Tại sao tóc lại bị dựng lên

Mình ghét mùa đông cực luôn ý. Không phải chỉ vì mùa đông lạnh lẽo trong khi mình thì sợ lạnh mà mình ghét mùa đông vì đông tới tóc mình nó cứ dựng đứng hết cả lên ý. Thế nên là mùa đông mình toàn phải để tóc dài chút chút rồi buộc gọn lên. Chứ mà thả ra là nó dựng đứng lên, trông như dở hơi ý. Rồi mỗi lần mặc đồ len là y như rằng lại bị điện giật. Các chị ở cơ quan mình sợ nhất là mỗi khi mình ‘chạm nhẹ’ vào các chị một chút thôi. Mùa đông mình cứ như kiểu bị tách ra khỏi xã hội loài người ý, có khổ không cơ chứ.

Bài chia sẻ của mẹ Thu Hà khiến dân tình 'dậy sóng'. Ảnh chụp màn hình

Mà không phải mỗi mình người lớn mới bị đâu, trẻ con cũng bị nữa nha. Mình vừa mới thấy một mẹ có tên là Nguyễn Thu Hà (ở Hà Nội) chia sẻ lên facebook về hình ảnh của cô con gái nhỏ. Theo đó, chị Hà cho biết: ‘Mùa này mọi người có bị vậy không? Còn hai vợ chồng tớ cứ chạm vào con là lại bị giật tê người’. Bên dưới dòng trạng thái là những bức ảnh cô con gái của chị Hà với mái tóc dựng đứng.

Bé Sam với mái tóc dựng đứng. Ảnh: FBNV

Được biết, con gái của chị Hà tên là Sam, năm nay 2,5 tuổi. Cứ mỗi lần trời rét đậm phải mặc áo len là tóc bé Sam lại dựng ngược hết cả lên. Bố mẹ mỗi lần chạm vào người Sam là y như rằng lại bị điện giật. Khi Sam chạm vào người khác thì bé cũng bị giật khiến cô bé ngây người ra một lát. Tóc Sam cứ thường xuyên dựng đứng như vậy một lúc rồi mới tự xuôi xuống như bình thường.

Nhìn hình ảnh này, rất nhiều người thấy đồng cảm với bé Sam. Ảnh: FBNV

Hiện tượng này được gọi là hiện tượng tĩnh điện. Nó thường xảy ra do sự mất cân bằng điện tích trên bề mặt của một vật liệu. Ông John Burkhauser – Giám đốc các chương trình giáo dục ở Bolt Technology cho biết: sự mất cân bằng điện tích tùy thuộc vào hành động của chúng ta như vô tình đẩy chân qua thảm, cởi áo len…

Hiện tượng mà Sam và nhiều người khác gặp phải được gọi là tĩnh điện. Ảnh: FBNV

Tại sao chúng ta lại có thể bị tĩnh điện vào mùa đông?

Theo các chuyên gia, điện tích tích tụ trên bề mặt 1 đối tượng cùng sự cộng hưởng của quá trình ma sát. Khi 2 vật tiếp xúc với nhau thì điện tích sẽ được chuyển từ vật này sang vật kia. Khi ấy sẽ xuất hiện hiện tượng dư thừa điện tích dương trên 1 vật và thừa điện tích âm ở vật còn lại.

Trong khi đó, cơ thể của con người lại là một bộ máy điện hóa cực đặc biệt. Nó có thể tạo ra lượng điện năng siêu nhỏ, đủ để gây tê tê khi vô tình ma sát với đồ vật nào đó. Thế nên mỗi khi bạn chải tóc, mặc quần áo… sẽ xuất hiện những tiếng nổ tanh tách, tóc dựng đứng lên một cách kỳ quặc. Đây chính là do hiện tượng tĩnh điện.

Khi bạn vô tình chạm tay lên nắm cửa kim loại, điện tích âm trên cơ thể sẽ tiếp tục tăng lên tới khi nó đủ để sản sinh là lượng điện yếu cho phép tích điện giữa bàn tay và tay nắm cửa. Sau đó, bạn sẽ nhìn thấy tia lửa đột nhiên lóe lên và bị tê tê tay.

Dòng điện này rất yếu, không ảnh hưởng tới sức khỏe hay tới mức giật tê sốc với người bị tác động nhưng nó ảnh hưởng tới sức khỏe thường ngày.

