Vì sao trẻ em phải đội mũ bảo hiểm

Mũ bảo hiểm trẻ em là sản phẩm có chức năng bảo vệ cho phần đầu của trẻ khỏi những tác động ngoại lực nguy hiểm mà tai nạn giao thông mang đến.

Theo thống kê thì có đến 60% các va chạm, tai nạn giao thông gây ảnh hưởng trực tiếp đến vùng đầu. Đặc biệt, trẻ nhỏ có phần hộp sọ vẫn còn chưa phát triển cứng cáp như người lớn nên dễ bị tổn thương hơn khi xảy ra va chạm. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần trang bị cho con mình chiếc mũ bảo hiểm để bảo vệ bé khi tham gia giao thông.

Tại Việt Nam, theo Khoản 3, Điều 6 của Nghị định 46, trẻ em dưới 6 tuổi thì không bắt buộc đội mũ bảo hiểm, trẻ từ 6 tuổi trở lên đều cần phải đội mũ bảo hiểm đúng tiêu chuẩn khi ngồi sau phương tiện xe gắn máy đang lưu thông trên đường.

Cũng theo quy định của pháp luật, đối với các trường hợp vi phạm thì người điều khiển phương tiện giao thông sẽ phải chịu mức phạt từ 100.000 đồng - 200.000 đồng.

  • Dưới 3 tuổi: đây là độ tuổi các bé ngồi xe vẫn còn chưa vững, cột sống rất yếu, di chuyển một thời gian ngắn thường dễ mỏi và nghẹo đầu sang một bên nên không phù hợp để sử dụng.

Ở lứa tuổi này, cha mẹ chỉ nên cho bé đội các loại mũ bảo vệ xốp siêu nhẹ chỉ khoảng dưới 100g sẽ giúp bé giảm thiểu các va đập nhẹ khi có sự cố xảy ra cũng như hình thành cho bé thói quen sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.

  • Từ 3 - 5 tuổi: bé đã có thể đội mũ bảo hiểm vì đầu và cột sống của bé đã cứng cáp hơn, tuy nhiên các bậc phụ huynh vẫn nên chọn các loại mũ được khuyên dùng trong độ tuổi này, với đặc điểm cấu tạo vẫn giống các loại mũ bảo hiểm của người lớn nhưng nhẹ hơn nhiều.
  • Từ 6 tuổi trở lên: lúc này các xương và phần đầu của bé đã bắt đầu vững chắc, các bé có thể đội các dòng mũ giống người lớn nhưng cỡ nhỏ hơn, nhẹ hơn và thường có size mũ dưới 50 cm.

Khác với mũ bảo hiểm dành cho người lớn, mũ bảo hiểm trẻ em phải có một số quy chuẩn đặc biệt, và được kiểm định cực kỳ gắt gao vì chỉ cần một sai sót nhỏ có thể để lại hệ lụy rất nghiêm trọng cho sức khỏe của các bé sau này. Các tiêu chí chọn mua mũ mà cha mẹ cần quan tâm bao gồm:

Các mũ bảo hiểm trẻ em từ 3 tuổi trở lên sẽ tương tự như yêu cầu về mũ đạt chuẩn của người lớn, mũ trẻ em đạt chuẩn cần có cấu tạo đầy đủ các bộ phận rõ ràng: vỏ nhựa ABS chắc có khả năng chống va đập tốt; lớp xốp EPS với đặc điểm hấp thu xung lực tốt; dây quai làm từ chất liệu nylon chắc chắn, chịu kéo tốt thì mới có đủ khả năng để bảo vệ an toàn cho các bé.

Trên hết, các bậc cha mẹ hãy kiểm tra phía sau mũ có tem hợp quy CR của Bộ KH&CNtem của nhà sản xuất, trên tem được in rõ ràng, tinh sảo các thông tin: ngày sản xuất, cỡ mũ, địa chỉ nhà sản xuất,… không? Nếu có thì có thể yên tâm chọn mũ bảo hiểm này cho con được rồi.

Cách chọn size mũ tối ưu nhất chính là đưa bé theo để đội thử xem có vừa khít với đầu hay không, rồi dùng tay đẩy nhẹ từ trước ra sau, từ trái qua phải hoặc để bé lắc lư đầu thử xem mũ có dễ bị xô lệch hay không.

