Vì sao Lý Công Uẩn muốn dời đô về Đại La nhận xét quyết định này của nhà vua

    Bài đăng trên Tạp chí Văn thư Lưu trữ Việt Nam, số 7/2010 (tháng 7/2010):

     LTS.  Chỉ còn hơn hai tháng nữa là đến ngày Kỷ niệm Đại lễ 1.000 Thăng Long – Hà Nội. Có một niềm vui khó tả của những người làm lưu trữ, đặc biệt đối với lãnh đạo và viên chức Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV,đó là trong thời gian tra tìm tài liệu để làm Chuyên đề về Thăng Long – Hà Nội, họ đã tìm thấy một bản khắc cổ về  “Chiếu dời đô” của Vua Lý Công Uẩn trong khối Mộc bản triều Nguyễn. Có thể nói, đây là Bản khắc cổ nhất còn lại của Việt Nam về nội dung “Chiếu dời đô” tính đến thời điểm hiện nay. Để hướng tới Kỷ niệm  Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, Tạp chí Văn thư Lưu trữ Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn bộ nội dung Bản khắc cũng như bản dịch đến bạn đọc để tham khảo.

BẢN KHẮC CỔ NHẤT VỀ “CHIẾU DỜI ĐÔ”

CỦA VUA LÝ CÔNG UẨN TRONG KHỐI TÀI LIỆU MỘC BẢN

ThS. PhạmThị Huệ

Giám đốcTrung tâm Lưu trữ Quốc gia IV(*)

Cách đây đúng 1000 năm, sau khi lên ngôi, Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) cho dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Đại La, đổi tên thành Thăng Long (tức Hà Nội ngày nay).

Công Uẩn vốn họ Nguyễn, người Cổ Pháp (Bắc Ninh), mẹ họ Phạm. Ông sinh ngày 17 tháng 2, niên hiệu Thái Bình năm thứ 5 (974). Năm ông 3 tuổi, mẹ phải nhờ nhà sư Lý Khánh Vân nuôi hộ. Sau này ông lấy họ của cha nuôi, gọi là Lý Công Uẩn. Từ nhỏ,ông có tư chất thông minh. Khi học ở chùa Lục Tổ, thiền sư Vạn Hạnh gặp ông đã nhận xét: “Đây là người phi thường, sau này lớn lên tất có thể cứu đời, yên dân, làm chúa thiên hạ”. Ông vốn khảng khái, có chí lớn, say mê kinh sử. Lớn lên, ông là người tinh thông kinh sách,giỏi võ nghệ, theo phò vua Lê Trung Tông. Khi Lê Trung Tông bị Lê Ngọa Triều giết,quần thần đều chạy trốn, duy chỉ còn một mình ông ở lại ôm vua mà khóc. Lê Ngọa Triều nể phục khen là trung, phong cho làm Tả Thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ. Vua Lê Ngọa Triều ăn chơi trác tang …, không lo việc triều chính – chính sự đổ nát,lòng dân oán hận.

Tháng11 năm 1009, Lê Ngọa Triều chết, Lý Công Uẩn được các quan trong triều đưa lên làm vua. Khi lên ngôi, ông xuống chiếu đại xá thiên hạ, lấy niên hiệu là Thuận Thiên. Năm 1010 là năm Thuận Thiên thứ nhất.

Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế, thấy thành Hoa Lư chật hẹp, kinh tế (nông, công,thương) kém phát triển, giao thông gặp nhiều khó khăn …, không đủ làm chỗ ở của đế vương, bởi vậy ông quyết định dời đô ra Đại La vào năm Thuận Thiên thứ nhất(1010). Nhà vua tự tay viết Chiếu dời đô. Tháng 7 năm ấy, Lý Công Uẩn từ Hoa Lư ra Đại La, thuyền đỗ ở dưới Thành, thấy Rồng Vàng hiện lên Thuyền Ngự, nhân đó đổi tên Đại La thành Thăng Long (nghĩa là rồng bay). Sau đó, ông xây dựng kinh thành đàng hoàng, nhân đân các nơi đổ về làm ăn sinh sống vui vẻ. Trong những năm trị vì, ông thường xuyên chăm lo ổn định tình hình chính trị, củng cố thống nhất, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục,ngoại giao, cải cách chế độ thuế khóa, đề cao Phật giáo, tổ chức lại bộ máy nhà nước v.v…

Tháng 4 năm 1028, ông mất, miếu hiệu là Cao Thái Tổ.