Trở lại với vấn đề chính, hiện tượng tĩnh điện tại sao lại chỉ xảy ra vào mùa đông? Lý do là vì vào mùa đông thì độ ẩm trong không khí sụt giảm. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng nước chính là chất dẫn điện rất tốt. Do đó, độ ẩm trong không khí sẽ giúp đưa các electron di chuyển ra khỏi cơ thể trước khi chúng tích tụ quá nhiều và gây ra hiện tượng tĩnh điện. Tuy nhiên, vào mùa đông thì độ ẩm trong không khí thấp nên điện tích bị dư ra và gây nên tình trạng ‘phóng điện’ tứ tung.

Để giải quyết tình trạng này, các chuyên gia cho biết, vào mùa đông bạn nên:

+ Tăng cường độ ẩm không khí để làm giảm thiểu sự tĩnh điện.

+ Chọn quần áo với chất liệu vải cotton, tránh dùng đồ len, nilon.

+ Sử dụng kem dưỡng ẩm cho cơ thể, nhất là da tay sẽ giúp giữ được độ ẩm cho làn da, từ đó hạn chế hiện tượng tĩnh điện.

+ Không sử dụng giày dép bằng chất liệu cao su.

+ Dùng các loại giấy dryer sheet. Loại giấy này hay được dùng khi sấy khô quần áo với công dụng làm mềm sợi vải và cân bằng điện tích trong quá trình sấy khô, ngăn chặn sự tích tụ điện tích truyền vào cơ thể.

Nguồn: Tổng hợp

Hàng loạt câu chuyện ẩn sau các bức ảnh chụp những người có mái tóc dựng ngược đã tiết lộ một dấu hiệu giúp chúng ta nhận biết đối tượng sắp bị sét đánh.

Theo các nhà khoa học, thường thì cơn giông kéo đến rất nhanh trong vòng 15 phút và di chuyển với vận tốc 40km một giờ. Nói chung khi đang ở nơi không an toàn thì cần phải để ý đến các dấu hiệu của giông như mây đen, không khí lạnh, gió.

Có thể ước tính được khoảng cách từ nơi đang đứng tới nơi sét xảy ra bằng cách ước lượng khoảng thời gian từ lúc tia chớp lóe lên và lúc nghe thấy tiếng sấm. Chia số giây cho 3 sẽ được khoảng cách đến tia sét. Ví dụ đếm được 3 giây thì sét cách vị trí đứng là 3/3= 1km.

Tóc dựng đứng là biểu hiện người có nguy cơ bị sét đánh

Hãng thông tấn NBC đưa tin, John Jensenius, chuyên gia an toàn về sét thuộc Cục quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA), từng đăng tải hồi ức của một người đàn ông có tên McQuilken về ngày định mệnh 20/8/1975.

Ông McQuilken, hiện 56 tuổi, kể ông từng đi bộ lên đỉnh núi Moro Rock trong Công viên Cù tùng quốc gia ở California với 2 em trai - Sean và Jeff, em gái Mary và một cô bạn có tên Margie.

Trên đỉnh núi, nhóm của McQuilken nhận thấy thời tiết đang xấu đi và tóc của họ bắt đầu dựng đứng dị thường - điều tất cả lúc đó đều coi là rất buồn cười. Mary, lúc ấy 15 tuổi, đã chụp một số bức ảnh về hiện tượng này và không biết rằng chúng sẽ trở nên nổi tiếng. McQuilken nhớ, lúc đó khi ông đưa cánh tay phải lên trên không, cái nhẫn ông đang đeo bắt đầu phát ra tiếng động to đến mức ai cũng có thể nghe thấy.

Nhóm trẻ đã không biết rằng, các dấu hiệu về điện tích như vậy trong không khí là những dấu hiệu cảnh báo cần phải đi tìm nơi trú ẩn ngay lập tức. Bọn họ chỉ rời đỉnh núi khi nhiệt độ hạ xuống và trời bắt đầu mưa đá. Tuy nhiên, họ không đi được xa trước khi thảm họa xảy đến.

McQuilken, người hiện là một kỹ sư phần mềm, mô tả, vào thời điểm sét đánh, thời gian như chậm lại, ánh sáng chói lòa xuất hiện cùng một cảm giác không trọng lượng và một tiếng nổ chói tai.

Khi tỉnh lại trên mặt đất, McQuilken nhận thấy cậu em trai Sean bị sét đánh ngã quỵ, khói tuôn ra từ lưng cậu. McQuilken nhanh chóng chạy tới chỗ em trai và kiểm tra hơi thở cũng như mạch đập của cậu.

May mắn là Sean còn sống và những người còn lại trong nhóm đã kịp thời đưa cậu trở lại bãi đỗ xe để lên đường tới bệnh viện cấp cứu. Sean bị bỏng độ 3 ở lưng và các khuỷu tay nhưng may mắn sống sót vì không tiếp đất hoàn toàn khi bị sét đánh.