Nếu mũ dễ dàng bị lệch thì chứng tỏ quá rộng với đầu bé, khi di chuyển sẽ bị gió hất ngược mũ ra sau, không đảm bảo an toàn. Còn nếu trên trán bé có vết hằn do mũ để lại hoặc bé thấy khó chịu khi đội thì chứng tỏ là mũ đang hơi chật so với vòng đầu của bé.

Với trường hợp cha mẹ mua mũ cho bé từ các cửa hàng online hoặc không thể dắt bé đi thử mũ trực tiếp thì có thể đo trước vòng đầu của bé bằng cách dùng 1 chiếc thước dây. Ngay tại điểm trên chân mày 2 cm, dùng thước dây đo một vòng quanh đầu được bao nhiêu thì đó là size vòng đầu của bé, khi mua mũ chỉ cần đưa số đo này cho nhân viên bán hàng để được tư vấn dòng mũ bảo hiểm cho bé phù hợp nhất.

Dù ở độ tuổi nào thì trong các giai đoạn phát triển vòng đầu của các bé cũng thay đổi liên tục nên tầm 6 tháng, các phụ huynh nên kiểm tra lại size đầu của bé và thay đổi mũ sao cho lúc đội bé cảm thấy thoải mái nhất.

Các bé đang trong độ tuổi học hỏi và muốn khám phá thêm những điều mới lạ từ cuộc sống nên hầu hết đều thích các màu sắc tươi sáng, họa tiết dễ thương hoặc các nhân vật hoạt hình. Các bậc cha mẹ nên quan tâm nên quan tâm đến sở thích, giới tính của bé để chọn một chiếc mũ phù hợp và khiến các bé yêu thích chiếc mũ bảo hiểm của mình hơn chứ không chỉ là nghĩa vụ khi tham gia giao thông nữa.

Về kiểu dáng, hiện nay, tiện dụng nhất đối với trẻ em vẫn là kiểu nón nửa đầu. Tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ý chọn dáng mũ che được phần đầu bên dưới của trẻ. Như vậy tính an toàn sẽ cao hơn.

Các mũ có kính chắn gió nửa mặt với công nghệ đặc biệt với nhiều tính năng cải tiến giúp bé tránh được khói, bụi, tia UVA, UVB,… hạn chế cường độ sáng của đèn xe khác, giúp bảo vệ đôi mắt các bé tốt hơn. Khi không cần thiết có thể đẩy kính lên dễ dàng.

  • Đặt phần vành mũ phía trước ở vị trí song song với chân mày, cách khoảng 2 ngón tay. Mũ phải được giữ thẳng, không bị xê dịch sang bên trái hoặc bên phải, đảm bảo tầm nhìn và khả năng nghe của trẻ không bị cản trở.
  • Điều chỉnh quai mũ để vừa khít với cằm, ôm sát lấy thùy tai nhưng không siết quá chặt vì có thể làm trẻ khó thở.
  • Cuối cùng, bạn cần thực hiện cài chốt khóa đúng cách, sao cho dây quai không bị xoắn lại.

Lưu ý, khi đội mũ bảo hiểm cho trẻ, không được để mũ tụt về phía sau đầu. Đồng thời, không nên buộc tóc đuôi gà cho trẻ quá cao vì như vậy sẽ làm mũ bị lệch về phía trước, gây hạn chế tầm nhìn.

Mời bạn tham khảo một số mũ bảo hiểm đang kinh doanh tại Điện máy XANH

Vì sao trẻ em phải đội mũ bảo hiểm

Mũ 1/2 size L Delites ATN04 Đỏ mờ

Còn hàng119.000₫180.000₫(-33%)Xem chi tiết

Vì sao trẻ em phải đội mũ bảo hiểm

Mũ 1/2 size L Delites ATN05 cam

Còn hàng119.000₫180.000₫(-33%)Xem chi tiết

Với những thông tin trên từ Điện máy XANH. Chúc bạn lựa chọn được cho bé yêu nhà mình một chiếc mũ bảo hiểm vừa an toàn, vừa tạo sự thích thú cho bé mỗi khi tham gia giao thông!

