Uống rượu điều độ có tốt không

Mỗi ngày uống một chút rượu vang liệu có tốt cho tim mạch? Uống bia liệu có ít gây hại hơn rượu? Nên uống rượu bia ở mức nào là an toàn?


Published 23 November 2022 at 7:37pm

By Thanh Ngôn

Source: SBS



Nói về tác động của rượu đối với sức khỏe và hạnh phúc, Giáo sư Alison McMillan, Y tá trưởng liên bang, cho biết có một số báo cáo cho rằng uống một chút rượu có thể giúp cơ thể chống lại bệnh tim và bệnh tiểu đường loại 2. Nhưng nhiều chuyên gia không đồng ý với điều này.

Mặc dù rượu vang đỏ đặc biệt chứa chất chống oxy hóa, được cho là có thể bảo vệ các tế bào khỏi bị tổn thương, có thể làm tăng cường sức khỏe tim mạch, nhưng tác động của rượu lên tim của quý vị cũng rất bất lợi và có thể gây hại cho tim.

Vì vậy, sự thật là rượu không bao giờ được coi là thực phẩm tốt cho sức khỏe. Rượu gây ra nhiều bệnh mãn tính hơn và có khả năng gây tử vong nhiều hơn cả ma túy.

Về tác hại trước mắt, chúng ta biết rằng uống rượu có thể gây cảm giác nôn nao khó chịu, đau đầu, buồn nôn, nôn mửa, run rẩy, giảm trí nhớ, té ngã và bị chấn thương.

Rượu cũng là nguyên nhân phổ biến và góp phần gây ra bạo hành gia đình nói chung. Bên cạnh đó, rượu cũng là nguyên nhân gây mang thai ngoài ý muốn và tai nạn dẫn đến tử vong.

Tác hại lâu dài của việc uống rượu bia thường xuyên là làm tăng nguy cơ mắc 8 loại ung thư khác nhau bao gồm ung thư ở miệng, hầu, thanh quản, thực quản, dạ dày, ruột, gan và ngực.

Uống rượu thường xuyên cũng làm tăng nguy cơ bị xơ gan, tổn thương não, giảm trí nhớ và rối loạn chức năng tình dục.

Không có mức độ cồn nào là an toàn

Các hướng dẫn mới về rượu do Hội đồng Nghiên cứu Y tế và Sức khỏe Úc đưa ra vào năm 2020 dựa trên các bằng chứng khoa học mới nhất. Và họ tuyên bố rằng không có mức độ cồn nào là an toàn.

Uống bao nhiêu là do mỗi người lựa chọn, nhưng càng uống ít thì nguy cơ hại sức khỏe càng thấp. Và đối với nhiều người, không uống rượu bia là lựa chọn an toàn nhất.

Tôi biết đây là một thông điệp khá thách thức đối với một số người. Nhưng nếu quý vị càng ít uống rượu thì sẽ càng ít có nguy cơ gây hại cho sức khỏe và hạnh phúc của mình.

Giáo sư Alison McMillan


Các hướng dẫn Hội đồng Nghiên cứu Y tế và Sức khỏe cũng cho biết, nếu một người quyết định uống rượu, thì trong một ngày không nên uống quá bốn đơn vị tiêu chuẩn, và mỗi tuần không nên uống quá mười đơn vị tiêu chuẩn. Như vậy để giảm nguy cơ gây hại sức khỏe.

Trên thực tế các loại đồ uống khác nhau có thể chứa nồng độ cồn khác nhau. Và 1 đơn vị tiêu chuẩn bao gồm 10g cồn, đó là lượng cồn được tìm thấy trong 100mL rượu vang, 30mL rượu mạnh, 285mL bia có độ cồn trung bình, 450mL bia có độ cồn nhẹ, 220-250mL nước ngọt có cồn.

"Tôi có thể làm gì để giảm bớt việc uống rượu của mình?"

Theo giáo sư Alison McMillan, nếu bạn rơi vào thói quen không lành mạnh là uống rượu bia nhiều hơn và thường xuyên hơn, thì có một số gợi ý hay để giúp bạn ngưng hoặc giảm mức độ uống rượu bia của mình.

