Ôn như hầu là ai

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 8 năm 2021

Thượng tá, TS Chế Quang Nghĩa

Trưởng Khoa ANĐT, T04

Giải quyết vụ án Ôn Như Hầu là chiến công tiêu biểu đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân trong cuộc đấu tranh chống sự liên kết giữa các thế lực đế quốc với nội phản, trực tiếp góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp “kháng chiến, kiến quốc” trong những năm tháng hết sức cam go của sự nghiệp cách mạng Việt Nam sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Nhân kỷ niệm 76 năm ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 – 19/8/2021), Trang Thông tin điện tử trân trọng giới thiệu bài viết của Thượng tá, TS Chế Quang Nghĩa, Trưởng Khoa ANĐT, Trường Đại học An ninh nhân dân, qua đó góp phần làm rõ bối cảnh lịch sử, diễn biến của quá trình chỉ đạo - tổ chức giải quyết vụ án của lực lượng Công an nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng cũng như những bài học kinh nghiệm quý giá có thể đúc rút cho sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới.

1. Hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945

Sau Cách mạng Tháng Tám, chính quyền cách mạng non trẻ phải đương đầu với rất nhiều khó khăn, thử thách tưởng chừng không vượt qua được. Đó là nguy cơ “giặc ngoại xâm”, “giặc đói” và “giặc dốt”, thể hiện qua các khó khăn, thách thức sau:

Một là, khó khăn đầu tiên và cũng là lớn nhất của cách mạng Việt Nam lúc này là sự hiện diện của quân đội nước ngoài trên đất nước Việt Nam. Theo thỏa thuận của Hội nghị Postdam giữa các nước Đồng minh, từ cuối tháng 8/1945, từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc có 20 vạn quân Tưởng - đồng minh thân cận của Mỹ kéo vào miền Bắc nước Việt Nam với danh nghĩa là để tước vũ khí phát xít Nhật nhưng thực chất là để thực hiện âm mưu “Diệt Cộng, cầm Hồ”, chống phá cách mạng Việt Nam. Từ vĩ tuyến 16 trở vào Nam thì từ đầu tháng 9/1945, quân Anh và bám gót quân Anh là quân Pháp đã vào miền Nam với âm mưu trở lại xâm lược nước Việt Nam một lần nữa. Trên đất Việt Nam lúc này còn khoảng 6 vạn quân Nhật. Các quân đội nước ngoài dù “khác nhau về màu da, tiếng nói nhưng giống nhau ở dã tâm muốn thôn tính đất nước Việt Nam, muốn đẩy chúng ta trở về cuộc sống nô lệ”.

Hai là, khó khăn về mặt chính trị. Các tổ chức phản động người Việt như Việt Cách, Việt Quốc, Đại Việt đã dựa vào thế lực bên ngoài để chống phá cách mạng. Chúng đòi cải tổ chính phủ lâm thời thành chính phủ liên hiệp, lập ra chính quyền phản động ở một số nơi như Móng Cái, Yên Bái, Vĩnh Yên…

Ba là, khó khăn về mặt kinh tế. Chế độ mới tiếp quản một “di sản” kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Nền công nghiệp vốn lạc hậu và què quặt do hậu quả của chính sách kinh tế độc quyền của thực dân Pháp, nay bị đình đốn bởi biến cố chính trị. Nông nghiệp tiêu điều vì hơn 50% diện tích đất canh tác bỏ hoang. Thương nghiệp ngừng trệ, hàng hóa khan hiếm. Nền tài chính hầu như rỗng không. Kho bạc chỉ có 1.233.000 đồng, trong đó quá nửa là tiền rách. Ngân hàng Đông Dương vẫn nằm trong tay tư bản Pháp. Nạn đói đầu năm 1945 chưa được khắc phục thì nguy cơ một nạn đói mới lại xuất hiện.

Bốn là, khó khăn về mặt văn hóa - xã hội. Hậu quả của chính sách ngu dân của thực dân Pháp là 95% dân số không biết chữ. Các tệ nạn xã hội hết sức nặng nề.

Năm là, khó khăn về mặt ngoại giao. Lúc này, chưa có một nước nào trên thế giới công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vận mệnh dân tộc lúc này như “ngàn cân treo sợi tóc”.