Dẫu vậy, một người đàn ông cũng bị sét đánh gần đó đã không qua khỏi do một vết bỏng nhỏ gần tim. Một người đàn ông khác, ở gần đỉnh núi và bị trúng sét vào thời điểm đó, đã bất tỉnh nhân sự và không hồi tỉnh khoảng 6 tháng sau đó dù vẫn sống sót.

McQuilken đùa rằng, ông và người em trai không nhận được bất cứ sức mạnh siêu nhiên nào sau khi bị sét đánh. Tuy nhiên, họ đã nhận ra tầm quan trọng về việc phát hiện các yếu tố nguy cơ cũng như biết cẩn trọng không leo lên bất kỳ đỉnh núi nào khi trời có dấu hiệu giông bão.

Như minh chứng trong câu chuyện, NOAA khuyến cáo, nếu tóc bạn bị dựng đứng khi đang có mặt trên một đỉnh núi hay gò, đồi, hãy tìm nơi trú ngụ ngay tức khắc vì bạn có nguy cơ bị trúng một tia sét chết người từ trên trời giáng xuống.

Để giải thích cho hiện tượng tóc dựng đứng nguy cơ bị sét đánh, chúng ta phải đi từ nguyên nhân gây nên hiện tượng sét đánh và có thể hiểu đơn giản như sau:

Khi hai đám mây tích điện trái dấu lại gần nhau, hiệu điện thế giữa chúng có thể lên tới hàng triệu vôn. Giữa hai đám mây có hiện tượng phóng tia lửa điện và ta trông thấy một tia chớp. Vài giây sau ta mới nghe thấy tiếng nổ, đó là sấm (do vận tốc ánh sáng nhanh hơn vận tốc của tiếng động nên ta trông thấy tia chớp trước). Khi đám mây dông tích điện đi gần mặt đất tới những khu vực trống trải, gặp một vật có độ cao như cây cối, người cầm cuốc xẻng... thì sẽ có hiện tượng phóng tia lửa điện giữa đám mây và mặt đất. Đó là hiện tượng sét đánh.

Bởi vậy, khi lông/tóc trên người bị hút tức là có 1 vật tích điện ở gần bạn (giống như mùa đông khi bạn cởi áo len ra sẽ thấy nó hút lông/tóc mình ấy, bởi vì mùa đông hanh khô, các sợi len cọ xát vào nhau sinh ra tĩnh điện). Trong trường hợp đang có mây giông thì vật tích điện hút lông/tóc của bạn đó chính là đám mây. Vì vậy, nguy cơ bị sét đánh rất cao.

Việc ngồi ở tư thế chụm hai chân lại, dùng tay bịt tai, cúi thấp người (nhưng không để cơ thể chạm đất ngoài hai bàn chân) sẽ giúp hạn chế sét đánh chứ không phải là tránh được sét đánh. Bởi lẽ, khi các bạn ngồi xuống thì khả năng bạn sẽ thấp hơn các vật xung quanh, mà sét khi đánh thường tìm đến những điểm cao nhất.

Cũng từ đó, khi các bạn ở ngoài trời dông bão, tuyệt đối không dùng cây cối làm chỗ trú mưa, tránh các khu vực cao hơn xung quanh, tránh xa các vật dụng kim loại như xe đạp, máy, hàng rào sắt... Nên tìm chỗ khô ráo, nếu xung quanh có cây cao hơn thì nên tìm chỗ thấp, tìm vị trí cây thấp. Đặc biệt, không đứng thành nhóm người gần nhau.

Hiện tại, biện pháp tránh sét tốt nhất khi sắp xảy ra giông là nên về nhà hay công sở. Các ngôi nhà, trụ sở làm việc... nên lắp đặt hệ thống chống sét (đơn giản nhất là cột thu lôi).

Khi ở trong nhà thì cũng nên đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, tránh các chỗ ẩm ướt như buồng tắm, bể nước, vòi nước, không nên dùng điện thoại trừ trường hợp rất cần thiết. Nên rút phích cắm các thiết bị điện trước lúc có giông gần xảy ra. Với các đường dây điện thoại hay dây điện vì nối với lưới bên ngoài nên rất có thể bị ảnh hưởng sét đánh lan truyền. Nên tránh xa các dây này và các vật dùng điện với khoảng cách ít nhất là 1m. Cần rút ăng ten ra khỏi ti vi khi có giông.

Nhớ nằm lòng và áp dụng những lưu ý trên để đảm bảo an toàn cho bản thân mùa mưa, bão nhé!

Video liên quan

Chủ đề