên Khúc Xẩm

-         Theo Đảng Trọn Đời

5.     Thập Ân

-         Công Cha Ngãi Mẹ Sinh Thành

-         Thập Ân

-         Phạm Công Cúc Hoa

-         Tình Mẫu Tử

6.     Xẩm Ngâm

-         Anh Khóa

-         Mẹ Dạy Con Gái

7.     Xẩm Sai

-         Giang Mai

-         Thuốc Phiện

8.     Xẩm Trống Quân

-         Ngược Đời

-         Rể Lười

-         Trương Chi

-         Dâu Lười

-         Vè 12 Tháng

Biên soạn


Mai Đức Thiện