Nguyên nhân bệnh hồng ban nút

22-01-2022

Hồng ban nút (EN - Erythema nodosum) là một dạng đặc hiệu của viêm mô mỡ dưới da đặc trưng bởi các nút (u hạt) nằm dưới da có thể sờ thấy được, màu đỏ hoặc tím, hay gặp ở cẳng chân và đôi khi ở các vị trí khác. 

Bệnh lý này thường xảy ra với một bệnh toàn thân, đặc biệt là nhiễm trùng liên cầu, sarcoidosis và viêm đại tràng. Hồng ban nút gặp ở nữ nhiều hơn nam và ở mọi lứa tuổi nhưng nhiều nhất là ở khoảng 20 – 40 tuổi. 
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn tới bệnh lý hồng ban nút không rõ ràng, có thể do phản ứng miễn dịch vì hồng ban nút thường đi kèm với các rối loạn khác như:

  • Nhiễm liên cầu khuẩn (Streptococcus - đặc biệt ở trẻ em).
  • Sarcoidosis: Bệnh u hạt - Một bệnh đặc trưng bởi sự phát triển của các tế bào viêm (u hạt) ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể – phổ biến nhất là phổi và các hạch bạch huyết.
  • Bệnh viêm đại tràng. 
  • Một số bệnh lý khác: Nhiễm nấm, nhiễm ký sinh trùng, các bệnh ung thư máu và khối u , sử dụng một số thuốc.
  • Tuy nhiên, gần 1/3 trường hợp hồng ban nút là tự phát, không tìm thấy nguyên nhân.

Biểu hiện lâm sàng

  • Hồng ban nút là một phản ứng quá mẫn trên da phổ biến bao gồm các nốt ban đỏ, mềm, thường nằm ở cẳng chân, nhưng cũng có thể thấy ở đùi, bắp chân, mông, chi trên và mặt. 
  • Người bệnh có thể bị sốt và đau khớp khi xuất hiện hồng ban nút. 
  • Tổn thương phát sinh dưới dạng các mảng mềm đơn lẻ hoặc thành cụm, sau đó phát triển thành các nốt đau trong vài ngày. Đôi khi những nốt này kết hợp với máu thoát mạch, dẫn đến sự xuất hiện của ban xuất huyết. Các vùng da này mờ dần thành các mảng có sắc tố thay đổi trước khi biến mất. Các nốt sần mới có thể xuất hiện vài tuần sau khi xuất hiện các nốt ban đầu, các nốt ở các giai đoạn bệnh khác nhau có thể cùng tồn tại. 

Chẩn đoán bệnh lý
Chẩn đoán hồng ban nút thường dựa vào biểu hiện lâm sàng và có thể được xác nhận bằng sinh thiết một nốt nếu cần thiết.
Một khi nghĩ tới chẩn đoán hồng ban nút, cần tiến hành tìm nguyên nhân, một số cận lâm sàng cần tiến hành như:

  • Công thức máu, tốc độ lắng máu.
  • Kháng thể kháng nhân.
  • ASLO/nuôi cấy dịch hầu họng.
  • Chụp X-quang ngực.

Điều trị hồng ban nút
Các nốt này hầu như tự thoái lui sau vài tuần. Điều trị bằng cách chăm sóc hỗ trợ, bao gồm nghỉ ngơi trên giường và kê cao chân, cũng như dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID), kali iodua, và corticosteroid tiêm hoặc uống. Tuy nhiên, cần điều trị nguyên nhân gây bệnh nếu phát hiện được nguyên nhân. 
 

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.    //bestpractice.bmj.com/search?q=Erythema+nodosum
2.    //www.merckmanuals.com/professional/dermatologic-disorders/hypersensitivity-and-inflammatory-skin-disorders/erythema-nodosum?query=Erythema%20nodosum

-------------

Để được hỗ trợ cung cấp thông tin và tư vấn chi tiết, vui lòng liên hệ:

•    Bệnh viện Quốc tế Vinh

•    Số 99, đường Phạm Đình Toái, xã Nghi Phú, TP Vinh, Nghệ An

•    Số điện thoại 02383.968.888/0901.74.71.73

Tổn thương hồng ban nút là tình trạng viêm các tế bào mỡ dưới da dạng sẩn hoặc u cục nhỏ màu đỏ.  Đến nay, các nhà chuyên môn chưa biết rõ nguyên nhân gây ra hồng ban nút. Người ta biết rằng bệnh thường xảy ra ở người mang gene HLA B8 (80%) và 6% có tính chất gia đình. Tổn thương bệnh được coi là sự đáp ứng miễn dịch với các nguyên nhân khác nhau như tình trạng nhiễm khuẩn, do sử dụng một số thuốc hoặc là triệu chứng của một số bệnh hệ thống...

Ở nước ta, nguyên nhân thường gặp nhất là lao và nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết. Những trường hợp này, điều trị nguyên nhân thì bệnh sẽ khỏi hoàn toàn. Ngoài ra, các bệnh do nhiễm Yersinia, Chlamydia, Salmonela, viêm gan virut A, B, C,... cũng dễ gây hồng ban nút. Bệnh nhân mắc các bệnh: viêm đại trực tràng chảy máu, bệnh Crohn cũng có thể mắc hồng ban nút. Người dùng các loại thuốc sulfamid, thuốc chống viêm không steroid, dẫn xuất iod, phụ nữ mang thai... có nguy cơ mắc bệnh.

