Nhiễu điều phủ lấy giá gương người trong một nước phải thương nhau cùng. hãy tìm hiểu người xưa muốn nhắn nhủ điều gì qua câu ca dao ấy

Cảm nhận câu ca dao: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng”

Trước khi hiểu bầu trời là đâu, sông từ đâu mà có thì một đứa trẻ đã cảm nhận thế nào là tình người từ hơi ấm bàn tay mẹ, ánh mắt trìu mến của cha. Nói như vậy để thấy rằng cuộc đời này được dựng xây bởi tình thương, vì tình thương mà tươi đẹp. Bài học đầu đời cũng là bài học về tình thương, tình người từ câu hát ru hời của mẹ:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng”

Câu ca dao ấy như cất lên từ đáy lòng bao thế hệ, những gương mặt ông cha lam lũ, gian truân mà vẫn trọng nghĩa quý tình. Lời dạy bảo cũng là đạo lý sáng ngời của dân tộc ta, một dân tộc biết yêu thương, đoàn kết, những con người biết sống vì nhau.

          Người xưa đã dùng kinh nghiệm sống và sự hiểu biết của mình để đúc ra chân lý sáng ngời có sức sống trường tồn cùng năm tháng. Điều tinh tế ở những lời giảng dạy là không cường điệu mà giản dị, chân thành, không cầu kỳ mà mộc mạc, không truyền đạo lý một chiều, khô khan mà dặn dò bằng cả tấc lòng thông qua sợi dây tình cảm. Có lẽ vì lời truyền dạy giàu hình ảnh sống động cùng thể lục bát mềm mại nên đọc câu tục ngữ ta cứ ngỡ nghe được lời hát ru của mẹ trên cánh võng đong đưa giữa trưa hè.

          Ai bảo những sáng tác của người lao động chỉ riêng lời lẽ bình dân, hình ảnh chân quê. Đọc câu ca dao mới thấy ông cha mình vẫn rất khéo trong việc dùng ngôn ngữ bác học để đưa vào đời sống tình cảm. Hình ảnh “nhiễu điều” vốn có xuất thân từ văn học viết. “Nhiều điều” từ Hán Việt có nghĩa là tấm vải đỏ. Đây là một loại vải quý được làm từ tơ tằm hay lụa xưa kia. Thông thường loại vải này dùng để may quần áo hoặc phủ lên bàn, lên giá gương. Còn “giá gương” là một đồ dùng bằng gỗ được chạm khắc tinh tế dùng để đặt tấm gương soi trong phòng khuê nữ nhà đài cát. Cũng cần lưu ý đến động từ “phủ” được đặt ở giữa câu lục, cũng chính là mối liên hệ giữa “nhiễu điều” và “giá gương”. “Phủ” là làm cho kín hoàn toàn bề mặt nào đó, ở đây là giá gương bằng cách che tấm vải đỏ lên trên. Trong “phủ” chúng ta tìm thấy sự che chở, bao bọc, bảo vệ và cả sự giữ gìn, trân trọng mà vải đỏ dành cho giá gương. Nhờ có vải đỏ, giá gương cần thêm sạch đẹp, tinh khiết. Ngược lại, vì phủ lấy giá gương nên tấm vải đỏ càng khẳng định giá trị của mình. Nói như vậy, mối liên hệ giữa “nhiễu điều” và “giá gương” là mối quan hệ gắn kết, vì nhau, tôn vinh nhau.

          Mượn hình ảnh giàu sức gợi cảm để nói đến cách đối nhân xử thế qua câu chuyện tình người “người trong một nước phải thương nhau cùng”. Người trong một nước là người sống trong cùng một quê hương, xứ sở, cùng chung dòng máu và gắn với nhau bằng một chữ đồng: đồng hương, đồng lòng, đồng chí gói vào hai tiếng thiêng liêng: đồng bào. Người chung một nước là chung một văn hoá, chung cội nguồn, chung dòng máu, cùng trải qua những thăng trầm của lịch sử và cùng đau nỗi đau lớn của thời đại. Bài ca dao là lời khuyên nhủ mỗi con người trên quê hương cần phải biết yêu thương, đùm bọc, đoàn kết nhau, san sẻ với nhau những khi khó khăn hoạn nạn, cùng nhau gánh vác trọng trách thế hệ mình. Cái hay của lời khuyên khi kết hợp với hình ảnh nhiễu điều và giá gương nằm ở chỗ khi chúng ta yêu thương nhau, chúng ta cho đi không phải là vì người khác mà là vì nhau, sự tác động hai chiều giữa cho và nhận.