Sự kiện Lý Công Uẩn cho dời đô từ Hoa Lư về Đại La (Thăng Long) là sự kiện trọng đại trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Việc dời đô ra Thăng Long thể hiện ý chí tự cường của dân tộc. Việc chọn Thăng Long là trung tâm đầu não về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…, mở ra trang sử vô cùng rực rỡ cho nền văn hiến nước nhà.

Từ trước đến nay có rất nhiều công trình đề cập đến Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn,song đó chỉ là những bản sao, bản chụp. Nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội,chúng tôi xin giới thiệu với các nhà nghiên cứu, với công chúng trong nước và quốc tế Bản khắc Mộc bản “Chiếu dời đô”.


Mộc bản và bản dập Mộc bản khắc “CHIẾUDỜI ĐÔ”

của Vua Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ)– năm 1010

Đây là bản gốc duy nhất còn lại tính đến thời điểm hiện tại. Bản khắc Mộc bản “Chiếu dời đô” này của Lý Công Uẩn nằm trong bộ sách “Đại Việt sử ký toàn thư”(Kỷ Lý Thái Tổ - quyển 2 – tờ 2), trong khối tài liệu Mộc bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới, hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, cóký hiệu H 31/8. Đây là bản khắc chữ Hán ngược, khổ khuôn  in 20 x 29,5 cm. Toàn bộ “Chiếu dời đô” có 214 chữ (không kể phần chú thích).

Bộ sách “Đại Việt sử ký toàn thư” là một bộ sử biên niên chép lịch sử Việt Nam từ thời Hồng Bàng đến thời Lê Trung Hưng(1675). Tác phẩm được biên soạn từ cuối thế kỷ thứ XIII đến cuối thế kỷ thứ XVII. Là một bộ quốc sử lớn và là một bộ quốc sử đầu tiên của Việt Nam còn lưu truyền đến nay. Bộ sư này được khắc in toàn bộ và công bố lần đầu tiên vào năm Đinh Sửu, niên hiệu Chính Hòa thứ 18, triều Lê Huy Tông (năm 1697), và là bộ sử Việt Nam cổ nhất còn tồn tại nguyên vẹn cho đến ngày nay, do nhiều sử gia từ thời nhà Trần dến nhà Hậu Lê biên soạn.

Theo“Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ”thì, năm Minh Mạng thứ 8 (1827): “sai quan Bắc Thành kiểm xét những ván in nguyên trữ ở Văn Miếu (Quốc tử giám Hà Nội– TG) về các sách Ngũ kinh, Tứ thư đại toàn, Vũ kinh trực giải (bản in của Quốc tử giám nhà Lê) cùng chính sử trước sau … và Tứ trường văn thể … gửi về kinh để ở Quốc tử giám (Huế - TG)”.

Theo sách “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ”(quyển 261) thì, năm Minh Mạng thứ 9 (1828), in chính sử xưa nay của Bắc Thành 30 bộ để ban cấp.

Theo tài liệu lưu trữ của Nha Văn khố Quốc gia thì năm 1960, Mộc bản triều Nguyễn được chuyển từ Huế vào Đà Lạt, lưu trữ tại Chi nhánh Văn khố Đà Lạt. Mộc bản triều Nguyễn phần lớn là những tài liệu được sản sinh ra trong quá trình hoạt động của Nội các, Quốc tử giám, Quốc sử quán triều Nguyễn; thành phần chủ yếu là những bộván khắc những tác phẩm chính văn, chính sử … của triều đình nhà Nguyễn. Ngoài ra còn có một số Mộc bản các tác phẩm khác khắc từ thời Lê, được thu ở Văn miếu Quốc tử giám (Huế) vào thời Minh Mạng và Thiệu Trị.

Sau năm 1975, Mộc bản triều Nguyễn do Sở Lưu trữ Phủ Chủ tịch Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam quản lý. Từ năm 1976, được giao về Cục Lưu trữ Nhà nước (nay là Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước). Hiện nay, tài liệu Mộc bản triều Nguyễn được bảo quản ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV tại Đà Lạt.

