Sự đánh đổi cao giá để có được năm 2024

Nhiều người cho rằng, với việc mở chuyên đề “Bảo vệ môi trường sống” trên Tạp chí Hoạt động khoa học năm 1975, Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước khi đó đã tiếp cận vấn đề môi trường theo quan điểm hiện đại – bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên vì sự phát triển bền vững mà trọng tâm là cuộc sống của con người: Một sự đánh đổi.

Sự đánh đổi trong bảo tồn Đa dạng sinh học Trường Sơn không chỉ là việc có một số khu BTTN chuyển đổi một phần diện tích sang các hoạt động phát triển khác để tăng cường nguồn lực cho việc bảo tồn những diện tích còn lại, mà không ít trường hợp, nhiều hệ sinh thái không nằm trong hệ thống khu BTTN lại được cộng đồng đảm nhận bảo tồn rất tốt nhằm hỗ trợ sinh kế địa phương. Cả hai hình thức : đánh đổi phi bảo tồn và đánh đổi vị bảo tồn đều đang hiện hữu ở Trường Sơn đòi hỏi phải tổng kết thực triễn.

Sự đánh đổi cao giá để có được năm 2024

Tập đoàn cây tràm nước ở khu BTTN Bình Châu – Phước Bửu,

Bà Rịa – Vũng Tàu

  1. Đánh đổi là gì

Đánh đổi (Trade-off) là việc bỏ ra một nguồn lực nào đó (tiền, sức lực, tài sản, thời gian hay bất cứ thứ tài nguyên gì mà mình có) để thu được một nguồn lực khác mà mình mong muốn. Nói cách khác, cuộc sống luôn đòi hỏi phải đánh đổi một mục tiêu nào đó để đạt được mục tiêu khác. Việc lựa chọn quyết định dựa trên phân tích chi phí – lợi ích (cost – benefit analysis hay CBA), tức là xem xét cái được nhiều hơn và được ít hơn giữa các phương án lựa chọn(1).

"Sự đánh đổi" rất hay được sử dụng trong đời sống xã hội như một phương cách để tồn tại do cái ta có thì ít, cái ta cần thì nhiều. Để nâng cao chất lượng cuộc sống, luôn phải cân nhắc đánh đổi giữa cái ta đang có và cái ta muốn có, cần phải có. Do quy luật về sự khan hiếm nên luôn tồn tại những sự đánh đổi khi thực hiện các sự lựa chọn. (3) .

Sự khan hiếm nảy sinh khi các nhu cầu của con người lớn hơn các nguồn lực hữu hạn mà một cộng đồng hay địa phương vốn có, lớn hơn khả năng sẵn có về tài nguyên để thỏa mãn nhu cầu đó. Sự khan hiếm còn hàm ý rằng không thể theo đuổi cùng một lúc nhiều mục tiêu xã hội trên một số hạn chế các nguồn lực sẵn có, do đó dẫn đến việc đánh đổi các nguồn tài nguyên này. Đánh đổi khiến mục tiêu phát triển này có thể xung đột với mục tiêu phát triển khác vì cùng dựa trên một loại tài nguyên. Sự mâu thuẫn của nhiều mục tiêu phát triển trên cùng một loại tài nguyên hạn chế tạo ra các xung đột môi trường (evnvironmental conflicts) (2) mà nhiệm vụ của nhà quản lí là phải hóa giải được các xung đột đó càng sớm càng tốt.

  1. Con người luôn luôn phải đối mặt với sự đánh đổi

"Mọi thứ đều có giá" - Để có được một thứ cần thiết hơn, người ta phải bỏ ra một thứ khác mà mình cũng rất…cần thiết. Nói cách khác, quá trình phát triển đòi hỏi phải đánh đổi một mục tiêu nào đó để đạt được mục tiêu khác có ích lợi hơn với chủ sở hữu, trong những phạm vi pháp luật không cấm.

Khi con người tập hợp lại thành xã hội, Chính phủ phải đối mặt với nhiều loại đánh đổi. Samuelson, P. A. - một nhà kinh tế học người Hoa Kỳ, đại biểu của trường phái Kinh tế học vĩ mô tổng hợp và có đóng góp to lớn ở một loạt lĩnh vực của kinh tế học - trong cuốn "Kinh tế học" đã đưa ra một ví dụ “hài hước” về sự đánh đổi giữa "súng và bơ": khi tăng chi tiêu cho quốc phòng để tăng khả năng phòng thủ đất nước (mua thêm súng), Chính phủ phải từ bỏ một phần tiêu dùng (một phần bơ), và như vậy mất đi cơ hội nâng cao mức sống của nhân dân, và ngược lại (3) . Ví dụ của Samuelson chỉ là một dạng của đánh đổi. Có thể có những ví dụ khác tương tự nhưng ít cực đoan hơn như: có một khoản tiền ít ỏi nhờ bán con gà, bà nội trợ sẽ mua rau hay mua cá, du khách sẽ đi du lịch nước ngoài hay trong nước, có nên bán cái laptop đang dùng rồi phụ tiền mua cái Ipad mới, và v.v…

