Cửa khẩu tân thanh khi nào mở cửa năm 2024

(HQ Online) - Để đảm bảo công tác kiểm soát XNC, XNK hàng hóa, phòng chống dịch bệnh và đảm bảo quốc phòng, an ninh để nâng cao năng lực thông quan, UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị Bộ Ngoại giao trình Chính phủ phê duyệt mở chính thức các lối thông quan Tân Thanh, Cốc Nam thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.

Cửa khẩu tân thanh khi nào mở cửa năm 2024
Hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh. Ảnh: H. Nụ

Cao điểm XK nông sản

Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, việc mở chính thức lối thông quan sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực XNK, XNC, thực hiện có hiệu quả chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong thông quan hàng hóa và hoạt động XNC. Bên cạnh đó, sẽ tạo thuận lợi tối đa cho hành khách XNC, các tổ chức, cá nhân, DN có hoạt động XNK, kinh doanh bến, bãi tại khu vực cửa khẩu.

Theo thống kê của Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, từ cuối tháng 4/2024 tới nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 400 xe chở mặt hàng hoa quả tươi lên khu vực cửa khẩu của tỉnh (chủ yếu lên cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và Tân Thanh). Để đảm bảo chất lượng các lô hàng hoa quả tươi, các cơ quan, lực lượng chức năng tại cửa khẩu đã linh hoạt thực hiện các giải pháp thúc đẩy thông quan mặt hàng này.

Theo ông Vũ Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh (Cục Hải quan Lạng Sơn), thời điểm này, trung bình mỗi ngày, chi cục làm thủ tục thông quan cho 210 xe chở hoa quả tươi, cao điểm có ngày là 270 xe, sản lượng quả tươi XK từ 8 – 10 nghìn tấn/ngày, tăng hơn 50% số lượng xe thông quan so với thời điểm cuối năm 2023. Các mặt hàng nông sản XK qua cửa khẩu Tân Thanh gồm dưa hấu, mít, xoài, thanh long, sầu riêng, tinh bột sắn…

Còn tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, mỗi ngày Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị tiếp nhận và giải quyết thủ tục cho khoảng 180 xe hàng là nông sản, trái cây tươi XK sang Trung Quốc.

Hải quan Lạng Sơn đã chỉ đạo các chi cục hải quan cửa khẩu tích cực phối hợp các lực lượng chức năng khác ưu tiên làm thủ tục cho các lô hàng hoa quả tươi; thông tin, thống nhất với lực lượng chức năng của Trung Quốc kéo dài thời gian thông quan đến 20 giờ, có cửa khẩu kéo dài đến 21 giờ hằng ngày để nâng hiệu suất thông quan. Đặc biệt, hiện tại, hai cửa khẩu có lượng thông quan xe chở hoa quả tươi lớn là cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh đều làm việc cả ngày thứ 7 và Chủ nhật.

Dự báo, những tháng tiếp theo là cao điểm thu hoạch của nhiều loại nông sản trong nước, nhất là hoa quả tươi của các tỉnh phía Nam, dẫn đến lượng xe chở hàng hóa XK đến các cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu Tân Thanh sẽ gia tăng.

Do đó, để đảm bảo hoạt động XNK được lưu thông thường xuyên, liên tục, UBND tỉnh Lạng Sơn cho rằng, sự chủ động các phương án, kế hoạch đảm bảo hoạt động biên mậu sẽ góp phần hạn chế tối đa tình trạng ùn ứ hàng hóa, tạo điều kiện cho các phương tiện thông quan an toàn, ổn định và thuận lợi. Trong đó, việc mở chính thức các lối thông quan Tân Thanh, Cốc Nam thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị sẽ như một giải pháp kịp thời nhằm nâng cao năng lực thông quan, đặc biệt đối với mặt hàng nông sản, trái cây tươi XK của Việt Nam.

Giải pháp dài hơi

Theo thống kê của Cục Hải quan Lạng Sơn, trong hơn 4 tháng đầu năm 2024, sản lượng hoa quả tươi XK qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn đạt trên 1 triệu tấn, tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm 2023. Chỉ tính riêng 8 ngày đầu của tháng 5/2024, sản lượng nông sản, trái cây tươi XK qua địa bàn đạt hơn 200 nghìn tấn.

Nhằm triển khai công tác quản lý, kiểm soát XNC, XNK hàng hóa, phòng chống dịch bệnh và đảm bảo quốc phòng, an ninh tại lối thông quan Tân Thanh (khu vực mốc 1090-1091), Cốc Nam (khu vực mốc 1104- 1105) thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (gọi tắt là Kế hoạch mở lối thông quan), UBND tỉnh Lạng Sơn đã dự thảo Kế hoạch mở lối thông quan chi tiết gửi Bộ Ngoại giao trình Chính phủ xem xét phê duyệt.

Theo đó, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết phê duyệt mở chính thức lối mở thông quan Tân Thanh, Cốc Nam, UBND tỉnh Lạng Sơn sẽ tổ chức triển khai đồng bộ Kế hoạch mở lối thông quan theo đúng Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu trên biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc, các thỏa thuận có liên quan giữa 2 nước, 2 tỉnh- khu và các văn bản quy phạm pháp luật nội bộ.

Triển khai nghiêm túc trách nhiệm quản lý nhà nước theo đúng chức năng, nhiệm vụ của sở, ban ngành và các lực lượng chức năng tại cửa khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động XNC, XNK, tăng cường thu hút đầu tư, xây dựng và khai thác hiệu quả hệ thống hạ tầng... tăng thu NSNN, xây dựng biên giới Lạng Sơn – Quảng Tây hòa bình, hữu nghị, phát triển.

Cũng theo nhận định của các lực lượng chức năng tại cửa khẩu, nếu Chính phủ công bố chính thức lối thông quan Tân Thanh, Cốc Nam thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, chắc chắn lưu lượng hàng hóa sẽ được nâng lên, bởi phương tiện hai nước có thể qua lại lãnh thổ lẫn nhau thuận lợi hơn.

Trao đổi bên lề hội nghị công bố quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư năm 2024 diễn ra ngày 21/4, ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh, Lạng Sơn đã và đang xác định được giá trị của từng cửa khẩu trên cơ sở chuyên biệt hóa các lợi thế, tiềm năng.

Trong đó, để phát triển khu kinh tế cửa khẩu thời gian tới, Lạng Sơn tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư hạ tầng ở các khu vực cửa khẩu; triển khai khẩn trương Cửa khẩu thông minh sau khi được Thủ tướng phê duyệt để đẩy mạnh thông quan, giảm chi phí dịch vụ logistics, nâng cao tính cạnh tranh, giúp hàng hóa thông quan 24/24.

Cùng với đó, Lạng Sơn phát triển khu kinh tế cửa khẩu gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định biên giới, tạo môi trường thuận lợi, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển trên cơ sở cư dân biên giới, các tỉnh biên giới cùng phát triển và cùng nhau đi lên.