Mũ bảo hiểm đã được chứng minh giúp giảm khả năng chấn thương nặng do tai nạn giao thông tới 69% và giảm khả năng tử vong tới 42%.

So với những người đi xe máy có đội mũ bảo hiểm, những người KHÔNG đội mũ bảo hiểm có nguy cơ chấn thương sọ não cao gấp 4 lần và nguy cơ này tăng lên hơn 10 lần trong trường hợp xảy ra tai nạn giao thông.

Một số phụ huynh cho rằng không nên mang mũ bảo hiểm cho trẻ em, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy đội mũ bảo hiểm làm tăng nguy cơ chấn thương cổ ở trẻ em, hoặc dùng mũ bảo hiểm có thể làm yếu cơ bắp ở cổ hay ảnh hưởng đến sự phát triển của cột sống của bé.

Hầu hết người lớn đội mũ bảo hiểm, tại sao lại không đội mũ bảo hiểm trẻ em cho con bạn?

Ảnh hưởng khi KHÔNG đội mũ bảo hiểm trong tai nạn giao thông

  • Tăng nguy cơ chấn thương sọ não
  • Tăng mức độ nghiêm trọng của chấn thương sọ não
  • Tăng thời gian nằm viện
  • Tăng khả năng tử vong do chấn thương sọ não

Ảnh hưởng khi đội mũ bảo hiểm trong tai nạn giao thông

  • Giảm nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của chấn thương sọ não tới 69%
  • Giảm nguy cơ tử vong lên tới 42%
  • Giảm chi phí điều trị liên quan đến tai nạn giao thông

Hãy bảo vệ con em chúng ta bằng cách trang bị mũ bảo hiểm trẻ em!

Theo (Liu B et al, Mũ bảo hiểm ngăn ngừa thương tích cho người lái xe mô tô, The Cochrane Database of Systematic Reviews, 2009)

Theo thống kê của ngành Y tế, mỗi năm trung bình cả nước có gần 2.000 trường hợp trẻ em tử vong vì tai nạn giao thông; tỷ lệ trẻ dưới 14 tuổi bị chấn thương sọ não chiếm 13,4%, gần 1/2 trong số này bị chấn thương sọ não do không đội mũ bảo hiểm. Để hạn chế những hậu quả nghiêm trọng do tai nạn giao thông gây ra, tháng 4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 34  quy định trẻ từ 6 tuổi trở lên ngồi trên xe gắn máy bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm Nghị định được ban hành, tình trạng trẻ ngồi trên xe gắn máy không được đội mũ bảo hiểm vẫn còn phổ biến.

Dạo một vòng qua các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, không khó để bắt gặp hình ảnh các em học sinh được phụ huynh đưa, đón bằng xe máy mà không hề đội mũ bảo hiểm. Khi được hỏi, phụ huynh đưa ra đủ lý do: Nhà gần trường, không cần đội mũ bảo hiểm; con không chịu đội, vội quá nên quên không đem. Một số người còn cho rằng đội mũ bảo hiểm sẽ không tốt cho đốt sống cổ khi con mình quá nhỏ.

Tại Trường tiểu học Liên Bảo, vào giờ tan trường, có rất đông phụ huynh chờ đón học sinh. Nhưng theo quan sát của chúng tôi, số học sinh đội mũ bảo hiểm tham gia giao thông vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Khi được hỏi có biết quy định về việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ, một phụ huynh thẳng thắn trả lời là có biết nhưng “không cần thực hiện”. Bởi theo chị, việc đội mũ bảo hiểm khiến trẻ bị nặng đầu, rất khó chịu. “Nhà tôi ở ngay gần trường, đi chỉ vài phút là về đến nhà nên mang theo mũ bảo hiểm thấy lỉnh kỉnh quá. Hơn nữa, cháu là con trai hay nghịch ngợm, chạy nhảy, mồ hôi ra nhiều nên không thích đội mũ bảo hiểm. Tôi cũng chưa bao giờ bị công an bắt khi chở các cháu nhỏ trên xe như thế này”. Một phụ huynh khác lại băn khoăn: “Cháu nhà tôi năm nay học lớp 2 nhưng thể trạng bé nhỏ. Tôi sợ đội mũ bảo hiểm cho cháu sẽ nặng đầu, ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là gây nguy hiểm cho đốt sống cổ nên thường chỉ cho cháu đội mũ vải khi tham gia giao thông”. 