Trên cơ sở phân tích âm mưu, thủ đoạn của các kẻ thù đối với cách mạng Việt Nam, Đảng ta xác định: quân Tưởng tìm mọi cách để tiêu diệt Đảng, phá tan Việt Minh, lật đổ chính quyền cách mạng, song kẻ thù chính của nhân dân Việt Nam lúc này là thực dân Pháp xâm lược, phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng. Vì vậy, Đảng và Chính phủ ta đã thực hiện sách lược hòa hoãn, nhân nhượng với quân đội Tưởng và tay sai của chúng ở miền Bắc để tập trung chống Pháp ở miền Nam.

Để gạt mũi nhọn tiến công của kẻ thù vào Đảng, ngày 11/11/1945, Đảng tuyên bố tự giải tán, nhưng sự thật là rút vào hoạt động bí mật, giữ vững vai trò lãnh đạo chính quyền và nhân dân. Để phối hợp hoạt động bí mật với công khai, Đảng để một bộ phận công khai dưới danh hiệu Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương. Chúng ta đã hết sức kiềm chế trước những hành động khiêu khích của quân đội Tưởng và tay sai, tránh để xảy ra xung đột về quân sự, đã cung cấp lương thực, thực phẩm cho 20 vạn quân Tưởng trong khi nhân dân Việt Nam đang bị đói, mở rộng Quốc hội thêm 70 ghế cho Việt Quốc, Việt Cách không qua bầu cử, đưa một số đại diện của các đảng đối lập này làm thành viên của Chính phủ Liên hiệp do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.

Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện linh hoạt sách lược nhân nhượng trên cơ sở kiên định nguyên tắc: nắm chắc vai trò lãnh đạo của Đảng, giữ vững chính quyền cách mạng, giữ vững mục tiêu độc lập thống nhất, dựa chắc vào khối đại đoàn kết dân tộc; đồng thời, vạch trần những hành động phản dân, hại nước của bọn tay sai của Tưởng Giới Thạch và nghiêm trị theo pháp luật những tên tay sai gây tội ác khi có đủ bằng chứng mà việc giải quyết vụ án Ôn Như Hầu - đấu tranh với tổ chức phản động Việt Nam Quốc dân đảng là một ví dụ điển hình.

2. Khái quát về tổ chức Việt Nam Quốc dân đảng và vụ án Ôn Như Hầu

Việt Nam Quốc dân đảng (Quốc dân đảng) là một trong các thế lực phản cách mạng được quân Tưởng ủng hộ. Theo Nghị quyết Trùng Khánh, tổ chức này ra đời ngày 15/12/1945, ở phố Jambert, khu Ngũ Xá (Hà Nội), gồm ba đảng: Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội do Nguyễn Hải Thần sáng lập năm 1936, Đại Việt Quốc dân đảng do Trương Tử Anh sáng lập năm 1938 và Đại Việt Dân chính đảng do Nguyễn Tường Tam sáng lập năm 1938. Việt Nam Quốc dân đảng do Trương Tử Anh làm Chủ tịch, Vũ Hồng Khanh làm Bí thư trưởng và Nguyễn Tường Tam làm Tổng thư ký. Phần chỉ huy tối cao bí mật có: Trương Tử Anh, Nguyễn Tiến Hỷ, Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ và Nguyễn Tường Tam.

Sau khi thành lập, Quốc dân đảng tiến hành các hoạt động ám sát, bắt cóc tống tiền, cướp của, giết người để gây rối trật tự xã hội, phá hoại an ninh chính trị đồng thời để gây quỹ cho đảng. Chúng còn tổ chức ra “Trường quân chính” để huấn luyện quân sự; chia miền Bắc ra nhiều khu, mỗi khu gọi là một “chiến khu”, lập nhiều trụ sở phản động công khai và bí mật. Chúng có những khu ở riêng, thậm chí coi khu vực Ngũ Xá, Hà Nội là một “khu tự trị”; ngang nhiên tổ chức nhà in và phát hành hàng loạt báo phản động (Việt Nam, Thiết thực, Đồng tâm, Tự do, Liên hiệp, Phục quốc…) để làm công cụ phản tuyên truyền, gây hoang mang chia rẽ trong nhân dân. Chúng đặt loa phóng thanh ở nhà số 23 phố Quán Thánh để tuyên truyền phản động, vu cáo, đả kích Chính phủ hòng làm giảm uy tín của chính quyền cách mạng. Chúng đã tổ chức nhiều vụ bắt cóc nghiêm trọng như bắt cóc và thủ tiêu đồng chí Trần Đình Long, Tham nghị ngoại giao của Đảng ta; bắt cóc Trương Trung Phụng, bắn bị thương nặng Bồ Xuân Luật; đột nhập bắt cóc cán bộ ta ở Sở Liêm phóng Bắc Bộ và đánh tháo cho bọn phản động bị bắt giam ở đó. Ở một số địa phương, chúng cũng gây ra nhiều vụ nguy hiểm. Vào khoảng cuối năm 1945, chúng đòi nắm giữ cho được các bộ quan trọng trong Chính phủ, đòi lập ngay Chính phủ liên hiệp chính thức. Chúng kêu gào “chống Pháp xâm lược” nhưng lại ra sức gieo mối hoài nghi về cuộc kháng chiến anh dũng của đồng bào miền Nam, tổ chức những cuộc biểu tình phản cách mạng chống Chính phủ Hồ Chí Minh.