Như vậy, Mộc bản bộ sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, trong đó khắc “Chiếu dời đô”của Lý Công Uẩn đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV có thể khắc từ thời Lê (1697). Cũng có giả thuyết cho rằng, “Đại Việt sử ký toàn thư” được khắc vào thời Nguyễn (khoảng 1802-1807). Về vấn đề này, cần phải có thời gian để nghiên cứu kỹ hơn. Nhưng, bản khắc này dù khắc từ thời Lê hay thời Nguyễn, thì cũng là di sản rất quý, vì đâylà bản khắc cổ nhất về “Chiếu dời đô”còn lại của Việt Nam tính đến thời điểm này.

Cũng xin nói thêm rằng, Chiếu là một loại văn bản cung đình do nhà vua viết để ban bố một chủ trương, hay một chính sách cụ thể có tính chất giáo lệnh, Chiếu xuất phát từ  sách “Thượng thư”, hình thức diễn đạt và chữ nghĩa cùng thường mượn từ sách này. Lời văn trang trọng, mạch lạc, giàu sức thuyết phục. Đây là thể văn quan phương -  thể văn của triều đình,không có sự giao tiếp qua lại. Cuối bài Chiếu thường có một câu hỏi, nhưng hỏi để mà hỏi, chứ không cần trả lời. Đó là công thức của một bài Chiếu. Vì vậy, có một số công trình trước đây cho rằng, đây là Chiếu của vua hỏi ý kiến quần thần vềviệc dời đô là không đúng. Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn là một chủ trương, là một quyết định dời đô từ Hoa Lư ra Đại La, được vua ban bố để thực hiện.

Bài Chiếu được bố cục rất chặt chẽ, lời văn khúc triết, đầy sức thuyết phục. Đầu tiên nhà vua đưa ra một số ví dụ xưa, ca ngợi và chứng minh sự dời đô của các  vua Trung Quốc đã đem lại sự phồn thịnh cho đất nước: “Xưa, nhà Thương đến đời Bàn Canh 5 lần dời đô; nhà Chu đến đời Thành Vương 3 lần dời đô; đâu phải các vua thời Tamđại đều theo ý kiến riêng của mình mà tự tiện dời đô xằng bậy”. Mục đích và lợi ích của việc dời đô của các vua Trung Quốc là: “mưu nghiệp lớn, chọn ở nơi chính giữa, dựng kế cho con cháu muôn đời;trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện lợi thì dời đổi, cho nênvận nước dài lâu, phong tục giàu thịnh”. Sau đó nhà vua phê phán và nêu tác hại của việc không dời đô của các vua đời trước: “Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời, không noi theo việc cũ của Thương, Chu, cứ chịu đóng đô yên ở nơi đây”.  Và hậu quả là: “đến nỗi vận thế không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ hao tổn, muôn vật không tươi tốt”. Sau khi nghiên cứu từ cổ tới kim, xem xét hiện tại, phân tích vị trí thành Đại La và thấy rằng: “thành Đại La,… ở giữa khu vực đất trời, được thế rồng chầu – hổ phục, chính giữa nam– bắc – đông – tây, tiện nghi núi sau – sông trước. Vùng này, mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa; dân cư không phải chịu khổ vì thấp trũng, tối tăm; muôn vật hết sức tốt tươi phồn thịnh”, nhà Vua khẳng định vị trí trọng yếu của thành Đại La đối với việc xây dựng và phát triển đất nước: “Xem khắp nước Việt, đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”.Cuối cùng Vua quyết định: ” Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở”.

Với cách lập luận sắc sảo, bài Chiếu ban ra đã thu phục được lòng người, quần thần trên dưới nhất mực tuân theo.

Sau đây, chúng tôi xin phiên âm và dịch nguyên văn “Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn để bạn đọc tham khảo.

Phiên âm:

“Tích Thương gia chí Bàn Canh ngũ thiên. Chu thất đãi Thành Vương tam tỉ. Khởi Tam đại chi sổ quân tuẫn vu kỷ tư, vọng tự thiên tỉ. Dĩ kỳ đồ đại trạch trung, vi ức vạn thế tử tôn chi kế. Thượng cẩn thiên mệnh, hạ nhân dân chí, cẩu hữu tiện triếp cải,cố quốc tộ diên trường, phong tục phú phụ. Nhi Đinh Lê nhị gia, nãi tuẫn kỷ tư,hốt thiên mệnh, võng đạo Thương Chu chi tích, thường an quyết ấp vu tư, chí thế đại phất trường, toán số đoản xúc, bách tính hao tổn, vạn vật thất nghi. Trẫm thậm thống chi, bất đắc bất tỉ.