          Câu ca dao làm ngời sáng truyền thống yêu thương, đoàn kết đùm bọc của dân tộc ta. Dân tộc Việt Nam, dân tộc với những con người có tấm lòng rộng mở, biết sống theo nghĩa nhân, trọng tình người hơn là tiền tài, vật chất. Từ xưa, nhân dân ta đã lấy lòng nhân đạo, tình thương người làm thước đo nhân phẩm. Xã hội văn minh lại càng đề cao lòng nhân ái, yêu thương, đoàn kết bởi vì suy cho cùng mọi thứ vật chất, xa hoa hào nhoáng cũng chỉ là tạm bợ. Đời người ngắn ngủi, hữu hạn cái còn lại của một kiếp người là nhân nghĩa, lòng thương mến chứ không phải lợi danh, địa vị. Như thế để khẳng định rằng đạo lý của người xưa có sức trường tồn và trở thành chân lý muôn đời cho con người hôm nay.

          Lời dạy bảo được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác có giá trị như bài học đầu đời của mỗi con người vừa bước ra chiếc nôi ấm áp của gia đình vào đời, hòa mình với cuộc sống. Ngoài tình thương mến với người thân, cha mẹ, chúng ta cần mở rộng lòng mình để thương yêu những con người trên cùng quê hương, xứ sở. Mở lòng mình mà cảm thông, sẻ chia với phận đời bất hạnh, nhỏ giọt nước mắt thông cảm, thấu hiểu cho nỗi đau của người khác. Biết đùm bọc, chia ngọt sẻ bùi với những ai gặp cơn đói khổ, biết giúp đỡ, đoàn kết với tập thể, cộng đồng. Đó chính là lời nhắn nhủ chân thành mà ông cha ta gửi gắm qua câu ca dao.

          Có bao giờ bạn tự hỏi vì sao chúng ta lại nên yêu thương, đoàn kết, tương trợ những người xung quanh? Để trả lời cho câu hỏi này bạn hãy đặt tay lên phía trái tim mình để cảm nhận những nhịp đập xúc động lúc nhìn thấy một bà cụ già ăn xin còm cõi, một đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi đói lạnh. Câu trả lời nằm ở đấy. Khi ta biết san sẻ, yêu thương nghĩa là chúng ta còn có bầu máu nóng, tấm lòng nhân sẽ gạn lọc tâm hồn bạn, giúp chúng ta thấy đời này ý nghĩa hơn, đáng sống hơn. Khi cho đi chúng ta vẫn đang nhận lại, điều nhận lại nằm ở nụ cười, sự nhẹ nhõm. Càng cho đi thì giá trị của con người càng được khẳng định bởi vì sự giàu có của con người không phải tính bằng chúng ta sở hữu bao nhiêu mà chúng ta đã cho đi bao nhiêu. Nếu được như vậy nghĩa là bạn đã sống một cuộc đời đáng giá.

          Khi yêu thương, giúp đỡ ai đó, giống như bạn đang gieo hạt giống tâm hồn xuống cuộc đời mình. Người biết sống vì người khác sẽ được sự quý trọng, kính yêu của mọi người xung quanh, bạn đã truyền cho họ một năng lượng tích cực trong cuộc sống, dùng hành động để làm tấm gương là bài học ý nghĩa nhất đối với mọi người. Chúng ta yêu thương, chia sẻ với mọi người cũng bởi vì không ai trong chúng ta có thể sống riêng lẻ, một mình hoặc chẳng ai có thể tự cho là mình làm được hết mọi việc nếu không có sự tương trợ từ người khác. “Một người đâu phải nhân gian” thế nên chúng ta biết đoàn kết, cho đi tình thương sẽ tạo cho bản thân cơ hội để nhận lại tình thương mến, sự giúp đỡ của những người xung quanh, của xã hội lúc ta gặp khó khăn hoạn nạn.

          Người trong một nước lại càng phải thể hiện tinh thần yêu thương, đoàn kết. Bởi lẽ chúng ta có chung giống nòi con Lạc cháu Hồng, cùng sống trên mảnh đất hình chữ S, cùng hít thở chung một bầu trời. Cùng là thế hệ người sau đã mang trong lòng ân nghĩa, sự hy sinh của người đi trước. Đoàn kết, tương trợ chính là chúng ta đang tiếp nối truyền thống ông cha, kế tục sợi dây văn hoá dân tộc cũng là thể hiện trọng trách của mình đối với nước nhà. Xã hội có những người biết đoàn kết, yêu thương thì xã hội ấy văn minh, đất nước ấy mới phát triển bền vững, trường tồn.