Tuy nhiên, cần chỉ rõ rằng, sự đánh đổi chỉ hợp lí khi người thực hiện đánh đổi là chủ sở hữu (ví dụ cộng đồng địa phương) hay là đại diện cho chủ sở hữu ( chính quyền các cấp) của loại tài nguyên hay dịch vụ được đánh đổi. Mọi ý kiến của bất cứ ai khác đứng bên ngoài hệ thống cũng chỉ là tư vấn hay bình luận.Sự đánh đổi chính là việc chọn phương án có lợi ích hơn (về mặt này) và ít lợi ích hơn (về mặt kia), vì vậy trong quá trình ra quyết định, cần so sánh giữa chi phí và lợi ích của các phương án đánh đổi khác nhau. Cái khó ở đây là trong nhiều trường hợp, chi phí – lợi ích của một số đánh đổi không phải lúc nào cũng minh bạch, hiển thị để có thể dễ dàng nhận diện ngay từ đầu (3). Trong thực tiễn có những cái vô giá, không thể định giá (thành tiền) được như phương pháp phân tích chi phí – lợi ích đỏi hỏi. Có những cái cho hay tặng thì được, nhưng đổi chác hay bán thì không. Đây là một đặc điểm của văn hóa phương Đông cần được lưu ý khi phân tích đánh đổi. Ví dụ không ai có thể định giá 1m2 Hồ Gươm là bao nhiêu, rằng “cụ” rùa ở Hồ Gươm giá bao nhiêu. Nhiều người hiến nhiều ha đất để xây trường học nhưng họ lại không bao giờ bán mảnh đất ấy.

Đánh đổi là khái niệm phổ biến rất rộng rãi trên thế giới. Lúc 22h ngày 07/10/2011 tìm kiếm thông tin theo từ khóa “Environmental Trade-off” (Sự đánh đổi về mặt môi trường) trên Google: trong 0,36 giây ra 175 triệu kết quả.Tìm thông tin theo từ khóa “win- win approach” (Tiếp cận hai bên đều có lợi – một nguyên tắc của sự đánh đổi): trong 0,15 giây cho 149 triệu kết quả. Tuy nhiên, phương pháp phân tích đánh đổi nói riêng và lĩnh vực kinh tế môi trường nói chung với Việt Nam thực sự chỉ mới bắt đầu. Trên thực tế chúng ta vẫn đánh đổi, nhưng còn ít các nghiên cứu về phân tích đánh đổi (trade – off annalysis). Nhiều người có thể và đã nói, nhưng nói đúng về nó lại là vấn đề khác. Đề án về sự đánh đổi trong bảo tồn do Trung tâm Tài nguyên và Môi trường CRES, một hội viên của VACNE tiến hành từ năm 2007 có lẽ là công trình toàn diện nhất nghiên cứu về trade-up ở Việt Nam, tiếc là mới thực hiện được giai đoạn 1 (17) .

  1. Sự đánh đổi trong công tác tác bảo tồn đa dạng sinh học trên dãy Trường Sơn

Có lẽ trong các loại quy hoạch, thì quy hoạch các khu BTTN ở nước ta đã đi trước một bước. Ở Việt Nam, vườn quốc gia Cúc Phương là khu BTTN đầu tiên được thành lập vào năm 1962. Đến năm 1998, đã có 105 khu bảo tồn thiên nhiên, chiếm diện tích 2.092.466 ha, trong đó có 10 vườn quốc gia, 61 khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo vệ sinh thái và các loài và 34 khu di tích văn hoá và lịch sử. Đến năm 2008, hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam đã gồm 164 khu rừng đặc dụng (bao gồm 30 Vườn quốc gia, 69 khu dự trữ thiên nhiên, 45 khu bảo vệ cảnh quan, 20 khu nghiên cứu thực nghiệm khoa học) và 03 khu bảo tồn biển (4). Có thể nói Quy hoạch các khu BTTN ở nước ta đi trước các quy hoạch khác như giao thông, phân bố dân cư, thủy điện, thủy lợi, khu công nghiệp,… (tạm gọi là quy hoạch phát triển). Do đó khi các quy hoạch phát triển được xây dựng, chúng trở nên mâu thuẫn với không ít khu BTTN đã được thành lập (4). Đấy là chưa nói đến còn rất nhiều hệ sinh thái có giá trị đa dạng sinh học vẫn nằm ngoài các khu BTTN các cấp khác nhau.

Có hai hình thức đánh đổi: (i) Đánh đổi phi bảo tồn là việc chuyển đổi một phần diện tích khu bảo tồn sang hoạt động phát triển kinh tế xã hội và (ii) Đánh đổi vị bảo tồn là việc một diện tích lâu nay không được bảo tồn, được đánh đổi để được bảo tồn.