Hãy lập một kế hoạch để giảm uống rượu bia. Hãy dùng loại ly uống nhỏ hơn, và uống rượu có nồng độ thấp hơn.

Bạn cũng có thể cố gắng uống nước lọc thay vì uống rượu bia và cố gắng giảm dần số ngày uống rượu trong tuần.

Nếu việc bạn uống rượu thực sự ảnh hưởng đến sức khỏe, gia đình, mối quan hệ, việc học, việc làm cũng như tài chính của bạn, hoặc tất cả các tình huống khác trong cuộc sống, thì bạn có thể cần sự giúp đỡ và hỗ trợ có tổ chức hơn.

Những người giúp đỡ bạn có thể là bác sĩ gia đình, một cố vấn, hoặc các nhóm hỗ trợ cai nghiện và phục hồi chức năng.

Thực sự có hàng trăm dịch vụ trong cộng đồng trên khắp nước Úc có thể giúp bạn. Vì vậy, hãy bắt đầu bằng cách tìm kiếm trực tuyến tại Healthdirect, Tổ chức về Rượu và Ma túy, Beyond Blue, hoặc các sở y tế của các tiểu bang và vùng lãnh thổ cũng thường có các đường dây trợ giúp.

Tất cả các chuyên gia từ các tổ chức nêu trên đều được đào tạo để hiểu mối quan tâm của bạn và nhu cầu của bạn. Bước đầu tiên mà bạn cần làm là nói chuyện với một chuyên gia và nhận lời khuyên về các bước thực tế tiếp theo.

“Tôi có thể làm gì để giúp một người đang cố gắng cai nghiện rượu?"

Giáo sư Alison McMillan nói rằng, nếu bạn lo lắng về một người thân trong gia đình hoặc là một người bạn bị nghiện rượu hoặc chất kích thích, thì hãy thể hiện cho họ biết rằng bạn hiểu và quan tâm đến họ, đồng thời ngỏ lời giúp đỡ họ.

Tại Úc có rất nhiều dịch vụ sẵn sàng giúp đỡ họ. Và nếu một người cần sự giúp đỡ chuyên nghiệp, bạn có thể giúp họ tìm một dịch vụ điều trị nghiện rượu tại địa phương phù hợp nhất với họ.

Thuộc sự quản lý của Tổ chức về Rượu và Ma túy, Path to Help là một cổng thông tin trực tuyến mới, sử dụng một thuật toán đơn giản để kết nối mọi người với sự hỗ trợ mà cần trong hoàn cảnh cụ thể.

Bạn không cần phải biết chính xác những gì bạn cần. Cổng thông tin sẽ giúp giải quyết vấn đề của bạn, và sẽ sàng lọc hơn 7.000 dịch vụ chuyên gia để cung cấp dịch vụ phù hợp nhất với nhu cầu của bạn.

Họ có thể giới thiệu dịch vụ tư vấn tại khu vực mà bạn đang ở. Đó có thể là dịch vụ cai nghiện. Nhưng về cơ bản, họ đáp ứng nhu cầu của từng cá nhân đối với các dịch vụ phù hợp nhất với họ.

Việc tìm kiếm sự giúp đỡ để cai nghiện rượu và chất kích thích là quyết định của mỗi cá nhân, nhưng sự hỗ trợ và giúp đỡ của bạn sẽ rất đáng quý.

Nếu họ đồng ý được giúp đỡ hoặc điều trị, họ sẽ cung cấp sự hỗ trợ thiết thực thông qua một chương trình làm việc, và liên lạc thường xuyên để xem họ tiến triển như thế nào.

Mời quý vị vào phần Audio để nghe Giáo sư Alison McMillan giải đáp các câu hỏi liên quan đến việc uống rượu, và Tiến sĩ Lucas de Toca, Người đứng đầu lực lượng chuyên tư vấn cho chính phủ liên bang về COVID-19, nêu những thông tin mới nhất liên quan đến hành động an toàn COVID.