Đỉnh cao hoạt động chống phá của Quốc dân đảng là “Vụ án Ôn Như Hầu”. Nhà số 7 phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều) là trụ sở chính của Quốc dân đảng tại Hà Nội. Tại đây, vào cuối tháng 6 năm 1946, chúng ta đã phát hiện được âm mưu của thực dân Pháp câu kết với Quốc dân đảng (khi trên đất nước ta chỉ còn thực dân Pháp là kẻ thù xâm lược trực tiếp thì hầu hết bọn tay sai của các đế quốc khác còn lại đều quay sang làm tay sai cho Pháp, trong đó có Quốc dân đảng) định gây phản loạn. Theo “Kế hoạch đảo chính Chính phủ Hồ Chí Minh” do Trương Tử Anh soạn thảo thì đến ngày 14/7, nhân kỷ niệm ngày quốc khánh Pháp, quân Pháp sẽ diễu binh qua Bắc Bộ phủ. Bọn Quốc dân đảng sẽ ném lựu đạn vào tốp lính da đen, tạo lý do cho quân đội Pháp đánh chiếm các cơ quan đầu não của Nhà nước ta. Phái đoàn Chính phủ ta lúc đó đang ở Fontainebleau sẽ bị bắt giữ. Bọn phản động Việt Nam sẽ nhảy ra lập chính phủ bù nhìn tay sai Pháp. Có thể thấy đây là một âm mưu hết sức táo bạo và thâm độc của bọn thực dân - phản động; một mối đe dọa trực tiếp, cấp bách tới sự tồn tại của chính quyền dân chủ nhân dân, tới sự an nguy của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng những người đứng đầu Chính phủ.

3. Giải quyết “Vụ án Ôn Như Hầu” - sự chỉ đạo bình tĩnh, sáng suốt, linh hoạt, mềm dẻo nhưng không kém phần kiên quyết của Đảng và quá trình tổ chức thực hiện hiệu quả của lực lượng Công an nhân dân

Đứng trước mối đe dọa lớn, trực tiếp tới chính quyền do bọn Quốc dân đảng tạo ra, Trung ương Đảng ta không hề bất ngờ, bị động mà đã có sự dự liệu, chuẩn bị từ trước. Nhờ đó, trong suốt quá trình giải quyết vụ án, Đảng đã có những chủ trương chỉ đạo kịp thời, nhạy bén, vừa bảo đảm được yêu cầu chính trị, vừa kiên quyết đập tan âm mưu phản cách mạng của chúng.

Tại Hội nghị cán bộ Bắc Kỳ của Đảng Cộng sản Đông Dương được tổ chức từ ngày 10 đến ngày 11/9/1945, Đảng ta đã nhận định một trong “những khó khăn hiện tại của đất nước” là “sự hoạt động của bọn Cách mạng đồng minh hội, Đại Việt và bọn Tờrốtkít” [1, tr.5]. Tiếp đó, trong Chỉ thị Kháng chiến, kiến quốc, nhiệm vụ riêng trong nước mà Đảng ta đề ra là “củng cố chính quyền chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống cho nhân dân” [1, tr.26-27]. Về tuyên truyền, Đảng chủ trương kêu gọi đoàn kết, chống chủ nghĩa thực dân Pháp xâm lược. Phản đối chia rẽ nhưng chống sự thống nhất vô nguyên tắc với bọn phản quốc, phản đối chủ nghĩa thất bại, đặc biệt chống mọi mưu mô phá hoại chia rẽ của bọn Troski, Đại Việt, Việt Nam Quốc dân đảng và nâng cao sự tin tưởng của quốc dân vào thắng lợi cuối cùng. Cụ thể hơn, trong Chỉ thị Hòa để tiến, Trung ương Đảng xác định một trong những việc cần làm sau khi ký Hiệp định sơ bộ là: “Hiện nay bọn Nguyễn Hải Thần đang cùng phái Tàu trắng, phản động Nhật ở Việt Nam âm mưu một cuộc phân liệt chia cắt đất nước Việt Nam hay “đảo chính”, phải đề phòng mọi hành động của chúng và bóc trần thủ đoạn hại nước của chúng cho nhân dân hiểu” [1, tr.53].