          Đất nước ta, nhân dân ta luôn đề cao tình thương mến, bao dung, đoàn kết. Khi xưa lúc cuộc sống còn thiếu trước hụt sau nhưng tình làng nghĩa xóm vẫn đậm đà. Nhân dân mình chia nhau từng bát cơm, tấm chiếu. “Tối lửa tắt đèn” có nhau giúp đỡ nhau từ việc làm nhà, giỗ chạp đến cấy cày, gặt hái, có miếng ngon cũng chừa phần thơm thảo cho nhau. Tinh thần đùm bọc, đoàn kết biểu hiện sâu sắc trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Khi mà kẻ thù thì hùng mạnh bậc nhất, chúng ta chỉ có trong tay gậy, gộc,tầm vông. Ấy vậy mà nhờ tình tương thân, tương trợ mà tạo nên một sức mạnh toàn dân tộc, sức mạnh quật cường trong cuộc khởi nghĩa đã nhấn chìm lũ bán nước và cướp nước.

          Ngày nay dù xã hội đã phát triển, cuộc sống đã đủ đầy nhưng đâu đó vẫn còn bao mảnh đời cơ cực. Những đứa bé chưa lớn lên đã khổ sở vì bệnh tật, những hoàn cảnh thương tâm, ly tán sống dai dẳng trong đói nghèo, lạc hậu. Họ như những vườn hoa không nắng rọi và rất cần tấm lòng yêu thương từ phía người đời. Rất may là con người Việt Nam là những người giàu lòng trắc ẩn nên đã tìm đến nơi giúp đỡ hoặc thông qua các tổ chức từ thiện, quỹ xã hội, chương trình truyền hình thực tế…Cũng như đợt dịch bệnh khủng khiếp vừa qua, vượt lên trên nỗi lo cho bản thân, rất nhiều người tình nguyện đến vùng dịch để giúp đỡ, tiếp tế lương thực, động viên nhau cố gắng. Hàng trăm nghìn bác sĩ tuyến đầu phát huy tối đa tấm lòng thầy thuốc và sức trẻ cống hiến xuất phát từ tình cảm con người với nhau.

          Thật đáng quý làm sao những tấm lòng vàng. Vậy mà xã hội vẫn tồn tại không ít kẻ đi ngược lại với giá trị đạo đức nhân dân và lòng thương yêu, đoàn kết. Họ chỉ biết bản thân, ích kỷ sống chỉ riêng mình. Họ thậm chí còn đạp đổ người khác để đứng trên vị trí cao, sẵn sàng làm những việc trái đạo đức, pháp luật để thỏa mãn sự tham lam. Nhiều người lợi dụng tình yêu thương của người khác để sống, họ thật đáng lên án.

          Thế hệ trẻ chúng ta đừng thờ ơ trước trọng trách gánh vác tương lai mà trở thành những kẻ đứng bên lề cuộc đời. Chúng ta có được cuộc sống đủ đầy, được đi học, được yêu thương đã là sự may mắn. Chúng ta hãy đem điều ấy san sẻ cho những người bất hạnh bằng những việc nhỏ hằng ngày như đóng góp vào quỹ từ thiện của trường, của lớp hoặc tham gia các phong trào hướng đến cộng đồng. Đừng ngần ngại chia sẻ tình thương với ai đó bên ngoài. Trong gia đình, hãy là đứa trẻ hiểu chuyện, có tấm lòng hiếu thảo, sống tình cảm với ông bà, cha mẹ, anh em. Ở lớp học hãy là cô cậu học sinh hòa đồng, thân thiện bằng cách sẵn lòng giúp đỡ bạn bè, quan tâm đến xây dựng tập thể, trường lớp.

          Lời căn dặn của người xưa trong câu ca dao vẫn còn vang vọng. Tình người, tình đời hoà vào nhau tạo nên truyền thống ngàn đời soi sáng tâm hồn thế hệ chúng ta hôm nay. Là một nhân tố tương lai, hãy thể hiện rằng bản thân bạn không chỉ tài giỏi về học thức, chỉnh chu vẻ bề ngoài, sành điệu trong cuộc sống mà còn là người có chiều sâu nội tâm mà biểu hiện là tấm lòng biết cảm thông, yêu thương, đoàn kết. Hãy làm cho cuộc đời chúng ta trở nên giá trị bằng việc xây dựng đức tính tốt đẹp này.

“Còn gì đẹp trên đời hơn thế

Người yêu người sống để yêu nhau”

(Tố Hữu)