Dấu hiệu nhận biết bệnh

Bệnh nhân có các ban màu đỏ, dạng u cục, sẩn cứng. Hình thái hồng ban nút là những u cục có thể nhìn hoặc sờ thấy ở dưới da, hình tròn hay  ovan, kích thước có thể to nhỏ khác nhau từ 1-10cm đường kính, thường  thấy u cục khoảng 1- 2cm. Tính chất các sẩn cục này rắn, ít di động, xung quanh các cục sưng nề. Có thể nhiều sẩn cục kết hợp lại thành một mảng lớn. Tổn thương thường thấy ở mặt trước cẳng chân hai bên, có tính chất đối  xứng. Nhìn chung các sẩn cục có thể nổi ở bất cứ vị trí nào có tổ chức mỡ dưới da như đùi, cánh tay, thân mình, mặt... nhưng ít thấy ở  mặt và vùng cổ, chi trên. Các ban đa dạng, có các lứa tuổi khác nhau và màu sắc thay đổi như đám xuất huyết dưới da chuyển thành màu tím hơi xanh, nâu, vàng nhạt và cuối cùng là màu xanh lá cây. Các ban thường biến mất trong vòng từ 10-15 ngày, không để lai sẹo hay di chứng teo da.

Dấu hiệu của hồng ban nút ở chi dưới.

Hồng ban nút ban đỏ thường xuất hiện cùng với các triệu chứng giống như bệnh cúm, sốt và cảm giác mệt mỏi. Bệnh nhân có thể có đau khớp, viêm màng hoạt dịch và cảm giác cứng khớp, xảy ra trước hoặc đồng thời với tổn thương da, trong thời gian có thể kéo dài đến 6 tháng. Đau khớp có thể gặp ở trên 50%  số bệnh nhân mắc bệnh, thường bắt đầu đau trong quá trình nổi hồng ban hoặc xuất hiện trước đó 2-4 tuần. Tại khớp: thấy sưng đỏ, căng cứng, đau nhức nhiều, có thể có tràn dịch khớp. Nhiều bệnh nhân thường bị cứng khớp buổi sáng. Mặc dù khớp nào cũng có thể bị tổn thương nhưng gặp nhiều nhất là khớp mắt cá chân, khớp gối, khớp cổ tay. Biểu hiện cứng khớp có thể kéo dài đến 6 tháng nhưng không có sự hủy hoại các khớp. Xét nghiệm dịch khớp không có yếu tố thấp khớp.

Xét nghiệm thấy tốc độ máu lắng tăng, bạch cầu đa nhân trung tính tăng. Mô học: thấy tình trạng viêm có vách của các tế bào mỡ dưới da cấp tính hoặc mạn tính tại tổ chức mỡ và xung quanh các mạch máu. Phân lập liên cầu khuẩn tan huyết beta từ dịch lấy từ họng. Chụp Xquang phổi hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) phổi thấy tổn thương do tình trạng nhiễm vi khuẩn.

Thể điển hình dựa vào hồng ban nút biểu hiện rõ, dễ dàng phát hiện, kèm theo các triệu chứng bệnh nhân có sốt, đau khớp. Đối với thể không điển hình, dựa vào kết quả sinh thiết tổn thương da.

Bệnh hồng ban nút cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh có các ban như trong viêm da bán cấp hoặc mạn tính. Giai đoạn đầu cần phân biệt với các bệnh viêm quầng, vết côn trùng cắn, sẩn mề đay cấp tính, viêm tắc tĩnh mạch nông, viêm tắc tĩnh mạch dạng nốt. Giai đoạn bệnh tiến triển cần phân biệt với viêm nút quanh động mạch, viêm mạch hoại tử...

Phương pháp điều trị

Các tổn thương của bệnh hồng ban nút thường tự biến mất trong vòng 3-6 tuần. Tuy nhiên, cần điều trị các nguyên nhân liên quan đến bệnh như dùng thuốc điều trị bệnh lao, các bệnh viêm nhiễm do liên cầu. Thuốc thalidomid được chỉ định trong trường hợp hồng ban nút do Mycobacterium leprae (hay bệnh phong). Ngoài ra, cần điều trị các triệu chứng gồm các biện pháp như sau: nghỉ tại giường, nâng cao chân, sử dụng tất đàn hồi giống như trong điều trị giãn tĩnh mạch chi dưới để có thể cải thiện triệu chứng phù ở chi dưới. Dùng thuốc chống viêm không steroid, thuốc giảm đau. Sử dụng corticosteroid hàng ngày đối với thể không rõ nguyên nhân, các nốt hồng ban mất sau vài ngày. Trường hợp hồng ban kéo dài có thể dùng thuốc tiêm trực tiếp vào trung tâm của các nốt hồng ban do bác sĩ chuyên khoa da liễu thực hiện.

Lời khuyên của thầy thuốc

Khi bệnh nhân đã được chẩn đoán bệnh hồng ban nút cần phải điều trị sớm trong thời gian sang thương vừa xuất hiện sẽ có đáp ứng tốt hơn so với trường hợp điều trị muộn. Do vậy, chúng ta cần nắm vững các dấu hiệu của bệnh để có thể phát hiện và điều trị bệnh sớm. Trong thời gian điều trị, bệnh nhân cần nghỉ ngơi tại giường và hạn chế vận động để việc điều trị hiệu quả hơn và có thể hạn chế sự bùng phát của bệnh.


Chủ đề