Vì đã đề cao cảnh giác và chủ trương kiên quyết chống bọn phản động trong nước như vậy nên khi chúng có những hành động quấy rối, phá hoại chính quyền, Trung ương Đảng tuy vẫn giữ thái độ ôn hòa, thiện chí hợp tác theo đúng sách lược hòa hoãn nhưng đã thẳng thắn vạch trần âm mưu và hành động phản cách mạng của chúng. Trong “Bức thư ngỏ cùng anh em Việt Nam Quốc dân đảng trong nhóm Việt Nam”, Đảng đã ví việc chúng kêu gọi đoàn kết như việc một kẻ ngủ mơ hay đi chơi mới về, không vội xắn tay áo cùng mọi người đang đẩy một cây gỗ chắn ngang đường mà lại kêu váng lên thật buồn cười: “Hãy đoàn kết lại! Phản đối chia rẽ!”. Sự đoàn kết đã có sẵn, bằng hành động của mình, chúng mới chính là kẻ phá hoại sự đoàn kết. Về những việc làm khác của Quốc dân đảng, Đảng ta cũng chỉ trích sâu cay: “Ai điều khiển cuộc kháng chiến? Chính phủ. Các anh mạt sát Chính phủ kháng chiến; các anh bắt cóc nhân viên của Chính phủ kháng chiến, các anh bắn cả Vệ quốc đoàn. Tại sao các anh tự nhận là cách mạng mà lại đi làm thay cho thực dân Pháp công việc bỉ ổi ấy? Cướp vào nhà, anh xông ra đánh cướp; em thoi ngầm cho anh một cái vào ngang sườn; ta sẽ cho người em ấy là thế nào? Các anh hô: “Đả đảo Chính phủ!” Khẩu hiệu ấy cách mạng làm sao? Tiếc rằng dưới chính quyền phát xít Nhật, Pháp, các anh không anh hùng được như thế!” [1, tr.39]…

Với “Vụ án Ôn Như Hầu”, khi lãnh đạo Nha Công an xin ký kiến Trung ương Đảng cho quét hết tất cả các trụ sở của bọn Quốc dân đảng ở Hà Nội để chặn âm mưu của chúng, đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng chỉ đạo: kiên quyết trấn áp bọn phản cách mạng là đúng nhưng phải có đủ chứng cứ. Việc đấu tranh chống phản cách mạng lúc này có quan hệ đến sự mất còn của chính quyền cách mạng nên phải tiến hành thật khẩn trương nhưng rất thận trọng. Đồng chí Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Quốc phòng cũng nhiều lần nhắc nhở công an phải hành động kiên quyết nhưng thận trọng, phải có chứng cứ cụ thể, xác thực trước khi hành động để khỏi mắc mưu kẻ thù.

Lúc này, bọn Quốc dân đảng đang khẩn trương in tài liệu, truyền đơn phản động ở số 132 Duvigneau (nay là phố Bùi Thị Xuân). Qua nắm tình hình, ta được biết ở đây chúng canh gác, kiểm soát rất gắt gao, những người làm trực tiếp trong đó không được ra khỏi trụ sở. Vì vậy, Nha Công an đã tổ chức một cuộc đột kích bí mật nhằm lấy tài liệu, truyền đơn phản động làm chứng cứ cho việc truy quét bọn phản động. Đúng 2h30 ngày 12/7/1946, lực lượng của chúng ta đột nhập vào trụ sở 132 Duvigneau. Toàn bộ bọn phản động ở đây bị bắt gọn. Các loại tài liệu phản động: truyền đơn, khẩu hiệu, áp phích, thông cáo chúng vừa in xong, có loại buộc thành bó, có loại đang in dở… đều bị tịch thu; đặc biệt có cả bản “Kế hoạch đảo chính Chính phủ Hồ Chí Minh” do Trương Tử Anh soạn thảo.