Huống Cao Vương cố đô Đại La thành, trạch thiên địa khu vực chi trung, đắc long bàn hổ cứ chi thế, chính nam bắc đông tây chi vị, tiện giang sơn hướng bội chi nghi. Kỳ địa quảng nhi thản bình, quyết thổ cao nhi sảng khải, dân cư miệt hôn điếm chi khốn,vạn vật cực phồn phụ chi phong. Biến lãm Việt bang, tư vi thắng địa, thành tứ phương bức thấu chi yếu hội, vi vạn thế kinh sư chi thượng đô.

Trẫm dục thân thử địa lợi dĩ định quyết cư. Khanh đẳng như hà?”

Dịch nghĩa:

        “Xưa, nhà Thương đến đời Bàn Canh 5 lần  (1) dời đô; nhà Chu đến đời Thành Vương 3 lần (2) dời đô; đâu phải các vua thời Tam đại (3) đều theo ý riêng của mình mà tự tiện dời đô xằng bậy. Làm như thế cốt là để mưu nghiệp lớn,chọn ở nơi chính giữa, dựng kế cho con cháu muôn đời; trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện lợi thì dời đổi, cho nên vận nước dài lâu, phong tục giàu thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời,không noi theo việc cũ của Thương, Chu, cứ chịu đóng đô ở yên nơi đây, đến nỗi vận thế không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ hao tổn, muôn vật không tươi tốt.Trẫm rất đau lòng, không thể không dời đổi. Huống chi thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương (4), ở giữa khu vực đất trời, được thế rồng chầu – hổ phục, chính giữa nam – bắc – đông – tây, tiện nghi núi sau -  sông trước. Vùng này, mặt đất rộng mà bằng phẳng,thế đất cao mà sáng sủa; dân cư không phải chịu khổ vì thấp trũng, tối tăm;muôn vật hết sức tốt tươi phồn thịnh. Xem khắp nước Việt, đó là nơi thắng địa,thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời. Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ sao?”

Chiếu dời đô và việc dời đô năm 1010 của Lý Công Uẩn cho thấy,ông là một vị vua tài giỏi, mưu lược, có tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển lâu dài của đất nước. Thành Đại La (tức Thăng Long) – Hà Nội ngày nay, quả lànơi “Thượng đô kinh sư mãi muôn đời”như Lý Công Uẩn đã từng khẳng định trong Chiếu dời đô, cách đây 1000 năm./.

------------------------------------------------------------

(*): Nay là TS. Phạm Thị Huệ - Giám đốc Công ty TNHH Khoa học Côngnghệ Lưu trữ Sài Gòn

Tài liệu tham khảo:

Hồ sơ số H 31/8 – Mộc bảntriều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV

Chúthích:

(1). Năm lần dời đô:Vua Thành Thang đóng đô ở phía đông nam huyện Thương Khâu (nay thuộc Hà Nam,Trung Quốc); đời Trọng Đinh dời đô đến huyện Thành Cao (cũng thuộc Hà Nam); đời Hà Đản Giáp dời đô đến phủ Chương Đức (Hà Nam); đời Tổ Ất dời đô đến phủ Thuận Đức (nay thuộc Hà Đông, Trung Quốc); đời Bàn Canh dời đô đến huyện Yển Sư (HàNam).

(2). Ba lần dời đô: ChuVăn Vương đóng đô ở phía đông huyện Hộ (tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc); Chu Vũ Vương dời đô đến huyện Trường Yên (tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc). Chu Thành Vương dời đô đến huyện Lạc Dương (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc).

(3). Thời Tam đại: chỉ 3 nhà Hạ, Thương, Chu thuộc Trung Quốc Cổ đại.

(4). Cao Vương: là Cao Biền, người nhà Đường, quan đô hộ Giao Châu vào khoảng năm 864 – 875. Cao Biền xây thành Đại La (Hà Nội ngày nay) vào khoảng năm 866.

Video liên quan

Chủ đề