3.1. Ví dụ về đánh đổi phi bảo tồn ở các khu BTTN cấp Quốc gia

(i).Một ví dụ khá nổi tiếng là việc đường Hồ Chí Minh cắt qua khá nhiều khu BTTN. Trong đó, tranh luận gay gắt tốn nhiều thời gian và hội thảo khoa học về việc có hay không mở đường Hồ Chí Minh qua vùng đệm phía tây VQG Cúc Phương là một trường hợp khá điển hình. VQG Cúc Phương không nằm trong địa giới dãy Trường Sơn, nhưng bài học mà nó mang lại gần như có tính giáo khoa về sự đánh đổi trong công tác bảo tồn thiên nhiên.

Sau 3 lần xem xét, ngày 18/10/2001, Hội đồng Thẩm định cấp Nhà nước đã nhất trí với phương án xây dựng đường Hồ Chí Minh cắt qua vùng đệm VQG Cúc Phương đi theo tỉnh lộ 437 chỉ với 12/17 phiếu tán thành. Phương án này có các ưu điểm tuyến ngắn nhất (27,4 km), bám sát hướng bắc - nam, bình diện đẹp, địa chất ổn định, chỉ có 80 hộ dân trong diện phải di dời giải phóng mặt bằng. Tuyến đường này có 8 km đi qua vùng đệm phía tây vườn quốc gia, thường bị ngập do lũ sông Bưởi. Vì thế ngoài những đoạn làm cầu cạn cho thú đi qua, phần đường còn lại phải đắp cao trung bình 5-6 m (5) . Ngày nay tuyến đường HCM cắt qua vùng đệm VQG Cúc Phương đã lưu thông, thế độc đạo của Quốc lộ 1A đã được giải tỏa, để lại cho hậu thế bài học đầu tiên về sự đánh đổi giữa bảo tồn và phát triển.

Đường Hồ Chí Minh trên địa phận ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, đặc biệt là nhánh phía tây, đã xuyên qua một số vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên quan trọng (Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hoá, Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông và cắt ngang dãy núi chạy ra Vườn Quốc gia Bạch Mã) cũng là một sự đánh đổi khác(6). Sự việc căng thẳng đến mức Chính Phủ đã phải điều chỉnh quy hoạch để cắt diện tích xây dựng đường HCM ra khỏi diện tích của VQG Phong Nha – Kẻ Bàng nhằm tránh dư luận không hay về việc chúng ta thiếu tuân thủ cam kết quốc tế về việc bảo vệ VQG.

(ii).Vườn quốc gia (VQG) Bạch Mã có một vị trí địa lý đặc biệt, là phần cuối cùng của dãy Trường Sơn Bắc, trung tâm của dải rừng xanh tự nhiên còn lại duy nhất ở Việt Nam nối từ biển đến biên giới Việt - Lào. Nơi đây có hệ sinh thái rất phong phú và đa dạng về hệ động thực vật mang tính đặc trưng vì có sự giao thoa giữa hai luồng khí hậu miền Bắc và miền Nam. Năm 1932 khu vực Bạch Mã được khám phá bởi ông Girard, một kỹ sư người Pháp, với tham vọng phát triển một khu nghỉ mát trên núi. Tiếp theo đó là một hệ thống gồm 139 biệt thự, khách sạn, bể bơi (nay đã hoang phế gần hết), đường giao thông…. được hình thành. Vườn Quốc gia Bạch Mã được thành lập vào năm 1991 vớI tổng diện tích 22.031 ha nằm trên 2 huyện Phú Lộc - Nam Đông tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Một trong các giải pháp có tầm chiến lược lâu dài để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn ĐDSH VQG Bạch Mã là phát triển du lịch sinh thái (DLST), Trong những năm qua, Vườn cũng đã tạo điều kiện giúp đỡ tư vấn kỹ thuật cho các cộng đồng địa phương tham gia tổ chức mô hình DLST vùng đệm như ở Thác Mơ (Nam Đông), Nhị Hồ, Khe Su (Phú Lộc). Đây là những mô hình DLST do cộng đồng quản lý, tạo nên thu nhập chính đáng và giải quyết công ăn việc làm cho lao động tại địa phương. Tuy nhiên những nỗ lực phát triển du lịch sinh thái chưa đủ cung cấp nguồn lực cho bảo tồn, khiến VQG Bạch Mã phải tính đến phát triển thêm một loại hình du lịch khác, đó là du lịch tâm linh.

Một số Phật đường và con đường cơ giới khang trang đã được xây dựng nhằm đưa du khách đến với VQG Bạch mã tiện lợi hơn: Bạch Vân Tự, Tượng đài Mây hóa Quan Âm, Thiền viện Trúc Lâm... Những loại hình du lịch bổ sung này đã thu hút du khách trong và ngoài nước đến thăm quan, học tập ngày càng đông (bình quân 15.000 - 20.000 khách/ năm), góp phần tích cực tăng ngân sách cho địa phương, mang lại lợi ích trực tiếp đáng kể đối với cộng đồng địa phương và trang trải một phần ngân sách cho công tác bảo tồn. Xin lưu ý rằng theo quy định pháp luật chỉ có du lịch sinh thái là loại hình du lịch được phát triển trong các khu BTTN(10).