Trước bằng chứng rõ ràng, Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định cho lực lượng Công an phối hợp với các lực lượng vũ trang khác tiến công truy quét bọn phản cách mạng tại tất cả các trụ sở của chúng ở Hà Nội. Cụ Huỳnh Thúc Kháng (quyền Chủ tịch nước trong thời gian Bác Hồ sang Pháp), một nhân sỹ theo khuynh hướng xã hội dân chủ, vốn không tán thành bạo động nhưng cũng phải bực tức đến độ gõ mạnh batoong xuống nền mà ra lệnh: “Diệt! Diệt! Diệt!” (bọn Quốc dân đảng). Theo đó, chúng ta đã khám xét trụ sở chính của Quốc dân đảng ở số 7 phố Ôn Như Hầu, bắt Phan Kích Nam (một trong những tên cầm đầu Quốc dân đảng và là đại biểu Quốc hội) và đồng bọn, giải thoát những người bị chúng bắt cóc chưa kịp thủ tiêu. Tại đây lực lượng Công an đã thu được các tài liệu phản quốc, dụng cụ làm bạc giả, dụng cụ tra tấn, thuốc mê… và đào được 6 xác người bị chúng giết chôn trong vườn, chưa kể những xác người bị chúng vứt xuống hồ Thiền Quang. Tại số nhà 80 Quán Thánh, khi lực lượng Công an đang tiến hành khám xét, thực dân Pháp điều xe tăng đến can thiệp, uy hiếp nhưng với chứng cứ đầy đủ và có sự đấu tranh của đông đảo nhân dân, quân Pháp buộc phải rút lui. Tại các khu phố, bọn Quốc dân đảng đều bị truy lùng, nhiều tên bị bắt khi đang trên đường lẩn trốn. Trong cuộc truy kích bọn phản cách mạng ở thủ đô, lực lượng Công an đã bắt gần 100 tên, trong đó có nhiều tên nguy hiểm như Phan Kích Nam, Đỗ Đình Đạo, Phan Khôi…

Sau đó, theo chỉ thị của Trung ương Đảng và Chính phủ, lực lượng Công an đã tổ chức triển lãm vạch trần những âm mưu, hoạt động phản quốc của bọn Quốc dân đảng. Hàng vạn đồng bào thủ đô, các cơ quan báo chí nước ngoài đã đến xem và thấy rõ tội ác dã man của bọn tự xưng là “cách mạng quốc gia”, “cách mạng hải ngoại”.

Với thành công trong việc giải quyết “Vụ án Ôn Như Hầu”, lực lượng Công an đã đập tan âm mưu của thực dân Pháp câu kết với các loại phản động gây bạo loạn, dùng vũ lực lật đổ Chính phủ ta. Đây là kết quả của sự chỉ đạo kịp thời, bình tĩnh, sáng suốt, linh hoạt, mềm dẻo nhưng không kém phần kiên quyết của Đảng và hoạt động tác chiến hiệu quả của lực lượng Công an nhân dân.

 “Ôn cố tri tân”, chiến công năm xưa đã để lại cho lực lượng Công an nhân dân nói chung, lực lượng An ninh nhân dân nói riêng nhiều bài học kinh nghiệm quý giá. Đó là bài học quán triệt và thực hiện nghiêm túc, triệt để nguyên tắc “Đảng lãnh đạo Công an nhân dân tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt”; chủ động, kịp thời nắm bắt và dự báo tình hình, thường xuyên cảnh giác, tích cực phòng ngừa âm mưu, phương thức, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, các đối tượng phản cách mạng; “Dĩ bất biến ứng vạn biến” - kiên định về nguyên tắc, linh hoạt, mềm dẻo về sách lược; phát huy cao độ vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang và sức mạnh của quần chúng nhân dân trong công tác đấu tranh; “bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc”, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của dư luận trong nước và quốc tế… Kế thừa, vận dụng phù hợp các bài học kinh nghiệm này vào thực tiễn công tác, lực lượng An ninh nhân dân luôn xứng đáng với vai trò tiên phong trong xây dựng lực lượng Công an nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ” [2, tr.158], hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và ngành Công an giao phó./.

C.Q.N

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đảng - Toàn tập, tập 8, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

Video liên quan

Chủ đề