Tại các trường ở nông thôn, tình trạng này diễn ra còn phổ biến hơn. Đa số phụ huynh ở đây đều là nông dân, dân lao động nên việc chấp hành luật giao thông còn nhiều hạn chế. Phụ huynh đến đón con thỉnh thoảng còn “quên” đội mũ bảo hiểm thì làm sao nhớ đến việc đội mũ cho con. Em Nguyễn Hà Chi, học sinh lớp 5B, trường Tiểu học thị trấn Lập Thạch chia sẻ: “Ở lớp cháu rất nhiều bạn được bố mẹ đưa đón bằng xe máy nhưng không đội mũ bảo hiểm. Không phải do các bạn ấy không thích mà tại bố mẹ không mua mũ cho. Nhiều bạn đòi mua mũ bảo hiểm còn bị bố mẹ mắng là vẽ chuyện, tốn tiền…”. 

Thực trạng không đội mũ bảo hiểm cho trẻ đang xảy ra ở rất nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh. Mặc dù từ đầu năm học, các trường đã tuyên truyền, phổ biến quy định tới toàn thể các em học sinh và các bậc phụ huynh, nhưng do chủ quan, chưa lường trước được hậu quả của việc không đội mũ cho con em mình nên nhiều phụ huynh vẫn không chấp hành, thực tế đã có nhiều tai nạn xảy ra để lại hậu quả đáng tiếc.  

Cô giáo Nguyễn Thị Sen, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Hội Hợp 2 cho hay: “Ngay từ buổi chào cờ thứ 2 tuần học đầu tiên của năm hoc mới, nhà trường đã tuyên truyền, phổ biến luật giao thông đường bộ, đặc biệt là quy định đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy cho học sinh từ lớp 1 trở lên đến toàn thể học sinh trong trường. Bên cạnh đó, trường còn phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông lồng ghép tuyên truyền vào các buổi ngoại khóa nhằm nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ... Tuy nhiên, một số phụ huynh do chủ quan hoặc do ý thức kém nên vẫn chưa chấp hành tốt quy định này”.  

Theo Nghị định 34, trẻ em từ 6 tuổi trở lên ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm thì người điều khiển bị xử phạt từ 100 - 200 ngàn đồng, song thực tế hiện nay, lực lượng chức năng mới chỉ tập trung xử phạt người lớn không đội mũ bảo hiểm; với hành vi chở trẻ em không đội mũ bảo hiểm, hầu như chưa phạt mà chủ yếu vẫn là tuyên truyền, nhắc nhở. “Chưa phạt thì chưa cần thực hiện”- đây đang là suy nghĩ của rất nhiều phụ huynh học sinh khi đưa con đến trường. Không ít người tìm cách “lách luật” bằng cách mua những loại mũ bảo hiểm thời trang, có ưu điểm là giá thành rẻ, chỉ vài ba chục nghìn đồng lại gọn, nhẹ. Tại một số cửa hàng bán mũ bảo hiểm trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, số lượng mũ bảo hiểm cho người lớn bao giờ bán cũng chạy hơn mũ cho trẻ em. Người kinh doanh cho biết, thỉnh thoảng mới có người hỏi mua mũ bảo hiểm cho trẻ con nhưng đa phần là mua những loại mũ rẻ tiền, không có thương hiệu, chưa qua kiểm định…

Trên thực tế, chưa có nghiên cứu nào chứng minh trẻ em trên 6 tuổi đội mũ bảo hiểm đúng quy chuẩn và cách thức sẽ để lại di chứng. Trẻ đội mũ bảo hiểm có chất lượng, đúng quy cách sẽ giúp giảm nguy cơ chấn thương đầu tới 69%, giảm 42% nguy cơ tử vong khi bị tai nạn giao thông.  

Việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ khi đi xe máy tham gia giao thông mang lại lợi ích rõ ràng. Điều quan trọng là các bậc phụ huynh cần thay đổi nhận thức, ý thức được việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ không phải vì để đối phó với lực lượng cảnh sát giao thông hay quy định pháp luật mà là để đảm bảo an toàn cho chính con em mình.